Dịch vụ thư viện có thu phí

E-mail Print

Trong nền kinh tế thị trường, thông tin được coi là một loại hàng hoá đặc biệt, khái niệm và thuật ngữ “dịch vụ thông tin” và “dịch vụ thư viện” mới xuất hiện vào cuối thế kỷ trước và được sử dụng ngày càng phổ biến, thay cho hoặc dùng song song với khái niệm truyền thống “các hình thức phục vụ thư viện”.

Khác với các doanh nghiệp, thư viện (TV) chủ yếu vẫn là một tổ chức phi lợi nhuận, một thiết chế văn hoá phục vụ cộng đồng, đảm bảo quyền truy cập thông tin cho người dân. Tuy nhiên, do các nguồn tài liệu (xuất bản phẩm) và nguồn tin trên thế giới tăng theo cấp số nhân và ngày càng đa dạng, đặc biệt là sự xuất hiện nguồn tin điện tử và số hoá, nguồn kinh phí được nhà nước cấp cho các TV công cộng, TV đại học, TV trường học… (nhất là ở các nước đang phát triển) không đủ để mua tài liệu, nâng cấp trang thiết bị và tiện nghi phục vụ, nên các TV đã được phép tổ chức một số dịch vụ có thu phí đối với một số đối tượng theo quy định, ngoài các hình thức phục vụ miễn phí. Trong Luật Văn hoá của nhiều nước đã có những điều khoản liên quan. Chẳng hạn, Luật Văn hoá của Liên bang Nga có ghi rõ: “Thư viện có quyền làm kinh tế, tiến hành các dịch vụ có thu tiền để mở rộng dịch vụ nếu không làm phương hại đến các nhiệm vụ chính” [13].

Ở từng nước và tuỳ từng TV, phí sử dụng dịch vụ TV có thể giảm hoặc miễn hoàn toàn, tuỳ theo lứa tuổi, diện ưu tiên, dạng khuyết tật, xuất xứ của người sử dụng: ở trong hay ngoài khu vực địa lý (nước, tỉnh, hạt…), là người ở trong hay ngoài trường, nơi có TV… Ví dụ, tại Anh, phần lớn các dịch vụ TV được miễn phí. Mọi người sống trên đất nước Anh đều được mượn sách không phải trả phí. Một số khoản thu được quy định là: tiền phạt sách trả quá hạn, tiền bồi thường do làm mất hoặc làm hư hỏng tài liệu, tiền thuê sử dụng các phương tiện học ngoại ngữ và tài liệu nghe nhìn (CD, DVD và máy nghe nhạc), tiền gửi giữ lại tài liệu để đọc tiếp, phí sao chụp hoặc in ra từ máy tính (trẻ vị thành niên và người già trên 65 tuổi được miễn các khoản này). ở Hoa Kỳ, Thư viện Luật Diamond thu phí dịch vụ đối với các cơ quan phi hàn lâm, các doanh nghiệp, TV tư nhân và các cá nhân muốn sử dụng sưu tập của TV [3].

Các dịch vụ có thu phí nhằm mục đích:

- Thực hiện đầy đủ hơn quyền thoả mãn các nhu cầu của người dân về thông tin và TV;

- Có điều kiện tăng thêm sự trợ giúp có hiệu quả đối với người sử dụng;

- Mở rộng vốn tài liệu, tăng thêm nguồn lực;

- Nâng cấp tiện nghi phục vụ;

- Phát triển và củng cố cơ sở vật chất kỹ thuật của TV.

Các dịch vụ có thu phí nhằm tạo thêm kinh phí ngoài ngân sách là hình thức hoạt động kinh tế, phải được thực hiện với điều kiện không làm giảm khối lượng và chất lượng các chỉ tiêu chính của việc phục vụ miễn phí.

Danh sách các dịch vụ có thu phí phải được ghi trong các điều lệ về thành lập và tổ chức TV, được cơ quan chủ quản xét duyệt. Giám đốc TV và các phòng chức năng phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức, thực hiện và chất lượng các dịch vụ này.

Có thể liệt kê các loại dịch vụ có thu phí ở trong và ngoài nước như sau:

1. Đăng ký, cấp thẻ sử dụng TV.

2. Phục vụ thông tin - thư mục:

- Biên soạn thư mục theo yêu cầu cá nhân.

- Thực hiện các yêu cầu chuyên đề phức tạp.

3. Cho mượn tài liệu: ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ.

4. Sử dụng cơ sở dữ liệu.

5. Dịch vụ tin học:

- Truy cập Internet.

- Giúp đỡ tư vấn tìm tin trên Internet theo yêu cầu.

- Gửi thư điện tử.

- Nhờ cộng tác viên hiệu đính văn bản.

- In văn bản, tài liệu minh hoạ.

- Quét văn bản, chuyển thông tin sang dạng điện tử.

- Dịch máy.

6. Các loại sao chụp tài liệu.

7. Cho thuê hội trường, phòng họp, trang thiết bị…

Việc định giá dịch vụ căn cứ vào:

- Giá thành dịch vụ.

- Quy định về mức độ sinh lợi.

- Dịch vụ đặc biệt.

- Giá trị của các đối tượng (tài liệu, vật tư, máy móc, thiết bị…) được sử dụng.

- Điều kiện đặc biệt (khẩn, phức tạp, ưu tiên, đối tượng và tính cách phục vụ)…

Trên cơ sở bảng giá quy định, các đơn vị chức năng soạn giấy báo giá dịch vụ do Giám đốc TV xét duyệt. Bảng giá phải thường xuyên cập nhật theo thời điểm, có chú ý đến các loại đối tượng sử dụng được miễn phí hay giảm phí (trẻ em, học sinh, người khuyết tật…) và các quy định về thuế đối với dịch vụ.

Bảng giá dịch vụ cứ hai, ba năm lại thay đổi một lần, tuỳ từng nước.

Để minh chứng, chúng ta có thể tham khảo mức phí trong hoạt động của một số TV (chủ yếu là TV quốc gia và công cộng) ở một số nước trên thế giới, được công bố trên mạng Internet, như sau:

1. Thư viện Quốc gia Nga

Bảng giá dịch vụ rất chi tiết [12,15], xin trích một số quy định như sau:

- Mượn liên TV trong phạm vi nước Nga: Gửi yêu cầu mượn: 15 rúp/ 01 yêu cầu; nhận được và trao tài liệu cho người yêu cầu: từ 30 rúp trở lên (tuỳ theo điều kiện và cước phí bưu điện).

- Mượn liên TV ngoài phạm vi nước Nga:

+ Điền phiếu yêu cầu mượn: 15 rúp/ 01 phiếu yêu cầu.

+ Xử lý thư mục và gửi yêu cầu đặt mượn tới các TV hữu quan: 100 rúp/ 01 yêu cầu.

+ Gửi (lặp) lại yêu cầu đặt: 25 rúp/ 01 yêu cầu.

+ Gửi, giao tài liệu mượn đến các phòng đọc nơi có yêu cầu: 400 rúp trở lên (tuỳ theo điều kiện của các TV nước ngoài và cước phí bưu điện).

+ Nhận yêu cầu đặt (mượn) sách (có ghi rõ ký hiệu xếp giá của tài liệu) qua điện thoại hoặc thư từ: 15 rúp/ 01 yêu cầu.

+ Nhận yêu cầu đặt sách (kể cả qua điện thoại và thư từ) không có ký hiệu xếp giá: 25 rúp/ 01 tên sách.

- Dịch vụ tra cứu - thư mục:

Trả lời theo chuyên đề: Tiếng Nga: 30 rúp/ 01 mô tả thư mục, tiếng nước ngoài 40 rúp/ 01 mô tả thư mục.

Trả lời câu hỏi thực tế, có tính chất dữ kiện, sự kiện (có sử dụng và viện dẫn nguồn tin):

+ Phức tạp loại 1: 150 rúp/ 01 vấn đề hay một sự kiện.

+ Phức tạp loại 2: 300 rúp/ 01 vấn đề hay một sự kiện (người làm TV phải xem và tra cứu từng trang nguồn tin).

- Sao chụp tài liệu (khổ A4).

+ Đen trắng: 3 rúp/ 01 trang.

+ Màu: 30 rúp/ 01 trang.

Ngoài ra còn có phí dịch vụ in, quét lazer, sao chép các phiên bản điện tử tài liệu từ TV điện tử của Thư viện Quốc gia Nga, phí tham quan TV, mượn tài liệu đi triển lãm…

2. Thư viện Anh (British Library)

Bảng giá cung cấp tài liệu có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2014, chưa kể thuế giá trị gia tăng (20%) [1, 2].

alt

3. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (LC)

Dịch vụ nhân sao tài liệu với chất lượng cao, tạo điều kiện truy cập rộng rãi các sưu tập của TV Quốc hội, bao gồm các sản phẩm quét và in kỹ thuật số có độ phân giải cao, các bản sao kỹ thuật số và trên giấy, ảnh chụp và bản sao vi phim các tài liệu của TV [6].

Sao chụp tài liệu 

alt

Quét kỹ thuật số

Độ phân giải cao, file ảnh có độ phân giải chuẩn 300 dpi

alt

Photocopy trên giấy

Photocopy trên giấy đen trắng hoặc màu, tuỳ theo bản gốc có kích cỡ 8"x10" và 1"x17".

alt

4. Thư viện Đại học Y bang Utah (Mỹ)

Kể từ ngày 01/01/2014, Bảng giá dịch vụ của Đại học y bang Utah (HK) thay đổi như sau [4]:

alt

Kể từ ngày 01/01/2014, Bảng giá dịch vụcủaĐại học y Bang Utah (HK) thay đổi như sau [4]:

alt

 Ngoài ra, Trường còn công bố một số phí liên quan đến in ấn và sao chụp. Ví dụ: Phí in Laser từ máy tính: In đen, trắng: 10 xu (cent)/ 01 trang,in màu: 1 USD/ 01 trang;Phí sao chụp (photocopy): đen, trắng: 10 xu (cent)/ 01 trang.

5. Thư viện Quốc gia Singapore

Phí sử dụng TV (Phí hội viên) [7]

alt

Mọi loại phí đều bao gồm thuế hàng hoá và dịch vụ.

6. Thư viện Kuala Lumpur (Malaysia)

alt

Về phí truy cập mạng Internet

Theo số liệu của Liên đoàn Truyền thông quốc tế, năm 2011, 35% dân số thế giới (trong đó, 22% ở các nước đang phát triển) đã được nối mạng Internet. Các TV công cộng với sự đầu tư và trợ giúp của Chính phủ, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo điều kiện cho người dân truy cập thông tin trực tuyến trong thế kỷ XXI nói chung và Chính phủ điện tử nói riêng. Phần lớn, việc truy cập được miễn phí, đặc biệt là ở các TV nhận được sự tài trợ của quốc tế về các phương tiện truyền thông và có sự cam kết. Một số TV khác cho phép sử dụng wifi miễn phí, chỉ thu phí in laser các thông tin lấy từ mạng (ví dụ, TV Stratford, nước Anh, thu 20 xu/ 01 tờ in đen trắng [9] hoặc tính theo thời gian sử dụng máy tính. Phí sử dụng tiện ích máy tính và truy cập mạng ở Anh từ ngày 2/4/2013, áp dụng cho dịch vụ máy tính công cộng (miễn phí cho người dưới 20 tuổi và trên 60 tuổi) với 3 mức áp dụng cho người sử dụng nội hạt (Hạt Barking and Dagenham) và 01 mức chung cho dân ngoại hạt như sau:

Cho người nội hạt:

- 6 bảng Anh/ 01 năm cho người sử dụng máy tính 01 giờ/ ngày.

- 12 bảng Anh/ 01 năm cho người sử dụng máy tính 2 giờ/ ngày.

- 25 bảng Anh/ 01 năm cho người sử dụng máy tính 3 giờ/ ngày.

Cho người ngoại hạt:

- 25 bảng Anh/ 01 năm cho người sử dụng máy tính 2 giờ/ ngày.

- Sử dụng thêm giờ phải nộp lệ phí 01 bảng Anh/ 01 giờ.

Phí bản quyền, là cả một vấn đề đối với các nước đang và kém phát triển

Từ trước đến nay, việc tái bản, dịch, chuyển thể và trình diễn các tác phẩm đã đăng ký bản quyền, theo Luật Bản quyền của các nước đã tham gia các công ước hay hiệp ước quốc tế (trong đó có Việt Nam), đương nhiên đều phải xin phép và trả tiền bản quyền cho tác giả hoặc cơ quan, tổ chức giữ bản quyền (thường là nhà xuất bản). Các thông tin về bản quyền thường ghi ở mặt sau trang tên sách nói chung và năm giữ bản quyền được in sau ký hiệu ©. Một số nước đã thành lập các trung tâm hay tổ chức đại diện quốc gia để thu phí bản quyền nộp cho các tác giả hoặc nhà xuất bản giữ bản quyền.

Riêng trong lĩnh vực TV, vấn đề bản quyền chủ yếu có liên quan đến việc sao chụp và số hoá tài liệu. Trong các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như IFLA, UNESCO… đã được thể hiện trong Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Bản quyền của nhiều nước trên thế giới, việc sao chụp tài liệu trong TV không phải xin phép và trả phí bản quyền là những trường hợp sao chụp có hạn định để thay thế các bản bị hư hỏng, bị mất mà không thể mua được trên thị trường sách; sao chụp một phần (chương, đoạn,..) của tài liệu, một bài trong tuyển tập, tạp chí để phục vụ mục đích giảng dạy hay nghiên cứu khoa học có tính cách cá nhân... Ngoài những mục đích và giới hạn kể trên, mọi hoạt động nhân bản khác đều phải xin phép và trả tiền bản quyền. Cá biệt có tài liệu [10] trên cơ sở các luận cứ và lý giải mang nặng tính pháp trị, đã gợi ý các TV quốc gia và công cộng nên kiến nghị với chính phủ của nước sở tại cấp thêm một khoản kinh phí theo tỷ lệ bổ sung tài liệu nước ngoài hàng năm để trả phí bản quyền, ngoài các quy định miễn trừ đã nêu. Tiếc rằng, tác giả không nêu cụ thể phương pháp tính toán và phương thức trả phí ra sao. Có lẽ, việc tính toán, giải trình để được chính phủ ở các nước đang và kém phát triển trợ cấp phí bản quyền không hề đơn giản, vì trước hết TV phải thống kê được số lượng trang tài liệu nước ngoài mà người sử dụng đề nghị sao chụp vượt quá quy định trong luật bản quyền, tính bình quân trong nhiều năm.

Kết luận

Từ trước đến nay, các TV ở Việt Nam mới chỉ tiến hành thu phí thông qua các dịch vụ cấp thẻ, đăng ký sử dụng TV và sao chụp tài liệu (phí sao chụp tính trên cơ sở tiền công lao động, mức độ hao mòn thiết bị và vật tư… chứ chưa bao gồm phí bản quyền), cộng thêm các khoản phạt mượn sách quá hạn và bồi thường tài liệu bị mất hoặc rách nát, hư hỏng do người sử dụng gây ra. Hy vọng, những quan điểm, kinh nghiệm và thực tiễn tổ chức dịch vụ thu phí, những trường hợp miễn giảm phí và mức phí ở một số TV nước ngoài trình  bày trong bài này sẽ giúp ích phần nào cho các TV ở Việt Nam trong việc đa dạng hoá và tính toán các dịch vụ có thu phí, có cân nhắc đến tác quyền trong trào lưu marketing các sản phẩm và dịch vụ thư viện - thông tin vào thời kỳ hội nhập và số hoá tài liệu để xây dựng TV số hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. British Library. Frequently asked questions: Copyright fee // URL :http://www.bl.uk /aboutus/foi/pubsch/pubscheme5/pricingfaq.html.

2. Document supply price British Library (UK) // URL: http:// www.bl.uk/reshelp/atyourdesk/docsupply/help/pricing/.

4. Fee-Based Services in Diamond Law Library (USA) // URL: http:// www web.law.columbia.edu/library/services/fee-based.

5. Fees for Library Services at Utah University (USA) // URL: : http://www. library.med. utah.edu/or/services/fees.php.

6. Kuala Lumpur Library: Membership registration and MyKad // URL: http://www.malaysianexplorer.com/kualaLumpurLibrary.html.

3. LC Products & Pricing // URL:http://www.loc.gov/duplicationservices/products-pricing.

7. National Library board Singapore: Membership charge // URL: http://www.nlb.gov.sg/VisitUs/Membership.aspx#fees_charges.

8. Otique Japhet. Providing access to copyright works through exceptions and limitations: Experiences from developing countries // URL:http://sis.mu.ac.ke/index.php/research-publications/staff-research-and-publication-2/category/2-prof-otike?download=33:providing-access-to-copyright-works-through-exceptions-and-limitations.

9. Using computers in our libraries [Stratford Library etc.] // URL: http:// www.stratford.library.on.ca/computers.

10. Копирование произведений в библиотеках с точки зрения авторского права // URL:http://kolosov.info/yuridicheskaya-konsultaciya/kopirovanie-proizvedeniy-v-bibliotekah# ixzz3ALtKF6oH.

11. Перечень платных услуг РГБ. . – URL: http://www.rsl.ru/index.php?f=329.

12. Платные услуги в библиотеках // "Учреждения культуры и искусства: бухгалтер-ский учет и налогообложение", 2010, N.8. - URL: www.consultant.ru/document/cons_doc_PBI_151220.

13. Правовое регулирование деятельности библиотек за рубежом» (составитель И.Ю. Багрова). М., 2001. URL: society.polbu.ru/kopylov_pravo/ch69_i.html ; lawtoday.ru/razdel/biblo/infoprav/106.php.

14. Прейскурант допольнительных услуг РГБ - URL: www. rsl.ru/datadocs/doc_85qu.pdf;www.rsl.ru/datadocs/doc_7023vi.pdf;marc21.rsl.ru/index.php?f=330.

________________

Vũ Văn Sơn

Hội Thông tin Tư liệu Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 6. - Tr. 20-25.


Đọc thêm cùng chuyên mục: