Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy chuyên ngành thư viện - thông tin học (TV-TTH), đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn lực cán bộ thư viện - thông tin (CBTVTT) chất lượng cao không còn là vấn đề mới mẻ đối với các nhà lãnh đạo, các chuyên gia và những người quan tâm đến chất lượng giáo dục. Nhiều công trình nghiên cứu, bài viết, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm đã được thành lập ở phạm vi trong và ngoài nước nhằm đánh giá thực trạng, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất những giải pháp khác nhau về vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên TV-TTH, đặc biệt là đội ngũ giảng viên (GV) trẻ tại các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành TV-TTH.
1. Vai trò của kinh nghiệm thực tế đối với quá trình nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trẻ ngành thư viện - thông tin học
Trong mối quan hệ giáo dục đại học, GV nói chung, giảng viên thư viện (GVTV) nói riêng có ý nghĩa rất lớn, góp phần quyết định trực tiếp đến chất lượng đào tạo đội ngũ CBTVTT, trong khi đó, nhu cầu thực tiễn từ các nhà tuyển dụng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sinh viên (SV) sau khi tốt nghiệp. Theo quan điểm về vai trò GV ở một số quốc gia hiện nay, GV vừa là nhà giáo, nhà nghiên cứu và là nhà cung ứng dịch vụ. Mối quan hệ tương hỗ giữa kinh nghiệm thực tiễn của GV trẻ đối với các vai trò này được thể hiện rõ rệt trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Vận dụng kinh nghiệm thực tế tại thư viện, trung tâm thông tin (TTTT) của GVTV trẻ trong quá trình thể hiện vai trò nhà giáo: Với vai trò là nhà giáo, GVTV trẻ phải đảm bảo trang bị bốn nhóm kiến thức và kỹ năng cơ bản gồm có kiến thức chuyên ngành, kiến thức về chương trình đào tạo, kiến thức và kỹ năng về dạy và học, kiến thức về môi trường giáo dục, hệ thống giáo dục nói chung, ngành TV-TTH nói riêng. Trước hết, ngoài kiến thức chuyên ngành và chuyên môn, đội ngũ GVTV trẻ cần phải tích lũy kinh nghiệm thực tiễn chuyên sâu về chuyên môn, chuyên ngành mà mình đảm trách. Bên cạnh đó, GV phải nắm rõ chương trình đào tạo, xu hướng liên ngành, điều kiện tiên quyết của các môn học khác trong chương trình đào tạo nhằm xác định được vị trí của chuyên môn, chuyên ngành trong bức tranh tổng thể của toàn ngành. Chẳng hạn, khi giảng dạy môn Phân loại tài liệu, GVTV trẻ cần phải tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của các môn học khác như xây dựng nguồn tài nguyên thông tin, biên mục mô tả, biên mục chủ đề và các môn liên quan. Từ đó, GVTV trẻ có thể định hướng cho SV cách đánh giá mối quan hệ giữa các môn học trong và ngoài ngành.
Tùy thuộc vào từng phân môn trong ngành TV-TTH, GV tự tích lũy, chọn lọc và thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu của từng môn học. Đặc biệt, đối với môn học có tính chất kỹ thuật, sử dụng trực tiếp những phần mềm, công cụ nghiệp vụ để tạo ra sản phẩm, GV phải đảm bảo áp dụng các phương pháp giảng dạy, chú trọng đến kỹ năng thực hành và hướng dẫn SV thực hành. Một GV trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn khi giảng dạy, hướng dẫn thực hành môn Biên mục chủ đề nếu như bản thân GV chỉ có thể vận dụng những lý thuyết trong bài giảng mà không thành thạo kỹ năng biên mục tại một hoặc một số TV, TTTT; hoặc khi hướng dẫn thực hành môn Thư viện số, bản thân mỗi GV phải hiểu rõ và sử dụng tốt các phần mềm để hướng dẫn cho SV trong quá trình thực hành.
Kiến thức về môi trường giáo dục, hệ thống giáo dục và những vấn đề liên quan đến giáo dục cũng góp phần quan trọng hình thành nên vai trò nhà giáo, đặc biệt đối với đội ngũ GVTV trẻ. Thực chất, GVTV không hẳn giữ vai trò trực tiếp trong giáo dục đạo đức hay các giá trị sống cho SV, tuy nhiên đây là giai đoạn mỗi SV có thể tự xác định và hình thành những quan điểm sống, những giá trị đạo đức nói chung, đạo đức nghề nghiệp ngành TV-TTH thông qua quá trình truyền đạt, giảng dạy của mỗi GV. Với những kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy từ thực tế, GVTV trẻ cũng chính là đội ngũ hỗ trợ xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ CBTVTT trong suốt quá trình đào tạo tại trường. Mặt khác, GVTV trẻ cũng có những điều chỉnh trong quá trình soạn bài giảng, biên soạn giáo trình hay lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp.
Vai trò của kinh nghiệm thực tế trong nghiên cứu khoa học của đội ngũ GVTV trẻ: Hoạt động nghiên cứu khoa học luôn gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của mỗi GVTV trẻ, được thực hiện ở các mức độ nghiên cứu khác nhau như nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng. Tuy nhiên, đối với đội ngũ GVTV trẻ và điều kiện thực tế hiện nay, đòi hỏi GV nghiên cứu cơ bản có thể chưa thực sự khả thi. Thay vào đó, GV trẻ có thể tiến hành nghiên cứu ứng dụng. Để làm được điều này, bản thân mỗi GVTV trẻ phải là người trực tiếp tiếp cận với thực tế, nhận diện những vấn đề nảy sinh, tìm giải pháp khắc phục, xu hướng phát triển mới, ứng dụng mới tại các TV, TTTT. Thực tế cho thấy, khi tham gia cộng tác, làm việc, thường xuyên tiếp cận với điều kiện thực tế tại các TV, TTTT với vị trí là người CBTVTT, GVTV trẻ có thể chủ động tham gia nghiên cứu với đội ngũ CBTVTT tại chính nơi GV đang cộng tác. Thành quả nghiên cứu sẽ là sản phẩm về mặt lý luận và ứng dụng thực tiễn khả thi có ý nghĩa đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của GV và hoạt động của TV, TTTT đó. Điều này nảy sinh một yêu cầu khác đối với GVTV trẻ, đó là GV phải tự rèn luyện kỹ năng viết, kỹ năng trình bày nhằm thể hiện kết quả nghiên cứu được công nhận, xét duyệt thành công trước hội đồng khoa học hoặc được đăng tải trên các ấn phẩm chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước.
GVTV trẻ với vai trò là nhà cung ứng dịch vụ gắn liền với quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tế tại các TV, TTTT: Bên cạnh vai trò là nhà giáo, nhà khoa học, mỗi GV phải thực hiện vai trò là nhà cung ứng dịch vụ trong phạm vi nhà trường như tham gia công tác quản lý, các công việc hành chính, hỗ trợ công tác sinh viên, công tác chủ nhiệm, cố vấn học tập, công tác xã hội, công đoàn… Đối với hoạt động phục vụ cộng đồng, GV có thể thực hiện vai trò tư vấn, CBTVTT bán thời gian, cộng tác viên ngắn hoặc dài hạn, tình nguyện viên cho các TV, TTTT; tham gia các dự án, các hoạt động phục vụ cộng đồng khác. Những thành quả thu được từ những hoạt động này sẽ là những vận dụng thiết thực nhất từ kinh nghiệm thực tiễn nghề nghiệp mà GV có thể truyền đạt cho SV của mình, điều này càng góp phần chứng tỏ vai trò quan trọng của kinh nghiệm thực tiễn của GVTV trẻ đối với quá trình giảng dạy.
2. Một số kinh nghiệm từ việc áp dụng phương pháp đào tạo đội ngũ giảng viên thư viện trẻ của Khoa Thư viện - Thông tin học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh
Từ thực trạng đội ngũ GVTV trẻ tại Khoa TVTTH, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV Tp. HCM) cho thấy, đội ngũ GV TV-TTH có trình độ cao, giàu kinh nghiệm và nhiều cống hiến lại thuộc độ tuổi về hưu, trong khi đó, đội ngũ GV trẻ có trình độ chuyên môn còn non yếu, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa đáp ứng được những yêu cầu để có thể giảng dạy và nghiên cứu khoa học độc lập. Với tổng số là 11 GV, có thể thấy rõ, Khoa có sự chênh lệch khá lớn về tuổi đời lẫn tuổi nghề, dẫn đến thực tế là Khoa không có đội ngũ GV kế thừa.Điều này tạo nên một số khó khăn nhất định trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa cũng như chất lượng đội ngũ GV trẻ.
Bảng thống kê số lượng GV cơ hữu tại Khoa TV-TTH (tháng 03/2013)
Nhận thức được điều này, bên cạnh những giải pháp, biện pháp được thực hiện từ Nhà trường và ban lãnh đạo Khoa, một trong những biện pháp có tính khả thi đối với quá trình nâng cao chất lượng đội ngũ GVTV trẻ hiện nay chính là yêu cầu tích lũy kinh nghiệm thực tế của GVTV trẻ tại các TV, TTTT. Biện pháp này có thể xem là một trong những biện pháp nhỏ góp vào bài toán giải pháp lớn trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo CBTVTT hiện nay ở Khoa nói riêng, lĩnh vực thông tin - thư viện (TT-TV) nói chung.
Đội ngũ GVTV trẻ đã và đang chủ động thể hiện vai trò của người GV đối với quá trình giảng dạy của mình thông qua quá trình học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Đó là những GV chưa có học vị thạc sĩ đang là học viên cao học trong nước; GV có trình độ thạc sĩ tiếp tục con đường nghiên cứu sinh tại nước ngoài. Bên cạnh đó, GVTV trẻ cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cũng như kiến thức thực tế đối với nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Về thời gian tích lũy kinh nghiệm: Với mục tiêu phát triển đội ngũ GV trẻ có chất lượng, ban lãnh đạo Khoa đã tạo mọi điều kiện và khuyến khích GV trẻ tham gia tích lũy kinh nghiệm thực tế lâu dài hoặc tối thiểu là 3 tháng trong mỗi học kỳ tại các TV, TTTT. Thời gian tích lũy kinh nghiệm thực tế tại các TV, TTTT có thể linh hoạt dựa trên nhu cầu và khả năng của TV, TTTT và GV trẻ. Thông thường, đối với GV trẻ đã có trình độ thạc sĩ, thời gian cộng tác tại các TV, TTTT khoảng 2 ngày/ tuần. Trong khi đó, GV đang là học viên cao học, thời gian được linh hoạt hơn nhằm đảm bảo cho việc học và thực hiện luận văn. Do vậy, khi phỏng vấn sự thuận tiện về mặt thời gian, hầu hết các GV trẻ đều cảm thấy chủ động trong quá trình làm việc tại các TV, TTTT đó và có thể đảm bảo được công việc chính tại Khoa.
Về nội dung tích lũy kinh nghiệm: Qua quá trình cộng tác tại các TV, TTTT, các GV trẻ đã đạt được những hiệu quả nhất định về mặt chuyên môn cũng như kỹ năng nghề nghiệp. Thực vậy, GV trẻ giảng dạy môn Biên mục chủ đề cho rằng, quá trình cộng tác tại Thư viện Trung tâm với công tác chính là biên mục tài liệu đã giúp ích rất nhiều trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học. GV phải trải qua các khâu như biên mục mô tả, định tiêu đề chủ đề, phân loại tài liệu và một số thao tác khác để tạo ra biểu ghi hoàn chỉnh cho tài liệu dựa trên những công cụ, quy tắc nghiệp vụ nhất định. Chính quá trình làm việc trực tiếp với tài liệu, GV có cơ hội kiểm chứng mối quan hệ chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, nhận diện một số vấn đề tồn tại trong thực tế. Từ đó, GV có những nhìn nhận khách quan hơn giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý thuyết và thực hành.
Hiệu quả này được thể hiện qua đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia – GV tham gia là thành viên của nhóm nghiên cứu và có một bài báo được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước với nội dung liên quan đến công tác biên mục chủ đề tại Thư viện Trung tâm, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, một số GVTV trẻ còn tham gia vào công tác hướng dẫn sử dụng thư viện do Thư viện Trung tâm tổ chức dành cho sinh viên thuộc khối Đại học Quốc gia. Đó cũng chính là cơ hội giúp GV có thêm kinh nghiệm giảng dạy, truyền đạt kiến thức đến những đối tượng lần đầu tiên hoặc ít cơ hội tiếp cận thư viện đại học. Mặt khác, tham gia vào các hoạt động phục vụ cộng đồng tại Thư viện Xanh, xây dựng tủ sách cộng đồng, dự án xây dựng thư viện của các công ty, trường học và các hoạt động khác chính là cơ hội giúp GVTV trẻ tích lũy được không chỉ kinh nghiệm thực tế, mà còn là cơ hội thiết lập những mối liên kết cộng đồng khác nhau.
Bên cạnh những môn học như Phân loại tài liệu, Biên mục mô tả, Biên mục chủ đề, Định từ khóa... GV có thể thuận lợi hơn trong quá trình rèn luyện kỹ năng thực hành tại các TV, TTTT. Trong khi đó, một số môn học như Thư viện số, Hệ quản trị thư viện tích hợp và các môn học liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, GV thường tích lũy kinh nghiệm bằng cách tự tìm hiểu kinh nghiệm thực tiễn từ các TV, TTTT có các phần mềm khác nhau.
Về nơi tích lũy kinh nghiệm thực tế: Hiện nay, các GV trẻ là cộng tác viên tại một số TV, TTTT như Thư viện Trung tâm thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin – Thư viện trường ĐH KHXH&NV, Thư viện Báo Sài Gòn Giải Phóng; Ngoài ra, GVTV trẻ cũng tham gia một số hoạt động phục vụ cộng đồng như các dự án, tình nguyện viên cho các TV dành cho trẻ em.
Không chỉ Khoa TV-TTH, trường ĐH KHXH&NV yêu cầu đội ngũ GV trẻ phải tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trước và trong quá trình giảng dạy mà Khoa TV-TT, trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh cũng thực hiện biện pháp tương tự. Mỗi khoa đều có những đặc thù riêng về đội ngũ cán bộ giảng dạy riêng. Theo tìm hiểu, tại Khoa TVTT, trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, GVTV trẻ được khuyến khích tích lũy kinh nghiệm thực tế trong quá trình soạn bài giảng, chuẩn bị đứng lớp và trong suốt quá trình giảng dạy. Kinh nghiệm từ một GV trẻ tại Khoa cho biết, sau thời gian làm việc với vị trí là cộng tác viên tại TV của trường, TV Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, GV đã có được những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về một TV trong điều kiện cụ thể. GV thực hiện các công việc trong TV như biên mục tài liệu, phục vụ người dùng tin. Ngoài ra, với hoạt động phục vụ cộng đồng, GV trẻ còn tham gia một số dự án từ các tổ chức khác nhau, liên quan đến ngành TV-TTH.
3. Một vài ý kiến về nâng cao hiệu quả tích lũy kinh nghiệm thực tế và khả năng vận dụng kinh nghiệm thực tế của giảng viên trẻ chuyên ngành thư viện - thông tin học trong quá trình giảng dạy
Để khắc phục một số khó khăn hiện tại đối với quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tế của GVTV trẻ cũng như nâng cao tính hiệu quả, vai trò của kinh nghiệm thực tế tại các TV, TTTT trong quá trình giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ GV, chất lượng đào tạo tại khoa TV–TTH, bài viết đề xuất một số biện pháp có thể áp dụng lâu dài hoặc trước mắt, tùy thuộc vào điều kiện của từng cá nhân GV trẻ.
Đảm bảo mục tiêu tích lũy kinh nghiệm thực tế phù hợp với yêu cầu chuyên môn của mỗi GVTV trẻ: Khi lựa chọn các khâu, công đoạn chuyên môn để thực hành, cộng tác, GV cần chú ý đến mối liên hệ đối với các môn học mà mình đảm nhận, nhằm đảm bảo tính phù hợp giữa kinh nghiệm cần tích lũy và yêu cầu chuyên môn giảng dạy. Một số môn học mang tính chất thực hành, đòi hỏi người CBTV phải sử dụng công cụ hỗ trợ như biên mục mô tả, biên mục chủ đề, định từ khóa, phân loại tài liệu, sản phẩm và dịch vụ thông tin...; các môn học liên quan đến công nghệ, sử dụng phần mềm chuyên dụng tạo ra sản phẩm như MARC 21, hệ quản trị thư viện tích hợp và các môn học khác, GV không chỉ nắm vững kiến thức chuyên sâu về mặt lý luận của môn học mà còn phải hiểu rõ và sử dụng thành thạo, hình thành kỹ năng, kỹ xảo, xử lý linh hoạt và thích ứng với từng điều kiện khác nhau của TV, TTTT trong thực tế.
Ví dụ: Trong quá trình giảng dạy khung phân loại thập phân Dewey, khi phân loại một tài liệu có cùng nhan đề, tại một số TV khác nhau có các ký hiệu phân loại khác nhau. Nhiệm vụ của GV phải khơi gợi cho SV cách tự tìm được câu trả lời cho câu hỏi vì sao mỗi TV lại có những ký hiệu phân loại khác nhau và quá trình thực hiện như thế nào. Dựa trên nền tảng kiến thức, kinh nghiệm mà GV đã thu được từ trong quá trình tích lũy kinh nghiệm tại các TV, TTTT, việc lý giải này chắc chắn dễ dàng hơn và có tính thuyết phục cao hơn đối với SV.
Xác định mối quan hệ giữa các môn học chuyên ngành trong quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tế tại mỗi TV, TTTT: Trong chương trình đào tạo, giữa các môn học đều có sự liên quan đến nhau ở những mức độ nhất định. Ví dụ, GV giảng dạy môn Biên mục mô tả tài liệu, GV không chỉ chú trọng chính đến khâu biên mục mô tả của TV, TTTT đó, mà còn phải có khả năng tạo ra các sản phẩm liên quan đến công tác định từ khóa, tiêu đề chủ đề, phân loại tài liệu và khả năng sử dụng thành thạo phần mềm mà TV, TTTT đang sử dụng. Điều này đòi hỏi GV phải nắm vững khung chương trình đào tạo của khoa trước khi lựa chọn khâu đoạn thực hành tại các TV, TTTT. Từ đó, SV có cách nhìn nhận, đánh giá mối quan hệ giữa các môn học trong quá trình học tập cũng như trong quá trình làm việc sau này.
Lựa chọn TV, TTTT với đội ngũ CBTV có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, kỹ năng vững vàng: Trước khi chọn lựa nơi học hỏi kinh nghiệm thực tế, GVTV trẻ chưa có kinh nghiệm phải chủ động tìm hiểu thông tin, điều kiện bắt buộc của TV, TTTT mà GV dự định cộng tác hoặc làm việc.
Việc tìm hiểu có thể thông qua một số kênh thông tin như trao đổi với các GV đã và đang làm việc, cộng tác tại các TV, TTTT; các mối quan hệ công việc khi GV hướng dẫn thực tập giữa khóa, cuối khóa, thực tập thực tế, tham quan tại các TV; đánh giá những sản phẩm, dịch vụ và hiệu quả hoạt động của TV, TTTT; đặc biệt có thể trao đổi trực tiếp với các cá nhân chịu trách nhiệm chính hoặc liên quan đến chuyên môn cần tích lũy kinh nghiệm.
Mặt khác, cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn là đội ngũ liên quan trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của TV, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Do vậy, các GVTV trẻ phải tìm hiểu trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm làm việc, các yếu tố khác cũng như tinh thần học hỏi, thái độ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa các cá nhân, giữa cá nhân với GV trẻ nhằm hỗ trợ lẫn nhau và hoàn thiện hơn.
Chủ động xây dựng và duy trì quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tế thường xuyên và lâu dài tại một hoặc nhiều TV, TTTT: Quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tế đòi hỏi mức độ thường xuyên và tính lâu dài của mỗi GV trẻ. GV cần chủ động phối hợp với TV, TTTT để xây dựng lịch làm việc, cộng tác đều đặn với khoảng thời gian nhất định tùy thuộc vào điều kiện và yêu cầu của mỗi GV và TV, TTTT. Việc thực hiện đúng lịch trình, kế hoạch và đảm bảo tiến độ đã xây dựng không chỉ tác động đến GV mà còn ảnh hưởng đến quy trình làm việc và hiệu quả lao động tại nơi GV làm việc hoặc cộng tác. Ngoài ra, mỗi GV cũng có thể học hỏi và thực hành, tích lũy kinh nghiệm thực tế tại nhiều TV, TTTT khác nhau nhằm hình thành thái độ đánh giá khách quan hơn và xây dựng bức tranh bao quát hơn khi truyền đạt kiến thức thực tế cho SV trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, mỗi GV cần đảm bảo trở thành cộng tác viên, cố vấn, cán bộ thư viện cho tối thiểu một TV, TTTT nhất định nào đó.
Tạo lập và duy trì mối quan hệ giữa GVTV trẻ và các TV, TTTT trong quá trình hướng dẫn thực tập, thực tế cho SV: Trên thực tế, việc tạo lập và duy trì mối quan hệ này được thực hiện thông qua quá trình SV tham gia thực tập giữa khóa, cuối khóa, thực tập thực tế tại các TV, TTTT. Đối với GV trẻ, với vai trò là GV hướng dẫn các buổi thực tập này, GV cần chủ động tích lũy thêm kinh nghiệm tại chính TV, TTTT đó như tham gia cộng tác một số buổi nhất định, tùy thuộc vào thời gian biểu và sự bố trí của TV, TTTT, kết hợp với việc hỗ trợ SV thực tập, thực tế. GV vừa đóng vai trò là người hướng dẫn SV, vừa là người được hướng dẫn bởi đội ngũ CBTVTT. Rõ ràng, đây là những cơ hội tích lũy kinh nghiệm thực tế tương đối thiết thực đối với đội ngũ GVTV trẻ. Thông qua các buổi cộng tác tại TV, TTTT, GV có thể giám sát được khả năng thích ứng yêu cầu thực tiễn của SV trong quá trình thực tập, hiểu được một phần đòi hỏi của nhà tuyển dụng đối với SV sau khi ra trường. Từ đó, GV có thể đóng góp ý kiến điều chỉnh chương trình đào tạo của khoa, đánh giá trực tiếp được hiệu quả giảng dạy của chính môn học mà GV giảng dạy, từ đó có thể lựa chọn và thay đổi cho phù hợp.
Như vậy, GVTV trẻ cần chủ động nhận diện mối quan hệ giữa kinh nghiệm thực tế đối với vai trò của người GV trong giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Tùy thuộc vào điều kiện đặc thù của đội ngũ GVTV trẻ, các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành TV-TTH có thể lựa chọn các phương pháp đào tạo phù hợp từng cá nhân, đảm bảo mục tiêu, chiến lược chung của nhà trường và khoa. Để từ đó, quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tế tại các TV, TTTT sẽ là một trong những biện pháp đào tạo thực sự hiệu quả đối với chất lượng đội ngũ GV trẻ ngành TV-TTH nước ta.
Tài liệu tham khảo
1. HMN. Chất lượng giảng viên trẻ: vấn đề sống còn. http://yume.vn/news/thoi-su-kinh-te/giaoduc/chat-luong-giang-vien-tre-van-de-songcon.35A9635B.html.
2. Vũ Thế Dũng. Vài suy nghĩ về vai trò mới của giảng viên đại học. http://www.oisp.hcmut.edu.vn/component/content/article/88-thay-dung/169-vai-suy-nghi-ve-vaitro-moi-cua-giang-vien-dai-hoc.html.
3. Cochrane-Smith, M., lytle, S. Relationships of knowledge and practice: Teacher learning in communities // Review of Research in Education. - 1999. - No. 24. - p. 249-305.
4. David l. Haury, Peter Rillero. How can practicing teachers gain experience with hands-on methods? http://www.ncrel.org/sdrs/areas/issues/content/cntareas/science/eric/eric-4.htm.
5. Education Queenland. Professional Standards for Teachers Guideline for Professional Practice. http://education.qld.gov.au/staff/development/pdfs/profstandards.pdf.
6. Harden R.M, Crosby J.R. The good teacher is more than a lecturer – the twelve roles of the teacher // Medical Teacher. - 2000. - No. 22(4). - p.334–347. http://wikieducator.org/images/e/e3/Twelev_Roles_of_a_Lecturer.pdf.
7. James O. Carey. Library Skills, Information Skills, and Information Literacy: Implications for Teaching and Learning. http://www.ala.org/aasl/aaslpubsandjournals/slmrb/slmrcontents/volume11998slmqo/carey.
8. Sabi Redwood, Julie Childs, Mary Burrows. Beyong closing the gap: An evaluation of the lecture – practioner role. - Institution of Health and Community Studies, Bournemouth University. http://eprints.bournemouth.ac.uk/11687/1/Closing.pdf.
________
ThS. Bùi Hà Phương
Trường ĐHKHXHNV Tp. HCM
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 5. - Tr. 14-19.
< Prev | Next > |
---|
- Vài nét về đội ngũ cán bộ giảng dạy ngành thư viện - thông tin học hiện nay
- Nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ cán bộ thư viện công cộng
- Sử dụng phần mềm scan tailor trong xử lý tài liệu số hóa sau scan
- Phổ biến thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nông thôn, miền núi thông qua các dịch vụ thông tin khoa học và công nghệ
- Tìm hiểu dịch vụ phổ biến thông tin chọn lọc và việc triển khai tại các thư viện đại học hiện nay
- Yêu cầu về kỹ năng giao tiếp của cán bộ thư viện trong hoạt động thông tin - thư viện trường đại học
- Đề xuất mô hình phối hợp bổ sung tài liệu giữa các thư viện trường đại học trên địa bàn Hà Nội
- Chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các trung tâm thông tin khoa học và tư liệu giáo khoa trong các trường công an, nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển
- Biên mục sách bộ tập trong phần mềm quản lý thư viện điện tử LIBOL 6.0
- Nhu cầu đọc và văn hoá đọc