Đội ngũ cán bộ thư viện tham gia đào tạo kiến thức thông tin tại một số thư viện đại học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

E-mail Print

1. Đặt vấn đề

Ngày nay sự phát triển của “xã hội thông tin” và “nền kinh tế tri thức” đòi hỏi người lao động phải có năng lực tư duy, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo cũng như khả năng học tập suốt đời để thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội. Trong bối cảnh đó, kiến thức thông tin (KTTT) nổi lên như một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong xã hội thông tin [3] bởi lẽ trang bị KTTT cho người học là đảm bảo cho họ năng lực học tập suốt đời và “biết cách học” [5].

Nhận thức được tầm quan trọng của KTTT, nhiều nước phát triển như Hoa Kỳ, Úc, Canada, các nước thuộc Liên minh châu Âu đã triển khai đào tạo KTTT cho sinh viên và coi KTTT như một trong các chuẩn đầu ra đối với sinh viên. Ủy ban Giáo dục Đại học các bang miền Trung Hoa Kỳ cho rằng “KTTT là thành tố cần thiết đối với bất cứ chương trình đào tạo nào ở các trình độ khác nhau” [4].

Trong những năm gần đây, nhiều thư viện đại học ở Việt Nam đã quan tâm phát triển KTTT cho sinh viên. Tuy nhiên mức độ quan tâm và chất lượng đào tạo KTTT của các thư viện đại học là khác nhau. Vậy đặc điểm đội ngũ cán bộ thư viện tham gia giảng dạy KTTT như thế nào? Các thư viện đã tiến hành thiết kế, triển khai, và đánh giá hiệu quả giảng dạy KTTT của thư viện mình ra sao? Đây là những câu hỏi cần được nghiên cứu.

2. Định nghĩa kiến thức thông tin

Hiện nay có nhiều định nghĩa khác nhau về KTTT. Theo UNESCO, KTTT là sự kết hợp của kiến thức, sự hiểu biết, các kỹ năng và thái độ mà mỗi thành viên cần hội tụ đầy đủ trong xã hội thông tin. Khi mỗi cá nhân có KTTT thì họ sẽ phát triển khả năng lựa chọn, tiếp biến, đánh giá, thao tác và trình bày thông tin [8]. Đây là một định nghĩa khá rộng và đòi hỏi người có KTTT không những có trình độ và còn có thái độ đúng đắn trong việc sử dụng thông tin. Điều này có nghĩa là người có KTTT phải sử dụng thông tin một cách có đạo đức. Việc truy cập, sử dụng và phổ biến thông tin phải phù hợp với pháp luật.

Theo Hiệp hội Thư viện Đại học và Nghiên cứu Hoa Kỳ, KTTT là “tập hợp các khả năng cho phép mỗi cá nhân có thể nhận ra khi nào họ cần thông tin, có khả năng định vị, đánh giá và sử dụng thông tin cần thiết có hiệu quả” [1]. Theo đó, KTTT là tập hợp các khả năng có liên quan đến thông tin và tất cả các kỹ năng này được xây dựng trên nền tảng của nhu cầu tin.

Boekhorst [2] cho rằng tất cả các định nghĩa và mô tả về KTTT được trình bày trong  thời gian qua được tóm tắt thành ba khái niệm:

- Khái niệm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT): KTTT đề cập đến khả năng sử dụng ICT để tra cứu và phổ biến thông tin.

- Khái niệm các nguồn thông tin: KTTT đề cập đến khả năng tìm và sử dụng thông tin một cách độc lập hoặc với sự trợ giúp của trung gian.

- Khái niệm tiến trình thông tin: KTTT đề cập đến tiến trình nhận ra nhu cầu tin, tra cứu, đánh giá, sử dụng và phổ biến thông tin theo yêu cầu hoặc mở rộng kiến thức. Khái niệm này bao gồm cả khái niệm ICT và khái niệm các nguồn tin; các cá nhân được xem như các hệ thống thông tin có khả năng tra cứu, đánh giá, xử lý và phổ biến thông tin để ra các quyết định nhằm tồn tại.

Qua các định nghĩa trên chúng ta thấy rằng KTTT không chỉ đơn thuần là kỹ năng khai thác thông tin trên mạng hoặc thông tin trong các tài liệu truyền thống. KTTT bao gồm nhiều kỹ năng như định hướng nhu cầu thông tin, sử dụng các công cụ tìm tin có hiệu quả và khả năng thẩm định các nguồn tin. Trang bị KTTT giúp con người chủ động hơn trong học tập, nghiên cứu và hướng tới khả năng tự học suốt đời (lifelong learning).

3. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu chính của nghiên cứu này là tìm hiểu thực trạng trình độ đội ngũ cán bộ thư viện - những người tham gia phát triển KTTT cho sinh viên đại học ở Việt Nam. Nghiên cứu tập trung vào ba câu hỏi chính:

a. Cán bộ thư viện đại học quan niệm như thế nào về tầm quan trọng của đào tạo KTTT cho sinh viên?

b. Đặc điểm của cán bộ tham gia đào tạo KTTT hiện nay như thế nào?

c. Cán bộ thư viện đại học đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng thông tin gì?

4. Phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu này giới hạn mẫu nghiên cứu là các cán bộ thư viện trực tiếp tham gia đào tạo KTTT tại 06 thư viện đại học ở Việt Nam bao gồm:

Thư viện trường Đại học Hà Nội (ĐHHN), Thư viện trường Đại học Giao thông Vận tải (ĐHGTVT), Trung tâm Học liệu Huế (TTHLH), Thư viện trường Đại học Hà Tĩnh (ĐHHT), Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia Tp. HCM (ĐHQG Tp.HCM), Thư viện trường Đại học Văn hóa Tp. HCM (ĐHVH Tp.HCM). Các thư viện này đại diện cho thư viện ở các khu vực và các quy mô khác nhau.

5. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi như là phương tiện chính để thu thập dữ liệu. Bảng hỏi được phát triển dựa trên các công cụ đã được sử dụng trong các nghiên cứu liên quan trước đây [7]. Bảng hỏi tập trung tìm hiểu thông tin về đặc điểm của cán bộ đào tạo KTTT, nhận thức về tầm quan trọng của đào tạo KTTT và những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc đào tạo KTTT mà cán bộ thư viện được trang bị.

Bảng hỏi được gửi tới cán bộ thư viện đại học thuộc 6 trường đại học qua email. Sau khi nhận được phiếu trả lời từ các cán bộ thư viện, tác giả tiến hành phân tích sơ bộ và tiếp tục thực hiện phỏng vấn để làm sáng tỏ một số vấn đề chưa rõ. Dữ liệu được xử lý trên phần mềm Excel.

6. Kết quả nghiên cứu và bình luận

Tổng số 27 phiếu khảo sát được gửi tới cán bộ thư viện – người trực tiếp tham gia đào tạo KTTT cho sinh viên thuộc 6 trường đại học. Kết quả thu lại là 23 phiếu, đạt tỷ lệ 85%.

Trong số 23 cán bộ thư viện trả lời, có 30% là nam và 70% là nữ. Điều này cũng phản ánh thực tế rằng chủ yếu cán bộ thư viện đại học ở Việt Nam là nữ. Độ tuổi trung bình của cán bộ thư viện tham gia giảng dạy KTTT khá trẻ, chủ yếu ở độ tuổi từ 31 đến 40, chiếm 61%. Độ tuổi có số lượng cán bộ thư viện cao thứ hai là dưới 31 với 30%, trong khi đó cán bộ thư viện có độ tuổi từ 41 đến 50 chỉ chiếm 9% và không có cán bộ nào có độ tuổi trên 50 tham gia đào tạo KTTT.

alt

Bảng 1: Số lượng, giới tính và độ tuổi của cán bộ thư viện

Kết quả khảo sát cho thấy khi được hỏi về tầm quan trọng của việc phát triển KTTT cho sinh viên, đại đa số cán bộ thư viện tham gia nghiên cứu này cho rằng rất quan trọng với tỷ lệ 87%. Số người trả lời chọn đáp án “quan trọng” chiếm tỷ lệ 13%, trong khi đó không có cán bộ nào cho rằng công việc này là bình thường hoặc không quan trọng.

Về trình độ chuyên môn, kết quả cho thấy số cán bộ có trình độ cử nhân chiếm cao nhất với 65%, tiếp đến là trình độ thạc sỹ với 35%. Trong số 6 trường đại học, thư viện trường ĐHHN có tỉ lệ cán bộ có học vị thạc sỹ cao nhất với 3 trong số 4 cán bộ, đạt tỷ lệ 75%, kế đến là thư viện trường ĐHGTVT với 50%. Tuy nhiên, số lượng cán bộ có trình độ thạc sỹ tham gia đào tạo KTTT của TTHLH là cao nhất với 4 người. Ngược với các thư viện trên, 3 thư viện còn lại gồm Thư viện Trung tâm thuộc ĐHQG Tp.HCM, Thư viện trường ĐHVH Tp.HCM, Thư viện trường ĐHHT không có cán bộ nào có trình độ tiến sỹ hay thạc sỹ tham gia đào tạo KTTT, 100% trong số người được hỏi có trình độ cử nhân.

alt

Bảng 2: Trình độ chuyên môn và chuyên ngành được đào tạo của cán bộ thư viện

Phân tích cũng chỉ ra rằng tuyệt đại đa số cán bộ thư viện được khảo sát đều tốt nghiệp ngành khoa học thư viện (thông tin - thư viện) với 83%. Trong số 6 thư viện được nghiên cứu, chỉ duy nhất TTHLH có cán bộ học các chuyên ngành khác. Cụ thể 56% cán bộ của TTHLH tốt nghiệp ngành thư viện, 22% tốt nghiệp ngành ngoại ngữ, số cán bộ tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin và toán tin có tỷ lệ bằng nhau là 11%. Kết quả này cho thấy TTHLH có chiến lược đúng đắn khi lựa chọn cán bộ được đào tạo từ nhiều ngành khác nhau cùng tham gia xây dựng và triển khai chương trình KTTT. Nếu cán bộ từ ngành thư viện có khả năng tốt về xử lý, phân tích yêu cầu tin thì cán bộ có trình độ ngoại ngữ sẽ giới thiệu cho sinh viên được nhiều hơn về các nguồn thông tin bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh. Hơn nữa, cán bộ được đào tạo từ ngành công nghệ thông tin hoặc toán tin sẽ có kiến thức tốt về phần cứng, phần mềm. Sự tổng hợp này tạo sức mạnh cho đội ngũ thiết kế, triển khai chương trình KTTT. Qua phỏng vấn tác giả được biết thời gian qua TTHLH đã tuyển dụng một số cán bộ tốt nghiệp từ ngành ngoại ngữ, sau đó cử đi học thạc sỹ ngành thông tin – thư viện ở Hoa Kỳ, New Zealand và Úc. Số cán bộ thư viện này vừa vững về tiếng Anh lại có kiến thức tốt về chuyên ngành thư viện - thông tin, được đào tạo kỹ năng học độc lập, tư duy phê phán, kỹ năng giải quyết vấn đề, bởi lẽ những cán bộ này đều nhận được học bổng để theo học tại những trường đại học có uy tín trong lĩnh vực thông tin - thư viện trên thế giới như Đại học Victoria – New Zealand, Trường Simmons của Hoa Kỳ. Trong số 5 trường còn lại, 100% số cán bộ trả lời bảng hỏi đều tốt nghiệp ngành thư viện. Tuy nhiên có 01 trường hợp của Thư viện ĐHGTVT đã tốt nghiệp tại chức ngành tiếng Anh.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trình độ tiếng Anh của cán bộ thư viện thuộc 6 thư viện được nghiên cứu khá khác nhau. TTHLH có số cán bộ đạt trình độ tiếng Anh khá chiếm 56%, Thư viện trường ĐHGTVT đứng thứ hai với 50% đạt trình độ khá, Thư viện Trung tâm thuộc ĐHQG Tp.HCM xếp thứ ba với 40%, trong khi đó hai thư viện thuộc trường ĐHVH Tp.HCM và trường ĐHHT không có cán bộ thư viện nào đạt trình độ tiếng Anh khá, 100% là trung bình. Một điều khá thú vị là TTHLH có tới 56% cán bộ đạt trình độ khá về tiếng Anh nhưng đồng thời cũng là thư viện duy nhất có 02 cán bộ tự nhận mình có trình độ tiếng Anh dưới trung bình chiếm 22%. Như vậy kết quả chung của cả 6 thư viện cho thấy không có cán bộ nào có trình độ tiếng Anh xuất sắc hoặc giỏi, 43% có trình độ khá, 48% có trình độ trung bình và 9% có trình độ dưới trung bình.

Về kinh nghiệm đào tạo KTTT, kết quả phân tích chỉ ra rằng 43% số cán bộ được hỏi đã tham gia đào tạo từ 5 năm trở lên, 35% cán bộ tham gia đào tạo từ 1 đến 2 năm, 17% cán bộ có kinh nghiệm đào tạo từ 3 đến 4 năm, cán bộ có kinh nghiệm dưới 1 năm là 4%. Trong số các thư viện  được khảo sát, TTHLH có tới 67% cán bộ tham gia phát triển KTTT từ 5 năm trở lên trong khi đó Thư viện Trung tâm thuộc ĐHQG Tp.HCM chỉ có 40% số cán bộ có kinh nghiệm đào tạo KTTT từ 3 đến 4 năm, số còn lại đều từ 2 năm trở lại.

Như chúng ta đã biết, muốn đào tạo KTTT cho sinh viên đại học trước hết người cán bộ tham gia thiết kế chương trình và đào tạo phải được trang bị tốt về KTTT. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển KTTT trong trường đại học. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cán bộ thư viện sẽ là người đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp với giảng viên, khoa chuyên ngành, là người khởi xướng, xây dựng chính sách, chương trình KTTT cho sinh viên.

alt

Biểu đồ 1: Kiến thức thông tin mà cán bộ thư viện đại học được trang bị

Tuy nhiên kết quả nghiên cứu tại 6 thư viện đại học ở Việt Nam cho thấy kiến thức và kỹ năng thông tin của đa số cán bộ thư viện còn nghèo nàn. Trong số 14 tiêu chí đánh giá chỉ có 4 tiêu chí có số người trả lời đạt tỷ lệ trên 50%. Khi được hỏi về những kiến thức và kỹ năng nào cán bộ thư viện đã được trang bị, phân tích cho thấy đa số cán bộ thư viện được trang bị kỹ năng tra cứu thông tin đạt tỷ lệ 91%. Kỹ năng đánh giá thông tin/ nguồn tin có vị trí thứ hai với 65%, tiếp đến là kỹ năng giao tiếp và kỹ năng trích dẫn – lập danh mục tài liệu tham khảo cùng có số người trả lời như nhau với 57%. Nhóm kỹ năng có số ít người được trang bị nhất là kỹ năng tư duy phê phán với 13%, tiếp đến là kỹ năng quản lý thông tin thu thập được và kỹ năng giải quyết vấn đề cùng có tỷ lệ là 17%. Đứng vị trí thứ ba từ dưới lên là kỹ năng làm việc nhóm với 26% người trả lời cho biết mình đã được trang bị. Với thực tế này đa số cán bộ thư viện đại học ở Việt Nam khó có thể trở thành người đào tạo KTTT tốt trong khi họ không được trang bị những kiến thức và kĩ năng mềm này. Mục tiêu đào tạo người dùng tin không chỉ dừng lại ở chỗ hướng dẫn họ biết sử dụng một thư viện cụ thể, tra cứu một hệ thống OPAC cụ thể mà trọng tâm là hướng họ trở thành người học độc lập, người có khả năng học tập suốt đời, học dựa trên các nguồn thông tin khác nhau. Muốn vậy, chính cán bộ thư viện phải có các khả năng này trước.

Tỷ lệ % số người được trang bị KTTT trong các thư viện này cũng không đều nhau. Trong khi thư viện trường ĐHHN và TTHLH một số cán bộ thư viện được trang bị cả 14 kỹ năng và KTTT thì tại thư viện trường ĐHHT và thư viện trường ĐHVH Tp. HCM lần lượt có từ 7 và 8 trong số 14 kỹ năng mà cán bộ thư viện chưa được trang bị.

7. Kết luận và đề xuất

Dựa trên kết quả nghiên cứu tác giả rút ra một số kết luận sau:

Nhìn chung cán bộ thư viện đều nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển KTTT cho sinh viên đại học.

Độ tuổi trung bình của cán bộ thư viện tham gia đào tạo KTTT còn khá trẻ, chủ yếu ở độ tuổi 31 đến 40. Tuy nhiên có tới 43% số người được hỏi có kinh nghiệm đào tạo từ 5 năm trở lên.

Đại đa số cán bộ tốt nghiệp ngành khoa học thư viện. Duy nhất TTHLH có 4 trong số 9 cán bộ tốt nghiệp ngành ngoại ngữ và tin học.

Trình độ tiếng Anh của cán bộ thư viện tương đối khá, với 39% khá và 52% trung bình.

KTTT của cán bộ thư viện nhìn chung chưa cao. Tuy nhiên mức độ giữa các thư viện cũng rất khác nhau.

Với kết quả nghiên cứu này tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Các trường đại học cần tạo điều kiện để cán bộ đào tạo KTTT có điều kiện tham gia các khóa học, hội thảo trong và ngoài nước để nâng cao trình độ nói chung và KTTT nói riêng.

Lãnh đạo thư viện cần quan tâm tới các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với cán bộ tham gia đào tạo KTTT cho sinh viên. Chủ động lựa chọn cán bộ có trình độ cao, có kỹ năng sư phạm, có trình độ ngoại ngữ tốt để bồi dưỡng cán bộ đào tạo KTTT.

Cán bộ thư viện cần tiếp tục nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và chủ động trang bị KTTT cho mình, đặc biệt là rèn luyện các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phê phán, kỹ năng giải quyết vấn đề. Khi cán bộ thư viện có KTTT tốt thì việc triển khai công tác đào tạo KTTT cho sinh viên mới đạt hiệu quả cao.

Hiện nay, một số trường đào tạo nghề thư viện đã thiết kế và đưa vào chương trình giảng dạy môn Kiến thức thông tin cho sinh viên. Môn học này trang bị kiến thức và kỹ năng về KTTT và kỹ năng thiết kế chương trình, giảng dạy KTTT. Tuy nhiên, số lượng các trường có môn học này không nhiều. Do vậy, trong thời gian tới các trường còn lại nên sớm đưa môn học này vào chương trình đào tạo. Hơn nữa, họ cũng cần thiết kế một số chương trình KTTT nâng cao dành cho đối tượng cán bộ thư viện đang công tác.

Các trường đào tạo nghề thư viện nên xem xét, có chính sách thu hút cán bộ thư viện đã học ngành khác được dự thi đầu vào ở trình độ thạc sỹ ngành khoa học thư viện. Mô hình này đang được các nước phát triển vận dụng và có hiệu quả cao. Nếu thực hiện được, ngành thư viện sẽ hạn chế được sự trùng lặp có người học từ cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ đều là chuyên ngành thư viện. Hơn nữa, thư viện sẽ bổ sung được cán bộ vừa có trình độ chuyên ngành đào tạo của trường sở tại, vừa có kiến thức thư viện. Đặc biệt, một số cán bộ đã tốt nghiệp ngành khác không phải học văn bằng hai ngành thư viện trước khi học thạc sỹ thư viện.

Tài liệu tham khảo

1. Association of College and Research Libraries. Information Literacy Competency Standards for Heigher Education. Truy cập ngày 22/4/2013 tại địa chỉ: http://www.ala.org/acrl/ilcomstan.html.

2. Boekhorst, A.K. Becoming information literate in the Nertherlands // Library Review. - 2003. - No.52(7). - p. 298-309.

3. Boekhorst, A. K. Information literac y at school level: a comparative study between the Netherlands and South Africa // South African journal of Library and Information Science. - 2004. - No.70 (2). - p. 63-71.

4. Characteristics of Excellence in Higher Education. - 2009. - p. 42. http://www.msche.org/publications/CHX06_Aug08REVMarch09.pdf

5. CILIP [Chartered Institute of Library and Information Professionals]. Information Literacy: Definition. Truy cập ngày 22/4/2013 tại địa chỉ: http://www.cilip.org.uk/policyadvocacy/informationliteracy/definition/default.htm.

6. Corazzi, Suzanne and Louise Thorpe. Models of use In: Key To Key Skills. - Final Report 1. - Sheffield : Sheffield Hallam University and Leeds Metropolitan University, 2000.

7. Tan Shyh-Mee and Diljit Singh. An assessment of the information literacy levels of library and media teachers in the Hulu Langat district, Malaysia. - In Abrizah Adullah, et al (Eds). ICOLIS 2008. - Kuala Lumpur: LISU, FCSIT, 2008. - p. 79-89.

8. UNESCO. Development of information literacy through school libraries in South-East Asian countries: Project. - Bangkok, 2005.

_________

ThS. Trương Đại Lượng

Khoa Thư viện - Thông tin, trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 6. - Tr. 15-20.


Đọc thêm cùng chuyên mục: