Phát huy vai trò liên chi hội trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học

E-mail Print

1. Công cuộc đổi mới giáo dục đại học

1.1 Nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì nước yếu mà thấp hèn” (Thân Nhân Trung, 1419 - 1499). Thấm nhuần lời dạy của tiền nhân, đã hàng chục thập kỷ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới phát triển sự nghiệp giáo dục. Nhờ đó, gần 70 năm qua, giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Tư tưởng lớn của Đảng về giáo dục đã được kết tinh, cụ thể hoá trong Luật Giáo dục năm 2005: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Kiên định đường lối của các kỳ đại hội trước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo”.

Triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI, hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/2013 đã cụ thể hoá nhiệm vụ “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo” và xác định rõ mục tiêu của đổi mới lần này là: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hoá, hiện đại hoá, dân chủ hoá, xã hội hoá và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”.

Trong mục tiêu đổi mới chung của sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đối với giáo dục đại học, mục tiêu được xác định: “Tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Đa dạng hoá các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”.

1.2 Vai trò của mạng lưới thư viện đại học trước yêu cầu mới

 Để đạt được những mục tiêu lý tưởng trên đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu từ các cấp, các ngành và toàn xã hội. Là một bộ phận hợp thành của trường đại học, là nhân tố không thể thiếu trong quá trình đào tạo và nâng cao chất lượng của trường, đặc biệt, trong bối cảnh nhà trường đang vào cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện” như hiện nay, việc “tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học…” đòi hỏi thư viện (TV) có trách nhiệm rất lớn để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc hiện nay và tương lai.

Với vai trò là nơi cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác nhất, nhanh chóng và kịp thời nhất, có khả năng thoả mãn cao nhất mọi nhu cầu của bạn đọc, TV đang thực sự trở thành “giảng đường thứ 2” của đông đảo thày và trò. Không phải đến hôm nay mà ngay từ năm 2007, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đào tạo theo mô hình tín chỉ, hoà với sự chuyển động tích cực của các nhà trường, nhiều TV đã được mở rộng diện tích, cơi nới hoặc xây dựng mới, được cung cấp thêm nhiều trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện để TV đổi mới phương thức và phục vụ tốt hơn cho sinh viên trong việc tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, mở mang tư duy, chủ động trong việc tự học. Tuy nhiên, mới chỉ 7 năm, thời gian quá ngắn và gặp phải thời kỳ kinh tế đất nước có nhiều khó khăn, chưa đủ điều kiện đáp ứng cho sự hoàn thiện chuyển đổi đào tạo từ niên chế sang học chế theo mô hình tín chỉ. Trong đó, sự thích ứng của các bộ phận hỗ trợ đào tạo, trong đó có TV còn nhiều hạn chế, nhưng chí ít, các TV cũng đã bắt đầu làm quen với môi trường phục vụ mới: đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của lượng sinh viên đến sử dụng TV ngày càng đông đảo. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn lẻ một hoặc một số TV tích cực đổi mới thì cũng khó mà hoàn thành trọng trách phục vụ cho sự chuyển động mạnh mẽ, quyết liệt của gần 300 trường đại học trong cả nước. Hơn lúc nào hết, vai trò của các Liên chi hội TV - tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người làm TV cần được phát huy tích cực hơn nữa hiệu quả hoạt động.

2. Trọng trách của Liên chi hội đại học phía Bắc

Hơn 15 năm qua, Liên chi hội TV các trường đại học phía Bắc và Nam đã tổ chức hơn một trăm cuộc hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề, thuyết trình, giới thiệu nghiệp vụ mới, công nghệ mới, tham quan, trao đổi học tập điển hình… với sự tham gia tích cực của đông đảo các TV thành viên. Các hoạt động của 2 Liên chi hội đã góp phần nâng cao chất lượng nghiệp vụ, đi tiên phong áp dụng những tiến bộ mới của TV thế giới, cổ vũ, tạo nên không khí hoạt động chuyên môn sôi nổi trong toàn mạng lưới TV đại học và TV cả nước, nâng cao sự hấp dẫn, gắn bó với nghề. Trước những chuyển động mới của giáo dục đại học trong thời gian qua, Liên chi hội luôn chủ động đi trước, tìm ra những cách làm mới phù hợp và phát huy tốt vai trò các TV - một trung tâm tri thức, trung tâm thông tin trong nhà trường.

Trước bài toán mới “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học: tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học…”,  Liên chi hội có thể và cần tăng cường những nội dung gì trong hoạt động để giúp các TV có thêm sức mạnh đáp ứng nhu cầu đổi mới của nhà trường? Bên cạnh những việc thường xuyên đã làm và nên tiếp tục làm, trước yêu cầu mới và trong điều kiện kinh tế vẫn còn hạn hẹp, Liên chi hội cần tập trung hỗ trợ các TV về một số nội dung cấp thiết sau:

2.1 Có giải pháp để tăng cường sự chia sẻ nguồn tài nguyên giữa các thư viện

Với yêu cầu phục vụ đối tượng mới, trình độ cao và phát huy năng lực tự học, tự sáng tạo của sinh viên, các TV cần có thêm nhiều nguồn thông tin. Trước hết, là nguồn thông tin hiện có ngay tại các TV, bao gồm kho tư liệu sách, báo, tạp chí, các báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo, các công trình, các đề tài nghiên cứu của thầy và trò các trường. Để giúp các TV liên thông hỗ trợ nhau, Liên chi hội cần quyết liệt yêu cầu các TV phải xây dựng trang web và kết nối Internet. Về chiến lược lâu dài, Liên chi hội cần hướng tới việc xây dựng một mục lục liên hợp điện tử. Để thực hiện được điều này, bắt buộc các TV phải tuân thủ áp dụng các chuẩn nghiệp vụ cơ bản nhất hiện nay là MARC21, AACR2 và DDC (bản rút gọn DDC 14 và tốt nhất là bản đầy đủ DDC 23). Theo kết quả điều tra xã hội học của nhóm nghiên cứu Đại học Văn hoá Hà Nội năm 2010, mới chỉ có: 27,5% TV đại học áp dụng biên mục theo quy tắc AACR2; 57% TV đại học áp dụng khung phân loại DDC bản rút gọn và đầy đủ; 88% TV đại học áp dụng MARC21. Chuẩn hoá là yếu tố quyết định tới sự thống nhất và chia sẻ của các TV. Nếu không tuân thủ chuẩn nghiệp vụ thì định hướng “Thống nhất, chuẩn hoá, chia sẻ và hội nhập” của chúng ta mãi mãi chỉ là khẩu hiệu. Vì vậy, Liên chi hội cần đưa vào kế hoạch những năm tới bồi dưỡng, tập huấn để tất cả các TV đều áp dụng 3 chuẩn nghiệp vụ cơ bản. Trước mắt, để hỗ trợ tích cực cho việc chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin giữa các TV, cần tăng cường vai trò của các TV đại học vùng, Đại học Quốc gia như: Trung tâm Học liệu Huế, Thái Nguyên, TV đại học vùng Vinh và đại học Quốc gia…

2.2 Mở rộng nguồn thông tin cần tiếp cận

Để có thể đáp ứng yêu cầu đào tạo trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài và nâng cao khả năng tự học, tự làm giàu tri thức, năng động sáng tạo của sinh viên, Liên chi hội nên nghiên cứu và giới thiệu cho các TV biết nguồn cơ sở dữ liệu phong phú nhất trên thế giới hiện nay, đó là Trung tâm máy tính trực tuyến OCLC. Hiện nay, OCLC đang quản lý hơn 300 triệu biểu ghi, trong đó có 20 triệu biểu ghi luận văn, luận án, phục vụ 72.035 TV của 172 quốc gia, trong đó có hơn 6.000 TV của 18 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. TV Quốc hội Mỹ với 20 triệu biểu ghi cũng chỉ chiếm 7% số lượng biểu ghi của OCLC WorldCat (mục lục liên hợp trực tuyến của OCLC). Hiện nay, Công ty IDT Việt Nam (Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số) là đối tác uỷ quyền duy nhất của OCLC tại Việt Nam. Với vị trí là đại diện của OCLC, IDT Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu mượn liên TV và chia sẻ thông tin toàn cầu với các TV về mọi lĩnh vực.

Trước mắt, Liên chi hội cần cổ vũ cho các TV tham gia liên hợp bổ sung tài liệu điện tử do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia làm chủ tịch, có giải pháp làm cho các cơ quan chủ quản TV nhận ra ích lợi to lớn và sự cần thiết tham gia bổ sung tài liệu điện tử. Trong đó, các nguồn cơ sở dữ liệu toàn văn của các tạp chí điện tử sẽ là nguồn thông tin vô cùng hữu ích cho việc đào tạo trình độ cao, nâng cao năng lực nghiên cứu, tự học, tự làm giàu tri thức và sáng tạo của sinh viên. Đồng thời, Liên chi hội nên giới thiệu nguồn thông tin rất phong phú về khoa học xã hội của Viện Thông tin Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và nhiều cơ sở khác để các TV khai thác.

2.3 Nâng cao năng lực khả năng phát hiện, sàng lọc thông tin của thư viện

Cùng với nguồn tài nguyên thông tin từ kho tư liệu sách, báo, cơ sở dữ liệu điện tử phong phú của TV, từ các giảng viên, các cuộc thảo luận, hội thảo khoa học, các cơ sở thực nghiệm, thực tiễn xã hội, nguồn thông tin đến từ kết quả liên thông TV, từ Internet, từ kho tài nguyên OCLC và các nguồn tin điện tử khác… các TV đang đứng trước yêu cầu xử lý nguồn thông tin vô cùng phong phú đó. Vì vậy, Liên chi hội cần nâng cao khả năng chọn lọc, tinh chế, bao gói thông tin, phát hiện, xác định và kiến tạo nhu cầu thông tin của sinh viên cho người làm TV. Để từ đó, TV có thể trình bày, giới thiệu và cung ứng thông tin mang tính định hướng chính xác.

2.4 Giúp các thư viện tổ chức hợp lý việc phục vụ và nâng cao tính chuyên nghiệp của người làm thư viện

Với phương thức phục vụ mới, nhu cầu sử dụng TV của bạn đọc sẽ tăng lên nhiều. Các TV cần tăng thời lượng phục vụ phù hợp với nhu cầu đọc của sinh viên. Nên chăng, có thể mở thêm giờ, thêm ngày trong tuần để đáp ứng nhu cầu đọc. Từ thực tế của các trung tâm học liệu, các TV nên tổ chức thêm các phòng đọc nhỏ, vừa là nơi đọc, nghiên cứu và cũng là nơi trao đổi của các tổ nhóm. TV cần đăng ký phục vụ ưu tiên theo quy định riêng cho những cá nhân, tổ nhóm có đề tài nghiên cứu. Để phát huy tốt hiệu quả công tác phục vụ, cần hướng đến tính chuyên nghiệp và tinh thần tận tuỵ phục vụ của người làm TV. Song song với phong trào xây dựng TV thân thiện, Liên chi hội có thể tổ chức trao đổi xây dựng “Thư đức” như bên ngành Y đã có “Y đức”. Bên cạnh việc tăng cường các kỹ năng phục vụ như Liên chi hội đã tổ chức tại Thái Nguyên, cần nâng cao thêm năng lực chọn lọc, đánh giá, tái cấu trúc, phát hiện, xác định, kiến tạo thông tin, tư vấn và cung ứng thông tin cho người làm TV. Cần tích cực vận động để người làm TV trong Liên chi hội đi đầu sử dụng tiếng Anh trong giờ làm việc. Đây sẽ là một biện pháp tốt để người làm TV phải tích cực học ngoại ngữ hơn.

Nói tới đào tạo trình độ cao, nhưng các TV cần lưu ý việc phục vụ chung gần như bắt buộc, đó là trang bị kiến thức lịch sử cơ bản cho tất cả bạn đọc. Nên chăng, Liên chi hội cần khuyến cáo tất cả các TV nên bổ sung tài liệu lịch sử Việt Nam để phục vụ sinh viên, tránh tình trạng: 1.800 sinh viên được phỏng vấn, thì có tới 44% trả lời “không biết các vua Hùng là ai”; 39% số sinh viên này trả lời: “Không biết Trần Quốc Toản là ai” (lác đác có người phỏng đoán, đó là nhân vật thời chống Mỹ); 468 sinh viên của 9 trường đại học khác không biết Chu Văn An đã từng là nhà giáo, là người viết sớ Thất trảm…” (Theo báo Pháp luật số ra ngày 9/5/1998). Nếu không có tài liệu và không cổ vũ việc đọc sách lịch sử, một ngày nào đó sẽ có nhiều sinh viên không biết tới những Chi Lăng, Bạch Đằng, Điện Biên Phủ… là gì trong truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông.

2.5 Củng cố tổ chức của Liên chi hội

Về lâu dài, để phát huy tốt vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp TV trong việc phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục đại học, Liên chi hội nên có kế hoạch chủ động hợp nhất 2 Liên chi hội các trường đại học phía Bắc, phía Nam làm một tổ chức chung của mạng lưới TV đại học cả nước. Tối ưu nhất, Liên chi hội có thể thành lập một Hội thành viên hoặc Hội TV Đại học độc lập.

Trước mắt, Liên chi hội cần tuyên truyền thu hút các TV đại học và cao đẳng trong khu vực vào sinh hoạt cùng Liên chi hội. Hiện nay, mới có khoảng 40% TV tham gia hoạt động trong Liên chi hội.

Để phù hợp với đặc điểm một tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhà nước không cấp công sở, không biên chế, không tài chính mà chúng ta vẫn tổ chức được nhiều hoạt động, phù hợp với tình hình từng khu vực, Liên chi hội cần xúc tiến việc tổ chức các Chi hội theo các khu vực, lấy các TV Vùng làm trung tâm. Chỉ riêng khu vực miền núi phía Bắc đã có tới gần 50 TV đại học và cao đẳng. Theo kế hoạch, Chi hội TV đại học và cao đẳng khu vực miền núi do Trung tâm Học liệu Thái Nguyên làm chủ tịch sẽ được thành lập trong thời gian gần đây.

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo người làm TV, Liên chi hội đang xúc tiến việc thành lập Liên chi hội các cơ sở đào tạo TV khu vực phía Bắc, do khoa Thông tin – Thư viện, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội làm chủ tịch. Trước yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, người làm TV phải vươn tới là một nhà giáo dục, nhà tư vấn nghiên cứu khoa học. Việc thành lập Liên chi hội cơ sở đào tạo càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

3. Kiến nghị

Để Liên chi hội phát huy tốt vai trò tổ chức cơ sở của Hội TV trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, đề nghị các cơ quan nhà nước quan tâm một số việc cần thiết như sau:

3.1 Nâng cao vị trí tổ chức Hội Thư viện

Bên cạnh việc Hội cần làm tốt công tác tuyên truyền và bằng những việc làm hữu ích cho sự nghiệp như những năm qua Liên chi hội và các tổ chức của Hội đã làm, cần có sự nhận thức đúng về Hội của các cấp lãnh đạo, trước hết của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức giao cho Liên chi hội nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Về việc này, Chính phủ đã ban hành quyết định số 22/2002/QĐ-Ttg về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật, mà Hội TV là một thành viên. Liên chi hội cần nghiên cứu và kiến nghị với đơn vị chủ quản để được nhận nhiệm vụ này một cách chính thức. Trong quá trình chuyển đổi, quan niệm nhà nước làm tất cả và chỉ có cơ quan nhà nước mới có thể làm tốt được việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội vẫn còn đang ngự trị ở hầu hết các cơ quan và cá nhân, khiến khái niệm đánh giá độc lập bị hạn chế. Kinh nghiệm ở Mỹ, Hội TV (ALA) có nhiệm vụ cấp chứng chỉ đủ năng lực làm việc cho những sinh viên đã tốt nghiệp muốn xin vào làm việc ở các TV nhà nước. ALA cũng là đơn vị giám định xã hội chương trình đào tạo bậc đại học và thạc sỹ TV của các trường đại học. Hầu hết Hội TV các nước phát triển là những tổ chức xây dựng và ban hành các chuẩn nghiệp vụ quan trọng. Hội TV đại học Canađa đã ban hành tiêu chuẩn đối với các TV thành viên của mình, như một công cụ để đánh giá, đầu tư cho TV… Trong khi đó, có cơ sở đào tạo bậc đại học TV ở Việt Nam đưa toán cao cấp với thời lượng quá nhiều vào chương trình đào tạo, biết là bất hợp lý nhưng không biết can thiệp thế nào? 

3.2 Xếp hạng thư viện như xếp hạng trường đại học

Năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành việc xếp hạng các trường Đại học. Tại sao Bộ không tiến hành việc xếp hạng cho các TV của trường Đại học? Việc này, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tiến hành hơn 20 năm nay cho các TV công cộng. Việc xếp hạng sẽ đảm bảo sự công bằng và là cơ sở khoa học cho việc đầu tư về cơ sở vật chất, định biên, định mức kinh phí và chế độ phụ cấp cho cán bộ lãnh đạo các cấp của TV, là cơ sở để tạo nên không khí thi đua phấn đấu vươn lên của các đơn vị. Cách đây ít năm, Hội TV đã cử chuyên gia tham gia khoá tập huấn do IFLA tổ chức về đánh giá hoạt động thư viện trên cơ sở chuẩn và tác động xã hội. Để góp phần khách quan trong việc xếp hạng, Hội TV sẵn sàng tham gia hỗ trợ cho Bộ hoặc Liên chi hội trong việc xếp hạng TV.

3.3 Tạo điều kiện cho thư viện hội nhập quốc tế       

TV là một ngành khoa học phục vụ các ngành khoa học khác. Trước sự biến đổi nhanh của các ngành khoa học, TV cũng liên tục biến đổi để thích ứng, tồn tại và phát triển. Thực tế này khác xa với quan niệm của khá nhiều các cấp lãnh đạo, coi TV như “tu viện”, trầm lặng và chậm đổi mới. TV Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức ngành nghề trên thế giới, tiêu biểu là Liên đoàn  Quốc tế các Hội và cơ quan Thư viện (IFLA) và khu vực Đông Nam Á (CONSAL). Tham dự các kỳ hội nghị, đại hội là một dịp thuận lợi để các TV thu nhận hàng trăm báo cáo khoa học tại các hội thảo, tham dự hàng chục cuộc hội thảo, được học hỏi bạn bè trên nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề phục vụ nâng cao đào tạo bậc đại học, là cơ hội để mở rộng liên kết, tìm kiếm các dự án và cũng là thời cơ để giới thiệu TV Việt Nam với bè bạn quốc tế. Dự án “Tăng cường năng lực sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng” với tổng kinh phí trên 50 triệu USD (trong đó nhận từ nhà tài trợ trên 33 triệu USD, đối ứng từ phía Việt Nam là 17 triệu USD) do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ cho TV công cộng và các điểm Bưu điện văn hoá xã là một minh chứng rất sinh động về kết quả tham gia Đại hội IFLA.

Để tạo điều kiện cho TV phát triển bền vững, các cơ quan cần quan tâm và mạnh dạn cử người làm TV đi tu nghiệp ở nước ngoài theo các hệ dài hạn hoặc ngắn hạn. Dựa vào mối quan hệ sẵn có với các nước, Hội và Liên chi hội có thể hỗ trợ tích cực việc này.

3.4 Cần có hội nghị thư viện đại học toàn quốc

Mạng lưới TV đại học đang đứng trước nhiệm vụ rất lớn trong quá trình đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục đại học. Có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết trên bình diện vĩ mô cả nước. Đã đến lúc cơ quan chủ quản: Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý nhà nước về TV: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần nhanh chóng tổ chức hội nghị toàn quốc về TV đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần trực tiếp chủ trì hội nghị để có những quyết định sát thực với tình hình.

Kết luận 

Khi còn giữ trọng trách Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm TV của trường Đại học Sư phạm Mẫu giáo Trung ương. Tại đây, đồng chí đã khẳng định “TV là trái tim của trường Đại học”.

Nhà văn hoá Nga Khalinôp nói: “Mặc dù đã có sự thần kỳ của máy móc, nhưng cho đến tận hôm nay, TV vẫn là nguồn lực chính cho mọi sự hiểu biết”.

Các TV trong Liên chi hội sẽ làm gì để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội và đáp ứng những yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học nước nhà?                                                                 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Kỷ yếu hội nghị thư viện các trường đại học và cao đẳng lần thứ nhất năm 2008.

2. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Tăng cường việc chuẩn hoá trong hoạt động thư viện ở Việt Nam : Báo cáo tổng quan đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2011.

3. Hội Thư viện Việt Nam. Chuẩn đánh giá kết quả hoạt động và tác động của thư viện: Tài liệu tập huấn do Hội Thư viện Việt Nam và đồng nghiệp quốc tế biên soạn dựa trên tài liệu hướng dẫn của UNESCO/ IFLA năm 2010.

4. Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật. Kỷ yếu hội thảo: Đánh giá hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, năm 2011.

5. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng.

6. OCLC Asia Pacific :  OCLC - The Global Library Cooperative, October 2013.

_______________

Phạm Thế Khang

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 3. - Tr. 28-33.


Đọc thêm cùng chuyên mục: