Đặt vấn đề
Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cho hoạt động thông tin - thư viện trong hệ thống thư viện Y học nói chung, thư viện bệnh viện (TVBV) nói riêng là một trong những điều kiện quan trọng giúp cho các thư viện (TV) có được hướng đi thống nhất ngay từ khi thành lập. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và thực hiện hiệu quả những bộ tiêu chuẩn, bộ hướng dẫn dành cho TV Y học, trong đó bao gồm TVBV như các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, Canada, Đức, Úc,…
Ở Việt Nam, việc áp dụng các tiêu chuẩn dành cho TV trường học, TV công cộng đã có được những thành quả nhất định. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa có bất kỳ một bộ tiêu chuẩn hay hướng dẫn cụ thể nào dành cho hoạt động của TV Y học cũng như TVBV.
Vài nét về hoạt động nghiệp vụ của thư viện bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh
Từ kết quả cuộc khảo sát tại bốn TV bệnh viện đa khoa và chuyên khoa thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM), bao gồm TVBV Chợ Rẫy, TVBV Thống Nhất, TVBV Nhi Đồng 2 và TVBV Mắt cho thấy, về cơ bản, cả bốn TVBV đều thực hiện tương đối đầy đủ và vận dụng tương đối linh hoạt các quy trình nghiệp vụ TV như đăng ký tổng quát và đăng ký cá biệt, đóng dấu tài liệu, dán ký hiệu xếp giá, biên mục mô tả, phân loại tài liệu, tổ chức kho, tổ chức bộ máy tra cứu, thanh lọc, kiểm kê tài liệu, phục vụ nhu cầu người dùng tin. Tuy nhiên, việc thực hiện các hoạt động xử lý tài liệu còn mang tính tự phát và thiếu sự đồng nhất giữa các TVBV trên địa bàn Tp. HCM.
Các TVBV đều sử dụng quy tắc mô tả thư mục theo tiêu chuẩn quốc tế ISBD trong công tác mô tả hình thức tài liệu và sử dụng bảng phân loại của Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ để phân loại tài liệu. Đây là điểm chung nổi bật nhất đối với hoạt động xử lý tài liệu TV. Bảng phân loại bao gồm lĩnh vực Y học và các ngành khoa học liên quan, sử dụng 2 ký hiệu chữ cái là Q và W, gồm các mục QS-QZ và W-WZ, gồm cả chữ cái và chữ số (ví dụ, WE - Hệ cơ xương; WF - Hệ hô hấp). Riêng TVBV Chợ Rẫy còn sử dụng cả khung phân loại BBK để phân loại tài liệu là sách thuộc các lĩnh vực khác như luật, tài liệu tra cứu (từ điển, bách khoa toàn thư).
Về công tác định tiêu đề chủ đề, chỉ có TVBV Thống Nhất và Chợ Rẫy định tiêu đề chủ đề tài liệu với Bảng đề mục chủ đề Y học (Medical Subject Headings) viết tắt là MeSH của Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, trong khi TVBV Nhi Đồng 2 và TVBV Mắt không định chủ đề cho tài liệu. Bảng đề mục chủ đề Y học MeSH do các nhà biên mục và thư mục học tại Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ biên soạn, là công cụ chủ yếu để các nhà biên mục và thư mục học sử dụng trong phân tích chủ đề. Đồng thời, MeSH còn giúp người tìm tin thu thập và tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng và đầy đủ trong Index Medicus, các bài báo trong PubMed hoặc cơ sở dữ liệu của Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ. Về công tác định từ khoá, các TV đều sử dụng ngôn ngữ từ khoá tự do để định từ khoá.
Như vậy, riêng hoạt động nghiệp vụ của các TVBV cũng còn thiếu sự thống nhất giữa các TV trong cùng hệ thống. Chính vì vậy, chuẩn hoá hoạt động nghiệp vụ nói riêng cũng như toàn bộ hoạt động TVBV nói chung là một yêu cầu thực sự cần thiết, nhằm hướng đến khả năng phát triển lâu dài và mở rộng mối quan hệ, hợp tác giữa các TVBV tại Tp. Hồ Chí Minh và trong phạm vi cả nước.
Một số giải pháp hướng đến chuẩn hoá hoạt động thông tin thư viện bệnh viện Việt Nam
* Áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trong xử lý tài liệu ở các thư viện bệnh viện
Áp dụng chuẩn nghiệp vụ trong xử lý tài liệu ở các thư viện Y học, TVBV là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các TVBV và là cơ sở để phối hợp hoạt động giữa các TVBV trên địa bàn Tp. HCM và trong hệ thống thư viện Y học của cả nước.
Để xử lý tài liệu, các TVBV có thể áp dụng Khổ mẫu biên mục đọc máy MARC 21, Quy tắc biên mục Anh - Mỹ AACR2, bảng phân loại Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ NLM (Classification of National Library of Medicine), Bảng đề mục chủ đề Y học MeSH. Đây là các chuẩn quốc tế đã được áp dụng trong các TV Y học và TVBV ở nhiều nước trên thế giới. Việc áp dụng các chuẩn này không chỉ giúp các TVBV nâng cao hiệu quả công tác xử lý tài liệu mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ nguồn lực thông tin và phối hợp hoạt động giữa các TVBV trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế cần được thực hiện một cách đồng bộ và thống nhất.
Khổ mẫu MARC 21 là khổ mẫu được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng thông tin - thư viện trên thế giới và Việt Nam. Việc áp dụng khổ mẫu MARC 21 vào hoạt động nghiệp vụ TVBV sẽ góp phần hỗ trợ các TV có thể trao đổi, chia sẻ dữ liệu biên mục với các TV khác trên thế giới, đặc biệt là các TV Y học của Hoa Kỳ.
Quy tắc biên mục Anh – Mỹ AACR2 tạo điều kiện cho TVBV dễ dàng tiếp cận, trao đổi thông tin thư mục với cộng đồng thông tin - thư viện Y học quốc tế và trong nước. Việc áp dụng thống nhất quy tắc này vào hoạt động của TV Y học, TVBV trong cả nước sẽ tạo tiền đề để xây dựng mục lục liên hợp quốc gia về y sinh học nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tìm tin của người dùng tin.
Bảng phân loại của Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ NLM là một công cụ hỗ trợ đắc lực công tác phân loại tài liệu trong lĩnh vực Y học và các ngành khoa học liên quan. Việc áp dụng bảng phân loại của Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ sẽ tạo điều kiện cho các TV dễ dàng khai thác, trao đổi thông tin thư mục với các TV cùng hệ thống trong và ngoài nước.
Bảng đề mục chủ đề Y học của Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ MeSH giúp người tìm tin thu thập và tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng và đầy đủ trong Index Medicus, các bài báo trong PubMed hoặc cơ sở dữ liệu của Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ.
Như vậy, AACR2, MARC 21, NLM và MeSH là những chuẩn quốc tế tương đối phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng áp dụng tại các TVBV. Để có thể áp dụng các chuẩn nghiệp vụ này trong hoạt động, các TVBV cần:
- Đề xuất với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan ban hành văn bản chỉ đạo về việc quyết định áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trong tất cả hệ thống TV Y học, bao gồm TVBV trong phạm vi cả nước.
- Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng thực hành các chuẩn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ TV tại các TVBV.
- Tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các chuẩn giữa các cán bộ TV của TVBV. Cụ thể, TVBV Thống Nhất và BV Chợ Rẫy là những nơi đã áp dụng bảng phân loại NLM và Bảng đề mục chủ đề MeSH có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các TVBV khác.
* Hướng đến áp dụng bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn dành cho thư viện bệnh viện Việt Nam
Việc xây dựng tiêu chuẩn dành cho TVBV thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay bởi lẽ tiêu chuẩn giữ một số vai trò nhất định trong hoạt động TV:
Thứ nhất, tiêu chuẩn định hướng hoạt động TVBV. Cụ thể, các tiêu chuẩn sẽ góp phần giúp TV hoạt động theo một khuôn khổ nhất định. Thực tế hiện nay, các TV phát triển không đồng đều do những yếu tố chi phối khác nhau như lịch sử hình thành, điều kiện tài chính, quan điểm của người quản lý và rất nhiều những yếu tố khác, tạo nên những đặc điểm riêng của từng TV. Từ đó, dẫn đến tình trạng là mỗi TV hoạt động theo hướng khác nhau, không thống nhất.
Thứ hai, tiêu chuẩn là công cụ để đánh giá hiệu quả hoạt động của TVBV. TVBV là một bộ phận của phòng ban cụ thể như phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến hoặc là một bộ phận riêng biệt trực thuộc bệnh viện. Vì vậy, sự phát triển của TV cũng ảnh hưởng đến sự phát triển chung của bệnh viện. Thông qua việc áp dụng những tiêu chuẩn cụ thể, các TV sẽ tự đánh giá được hiệu quả hoạt động, từ đó có các giải pháp để cải thiện cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Thứ ba, tiêu chuẩn TVBV là một phần của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng tổng thể bệnh viện. Đánh giá chất lượng tổng thể bệnh viện dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, trong đó TVBV cần được xem là một trong những điều kiện để đánh giá chất lượng tổng thể mỗi BV.
Trên thực tế, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn dành riêng cho hoạt động TVBV Việt Nam thực sự là một quá trình lâu dài và chưa thể thực hiện với điều kiện thực tế hiện nay. Do vậy, trước mắt việc áp dụng các tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn của các tổ chức có uy tín và đã được thực hiện ở nhiều quốc gia sẽ là một trong những biện pháp thiết thực và tiết kiệm nhất. Cụ thể, các TVBV có thể áp dụng bản hướng dẫn của IFLA "Những hướng dẫn dành cho thư viện phục vụ bệnh nhân, người cao tuổi và người khuyết tật trong các cơ sở chăm sóc dài hạn” (Guidelines For Libraries Serving Hospital Patients And The Elderly And Disables In Long-Term Care Facilities).
Hướng dẫn của IFLA nêu rõ nhiệm vụ của TVBV như sau: TV dành cho bệnh nhân thực hiện nhiệm vụ phù hợp với nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, nhằm cung cấp cho bệnh nhân vốn tài liệu TV và những dịch vụ khi có nhu cầu.
Về mục tiêu của TVBV, IFLA chú trọng những mục tiêu như:
- Cải thiện sức khoẻ và phục hồi tình trạng cho bệnh nhân thông qua việc thu thập, tổ chức, duy trì và cung cấp tài liệu và dịch vụ TV, tuỳ thuộc theo nhu cầu của mỗi bệnh nhân, cung cấp phương tiện giải trí, điều trị, văn hoá, giáo dục và đào tạo khi cần thiết. Khi có nhu cầu, cung cấp thông tin về sức khoẻ, các loại bệnh cụ thể, các chứng rối loạn hay những vấn đề liên quan đến sức khoẻ gồm có nguyên nhân, chẩn đoán, tiên lượng và điều trị.
Phối hợp với các dịch vụ chăm sóc bệnh nhân ở các tổ chức khác. Nhận thức rõ vốn tài liệu TV là một trong các phương tiện bệnh nhân có thể cân bằng trong môi trường bệnh viện và hiểu biết sâu sắc hơn rằng việc đọc sách thường là một trong số rất ít các hoạt động giải trí và có lẽ là hầu như bền vững nhất, có sẵn cho mọi người trong tổ chức.
- Khuyến khích nhận thức việc đồng nhất với khái niệm về chăm sóc bệnh nhân toàn diện, TV và dịch vụ TV nên là một bộ phận nền tảng của bất kỳ một cơ sở y tế dài hạn hay ngắn hạn.
Cũng trong hướng dẫn này, IFLA đã nêu rõ nội dung chính của hướng dẫn liên quan đến các nguồn lực TV, cụ thể:
- Người dùng tin: Gồm có bệnh nhân, nhân viên bệnh viện, tuy nhiên tập trung chủ yếu là bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú, ngắn hạn và dài hạn, những bệnh nhân sử dụng dịch vụ điều trị tại nhà và dịch vụ chăm sóc y tế trong cộng đồng. IFLA cũng đã xác định những đặc điểm của người dùng tin và việc lập kế hoạch cung cấp dịch vụ chủ yếu cho người dùng tin của TV.
- Tổ chức: TV cung cấp tài liệu và dịch vụ theo những cách thức khác nhau cho bệnh nhân, cách chung nhất là TVBV hoặc những dịch vụ cung cấp bên ngoài. Cụ thể, đối với việc thành lập TV, TV được hỗ trợ toàn phần bởi cơ quan chủ quản, TV được hỗ trợ một phần từ cơ quan chủ quản và một phần từ các tổ chức bên ngoài, TV cân nhắc thành lập một chi nhánh TV công cộng địa phương hoặc thành lập và duy trì bởi một nhóm tình nguyện nào đó. Liên quan đến dịch vụ TV, các bệnh viện là cơ quan chủ quản nên phối hợp với các tổ chức bên ngoài để cùng hỗ trợ cho dịch vụ TV như cung cấp nguồn nhân lực, vốn tài liệu, chi trả những tài liệu có giá thành cao,… Cả hai cùng đồng thuận, rõ ràng trong việc thực hiện mục tiêu, cam kết, cũng như bố trí thành viên của tổ chức chịu trách nhiệm đối với việc cung cấp dịch vụ TV.
Cơ sở vật chất: Gồm có vị trí, môi trường, không gian, ánh sáng, nội thất, kệ sách và trang thiết bị. Cụ thể, TVBV nên được bố trí ở khu trung tâm của bệnh viện, nơi mà người sử dụng có thể dễ dàng đến từ các phòng bệnh, cũng như nằm trên đường đi của các bệnh nhân đến nơi khám, TV có bảng hiệu để nhân viên và khách dễ nhận thấy. Ngoài ra, hướng dẫn còn bao gồm các tiêu chí liên quan đến không gian TV như sức chứa, phân bố khu vực: đọc sách, học tập, nghe nhìn, máy tính, lưu hành, nhà vệ sinh cho người khuyết tật, khu vực tương tác xã hội, khu vực dành cho trẻ em,…
- Nhân viên thư viện: Hướng dẫn này quy định về quy mô và loại hình bệnh viện để xác định số lượng nhân viên TV phù hợp, trình độ, các yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ quản lý TV, đội ngũ tình nguyện viên, những vấn đề liên quan đến mô tả vị trí công việc, giáo dục và đào tạo tiếp tục.
- Ngân sách: TVBV cần được nhận hỗ trợ kinh phí hoạt động đầy đủ như chế độ lương, ngân sách bổ sung vốn tài liệu, chi phí vận hành kỹ thuật, những chương trình và dịch vụ như mượn liên TV, chi phí hoạt động mạng lưới.
- Bộ sưu tập: Gồm có tài liệu đọc giải trí, tài liệu về thông tin Y học, tài liệu giải trí dạng in và điện tử như băng, CD, DVD, tạp chí và báo nói, phim ảnh, đĩa nhạc, radio di động, những trò chơi ô chữ, đánh bài, tranh nghệ thuật, bản khắc gỗ thủ công,… dành cho những đối tượng người sử dụng khác nhau như trẻ em, người khuyết tật.
- Chương trình và dịch vụ: Dịch vụ xe sách phục vụ theo lịch, những khu vực điều trị đặc biệt, phòng chờ, phòng khám lâm sàng, chương trình mượn liên TV, dịch vụ tham khảo, ban tư vấn người dùng tin, thư mục trích dẫn chuyên đề, chương trình giáo dục và tái hoà nhập, những hình thức giải trí thích hợp, liệu pháp âm nhạc, những buổi gặp gỡ và thảo luận là những nội dung chính trong bản hướng dẫn của IFLA.
Ngoài ra, tự động hoá, hoạt động quảng bá, nguồn ngoại lực như Thư viện Quốc gia, TV công cộng, Hiệp hội Thư viện chuyên ngành, Hiệp hội Khoa học Sức khoẻ và Y học liên quan, mục lục các nhà xuất bản, diễn đàn trên Internet cũng được hướng dẫn cụ thể dành cho TV phục vụ bệnh nhân, người cao tuổi và người khuyết tật trong các cơ sở y tế dài hạn.
* Ban hành văn bản pháp quy về hoạt động thư viện bệnh viện
Bên cạnh hai giải pháp nêu trên, xét về lâu dài, các TVBV cần được hoạt động trong giới hạn thống nhất và có định hướng bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, hệ thống TV Y học, đặc biệt là hệ thống TVBV vẫn chưa có văn bản pháp quy quy định, hướng dẫn tổ chức các hoạt động TV Y học như văn bản quy định áp dụng các chuẩn xử lý tài liệu trong hệ thống TV Y học, văn bản về thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho cán bộ, nhân viên thư viện, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thư viện và các văn bản hướng dẫn kèm theo. Điều này dẫn đến một số hạn chế trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động TVBV. Đặc biệt, các TVBV thiếu sự định hướng trong các chiến lược phát triển hoạt động TT-TV.
Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động TVBV là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Thứ nhất, việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy sẽ định hướng, hướng dẫn, thúc đẩy, khuyến khích và điều chỉnh hoạt động cho các TVBV. Thứ hai, trên cơ sở các văn bản pháp quy, các TVBV có được căn cứ pháp lý để thực hiện được việc đảm bảo quyền lợi, chế độ cho CBTV trong bệnh viện. Thứ ba, các văn bản pháp quy giúp cho các TVBV phát triển một cách có hệ thống và đồng bộ, đặc biệt trong quá trình áp dụng các chuẩn xử lý nghiệp vụ, giảm tình trạng mỗi TV có một cách làm riêng lẻ và biệt lập, thiếu sự nhất quán trong mạng lưới TV Y học nói chung và TVBV nói riêng.
TVBV thuộc hệ thống TV chuyên ngành Y học thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế và các Bộ ngành khác quản lý. Hoạt động TT-TV chưa thực sự nhận được sự quan tâm đúng mức nên việc xây dựng hệ thống văn bản pháp quy cần có sự phối hợp và hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức khác có liên quan như Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Viện Công nghệ Thông tin - Thư viện Y học Trung ương trong việc hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thư viện và các văn bản hướng dẫn kèm theo. Giải pháp nêu trên có tính chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm từ nhiều phía cơ quan, ban ngành khác nhau. Do đó, trước mắt bản thân mỗi TVBV cần nhận thức được yêu cầu chuẩn hoá hoạt động của TV nơi mình công tác, đặc biệt là bắt đầu từ chuẩn hoá hoạt động nghiệp vụ và tiến hành áp dụng những hướng dẫn dành cho TVBV.
Tóm lại, TVBV Tp. HCM hoạt động không dựa trên bất kỳ một tiêu chuẩn hay hướng dẫn nào được ban hành bởi các cơ quan có thẩm quyền, mà hoạt động theo cách thức riêng mà họ có. Điều này dẫn đến thực trạng chung mỗi TV là một bộ máy hoạt động riêng lẻ và tách biệt, thiếu sự đồng nhất về nhiều mặt, đặc biệt là về nghiệp vụ. Chính vì vậy, việc áp dụng tiêu chuẩn trong bản hướng dẫn của IFLA và những giải pháp đã nêu cần được xem xét như giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế tại các TVBV ở nước ta hiện nay. Các TVBV có thể áp dụng các nội dung hướng dẫn này một cách linh hoạt, tuỳ theo điều kiện hoạt động cụ thể của từng TV nhằm đảm bảo được tính thống nhất và hiệu quả nhất định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Australia Library and Information Association. Guidelines for Australian Health Libraries. http://www.alia.org.au/policies/health.libraries.html.
2. Hospital Libraries Section. Standards for Hospital Libraries 2007. http://library.umassmed.edu/hslnhvt/HospitalLibrary Standards2007.pdf.
3. Nancy Mary Panella, Ka-Jo Carlsen, Peter Craddock. Guidelines for libraries serving hospital patients and the elderly and disables in long term care facilities. - The Hague : IFLA Headquarters, 2000. http://archive.ifla.org/VII/s9/nd1/iflapr- 61e.pdf.
4. Peter Ahrens Cologne, Frank Bauman, Diana Klein. Standards for hospital libraries in Germany. - Germany : German Medical Libraries Association, 2004. http://www.agmb.de/mbi/libraries_standards.pdf.
5. The Canadian Health Libraries Association. Standards for Library and Information Services in Canadian Healthcare Facilities 2006. http://www.chlaabsc.ca/documents/ Standards_2006.pdf.
___________________
ThS. Bùi Hà Phương
Khoa Thư viện - Thông tin học, trường ĐH KHXH&NV Tp. HCM
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 1. - Tr. 29-33.
< Prev | Next > |
---|
- Đầu tư vào thư viện đại học và các tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư
- Dự án và dự án phát triển cơ quan thông tin - thư viện
- Thư viện đại học trước xu thế sử dụng thiết bị di động trong học tập của sinh viên
- Mạng xã hội Facebook phương tiện hữu ích hỗ trợ hoạt động của các cơ quan thông tin - thư viện Việt Nam hiện nay
- Một số đề xuất nhằm nâng cao hoạt động truyền thông marketing tại thư viện đại học ở Việt Nam
- Sự cần thiết chia sẻ nguồn lực thông tin trong thư viện quận, huyện Tp. Hồ Chí Minh
- Một số nhận thức cơ bản về chuẩn hoá trong hoạt động thư viện
- Một số vấn đề về quản lý thư viện hiện đại
- Phát triển dịch vụ thông tin trong môi trường điện tử tại thư viện đại học
- Số hoá tài liệu nội sinh góp phần giảm khoảng cách số trong giáo dục và đào tạo cao đẳng - đại học