Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác thống kê trong hoạt động thư viện đối với hệ thống thư viện công cộng Việt Nam

E-mail Print

Đặt vấn đề

Thống kê đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong việc hoạch định chính sách và giám sát quá trình thực thi chính sách. Ngày nay, Chính phủ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang chuyển từ “chính sách dựa trên ý kiến” để hướng tới “chính sách dựa trên bằng chứng” [1].

Đối với hoạt động thư viện, trong những năm gần đây, hoạt động quản lý nhà nước ngày càng có nhiều chuyển biến và dần đi vào chiều sâu với một loạt những chính sách, văn bản được ban hành về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, về chức danh nghề nghiệp viên chức thư viện… Tuy nhiên, do thực tiễn trong hoạt động thư viện có nhiều biến đổi, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về thư viện còn chưa theo kịp những biến đổi đó. Vì vậy, yêu cầu của việc nắm bắt kịp thời nhằm chỉnh sửa, bổ sung, ban hành mới các chính sách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của hoạt động thư viện là hết sức cấp thiết. Để cơ quan quản lý nhà nước về thư viện nắm bắt được thực tiễn hoạt động của thư viện, có căn cứ để ban hành các văn bản, các chính sách phù hợp với thực tiễn yêu cầu của hoạt động thư viện, việc tăng cường công tác báo cáo thống kê tổng hợp trong lĩnh vực thư viện đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động quản lý nhà nước về thư viện.

Đối với hệ thống thư viện công cộng (TVCC) hiện nay, việc tăng cường công tác báo cáo thống kê đóng một vai trò hết sức quan trọng, đây là kênh thông tin, dữ liệu để đánh giá hiệu quả hoạt động của thư viện, cũng như tác động của thư viện đối với cộng đồng, trên cơ sở đó, thư viện có những điều chỉnh, chính sách, chiến lược phát triển phù hợp nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ thư viện, thu hút người sử dụng đến với thư viện, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện, cũng như vai trò của thư viện đối với cộng đồng. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng công tác thống kê trong hoạt động thư viện của hệ thống TVCC Việt Nam hiện nay đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc quản lý, quản trị hệ thống TVCC ở tầm vĩ mô và vi mô.

1. Những vấn đề chung về thống kê thư viện

1.1. Khái niệm thống kê thư viện

Thống kê là khoa học nghiên cứu hệ thống các phương pháp thu thập, xử lý và phân tích các con số của những hiện tượng trong điều kiện thời gian và không gian cụ thể, nhằm phản ánh bản chất và tính quy luật của hiện tượng nghiên cứu [1].

Thống kê là khoa học về dữ liệu, bao gồm việc tạo ra dữ liệu và sử dụng các dữ liệu đó cho việc giải quyết các vấn đề của các cá nhân, tổ chức, quốc gia, khu vực và quốc tế [1].

Thống kê là hoạt động xác định nhu cầu thông tin cần thu thập; chuẩn bị thu thập; thu thập; xử lý và tổng hợp; phân tích và dự báo; công bố, phổ biến và lưu trữ thông tin thống kê về hiện tượng nghiên cứu trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể [2].

Từ những khái niệm nêu trên về thống kê, tác giả đưa ra khái niệm về thống kê thư viện như sau: Thống kê thư viện là hệ thống các phương pháp bao gồm thu thập, tổng hợp, trình bày số liệu, tính toán các nội dung trong hoạt động thư viện nhằm phục vụ cho quá trình phân tích, dự  đoán, xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách và đánh giá chất lượng, hiệu quả, tác động đối với cộng đồng của hoạt động thư viện.

1.2. Những quy định hiện hành về thống kê thư viện

Xác định tầm quan trọng của thống kê, trong những năm qua Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng quy định về công tác thống kê nhằm giúp các cơ quan nhà nước trong việc đánh giá tình hình, hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, cụ thể: Luật Thống kê, ban hành ngày 23/11/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, gồm 9 chương và 72 điều quy định về công tác thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; tổ chức thống kê nhà nước và công tác thống kê, sử dụng thống kê ngoài thống kê nhà nước.

Các văn bản quy định hiện hành về công tác thống kê Nhà nước trong lĩnh vực thư viện bao gồm:

+ Quyết định số 15/2014/QĐ-TTg ngày 17/02/ 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, Ngành;

+ Thông tư số 25/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/ 2014 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

+ Thông tư số 04/2015/TT-BVHTTDL ngày 19/6/ 2015 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với cơ quan quản lý về văn hoá, gia đình và thể dục, thể thao thuộc các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương.

Đặc biệt, ngày 8/12/2014, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành Thông tư số 18/2014/TT-BVHTTDL quy định về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của thư viện, trong đó đã quy định thống kê thư viện là một trong những hoạt động chuyên môn nghiệp vụ mà mỗi thư viện cần phải triển khai nhằm đánh giá kết quả hoạt động, mức độ đáp ứng của thư viện đối với nhu cầu người sử dụng, qua đó cung cấp các số liệu cần thiết để cơ quan quản lý thư viện và thư viện có căn cứ xây dựng kế hoạch, duy trì và cải thiện các dịch vụ, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của thư viện bao gồm: thống kê về tài liệu, thống kê về người sử dụng và một số những nội dung khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

1.3. Đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác thống kê thư viện của hệ thống thư viện công cộng

Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành một loạt những văn bản quy định về thống kê trong lĩnh vực thư viện (như đã nêu ở phần trên) và đạt được những kết quả bước đầu. Cụ thể:

Thứ nhất, bước đầu xây dựng được hệ thống thống kê, tổng hợp trong lĩnh vực thư viện, với đầy đủ các loại hình báo cáo (báo cáo thành văn, báo cáo số liệu), các thời kỳ báo cáo: báo cáo quý, báo cáo 6 tháng, báo cáo cuối năm và các loại báo cáo đột xuất khác theo quy định của Nhà nước.

Thứ hai, trong những năm qua, 100% TVCC tỉnh/ thành phố thực hiện chế độ báo cáo thống kê hàng năm đảm bảo đầy đủ, kịp thời bao gồm: báo cáo thành văn và báo cáo số liệu, báo cáo đột xuất và báo cáo theo kỳ hạn.

Thứ ba, chất lượng báo cáo của phần lớn các địa phương ngày càng được cải thiện, đảm bảo đúng thẩm quyền, phản ánh khách quan hiện trạng hoạt động của các thư viện. 

 Tuy nhiên, công tác báo cáo thống kê tổng hợp trong lĩnh vực thư viện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như:

- Chất lượng, độ tin cậy về các dữ liệu, số liệu được cung cấp của phần đông thư viện còn chưa cao, nhiều địa phương chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác báo cáo thống kê tổng hợp. Vì vậy, chưa chú trọng đến công tác này, dẫn đến việc thực hiện chế độ báo cáo không đúng thời hạn, kỳ hạn, cung cấp thông tin còn thiếu, hình thức báo cáo còn sơ sài, sai thẩm quyền ký báo cáo…

- Hiện nay, TVCC chưa hình thành được một mô hình thống kê có chiều sâu, phần lớn số liệu hàng năm mà cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận chủ yếu là số liệu hoạt động hàng năm của thư viện tỉnh/ thành phố, thư viện quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thư viện xã, phường, thị trấn còn hạn chế, mức độ tin cậy số liệu thống kê của các loại hình thư viện này chưa cao.

- Cách thức thu thập số liệu của các thư viện phần lớn còn đơn giản, mang tính chất thủ công, chưa được ứng dụng khoa học và công nghệ, do vậy chất lượng số liệu mà các thư viện cung cấp phần nhiều chưa được đảm bảo.

- Trình độ người làm công tác thống kê trong lĩnh vực thư viện chưa được đảm bảo, phần nhiều là cán bộ kiêm nhiệm trong công tác này, hơn nữa do chưa được tham gia các lớp tập huấn về công tác thống kê trong lĩnh vực thư viện, vì vậy còn hiểu chưa đúng về nội dung các chỉ tiêu thống kê, dẫn đến sai số trong các báo cáo thống kê.

Vì những lý do nêu trên, việc tăng cường công tác báo cáo thống kê tổng hợp trong lĩnh vực thư viện là một yêu cầu cấp thiết hiện nay, đó cũng trở thành một trong những thước đo nhằm đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hiệu quả hoạt động của các thư viện.

2. Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thống kê thư viện của hệ thống thư viện công cộng

2.1. Xây dựng mô hình báo cáo thống kê đảm bảo việc thu thập, tổng hợp, quản lý số liệu

Để đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất, đến chuẩn hoá dữ liệu, số liệu thống kê của hệ thống TVCC Việt Nam, một trong những giải pháp có tính then chốt đó là cần xây dựng một mô hình báo cáo thống kê phù hợp, đảm bảo việc thu thập số liệu, trong đó phân công trách nhiệm giữa các đơn vị tại địa phương trong việc thu thập, tổng hợp, quản lý số liệu thống kê của hệ thống TVCC tại địa phương. Căn cứ theo tình hình thực tế tại các địa phương hiện nay, tác giả đề xuất mô hình báo cáo thống kê như sau:

alt

Để mô hình báo cáo thống kê có thể vận hành một cách hiệu quả, cần xây dựng và hoàn chỉnh 3 cơ chế vận hành trong công tác thống kê bao gồm: cơ chế chỉ đạo, cơ chế phối hợp và cơ chế thực hiện chế độ thống kê. Cụ thể:

Về cơ chế chỉ đạo: Cơ quan đóng vai trò trong cơ chế này bao gồm: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (cơ quan trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước đối với TVCC); Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (cơ quan tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh/ thành phố quản lý nhà nước đối với TVCC) và Phòng Văn hoá - Thông tin (cơ quan tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước đối với thư viện cấp huyện và thư viện cấp xã). Các cơ quan này cần thực hiện có hiệu quả việc đôn đốc, kiểm tra, quản lý hệ thống thông tin thống kê do các đơn vị cấp dưới trong phạm vi quản lý cung cấp nhằm đảm bảo chất lượng số liệu thống kê và tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác thống kê theo quy định.

Về cơ chế phối hợp: Đây là cơ chế có ý nghĩa quan trọng đối với mô hình báo cáo thống kê tại các địa phương, cơ quan thực hiện vai trò này bao gồm: Thư viện cấp tỉnh và Phòng Văn hoá - Thông tin. Sở dĩ trong mô hình thống kê nêu trên cần có vai trò của hai đối tượng này bởi lẽ: Phòng Văn hoá -  Thông tin là cơ quan nắm bắt các dữ liệu, số liệu về quản lý đối với thư viện cấp huyện và cấp xã (kinh phí, nhân sự, tình hình hoạt động…), thư viện cấp tỉnh là cơ quan có nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ, phát triển mạng lưới đối với thư viện cấp huyện và cấp xã trên địa bàn. Hơn nữa, hiện nay tại nhiều địa phương, thư viện cấp tỉnh được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ tham mưu thực hiện các nhiệm vụ về thống kê số liệu của toàn hệ thống TVCC trên địa bàn toàn tỉnh. Vì vậy, việc tăng cường cơ chế phối hợp giữa thư viện cấp tỉnh và Phòng Văn hoá - Thông tin đóng một vai trò then chốt trong việc hoàn thiện chế độ báo cáo thống kê của hệ thống TVCC tỉnh/ thành phố.

Về cơ chế thực hiện chế độ thống kê: Đây là cơ chế có ý nghĩa quyết định chất lượng của hoạt động thống kê tại mỗi tỉnh/ thành phố, đối tượng thực hiện các nhiệm vụ này bao gồm: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hệ thống TVCC các cấp và Phòng Văn hoá -  Thông tin tại mỗi tỉnh/ thành phố. Theo đó:

- Đối với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Phòng Văn hoá - Thông tin giữ vai trò là cơ quan đầu mối, thu thập, xử lý các dữ liệu báo cáo của TVCC cùng cấp, đảm bảo tính chính xác của các thông tin, dữ liệu của các thư viện. Ngoài ra, các đơn vị này còn giữ vai trò trong việc thực hiện chế độ báo cáo về tình hình quản lý cho các cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.

- Đối với hệ thống TVCC các cấp thuộc tỉnh/ thành phố: Căn cứ theo chức năng nhiệm vụ đã được Nhà nước quy định, các thư viện có trách nhiệm thu thập số liệu về tình hình tổ chức và hoạt động của thư viện theo yêu cầu của cơ quan trực tiếp quản lý thư viện và cơ quan quản lý nhà nước về thư viện, đảm bảo những số liệu cung cấp trung thực, chính xác, phản ánh một cách toàn diện tình hình hoạt động của thư viện để các số liệu nói trên trở thành một dữ liệu quan trọng nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động, tác động của thư viện đối với hoạt động của cộng đồng.

2.2. Nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác thống kê thư viện 

Việc nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác thống kê thư viện cần được thực hiện ở 2 cấp độ đó là: nhân lực làm việc trong các cơ quan quản lý thư viện và nhân lực làm công tác thống kê tại các TVCC. Bao gồm:

Thứ nhất, tăng cường số lượng nhân lực làm công tác thống kê thư viện, đảm bảo mỗi cơ quan, đơn vị có ít nhất 01 người làm công tác thống kê, tổng hợp; đặc biệt, đối với các thư viện, cần nâng cao nhận thức về công tác thống kê thư viện như một hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ bắt buộc nhằm đánh giá tác động, hiệu quả hoạt động của mỗi thư viện.

Thứ hai, thường xuyên mở các lớp tập huấn ngắn hạn về công tác thống kê thư viện nhằm cập nhật những kiến thức, kỹ năng thống kê và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong lĩnh vực thống kê cho nhân lực làm công tác thống kê trong lĩnh vực thư viện.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với nhân lực công tác thống kê, tổng hợp, về vai trò của số liệu thống kê đối với công tác quản lý nhà nước, cũng như hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện, về đạo đức trong hoạt động thống kê, cung cấp số liệu…

2.3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê

Nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng báo cáo thống kê, tổng hợp, việc ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò then chốt, trong đó:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý thư viện: Xây dựng cơ sở dữ liệu các thư viện Việt Nam, xây dựng phần mềm thống kê cho hệ thống TVCC theo hướng xây dựng cơ chế báo cáo thông qua Internet theo phân cấp quản lý nhằm đảm bảo tiến độ, thời gian trong quá trình thực hiện báo cáo, tiến đến từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về hoạt động của hệ thống TVCC.

Đối với các thư viện thực hiện chế độ báo cáo: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện, trong đó chú trọng đến việc đầu tư, trang bị phần mềm quản trị thư viện tích hợp thống kê theo hướng tự động hoá, nhằm đảm bảo tính chính xác trong việc thu thập dữ liệu, đặc biệt là các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động thư viện.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

3.1. Đối với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quản lý nhà nước về thư viện nói chung và đối với hoạt động thống kê thư viện nói riêng, cụ thể:

Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác thống kê trong lĩnh vực thư viện, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo thống kê đối với hệ thống TVCC.

Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chế độ thống kê của các địa phương, xây dựng và triển khai mô hình thống kê phù hợp nhằm thu thập đầy đủ dữ liệu, số liệu thống kê của hệ thống TVCC.

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thống kê; tuyên truyền phổ biến những quy định hiện hành của Nhà nước trong lĩnh vực thống kê về thư viện (mới đây nhất là Thông tư số 04/2015/TT-BVHTTDL quy định chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với cơ quan quản lý về văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong lĩnh vực thư viện).

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng chế độ báo cáo thống kê, xây dựng phần mềm thống kê thư viện thống nhất nhằm hỗ trợ các TVCC thực hiện chế độ báo cáo thống kê hàng năm; xây dựng ngân hàng dữ liệu thống kê đối với hệ thống TVCC.

3.2. Đối với Uỷ ban nhân dân các cấp

Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện những quy định của Nhà nước về công tác thống kê trong lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao nói chung và thư viện nói riêng đối với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hoá - Thông tin và hệ thống TVCC tỉnh/ thành phố.

Bố trí và đảm bảo về mặt nhân sự, kinh phí cho các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác thu thập, báo cáo, phân tích, xử lý, công bố số liệu và đánh giá tác động đối với hoạt động thư viện, có cơ chế đối với người làm công tác thống kê tại các đơn vị.

Xây dựng cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh/ thành phố, đảm bảo cho mô hình thống kê hoạt động một cách hiệu quả.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê về thư viện, xây dựng và quản lý ngân hàng dữ liệu thống kê đối với hoạt động của hệ thống TVCC tỉnh/ thành phố.

3.3. Đối với thư viện công cộng các cấp

Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò quan trọng của công tác thống kê đối với hoạt động của các thư viện nói chung và hoạt động đánh giá tác động, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị thư viện nói riêng. Trên cơ sở đó đảm bảo thực hiện chế độ báo cáo thống kê của Nhà nước khách quan, trung thực, đầy đủ, đúng thẩm quyền báo cáo.

Thường xuyên cử viên chức tham gia các lớp tập huấn về công tác thống kê do cơ quan Nhà nước, các Hội nghề nghiệp tổ chức, nhằm cập nhật những kiến thức, kỹ năng và các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê thư viện.

Ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học và công nghệ trong việc thu thập thông tin, dữ liệu về hoạt động của thư viện đảm bảo số liệu chính xác, phản ánh đầy đủ, chân thực hiện trạng hoạt động của thư viện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Kiến thức thống kê thông dụng. - H.: Thống kê, 2015.

2. Luật Thống kê. - H.: - Chính trị Quốc gia, 2015.

3. Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 6/8/2002 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện.

4. Pháp lệnh Thư viện. - H.: Chính trị Quốc gia, 2001.

5. Quyết định số 15/2014/QĐ-TTg ngày 17/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, Ngành.

6. Thông tư số 25/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/ 2014 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

7. Thông tư số 04/2015/TT-BVHTTDL ngày 19/6/ 2015 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với cơ quan quản lý về văn hoá, gia đình và thể dục thể thao thuộc các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương.

8. Thông tư số 18/2014/TT-BVHTTDL ngày 8/12/ 2014 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện.

________________

ThS. Lê Tùng Sơn

Vụ Thư viện - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 4. - Tr. 3-8


Đọc thêm cùng chuyên mục: