Hợp tác liên thư viện giữa các thư viện đại học tại việt nam: Cơ hội và thách thức

E-mail Print

Đặt vấn đề

Hợp tác liên thư viện là một trong những khuynh hướng nổi bật của các thư viện trên thế giới vì những lợi ích mà hoạt động này mang lại cho các thư viện cũng như người sử dụng. Hiện nay hợp tác và liên kết không còn là vấn đề mới đối với các thư viện tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề này vẫn chưa thực sự nhận được sự quan tâm bởi chính các thư viện nói chung và thư viện đại học nói riêng. Sự hợp tác, liên kết giữa các thư viện tại Việt Nam chủ yếu còn dựa trên những mối quan hệ sẵn có và riêng rẽ, chưa mang tính hệ thống.

Hoạt động hợp tác, liên kết giữa các thư viện tại Việt Nam nói chung và các thư viện đại học nói riêng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Chính những yếu tố này đã tạo ra một số cơ hội và thách thức đối với hoạt động hợp tác liên thư viện. Việc nhìn nhận được những cơ hội cũng như thách thức sẽ giúp cho các thư viện đại học tại Việt Nam tìm ra được hướng đi đúng trong quá trình thực hiện công tác này.

1. Khái niệm hợp tác liên thư viện (Interlibrary collaboration)

Theo Shreeves, khái niệm hợp tác liên thư viện luôn đi kèm với thuật ngữ chia sẻ nguồn lực bao gồm truy cập dữ liệu thư mục chung, mượn liên thư viện và phát triển các bộ sưu tập chung [10]. Như vậy có thể dễ dàng nhận thấy rằng mục đích của hoạt động hợp tác liên thư viện là nhằm đáp ứng cho nhu cầu chia sẻ của các thư viện. Các thư viện luôn mong muốn biết được thư viện khác có những nguồn lực gì để thực hiện việc chia sẻ như sử dụng chung dữ liệu thư mục; sử dụng các dịch vụ vận chuyển tài liệu, mượn liên thư viện và xây dựng các bộ sưu tập dùng chung.

Keenan và Johnston giải thích thuật ngữ hợp tác liên thư viện như là sự thỏa thuận hợp tác giữa các thư viện để đạt được những lợi ích chung. Sự thỏa thuận này cho phép các thư viện thành viên truy cập vào cùng một hệ thống mạng, biên mục tập trung, lưu trữ chung… [4].

Tương tự như vậy, Prytherch chỉ ra rằng hợp tác liên thư viện là sự thỏa thuận hợp tác được tạo ra bởi các thư viện để thực hiện một số chức năng như cho mượn liên thư viện, quản lý các bộ sưu tập phối hợp, lưu trữ, biên mục hợp tác, truy cập mạng, tập huấn nhân viên… [7].

Dựa trên quan điểm của Keenan, Johnston và Prytherch, Reitz tin rằng hợp tác liên thư viện là phương pháp mà các thư viện và hệ thống thư viện làm việc cùng nhau vì những lợi ích chung cho người sử dụng, bao gồm biên mục tập trung, trao đổi thông tin thư mục, xây dựng mục lục chung, chia sẻ nguồn lực…

Như vậy, hiểu một cách đơn giản, hợp tác liên thư viện là thuật ngữ được sử dụng cho hoạt động hợp tác giữa hai hay nhiều thư viện nhằm đạt được những lợi ích chung. Phân tích ý nghĩa của thuật ngữ hợp tác liên thư viện giúp nhận ra được những khía cạnh của hoạt động hợp tác, kết giữa các thư viện.

Thứ nhất, các thư viện có thể mượn và cho mượn tài liệu lẫn nhau. Các thư viện thành viên cung cấp các đường dẫn trực tiếp đến mục lục trực tuyến của các thư viện khác. Nhờ đó, người  sử dụng có thể dễ dàng xác định được vị trí tài liệu bằng cách sử dụng mục lục chung và họ cũng có thể đưa ra yêu cầu mượn liên thư viện hay đi đến mượn trực tiếp tại thư viện quản lý tài liệu đó.

Thứ hai, các thư viện có thể xây dựng mục lục tra cứu chung cho toàn bộ hệ thống. Đây chính là điều kiện cần thiết để các thư viện tiến hành việc mượn liên thư viện. Để làm được điều này thì hoạt động biên mục tập trung cần phải được đẩy mạnh giữa các đơn vị thành viên.

Thứ ba, hợp tác liên thư viện tập trung vào việc chia sẻ ý tưởng và thông tin giữa các thư viện thành viên cũng như cung cấp các khóa huấn luyện cho nhân viên và người sử dụng. Cuối cùng, chia sẻ nguồn lực điện tử trở nên ngày càng phổ biến vì sự phát triển của Internet. Các thư viện có thể cung cấp cho người sử dụng nguồn tài liệu điện tử, đặc biệt là tài liệu toàn văn với giá thành thấp, thậm chí là miễn phí.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác liên thư viện

Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác liên thư viện bao gồm 2 nhóm: các yếu tố nội sinh và các yếu tố ngoại sinh. Trong đó, các yếu tố nội sinh xuất phát từ trong chính bản thân các thư viện và có liên quan chặt chẽ đến hoạt động hợp tác, liên kết giữa các thư viện. Các yếu tố ngoại sinh nảy sinh từ người dùng tin và các hoạt động trong xã hội như kinh tế, chính trị…

2.1. Các yếu tố nội sinh

Con người

Con người được xem là một trong những yếu tố có tác động mạnh mẽ đến sự thành công của hoạt động hợp tác liên thư viện. Yếu tố này được thể hiện ở hai khía cạnh: Thái độ và Năng lực.

Thứ nhất, thái độ của những người làm công tác quản lý, lãnh đạo cũng như của cán bộ thư viện đối với hoạt động hợp tác, liên kết đóng mộ vai trò quan trọng trong hoạt  động hợp tác liên thư viện. Trong bối cảnh việc hợp tác giữa các thư viện tại Việt Nam còn chủ yếu dựa trên những mối quan hệ sẵn có chứ chưa mang tính hệ thống và bắt buộc thì thái độ hợp tác nghiễm nhiên trở thành yếu tố quan trọng quyết định việc tạo dựng và duy trì sự hợp tác lâu dài. Bên cạnh đó, hợp tác đồng nghĩa với việc cán bộ thư viện tại các đơn vị thành viên sẽ phải làm việc với nhau trong một thời gian dài. Trong quá trình đó sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn hay bất đồng quan điểm trong cách làm việc. Việc thiếu đi thái độ hợp tác giữa các cá nhân cũng sẽ dẫn đến việc hợp tác không hiệu quả khi họ không tìm ra được tiếng nói chung trong các dự án hợp tác.

Thứ hai, năng lực của cán bộ thư viện cũng là yếu tố góp phần giúp đạt được sự hợp tác hiệu quả. Năng lực này được thể hiện ở các khía cạnh như khả năng giao tiếp, kỹ năng sống, kỹ năng công nghệ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… Sự quá khác biệt hay quá chênh lệch trong năng lực của cán bộ thư viện thuộc các đơn vị thành viên cũng sẽ dẫn đến những khó khăn trong hoạt động hợp tác, vì hợp tác nghĩa là các đơn vị thành viên sẽ tiếp nhận những ứng dụng công nghệ chung, chương trình huấn luyện chung…

Tài chính

Tài chính cũng được xem là một yếu tố có thể tạo nên hay phá vỡ những nỗ lực hợp tác. Hợp tác đồng nghĩa với việc các thư viện có sự chia sẻ về mặt tài chính để thực hiện các dự án chung như mua phần mềm, mua cơ sở dữ liệu... Sự thiếu hụt tài chính có thể dẫn đến nhu cầu hợp tác, liên kết khi các thư viện không thể phục vụ tốt người sử dụng nếu chỉ dựa trên nguồn tài chính của chính đơn vị họ. Việc hợp tác với các thư viện khác sẽ cho phép các thư viện tận dụng nguồn lực của nhau để tiết kiệm chi phí. Khi đó các thư viện nhỏ hơn sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn khi họ tận dụng được nguồn lực từ các thư viện lớn. Về mặt lý thuyết, các thư viện lớn có thể phải chi trả phần chi phí nhiều hơn so với các thư viện nhỏ trong các dự án hợp tác. Tuy nhiên, các thư viện cần phải duy trì sự ổn định về mặt tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính góp chung trong các dự án hợp tác để đảm bảo sự hợp tác lâu dài. Sự không phân chia minh bạch về tài chính cũng như thiếu tính ổn định trong nguồn tài chính góp chung sẽ tạo ra những khó khăn trong việc duy trì các dự án hợp tác. Ví dụ, các thư viện phải bỏ ra một phần kinh phí hằng năm để duy trì việc sử dụng các cơ sở dữ liệu. Nếu một trong số các thư viện mất đi khả năng chi trả thì các thư viện khác cũng phải đối mặt với việc ngừng sử dụng cơ sở dữ liệu đó.

2.2. Các yếu tố ngoại sinh

Người dùng tin

Người dùng tin là một yếu tố có ảnh hưởng đến việc tạo lập cũng như duy trì sự hợp tác, liên kết giữa các thư viện. Đối tượng phục vụ của thư viện là người dùng tin. Chính vì thế, việc có tạo lập và duy trì sự hợp tác hay không hay hợp tác trên phương diện gì đều chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu của người sử dụng. Ví dụ, mượn liên thư viện là một hoạt động nhỏ nằm trong hợp tác liên thư viện. Tuy nhiên, nếu người sử dụng không hề có nhu cầu sử dụng tài liệu từ các thư viện khác thì hoạt động này rất khó có thể thực hiện được.

Kinh tế

Yếu tố kinh tế có vai trò quan trọng đối với hoạt động hợp tác liên thư viện. Cụ thể, nó ảnh hưởng đến sự đầu tư cho các thư viện nói chung và hoạt động hợp tác liên thư viện nói riêng. Nếu nền kinh tế phát triển thì các đơn vị chủ quản, các trường đại học sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn về mặt tài chính. Khi đó các thư viện sẽ nhận được nguồn tài chính lớn hơn, ổn định hơn để duy trì và phát triển các dự án của mình nói chung, các dự án hợp tác nói riêng.

Chính trị

Yếu tố chính trị có ảnh hưởng đến hoạt động của các thư viện nói chung và sự hợp tác giữa các thư viện nói riêng. Cụ thể, thông qua hệ thống luật và văn bản dưới luật, chính sách và cơ chế điều hành của Chính phủ và các tổ chức chính trị - xã hội liên quan đến thư viện, các thư viện nhận ra được khuynh hướng cũng như cơ hội của mình khi thực hiện các dự án hợp tác. Ví dụ, các quy định của Chính phủ đối với quyền hạn và nhiệm vụ của các thư viện, các quy định về bản quyền khi thực hiện việc chia sẻ, phân phối các nguồn tài liệu điện tử…

Công nghệ

Hoạt động hợp tác liên thư viện cũng chịu sự tác động mạnh mẽ bởi yếu tố công nghệ.  Theo như Verzora, sự gia tăng các nguồn lực điện tử, việc sử dụng Internet và lưu trữ số đang tạo ra những nền tảng cho sự hợp tác. Sự phát triển của công nghệ sẽ có ảnh hưởng đến phương thức hợp tác giữa các thư viện [11]. Trên cơ sở đó các chương trình hợp tác mới sẽ có những điểm khác biệt so với những dự án hợp tác trước đây.

3. Cơ hội đối với hoạt động hợp tác liên thư viện của các thư viện đại học tại Việt Nam

Nhu cầu của người dùng tin thúc đẩy hoạt động hợp tác, liên kết giữa các thư viện đại học tại Việt Nam

Đối tượng phục vụ chủ yếu của các thư viện đại học gồm cán bộ lãnh đạo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên và sinh viên. Các đối tượng này ngày càng quen với việc sử dụng các cơ sở dữ liệu điện tử cũng như nhu cầu sử dụng tài liệu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập ngày càng tăng. Trên thực tế, nhu cầu này đôi khi vượt quá khả năng phục vụ của các thư viện. Chính vì thế, hoạt động hợp tác, liên kết giữa các thư viện cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của người sử dụng.

Cơ hội dành cho hoạt động hợp tác liên thư viện giữa các thư viện đại học tại Việt Nam xuất phát từ yếu tố kinh tế

Sự khủng hoảng kinh tế trong những năm gần đây đã phần nào làm ảnh hưởng đến nguồn đầu tư cho các thư viện đại học. Việc cắt giảm kinh phí này dẫn đến các thư viện cần xem xét lại nguồn tài chính cho công tác bổ sung và duy trì các nguồn lực. Trong hoàn cảnh đó thì hợp tác liên thư viện là một giải pháp cứu cánh giúp các thư viện vượt qua những khó khăn về tài chính. Như vậy, vô hình chung những biến động về kinh tế đã góp phần làm nảy sinh nhu cầu và thúc đẩy hoạt động hợp tác liên thư viện đại học tại Việt Nam.

Sự phát triển của công nghệ thông tin và gia tăng sử dụng Internet cũng mang lại cơ hội cho sự hợp tác, liên kết giữa các thư viện đại học tại Việt Nam

Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của các nguồn tài liệu điện tử và sự phát triển của thư viện số. Điều này đã làm cho các dự án hợp tác ngày càng vượt xa những chương trình hợp tác truyền thống. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều thông tin trên Internet hoàn toàn miễn phí. Thậm chí nếu chúng không miễn phí thì giá thành cũng rẻ hơn rất nhiều. Một khi cơ sở hạ tầng mạng đã ổn định thì chi phí cho thông tin điện tử sẽ trở nên rất nhỏ. Điều này đồng nghĩa rằng các đơn vị hợp tác mà sử dụng Internet như là nền tảng hoạt động và áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của thư viện thì thông tin mà họ chia sẻ sẽ trở nên rẻ hơn rất nhiều khi so sánh với thông tin được in ra và vận chuyển xa. Công bằng mà nói, mỗi một cơ quan thông tin, thư viện đều có bộ sưu tập của chính họ để phục vụ cho cộng  đồng người sử dụng một cách miễn phí hay gần như miễn phí. Tuy nhiên, nguồn tài liệu điện tử cho phép các thư viện vượt qua được rào cản về mặt địa lý để cung cấp nguồn tài liệu toàn văn cho người sử dụng. Một lượng lớn tài liệu giấy sẽ không cần phải vận chuyển xa. Đối với việc trao đổi tài liệu, nếu các tài liệu điện tử bị mất trong quá trình truyền, họ có thể thực hiện chuyển lại một cách dễ dàng.

Hoạt động thư viện ngày càng được chú trọng

Nhà nước ngày càng quan tâm đến việc đầu tư cho phát triển thư viện, cụ thể là Chiến lược phát triển ngành thư viện đến năm 2020. Bên cạnh đó các cơ quan quản lý nhà nước về thư viện đã được kiện toàn. Các thư viện hoạt động theo phương hướng chỉ đạo chung của Nhà nước là “thống nhất, chuẩn hoá, chia sẻ và hội nhập”.Đồng t ời, trong dự thảo Luật thư  viện Việt Nam, vấn đề chia sẻ hợp tác cũng được nhắc đến như là chức năng, nhiệm vụ của thư viện chuyên ngành. Chính điều này đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của các cơ  quan thông tin, thư viện nói chung và hợp tác nói riêng.

4. Thách thức

Văn hoá hợp tác vẫn chưa thực sự phát triển trong môi trường hoạt động của các thư viện đại học tại Việt Nam

Hợp tác là làm việc cùng nhau cho một mục đích chung. Điều này đồng nghĩa với việc các thư viện phải hy sinh sự độc lập và tự do của mình để tìm kiếm sức mạnh trong các nguồn lực. Khi đó các thư viện sẽ biểu đạt trên cùng một tiếng nói, giải quyết các vấn đề trong cùng một ngân sách và thực hiện một kế hoạch hành động khi tham gia vào các dự án hợp tác. Tuy nhiên, xuất phát từ việc thiếu sự phối hợp, đặc biệt trong lĩnh vực chia sẻ nguồn lực thông tin nên các thư viện đại học tại Việt Nam vẫn chưa quen với các hoạt động hợp tác, liên kết. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh, ngờ vực, chỉ trích cá nhân, chủ nghĩa địa  phương, cục bộ, lo sợ thất bại, không sẵn lòng để mạo hiểm, sự không tự nguyện chia sẻ các bộ  sưu tập có giá trị là những rào cản vẫn còn đang tồn tại trong môi trường hoạt động của các thư viện đại học tại Việt Nam.

Nhiều nhà quản lý, cán bộ thư viện tại Việt Nam vẫn chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng cũng như những lợi ích to lớn mà hợp tác liên thư viện mang lại cho đơn vị mình. Trong nhiều trường hợp, họ vẫn nhận thức được vai trò của hợp tác liên thư viện nhưng lại thiếu sự nhiệt tình và sẵn sàng khi tham gia vào các hoạt động hợp tác, liên kết. Trong khi đó, hợp tác liên thư viện tại Việt Nam vẫn chưa mang tính hệ thống và chưa mang tính bắt buộc. Hoạt động này vẫn còn dựa vào các mối quan hệ sẵn có của các thư viện là chủ yếu. Chính vì thế, làm thế nào để các nhà quản lý cũng như cán bộ thư viện sẵn sàng  tham gia vào các hoạt động hợp tác, liên kết và xem hợp tác như là một điều hiển nhiên và cần thiết là một thách thức không nhỏ.

Một kinh nghiệm rất quan trọng khi thực hiện việc hợp tác đó là các kế hoạch hành động cần phải rõ ràng, cụ thể, phân chia công việc hợp lý để đảm bảo các thư viện hoàn thành đúng trách nhiệm của mình. Kế hoạch hợp tác phải giúp cho các đơn vị thành viên nhận thấy là họ đang được nhận những lợi ích. Đồng thời kế hoạch cần phải linh hoạt, thích hợp với tình huống thay đổi, tập trung và thực tế. Các thư viện cần tạo ra các sự kiện, dự án, hay thiết lập các đội nhóm để liên kết cán bộ thư viện lại với nhau. Thông qua các hoạt động này cán bộ thư viện có thể chia sẻ những kinh nghiệm và xem xét những khó khăn trong quá trình hợp tác. Từ đó giúp cải thiện môi trường hợp tác.

Sự khủng hoảng kinh tế trong những năm gần đây đã có ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững của các dự án hợp tác liên thư viện

Như đã phân tích ở trên, yếu tố kinh tế vừa tạo ra cơ hội nhưng đồng thời cũng mang lại thách thức cho hoạt động hợp tác của các thư viện đại học tại Việt Nam. Sự khủng hoảng kinh tế thổi phồng sự khác biệt giữa các tổ chức lớn, các tổ chức mới và nhỏ hơn cũng như các thư viện của họ. Sự khủng hoảng này đã dẫn đến sự cắt giảm đột ngột nguồn tài chính của các thư viện. Điều này khiến cho sự hợp tác giữa các thư viện trong tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi nguồn tài chính góp chung bị thiếu tính ổn định. Đây cũng được xem là khó khăn chung đối với các thư viện trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển khi mà sự tài trợ chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian giới hạn. Điều này cản trở sự hợp tác lâu dài giữa các thư viện vì các thư viện không có ngân sách để tiếp tục các hoạt động hợp tác và điều này đồng nghĩa với việc sự hợp tác sẽ kết thúc khi nguồn tài trợ không còn nữa. Làm thế nào để duy trì sự hợp tác với những biến động về mặt tài chính là một thách thức đối với các thư viện đại học Việt Nam.

Đối với sự hợp tác trong lĩnh vực số hóa, việc chia sẻ tài liệu số hóa bị cản trở bởi vấn đề bản quyền

Làm thế nào để có thể tận dụng được tối đa nguồn tài liệu điện tử thông qua việc chia sẻ cho các thư viện thành viên phục vụ người sử dụng nhưng vẫn đảm bảo được vấn đề bản quyền là một thách thức với các thư viện đại học tại Việt Nam. Đối với tài liệu số hóa các thư  viện trước tiên nên tập trung vào chia sẻ tài liệu lịch sử và văn bản của chính phủ là những tài liệu miễn phí bản quyền. Tiếp đến việc chia sẻ các bản số hóa luận văn, luận án cũng cần được thực hiện dựa trên tinh thần đồng ý của tác giả. Chúng ta phải đề ra chính sách bảo vệ quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ trong khi triển khai một hệ thống thông tin có tính mở.

Sự đầu tư về cơ sở hạ tầng và chất lượng cán bộ ở các thư viện không đồng đều

Đa phần sự đầu tư tập trung vào các thư viện, cơ quan thông tin lớn. Mức độ đầu tư chênh lệch quá lớn giữa các đơn vị, thiết bị và công nghệ chắp vá… là một số ít trong số các thực trạng tồn tại ở các thư viện đại học Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công nghệ… của cán bộ thư viện cũng không đồng đều. Chính những vấn đề này đã gây ra không ít khó khăn khi các thư viện này kết hợp với nhau trong các dự án hợp tác.

Kết luận

Các thư viện đại học tại Việt Nam đang nắm trong tay không ít những cơ hội để đẩy mạnh hoạt động hợp tác liên thư viện. Đồng thời họ cũng phải đối mặt với không ít khó khăn cũng như thách thức để tạo lập và/hoặc duy trì hoạt động này. Tùy vào điều kiện thực tế của thư viện và các dự án hợp tác, các thư viện có thể tìm ra được giải pháp để tận dụng các cơ hội cũng như giải quyết các khó khăn.

Tài liệu tham khảo

1. Vụ Thư viện. Báo cáo về Dự thảo Luật Thư viện lần thứ 2, tháng 6/2011.

2. Allen, B. M. & Arnold, H. Hanging togethe to avoid hanging separately: opportunities for academic libraries and consortia // Information Technology and Libraries. – 1998. – Vol. 17, No. 1. - p. 36-44.

3. Gaetz, I. Snapshot of library collaboration // Collaborative Librarianship. – 2011. – Vol. 3, No. 4. - p. 186.

4. Keenan, S. & Johnston, C. Concise dictionary of library and information science. - 2nd ed. -  West Sussex : Bowker-Saur, 2000.

5. Kupperman, G. S. Interlibrary loan on a shoestring: small library, big service // Journal of Interlibrary Loan, Document Delivery & Electronic Reserve. – 2008. – Vol. 18, No. 2. - p. 239-245.

6. lugya, F. K. Successful resource sharing in academic and research libraries in Illinois: lessons for developing countries. - Master thesis : University of Illinois at Urbana-Champaign, 2010.

7. Prytherch, R. Harrod’s librarians’ glossary and reference book: a directory of over 10200 terms, organizations, projects and acronyms in the areas of information management, library science, publishing and archive management. - 10th ed. - Hants : Ashgate, 2005.

8. Reitz, J. M. Dictionary for library and information science. - Westport, CT : Libraries Unlimited, 2004.

9. Shepherd, M. C. The truth in the details, lessons in inter-university library collaboration // the International Association of Technological University Libraries (IATUL) Conference, Pretoria 1-5th June, 1998.

10. Shreeves, E. Is there a future for cooperative collection development in the digital age? // Library Trends. – 1997. - Vol. 45, No. 3. - p. 373-390.

11. Sugnet, C. Collaboration – No better time for libraries: An interview with Dr. Camila Alire, President-elect, 2008-2009, American Library Association // Collaborative Librarianship. – 2009. – Vol. 1, No. 1. - p. 13-17.

12. Verzosa, F.A.M. The Future of Library Cooperation in Southeast Asia // Asian Library and Information Conference (ALIC) on Libraries – Gateways to Information and Knowledge in the Digital Age, Bangkok 21-24th November. ALIC, 2004.

__________

ThS. Ngô Thị Huyền

Trường ĐH KHXHNV Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 5. - Tr. 20-25.


Đọc thêm cùng chuyên mục: