Có đất mới gieo nên lúa!...

E-mail Print

Mượn thành ngữ dân gian Nam Bộ để nói tới việc cần làm đầu tiên trong quá trình xây dựng mô hình tổ chức, quản lý thư viện phù hợp. Thoạt nghe có vẻ lạ nhưng lại rất phù hợp với tình hình hiện nay của thư viện nước ta. Muốn làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thư viện, việc cần làm đầu tiên là phải tập hợp, tổ chức toàn bộ thư viện Việt Nam vào các mô hình tổ chức hợp lý để thống nhất quản lý và hướng dẫn. Đấy chính là việc “có đất để gieo lúa”!

Hiện nay, Việt Nam có gần 30.000 thư viện thuộc các hệ thống thư viện: công cộng, quân đội, trường học và các mạng lưới thư viện: trường đại học, cao đẳng, thư viện các bộ, ngành, viện, các tổ chức… Nhưng cơ quan quản lý nhà nước về thư viện, cũng như cơ quan hướng dẫn nghiệp vụ từ Trung ương đến tỉnh đã nắm hoặc đã toả ảnh hưởng đến được bao nhiêu thư viện? Câu trả lời  vẫn chỉ là “khoảng”. Ấy là chưa nói tới hiệu quả của công tác quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ. Nhiều văn bản pháp quy cao như Pháp lệnh Thư viện, đến các quyết định, thông tư, chỉ thị, quy định… chưa đến với hàng nghìn người làm thư viện. Thậm chí, những quy định về chế độ đãi ngộ vật chất cho người làm thư viện nhiều nơi vẫn không biết. Nơi biết thì không được thực hiện, không biết kêu ai để được giải quyết. Nếu tiếp tục kéo dài tình hình như hiện nay, khó có thể hy vọng ngành Thư viện nước ta đạt tới mục tiêu “thống nhất, chuẩn hoá, chia sẻ và hội nhập”, để tạo nên sức mạnh toàn ngành trong xã hội thông tin hiện nay. Đã đến lúc cần có những mô hình tổ chức hữu hiệu cho mạng lưới thư viện cả nước, giống như người nông dân phải có ruộng mới gieo nên lúa.

Theo Pháp lệnh Thư viện thì thư viện nước ta hiện có các loại hình thư viện:

1. Thư viện công cộng:

a) Thư viện Quốc gia Việt Nam;

b) Thư viện do Uỷ ban nhân dân các cấp thành lập.

2. Thư viện chuyên ngành, đa ngành:

a) Thư viện của viện, trung tâm nghiên cứu khoa học;

b) Thư viện của nhà trường và cơ sở giáo dục khác;

c) Thư viện của cơ quan nhà nước;

d) Thư viện của đơn vị vũ trang;

đ) Thư viện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp.

Phân chia loại hình này chỉ mang tính tương đối, chủ yếu dựa trên tính chất hoạt động của thư viện và tương đồng như nhiều nước trên thế giới. Sự phân định này dường như chỉ để biết về tính chất của thư viện, không liên quan nhiều đến vấn đề quản lý hoặc chỉ liên quan về nội dung khi triển khai các hoạt động hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ. Về công tác quản lý, chỉ đạo thì liên quan chủ yếu đến mô hình có tính hệ thống hay chưa có tính hệ thống để định ra phương thức quản lý phù hợp.

1. Thực trạng hoạt động quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ trong các mô hình tổ chức hiện nay

Mạng lưới thư viện nước ta được phân bố trên khắp chiều dài, chiều rộng của đất nước. Để quản lý tốt mạng lưới đó, nên dựa vào mô hình hiện có hoặc phải chia nhỏ để thuận tiện quản lý và hướng dẫn. Trong cả 2 loại hình thư viện như Pháp lệnh Thư viện xác định, không phải tất cả đều được gọi là hệ thống thư viện. Tuy chưa thật sự đầy đủ về các yêu cầu, nhưng có thể tạm công nhận, hiện nay ở nước ta có 3 loại thư viện được gọi là hệ thống: hệ thống thư viện công cộng, hệ thống thư viện quân đội và hệ thống thư viện trường học (trường phổ thông). Với 3 hệ thống này, thư viện được rải từ cấp Trung ương đến các cấp cơ sở như: thư viện tỉnh, huyện, xã...; thư viện quân khu, quân chủng, quân đoàn, sư đoàn, tiểu đoàn và thư viện trường phổ thông trung học, phổ thông cơ sở và tiểu học… Bài viết trao đổi đôi nét về công tác quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ ở 3 hệ thống thư viện này:

1/ Trong 3 hệ thống thì hệ thống thư viện công cộng nhận được sự quản lý và chỉ đạo chuyên môn tốt hơn cả. Hay nói cách khác, cơ quan quản lý mới tập trung thực thi trách nhiệm ở một bộ phận của sự nghiệp thư viện quốc gia. Hệ thống thư viện công cộng thường xuyên nhận được sự quản lý, vì Vụ Thư viện và Thư viện Quốc gia Việt Nam nằm trong Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), trực tiếp theo dõi hệ thống thư viện gần như của ngành VHTTDL. Nói “gần như vì thư viện tư nhân tuy không chịu sự quản lý trực tiếp của ngành VHTTDL, nhưng do phù hợp với tính chất công cộng nên cũng có thể coi như một loại thư viện của hệ thống công cộng. Với tính hệ thống, việc quản lý, chỉ đạo có nhiều thuận lợi. Trong không gian rộng khắp toàn quốc, nhân lực, kinh phí của các cơ quan quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ còn hạn chế, cần chia nhỏ thành các các khu vực để dễ quản lý. Từ yêu cầu đó, hơn 20 năm về trước, hệ thống thư viện công cộng đã được tổ chức thành các Liên hiệp thư viện với ý nghĩa là sự liên kết và hiệp tác của những thư viện trong một khu vực có nhiều nét tương đồng nhau. Hiện nay, cả nước có 5 Liên hiệp và 01 Liên Chi hội thư viện (Liên Chi hội các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên). Các Liên hiệp, Liên Chi hội thực chất là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, gần với tính chất của Hội nghề nghiệp chứ không phải một tổ chức có tư cách pháp nhân. Sau trên dưới 20 năm, Vụ Thư viện dường như “quên” tính chất xã hội nghề nghiệp của Liên hiệp, mặc nhiên coi Liên hiệp như một tổ chức trực thuộc. Có thể nói, cho đến nay đây vẫn là “khu đất chưa chính chủ”. Một bộ phận người làm thư viện trong các Liên hiệp cũng nhầm nghĩ, để nguyên tên Liên hiệp sẽ dễ xin kinh phí của địa phương cho các hoạt động (vì địa phương đã quen với từ Liên hiệp) và sẽ nhận được sự hỗ trợ về tài chính của Bộ VHTTDL mà không nghĩ, Liên hiệp đang giúp và phối hợp với Vụ Thư viện để triển khai những chủ trương, kỳ cuộc lớn theo yêu cầu của Bộ. Vì quan niệm chưa đúng về Liên hiệp, nên công tác quản lý của các cơ quan có trách nhiệm chỉ dừng lại ở việc khai thác mô hình sẵn có này để tổ chức những sự kiện lớn theo chủ trương của ngành mà không hề có sự “chăm sóc, xới sáo” khu đất đó. Từ khi Hội Thư viện Việt Nam ra đời năm 2006, lẽ ra Vụ Thư viện nên thống nhất với đề nghị của Hội, chuyển tên Liên hiệp thành Liên Chi hội, trong đó bao gồm các Chi hội thư viện các tỉnh. Mỗi Chi hội các tỉnh sẽ quy tụ thư viện công cộng và thư viện trường học, sẽ rất thuận tiện khi cần triển khai các chủ trương từ trên xuống và ngược lại, sẽ phản ánh đầy đủ tình hình, nguyện vọng, nhu cầu bức xúc từ dưới lên. Rất tiếc, vì những lý do không thực sự thuyết phục của Vụ Thư viện nên đề nghị chuyển tên và giao lại cho Hội quản lý và lãnh đạo các Liên hiệp vẫn chưa được thực hiện.

2/ Hơn 28.000 thư viện trường phổ thông của hệ thống thư viện trường học (không bao gồm thư viện Cao đẳng, Đại học) hoạt động theo sự quản lý chung của Sở Giáo dục các tỉnh, thành phố. Do đặc điểm thư viện trường học nằm trong nhà trường, không phải đơn vị độc lập, số người quá ít, bình quân có 01 hoặc dưới 01 người nên hoạt động theo một mô hình tổ chức nào đó cũng khó. Năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản nhất trí chủ trương của Hội Thư viện Việt Nam, khuyến khích các thư viện nhà trường phổ thông gia nhập Chi hội thư viện tỉnh, thành phố. Thư viện tỉnh, thành phố với vai trò trung tâm nghiệp vụ trên địa bàn đồng thời nhận trách nhiệm Chi hội trưởng sẽ rất thuận lợi trong việc tập hợp, phổ biến các văn bản pháp quy, chủ trương, chính sách, chế độ và các nội dung hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ. Trong 01 năm, Chi hội thư viện thành phố Hồ Chí Minh đã tập hợp gần 800 thư viện trường học. Năm 2014, Chi hội đã tổ chức 3 lớp tập huấn chuyên môn cho gần 500 hội viên là người làm thư viện công cộng và trường học của thành phố. Tỉnh Phú Yên là nơi đi đầu thành lập Chi hội thư viện, bao gồm thư viện công cộng và thư viện trường học. Các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hải Phòng và Vĩnh Phúc… lần lượt thành lập Chi hội thư viện, bước đầu phát huy tốt hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho việc quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ của các cơ quan Trung ương. Đất nước ta dài rộng, có hơn 28.000 thư viện trường học, việc tổ chức và chỉ đạo thống nhất là một điều cần thiết. Thiết nghĩ, mô hình Chi hội thư viện tỉnh, thành phố là mô hình hợp lý cho việc tập hợp để triển khai có hiệu quả các nội dung quản lý nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ cho đông đảo thư viện trường học. Đồng thời, thông qua hoạt động của Chi hội sẽ tạo nên khối đoàn kết, thống nhất, chia sẻ kinh nghiệm và giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tạo nên niềm vui để người làm thư viện gắn bó với nghề. Tất nhiên, để triển khai công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành VHTTDL và Giáo dục. Rất tiếc, trên “khu đất vô cùng rộng lớn”, một hướng đi đúng của Hội Thư viện Việt Nam chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực của Bộ VHTTDL.

3/ Với phương thức quản lý và chỉ đạo tập trung trong thư viện toàn quân, thì hệ thống thư viện lực lượng vũ trang (chỉ mới hình thành trong quân đội) với gần 1.000 thư viện đang là mô hình tốt nhất để triển khai công tác quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ. Để làm tốt điều này, Vụ Thư viện và Thư viện Quốc gia Việt Nam đã làm và cần tăng cường hơn nữa việc phối hợp với Thư viện Trung ương Quân đội theo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi có những vấn đề mới để thực hiện công tác quản lý và hướng dẫn. Hệ thống thư viện quân đội tương đồng như hệ thống thư viện công cộng, nên cần hình thành các Chi hội, ví dụ: Chi hội thư viện khối nhà trường, học viện; Chi hội Quân khu... sẽ tăng cường tính chủ động liên kết hoạt động của các thư viện trong khu vực, trong khối phù hợp với yêu cầu của từng đơn vị quân đội. Nên duy trì mối liên kết liên ngành đã có giữa Bộ VHTTDL với bộ đội biên phòng (bao gồm cả biên giới trên bộ và hải đảo) để kịp thời có những hoạt động phù hợp với đặc điểm lực lượng này.

4/ Xuất phát từ nhu cầu liên kết, chia sẻ, hợp tác, gần 200 trong tổng số hơn 400 thư viện các trường Cao đẳng, Đại học đã tự nguyện tập hợp vào 2 Liên Chi hội thư viện các trường đại học phía Bắc và phía Nam. Hai Liên hiệp trước đây và bây giờ là 2 Liên Chi hội thư viện đại học đã được hình thành và phát triển gần 20 năm, nhưng hầu như rất ít nhận được sự quản lý và chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Là thành viên của Hội Thư viện Việt Nam, 2 Liên Chi hội đại học duy trì mối liên hệ thường xuyên với Vụ Thư viện và Thư viện Quốc gia Việt Nam, tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả, mang đậm nét màu sắc hoạt động của một Liên chi hội và đã góp phần tạo nên không khí chuyên môn sôi nổi trong ngành Thư viện nước ta (ghi nhận điều đó, 2 chủ tịch Liên Chi hội đại học phía Bắc và Nam đã được Đại hội cán bộ thư viện các nước Đông Nam Á (CONSAL) các kỳ vinh danh là Cán bộ thư viện xuất sắc khu vực Đông Nam Á). Cơ quan quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ thư viện nên tập trung giúp đỡ, chỉ đạo 2 Liên Chi hội này nhiều hơn, cần coi đây là một trong những địa bàn chiến lược trọng điểm của công tác quản lý và chỉ đạo. Trước mắt, cần giúp đỡ Liên Chi hội thành lập Chi hội các trường đào tạo người làm thư viện, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo từ những cỗ máy cái của ngành - mảnh đất để các cơ quan gieo những hạt đầu tiên về những nội dung cần thống nhất trong quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ. Để góp phần tạo nên sức mạnh nòng cốt của sự nghiệp thư viện cả nước, 2 Liên Chi hội cần tuyên truyền vận động, thu hút toàn bộ thư viện các trường đại học, cao đẳng vào tổ chức của mình, đồng thời tạo không gian thuận lợi để các cơ quan làm tốt công tác quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ.

5/ Năm 2012, sau nhiều nỗ lực, Hội Thư viện Việt Nam đã tổ chức ra mắt Liên Chi hội thư viện chuyên ngành gồm 4 Chi hội thư viện khối: Kinh tế, Khoa học và Công nghệ, Viện Thông tin Khoa học Xã hội và hệ thống thư viện trong các trường Đảng toàn quốc. Hơn 250 thư viện bước đầu đã được tập hợp trong ngôi nhà chung Liên Chi hội thư viện chuyên ngành. Chi hội Viện Thông tin Khoa học Xã hội gồm 30 thư viện các viện đã có nhiều hoạt động và phát huy tốt vai trò tổ chức quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ; Chi hội thư viện khối trường Đảng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và khối Kinh tế đã có một số nét khởi sắc. Mạng lưới thư viện chuyên ngành đã được tập hợp trong Liên Chi hội thư viện chuyên ngành, nhưng nói chung chưa phát huy hiệu quả tương xứng với lợi thế vốn có của các thư viện trong cơ quan nghiên cứu cấp Trung ương. Thậm chí, còn nhiều thư viện chuyên ngành chưa được tuyên truyền vận động để tham gia vào Liên Chi hội.

2. Một vài đề xuất nhằm đổi mới hoạt động quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ:

1/ Cần xác định tính chất xã hội nghề nghiệp của các Liên hiệp thư viện:

Gần 20 năm nay, các Liên hiệp lần lượt được thành lập từ tự phát đến có tổ chức và hoạt động gần giống như hiệp hội với các ưu, nhược điểm:

- Ưu điểm: Liên hiệp là một tổ chức liên kết, hợp tác của một số thư viện cùng nằm trong một khu vực hành chính, có nhiều nét tương đồng nhau về lịch sử, địa lý, văn hoá... thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước triển khai một số nhiệm vụ hàng năm, như tổ chức các cuộc sơ khảo Liên hoan, bình chọn một vài đội tham gia Liên hoan chung kết toàn quốc do Bộ VHTTDL tổ chức. Ngoài việc phục vụ cho mục tiêu của Bộ, hoạt động của Liên hiệp đã hình thành nên sân chơi nghiệp vụ chung cho các thư viện tỉnh, động viên, khích lệ lẫn nhau hướng tới xây dựng và phát triển sự nghiệp thư viện và văn hoá đọc. Thông qua các hoạt động khu vực, Liên hiệp đã góp phần thức tỉnh ý thức quan tâm đến công tác thư viện của các cấp lãnh đạo, nâng cao năng lực công tác tổ chức, vận động và tạo nên niềm vui, gắn bó với ngành của người làm thư viện.

- Hạn chế: Liên hiệp là mô hình tổ chức tự phát, cho đến nay vẫn không có cơ quan, tổ chức nào chịu trách nhiệm lãnh đạo. Sau thời gian dài hoạt động, đã đến lúc cần đổi mới tổ chức cũng như nội dung hoạt động. Vì về tổ chức thì chưa có văn bản nào công nhận tính pháp lý của Liên hiệp, nhiệm kỳ của mỗi Liên hiệp không thống nhất, nơi 1 năm, nơi 3 năm; Chủ tịch Liên hiệp thì luân phiên, không căn cứ năng lực tổ chức, điều hành; Công tác thi đua, khen thưởng không được triển khai; Quy chế, kỷ cương không có, thích thì tham gia, không thì bỏ hoặc tham gia chiếu lệ… Nội dung hoạt động của Liên hiệp nghèo nàn, xa dần tính chất xã hội nghề nghiệp, có xu hướng hình thức hoặc nhà nước hoá tổ chức Liên hiệp, thu hẹp sự liên kết chỉ còn là sự liên kết giữa các thư viện tỉnh, thành với nhau, chưa quan tâm tới mạng lưới thư viện huyện thị và cơ sở…

- Hướng khắc phục: Cần đưa vào khuôn khổ tổ chức theo đúng tính chất nghề nghiệp của Liên hiệp. Đây là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nên giao cho Hội Thư viện Việt Nam quản lý, chỉ đạo. Hội Thư viện Việt Nam sẽ củng cố tổ chức và tạo nên sân chơi lành mạnh, mảnh đất tốt cho cơ quan quản lý nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ triển khai các nội dung cần thiết. Ví dụ, sẽ thống nhất thành lập các Chi hội thư viện tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó sẽ đổi tên Liên hiệp thành Liên Chi hội theo đúng Điều lệ Hội Thư viện Việt Nam đã được Bộ Nội vụ phê duyệt; Các Liên Chi hội là thành viên của Hội Thư viện Việt Nam. Hàng năm, khi có các hoạt động lớn của Bộ VHTTDL, Hội Thư viện Việt Nam và Liên Chi hội sẽ nhận kế hoạch triển khai theo phương thức hợp đồng tự nguyện. Khi đó, Hội Thư viện Việt Nam - tổ chức xã hội nghề nghiệp có tư cách pháp nhân sẽ nhận hợp đồng của các cơ quan đặt hàng là Vụ Thư viện hoặc Thư viện Quốc gia Việt Nam. Tuỳ theo tính chất của công việc mà có sự thoả thuận, hỗ trợ tài chính hoặc không có hỗ trợ. Ngược lại, Hội Thư viện Việt Nam sẽ tập hợp, kiến nghị với các cơ quan quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ những vấn đề cần tháo gỡ bằng những văn bản quy phạm pháp luật. Cách làm này đảm bảo dân chủ, phát huy tốt tính năng động, sáng tạo của các đơn vị, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Bộ VHTTDL - cơ quan quản lý nhà nước của Hội Thư viện nên mạnh dạn giao cho Hội một số việc cùng kinh phí hỗ trợ như: Ngày sách Việt Nam, Ngày Sách và Bản quyền thế giới, Hội Báo Xuân hàng năm hoặc tạo điều kiện cho Hội thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện và thẩm định xã hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hội Thư viện Việt Nam không muốn “bành trướng” quyền lực, mà chỉ mong muốn phát huy tính dân chủ, sức mạnh trí tuệ của hội viên là anh chị em trong ngành, cùng các cơ quan nhà nước thúc đẩy sự nghiệp  thư viện phát triển. Đây là xu thế chung của hoạt động thư viện nhiều nước trên thế giới. Ví dụ, Hội Thư viện một số nước là tổ chức cấp giấy chứng nhận cho người đã tốt nghiệp đại học có đủ kiến thức để vào làm việc ở cơ quan nào đó, hoặc sẽ tham gia điều phối tạo nên sự thống nhất về chương trình đào tạo người làm thư viện của quốc gia và tham gia nhiều công việc trong quản lý và nghiên cứu chuyên môn.

2/ Tuy công tác quản lý và hướng dẫn nghiệp còn hạn chế, chưa như mong muốn, nhưng những năm qua, với hàng loạt văn bản quy phạm, pháp luật đã ban hành, cũng như hàng trăm lớp bồi dưỡng, tập huấn do cơ quan quản lý và chỉ đạo nghiệp vụ thực hiện, đã góp phần quan trọng định hướng cho thư viện cả nước phát triển đúng hướng, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần phát huy mạnh mẽ tác dụng của ngành Thư viện trên mọi lĩnh vực, nâng cao vị trí thư viện nước ta trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh những ưu điểm công tác quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ thì nhược điểm lớn nhất là thiếu kiểm tra, đánh giá, bổ khuyết kịp thời những yếu kém. Kiểm tra, đánh giá là một trong những yêu cầu bắt buộc của công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Từ kiểm tra, các cơ quan quản lý sẽ xác định cho mình những nội dung cần xử lý, chẳng hạn: vấn đề bản quyền tác giả trong kỷ nguyên số hiện nay hay vấn đề định mức lao động thư viện, xếp hạng thư viện, chủ trương xây dựng tiêu chí tư liệu di sản cấp quốc gia, chế độ độc hại trong ngành Thư viện… Chưa có nhiều nội dung mới, nhưng kiểm tra là vấn đề cần thiết nhất trong quá trình đổi mới công tác quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ.

3/ Trước mắt, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ, đề nghị các cơ quan có trách nhiệm cần làm tốt hơn một số việc sau đây:

a) Cần hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ đối với:

- Hội Thư viện Việt Nam;

- Các cơ quan quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ thư viện cấp tỉnh;

- Cơ quan chỉ đạo hệ thống thư viện trường học - Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Với Lãnh đạo thư viện toàn quân;

- Với Liên Chi hội thư viện đại học và chuyên ngành.

b) Định kỳ hàng năm hoặc 2 năm/ lần cần có những cuộc họp riêng với các Sở VHTTDL và Sở Giáo dục và Đào tạo; với Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng; Hội Thư viện Việt Nam, Ban Chấp hành các Liên Chi hội thư viện để đánh giá và rút kinh nghiệm công tác quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ.

c) Cần đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có tổ chức quản lý, chỉ đạo đối với thư viện đại học - cao đẳng và trường học.

d) Đề nghị Bộ VHTTDL triển khai quyết định số 22/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Hội Thư viện Việt Nam là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Những công việc này không tốn nhiều công sức, tiền bạc nhưng sẽ góp phần tạo nên mối quan hệ xã hội rộng rãi để chúng ta sẽ thu hoạch được những mùa bội thu trên cánh đồng thư viện rộng lớn về công tác quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo tổng kết hoạt động Hội Thư viện Việt Nam hàng năm.

2. Báo cáo hàng năm của các Liên chi hội và Liên hiệp.

3. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Tăng cường việc chuẩn hoá trong hoạt động thư viện ở Việt Nam: Báo cáo tổng quan đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2011.

4. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hoạt động Thông tin - Thư viện với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam. - H., 2013.

5. Hội Thư viện Việt Nam. Chuẩn đánh giá kết quả hoạt động của thư viện : Tài liệu tập huấn do Hội Thư viện Việt Nam và các bạn đồng nghiệp quốc tế biên soạn dựa trên tài liệu hướng dẫn của UNESCO/ IFLA). - H., 2010.

6. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo: Đánh giá hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của liên hiệp. - H., 2011.

7. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Pháp lệnh Thư viện. - H., 2001.

_______________

Phạm Thế Khang

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam     

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 1. - Tr. 17-21,26.


Đọc thêm cùng chuyên mục: