Sự phát triển của các thư viện Việt Nam hiện nay và những yêu cầu đặt ra đối với mô hình cơ cấu tổ chức

E-mail Print

1. Mở đầu

Trong những thập niên gần đây, với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, các thư viện Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Việc ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ đã làm thay đổi nhiều hoạt động trong thư viện theo hướng tự động hoá. Có thể thấy các thư viện Việt Nam hiện nay đang chuyển dịch từ mô hình thư viện truyền thống sang hiện đại. Sự thay đổi này mang đến nhiều lợi ích cho người dùng tin và các thư viện. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân làm bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động quản lý trong thư viện, trong đó việc xác định lựa chọn và áp dụng mô hình cơ cấu tổ chức quản lý là rất quan trọng, bởi một mô hình cơ cấu tổ chức phù hợp và phương pháp, cơ chế quản lý khoa học sẽ đem lại nhiều lợi ích và nâng cao hiệu quả quản lý. Từ những luận điểm trên, việc nghiên cứu sự thay đổi trong các thư viện Việt Nam dưới tác động của khoa học và công nghệ, xác định những vấn đề đặt ra nhằm hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các thư viện.

2. Sự phát triển của các thư viện Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại

Để xác định được sự thay đổi của các thư viện Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại, tác giả đã tiến hành khảo sát tại 72 thư viện và trung tâm học liệu lớn tại Việt Nam. Bao gồm các thư viện đại học, chuyên ngành, đa ngành và công cộng tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Các phương diện khảo sát tập trung vào việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động của thư viện. Kết quả khảo sát cho thấy, các thư viện lớn tại Việt Nam đã và đang trong quá trình chuyển dịch từ thư viện truyền thống sang thư viện hiện đại. Thực tế này thể hiện trên một số phương diện sau:

Hạ tầng công nghệ thông tin trong thư viện

Để thực hiện mục tiêu tin học hoá, tự động hoá, các thư viện Việt Nam đã đầu tư phát triển hạ tầng CNTT hiện đại bao gồm phần cứng (máy tính, trang thiết bị), phần mềm và hệ thống mạng.

Kết quả khảo sát cho thấy 83% thư viện đã có hệ thống máy chủ riêng để cài đặt phần mềm phục vụ các hoạt động chuyên môn. Nhiều thư viện, trung tâm học liệu có hàng chục máy chủ, ví dụ: Trung tâm Học liệu - Đại học Huế có 15 máy; Trung tâm Thông tin - Học liệu - Đại học Đà Nẵng có 13 máy; Trung tâm Thông tin - Thư viện - Đại học Quốc gia Hà Nội có 15 máy. Số liệu thống kê trong bảng 1 chỉ ra rằng, 100% số thư viện được khảo sát đã có hệ thống máy trạm dành cho người làm thư viện và người dùng tin khai thác thông tin. Những thư viện có số máy trạm nhiều nhất tập trung tại các trung tâm học liệu, thư viện của các trường đại học lớn. Ví dụ: Trung tâm Học liệu - Đại học Huế có 500 máy; Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên có 400 máy; Trung tâm Thông tin - Thư viện - Đại học Quốc gia Hà Nội có 250 máy; Thư viện Đại học Vinh có 200 máy.

alt

Bảng 1: Số lượng máy trạm được sử dụng

Bên cạnh sự đầu tư trang bị về hệ thống máy tính, kết quả khảo sát thực tế cho thấy các thư viện Việt Nam đã áp dụng nhiều phần mềm khác nhau vào quản lý các hoạt động. Số liệu tổng hợp trong bảng 2 cho thấy thực trạng sử dụng phần mềm trong các thư viện Việt Nam. Có gần 78% số thư viện được khảo sát đã áp dụng các hệ thống thư viện tích hợp - ILS (Intergrated Library System). Đây là các hệ phần mềm có khả năng thực hiện toàn diện các chức năng quản lý của thư viện theo hướng tự động hoá. Có 36% số thư viện được khảo sát đã áp dụng phần mềm thư viện số vào quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu toàn văn, các bộ sưu tập tài liệu số. Kết quả này cho thấy xu hướng xây dựng thư viện số đã hình thành và đang phát triển mạnh tại các thư viện lớn ở Việt Nam hiện nay. Tìm kiếm tập trung là phần mềm mới trong lĩnh vực thư viện - thông tin, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay tại Việt Nam đã có 3 thư viện lựa chọn và áp dụng, đó là: Trung tâm Thông tin - Tư liệu - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Thông tin - Thư viện - Đại học Quốc gia Hà Nội, Thư viện Trung tâm - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

alt

Bảng2: Các hệ phần mềm được ứng dụng

Không chỉ đầu tư cho CNTT, để hiện đại hoá nhiều công nghệ, thiết bị tiên tiến khác cũng đã được các thư viện lớn tại Việt Nam triển khai áp dụng. Kết quả khảo sát cho thấy có 56% thư viện đã áp dụng công nghệ từ tính (sử dụng dòng điện từ trường) vào quản lý các tài liệu trong thư viện. Có 72% số thư viện được khảo sát đã ứng dụng công nghệ mã vạch (Barcode) vào quản lý tài liệu, người dùng tin. Những công nghệ mới tiên tiến trên thế giới như công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) cũng đã được một số thư viện Việt Nam áp dụng trong quản lý người dùng tin, tài liệu và các hoạt động khác.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy 100% thư viện đã kết nối mạng Internet, 62% đã thiết lập hệ thống mạng nội bộ Intranet.

Nguồn lực thông tin

Sự thay đổi của các thư viện Việt Nam còn biểu hiện trong sự thay đổi của cơ cấu nguồn lực thông tin, bên cạnh các tài liệu truyền thống là sự gia tăng mạnh mẽ các tài liệu điện tử. Các cơ sở dữ liệu sách điện tử, tạp chí điện tử trực tuyến được cung cấp bởi: EBSCO, Blackwells, Science Direct, Springer... đã được bổ sung vào nguồn lực thông tin của các thư viện lớn tại Việt Nam. Thực tế này đã làm thay đổi cơ cấu nguồn lực thông tin trong các thư viện. Kết quả khảo sát cho thấy cơ cấu nguồn lực thông tin trong các thư viện lớn tại Việt Nam đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Tỷ lệ các tài liệu điện tử ngày càng gia tăng so với tài liệu truyền thống. Trong một số thư viện đại học, tỷ lệ tài liệu điện tử và truyền thống gần tương đương nhau như Thư viện Trung tâm - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên. Kết quả khảo sát cho thấy có trên 36% số thư viện được khảo sát đã xây dựng được cơ sở dữ liệu toàn văn, trong đó tập trung chủ yếu tại các thư viện đại học chuyên ngành, đa ngành.

Hoạt động xử lý và tổ chức thông tin

Trên thế giới, khi những phần mềm đầu tiên được tạo ra và áp dụng trong lĩnh vực thư viện từ những năm 50 của thế kỷ trước đã đánh dấu sự thay đổi rất lớn trong hoạt động xử lý và tổ chức thông tin. Sự xuất hiện của khổ mẫu biên mục MARC, các hệ thống thư viện tích hợp, các bộ giao thức IP (Internet Protocol), Z39.50… đã tạo tiền đề cho các thư viện tự động hoá các hoạt động của mình. Các thư viện có thể kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu, hỗ trợ cho việc tra cứu liên thư viện và biên mục sao chép (Copy Cataloging).

Tại Việt Nam, từ những năm 1990 đến nay, nhiều phần mềm đã được các thư viện lựa chọn áp dụng. Thực tiễn này đã tạo ra nhiều sự thay đổi trong hoạt động xử lý và tổ chức thông tin. Máy tính điện tử, phần mềm ứng dụng đã làm thay đổi phương thức, quy trình xử lý và tổ chức thông tin. Nếu như trước đây việc xử lý thông tin chủ yếu được thực hiện theo phương thức thủ công do con người thực hiện, thì hiện nay trong nhiều thư viện ở Việt Nam máy tính điện tử từng bước hỗ trợ, thay thế con người trong việc xử lý và tổ chức thông tin. Kết quả khảo sát cho thấy trên 92% các thư viện được khảo sát đã áp dụng CNTT vào hoạt động xử lý và tổ chức thông tin.

Hoạt động xử lý và tổ chức thông tin của các thư viện lớn ở Việt Nam đã thay đổi theo hướng: chuẩn hoá, tự động hoá và liên kết - chia sẻ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhận thức rõ vai trò của sự chuẩn hoá trong lĩnh vực thư viện và đặc biệt là hoạt động xử lý và tổ chức thông tin, ngày 7/5/2007, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã ban hành công văn số 1597/BVHTT “Về việc áp dụng chuẩn nghiệp vụ trong các thư viện Việt Nam”. Nội dung công văn khuyến nghị các thư viện triển khai áp dụng 3 chuẩn biên mục mới là DDC, MARC 21, AACR2 nhằm chuẩn hoá công tác xử lý thông tin, nâng cao chất lượng và khả năng chia sẻ trao đổi nguồn lực thông tin. Kết quả thu được từ chủ trương này rất đáng khích lệ. 

Hoạt động dịch vụ thông tin

Những ứng dụng của CNTT và truyền thông đã làm thay đổi các dịch vụ thông tin trong các thư viện Việt Nam theo hướng tăng cường các dịch vụ mới và nâng cao chất lượng các dịch vụ sẵn có. CNTT và truyền thông đã tạo tiền đề cho các thư viện, cơ quan thông tin tăng cường các dịch vụ mới như: tra cứu trực tuyến, cung cấp thông tin từ xa, các dịch vụ cung cấp thông tin đa phương tiện (Multimedia), thư điện tử, tư vấn tham khảo trực tuyến. Các dịch vụ này cho phép sự tương tác giữa người dùng tin và thư viện được thực hiện thông qua môi trường mạng. Người dùng tin có thể quản lý tài khoản, tìm kiếm tài liệu, đặt sách, gia hạn các tài liệu mượn qua mạng... Tại những thư viện đã xây dựng hệ thống thông tin số với các cơ sở dữ liệu toàn văn còn cho phép người dùng tin có thể đọc, tải về hay in ấn các tài liệu số của thư viện từ bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào mà không nhất thiết phải đến thư viện.

Kết quả tổng hợp trong bảng 3 cho thấy các thư viện lớn tại Việt Nam đã triển khai nhiều dịch vụ mới với khả năng tương tác qua môi trường mạng cao. Có 51/72 chiếm 71% số thư viện được khảo sát đã triển khai việc tra cứu tài liệu thông qua môi trường mạng; 31/72 chiếm 43% số thư viện được khảo sát đã cung cấp cho người dùng tin dịch vụ khai thác thông tin toàn văn qua môi trường mạng. Trên 8% số thư viện đã cung cấp dịch vụ để người dùng tin có thể đặt sách, gia hạn sách mượn từ xa thông qua máy tính kết nối mạng. Tại một số thư viện, việc tư vấn cho người dùng tin, đào tạo người dùng tin đã được thực hiện trực tuyến.

alt

Bảng 3: Thực trạng các dịch vụ trực tuyến trong các thư viện

Như vậy, qua việc khảo sát tại 72 thư viện lớn tại Việt Nam từ các phương diện như: nguồn lực thông tin, hoạt động xử lý và tổ chức thông tin, dịch vụ thư viện - thông tin cho thấy các thư viện lớn ở Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi. Quá trình áp dụng CNTT vào hoạt động thư viện đã tạo ra nhiều thay đổi trong cơ cấu nguồn lực thông tin, quy trình tổ chức và phân phối thông tin. Có thể nhận định rằng các thư viện Việt Nam hiện nay đã và đang có sự chuyển dịch từ mô hình thư viện truyền thống sang mô hình thư viện hiện đại.

3. Luận giải về vấn đề đặt ra đối với mô hình cơ cấu tổ chức trong thư viện Việt Nam hiện nay

Cơ cấu tổ chức là công cụ quản lý quan trọng trước tiên của tất cả các tổ chức để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Thiết lập cơ cấu tổ chức trong một thư viện là việc thiết lập một hệ thống các bộ phận, phòng ban, đồng thời, xác định chức năng, nhiệm vụ, các mối liên hệ, cơ chế phối hợp giữa các bộ phận trong hệ thống nhằm đạt mục tiêu chung [1]. Trên thực tế, để quản lý thư viện có thể áp dụng nhiều mô hình cơ cấu tổ chức khác nhau, mỗi mô hình có những ưu nhược điểm riêng.

Theo F.W. Lancaster, trường Đại học Tổng hợp Illinois, Hoa Kỳ, việc ứng dụng CNTT đã tác động mạnh mẽ đến cơ cấu tổ chức của cơ quan thư viện - thông tin, làm thay đổi bản chất hoạt động của một số bộ phận, phòng ban. Tự động hoá đã triệt tiêu một số phòng ban, làm giảm quy mô của một số phòng ban khác, đồng thời cho ra đời những bộ phận, phòng ban mới [3].

Theo Robert D. Stueart [6] các thư viện có thể lựa chọn áp dụng nhiều kiểu cơ cấu tổ chức như: cơ cấu trực tuyến, cơ cấu chức năng, cơ cấu uỷ ban, cơ cấu ma trận, làm việc nhóm… Trong quá khứ, phần lớn các thư viện áp dụng mô hình cơ cấu tổ chức trực tuyến, chức năng. Tuy nhiên, ngày nay môi trường thư viện có sự thay đổi nhanh chóng và nhiều câu hỏi đã đặt ra về sự hợp lý của mô hình cơ cấu tổ chức này. Việc sử dụng các công nghệ mới đã dẫn đến sự thay đổi to lớn trong cấu trúc tổ chức của thư viện. Trong môi trường thư viện ngày nay và tương lai đòi hỏi phải có một mô hình tổ chức linh hoạt, mềm dẻo đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Thay vì tái cơ cấu triệt để, nhiều thư viện đã thay đổi theo một cách năng động. Các thư viện và trung tâm thông tin đang trở thành lai hơn trong cấu trúc, bằng cách đưa ra mô hình tổ chức với những liên kết đa chiều được gọi là mô hình lai ghép.

Krishan Kumar [2] trên cơ sở phân tích những thay đổi về quản lý thư viện trong môi trường điện tử đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tái cấu trúc lại cơ cấu tổ chức các thư viện. Cấu trúc tổ chức truyền thống đã không còn phù hợp và thích ứng được với những thách thức, thay đổi trong môi trường mới.

Cathy Hartman, Martin Halbert và Susan Paz [5] trong một nghiên cứu đã đề xuất mô hình cơ cấu tổ chức thư viện cho trường Đại học Bắc Texas - Hoa Kỳ. Nghiên cứu đã phân tích về ưu nhược điểm của nhiều mô hình cơ cấu tổ chức thư viện như: mô hình sao, chức năng, phân chia, nhóm và ma trận. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất mô hình kết hợp giữa chức năng và làm việc nhóm áp dụng cho Thư viện trường Đại học Bắc Texas. Mô hình này vừa kế thừa được những ưu điểm của mô hình chức năng, đồng thời đáp ứng được bối cảnh thay đổi nhanh chóng của ứng dụng công nghệ trong thư viện.

Theo Lyndon Pugh [4] mô hình tổ chức quản lý thư viện trong thế kỷ XXI phải tạo điều kiện, cơ hội cho tất cả những người tham gia có thể phát huy hết khả năng của mình. Đó là môi trường kích thích, khuyến khích và tạo ra hứng thú cho con người làm việc.

Subal Chandra Biswas [7] trong một nghiên cứu đề cập đến những xu hướng quan trọng trong quản lý thư viện thế kỷ XXI đã đề cập đến mô hình cơ cấu tổ chức quản lý thư viện. Theo Subal Chandra Biswas, hầu hết các thư viện trong những thập niên đầu thế kỷ XXI vẫn sẽ áp dụng cơ cấu tổ chức phân cấp, nhưng giao tiếp nhiều hơn giữa các bộ phận trong tổ chức. Để tăng cường mối liên hệ giữa các bộ phận trong thư viện có thể áp dụng cách "tiếp cận nhóm”.

Kết quả khảo sát thực tế tổng hợp trong bảng 4 cho thấy phần lớn các thư viện hiện đại Việt Nam hiện nay đang áp dụng các cơ cấu tổ chức trực tuyến, chức năng (85%).

alt

Bảng 4: Tỷ lệ các mô hình cơ cấu tổ chức được áp dụng

Theo Robert D. Stueart [6] và Lê Thị Hạnh [1], cơ cấu tổ chức theo chức năng bao gồm nhiều tầng bậc, nhiều cấp quản lý khác nhau. Phương pháp phân chia các bộ phận, phòng ban theo chức năng đã tạo ra sự chuyên môn hoá và tập trung cao trong hoạt động chuyên môn của từng bộ phận, phòng ban trong thư viện. Nhưng phương pháp này cũng tạo ra sự biệt lập hay ranh giới giữa các phòng ban. Sự phối hợp hoạt động giữa các bộ phận trong tổ chức, phòng ban trong thư viện bị hạn chế bởi ranh giới về chức năng và nhiệm vụ cụ thể đã được xác định. Đối với cơ cấu trực tuyến, đây là cơ cấu thường được áp dụng cho các thư viện nhỏ. Quyền hạn và thẩm quyền của cơ cấu tổ chức trực tuyến được thiết lập từ cấp quản lý cao nhất. Dòng thông tin trong tổ chức theo hướng từ trên xuống dưới. Điều này có nghĩa là toàn bộ quyền lực và thẩm quyền nằm trong tay người lãnh đạo thư viện. Vì vậy, việc ra quyết định dễ mang tính chủ quan, duy ý chí.

Robert D. Stueart [6] đã gọi mô hình cơ cấu tổ chức trực tuyến, chức năng đang được áp dụng trong các thư viện là mô hình quan liêu. Mô hình quan liêu đề cao vai trò cá nhân người lãnh đạo và chế độ thủ trưởng. Nhưng, hạn chế cơ bản của kiểu cơ cấu này là kém linh hoạt và cứng nhắc, mang nặng tính mệnh lệnh hành chính. Mô hình này không phát huy được hết năng lực của từng cá nhân trong tổ chức. Mô hình này cũng tạo ra nhiều áp lực đối với cán bộ quản lý do phải xử lý một khối lượng thông tin lớn, chính vì vậy dễ dẫn đến sự trì trệ trong tổ chức điều hành công việc. Mô hình quan liêu đang được áp dụng phổ biến trong các thư viện hiện nay chỉ phù hợp với môi trường ổn định ít sự biến đổi. Kiểu cơ cấu này thường chỉ tập trung giải quyết các vấn đề trong nội bộ của tổ chức mà ít chú ý đến những mối liên hệ, những nhân tố tác động từ môi trường bên ngoài [1]. Cho nên, khi môi trường xã hội và môi trường công nghệ thay đổi thì tổ chức đó khó có thể thích nghi một cách nhanh chóng và linh hoạt.

Các thư viện nói chung và thư viện hiện đại Việt Nam nói riêng là nơi ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ, thực tế này tạo ra những thay đổi nhanh chóng xảy ra ở các môi trường bên ngoài, bên trong thư viện. Với mô hình cơ cấu tổ chức phổ biến đang áp dụng hiện nay là trực tuyến, chức năng sẽ bộc lộ những nhược điểm và tạo ra những khó khăn trong quản lý.

Trong nghiên cứu này, đã khảo sát, đánh giá cán bộ quản lý về mô hình cơ cấu tổ chức đang được áp dụng tại các thư viện. Kết quả trong bảng 5 là tổng hợp đánh giá, nhận xét của Lãnh đạo thư viện về sự hợp lý của mô hình cơ cấu tổ chức hiện đang áp dụng.

alt

Bảng 5: Đánh giá của lãnh đạo thư viện về hiện trạng mô hình cơ cấu tổ chức đang áp dụng

Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 19/72, chiếm 26% lãnh đạo thư viện đánh giá về mô hình cơ cấu tổ chức quản lý hiện nay là hợp lý, trong khi đó có tới 48/72, chiếm 67% đánh giá mô hình tổ chức hiện tại ở mức tạm chấp nhận được và có 5/72, chiếm 7% đánh giá ở mức độ bất hợp lý. Thực tế này cho thấy các mô hình cơ cấu tổ chức được áp dụng phổ biến trong các thư viện Việt Nam đang bộc lộ những bất cập và tạo ra những khó khăn cho hoạt động quản lý.

alt

Bảng 6: Nhu cầu thay đổi hiện trạng mô hình cơ cấu tổ chức

Kết quả khảo sát được tổng hợp trong bảng 6 cũng cho thấy, có tới 50/72, chiếm 70% cán bộ lãnh đạo thư viện dự kiến sẽ thay đổi cơ cấu tổ chức của thư viện đang quản lý trong tương lai. Có 2 thư viện được khảo sát là Trung tâm Thông tin - Thư viện - Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Thông tin - Học liệu - Đại học Đà Nẵng đã cải tiến mô hình chức năng bằng việc sử dụng thêm mô hình tổ đội. Có 19/72, chiếm 26% số thư viện được khảo sát không có nhu cầu thay đổi mô hình cơ cấu tổ chức trong tương lai.

Như vậy có thể thấy, việc ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ vào các hoạt động đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cho các thư viện Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng tạo ra những bất cập đối với mô hình cơ cấu tổ chức quản lý thư viện Việt Nam hiện nay. Nó đòi hỏi các thư viện Việt Nam phải có sự đổi mới hoặc tái cấu trúc lại mô hình cơ cấu tổ chức.

Căn cứ vào luận điểm của các nhà khoa học thư viện nước ngoài và trong nước về mô hình cơ cấu tổ chức thư viện trong môi trường ứng dụng CNTT và thực trạng các thư viện Việt Nam hiện nay, có thể nhận thấy các thư viện Việt Nam hiện nay cần có sự đổi mới về mô hình cơ cấu tổ chức quản lý. Ngoài những yêu cầu đối với mô hình cơ cấu tổ chức quản lý nói chung, mô hình quản lý mới cần phải đáp ứng được những yêu cầu sau:

- Đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ của thư viện hiện đại.

- Dễ dàng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng từ môi trường bên trong và bên ngoài thư viện, đặc biệt là sự thay đổi của môi trường khoa học và công nghệ.

- Phát huy tối đa nội lực của các thành viên trong thư viện.

- Phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam hiện nay (khoa học và công nghệ, chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá).

4. Kết luận

Việc ứng dụng những thành tựu của CNTT đã tạo ra sự thay đổi lớn tại các thư viện Việt Nam. Sự thay đổi này tập trung ở các phương diện như: Cơ sở hạ tầng thư viện; Nguồn lực thông tin; Hoạt động xử lý và tổ chức thông tin; Hoạt động dịch vụ thư viện - thông tin. Nhìn tổng thể có thể thấy các thư viện Việt Nam đã và đang chuyển dịch mạnh mẽ từ mô hình thư viện truyền thống sang thư viện hiện đại. Sự chuyển dịch này là tất yếu và là xu thế chung của các thư viện Việt Nam hiện nay, nó mang đến nhiều lợi ích cho người dùng tin cũng như các thư viện. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này cũng đặt ra những vấn đề đối với quản lý thư viện, trong đó có mô hình cơ cấu tổ chức, bởi phần lớn các mô hình cơ cấu tổ chức trong các thư viện Việt Nam hiện nay chưa thật phù hợp để quản lý thư viện hiện đại. Thực tế này một mặt tạo ra những khó khăn cho người quản lý, mặt khác ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các thư viện Việt Nam. Để giải quyết được vấn đề này các thư viện Việt Nam cần có sự đổi mới trong mô hình cơ cấu tổ chức nhằm đảm bảo đáp ứng được những yêu cầu mới của quản lý thư viện hiện đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Thị Hạnh. Hoạt động tổ chức, quản lý Thư viện trường Đại học Luật Hà Nội trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin:  Luận văn thạc sỹ. - H.: Đại học Văn hoá Hà Nội, 2005.

2. Krishan Kumar. Library Management in Elec- tronic Environment. - India: Har-Anand, 2007.

3. Lancaster andWilfrid. Technology and management in Library and Information servies. - London: Library Association Publishing, 1997

4. Lyndon Pugh. Managing 21 st Century Libraries. - Michigan Scarecrow Press, 2005.

5. Martin Halbert, Cathy Hartman and Susan Paz. Library Organizational Structure Plan 2010, University of North Texas Libraries, North Texas. https://dean.library.unt.edu/wiki/images/6/67/Library_Organizational_Structure_Plan_2010.pdf. Truy cập ngày 15/5/2013.

6. Robert D. Stueart and Barbara B. Moran. Library and Information Center Management: Library and Information Science Text Series. - New York: Libraries Unlimited, 2007.

7. Subal Chandra Biswas. Managing Libraries in the 21 st Century: Some Important Trends. http://scholar.google.com/citations?view_op=view_citation&hl=de&user=QpG73y0AAAAJ&cstart=20&pagesize=80&citation_for_view=QpG73y0AAAAJ:hqOjcs7D. Truy cập ngày 15/10/2013.

____________________

ThS. Nguyễn Văn Thiên

Khoa Thư viện - Thông tin, trường Đại học Văn hoá Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 2. - Tr. 3-8,37.


Đọc thêm cùng chuyên mục: