Hiện nay, người tìm tin có thể sử dụng các công cụ khác nhau để tìm tin trên Internet như công cụ tìm kiếm (Search Engine), danh bạ web (Web Directory), cơ sở dữ liệu chuyên dụng (Specialized Database)…, trong đó công cụ tìm kiếm được xem là thông dụng nhất. Kết quả các công trình nghiên cứu gần đây [5] cho thấy phần lớn người sử dụng các công cụ tìm kiếm trên Internet thường chỉ nhấp chuột vào những kết quả đầu tiên (khoảng 5 kết quả) và xem không quá 3 trang kết quả đầu tiên của các công cụ tìm kiếm (Search Engine Result Pages - SERP). Vì vậy, nếu muốn trang web của mình được nhiều người sử dụng truy cập thì các tổ chức có trang web phải bảo đảm sao cho thông tin về nội dung trang web của mình xuất hiện trên những trang kết quả đầu tiên của các công cụ tìm kiếm. Đến nay nhiều tổ chức trong đó có các thư viện (TV) đã quan tâm đến việc sử dụng tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (Search Engine Optimization-SEO) như một phương thức để quảng bá, thu hút người sử dụng truy cập trang web của mình. Bài viết này đề cập một cách tổng quát về ứng dụng tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (sau đây sẽ viết tắt là SEO) trong các TV để thu hút người sử dụng truy cập các trang web TV.
1. Khái quát về tối ưu hóa công cụ tìm kiếm
Khái niệm SEO
Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) là quá trình xác định các yếu tố trong một trang web có thể tác động đến khả năng truy cập của công cụ tìm kiếm đến trang web đó và điều chỉnh nhiều thành phần của một trang web sao cho nó có thể trở nên dễ nhận thấy nhất khi công cụ tìm kiếm đáp ứng một câu hỏi liên quan. Nói cách khác, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm là tập hợp các phương pháp nhằm đưa trang web lên những vị trí cao trong các trang kết quả của các công cụ tìm kiếm [11].
Mục đích của tối ưu hóa công cụ tìm kiếm là tăng cường khả năng truy cập của công cụ tìm kiếm đến trang web để trang web đạt được vị trí cao trong các trang kết quả của công cụ tìm kiếm nhằm tăng số lượng người sử dụng lựa chọn và truy cập trang web. Theo Yahoo’s SEO Guide “chiến lược SEO tốt sẽ giúp trang web của bạn trở nên dễ nhận thấy hơn đối với cả công cụ tìm kiếm và người sử dụng” [10]. Vì vậy, mục đích cuối cùng của một tổ chức bất kỳ khi áp dụng SEO chính là thu hút người sử dụng truy cập và khai thác trang web của mình.
Các yếu tố quan trọng của tối ưu hóa công cụ tìm kiếm
Các yếu tố quan trọng của SEO bao gồm từ khóa, đánh chỉ số và xây dựng các liên kết. Đây chính là các yếu tố tác động đến thứ hạng của trang web trong trang kết quả của công cụ tìm kiếm.
Từ khóa được xem là yếu tố rất quan trọng trong SEO. Từ khóa được các tổ chức sử dụng để mô tả trang web và nội dung của trang web và được người tìm tin sử dụng để tìm kiếm thông tin trên web. Hiện nay, tìm theo từ khóa là cách tìm tin thông dụng nhất trong các công cụ tìm kiếm. Với cách tìm tin này, người sử dụng chỉ cần nhập vào ô tìm kiếm trong giao diện của các công cụ tìm kiếm các biểu thức tìm với một/ một số từ khóa thể hiện nội dung chính của yêu cầu tin. Sau đó, các công cụ tìm kiếm sẽ tìm và hiển thị các trang web có nội dung thích hợp với yêu cầu tin của người sử dụng. Việc sử dụng các từ khóa trong các trang web một cách thận trọng và tuân theo chính sách cũng như các hướng dẫn của các công cụ tìm kiếm sẽ giúp trang web đó đạt được thứ hạng cao trong trang kết quả của công cụ tìm kiếm. Để sử dụng hợp lý từ khóa trong trang web, các tổ chức cần quan tâm đến mật độ và mức độ dễ nhận thấy của các từ khóa.
Mật độ từ khóa là tỉ số giữa tổng số lần xuất hiện một từ khóa trong một trang và tổng số các từ trong một trang [3]. Mật độ từ khóa liên quan đến mức độ lặp lại của từ khóa. Theo Dimitroff và Zhang [11], các tổ chức cần cân nhắc kỹ tần suất của các từ khóa được sử dụng trong trường tiêu đề trang web để tăng thứ hạng trong các trang kết quả của công cụ tìm kiếm. Số lần lặp lại của các từ khóa trong trường tiêu đề tốt nhất là ba lần.
Mức độ dễ nhận thấy của các từ khóa liên quan đến vị trí xuất hiện các từ khóa trên trang web như tiêu đề, phần đầu trang web… Từ khóa càng dễ nhận thấy thì khả năng thích hợp của nội dung trang web với yêu cầu tin của người sử dụng càng cao.
Yếu tố quan trọng tiếp theo là đánh chỉ số. Quá trình đánh chỉ số của công cụ tìm kiếm bao gồm việc thu thập và lưu trữ dữ liệu về nội dung các trang web nhằm hỗ trợ tìm kiếm các trang web một cách nhanh chóng và chính xác để đáp ứng các câu hỏi với các từ khóa liên quan được người sử dụng nhập vào các công cụ tìm kiếm. Việc sử dụng một cách hợp lý các từ khóa trong các trường tìm kiếm của một trang web như các trường tiêu đề, chủ đề, mô tả rất quan trọng đối với việc đánh chỉ số, tìm tin và xếp hạng trang web bởi các công cụ tìm kiếm.
Yếu tố quan trọng khác của SEO là xây dựng liên kết. Xây dựng liên kết là quá trình tạo liên kết từ các trang web khác đến một trang web bằng nhiều cách khác nhau như tạo liên kết một chiều, liên kết hai chiều, nhiều chiều… từ đó giúp tăng độ phổ biến liên kết và tăng số lần truy cập trang web. Số lượng và chất lượng của các liên kết từ bên ngoài đến một trang web là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để xếp hạng trang web trong các trang kết quả của công cụ tìm kiếm.
2. Ứng dụng tối ưu hóa công cụ tìm kiếm trong thư viện
Lý do ứng dụng tối ưu hóa công cụ tìm kiếm trong thư viện
Đến nay, công cụ tìm kiếm đã trở thành nguồn tìm tin thông dụng nhất đối với nhiều người dùng tin của thư viện. Nhiều người dùng tin thường sử dụng các công cụ tìm kiếm thay vì sử dụng một trang web TV nào đó khi bắt đầu tìm kiếm thông tin trên Internet. Số liệu một báo cáo của OCLC (Online Computer Library Center – Trung tâm thư viện máy tính trực tuyến) cho thấy khi cần tìm tin trên web thì có đến 89% sinh viên bắt đầu bằng việc sử dụng công cụ tìm kiếm trong khi chỉ có gần 2% bắt đầu với một trang web TV. Trong nhiều trường hợp, mặc dù các trang web TV có thể cung cấp nhiều nguồn thông tin thích hợp hơn nhưng người dùng tin vẫn ưu tiên lựa chọn các công cụ tìm kiếm do ưu thế của các công cụ tìm kiếm so với trang web TV như tìm tin nhanh, dễ dàng sử dụng, tiện lợi... [1]. Trên thực tế, nhiều người sử dụng không nhận thức được rằng có thể truy cập các nguồn thông tin trên web theo các mức độ khác nhau. Trên web có hàng triệu nguồn thông tin có thể truy cập tự do bằng cách sử dụng các công cụ tìm kiếm và danh bạ web. Các nguồn thông tin loại này thường được gọi là web bề mặt (Surface Web). Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguồn thông tin được gọi là web bề sâu (Deep Web), hay còn gọi là web ẩn, là các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên biệt, các tệp không phải dạng HTML, các bộ sưu tập, mục lục thư viện… Người sử dụng khó truy cập vào các trang web ẩn mặc dù chúng thường chứa nhiều loại thông tin có giá trị cao đối với người sử dụng như các bài báo khoa học, kết quả nghiên cứu và triển khai các dự án, thông tin sở hữu công nghiệp, dữ liệu về các doanh nghiệp… Để truy cập các nguồn này, người sử dụng phải được cấp quyền truy cập hoặc phải sử dụng một phần mềm thích hợp. Các nguồn thông tin được cung cấp trên các trang web TV chủ yếu là thuộc loại web ẩn và người sử dụng phải truy cập vào trang web của các TV mới có thể khai thác được các nguồn thông tin này. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quảng bá rộng rãi các nguồn thông tin có chất lượng cao của các TV đến những người dùng tin vốn có thói quen sử dụng công cụ tìm kiếm để bắt đầu một cuộc tìm tin bất kỳ trên web? Để thu hút người dùng tin truy cập trang web, các TV cần sử dụng SEO để tăng cường khả năng tìm thấy các nguồn thông tin và các dịch vụ của TV trên trang kết quả của các công cụ tìm kiếm. Nhờ đó, người dùng tin có thể dễ dàng, nhanh chóng xác định và truy cập các nguồn thông tin cũng như các sản phẩm, dịch vụ thích hợp được cung cấp trên các trang web TV. Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho người dùng tin mà còn đem lại nhiều lợi ích cho TV như giúp TV quảng bá một cách hiệu quả các nguồn thông tin và sản phẩm/ dịch vụ thông tin của mình, từ đó tăng hiệu quả chi phí, tăng tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, giảm chi phí quản lý… Kết quả thực hiện dự án thử nghiệm SEO của TV Đại học Binghamton cho thấy việc ứng dụng SEO đã đem lại nhiều lợi ích cho TV và trường đại học như nâng cao kiến thức thông tin của sinh viên, tăng mức độ phổ biến của nguồn tài liệu số của trường với người dùng tin hiện tại và tiềm năng cũng như các nhà tài trợ, cải thiện tỷ lệ hoàn vốn đầu tư hàng triệu đô la hàng năm cho các CSDL chuyên dụng, sách, tạp chí…[6].
Xu hướng ứng dụng SEO trong các thư viện
Từ thành công của những dự án thử nghiệm ban đầu, đến nay đã có nhiều TV thuộc các loại hình khác nhau ở các nước trên thế giới ứng dụng SEO cho trang web TV. Nhờ đó, người sử dụng có thể dễ dàng tìm thấy các nguồn thông tin cũng như các sản phẩm, dịch vụ của TV qua các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo!, Bing… Ví dụ, khi muốn tìm trên công cụ tìm kiếm Google thông tin về TV trường Đại học Stirling ở nước Anh, người sử dụng chỉ cần nhập vào từ khóa “Stirling University Library”. Sau đó ngay phía trên trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm sẽ hiển thị những thông tin cần thiết về TV này như các nguồn thông tin, các dịch vụ, giờ mở cửa,… Tiếp theo, người sử dụng có thể lựa chọn vào các liên kết dẫn đến các nguồn thông tin hoặc sản phẩm/ dịch vụ thích hợp để có được thông tin cần tìm [9]. Đã có nhiều công trình nghiên cứu của các chuyên gia thư viện – thông tin về ứng dụng SEO trong các loại hình TV. Ví dụ, trong “Search Engine Optimization for the Research Librarian, or How Librarians Can Beat Spammers at their own Game”, các tác giả chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các dự án SEO trang web thư viện đại học [8]. Đặc biệt, để hỗ trợ các TV ứng dụng SEO một cách hiệu quả, Hội Thư viện và Công nghệ Thông tin của Mỹ (LITA - Library & Information Technology Association) thuộc Hội Thư viện Mỹ (ALA- American Library Association) đã xuất bản hướng dẫn ứng dụng SEO để tăng cường khả năng tìm kiếm và sử dụng nguồn tài liệu số của TV [4].
Ở Việt Nam, mặc dù đã được nhiều tổ chức kinh doanh sử dụng thành công nhưng đến nay SEO vẫn chưa được các TV ứng dụng như một phương thức hiệu quả để thu hút khách hàng đến với trang web của mình.
Các kỹ thuật SEO trong thư viện
Tối ưu hóa nội dung trang web
Một trong những kỹ thuật quan trọng nhất của SEO là tối ưu hóa nội dung trang web. Mục tiêu cơ bản của một công cụ tìm kiếm bất kỳ là tìm các nội dung thích hợp với các câu hỏi của người sử dụng. Vì vậy, nội dung là một tiêu chí đặc biệt quan trọng để xác định thứ hạng trang web trên các trang kết quả của công cụ tìm kiếm. Tối ưu hóa nội dung trang web giúp tăng lượng truy cập và các liên kết ngoài đến trang web. Một trang web với nội dung phong phú, có chất lượng và được cập nhật thường xuyên sẽ thu hút được nhiều người truy cập trang web. Nội dung của một trang web cũng tác động đến số lượng các trang web khác liên kết đến trang web đó vì nội dung của một trang web có chất lượng càng cao thì càng được nhiều trang web bên ngoài kết nối đến [2]. Các TV vốn có một ưu thế đặc biệt trong tối ưu hóa công cụ tìm kiếm nhờ vào nội dung số to lớn và đa dạng trên các trang web TV. Tuy nhiên, phần lớn nội dung của trang web TV là các trang web ẩn (ví dụ các CSDL cấp quyền truy cập), là những trang web các công cụ tìm kiếm khó thu thập và đánh chỉ số. Điều này ảnh hưởng đến thứ hạng các trang web của TV trên các trang kết quả của công cụ tìm kiếm. Vì vậy, để tận dụng ưu thế về nội dung của các CSDL nhằm làm tăng thứ hạng trên các trang kết quả của công cụ tìm kiếm, các TV cần cung cấp các liên kết (từ các trang web bề ngoài) đến các trang web ẩn trên trang web của mình. Bên cạnh việc cung cấp nội dung thú vị và thích hợp với người sử dụng, các TV phải thường xuyên cập nhật nội dung trang web để đáp ứng nhu cầu tin không ngừng thay đổi của cộng đồng người sử dụng mục tiêu và thu hút người sử dụng tiềm năng.
Để các công cụ tìm kiếm có thể tìm thấy các trang web trong trang web của mình, TV phải thể hiện nội dung của các trang web bằng từ khóa. Vì vậy, lựa chọn từ khóa là một yếu tố quan trọng trong tối ưu hóa nội dung trang web. Các TV có thể áp dụng qui trình lựa chọn từ khóa với các bước như sau:
Bước 1. Tạo lập danh sách các từ khóa thích hợp
Đây là bước xác định các từ khóa được người dùng tin thực sự sử dụng để tìm kiếm thông tin. Trước hết, cần liệt kê tất cả các từ khóa có thể được người dùng tin sử dụng để tìm kiếm thông tin trên trang web của TV, sau đó lựa chọn những từ khóa thích hợp nhất. Việc này đòi hỏi người thực hiện phải nắm được thói quen tìm tin của người dùng tin, mục tiêu của TV cũng như các nội dung được cung cấp trên trang web của TV. Có thể sử dụng công cụ Google Adwords Keyword Tools để kiểm tra lượng tìm kiếm các từ khóa trong thời gian gần đây và lựa chọn từ khóa thích hợp nhất. Ví dụ, khi tìm thông tin về các hoạt động thông tin - thư viện, người dùng tin có thể sử dụng từ khóa “thông tin - thư viện” hoặc từ khóa “thư viện – thông tin” và người thực hiện sẽ phải quyết định đâu là từ khóa thích hợp nhất. Kết quả kiểm tra với Google Adwords Keyword Tools cho thấy từ khóa “thư viện - thông tin” ít được tìm kiếm trên Google hơn từ khóa “thông tin - thư viện”. Do đó, từ khóa được chọn đưa vào danh sách từ khóa thích hợp phải là “thông tin - thư viện”. Tương tự, khi tìm thông tin về các kết quả nghiên cứu khoa học thuộc một lĩnh vực nào đó, người dùng tin có thể thực hiện lần lượt các bước như sau: Trước hết người dùng tin sẽ tìm CSDL về kết quả nghiên cứu khoa học với từ khóa “Kết quả nghiên cứu” hoặc “KQNC”. Tiếp theo người dùng tin sẽ sử dụng giao diện của CSDL đã tìm được để tìm kiếm những nội dung cần thiết. Nếu trang web TV có CSDL về kết quả nghiên cứu khoa học thì người thực hiện phải chọn từ khóa thích hợp nhất, nghĩa là từ khóa được sử dụng để tìm kiếm nhiều nhất để mô tả tả nội dung CSDL. Kết quả kiểm tra với Google Adwords Keyword Tools sẽ giúp người thực hiện lựa chọn từ khóa “Kết quả nghiên cứu” thay vì “KQNC” để mô tả nội dung CSDL nói trên.
Ngoài ra, các TV cũng có thể sử dụng công cụ từ khóa của Google để mở rộng danh sách từ khóa bằng cách chọn các từ khóa liên quan với từ khóa TV đang sử dụng và được nhiều người quan tâm tìm kiếm. Dựa vào đó TV có thể phát triển nội dung trang web của mình để đáp ứng nhu cầu tìm tin của người sử dụng.
Kết quả của bước thứ nhất là một danh sách đầy đủ các từ khóa thích hợp thể hiện nội dung cơ bản của các trang web trong trang web của TV.
Bước 2. Đặt từ khóa vào các vị trí thích hợp
Cần xác định các vị trí thích hợp trên trang web để đặt các từ khóa sao cho các công cụ tìm kiếm có thể dễ dàng tìm thấy chúng. Bước này đòi hỏi người thực hiện phải hiểu cách các công cụ tìm kiếm xác định mức độ thích hợp của kết quả tìm như thế nào. Theo các chuyên gia SEO, nên đặt các từ khóa ở những vị trí sau để robot của công cụ tìm kiếm có thể dễ dàng tìm thấy từ khóa:
1. Tiêu đề trang web
2. Các tiêu đề chính
3. Tiêu đề liên kết
4. Nội dung các trang web: Nên đặt từ khóa trên nhiều trang đích đến (Landing Page) khác nhau. Cần tránh đặt quá nhiều từ khóa trên một trang đích đến (không nên quá năm từ khóa).
Tối ưu hóa thiết kế trang web
Thiết kế của một trang web có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tối ưu hóa nội dung trang web. Tối ưu hóa thiết kế trang web liên quan đến việc điều chỉnh, bổ sung các thẻ tiêu đề và siêu dữ liệu (thẻ mô tả, thẻ tiêu đề chính), cấu trúc URL… Thẻ tiêu đề là phần tử đóng vai trò rất quan trọng đối với việc xếp thứ hạng các trang web trong trang kết quả của công cụ tìm kiếm. Thẻ tiêu đề thể hiện chủ đề và những từ khóa quan trọng của một trang web cụ thể. Độ dài của tiêu đề tốt nhất là khoảng 50-80 ký tự, bao gồm các khoảng trắng. Như đã đề cập ở phần trên, TV nên đặt các từ khóa quan trọng nhất về TV và nội dung các trang web trong tiêu đề để tăng thứ hạng và thu hút sự chú ý của người sử dụng.
Thẻ mô tả (Meta Desription Tags) chứa thông tin ngắn gọn, súc tích về nội dung trang web và thường được hiển thị sau tiêu đề trang web trong trang kết quả của công cụ tìm kiếm. TV nên mô tả ngắn gọn nhưng đầy đủ về nội dung các trang web như tên và nội dung các CSDL, tên và nội dung các dịch vụ được cung cấp trên trang web… Trong các thẻ mô tả nên sử dụng các từ khóa quan trọng thể hiện nội dung chính của trang web. Độ dài của thẻ mô tả tốt nhất là khoảng 150-170 ký tự. Nếu được thiết kế tốt thì thẻ mô tả có thể trở thành một công cụ giúp TV chuyển tải các thông điệp marketing và thu hút nhiều người sử dụng truy cập trang web.
Thẻ tiêu đề chính thể hiện các tiêu đề của chủ đề trang web và giúp các robot của công cụ tìm kiếm dễ dàng nhận biết chủ đề của trang web. TV nên sử dụng các từ khóa quan trọng trong các thẻ tiêu đề chính.
Cấu trúc địa chỉ/ thư mục (Directory/ URL Structure) của trang web rất quan trọng đối với việc ứng dụng tối ưu hóa các trang web. Một URL với cấu trúc đơn giản và có chứa các từ khóa liên quan nội dung trang web sẽ dễ dàng được các công cụ tìm kiếm thu thập và đánh chỉ số. Điều này giúp trang web dễ có cơ hội đạt được thứ hạng cao trong trang kết quả của công cụ tìm kiếm. Trong khi đó, các trang web chứa các CSDL của TV có thể khó tối ưu hóa do có URL dài với các ký tự đặc biệt như %#?&. Thông thường, các công cụ tìm kiếm khó có thể thu thập, đánh chỉ số các trang web dạng này và cũng khó rút được giá trị ngữ nghĩa từ các URL với các ký tự đặc biệt như vậy. Đây là một trong những lý do vì sao các trang web TV hiếm khi đạt thứ hạng cao trong trang kết quả của công cụ tìm kiếm. Để giải quyết vấn đề này, các TV cần thiết kế các URL với cấu trúc đơn giản, rõ ràng, tuân theo hướng dẫn của W3C (World Wide Web Consortium), dễ hiểu với các công cụ tìm kiếm cũng như với người sử dụng.
Xây dựng các liên kết ngoài
Như đã đề cập ở trên, chất lượng các liên kết ngoài là một tiêu chí quan trọng để xếp thứ hạng trang web trong trang kết quả của công cụ tìm kiếm. Chất lượng các liên kết ngoài đến một trang web chịu tác động của các yếu tố sau:
- Số lượng các trang web liên kết đến;
- Chất lượng của các trang web liên kết đến;
- PageRank và độ phổ biến liên kết của các trang web liên kết đến;
- Tính đặc trưng và mức độ thích hợp về nội dung của các trang web liên kết đến.
Có sự tương quan giữa các liên kết ngoài và lượng truy cập một trang web. Số lượng liên kết ngoài đến một trang web càng nhiều thì lượng người sử dụng truy cập trang web càng cao. Một trong những phương thức để TV tăng lượng truy cập trang web của mình là tạo liên kết với trang web của các TV khác. Cách này đặc biệt quan trọng đối với những TV nhỏ và có ít người dùng tin.
Tối ưu hóa truyền thông xã hội
Tối ưu hóa truyền thông xã hội (Social Media Optimization - SMO) là kỹ thuật tối ưu hóa trang web sao cho nó trở nên dễ liên kết hơn và dễ nhận thấy hơn khi người sử dụng tìm kiếm qua phương tiện truyền thông xã hội. Đối với các TV, mục đích chính của SMO là thúc đẩy phát triển số lượng người sử dụng trang web TV bằng cách thu hút những người thích tìm kiếm thông tin qua tài khoản trên các mạng xã hội. Để tối ưu hóa truyền thông xã hội, các TV cần tăng cường khả năng liên kết đến nội dung trang web TV và phát triển các phương tiện chia sẻ thông tin sao cho người sử dụng có thể dễ dàng truy cập và chia sẻ nội dung trang web TV thông qua các mạng xã hội. Hơn nữa, các TV cần tạo lập và duy trì tài khoản riêng trên các mạng xã hội thông dụng để có thể trao đổi thông tin với người sử dụng, nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu và mong muốn của người sử dụng hiện tại và tiềm năng nhằm điều chỉnh kịp thời nội dung trang web của TV. Ngoài ra, TV có thể sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội khác như blog, các trang web chuyên chia sẻ hình ảnh như YouTube, Flickr… để quảng bá rộng rãi về trang web nhằm thu hút người sử dụng.
Kết luận
Có thể khẳng định rằng SEO đang mở ra những cơ hội mới để các TV quảng bá và thu hút người sử dụng truy cập trang web TV, từ đó nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực thông tin và sản phẩm, dịch vụ thông tin của mình. Để ứng dụng SEO thành công, các TV cần có các chiến lược SEO hiệu quả, phù hợp với điều kiện của TV cũng như các chính sách và qui định của các công cụ tìm kiếm.
Tài liệu tham khảo
1. College Students' Perceptions of Libraries and Information Resources De Rosa, Cantrell, Hawk, & Wilson, 2005. http://www.oclc.org/reports/pdfs/studentperceptions.pdf, truy cập ngày 25/07/2013.
2. Daniel Onaifo, Diane Rasmussen. Increasing libraries' content findability on the web with search engine optimization // Library Hi Tech, Vol. 31 Iss: 1. - p. 87-108.
3. E-business issues, challenges and opportunities for SMEs : driving competitiveness / Maria Manuela Cruz-Cunha and Joao Varajao, editors.- New York: Business science reference, 2011
4. Improving the visibility and use of digital repositories through SEO: a LITA Guide”. http://www.ala.org.news, truy cập ngày 25/07/2013.
5. Pew Internet Project, 2011. http://pewinternet.org, truy cập ngày 25/07/2013.
6. Search Engine Optimization of Binghamton University Libraries’ and University Web Pages. http://pre.docdat.com/docs, truy cập ngày 25/07/2013.
7. Search Engine Optimization process. http://www.slideshare.net, truy cập ngày 01/07/2013.
8. Search Engine Optimization for the Research Librarian, or How Librarians Can Beat Spammers at their own Game. http://salalm.org, truy cập ngày 25/07/2013.
9. Stirling University Library. http://www.library.stir.ac.uk, truy cập ngày 25/7/2013.
10. Yahoo! “SEO Basics.”. http://styleguide.yahoo.com/resources/optimizesearch-engines/seo-basics, truy cập ngày 01/07/2013.
11. Zhang J., Dimitroff A. The Impact of Metadata Implementation on Webpage Visibility in Search Engine Results // Information Processing & Management. - 2005. - Vol 41, No3. - p. 697-715.
_________
TS. Ngô Thanh Thảo
Khoa TV-TTH, Trường ĐH KHXH&NV Tp.HCM
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 6. - Tr. 9-14,20.
< Prev | Next > |
---|
- Giới thiệu công cụ phân loại tài liệu Web Dewey
- Cơ sở vật chất - hạ tầng công nghệ - thông tin tại thư viện trường đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam
- Hợp tác liên thư viện giữa các thư viện đại học tại việt nam: Cơ hội và thách thức
- Đào tạo đội ngũ giảng viên trẻ ngành thư viện - thông tin học từ quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tế tại các thư viện, trung tâm thông tin
- Vài nét về đội ngũ cán bộ giảng dạy ngành thư viện - thông tin học hiện nay
- Nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ cán bộ thư viện công cộng
- Sử dụng phần mềm scan tailor trong xử lý tài liệu số hóa sau scan
- Phổ biến thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nông thôn, miền núi thông qua các dịch vụ thông tin khoa học và công nghệ
- Tìm hiểu dịch vụ phổ biến thông tin chọn lọc và việc triển khai tại các thư viện đại học hiện nay
- Yêu cầu về kỹ năng giao tiếp của cán bộ thư viện trong hoạt động thông tin - thư viện trường đại học