Một số nhân tố ảnh hưởng tới việc phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên

E-mail Print

Sự phát triển của “xã hội thông tin” và “nền kinh tế tri thức” đang đòi hỏi người lao động phải có năng lực tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo cũng như khả năng học tập suốt đời để thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội. Trong bối cảnh đó, kiến thức thông tin (KTTT) nổi lên như một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong xã hội thông tin [6], bởi lẽ trang bị KTTT cho sinh viên (SV) là đảm bảo cho họ năng lực học tập suốt đời, họ sẽ là những người “biết cách học” [8].

Nhận thức được tầm quan trọng của KTTT, nhiều nước phát triển như Hoa Kỳ, Úc, Canada, các nước thuộc Liên minh châu Âu đã triển khai đào tạo KTTT cho SV và coi KTTT như một trong các chuẩn đầu ra đối với SV. Uỷ ban Giáo dục Đại học các bang miền Trung Hoa Kỳ cho rằng “KTTT là thành tố cần thiết đối với bất cứ chương trình đào tạo nào ở các trình độ khác nhau” [7]. Với ý nghĩa đó, nghiên cứu này tập trung tìm hiểu một số nhân tố ảnh hưởng tới công tác phát triển KTTT cho SV đại học.

Định nghĩa về kiến thức thông tin

Hiện nay có nhiều định nghĩa khác nhau về KTTT. Theo UNESCO, “KTTT là sự kết hợp của kiến thức, sự hiểu biết, các kỹ năng và thái độ mà mỗi thành viên cần hội tụ đầy đủ trong xã hội thông tin. Khi mỗi cá nhân có KTTT thì họ sẽ phát triển khả năng lựa chọn, đánh giá, sử dụng và trình bày thông tin một cách hiệu quả” [15]. Đây là một định nghĩa khá rộng đòi hỏi người có KTTT không những có trình độ mà còn có thái độ đúng đắn trong việc sử dụng thông tin. Điều này có nghĩa là người có KTTT phải sử dụng thông tin một cách có đạo đức. Việc truy cập, sử dụng và phổ biến thông tin phải phù hợp với pháp luật.

Theo Hiệp hội Thư viện Đại học và Nghiên cứu Hoa Kỳ, KTTT là “tập hợp các khả năng cho phép mỗi cá nhân có thể nhận ra khi nào họ cần thông tin, có khả năng định vị, đánh giá và sử dụng thông tin cần thiết có hiệu quả” [3]. Theo đó, KTTT là tập hợp các khả năng có liên quan đến thông tin và tất cả các kỹ năng này được xây dựng trên nền tảng của nhu cầu tin.

Boekhorst cho rằng tất cả các định nghĩa và mô tả về KTTT được trình bày trong thời gian qua được tóm tắt thành ba khía cạnh [5]:

Khía cạnh công nghệ thông tin và truyền thông (ICT): KTTT đề cập đến khả năng sử dụng ICT để tra cứu và phổ biến thông tin.

Khía cạnh các nguồn thông tin: KTTT đề cập đến khả năng tìm và sử dụng thông tin một cách độc lập hoặc với sự trợ giúp của trung gian.

Khía cạnh tiến trình thông tin: KTTT đề cập đến tiến trình nhận ra nhu cầu tin, tra cứu, đánh giá, sử dụng và phổ biến thông tin theo yêu cầu hoặc mở rộng kiến thức. Khái niệm này bao gồm cả khái niệm ICT và khái niệm các nguồn tin.

Qua các định nghĩa trên chúng ta thấy rằng KTTT không chỉ đơn thuần là kỹ năng khai thác thông tin trên mạng hoặc thông tin trong các tài liệu truyền thống. KTTT bao gồm nhiều kỹ năng như định hướng nhu cầu thông tin, sử dụng các công cụ tìm tin có hiệu quả và khả năng thẩm định các nguồn tin. Trang bị KTTT giúp con người chủ động hơn trong học tập, nghiên cứu và hướng tới khả năng tự học suốt đời (lifelong learning).

Một số nhân tố ảnh hưởng tới công tác phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên

Phát triển KTTT cho SV hiệu quả phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác nhau. Nghiên cứu này chỉ tập trung tìm hiểu một số nhân tố chính có tác động trực tiếp trong môi trường giáo dục đại học bao gồm: văn hoá nhà trường, động cơ của SV, trình độ của cán bộ thư viện (CBTV), phương pháp giảng dạy của giảng viên, sự phối hợp của giảng viên và cán bộ thư viện, sự phát triển của ICT.

Văn hoá nhà trường

Văn hoá nhà trường là một tập hợp các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin và hành vi ứng xử… đặc trưng của một trường học, tạo nên sự khác biệt với các tổ chức khác. Văn hoá nhà trường liên quan đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của một nhà trường. Nó biểu hiện trước hết trong tầm nhìn, sứ mạng, triết lý, mục tiêu, các giá trị, phong cách lãnh đạo, quản lý… Văn hoá nhà trường thể hiện thông qua các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin, quy tắc ứng xử… được xem là tốt đẹp và được mỗi người trong nhà trường chấp nhận.

Với ý nghĩa đó, xây dựng văn hoá nhà trường có vai trò hết sức quan trọng, yếu tố quyết định sự phát triển của nhà trường. Xây dựng văn hoá nhà trường là một nhiệm vụ phải đặt lên hàng đầu và được thể hiện thông qua một số nội dung như: Xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh và phương châm hành động của nhà trường; Xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tập thể đoàn kết; Xây dựng môi trường học thuật và tác phong làm việc khoa học; Tổ chức cho cán bộ, giảng viên, nhân viên tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và tham gia các hoạt động xã hội; Xây dựng không gian cảnh quan nhà trường. Một khi văn hoá nhà trường đã ổn định nó sẽ ảnh hưởng đến việc ra các quyết định về quản lý, thiết kế chương trình đào tạo, tuyển dụng và duy trì giảng viên, các mối quan hệ với các thành viên của cộng đồng.

Phát triển KTTT cho SV phụ thuộc nhiều vào văn hoá nhà trường bởi lẽ phát triển KTTT cho SV có liên quan mật thiết với sứ mạng, tầm nhìn, các quyết định, chương trình đào tạo, nguồn nhân lực của mỗi trường. Vì vậy các thư viện đại học cần cố gắng áp dụng quan điểm văn hoá để phân tích cơ hội phát triển KTTT cho SV trong trường đại học vốn rất phức tạp bởi sự chồng chéo, giao nhau của các nhu cầu văn hoá được các thành viên thực hiện bắt nguồn từ văn hoá của tổ chức, văn hoá của các lĩnh vực khoa học và văn hoá của cộng đồng các nhà chuyên môn.

Kuh và Whitt cho rằng văn hoá trường đại học có thể hỗ trợ các sáng kiến phát triển KTTT cho SV [13]. Các chuẩn mực, giá trị, phương thức, niềm tin được hình thành trong cộng đồng trường đại học sẽ hướng dẫn hành vi của các cá nhân và nhóm. Cụ thể, nếu trường đại học có chính sách xây dựng môi trường học thuật, khuyến khích giảng viên và SV nghiên cứu khoa học, hạn chế và đẩy lùi các tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong học tập thì nhu cầu sử dụng thông tin khoa học cũng như nhu cầu nâng cao trình độ KTTT của cán bộ, giảng viên và SV trường đó sẽ không ngừng phát triển.

Văn hoá nhà trường còn thể hiện ở khía cạnh tôn trọng pháp luật và đạo đức trong nghiên cứu khoa học của giảng viên và SV. Ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới không hiếm trường hợp các nhà khoa học, giảng viên và SV đạo văn. Đạo văn dẫn đến hậu quả là ngày càng ít người nghiên cứu thực sự và ngày càng nhiều kẻ gian lận sao chép các công trình nghiên cứu của nhau. Một khi người làm nghiên cứu sao chép của người khác họ sẽ không có hoặc giảm bớt nhu cầu sử dụng thông tin khoa học, nhu cầu sử dụng thư viện và cũng không có nhu cầu nâng cao trình độ KTTT. Nếu trong trường đại học SV và nghiên cứu sinh chép luận văn, luận án của người khác mà nhà trường không có biện pháp ngăn chặn, xử lý thích đáng những vi phạm thì hiện tượng này sẽ lan rộng và khi đó công tác phát triển KTTT cho SV sẽ không thu được hiệu quả.

Văn hoá nhà trường ảnh hưởng tới vai trò của CBTV với tư cách là người giảng dạy KTTT cho SV. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các giảng viên thường không biết về vai trò giảng dạy của CBTV đại học [11]. Điều đáng chú ý là ngay cả cộng đồng CBTV đại học cũng không nhất quán về vai trò của CBTV như là giáo viên. Cuộc tranh luận đang diễn ra trong văn hoá chuyên môn của chính CBTV có thể ảnh hưởng đến công tác phát triển KTTT cho SV đại học. Trong một số trường hợp văn hoá trường đại học nhấn mạnh đến vai trò của thư viện trong việc hỗ trợ SV học tập và nghiên cứu khoa học, nó không chắc rằng thư viện sẽ thực hiện thành công các sáng kiến về KTTT cho SV nếu văn hoá của thư viện đại học xem CBTV như người xây dựng bộ sưu tập chứ không phải là giáo viên - người phối hợp giảng dạy KTTT cho SV. Walter cho rằng phát triển "văn hoá giảng dạy" trong các thư viện đại học rất quan trọng không chỉ đối với giáo dục chuyên môn cho CBTV, mà còn là sự hỗ trợ quan trọng cho chương trình KTTT [14]. Chương trình giảng dạy KTTT tồn tại trong một mạng lưới phức tạp của các văn hoá trong nhà trường. Để thúc đẩy sự thành công chương trình KTTT cho SV, điều quan trọng là hiểu được các khía cạnh văn hoá của mỗi trường đại học cụ thể. Hiểu biết sâu sắc mọi khía cạnh văn hoá trong khuôn viên trường là quan trọng đối với các nhà quản lý thư viện để sẵn sàng áp dụng quan điểm văn hoá cho công việc của mình như là một phần của bất kỳ sáng kiến KTTT nào cho SV.

Động cơ của sinh viên

Khái niệm động cơ thực sự rất khó để định nghĩa và dường như các nhà lý thuyết học đã không thể thống nhất để đưa ra một định nghĩa chung cho khái niệm này. Theo Gardner động cơ bao gồm bốn khía cạnh, đó là mục tiêu, sự nỗ lực, sự mong muốn đạt được mục tiêu đó và thái độ tích cực đối với hoạt động đang được nói đến [9]. Ames & Ames định nghĩa động cơ là sự thúc đẩy để tạo ra và duy trì những ý định và các hành động tìm kiếm mục tiêu [4]. Như vậy, động cơ quan trọng vì nó quyết định mức độ tham gia và thái độ tích cực của SV đối với việc học.

Động cơ học tập là “một động lực thúc đẩy SV học tập, trên cơ sở nhu cầu hoàn thiện tri thức, mong muốn nắm vững tiến tới làm chủ tri thức mà mình được học tập, làm chủ nghề nghiệp đang theo đuổi”. Động cơ học tập là một thành phần quan trọng trong hoạt động học tập của SV. Nó quyết định mục đích và thúc đẩy hoạt động học tập của SV.

Kết quả từ một nghiên cứu gần đây của PGS.TS. Nguyễn Công Khanh, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho thấy có một tỷ lệ cao SV (54,5%) không hứng thú trong các bài giảng. Vấn đề đặt ra đâu là nguyên nhân chán học của SV? Trong số các nguyên nhân khác nhau chắc chắn có việc SV chưa xác định được đúng đắn các mục tiêu làm động cơ tự thân cho việc học của mình. Vì vậy, các nhà giáo trước khi dạy tri thức, rèn luyện kỹ năng, phải dạy cho người học biết rằng: Học tập là mục tiêu tự thân [1]. Chỉ khi nào SV tự xác định được và/ hay nhà trường giúp SV xác định được những mục tiêu học tập đúng đắn cho chính họ làm động cơ tự thân thì họ mới tích cực nỗ lực học tập. Vậy mục tiêu học KTTT mà giảng viên và CBTV cần hướng cho SV là gì để thu hút được họ nhiệt tình học tập? Jacobson và Xu cho rằng "để duy trì SV quan tâm đến tài liệu và KTTT, SV phải nhận thức được rằng nó có liên quan đến mục tiêu cá nhân của họ” [12]. Do đó, tài liệu thư viện cung cấp phải liên quan đến SV, nội dung chương trình KTTT phải gắn liền với các môn học của SV, liên quan mật thiết tới nhu cầu học tập của SV. Mục tiêu của SV trong thời gian học tập là học tập đạt kết quả cao thông qua chương trình đào tạo tại trường. Điều quan trọng và đương nhiên là phải thiết kế KTTT như một phần của chương trình giảng dạy trong nhà trường. KTTT cần được tích hợp vào các môn học để ràng buộc và khuyến khích SV có động cơ học tập hơn là một sự lựa chọn [10].

Trình độ cán bộ thư viện

Như chúng ta đã biết, muốn đào tạo KTTT cho SV trước hết cán bộ tham gia thiết kế chương trình và triển khai đào tạo phải được trang bị tốt về KTTT. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển KTTT trong trường đại học. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng CBTV sẽ là người đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp với giảng viên, khoa chuyên ngành, là người khởi xướng, xây dựng chính sách, chương trình KTTT cho SV.

Trình độ CBTV thể hiện ở nhiều bình diện khác nhau như: kinh nghiệm giảng dạy, trình độ chuyên môn (ngành khoa học thư viện), trình độ ngoại ngữ và tin học, kiến thức về các ngành đào tạo của trường đại học mà mình phục vụ, năng lực KTTT và kỹ năng giao tiếp. Đối với người giảng dạy KTTT nếu thiếu các loại trình độ trên sẽ không thể đảm bảo giảng dạy KTTT hiệu quả cho SV. Trình độ về khoa học thư viện thông tin sẽ giúp CBTV nắm được cách thức tổ chức và khai thác thông tin, kỹ năng đánh giá thông tin và nguồn tin; trình độ về tin học sẽ giúp CBTV khai thác mạng và sử dụng các thiết bị tin học, phần mềm ứng dụng trong lưu trữ và khai thác thông tin hiệu quả; kiến thức về ngoại ngữ mà đặc biệt là tiếng Anh sẽ giúp họ nắm bắt được nhiều nguồn thông tin giá trị trên thế giới; trình độ KTTT giúp họ nắm được các kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy độc lập, các vấn đề đạo đức, xã hội có liên quan đến sử dụng thông tin; kỹ năng giao tiếp giúp CBTV trong giảng dạy và truyền đạt nội dung KTTT cho SV.

Phương pháp giảng dạy của giảng viên

Theo lý luận dạy học thì phương pháp giảng dạy là cách thức hoạt động của người dạy và người học, được thực hiện trong quá trình dạy học, tác động đến người học và việc học để đạt được mục tiêu học tập. Phương pháp giảng dạy là một trong những yếu tố quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp sẽ tạo điều kiện để giảng viên và người học phát huy hết khả năng của mình trong việc truyền đạt, lĩnh hội kiến thức và phát triển tư duy cho người học.

Phương pháp giảng dạy trực tiếp tác động đến nhu cầu thông tin của SV. Nếu giảng viên sử dụng phương pháp giảng dạy chủ yếu là đọc chép, cách truyền thụ kiến thức một chiều dẫn đến phương pháp học tập của SV rất thụ động, không tạo cho SV thói quen tự học, tự nghiên cứu và tư duy sáng tạo, một điều rất quan trọng trong việc phát triển của SV về sau. Hậu quả của phương pháp này là SV chỉ học thuộc những gì thầy giáo đọc cho chép và như vậy SV cũng không có nhu cầu tìm kiếm, xử lý, đánh giá và sử dụng thông tin khoa học trong quá trình học tập. Ngược lại, nếu giảng viên là người hướng dẫn, hỗ trợ và tư vấn cho SV tìm chọn và xử lý thông tin, động viên họ tích cực tham gia vào quá trình nâng cao năng lực nhận thức và tư duy, chỉ dẫn và giúp đỡ họ phát triển các kỹ năng học tập độc lập, khi đó nhu cầu nâng cao năng lực KTTT của SV sẽ phát triển để đáp ứng yêu cầu của giảng viên trong quá trình học tập. Nhu cầu KTTT của SV có mối quan hệ nhân quả với phương pháp giảng dạy của giảng viên và phương pháp học tập của SV.

Sự phối hợp giữa cán bộ thư viện với giảng viên

Gần đầy hầu hết các nghiên cứu về phát triển KTTT cho SV đại học đều khẳng định rằng lồng ghép KTTT vào chương trình giảng dạy đại học là con đường tốt nhất để trang bị KTTT cho SV [2,3,16,17]. Để tích hợp KTTT vào chương trình đào tạo thành công cần sự phối hợp giữa CBTV và giảng viên trong việc thiết kế chương trình giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả đầu ra của SV, cung cấp học liệu cho quá trình dạy học và nghiên cứu, hướng dẫn giảng viên và SV các nguồn thông tin liên quan đến môn học. Song để CBTV và giảng viên làm việc được với nhau cần đến văn hoá phối hợp, hợp tác trong môi trường đại học. Ngoài kiến thức về thư viện, CBTV cần có kiến thức về chuyên ngành mà giảng viên đang đảm nhiệm. Kiến thức chuyên ngành là cầu nối giúp giảng viên và CBTV có thể làm việc cùng nhau, giúp CBTV nắm được nhu cầu thông tin của cả thầy và trò, từ đó giới thiệu cho họ những nguồn thông tin phù hợp nhất. Đây chính là điểm yếu của nhiều CBTV đại học ở Việt Nam - họ chỉ được đào tạo về chuyên ngành thông tin - thư viện.

Công nghệ thông tin

Sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) và đặc biệt là Internet đã tác động ngày càng sâu rộng đến giáo dục đại học, trong đó có hình thức giảng dạy. Ngày nay, SV đã quen với việc dành nhiều thời gian rảnh của họ trên Internet, học tập và trao đổi thông tin thông qua các mạng xã hội. Điều đó khiến các thư viện đại học phải lựa chọn các hình thức mới thay thế mô hình giảng dạy KTTT truyền thống trên lớp trước đây. Song song với hình thức tích hợp KTTT vào các bài giảng của giảng viên, nhiều thư viện đại học trên thế giới đã triển khai hình thức học KTTT trên mạng như cung cấp bài giảng trực tuyến, đưa các video bài giảng lên mạng, sử dụng các ứng dụng của mạng xã hội như blog, facebook, youtube để phổ biến các bài học về KTTT cho SV.

Hơn nữa, ICT đã tạo ra sự bùng nổ thông tin và làm nảy sinh nhu cầu nâng cao trình độ KTTT của người dùng tin. Trên bình diện này, CNTT đã làm thay đổi cách thức khai thác, lưu trữ, phổ biến, sử dụng thông tin của người sử dụng nói chung và SV nói riêng. Người dùng tin ngày nay không thể nhìn bằng mắt thường những thông tin được lưu trữ trên các vật mang tin mới như USB, ổ cứng, đĩa CD,… mà phải nhờ đến thiết bị đọc chuyên dụng. Hơn nữa, ngày nay con người sử dụng nhiều phần mềm khác nhau để tổ chức và khai thác thông tin, điều đó khiến người sử dụng phải học cách khai thác thông tin trên mỗi loại phần mềm riêng. Với ý nghĩa đó, CNTT đã làm thay đổi nội dung, phương thức mà các thư viện phát triển KTTT cho SV.

Phát hiện ra các nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phát triển KTTT cho SV ở trên sẽ giúp các thư viện đại học trong quá trình lập kế hoạch và triển khai chương trình đào tạo KTTT cho SV hiệu quả hơn. Việc phát triển KTTT cho SV không chỉ phụ thuộc vào người dạy và người học, mà còn phụ thuộc vào văn hoá nhà trường nói chung, sự phát triển của ICT, phương pháp giảng dạy của giảng viên, động cơ học tập của SV, sự phối hợp giữa CBTV và giảng viên. Các nhân tố này vừa có tính độc lập tương đối lại vừa có mối quan hệ gắn kết qua lại với nhau. Để công tác phát triển KTTT cho SV hiệu quả đỏi hỏi các trường đại học đồng thời phải đáp ứng các nhân tố nói trên ở mức tốt nhất có thể.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Quốc Bảo. Học tập là mục tiêu tự thân. http://cnts.hua.edu.vn/index.php? option=com_content&task=view&id=486&Itemid=296 (truy cập ngày 15/12/2013).

2. Lồng ghép kiến thức thông tin vào môn học ở bậc đại học thông qua mối quan hệ giữa thư viện và giảng viên / Vũ Thị Nha dịch // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2007. - Số 3. - Tr. 49-59.

3. American Library Association. Association of College and Research Libraries. Information Literacy Competency Standards for Higher Education. htp://www.ala. org/ala/acrl/acrlstandards/informa- tionliteracycompetency.htm (truy cập ngày 18/6/2012)

4. Ames, C. and Ames, R. Research in motiva- tion in education. - San Diego : Academic Press, 1989.

5. Boekhorst A. K. Becoming information liter- ate in the Netherlands // Library Review . - 2003. - No. 52 (7). - P. 298-309.

6. Boekhorst A. K. Information literacy at school level : a comparative study between the Netherlands and South Africa // South African journal of Library and Information Science. - 2004. - No. 70 (2). - P. 63-71.

7. Characteristics of Excellence in Higher Education. http://www.msche.org/ publications/CHX06_Aug08REVMarch09.pdf (truy cập ngày 22/7/2013).

8. CILIP [Chartered Institute of Library and Information Professionals]. Information Literacy : Definition. http://www.cilip.org.uk/policyadvocacy/informationliteracy/ definition/ default.htm (truy cập ngày 22/4/2013).

9. Gardner R. C. Social psychology and Second Language Learning. - London : Edward Arnold Ltd, 1985.

10. Haipeng Li. Information literacy and librarian - faculty collaboration : A model for success // Chinese Librarianship: an International Electronic Journal. - 2007. - No. 24.

11. Ivey R. T. Teaching faculty perceptions of academic librarians at Memphis State University // College & Research Libraries. - 1994. - No. 55(1). - P. 69-82.

12. Jacobson  Trudi  E.  and  Xu  Lijiuan. Motivating Students in Information Literacy Classes. - New York : Neal-Schuman Publishers, 2004.

13. Kuh G. D. and Whitt E. J. The invisible tap- estry : Culture in American colleges and universities // ASHE-ERIC Higher Education Report. - 1988. - No. 1.

14. Walter S. Improving instruction : what librarians can learn from the study of college teach- ing" // Currents and convergence: Navigating the rivers of change: Proceedings of the twelfth nation- al conference of the Association of College and Research Libraries. – Chicago : Association of College & Research Libraries,  2005. - Tr. 363-379.

15. UNESCO. Development of information litera- cy through school libraries in South-East Asian coun- tries (IFAP Project 461RAS5027) // UNESCO Bangkok, Asia and Pacific Regional Bureau for Education, Bangkok. http://eric.ed.gov/ ERICWebPortal (truy cập ngày 12/12/2012).

16. Wang X. Integrating information literacy into higher education curricula : an IL curricular inte- gration model. – Queensland : Queensland University of Technology, 2010.

17. Young, James B. and Williams, Ashley Taliaferro. The Integration of Information Literacy Skills in a Year-long Learning Community Program : A Faculty and Librarian Collaboration. - Ypsilanti, Michigan : University Library of Eastern Michigan University, 2003. - P. 20.

_____________________

ThS. Trương Đại Lượng

Trường Đại học Văn hoá Hà Nội 

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 2. - Tr. 18-23.

 


Đọc thêm cùng chuyên mục: