Trong lĩnh vực thư viện, nhiều hoạt động liên quan đến quyền tác giả (bao hàm cả quyền tác giả và quyền liên quan) như sao chụp tài liệu, số hoá tài liệu, mượn liên thư viện... Trong bài viết này chúng tôi muốn bàn về những quy định của pháp luật về sao chép tác phẩm trong hoạt động thư viện ở nước ta.
1. Về quy định sao chép tác phẩm trong thư viện
Mục đích cơ bản nhất của việc ban hành luật về sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả là tác giả được hưởng các lợi ích từ các sản phẩm sáng tạo hoặc đầu tư của họ. Điều đó giúp họ có điều kiện để tiếp tục sáng tạo thêm những tác phẩm mới và các kiến thức, tác phẩm mới lại thúc đẩy phát triển kinh tế, khoa học, xã hội của đất nước và của toàn thế giới. Tuy vậy, trên thực tế không phải mọi người đều có đủ điều kiện để tự mình mua những sản phẩm trí tuệ có bản quyền.
Vì thế, một trong những nguyên tắc cơ bản của luật sở hữu trí tuệ nói chung, luật quyền tác giả nói riêng là nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm với lợi ích của xã hội. Lĩnh vực thể hiện rõ ràng nhất chính sách của Nhà nước trong việc thực hiện nguyên tắc này là lĩnh vực sao chép tác phẩm[1]. Cần khẳng định rằng quyền sao chép tác phẩm là một trong những quyền tài sản cơ bản và quan trọng nhất của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và quyền này được bảo hộ cả từ góc độ pháp luật quốc tế và quốc gia. Tại khoản 5 điều 1 của Nghị định số 85/2011/NĐ-CP đã khẳng định: “Quyền sao chép tác phẩm quy định tại điểm c khoản 1 điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ là một trong các quyền tài sản độc quyền thuộc quyền tác giả, do chủ sở hữu thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử” [6].
Luật pháp quốc tế, luật của nhiều nước khác đều có những quy định tương tự. Để làm việc này, Luật Sở hữu trí tuệ, luật pháp về quyền tác giả của quốc tế và của nhiều nước đã tạo nên một số quy định thường được gọi là “fair use” - “dùng đẹp”, “sử dụng đẹp”, “sử dụng hợp lý”, “nguyên tắc thứ năm”, “hạn chế và ngoại lệ”: quyền của mọi người sử dụng tài liệu có bản quyền không phải xin phép, không phải trả nhuận bút, thù lao trong một số trường hợp.
Dưới góc độ pháp luật Việt Nam, quyền sao chép tác phẩm được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 1995 và tiếp tục được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009. Tại điều 760 Bộ luật Dân sự năm 2005 và điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, quy định một trong những trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã có những chỉnh sửa bổ sung một số điều vào năm 2009, trong đó có điều 25. Tại điều 6 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, điều 25 có một số điểm sau liên quan đến sao chép tác phẩm trong hoạt động thư viện:
1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:
a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;
i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
3. Các quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính [5].
Những quy định trên, theo chúng tôi, có thể gọi là quyền được sao chép tác phẩm, tài liệu. Quyền này là quyền của người dân. Tuy nhiên, trong Nghị định 100/2006/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan tại Điều 25" (Điều 25 tương đương với Điều 761 của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan của Bộ luật Dân sự 2005) lại quy định như sau:
1. Tự sao chép một bản quy định tại điểm a khoản 1 điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ áp dụng đối với các trường hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích thương mại.
2. Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu quy định tại điểm đ khoản 1 điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc sao chép không quá một bản.
3. Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.
Năm 2009, Luật Sửa đổi, bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ ra đời và năm 2011 Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, quy định này vẫn không có gì thay đổi.
Trước hết, chúng tôi muốn bàn về quy định tại khoản 3 của Điều trên. Nếu theo quy định của khoản 3 này thì thư viện không được phép sao chụp tài liệu cho bạn đọc, người sử dụng, cũng như không được phổ biến tài liệu số và các dạng sao chép khác tới công chúng.
Cần khẳng định rằng quy định trên là trái với bản chất của thư viện, trái với thực tiễn, xu hướng phát triển hiện nay của các thư viện trên thế giới và ở Việt Nam.
Về bản chất của thư viện, như trong các văn bản của IFLA đều khẳng định thư viện có chức năng tạo nên sự tiếp cận không có rào cản của người dân tới thông tin. Theo tổ chức nghề nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực thư viện thế giới, luận điểm trên là rất quan trọng để đạt tới tự do, bình đẳng, hiểu biết chung và hoà bình trên thế giới. Vì thế, IFLA luôn cho rằng: Tự do trí tuệ - là quyền của mỗi người trong việc hình thành những quan điểm (niềm tin) cá nhân và cả việc tự do trình bày chúng, là quyền tìm kiếm và thu nhận thông tin. Tự do trí tuệ là nền tảng của dân chủ, tự do trí tuệ tồn tại trong nền tảng của hoạt động thư viện. Việc đảm bảo sự tiếp cận tự do tới thông tin, không phụ thuộc vào các phương tiện truyền đạt chúng hoặc biên giới quốc gia, là trách nhiệm chủ yếu của nghề thư viện và thông tin. Các rào cản trên đường đi của dòng tin cần phải được loại bỏ, đặc biệt là những rào cản gây nên tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói và tuyệt vọng. Trong các văn bản của IFLA như Tuyên bố về quyền tác giả trong môi trường điện tử, Tuyên bố về Internet... các tổ chức này đều đề nghị luật pháp về quyền tác giả của các nước không quá khắt khe với thư viện, cơ quan thông tin trong cung cấp tài liệu, thông tin đến người sử dụng, chẳng hạn người sử dụng thư viện cần được tạo khả năng đọc hay xem theo chế độ truy cập từ xa, với mục đích cá nhân, không phải trả tiền và thuận lợi đối với các tài liệu hiện bán trên thị trường tự do, được bảo vệ bởi quyền tác giả [2]. Những năm gần đây, IFLA đang tạo ra một hành động quốc tế để các tổ chức về quyền tác giả, đặc biệt là WIPO, đảm bảo những chức năng cơ bản của thư viện và các cơ quan lưu trữ tiếp tục được giữ lại trong các luật về bản quyền. Các cơ quan này cần có những quy chuẩn quốc tế về bản quyền với những giới hạn và ngoại lệ để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình: cung cấp truy cập tri thức và bảo vệ di sản văn hoá và khoa học [10]. Và những cố gắng này của IFLA đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng đáng khích lệ: Năm 2010, Uỷ ban Thường trực của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới – WIPO (IFLA, 2013) đã đồng ý với những ngoại lệ dành cho các thư viện và trung tâm lưu trữ về vấn đề cung cấp bản sao tài liệu cho bạn đọc trong chia sẻ tại liệu. Đó là, các thư viện được quyền tạo ra và cung cấp một bản sao của tài liệu có bản quyền hoặc tài liệu được bảo hộ bởi các quyền liên quan cho bạn đọc của thư viện hoặc thư viện khác theo yêu cầu của bạn đọc cho mục đích giáo dục, nghiên cứu, sử dụng cá nhân theo quy định sử dụng hợp lý của luật mỗi quốc gia [3].
Đối với thực tiễn, để thực hiện chức năng của mình, hàng nghìn năm qua, thư viện trên thế giới và cả ở nước ta, luôn áp dụng các kỹ thuật mới, trong đó có máy photocopy để cung cấp sản phẩm thông tin – thư viện cho bạn đọc. Dịch vụ photocopy mang lại nhiều lợi ích cho bạn đọc, thư viện. Đối với bạn đọc, đây là kênh có thể cung cấp cho họ những tài liệu cần thiết nhất (nhiều khi chỉ chụp một vài trang trong một cuốn sách, một vài bài báo trong một số tạp chí để không phải mượn cả cuốn sách hay cuốn/ tập tạp chí về nhà. Mặt khác, với bản sao đó, người đọc có thể đọc bất cứ lúc nào, ở đâu khi cần.
Thực tế, thư viện các nước trên thế giới đều được trang bị các máy photocopy để sao chụp tài liệu cho bạn đọc hoặc để bạn đọc tự sao chụp tài liệu. Các thư viện của Anh vẫn tiến hành sao chụp tài liệu nếu các tài liệu đó thuộc ngoại lệ được Luật bản quyền quy định và nằm trong phạm vi được phép sao chép, còn mục đích sử dụng của người yêu cầu sao chép là phi thương mại, phục vụ việc học tập, nghiên cứu của bản thân. Ngoài ra, trong một số trường hợp khi không được áp dụng ngoại lệ bản quyền theo Luật, các thư viện Anh có những thương lượng riêng với chủ sở hữu quyền tác giả để đạt được thoả thuận hoặc giấy phép riêng cho phép sao chép từng phần nhất định của tác phẩm, đổi lại thư viện phải trả cho chủ sở hữu tác quyền một khoản tiền bản quyền do việc sao chép tác phẩm của họ. Điều khoản và điều kiện của việc cấp phép này thường sẽ được niêm yết ở vị trí gần thiết bị sao chép (ví dụ, giấy phép CLA cho trường học cho phép sao chép một chương của một cuốn sách hoặc một bài báo từ 01 tờ báo/ tạp chí). ở Ôxtrâylia, người sử dụng tự chịu trách nhiệm về hành vi sao chép tài liệu không vi phạm bản quyền khi yêu cầu sao chép tài liệu của thư viện mà không cần sự cho phép nào thêm của thư viện. Nói cách khác, trước khi sao chép tài liệu, người sử dụng cần chứng minh với người làm thư viện là đã được phép sao chép của tác giả hoặc tác phẩm đó thuộc ngoại lệ bản quyền và không cần xin phép [1]. Pháp luật Phần Lan có những quy định cho phép bạn đọc của thư viện được quyền tự do sao chép tài liệu. Theo Điều 12 Luật Bản quyền của nước này, bất kỳ người nào cũng có thể sao chụp tại thư viện với thiết bị của thư viện một vài bản để sử dụng riêng cho cá nhân (ngoại lệ là chương trình tin học). Vì không có hạn chế nào được đặt ra đối với kỹ thuật nhân bản, các bản sao số hoá do bản thân bạn đọc thực hiện hoặc sao tài liệu bằng máy quét vi phim của thư viện đều có thể được [10].
Về xu hướng phát triển, thư viện trên thế giới những năm gần đây và từ nay về sau là phát triển thư viện số mà bộ phận cơ bản là bộ sưu tập các tài liệu số và cung cấp tài liệu số đó cho người dân sử dụng. Có thể nêu lên 3 điển hình về phát triển bộ sưu tập số sau:
Dự án Ký ức nước Mỹ. Thư viện Quốc hội Mỹ bắt đầu thực hiện sáng kiến Ký ức nước Mỹ từ năm 1990 với mục tiêu số hoá những tài liệu có giá trị nhất được các thế hệ người Mỹ sáng tạo nên, khoảng 5 triệu tài liệu. Từ số tiền ban đầu là 13 triệu USD quyên góp được, sau đó được Quốc hội cấp 15 triệu USD, đồng thời nhận được tài trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm mà kinh phí dành cho dự án này đã tăng lên 45 triệu USD. Từ năm 1996, Thư viện Quốc hội tài trợ cho cuộc thi kéo dài trong 3 năm, với giải thưởng trị giá 2 triệu USD từ Tổng Công ty Ameritech, nhằm khuyến khích cộng đồng, nhà nghiên cứu, thư viện đại học, bảo tàng, tổ chức lịch sử - xã hội và các cơ quan lưu trữ (trừ các tổ chức liên bang) số hoá bộ sưu tập lịch sử liên quan đến nước Mỹ và đưa lên trang web Ký ức nước Mỹ của Thư viện Quốc hội. Cuộc thi đã tạo ra 23 bộ sưu tập số bổ sung cho Ký ức nước Mỹ, góp phần nâng tổng số lên hơn 100 bộ sưu tập chuyên đề. Ký ức nước Mỹ cung cấp truy cập mở và miễn phí trên Internet tới các nguồn tài liệu dưới dạng: văn nói và văn viết, âm thanh, hình ảnh tĩnh, hình ảnh động, bản in, bản đồ và bản nhạc có liên quan đến nước Mỹ và người Mỹ. Đây là hồ sơ số về lịch sử và sự sáng tạo của nước Mỹ, được đánh giá là có đóng góp to lớn cho giáo dục và học tập suốt đời của người dân Hoa Kỳ.
Dự án khu vực châu Âu - Europeana. Đây là một dự án của Uỷ ban châu âu, được hình thành năm 2008. Dự án Europeana được xây dựng nhằm tạo điều kiện cho mọi người có thể truy cập nguồn tài nguyên số được lưu trữ tại các thư viện, bảo tàng và cơ quan lưu trữ tại châu âu, cho người sử dụng khám phá di sản văn hoá và khoa học của châu âu từ thời tiền sử cho đến hiện đại. Europeana.eu là một cổng thông tin, thư viện trên Internet, hoạt động như là một giao diện cho hàng triệu sách, tranh, phim ảnh, các đối tượng bảo tàng và các hồ sơ lưu trữ đã được số hoá trên khắp châu âu. Theo dự định, Thư viện số Europeana sẽ có khoảng 10 triệu tài liệu vào năm 2010. Hiện nay, hơn 2.000 tổ chức trên khắp châu Âu, trong đó có thư viện quốc gia, các bảo tàng và cơ quan Lưu trữ tại châu âu, đã góp tài nguyên của mình vào Europeana. Số lượng tài liệu tập hợp được vô cùng lớn, trên 15 triệu đơn vị gồm: Ảnh, tranh, bản vẽ, bản đồ, hình ảnh của các hiện vật trong bảo tàng; sách, báo, thư tín, nhật ký và tài liệu lưu trữ; âm nhạc và đoạn ghi âm từ băng, đĩa, chương trình radio; phim, chương trình truyền hình… Các đối tượng kỹ thuật số mà người dùng có thể tìm thấy trong Europeana không được lưu trữ trên một máy tính trung tâm, mà lưu trữ trên mạng của các tổ chức văn hoá, các thành viên.
Dự án Thư viện số thế giới. Tháng 6 năm 2005, James Billington - Giám đốc Thư viện Quốc hội Mỹ đề xuất thành lập World Digital Library (WDL), đến tháng 4 năm 2009, WDL mới chính thức giới thiệu ra toàn thế giới. Dự án này nhận được sự đóng góp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, quốc gia trên thế giới, đặc biệt của Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục thuộc Liên hiệp quốc (UNESCO). Dự án xây dựng Thư viện số thế giới sẽ số hoá những tài liệu quý hiếm và độc nhất từ những thư viện và những viện hàn lâm trên thế giới nhằm tạo cho chúng có thể được truy cập miễn phí trên Internet. Hiện Dự án đã nhận được sự hợp tác của các cá nhân và thư viện trên hơn 40 quốc gia. Các công cụ định vị trên trang web và mô tả nội dung được cung cấp bằng các ngôn ngữ Arập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Nga và Tây Ban Nha.
Ở nước ta từ hàng chục năm trở lại đây, nhiều tổ chức, cơ quan, trong đó có các thư viện, cơ quan thông tin đã tạo nên một lượng tài liệu số khá lớn. Chẳng hạn, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã xây dựng Bộ sưu tập tài liệu số hoá toàn văn với hơn 5 triệu trang gồm các luận án tiến sỹ của công dân Việt Nam, các tài liệu tiếng Anh về Việt Nam, tài liệu tiếng Pháp thời Pháp thuộc, sách Hán - Nôm. Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, mỗi đơn vị cũng đã số hoá hàng triệu trang tài liệu quý hiếm... Bên cạnh đó, hiện nay Nhà nước ta đang có chủ trương đẩy mạnh phát triển nội dung số. Theo Quyết định số 56/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam đến năm 2010 đã đưa ra giải pháp: Xây dựng và đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án phát triển nội dung và cung cấp thông tin trên mạng, tạo điều kiện truy cập thông tin từ xa, thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị... Từ đó, Chính phủ đã đề ra chủ trương:
- Ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước trung ương, ngân sách nhà nước địa phương và huy động tối đa các nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để đầu tư nghiên cứu sản xuất và phát triển các sản phẩm, dịch vụ nội dung trên mạng Internet, trên mạng di động, đặc biệt là các sản phẩm/ dịch vụ đa phương tiện, nhằm tăng cường cung cấp thông tin cho xã hội và các dịch vụ giải trí số;
- Đầu tư cho Thư viện Quốc gia và một số thư viện lớn ở các thành phố trực thuộc Trung ương và các trường đại học xây dựng giải pháp thư viện số trực tuyến, số hoá sách, báo, tài liệu để hình thành hệ thống thư viện số Việt Nam;
- Đầu tư nghiên cứu, phát triển các tài liệu, học liệu phục vụ giáo dục từ xa, học tập điện tử (E-learning), đặc biệt là các bài giảng, bài tập, các từ điển điện tử; các thí nghiệm ảo về vật lý, hoá học, sinh học [8].
Như vậy, xây dựng các bộ sưu tập số/ thư viện số và đưa lên mạng Internet để người dân không chỉ nước mình, khu vực mình mà cả thế giới sử dụng là xu hướng tất yếu trên thế giới và ở Việt Nam.
2. Những quy định về sao chép tác phẩm cho nhu cầu của thư viện
Như trên đã nói, việc quy định “Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện... là việc sao chép không quá một bản” là quy định cần thiết giúp thư viện bảo quản lâu dài tài liệu như là di sản văn hoá của dân tộc, nhưng chưa giúp nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc. Nhưng mặt khác cũng cần nhấn mạnh rằng nếu trong thư viện có bản gốc và bản sao mà theo tinh thần của khoản 3 điều 25 Nghị định 100/2006-NĐ-CP, bản sao không được mang ra phục vụ bạn đọc thì giá trị lưu trữ của tài liệu sao chụp cũng bị hạn chế vì đó không phải bản gốc. Đồng thời, nếu bản sao không được thực hiện trên giấy tốt, mực tốt thì chỉ sau vài năm tài liệu sao chụp sẽ ố vàng, phai mực thì giá trị lưu trữ của tài liệu sao chụp càng kém và nếu để lưu trữ trong vài chục năm, chắc chắn bản sao chụp đó chẳng còn mấy giá trị. Còn bản sao điện tử cũng luôn gặp những bất cập trong sự lỗi thời của phần mềm, sự lạc hậu nhanh chóng của phần cứng… nên nếu có một bản sao thì cũng rất khó khăn trong bảo tồn vì không được sao lưu, cập nhật các định dạng mới...
Mặt khác, có thể thấy Nghị định 100/2006-NĐ-CP đã hạn chế rất nhiều quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Khoản đ điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu. Nói “sao chép để nghiên cứu”, theo cách hiểu của chúng tôi là có ý nói tới sao chép để phục vụ bạn đọc, để bạn đọc, người dân sử dụng, “nghiên cứu” tài liệu đó. Mà chính ở đây, giá trị của bản sao mới phát huy vì không làm cho bản gốc bị hư hỏng trong quá trình phục vụ bạn đọc.
Vì thế, theo chúng tôi cần phải sửa những quy định về sao chép tài liệu trong thư viện theo hướng:
- Thư viện được quyền cung cấp bản sao tác phẩm tới bạn đọc theo quy định của pháp luật.
- Thư viện được sao chép nhiều nhất là 3 bản cho một tên tài liệu để lưu trữ trong thư viện và phục vụ bạn đọc. Luật Quyền tác giả của các nước như Hoa Kỳ, Ôxtrâylia, Canada hay Thái Lan cho phép sao chép 2 hoặc 3 bản cho mục đích lưu trữ, bảo quản [9]. Việt Nam có thể quy định: đối với tác phẩm chỉ có 1 – 2 bản trong kho, tài liệu quý, hiếm, tài liệu từ nhiều năm không được tái bản, tài liệu bị mất mát, hư hỏng khi phục vụ bạn đọc... nếu cần thiết thư viện có thể sao chép không quá 3 bản/ tài liệu. Quy định như vậy có tính mềm dẻo, cuốn sách nào nhiều bạn đọc yêu cầu có thể chụp 3 bản; tác phẩm nào ít, 1 - 2 bản, tác phẩm khác, dù ít bản cũng có thể không cần sao chụp bản nào để lưu trữ, phục vụ.
- Các bản sao tài liệu điện tử/ tài liệu số được cung cấp cho bạn đọc ở dạng PDF trên mạng LAN của thư viện.
- Các bản sao tài liệu điện tử/ tài liệu số được cung cấp trên mạng Internet theo quy định của pháp luật về quyền tác giả.
Như vậy, những quy định của pháp luật về sao chép tác phẩm của nước ta đã hạn chế rất nhiều chức năng xã hội của thư viện, đã đi sau nhiều nước trên thế giới và đã lạc hậu so với chủ trương phát triển hiện nay của Nhà nước ta. Vì thế, các quy định này cần phải được sửa đổi, bổ sung sớm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Thị Thuỷ. Thực hiện quyền tác giả và quyền liên quan trong các loại hình thư viện ở Anh và Ôxtrâylia: chuyên đề cho đề tài nghiên cứu cấp bộ “Thực thi quyền tác giả và quyền liên quan trong hoạt động thông tin – thư viện ở Việt Nam”.
2. IFLA. Tuyên bố về vấn đề quyền tác giả trong môi trường điện tử / Lê Văn Viết dịch từ tiếng Nga // Tập san Thư viện. - 1998. - Số 4. - Tr. 63–65.
3. Nguyễn Thị Kim Tri. Vấn đề bản quyền trong chia sẻ tài liệu thư viện// Kỷ yếu hội thảo “Thực thi quyền tác giả và quyền liên quan trong hoạt động thư viện - thông tin. - H.: TVQGVN, 2014. - Tr. 119.
4. Trần Thị Hoàn Anh. Vấn đề xây dựng và khai thác bộ sưu tập số Quốc gia - những bất cập và giải pháp// Kỷ yếu hội thảo “Vai trò của Thư viện Quốcgia Việt Nam và các cơ quan thông tin - thư viện trong việc tạo lập Bộ sưu tập tài nguyên số quốc gia của Việt Nam”.
5. Việt Nam (CHXHCN). Quốc hội (Khoá 11). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ: điều 14. Http://noip.gov.vn. Truy cập ngày 13/6/2011.
6. Việt Nam (CHXHCN). Chính phủ. Nghị định số 85/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan.
7. Việt Nam (CHXHCN). Chính phủ. Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan. http:// moj.gov.vn/vbpq/Lists/.../View_Detail.aspx? ItemID=15307.
8. Việt Nam (CHXHCN). Chính phủ. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 56/2007/QĐ-TTg ngày 03/5/2007 phê duyệt Chương trình phát triển công nghệ nội dung số tại Việt Nam đến năm 2010. http:// mic.gov.vn/vbqppl/Lists/Vn%20bn%20QPPL/.../56-2007-QÐ-TTg.doc. – Tr. 2-3.
9. Vũ Minh Huệ. Bổ sung, hoàn thiện một số quy định về quyền tác giả, quyền liên quan và vấn đề sử dụng, sao chép hợp lý tác phẩm// Kỷ yếu hội thảo “Thực thi quyền tác giả và quyền liên quan trong hoạt động thư viện - thông tin. - H.: TVQGVN, 2014. – Tr. 49.
10. Vũ Văn Sơn. Việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên thế giới(lưu ý đến thư viện các nước phát triển) // Kỷ yếu hội thảo “Thực thi quyền tác giả và quyền liên quan trong hoạt động thư viện - thông tin. - H.: TVQGVN, 2014. - Tr. 13.
11. American Memory from the Library of Congress. http://cweb2.loc.gov/ammem/amabout.html.
12. American Memory//en.wikipedia.org/wiki/American_Memory.
13. Europeana//en.wikipedia.org/wiki/Europeana
14. Purday, Jon. Think culture : Europeana.eu from concept to construction Http://emeraldinsight.com/doi/abs/10.1108/02640470911004039.
15. Van Oudenaren, John. The World Digital Library. Http://unesco.org/.../VC_Van_Oudenaren_26_A_1620.pd.
16. World Digital Library (Library of Congress)//www.loc.gov/wdl.
___________________________________
[1]Theo quy định tại khoản 10 điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ thì Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặ ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử.
_______________
TS. Lê Văn Viết
Hội Thư viện Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 6. - Tr. 14-19.
< Prev | Next > |
---|
- Dịch vụ thư viện có thu phí
- Nghiên cứu hành vi thông tin: thực trạng và xu hướng
- Nguyên tắc định hướng xây dựng tiêu chuẩn thư viện đại học ở Việt Nam
- Nâng cao năng lực cung ứng thông tin tại các thư viện đại học Việt Nam
- Thang đo Servqual một công cụ đánh giá chất lượng dịch vụ thư viện đại học
- Xây dựng và phát triển thư viện số tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và thư viện thành phố trực thuộc Trung ương
- Bước đầu xây dựng hệ thống thông tin du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay từ cách tiếp cận lí thuyết hệ thống
- Khó khăn, thuận lợi của sinh viên cao đẳng ngành thông tin - thư viện và những kỹ năng cần có
- Khả năng đáp ứng yêu cầu nghề của đội ngũ cán bộ, nhân viên đang công tác trong các cơ quan thông tin - thư viện tại Hà Nội
- Đội ngũ cán bộ thư viện tham gia đào tạo kiến thức thông tin tại một số thư viện đại học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp