Đặt vấn đề
Các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy đọc sách điện tử, hay máy tính xách tay có kết nối Internet ngày càng trở nên quen thuộc và là một vật dụng không thể thiếu của giới trẻ, đặc biệt là sinh viên (SV). Tuy nhiên, những thiết bị này đang được cho là sử dụng chủ yếu cho giải trí và mạng xã hội, việc sử dụng cho mục đích học tập vẫn còn hạn chế và bị đánh giá thấp. Do vậy, thiết bị di động đôi khi bị xem là vật dụng thời trang hơn là những thiết bị hỗ trợ học tập. Thực tế, việc phát triển nội dung số cho hoạt động đào tạo đang còn hạn chế, do vậy đánh giá trên phần nào được nhiều người đồng thuận. Tuy nhiên, để có cái nhìn khách quan và có cơ sở hơn, cũng như giúp thư viện đại học (TVĐH) nắm bắt được xu thế mới trong cung cấp thông tin trực tuyến, chúng tôi tiến hành nghiên cứu khảo sát tình hình sử dụng thiết bị di động trong SV với mục tiêu đánh giá xem thiết bị di động có được sử dụng trong hoạt động học tập không và các TVĐH sẽ làm gì để bắt kịp xu hướng số và di động hiện nay.
Để đạt được mục tiêu trên, trong nghiên cứu này chúng tôi đặt ra 3 câu hỏi: (1) Tình hình sử dụng thiết bị di động của SV vào việc học tập hiện nay như thế nào? (2) Những yếu tố nào tác động đến việc sử dụng thiết bị di động cho việc học tập trong SV? (3) Các TVĐH sẽ làm gì để nâng cao khả năng khai thác và sử dụng tài liệu số thông qua thiết bị di động của SV?
Để trả lời những câu hỏi trên, chúng tôi tiến hành phỏng vấn các SV từ năm thứ nhất đến năm cuối, sau đó điều tra diện rộng bằng bảng hỏi. Dữ liệu được tổng hợp, phân tích và so sánh để tìm ra câu trả lời cho vấn đề nghiên cứu đặt ra.
Tổng quan về học tập trên thiết bị di động - Mobile learning
Học tập trên di động - Mobile learning (MLearning) có nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau và ở mỗi một lĩnh vực có cách nhìn riêng. M-learning liên quan đến các lĩnh vực như học tập điện tử (E-learning), công nghệ giáo dục (Educational technology) và đào tạo từ xa (Distance learning). Tất cả có điểm chung là học tập và giảng dạy dựa trên thiết bị và công nghệ di động. Theo Crompton [4], M-learning là việc học tập trong bối cảnh đa dạng, thông qua việc tương tác xã hội và nội dung học tập, hoạt động này dựa trên các thiết bị điện tử cá nhân. Hay nói cách khác, với việc sử dụng các thiết bị di động, người học có thể học bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu. M-learning được coi là việc sử dụng thiết bị di động để hỗ trợ giảng dạy và học tập. Chỉ cần một thiết bị nhỏ gọn như điện thoại, máy tính bảng hay máy tính xách tay có kết nối Internet là người học có thể thực hiện việc tiếp thu kiến thức của mình.
Kukulska-Hulme và Traxler [7] cho rằng, thiết bị di động sẽ tạo ra bước đột phá trong giáo dục, hỗ trợ các trường đại học nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng cơ hội cho người học. Đây cũng là cơ hội tốt cho các nhà cung cấp thiết bị và nội dung cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo trên các thiết bị điện tử thông minh. Điều này cũng được McGreen và Arnedillo [9] chỉ ra trong nghiên cứu của mình là đào tạo qua thiết bị di động là một xu thế tất yếu. Thiết bị điện tử thông minh đã được sử dụng rộng rãi trong việc tạo ra các nguồn học liệu số phục vụ hoạt động đào tạo [6]. Theo Graham [5] các nhà sư phạm đang chuyển dần việc ngăn cấm SV sử dụng các thiết bị di động trong lớp học sang cách áp dụng các nội dung học có thể dùng thiết bị di động như một công cụ học tập. Sử dụng thiết bị di động kết hợp với web 2.0 đã và đang tạo ra một xu thế mới trong hoạt động đào tạo tại các trường đại học: đó là đào tạo trực tuyến và đào tạo từ xa. Laru và Järvelä [8] cho rằng sử dụng công nghệ web 2.0 kết hợp với thiết bị di động sẽ tạo ra những cộng đồng học tập trực tuyến và chia sẻ tri thức. Trong một nghiên cứu khác, Cavus và Al-Momani [2] đánh giá cao vai trò của thiết bị di động và các thiết bị điện tử thông minh. Trong đó, các hệ thống thiết bị di động sẽ tạo ra một hệ thống đào tạo mềm dẻo cho các trường đại học.
Đã có nhiều nghiên cứu về những ảnh hưởng, yếu tố tác động đến việc sử dụng thiết bị điện tử cho việc học tập của các SV. Theo kết quả nghiên cứu của Chen và Denoyelles [3] cho thấy sự phổ biến của thiết bị di động trong SV đang ngày một gia tăng đáng kể. Nhiều SV mang các thiết bị điện tử của mình vào đại học (bởi các tính năng vượt trội và thiết kế ưu việt, nhỏ gọn như điện thoại thông minh và máy tính bảng, máy tính xách tay). Trong đó tỷ lệ SV sử dụng máy tính xách tay (85%) được dùng như các thiết bị quan trọng nhất cho sự thành công học tập của mình, bên cạnh đó các thiết bị điện tử như máy tính bảng (45%), điện thoại thông minh (37%) và máy đọc sách điện tử (31%) đang có sự gia tăng đáng kể theo từng năm. Nghiên cứu cũng cho thấy, có nhiều SV nói họ muốn có thể truy cập tài nguyên học tập trên các thiết bị di động của họ. Báo cáo chỉ ra rằng 67% điện thoại thông minh và máy tính bảng của SV đang được sử dụng cho mục đích học tập.
Nghiên cứu về sở hữu và việc sử dụng thiết bị di động của SV cho ta sự hiểu biết rõ ràng hơn về tình hình sử dụng thiết bị di động của SV, qua đó giúp các trường đại học có sự hỗ trợ cần thiết cho SV. Sau đây chúng tôi đưa ra những kết quả khảo sát và đánh giá về tình hình sử dụng thiết bị di động của SV ở một số trường đại học tại Việt Nam.
Tình hình sử dụng thiết bị di động của sinh viên
Trả lời cho câu hỏi “Bạn đang sử dụng những thiết bị điện tử/ di động nào?”, có 50% SV sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, 7% là máy tính bảng, cao nhất 77% SV sử dụng laptop, các thiết bị khác 6%. Nhiều SV cùng lúc sở hữu nhiều thiết bị khác nhau. Có thể thấy ngày nay mức sống đã được cải thiện hơn, SV vì thế cũng trang bị cho mình thêm nhiều đồ dùng công nghệ phục vụ cho học tập và giải trí như là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Vậy họ thường sử dụng chúng cho mục đích gì và mức độ thường xuyên như thế nào? Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, đa phần các bạn trẻ dùng chúng cho nhiều mục đích như nghe nhạc, xem phim, lên mạng xã hội tương tác với bạn bè, trò chơi, học tập hay mua bán… Kết quả khảo sát cho thấy, ba hoạt động chính của SV trong sử dụng thiết bị di động đó là nghe nhạc (81%), học tập (80%) và vào mạng xã hội (77%). Như vậy, ngoài việc sử dụng thiết bị di động cho giải trí thì sử dụng cho mục đích học tập cũng đã được SV chú trọng. Điều này khẳng định, thiết bị di động đã được sử dụng cho mục đích học tập, không như hoài nghi cho rằng chúng đang sử dụng đơn thuần cho hoạt động giải trí. Biểu đồ 1 trình bày kết quả khảo sát các mục đích chính của SV khi sử dụng thiết bị di động.
Biểu đồ 1. Mục đích sử dụng thiết bị di động của sinh viên
Ở một thước đo khác, nếu xét theo mức độ “thường xuyên” sử dụng thiết bị di động cho các hoạt động cụ thể, dẫn đầu là các mục đích lên mạng xã hội facebook, nghe nhạc, đọc tin tức và học tập với tỷ lệ lần lượt là 75%, 74%, 73% và 69%. Các mục đích còn lại như chơi game, mua bán online,… chiếm tỷ lệ thấp thể hiện tính không phổ biến trong SV. Dù chơi game không chiếm tỷ lệ cao ở mức độ rất thường xuyên và thường xuyên, nhưng tỷ lệ tích luỹ hai mức độ này đạt mức 27% cũng là vấn đề đáng lo ngại, bởi lẽ thường xuyên chơi game sẽ dẫn đến nghiện game và từ đó dẫn đến nhiều hệ luỵ khác, trong đó có việc sa sút kết quả học tập, ngoài ra có thể dẫn đến sức khoẻ kém.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng thiết bị di động đang được sử dụng tốt cho mục đích học tập. Một bạn sinh viên năm thứ tư chia sẻ “mình bây giờ thiếu máy tính xách tay hay điện thoại thì không biết phải xoay xở thế nào. Hầu hết các bài tập, tiểu luận, bài thuyết trình và tài liệu tham khảo mình đều lưu trên đó. Bên cạnh đó còn phải tham gia các nhóm của từng môn học trên facekbook và vào trang web môn học hay cổng đào tạo của nhà trường nữa. Bọn mình có thể chia sẻ, nhắn tin và trao đổi rất nhanh thông qua kết nối trên mạng”. Biểu đồ số 2 cho thấy mức độ thường xuyên sử dụng thiết bị di động cho học tập chiếm gần 69%. Điều này cho thấy thiết bị di động đang trở thành một công cụ học tập cho SV.
Biểu đồ 2. Mức độ sử dụng thiết bị di động cho mục đích học tập
Tìm hiểu SV thường sử dụng trang web nào cho học tập, chúng tôi thấy rằng SV thường hay truy cập vào trang web của cổng thông tin đào tạo và trang web nhà trường chiếm tỷ lệ cao nhất, lần lượt là 55%, 52%, đứng thứ ba là trang web môn học 34%. Thấp nhất là trang web thư viện (TV) chỉ với 19%, đây là con số đáng lo ngại. Nó đặt ra cho chúng ta câu hỏi là tại sao trang web của TV ít được SV để ý và truy cập như vậy? Liệu có phải do nguồn tài liệu điện tử ở đây quá ít? Hay thông tin cung cấp không đầy đủ?... Đây sẽ là những câu hỏi chúng ta cần đi tìm lời giải.
Để trả lời những câu hỏi trên, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu về thói quen, mức độ thường xuyên truy cập trang web TV của SV. 25% trả lời rằng họ thường xuyên truy cập, mức độ thỉnh thoảng truy cập và hiếm khi chiếm tỷ lệ cao nhất lần lượt là 40% và 30%. Có 5% trả lời là không bao giờ truy cập trang web TV.
Biểu đồ 3. Mức độ thường xuyên truy cập trang web thư viện
Qua biểu đồ ở trên có thể thấy SV rất ít chú trọng đến việc truy cập vào trang web của TV để tìm kiếm tài liệu phục vụ cho mục đích học tập. Điều này yêu cầu TV cần có những chiến lược tiếp cận phù hợp với nhu cầu thông tin của SV.
Khi được hỏi nguồn cơ sở dữ liệu (CSDL) hiện nay của TV có đáp ứng được nhu cầu tài liệu cho học tập không? Con số thống kê cho ta một bức tranh không tươi sáng đối với việc sử dụng nguồn thông tin trong TV từ SV. Có tới 54% ý kiến cho rằng CSDL tại TV chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, 11% trả lời là hiếm khi đáp ứng và chỉ có 1% đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu của mình - đây là con số đáng báo động. Điều này trả lời vì sao một số SV thay vì vào trang web TV để tìm kiếm tài liệu, họ lại dùng các thiết bị điện tử của mình truy cập Internet vào những trang khác nhau để học tập, tìm kiếm tài liệu, như Google hay Wikipedia. Số liệu điều tra cho thấy 75% SV thường xuyên vào Internet tìm tài liệu để làm bài tập, viết tiểu luận và tham luận. Họ cho rằng Internet cái gì cũng có. Tuy nhiên, không ai nhận thức được rằng những thông tin ấy có chính thống không và đáng tin cậy để lựa chọn hay không. SV lựa chọn Internet là nguồn tài liệu học tập cho thấy TVĐH đang chậm chân trong việc cung cấp các nguồn tài liệu điện tử trực tuyến, cũng như khẳng định là cổng thông tin cung cấp những nguồn tài liệu đã chọn lọc và được kiểm định. Dĩ nhiên, vấn đề này không phải chỉ có riêng TV, nó còn liên quan đến giảng viên, phương pháp giảng dạy và chương trình đào tạo. Nhưng với vai trò là đơn vị phục vụ đào tạo của một trường đại học, nếu bắt kịp xu thế số hoá và trực tuyến, TV có thể cải thiện và thay đổi được thực trạng này. Như mong muốn của nhiều SV: muốn TV có nhiều tài liệu điện tử hơn, dễ dàng truy cập hơn, công cụ tìm kiếm tốt hơn để họ coi TV là nguồn cung cấp thông tin chính cho hoạt động học tập của mình.
Những yếu tố tác động đến việc sử dụng thiết bị điện tử cho việc học tập
Có quá nhiều ứng dụng giải trí trên thiết bị di động và Internet. Như kết quả khảo sát ở trên, có hơn 70% SV dùng thiết bị di động cho hoạt động giải trí. SV cho rằng chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng có rất nhiều ứng dụng trò chơi phong phú, khiến họ bị phân tán không thể tập trung vào học. Bên cạnh đó thông qua Internet, SV tiếp cận nhiều kênh giải trí như âm nhạc, phim ảnh, trò chơi hay các mạng xã hội. Đây chính là những yếu tố làm phân tán việc sử dụng thiết bị di động vào mục đích học tập của SV.
Tốc độ truy cập trang web TV chậm. Một yếu tố tác động không nhỏ đến việc dùng các thiết bị này để tra cứu, tìm kiếm tài liệu trên trang web của TV chính là do tốc độ truy cập. Chỉ có 2% và 15% SV đánh giá tốc độ phản hồi của trang web là rất nhanh và nhanh. Có tới 20% và 10% ý kiến nhận xét tốc độ truy cập lần lượt là chậm và rất chậm. Tốc độ trung bình là kết quả chiếm tỷ lệ cao nhất 53%. Việc truy cập trang web chậm khiến cho người dùng phải chờ đợi, gây tâm lý khó chịu, dẫn đến ngại vào tìm kiếm thông tin.
Nguồn tài liệu điện tử trong TV còn rất hạn chế. Tài liệu điện tử/ tài liệu số đóng vai trò quan trọng trong một TV hiện đại của kỷ nguyên Internet và số. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng các nguồn tài liệu điện tử phục vụ cho việc học tập vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của SV. Có tới 65% SV trả lời nguồn tài liệu trong TV chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của họ. Điều này dẫn đến các thiết bị điện tử chưa được sử dụng để khai thác và đọc tài liệu từ nguồn của TV. Do vậy, phần lớn nguồn tin điện tử được SV sử dụng cho mục đích học tập vẫn là từ Internet, có 68% SV dùng Google như là công cụ tìm kiếm thông tin chính.
Nhân tố giảng viên.Giảng viên là người trực tiếp thực hiện chương trình đào tạo, chuyển tải nội dung môn học và vận dụng phương pháp giảng dạy. Do vậy vai trò của giảng viên là rất lớn trong việc giới thiệu và định hướng SV khai thác nguồn thông tin trong TV, đặc biệt là nguồn tin điện tử nếu có. Khảo sát cho thấy, nhìn chung giảng viên ít hướng dẫn SV tìm kiếm tài liệu trong TV liên quan đến môn học, chỉ cung cấp một số tài liệu cơ bản, việc kiểm tra đánh giá các bài luận cũng không yêu cầu cao đối với SV trong việc tìm kiếm tài liệu đã được thẩm định. Kết quả khảo sát chỉ rõ còn 50% giảng viên vẫn chưa thường xuyên cung cấp tài liệu cho SV, các tài liệu điện tử và số thì rất hiếm. Điều này dẫn đến việc SV không sử dụng thường xuyên nguồn tài liệu số là tất yếu.
Thư viện cần làm gì để đáp ứng nhu cầu sử dụng tài liệu điện tử của sinh viên
Khảo sát cho thấy, SV có mong muốn sử dụng dịch vụ trực tuyến của TV nhiều hơn. Đó là tìm kiếm và khai thác thông tin trên trang web của TV. Nhiều SV mong muốn có thể tìm và đọc tài liệu trực tuyến trên trang web của TV mà không phải đến TV. Họ mong muốn TV có chính sách hướng dẫn SV sử dụng và tra cứu CSDL (có thể mở những lớp học về cách sử dụng, tra cứu, tìm kiếm CSDL do người làm thư viện trực tiếp giảng dạy). Mặt khác, một vấn đề nổi cộm chính là việc trang web của TV vẫn có nhiều hạn chế như tốc độ phản hồi chậm, có nhiều thông tin không cần thiết nhưng vẫn đưa lên rất nhiều, việc tìm kiếm tài liệu còn phức tạp, hay nguồn CSDL toàn văn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng.
Vậy TV phải làm gì để tăng số lượt người truy cập và sử dụng tài liệu điện tử? Với 70% SV thỉnh thoảng hoặc rất hiếm khi vào trang web của TV để tìm kiếm thông tin, hơn 80% cho rằng trang web của TV còn chậm và 77% cho rằng CSDL của TV không đáp ứng được nhu cầu của họ, thì nhu cầu về nâng cấp trang web và phát triển CSDL số đang được đưa ra. Có tới 48% ý kiến cho rằng TV cần phải nâng cấp trang web và 40% cho rằng cần cung cấp hay bổ sung thêm nguồn tài liệu số. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng TV cần kết hợp chặt chẽ với giảng viên về việc hướng dẫn và định hướng sử dụng tài liệu điện tử có tại TV như là nguồn tham khảo chính thống (Biểu đồ 4).
Biểu đồ 4. Những mong muốn của sinh viên đối với thư viện
Kết quả khảo sát này cũng giúp TV nhìn nhận lại xu thế sử dụng thiết bị di động và khai thác thông tin trực tuyến của người dùng tin, cụ thể là SV, qua đó có những chiến lược phát triển phù hợp. TV cần có kết hoạch để xúc tiến đưa ra các cơ hội nhằm nâng cao số lượng SV sử dụng thiết bị điện tử để khai thác và sử dụng các dịch vụ của TV như: thúc đẩy mượn liên TV trực tuyến; kết hợp chặt chẽ với các khoa và giảng viên để có những buổi hội thảo và tiến tới hợp tác sử dụng trang thiết bị điện tử trong hoạt động giảng dạy và học tập; đề xuất các giải pháp công nghệ áp dụng các thiết bị dạy học điện tử; tập trung phát triển nguồn học liệu số, song song đó là quảng bá và khuyến khích người dùng dịch vụ trực tuyến của TV.
TVĐH là một thành tố quan trọng trong hoạt động đào tạo bậc đại học. Chính vì vậy, TVĐH cần bắt kịp với xu thế và chiến lược phát triển của giáo dục đại học. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, trong đó nêu rõ “đẩy mạnh các hình thức học từ xa, học qua mạng, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến”. Như vậy có thể thấy, nhu cầu thực tế từ người dùng và chiến lược phát triển của Nhà nước đang hướng tới một môi trường học tập trực tuyến, năng động và mềm dẻo, với mục tiêu tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất để mọi người có thể tiếp cận đến các dịch vụ giáo dục. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đào tạo làm cho việc dạy và học trở nên dễ dàng và có hiệu quả hơn. Thông qua thiết bị di động có nối mạng, giảng viên và người học có thể giao tiếp với nhau bằng nhiều hình thức như thư điện tử, thảo luận trực tuyến, diễn đàn, mạng xã hội và hội thảo bằng hình ảnh. Bên cạnh đó là giáo trình, bài giảng đều được số hoá. Thực tế này làm xuất hiện một nhu cầu cấp thiết về nguồn tài liệu số phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Đây chính là cơ hội để các TV đổi mới mình và xây dựng một chiến lược phát triển bắt kịp xu hướng này, trong đó hướng tới các sản phẩm và dịch vụ thông tin số và trực tuyến.
Kết luận
Một thực trạng có thể thấy đó là SV ngày càng sử dụng nhiều thiết bị di động vào việc học tập và họ đang có xu thế sử dụng nguồn thông tin điện tử trực tuyến như một nguồn chính để phục vụ việc học của mình, trong khi đó TVĐH lại chưa bắt kịp xu thế này. Với tâm lý của giới trẻ hiện nay, truy cập nhanh và khai thác thuận tiện đang là điều mà họ mong muốn khi tiếp cận một dịch vụ trực tuyến. Chính vì thế, thay vì tìm và đọc tài liệu trong TV mất thời gian, họ đang chọn giải pháp tìm kiếm trên Internet để phục vụ cho bài học của mình. Đây chính là một thực trạng mà TVĐH cần thẳng thắn nhìn nhận và có chiến lược phát triển phù hợp.
Việc sử dụng thiết bị di động trong học tập và khai thác tài liệu số là một xu hướng tất yếu, từ đây đặt ra yêu cầu TV cần có những chuẩn bị để tham gia xu hướng mới này. Vì vậy, hy vọng rằng trong tương lai sẽ có những bài nghiên cứu sâu hơn và cụ thể hơn nữa với quy mô bao quát hơn để chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về sự tác động của công nghệ thông tin, đặc biệt là của thiết bị di động đối với bộ phận giới trẻ. Từ đó, có những biện pháp và đề xuất tốt nhất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các TV.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 89/QĐ-TTg: Phê duyệt Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020. 09/01/2013
2. Cavus, N. and Al-Momani, M. M. Mobile system for flexible education// Procedia Computer Science. - 2011. - No. 3. - P. 1475-1479.
3. Chen, B. and Denoyelles, A. Exploring students' mobile learning rractices in higher education. Retrieved from http://www.educause.edu/ero/article/exploring-students-mobile-learning-practiceshigher-education.
4. Crompton, H. A historical overview of mobile learning: Toward learner-centered education// Handbook of mobile learning Florence. - KY: Routledge, 2013. - P. 3–14.
5. Graham, E. Using smartphones in the classroom. Retrieved from http://www.nea.org/tools/56274.htm.
6. Herrington, A. Using a smartphone to create digital teachingepisodes as resources in adult education// Research Online University of Wollongong. - 2009.
7. Kukulska-Hulme, A and Traxler, J. Mobile learning: A handbook for educators and trainers. - NT: Simultaneously, 2007.
8. Laru, J. and Järvelä, S. Using web2.0 software and mobile devices for creating shared understandingamong virtual learning communities// Fifth IEEE International Conference on Wireless, Mobile, and Ubiquitous Technology in. - 2008.
9. McGreen, N. and Arnedillo, S.I. Mobile phones: Creative learning tools// Mobile learning 2005. - Malta: International Association for Development of the Information Society Press, 2005. - P. 241-245.
_________________________
Đỗ Văn Hùng, Thái Thị Trâm
Khoa Thông tin - Thư viện, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 5. - Tr. 29-34.
< Prev | Next > |
---|
- Mạng xã hội Facebook phương tiện hữu ích hỗ trợ hoạt động của các cơ quan thông tin - thư viện Việt Nam hiện nay
- Một số đề xuất nhằm nâng cao hoạt động truyền thông marketing tại thư viện đại học ở Việt Nam
- Sự cần thiết chia sẻ nguồn lực thông tin trong thư viện quận, huyện Tp. Hồ Chí Minh
- Một số nhận thức cơ bản về chuẩn hoá trong hoạt động thư viện
- Một số vấn đề về quản lý thư viện hiện đại
- Phát triển dịch vụ thông tin trong môi trường điện tử tại thư viện đại học
- Số hoá tài liệu nội sinh góp phần giảm khoảng cách số trong giáo dục và đào tạo cao đẳng - đại học
- Thư viện số và vấn đề xây dựng thư viện số ở Việt Nam
- Vai trò của thư viện trường trong việc xây dựng và phát triển tủ sách lớp học ở các thư viện trường phổ thông
- Giảng dạy khung phân loại thập phân Dewey: một vài vấn đề liên quan