Đề xuất mô hình phát triển nguồn lực thông tin cho hệ thống thư viện công cộng Việt Nam

E-mail Print

Đặt vấn đề

Hệ thống thư viện công cộng (TVCC) Việt Nam, với nguồn lực thông tin (NLTT) phong phú đang trở thành trung tâm thông tin ở địa phương, là nơi tự học tập, nghiên cứu, giải trí cho mọi người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, bất cứ hệ thống thư viện/ thư viện nào dù có kinh phí hoạt động nhiều và NLTT phong phú đến bao nhiêu thì cũng không thể khẳng định NLTT của mình đã đầy đủ, chất lượng, có thể đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng tin (NDT). Vấn đề đặt ra và phải giải quyết là bằng cách nào hệ thống thư viện/ thư viện có thể xây dựng được NLTT phong phú, đa dạng để đáp ứng tối đa nhu cầu của NDT? Sẽ có nhiều cách làm, cách tiếp cận để giải quyết vấn đề, nhưng theo tác giả, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phát triển NLTT của hệ thống TVCC Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng mô hình phù hợp cho hệ thống và các thư viện trong hệ thống nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và vị thế của thư viện.

Đề xuất mô hình

Hiện tại, có rất nhiều khái niệm về mô hình. Mỗi một khái niệm lại tiếp cận mô hình dưới một góc độ khác nhau. Theo Nguyễn Lân, tác giả Từ điển từ và ngữ Việt Nam, mô hình là:

1- Mẫu thu nhỏ của một vật: Mô hình một nhà máy.

2- Mẫu có tính chất tiêu biểu: Xây dựng và kiểm nghiệm các giả thuyết và mô hình để rút ra những kết luận [4].

Theo Từ điển tiếng Việt, mô hình lại là:

1- Vật cùng hình dạng nhưng làm thu nhỏ lại nhiều, mô phỏng cấu tạo và hoạt động của một vật khác để trình bày, nghiên cứu: Mô hình máy bay.

2- Hình thức diễn đạt hết sức gọn theo một ngôn ngữ nào đó các đặc trưng chủ yếu của một đối tượng để nghiên cứu đối tượng ấy: Mô hình của câu đơn [7].

Còn theo Từ điển giải nghĩa thư viện học và tin học của Hiệp hội thư viện Mỹ thì mô hình là một hình thể có ba chiều biểu tượng cho một vật thể, có kích thước bằng vật thể đó hay nhỏ hơn theo tỷ lệ xích... [8].

Trong khuôn khổ bài viết, tác giả cho rằng, mô hình là hình mẫu giúp ta thể hiện một sự vật, hiện tượng, quá trình nào đó, phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng của con người. Theo đó, mô hình sẽ giúp hệ thống TVCC thu thập, tàng trữ, phổ biến các loại hình tài liệu, dữ liệu phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương, chức năng nhiệm vụ của thư viện, hoặc những loại hình tài liệu chuyên ngành mà địa phương chưa có thư viện chuyên ngành phục vụ… Đồng thời, phối hợp bổ sung có chọn lọc các loại hình tài liệu nước ngoài. Mô hình cũng sẽ giúp thư viện phát triển, chia sẻ các sản phẩm và dịch vụ thư viện - thông tin (TVTT); nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn của người làm thư viện (NLTV)… thông qua các hoạt động hợp tác, liên kết giữa các TVCC hoặc với các loại hình thư viện khác trong hoặc ngoài địa bàn nhằm xây dựng NLTT phong phú, đa dạng, có chất lượng để chia sẻ, sử dụng chung giữa các thư viện thành viên theo những nguyên tắc, quy định đã thống nhất, góp phần tiết kiệm kinh phí, nhân lực… và đáp ứng ở mức cao nhất nhu cầu của NDT.

Từ thực tiễn hoạt động trong nước và kinh nghiệm phát triển NLTT của các nước trên thế giới, tác giả cho rằng một số mô hình phát triển NLTT cho hệ thống TVCC Việt Nam như: Mô hình theo đơn vị hành chính; Mô hình ngang cấp; Mô hình phối hợp giữa TVCC với các thư viện khác; Mô hình liên kết hệ thống là những mô hình mà hệ thống TVCC Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, dù vẫn còn ở mức sơ khai, nhưng một số mô hình phát triển NLTT của hệ thống TVCC Việt Nam do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết và chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đó là, nội dung hoạt động của các mô hình còn đơn điệu, cơ chế hoạt động lỏng lẻo, quan điểm của các thành viên nhiều khi chưa thống nhất... dẫn đến hoạt động của mô hình bị đình trệ. Do đó, tác giả đề xuất áp dụng mô hình liên kết cho hệ thống TVCC Việt Nam nhằm nâng cao cả chất và lượng của NLTT, cũng như nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của hệ thống TVCC Việt Nam. Mô hình liên kết hệ thống là mô hình liên kết phát triển NLTT trong phạm vi toàn quốc của hệ thống TVCC Việt Nam, là tiền đề xây dựng mô hình cấp quốc gia về phát triển NLTT.

Mô hình liên kết hệ thống sẽ thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản: Nâng cao chất lượng NLTT của các thư viện thành viên; Mở rộng khả năng truy cập, khai thác, chia sẻ NLTT; Thực hiện đầy đủ các dịch vụ cung cấp tài liệu và mượn liên thư viện; Tạo lập, cung cấp dịch vụ tài liệu giá rẻ cho các thành viên; Đào tạo NLTV cho các đơn vị thành viên, tổ chức hội nghị, hội thảo để NLTV các thư viện thành viên cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm công tác...

Mô hình liên kết hệ thống cũng hướng tới một số mục tiêu chính: Đảm bảo truy cập, khai thác tối ưu tới các nguồn tài liệu dạng in ấn truyền thống và điện tử; Thuận tiện cho việc phát triển, chia sẻ NLTT giữa các thư viện; Tiết kiệm kinh phí, giảm trùng lặp tài liệu thông qua phối hợp bổ sung; Thống nhất các hoạt động nghiệp vụ; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đáp ứng nhu cầu NDT...

Để thiết lập cơ cấu quản lý, vận hành gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả, bước đầu, đối tượng tham gia mô hình sẽ là Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG) và thư viện cấp tỉnh với phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương nhằm thực hiện tốt những nhiệm vụ và đạt được mục tiêu mô hình đề ra.

TVQG - thư viện trung tâm của cả nước, đứng đầu hệ thống TVCC Việt Nam sẽ là "đầu não" và giữ vai trò điều hành mô hình, được trao quyền quản lý, tổ chức thực hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình vận hành mô hình theo định hướng chung của hệ thống, sự đồng thuận của các thành viên tham gia mô hình và chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về toàn bộ hoạt động của mô hình. Ngoài trách nhiệm xây dựng và bảo quản kho tàng xuất bản phẩm dân tộc, thu nhận các xuất bản phẩm lưu chiểu trong nước theo Luật Xuất bản, các luận án tiến sỹ của công dân Việt Nam được bảo vệ ở trong nước và nước ngoài, của công dân nước ngoài được bảo vệ tại Việt Nam… TVQG còn có trách nhiệm trong việc tạo dựng nội dung hoạt động trên cơ sở đồng thuận của các thành viên; điều hành việc luân chuyển, mượn tài liệu liên thư viện, xây dựng bộ sưu tập số quốc gia; mua quyền truy cập hoặc mua các cơ sở dữ liệu (CSDL), ưu tiên CSDL toàn văn cho hệ thống; xây dựng mục lục liên hợp; tổ chức khai thác thông tin/ tài liệu… Với mục tiêu phát triển NLTT hiệu quả, đáp ứng nhu cầu NDT, TVQG sẽ cùng các TVCC trọng điểm tại các vùng miền tiến hành hợp tác xây dựng, trao đổi, chia sẻ NLTT với các cơ quan TVTT trong và ngoài nước, sau đó sẽ chia sẻ kết quả với toàn thể các thành viên của mô hình.

Là TVCC lớn nhất tại địa phương, thư viện cấp tỉnh là thư viện có kho tài liệu lớn nhất của tỉnh/ thành phố, nơi thu thập, tàng trữ các tài liệu được xuất bản tại địa phương và nói về địa phương, các tài liệu trong nước và nước ngoài phù hợp với đặc điểm, yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương. Thư viện cấp tỉnh sẽ tiến hành xử lý, phổ biến thông tin tới mọi người dân sống trên địa bàn cũng như hướng dẫn, chỉ đạo các thư viện cấp huyện, cấp xã xây dựng và phát triển NLTT phù hợp, có chất lượng. Thư viện cấp tỉnh có trách nhiệm tham gia các hoạt động của mô hình, cũng như cung cấp thông tin thư mục, tài liệu địa chí hoặc những tài liệu khác cho TVQG để xây dựng mục lục liên hợp, các bộ sưu tập số, tiến hành hợp tác xây dựng, chia sẻ NLTT với các thư viện trong và ngoài mô hình... Ngoài ra, thư viện cấp tỉnh còn có trách nhiệm hỗ trợ phát triển, chia sẻ NLTT cho thư viện cấp huyện và xã trên địa bàn theo thoả thuận sẽ được ghi trong quy chế hoạt động của mô hình liên kết hệ thống thông qua luân chuyển tài liệu, bổ sung tập trung, cung cấp tài liệu/ thông tin liên quan đến những lĩnh vực, ngành nghề… phù hợp với nhu cầu NDT ở huyện và xã. Thư viện cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm trước TVQG và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch về các hoạt động của mô hình do thư viện đảm nhiệm.

Thư viện cấp huyện sẽ là cầu nối giữa thư viện cấp xã và cấp tỉnh trong việc thực thi hiệu quả, đúng tiến độ các hoạt động chung của mô hình liên kết hệ thống như: thu thập, luân chuyển tài liệu, cung cấp thông tin/ tài liệu, nhất là tài liệu địa chí cho thư viện cấp trên, phổ biến thông tin/ tài liệu trong cộng đồng... chịu trách nhiệm trước thư viện cấp tỉnh và cơ quan quản lý trực tiếp ở địa phương về các hoạt động của mình trong mô hình.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và khắc phục được những khiếm khuyết của những mô hình hợp tác phát triển NLTT trước đây, nội dung hoạt động chính của mô hình liên kết hệ thống sẽ là:

- Tăng cường phối hợp bổ sung các loại hình tài liệu, ưu tiên các loại hình tài liệu địa chí, quốc chí, bao gồm cả những tài liệu về Việt Nam được xuất bản ở nước ngoài, các CSDL toàn văn trong và ngoài nước;

- Chia sẻ dữ liệu, mượn tài liệu liên thư viện, luân chuyển tài liệu, biên mục tập trung;

- Xây dựng CSDL, trước tiên là các CSDL địa chí và quốc chí, CSDL thư mục liên hợp;

- Áp dụng thống nhất chuẩn nghiệp vụ, xây dựng mạng thông tin hợp chuẩn quốc gia và quốc tế để tích hợp, bảo quản nội dung số của toàn hệ thống, cung cấp truy cập trực tuyến cho NDT;

- Hợp tác xây dựng, chia sẻ NLTT với các thư viện, cơ quan thông tin trong và ngoài nước;

- Đào tạo NLTV...

Để hoạt động hiệu quả, tránh mang tính hình thức, mô hình liên kết hệ thống đòi hỏi sự đồng ý về chủ trương, cho phép, hỗ trợ, tạo điều kiện hoạt động của các cấp lãnh đạo, quản lý liên quan từ trung ương đến địa phương, cũng như sự quan tâm đầu tư về tài chính, nhân lực... Ngoài ra, mô hình liên kết hệ thống cũng cần có quy chế hoạt động rõ ràng, khả thi và phải tạo được sự đồng thuận về hướng ưu tiên phối hợp hoạt động…

Sơ đồ mô hình liên kết hệ thống

alt

Các yếu tố tác động đến mô hình

Trong điều kiện hiện tại ở Việt Nam, khi vận hành mô hình phát triển NLTT sẽ có nhiều yếu tố tác động, nhưng theo tác giả, các yếu tố được nêu dưới đây sẽ là những yếu tố tác động chính đến sự tồn tại và phát triển mô hình liên kết của hệ thống TVCC Việt Nam:

Văn bản quy phạm pháp luật: Là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành như Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng… quyết định sự tồn tại và phát triển của mô hình. Nhà nước bảo trợ mô hình tồn tại và phát triển thông qua các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ cơ chế chính sách, kinh phí đầu tư, nguồn nhân lực... Nếu thiếu sự bảo trợ của Nhà nước thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, mô hình phát triển NLTT chỉ mang tính tự phát, hoạt động manh mún, không bền vững và chắc chắn sẽ tan vỡ, bởi hệ thống TVCC Việt Nam sẽ không thể vượt qua các hàng rào pháp lý và hành chính do nhiều cấp chính quyền điều hành.

Cơ chế hoạt động: Duy trì hoạt động, giải quyết các bất đồng nảy sinh trong quá trình thực hiện. Do cơ cấu tổ chức của mô hình thường không ổn định nên trong quá trình vận hành có thể có những thành viên rút lui, có những thành viên mới gia nhập. Mặt khác, trong trường hợp có một số thành viên không thực hiện các cam kết thì số phận của mô hình có thể bị đe doạ, thậm chí ngừng hoạt động. Ngoài ra, vì các bên tham gia tự nguyện, không ai phụ thuộc ai, nên cần tạo lập một ban điều hành hoạt động của mô hình.

Nội dung hoạt động: Đòi hỏi cần nghiên cứu để tìm ra những lĩnh vực, công việc, điều kiện có thể phối hợp hoạt động thông qua tình hình thực tế của thư viện. Kết quả của việc này là xây dựng và thông qua được nội dung phối hợp, hợp tác với các mục tiêu cụ thể và kết quả dự kiến trên cơ sở đồng thuận của các thành viên.

Nhu cầu NDT: Là nguồn gốc tạo nên hoạt động TVTT. Nghiên cứu nắm vững đặc điểm nhu cầu tin và NDT là một trong những cơ sở quan trọng định hướng cho hoạt động của mô hình, đòi hỏi mô hình phải gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với đặc điểm chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội của địa phương, đất nước và phù hợp với nhu cầu NDT.

Quan điểm của các thành viên:Không phải lúc nào cũng trùng hợp nhau mặc dù lợi ích hướng tới giống nhau. Quan điểm của các thành viên nhiều khi còn bị hàng rào tâm lý chi phối do sợ mất tính độc lập, sợ ít được quan tâm, sợ bị thay đổi thói quen cũ... trong các chương trình phối hợp, hợp tác. Muốn vậy, cần xác định rõ ràng chức trách, quyền hạn của mỗi bên tham gia chương trình phối hợp, hợp tác thông qua việc các bên ký kết một thoả thuận trong đó ghi rõ trách nhiệm và lợi ích của mỗi bên và tạo lập cơ chế mà tất cả các thành viên tham gia đều có lợi.

Trình độ NLTV: Trình độ quản lý, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, khả năng làm việc nhóm, sự am hiểu tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước, sự năng động và nhiệt huyết... của NLTV đảm bảo các hoạt động của mô hình phát triển NLTT được thực thi hiệu quả và ngược lại. Ngoài ra, khoảng cách giữa các thư viện, khả năng tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật, sự không tương thích của trang thiết bị, không đủ NLTV có chuyên môn, không đủ tri thức, kinh nghiệm về lĩnh vực cần phối hợp và áp dụng chuẩn nghiệp vụ - thông tin không thống nhất cũng là các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của mô hình phát triển NLTT.

Một số yêu cầu cơ bản để mô hình phát triển

Mô hình là tập hợp của các thành viên tham gia trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, có diện bổ sung giống nhau hoặc diện bổ sung có những nét tương đồng. Đây là một trong những điều kiện cần thiết để mô hình duy trì phát triển bền vững, cũng như dễ dàng thống nhất mục tiêu hoạt động nhằm đạt được những quyền lợi mà nếu hoạt động riêng lẻ thì không thể có được. Để mô hình phát triển NLTT của hệ thống TVCC Việt Nam hình thành và vận hành hiệu quả, có tính khả thi cần thoả mãn một số yêu cầu cơ bản sau:

Sự hỗ trợ của cơ chế chính sách: Thông qua chủ trương, chính sách và kinh phí đầu tư, nhất là đầu tư ban đầu để đảm bảo kinh phí cho mô hình hoạt động. Sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ thông qua đơn vị đại diện là TVQG - thư viện đứng đầu hệ thống TVCC Việt Nam và thư viện cấp tỉnh - TVCC đứng đầu hệ thống TVCC ở địa phương.

Xây dựng cơ cấu tổ chức: Xác định rõ cơ cấu tổ chức thông qua việc xây dựng Ban điều hành mô hình. Ban điều hành sẽ bao gồm đại diện của các thư viện thành viên và là bộ phận “đầu não” của mô hình. Ban điều hành sẽ có “trụ sở” đặt tại TVQG để Ban điều hành cũng như NLTV của các thư viện được cử tham gia các hoạt động trong phạm vi mô hình có thể họp định kỳ và bất thường để triển khai, xử lý công việc.

Ban điều hành sẽ phải thực thi một số nhiệm vụ cơ bản:

- Thống nhất hướng ưu tiên trong phát triển NLTT;

- Thống nhất các chuẩn nghiệp vụ TVTT để xử lý, khai thác, chia sẻ NLTT với các thư viện, cơ quan thông tin trong và ngoài khu vực;

- Đề ra và lãnh đạo thực hiện các hoạt động cần phối hợp xây dựng, chia sẻ NLTT;

- Kiểm tra, điều chỉnh các hoạt động, duy trì phát triển bền vững mô hình.

TVQG sẽ đóng vai trò thường trực, giúp việc cho Ban điều hành, có nhiệm vụ điều phối, quản lý và giám sát các hoạt động thường xuyên của mô hình. Là đầu mối liên lạc giữa các thành viên/ đối tác trong mô hình. Kinh phí hoạt động của “trụ sở” sẽ lấy từ kinh phí đóng góp của các thành viên. Ngoài ra, Ban điều hành cũng cần lập ra các nhóm công tác được lựa chọn chủ yếu là NLTV của các thư viện thành viên để phục vụ những công việc cụ thể. Nhóm công tác sẽ giải thể ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Xác định nội dung hoạt động: Nội dung hoạt động của mô hình sẽ căn cứ trên nội dung hoạt động thường xuyên tại thư viện, cũng như những hoạt động hợp tác, phối hợp trong phạm vi mô hình phát triển NLTT. Cụ thể:

- Tổ chức xây dựng, bảo quản và khai thác NLTT;

- Phối hợp hoạt động xây dựng, chia sẻ NLTT giữa các thư viện thông qua xây dựng mục lục liên hợp, phối hợp bổ sung (tài liệu điện tử, ngoại văn, địa chí, tài liệu liên quan đến xây dựng nông thôn mới…), mượn liên thư viện, luân chuyển tài liệu giữa các thư viện, biên mục tập trung, ứng dụng CNTT, tổ chức đào tạo NLTV, tổ chức hội thảo, hội nghị nghề nghiệp... là những hoạt động chung của mô hình;

- Với những nội dung hoạt động phát triển NLTT mang tính đặc thù của các địa phương, vùng miền, Ban điều hành sẽ giao trách nhiệm cho các thư viện thuộc các địa phương, vùng miền đó chịu trách nhiệm chính trong triển khai hoạt động, sau đó sẽ chia sẻ thành quả với các thành viên khác trong mô hình.

Việc xác định hoạt động chung của mô hình liên kết hệ thống đồng thời với những hoạt động riêng mang tính đặc thù của các địa phương và vùng miền sẽ không tạo ra sự mâu thuẫn, chồng chéo mà ngược lại sẽ làm mô hình phong phú thêm, hoạt động của mô hình sẽ được triển khai cả ở chiều dọc và chiều ngang, từ trên xuống dưới, từ đó, NLTT của hệ thống TVCC Việt Nam sẽ từng bước được tăng cường cả về lượng và chất.

Đảm bảo kinh phí hoạt động: Trong giai đoạn đầu cần có sự bảo trợ của Nhà nước hoặc các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo tính bền vững thì ngân sách của mô hình phải dựa trên sự đóng góp chủ yếu của các thành viên. Nhằm đảm bảo ngân sách hoạt động, nguồn tài chính của mô hình phát triển NLTT sẽ bao gồm:

- Ngân sách của Nhà nước (bảo trợ ban đầu);

- Đóng góp của các thành viên;

- Tài trợ của các tổ chức/ cơ quan trong và ngoài nước;

- Kinh phí thu từ các dịch vụ;

- Các nguồn thu hợp pháp khác.

Tạo dựng cơ chế hoạt động: Mô hình phát triển NLTT sẽ hoạt động theo cơ chế:

- Chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ là đại diện, trực tiếp quản lý và chỉ đạo các hoạt động của thư viện cấp tỉnh trong mô hình). Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ ban hành các văn bản chỉ đạo về cơ chế, chính sách cũng như hoạt động của mô hình.

- Thống nhất hoạt động phát triển NLTT thông qua các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của mô hình từ xây dựng mục lục liên hợp, phối hợp bổ sung... đến xây dựng cơ chế chia sẻ NLTT nhằm tiết kiệm ngân sách, khắc phục trùng lặp thông tin/ tài liệu... và đáp ứng nhu cầu NDT. Các kế hoạch này có thể được điều chỉnh nếu có những điểm không phù hợp với thực tiễn khi triển khai. Việc điều chỉnh phải được xác định trên cơ sở nghiên cứu khoa học và sự đồng thuận của các thành viên.

- Kinh phí dành cho hoạt động phối hợp phát triển NLTT của hệ thống sẽ do các thư viện cùng đóng góp trên cơ sở kinh phí được cấp từ các nguồn trung ương, địa phương cũng như các nguồn khác và thư viện phải cam kết duy trì ngân sách để thực hiện các hoạt động của mô hình.

- Nhân lực tham gia các hoạt động trong và ngoài thư viện sẽ do các thư viện đề cử.

- Thư viện được hưởng thành quả phát triển NLTT căn cứ trên mức độ đóng góp. Và sẽ phải trả phí sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thông tin mà mình không đóng góp kinh phí, nhân lực, dữ liệu…

- Có chế độ khen thưởng cụ thể bằng cách giảm các khoản đóng góp và tăng mức độ sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thông tin chung của mô hình cho những thư viện tích cực, có nhiều đóng góp trong hoạt động chung và ngược lại.

- Định kỳ khoảng 3 đến 4 tháng tiến hành kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo các hoạt động của mô hình đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra. Đồng thời, cần tiến hành điều chỉnh những khiếm khuyết để mô hình vận hành hiệu quả.

Cơ chế hoạt động như trên sẽ đảm bảo mô hình liên kết hệ thống phát triển hiệu quả, đồng thời đảm bảo quyền tự chủ của các thành viên và sự thống nhất, đồng bộ trong hoạt động của mô hình.

Áp dụng chuẩn nghiệp vụ và kỹ thuật thống nhất: Để tổ chức xử lý, lưu trữ và khai thác thông tin hiệu quả, tránh lãng phí, dễ dàng trao đổi, chia sẻ dữ liệu cần thống nhất áp dụng các chuẩn nghiệp vụ, kỹ thuật. Trong trường hợp có sự thay đổi, thì các chuẩn kỹ thuật và nghiệp vụ mà mô hình áp dụng phải cập nhật hoặc bổ sung để đảm bảo luôn tương thích với các chuẩn trong nước và thế giới.

Tổ chức thực hiện hiệu quả: Chất lượng công tác phát triển NLTT cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào việc tổ chức thực hiện có hiệu quả hay không. Để giải quyết vấn đề và tạo điều kiện cho mô hình phát triển NLTT vận hành hiệu quả cần:

- Quyết định của lãnh đạo cấp trên của các thư viện tham gia mô hình cho phép. Đây là cơ sở mang tính pháp lý quan trọng để thư viện lập kế hoạch, dự trù kinh phí, nhân lực… và triển khai hoạt động sau này.

- Xác định hướng ưu tiên phát triển NLTT, lựa chọn, đào tạo tập huấn nhân sự tham gia các hoạt động và tiến hành thực hiện các hoạt động phát triển NLTT trong khuôn khổ mô hình.

- Xây dựng quy chế hoạt động mang tính khả thi, nêu rõ mục đích, phương thức hoạt động, cơ cấu tổ chức, quản lý của mô hình. Ngoài những quy định chung, quy chế sẽ quy định rõ ràng, cụ thể, mang tính ràng buộc trên cơ sở đồng thuận của các thành viên về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên tham gia mô hình. Đồng thời, cũng cần duy trì kiểm tra, đánh giá định kỳ để điều chỉnh hoặc bổ sung các hoạt động của mô hình phù hợp với thực tiễn...

Căn cứ theo những yêu cầu cơ bản trên, nếu vận hành hiệu quả, mô hình phát triển NLTT của hệ thống TVCC Việt Nam sẽ có một số ưu thế không thể phủ nhận. Đó là, mô hình sẽ tạo ra sự thống nhất cao trong phát triển NLTT, tiết kiệm kinh phí, nhân lực, nâng cao NLTT của hệ thống TVCC Việt Nam cả về lượng và chất. Mô hình liên kết phát triển NLTT sẽ giúp hệ thống TVCC Việt Nam thu thập, tàng trữ, phổ biến các loại hình tài liệu, dữ liệu phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương, đất nước, chức năng nhiệm vụ của hệ thống. Mô hình cũng sẽ giúp TVCC các cấp phát triển, chia sẻ các sản phẩm và dịch vụ TVTT nhằm xây dựng NLTT phong phú, đa dạng, có chất lượng để chia sẻ, sử dụng chung giữa các thư viện thành viên theo những nguyên tắc, quy định đã thống nhất. Ngoài ra, cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, trình độ NLTV, năng lực quản lý của lãnh đạo thư viện được cải thiện và nâng cao; Nhu cầu NDT sẽ được đáp ứng ở mức cao nhất thông qua NLTT của thư viện và các thư viện khác trong mô hình và là tiền đề để hệ thống TVCC Việt Nam tự tin hợp tác, hội nhập với cộng đồng TVTT trong và ngoài nước... Mô hình là cơ sở để nghiên cứu, ứng dụng phát triển NLTT của Hệ thống TVCC Việt Nam. Tuy nhiên, đây là mô hình chứ không phải là công thức bất biến, bởi khi đề cập đến mô hình là đề cập đến những yếu tố căn bản cấu thành, chứ không phải là một kiểu mẫu có thể áp đặt. Nhưng nhờ có mô hình mà chúng ta có thể tạo dựng hoạt động theo nguyên tắc chung mà không bị biến đổi, mặc dù nó vẫn bao chứa được những khác biệt đa dạng trong những điều kiện cụ thể.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Văn hoá - Thông tin. Quy hoạch phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. - H., 2006.

2. Lê Văn Viết. Mô hình tổ chức và hoạt động của thư viện tỉnh, huyện và cơ sở ở Việt Nam: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. - H., 2007.

3. Nguyễn Hữu Hùng. Vấn đề phát triển và chia sẻ nguồn lực thông tin số hoá tại Việt Nam // Tạp chí Thông tin và Tư liệu. - 2006. - Số 1. - Tr. 5-10.

4. Nguyễn Lân. Từ điển từ và ngữ Việt Nam. - TP. Hồ Chí Minh: Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2000. - Tr. 1178.

5. Nguyễn Viết Nghĩa. Consortium - Hình thức có hiệu quả để bổ sung nguồn tin điện tử // Kỷ yếu hội nghị ngành thông tin khoa học và công nghệ lần thứ V. - 2005. - Tr. 33-38.

6. Trần Thị Quý. Liên thông chia sẻ nguồn lực thông tin - Yếu tố quan trọng để các cơ quan thông tin - thư viện đại học Việt Nam phát triển bền vững // Kỷ yếu hội thảo khoa học. - H.: Trung tâm thông tin - thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007. - Tr. 45- 55.

7. Từ điển tiếng Việt. - H.: Trung tâm từ điển học, 2004. - Tr. 638.

8. Từ điển giải nghĩa thư viện học và tin học Anh - Việt. - Arizona, 1996. - Tr. 134.

9. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Pháp lệnh Thư viện. - H.: Chính trị Quốc gia, 2001.

10. Vụ Thư viện. Về công tác thư viện : Các văn bản pháp quy hiện hành về thư viện. - H., 2002.

11. Collins, Peter. Fear and loathing in cooperative collection  development // Interlending and supply. - 2012. - Volume 40. -  Number 2. - P. 100- 104.

12. Debal, C Kar, Parha Bhattacharya, Subrata Deb. Library Networking in India for Resources Sharing: Present Status and Prospects // World Libraries. - 1999. - No. 1. - Vol. 9.

13. Evans, Edward G., Margaret Zarnosky Saponaro. Developing library and information centre collection. - Westport, Connecticut, 2007.

_________________________

ThS. Nguyễn Trọng Phượng

Thư viện Quốc gia Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 6. - Tr. 8-14.


Đọc thêm cùng chuyên mục: