Xu hướng ứng dụng công nghệ di động trong hoạt động thư viện
Sự phát triển của công nghệ di động (mobile technology) đã tạo ra một xu hướng mới cho hoạt động thư viện, đó là cung cấp các dịch vụ và khả năng truy cập vào các nguồn tài nguyên thông tin theo phương thức không những từ xa mà còn là di động. Nói một cách khác, việc ứng dụng công nghệ di động vào hoạt động thư viện giúp người dùng tin tiếp cận với các dịch vụ thư viện và các nguồn thông tin thông qua một màn hình vào bất kỳ lúc nào và không cần phải ở một vị trí cố định. Công nghệ đi động bao gồm các thiết bị di động, như là máy tính xách tay, điện thoại di động, máy tính bảng, thiết bị hệ thống định vị toàn cầu (GPS), được kích hoạt để sử dụng thông qua một loạt các công nghệ truyền thông, như là mạng không dây (Wi-Fi), kết nối các thiết bị không dây (Bluetooth), thế hệ thứ ba (3G), hệ thống toàn cầu truyền thông di động (GSM), dịch vụ vô tuyến trọn gói (GPRS).
Việc ứng dụng công nghệ di động sẽ giúp thư viện cùng một lúc cung cấp cho người dùng tin nguồn tài nguyên thông tin và hệ thống dịch vụ của mình qua 3 phương thức, hoặc qua 3 kênh phân phối khác nhau [1] (xem sơ đồ).
Tại các nước tiên tiến, ứng dụng công nghệ di động vào hoạt động thư viện được coi là xu hướng không thể tránh khỏi và vì vậy thư viện cần tích cực tiếp nhận xu hướng này [2]. Thật vậy, đây là một xu hướng tất yếu vì rất nhiều lý do. Có thể thấy, các thiết bị di động, nhất là điện thoại thông minh (smartphone) và thiết bị đọc sách ngày càng trở nên phổ biến và dễ sử dụng. Hầu như mọi người dùng tin đều có khả năng sở hữu một chiếc điện thoại di động. Cũng rõ ràng là các ứng dụng di động giúp thư viện và người dùng tin liên lạc với nhau rất kịp thời và thuận tiện, cho dù người dùng tin đang ở bất cứ nơi đâu và không cần phải ở một vị trí cố định. Thêm vào đó, bằng cách sử dụng các ứng dụng di động, thư viện có thể thu hút được giới trẻ truy cập nhiều hơn vào các nguồn thông tin của thư viện. Giới trẻ ngày nay tiếp cận rất nhanh với công nghệ và lại thích sở hữu các dòng điện thoại di động thông minh. Vì vậy các ứng dụng di động vào hoạt động thư viện sẽ tạo ra sự chú ý, sức lôi cuốn giới trẻ đến với thư viện, và hơn thế nữa sẽ tạo ra một môi trường vừa học, vừa chơi trong thư viện.
Một số ứng dụng công nghệ di động tại các thư viện đại học trên thế giới
Người dùng tin của thư viện đại học phần đông là sinh viên. Nhóm người ngày càng có đời sống gắn bó với thế giới kỹ thuật số (24/7/365). Các hoạt động của họ dường như luôn tích hợp với các tiện ích của điện thoại di động. Trước thực tiễn này, nhiều thư viện trên thế giới đã và đang tìm các hướng đi mới để người dùng tin có thể truy cập vào thông tin qua các ứng dụng công nghệ di động [3, 7]. Dưới đây là một số ứng dụng đã được triển khai vào hoạt động thư viện.
Tin báo nhắc người dùng khi tài liệu đến hạn phải trả
Tin báo nhắcngười dùng khi tài liệu đặt trước đã tới lượt mượn
Dịch vụ thông báo thông qua tin nhắn: Thư viện gửi đến người dùng tin các thông báo qua tin nhắn điện thoại hay email hay cả hai. Các thông báo này sẽ được thực hiện tự động nhờ vào hệ thống quản trị thư viện tích hợp.
Dịch vụ tham khảo qua tin nhắn: Thư viện gửi tin nhắn giải đáp cho người dùng tin đối với các thắc mắc hoặc câu hỏi mà chỉ cần trả lời ngắn gọn, ví dụ như thế nào là từ điển, giờ mở cửa hay các dịch vụ của thư viện.
Dịch vụ trả lời các câu hỏi tham khảo bằng tin nhắn SMS của thư viện đại học Nevada, Las Vegas
Truy cập OPAC qua thiết bị di động: OPAC là cổng quan trọng giúp người dùng tin truy cập tới các nguồn lực trong thư viện vì vậy cung cấp giao diện OPAC tương thích với các thiết bị di động là một ứng dụng trọng tâm khi triển khai công nghệ di động vào hoạt động thư viện. Hiện có các thư viện sử dụng dịch vụ cung cấp giao diện OPAC dành cho điện thoại di động như AirPac hay WorldCat Mobile, hay làm việc với nhà cung cấp hệ quản trị thư viện tích hợp để phát triển phiên bản OPAC cho thiết bị di động. Có thể tham khảo giao diện OPAC tương thích với điện thoại di động tại Thư viện trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) theo địa chỉ www.lib.nus.edu.sg, và Thư viện Đại học Quản lý Singapore (SMU) theo địa chỉ www.library.smu.edu.sg.
Giao diện tra cứu OPAC qua điện thoại di động của các thư viện NUS, SMU
Truy cập trang web thư viện qua thiết bị di động: Trang web thư viện được thiết kế tương thích và thu nhỏ được trên các màn hình của thiết bị di động.
Truy cập vào nguồn tài nguyên thông tin qua thiết bị di động: Các bộ sưu tập và các cơ sở dữ liệu của thư viện có thể đọc được toàn văn thông qua giao diện điện thoại di động.
Giao diện các trang web thư viện được thiết kế dựa trên tiện ích của điện thoại di động
Giới thiệu và hướng dẫn kỹ năng thông tin qua thiết bị di động: Cung cấp nội dung, hình ảnh giới thiệu thư viện và hướng dẫn kỹ năng thông tin bằng âm thanh, hình ảnh, video tương thích với thiết bị di động.
Truy cập bộ sưu tập hình ảnh bằng điện thoại di động của thư viện đại học Duke
Giao diện truy cập trên điện thoại di động tới các Cơ sở dữ liệu của nhà xuất bản PubMed và Gale
Một cách khác là cung cấp các hướng dẫn sử dụng thư viện trên các trang mạng xã hội như Facebook, Blog, Youtube. Đây là những trang xã hội được nhiều người truy cập qua giao diện điện thoại di động thông minh.
Các nội dung hướng dẫn kỹ năng thông tin của thư viện đại học WSU, NUS, NTU được thiết kế phù hợp với các thiết bị di động
Ứng dụng mã QR: QR Code, viết tắt của Quick response code (tạm dịch "Mã phản hồi nhanh") hay còn gọi là mã vạch ma trận (matrix-barcode) là dạng mã vạch hai chiều (2D). Mã vạch loại này được đọc nhờ vào một máy đọc mã vạch hay điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh (camera) với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch. Mã QR được công ty Denso Wave (Nhật Bản) xây dựng và phát triển từ năm 1994 để theo dõi các bộ phận trong xe hơi, hoặc trong quản lý kiểm kê ở nhiều ngành khác nhau. Gần đây, QR được cài đặt vào điện thoại có gắn camera nhằm làm nhẹ việc nhập dữ liệu vào điện thoại. Các thư viện dùng QR để giúp tìm kiếm vị trí tài liệu trên kệ bằng cách dùng điện thoại di động chụp mã QR của một tài liệu, màn hình điện thoại sẽ hiển thị thông tin về tài liệu như là vị trí trên kệ, bản tóm tắt, ý kiến của người đọc về tài liệu… Tương tự như vậy, QR được các thư viện sử dụng trong việc định vị các vị trí trong thư viện, nối kết đến các nguồn tin điện tử, nối kết đến thông tin giới thiệu sách thông qua thiết bị di động.
Mã QR giúp định vị tìm kiếm tài liệu trong kho sách tại thư viện Đại học Bath
Mã QR giúp liên kết đếntài liệu điện tử của trung tâm nghiên cứu Pháp luật trường cao đẳng Florida
Như vậy, cho đến nay, nhiều thư viện tiên tiến trên thế giới đã ứng dụng công nghệ di động trong việc cung cấp khả năng truy cập di động vào các nguồn lực của thư viện và tạo ra kênh liên lạc di động giữa thư viện và người dùng tin. Khái niệm M-library (thư viện điện thoại di động) đã xuất hiện bên cạnh khái niệm E-library (thư viện điện tử).
Khả năng ứng dụng công nghệ di động vào hoạt động thư viện đại học ở Việt Nam
Để xem xét và bước đầu đưa ra các nhận định về khả năng ứng dụng công nghệ di động vào hoạt động thư viện đại học ở Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ về các điều kiện liên quan đến ứng dụng công nghệ di động, thói quen và kỳ vọng của người dùng tin đối với việc ứng dụng công nghệ di động vào hoạt động thư viện. Cuộc khảo sát dựa trên các thông tin thu thập từ các nguồn tài liệu khác nhau và 100 mẫu khảo sát ngẫu nhiên tình cờ là sinh viên đến sử dụng Thư viện Trung tâm – Đại học Quốc gia, thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, đã thu nhận được một số kết quả.
Điều kiện xã hội và cơ sở hạ tầng
Theo kết quả nghiên cứu năm 2011 của Yahoo về thói quen sử dụng internet trên thiết bị di động, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển internet di động nhanh thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Malaysia. Người sử dụng internet di động của nước ta chủ yếu trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi (độ tuổi của sinh viên) và thường có thói quen sử dụng điện thoại di động thông minh với giá thành rẻ, trung bình từ 2 đến 4 triệu đồng (trong khả năng sinh viên có thể chi trả được), nhưng có đầy đủ các tính năng tiên tiến như truy cập internet và giải trí đa phương tiện bên cạnh những tính năng cơ bản như gọi và nhắn tin. Tại các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, người sử dụng internet trên điện thoại di động chủ yếu để truy cập vào các trang mạng xã hội, nhưng tại Việt Nam, chat, email và công cụ tìm kiếm được sử dụng phổ biến [5].
Cơ sở hạ tầng viễn thông của Việt Nam trong thời gian qua đã phát triển rất nhanh. Sự ra đời của các công nghệ 3G và 4G có thể trở thành phương tiện chủ yếu trong việc thực hiện các cuộc gọi hay truy cập internet để khai thác các nguồn tài nguyên và cung cấp các dịch vụ giải trí như âm nhạc, điện ảnh. Mạng 3G đã giúp gia tăng tỷ lệ phổ cập internet vì cho phép khả năng truy cập không dây và di động, giúp thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền. Hiện nay, tại Việt Nam có 7 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông gồm Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile, S-Fone, Gphone.
Với các dữ liệu vừa nêu có thể đưa ra nhận định rằng cơ sở hạ tầng hiện có hoàn toàn đáp ứng được việc ứng dụng công nghệ di động vào mọi lĩnh vực. Thói quen sử dụng thiết bị di động đã được hình thành và ngày càng có xu hướng trở nên phổ biến trong nhân dân, nhất là trong giới trẻ. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ di động vào hoạt động thư viện có khả năng rất cao.
Các công nghệ và phần mềm thư viện có thể tận dụng để triển khai các ứng dụng di động
Bên cạnh việc tham khảo các ứng dụng đã được triển khai tại một số thư viện đại học trên thế giới như đã trình bày ở trên, các thư viện có thể sử dụng các trình duyệt web miễn phí dành cho điện thoại di động thông minh như Skyfire, Safari, Mozilla’s Minimo, Google Android, Microsoft IE for Mobile, Blazer (xem các tính năng trong bảng dưới) để thiết lập các dịch vụ thư viện di động như truy cập trang web thư viện, truy cập tìm kiếm tài liệu trên OPAC, thiết lập các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến,… [4].
Các thư viện cũng có thể tận dụng các tiện ích của SMS (Short Messaging Service) để thực hiện việc cung cấp dịch vụ của mình. SMS là hình thức gửi tin nhắn văn bản được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới với điều kiện áp dụng khá đơn giản. Thư viện đăng ký một đầu số tại nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, có một địa chỉ IP tĩnh và lập trình một trang xử lý kết quả khi có tin nhắn đến. Sau khi thiết lập dịch vụ tin nhắn SMS, thư viện có thể triển khai các dịch vụ tin nhắn qua điện thoại di động như kiểm tra sách quá hạn, gia hạn sách đang mượn, kiểm tra sách đặt trước, thông tin giờ hoạt động của thư viện,…[6].
Thói quen của người dùng tin
Kết quả khảo sát 100 mẫu cho thấy sinh viên đã có thói quen sử dụng thiết bị di động và có những kỳ vọng nhất định đối với việc ứng dụng công nghệ di động trong hoạt động thư viện. Ở đây, thói quen được xem xét thông qua các yếu tố liên quan đến đặc điểm của thiết bị di động và mục đích sử dụng các thiết bị này.
Các loại điện thoại di động được sử dụng phổ biến: Thiết bị được sử dụng phổ biến nhất là điện thoại di động, 99% sinh viên có thiết bị này. Trong đó, Nokia là nhãn hiệu được nhiều người sử dụng nhất (50,5%), tiếp theo là Samsung (22,3%), Apple (2,9%), Motorola (2,9%), và cuối cùng là các dòng điện thoại khác bao gồm Q-Mobile, BlackBerry, LG, Sony (21,4%) (Xem biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Nhãn hiệu của thiết bị di động
Tính năng phổ biến của điện thoại di động: Hầu hết các tính năng điện thoại di động của sinh viên đều đáp ứng đầy đủ các tính năng tiên tiến như truy cập internet và giải trí đa phương tiện bên cạnh những tính năng cơ bản như gọi và nhắn tin. Cụ thể như sau: tính năng nghe gọi (99%), nhắn tin (98%), nghe nhạc (87.8 %), chụp hình (76.5%), quay video (72.4%), truy cập internet (74.5%), chat (46.9%), kiểm tra email (41.8%) (xem biểu đồ 2). Như vậy, phần lớn sinh viên đã có thiết bị thích hợp để sử dụng các dịch vụ di động nếu thư viện cung cấp.
Biểu đồ 2: Các tính năng của điện thoại di động
Mục đích sử dụng điện thoại di động: Thói quen sử dụng điện thoại di động của sinh viên chủ yếu là nghe gọi (95%), nhắn tin (94%) và nghe nhạc, chụp hình, quay video (70%). Bên cạnh đó, một điều đáng mừng là có một lượng đáng kể sinh viên dùng điện thoại để xem tin tức (47%) và kiểm tra email (24%) (xem Biểu đồ 3). Như vậy, với thói quen đã được hình thành này, khả năng rất lớn là sinh viên sẽ dùng điện thoại di động để tiếp cận với dịch vụ thư viện, nếu thư viện cung cấp.
Biểu đồ 3: Mục đích sử dụng điện thoại di động
Kỳ vọng của người dùng tin: Sinh viên đã thể hiện mong muốn thư viện cung cấp dịch vụ qua điện thoại di động. Cụ thể là dịch vụ gia hạn mượn tài liệu và thông báo mượn tài liệu quá hạn được sinh viên mong muốn nhiều nhất (77%), tiếp theo là dịch vụ tra cứu tài liệu (68%), dịch vụ thông báo tài liệu mới (67%), dịch vụ đặt trước tài liệu (59%), dịch vụ thông báo sách đặt trước sẵn sàng (53%), dịch vụ trả lời dịch vụ cung cấp thông tin (35%) và xem toàn văn tài liệu (30%) (Xem biểu đồ 4).
Biểu đồ 4: Các dịch vụ mong muốn được thư viện cung cấp qua điện thoại di động
Việc khảo sát tại một thư viện này chưa thể mang tính đại diện cho phần lớn thư viện đại học, tuy nhiên có thể đi đến nhận định ban đầu là sinh viên tại các trường đại học thuộc các thành phố lớn đã có thói quen sử dụng và có khả năng chi trả cho thiết bị điện thoại di động. Họ cũng đã có mong muốn thư viện cung cấp các dịch vụ thông qua điện thoại di động. Kết quả khảo sát cũng đưa ra được danh sách các dịch vụ thư viện nên ưu tiên triển khai.
Kết luận
Việc ứng dụng công nghệ di động vào hoạt động thư viện đã và đang là một xu thế tất yếu, được nhiều thư viện thế giới triển khai thành công. Đối với các thư viện Việt Nam, các ứng dụng di động vẫn còn rất hạn chế. Tuy vậy, các quan sát và khảo sát ban đầu như vừa trình bày đã cho thấy các trường đại học có khả năng rất lớn trong việc triển khai ứng dụng công nghệ di động vào việc cung cấp các dịch vụ thông tin - thư viện. Cơ sở hạ tầng đã có, công nghệ và phần mềm rẻ tiền đã có, thói quen sử dụng thiết bị di động và kỳ vọng của người dùng tin đối với thư viện cũng đã có. Chính vì vậy, các thư viện cần tận dụng những điều kiện đã có này để triển khai ứng dụng công nghệ di động trong hoạt động thư viện.
Việc triển khai ứng dụng đòi hỏi thư viện phải hiểu biết chính xác về điều kiện, thói quen và kỳ vọng của người sử dụng, đồng thời phải tiến hành xem xét để lựa chọn được giải pháp công nghệ phù hợp. Việc xem xét giải pháp công nghệ có thể tham khảo từ kinh nghiệm của các thư viện trên thế giới. Trên cơ sở đó, thư viện thực hiện việc tập huấn cho nhân sự, và xây dựng nội dung cho các dịch vụ được ưu tiên triển khai. Những thử nghiệm ban đầu chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên xu hướng đã hình thành và các điều kiện cần thiết cho ứng dụng công nghệ di động đã có. Vì vậy, các thư viện chúng ta cần nỗ lực tìm cách thích ứng với cơ hội và thách thức mới này.
Tài liệu tham khảo
1. Choy Fatt Cheong. “Digital library services: towards mobile learning”, http://dr.ntu.edu.sg/bitstream/handle/10220/6286/KNUAS-Seminar-20100113-CFC.pdf?sequence=1 (Ngày truy cập 30/6/2011).
2. Guannan Liu. “Mobile Applications for Library Services and Resources”. LIS 694, Summer 2011, www2.hawaii.edu/~guannan/AppforLib.pdf (Ngày truy cập 27/7/2011).
3. Lippincott, Joan. “Mobile technology, mobile user: Implications for academic libraries” / Joan Lippincott. ARL Current Issues, 261, December 2008, www.arl.org/bm~doc/arl-br-261-mobile.pdf (Ngày truy cập 30/6/2011)
http://oedb.org/blogs/ilibrarian/2011/mobile-technology-in-libraries/ (Ngày truy cập 30/6/2011).
4. Thông tấn xã Việt Nam, http://www.ipp.gov.vn/index.php?option=comcontent& view=article&id=419:vietnam-tops-mobile-net-spending-in-asean&catid=16:innovation-news&Itemid=27&lang=vi (Ngày truy cập 27/7/2011).
5. Trung tâm Học liệu Thái Nguyên. “Ứng dụng công nghệ tin nhắn SMS phục vụ bạn đọc tại TTHL Thái Nguyên”, http://www.lrc.ctu.edu.vn/bantin/chuyen-de/22-chuyen-de/208-ng-dng-cong-ngh-tin-nhn-sms-phc-v-bn-c-ti-tthl-thai-nguyen.html?tmpl=component&print=1&page= (Ngày truy cập 30/6/2011).
___________
TS. Nguyễn Hồng Sinh - Hoàng Thị Hồng Nhung
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 3. - Tr. 46-52.
< Prev | Next > |
---|
- Một số suy nghĩ về đánh giá cán bộ trong hoạt động thông tin - thư viện
- Triết lý cho sự phát triển thư viện hiện nay
- Tìm lời giải cho bài toán đào tạo kỹ năng đối với sinh viên ngành thư viện - thông tin đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng
- Một số định hướng đầu tư phát triển hoạt động thông tin - thư viện và thống kê khoa học và công nghệ
- Thư viện số ELIB giải pháp phát triển và chia sẻ nguồn tài nguyên số trong các thư viện trường đại học, cao đẳng
- Suy nghĩ về cách thức tổ chức các loại hình dịch vụ thư viện trong các trường đại học, cao đẳng
- Đánh giá hoạt động thông tin - thư viện ở bệnh viện Việt Nam
- Văn hoá đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển
- Về tình hình phát triển nguồn nhân lực thông tin – thư viện ở Lào hiện nay
- Xây dựng tiêu chuẩn về tổ chức và hoạt động cho thư viện đại học Việt Nam