1. Xu hướng tạo lập và phát triển các nguồn tin khoa học
Hiện nay, việc tạo lập và phát triển các nguồn tin khoa học có thể được nhận biết từ nhiều khía cạnh tiếp cận khác nhau. Xu hướng nổi trội nhất, đồng thời cũng trở thành đặc tính chủ yếu nhất của nguồn tin khoa học hiện nay là sự phát triển với gia tốc và chiếm tỷ trọng ngày càng tăng của các nguồn tin dạng số, được lưu giữ và phổ biến trên môi trường mạng, được gọi chung là các nguồn tin trực tuyến. Việc phát triển các nguồn tin khoa học trực tuyến có thể được chia thành 2 nhóm chính: nguồn tin dạng xuất bản phẩm và nguồn tài liệu xám (grey documents). Việc phân chia này cho phép nhận diện được rõ ràng hơn các chủ thể có chức năng chính tạo lập và cung cấp, phổ biến thông tin: Nguồn tin dạng xuất bản phẩm thường được tổ chức (dưới hình thức một hệ thống các cơ sở dữ liệu (CSDL) trực tuyến) và phân phối trên thị trường bởi các doanh nghiệp thông tin và xuất bản, mà hiện tại Thomson Reuters, ScienceDirect, Elsevier… là các ví dụ tiêu biểu. Nguồn tài liệu xám thường được tạo lập, tổ chức và phân phối trên thị trường bởi các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…
Thư viện đại học tham gia trực tiếp vào quá trình xuất bản tài liệu khoa học. Gần đây, đã xuất hiện một xu hướng rất phổ biến: Nhiều tổ chức nghiên cứu, đào tạo tham gia vào việc xuất bản các công trình nghiên cứu, mà biểu hiện của điều đó là dịch vụ xuất bản đã được quan tâm và triển khai tại nhiều thư viện đại học lớn trên thế giới. Thậm chí, tại đây, dịch vụ xuất bản còn được xem là một loại hình dịch vụ đang rất được chú trọng [6,8,9,11]… Thực tiễn đó đã làm xuất hiện thuật ngữ dịch vụ xuất bản thư viện (Library Publishing Service). Ở đây, xuất bản thư viện là một bộ phận đang lớn mạnh của ngành Xuất bản nói chung và nó được xác định như một tập hợp các hoạt động được triển khai bởi các thư viện đại học và cao đẳng để hỗ trợ việc tạo lập, phổ biến, phân phối các công trình sáng tạo trong nghiên cứu và đào tạo [8]. Dịch vụ xuất bản tại các thư viện đại học trước mắt tập trung vào việc xuất bản đề cương bài giảng, giáo trình, tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị khoa học và hướng theo phương thức xuất bản điện tử, xuất bản trực tuyến (Online Publishing). Việc thư viện đại học triển khai các dịch vụ xuất bản là loại hoạt động mang tính chất lâu dài. Trong bài viết “Nghiên cứu dịch vụ xuất bản thư viện” của tác giả K.L. Haln - chuyên gia thư viện - thông tin thuộc Hiệp hội Thư viện Nghiên cứu Mỹ năm 2008 [7] đã đưa ra các số liệu: Cuối năm 2007, có tới 44% trong số 80 thành viên của Hội thư viện đại học đã triển khai dịch vụ xuất bản, 21% các thư viện thành viên đã đưa nội dung xuất bản tài liệu khoa học vào kế hoạch hoạt động của mình và chỉ có 36% các thư viện thành viên chưa quan tâm tới dịch vụ mới này. Cũng trong khảo sát của mình, tác giả cho thấy trong số các thư viện đã triển khai dịch vụ xuất bản, có 88% tham gia xuất bản tạp chí khoa học, 77% tham gia xuất bản các giáo trình, chuyên khảo, 79% tham gia xuất bản các kỷ yếu hội thảo khoa học. Khi đề cập tới việc triển khai dịch vụ xuất bản tại thư viện trong bối cảnh hoạt động xuất bản của trường đại học, tác giả K.L. Haln [7] đã đưa ra những nhận xét đáng chú ý sau: Thứ nhất, thư viện chỉ tham gia vào việc xuất bản các công trình khoa học đã được thẩm định (peerreviewed); Thứ hai, thư viện tập trung vào việc xuất bản các công trình thuộc loại rất khó đáp ứng được các đòi hỏi của dịch vụ xuất bản chỉ thuần tuý bị định hướng bởi thị trường. Ngoài ra cho tới nay, khi bàn về dịch vụ xuất bản tại thư viện đại học chủ yếu chỉ đề cập tới phương thức xuất bản trên môi trường mạng - xuất bản trực tuyến. Và xu hướng này cũng chính là xu hướng phát triển dịch vụ xuất bản tài liệu khoa học hiện nay trên thế giới. Phân tích một cách cặn kẽ, có thể thấy phát triển nguồn học liệu trực tuyến của mỗi trường đại học, về bản chất cũng chính là công việc được thực hiện thông qua dịch vụ xuất bản tại thư viện đại học. Vì thế, nếu như dịch vụ xuất bản tại thư viện đại học được chú trọng phát triển một cách toàn diện theo hướng tích hợp với các dịch vụ thông tin khác, thì cùng với nó, các vấn đề liên quan tới thông tin phục vụ nghiên cứu và đào tạo tại trường đại học sẽ được giải quyết một cách hệ thống, căn bản, để tạo nên sự đổi mới sâu sắc trong hoạt động của thư viện đại học và đóng góp mới của thư viện đại học đối với sự phát triển trường đại học giai đoạn hiện nay. Để các trường đại học sớm hoà nhập vào hệ thống các đại học nghiên cứu trên thế giới, thì việc đổi mới và phát triển thư viện đại học theo hướng này là hết sức cần thiết.
Nguồn tin khoa học được phát triển theo hướng tạo thành một không gian chung trên phạm vi toàn cầu. Nhờ đó, việc tạo lập, quản lý và khai thác trở nên thân thiện và bình đẳng giữa mọi cá nhân, cộng đồng. Các nguồn thông tin nói chung, trong đó có thông tin khoa học thực sự tạo nên một thế giới phẳng trên mọi phạm vi. Vấn đề toàn cầu hoá trong quá trình tạo lập và phát triển nguồn tin khoa học diễn ra một cách sâu sắc và toàn diện đã trực tiếp hình thành nên một không gian thông tin chung cho toàn thế giới. Có thể khẳng định rằng, ngày nay, chỉ cần truy cập vào các ngân hàng dữ liệu của Isiknowledge, Scien- ceDirect.com, Elsevier, Proquest Central… điều có thể thực hiện được tại bất kỳ nơi nào trên thế giới - cũng có nghĩa là bạn đã kiểm soát được đầy đủ các nguồn tin khoa học của nhân loại. Khả năng truy cập mọi nơi, mọi lúc đến các nguồn tin khoa học trên phạm vi toàn cầu không chỉ giúp cho quá trình nghiên cứu được thuận lợi nhất, mà còn tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, khảo sát và xác định mối quan hệ giữa các tài liệu khoa học, vai trò của mỗi tài liệu khoa học và sau đó là xác định được sự đóng góp của mỗi chủ thể tham gia vào sự phát triển khoa học hiện đại trên mọi phạm vi được thực hiện một cách nhanh chóng, tức thời, điều mà trước đây khi các nguồn tin khoa học còn được hình thành và phổ biến một cách cát cứ thì khó có thể thực hiện được.
Xét về thành phần, cấu trúc, nguồn tin khoa học hiện nay được tạo nên bởi 2 bộ phận chính: các loại CSDL thư mục (CSDL thư mục thông thường và CSDL chỉ dẫn trích dẫn khoa học) và các CSDL toàn văn, dữ kiện. Điểm đáng lưu ý là nếu so sánh về số lượng, các loại CSDL thư mục lại không phải chủ yếu được tạo bởi các tổ chức có chức năng chính là thư viện, mà chúng được tạo lập bởi các doanh nghiệp thông tin - xuất bản, hay các nhà xuất bản tài liệu khoa học. Từ đó có thể đưa ra nhận xét: Thị trường các nguồn tin khoa học ngày nay chủ yếu là thị trường các nguồn tin trực tuyến với 2 bộ phận (phân đoạn) trên đây. Phân đoạn thị trường CSDL thư mục thông thường là miễn phí, có thể tự do truy cập, đóng vai trò trợ giúp cho khách hàng lựa chọn để mua tài liệu mà mình ưng ý. Trong khi đó, phân đoạn thị trường bao gồm các CSDL chỉ dẫn, trích dẫn và các loại CSDL toàn văn, dữ kiện được cung cấp thông qua các hình thức mua - bán khác nhau. Một nhận xét khác là, thông thường các thư viện đại học xuất bản toàn văn các tài liệu như luận án, luận văn, kỷ yếu hội thảo khoa học… ở dạng CSDL toàn văn và tại nhiều nơi được truy cập miễn phí (ví dụ điển hình là sự hình thành và phát triển của Mạng thư viện số luận án, luận văn quốc tế http://www.ndltd.org. Hệ thống các luận án điện tử của các trường đại học Vương quốc Anh EthoS http://www.ethos.org…). Gần đây, sự hình thành và phát triển loại dịch vụ có chức năng quản lý dữ liệu đối với người dùng tin trực tiếp (cá nhân nhà khoa học, nghiên cứu sinh…) đã tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển loại CSDL có khả năng kiểm soát trích dẫn giữa các tài liệu khoa học, do đó, có khả năng đáp ứng các loại nhu cầu về thống kê khoa học, đánh giá, xếp hạng khoa học nói chung. Đây là một hướng phát triển đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng cần được chú ý và khuyến khích.
2. Ứng dụng trắc lượng thư mục trong việc tạo lập các nguồn tin khoa học [1,2,5]
Như trên đã nêu, các nguồn tin khoa học (trực tuyến) đang tồn tại hoà hợp với nhau trong một không gian chung, tạo nên sự liên thông. Nhờ vậy, việc kiểm soát mối quan hệ giữa chúng trong không gian chung đó về nguyên tắc là hoàn toàn có thể thực hiện được. Phương pháp trắc lượng thư mục đã được sử dụng để tạo ra các sản phẩm thông tin là các CSDL chỉ dẫn, trích dẫn - công cụ cơ bản thực hiện chức năng kiểm soát, thống kê việc trích dẫn giữa các tài liệu khoa học. Cũng chính từ đó, việc đánh giá, xếp hạng khoa học đối với các chủ thể (công trình nghiên cứu, nhà khoa học, tạp chí khoa học, tổ chức khoa học, trường đại học, quốc gia…) đã được thực hiện một cách phổ biến hiện nay. Trên thực tế, những doanh nghiệp thông tin và xuất bản lớn trên thế giới đã thực hiện điều đó từ trên dưới 2 thập kỷ gần đây (Thomson Reuters từ 1992; Scimago từ 1996…). Mặc dù phạm vi nguồn tin được các doanh nghiệp này kiểm soát không trùng lặp với nhau, song có thể nói, các nguồn tin mà chúng kiểm soát đã đủ lớn để đại diện cho nguồn tin khoa học hiện có trên thế giới.
Thomson Reuters thực hiện việc kiểm soát nguồn tin trên Web of Science với 15 CSDL được chia thành 3 nhóm: Citation Indexes (5 CSDL); Product Databases (9 CSDL) và Derwent Innovations Index. Đây là một nguồn thông tin khổng lồ và để giảm bớt sức ép phải lựa chọn, tìm kiếm trong một đại dương thông tin mênh mông này, Thomson Reuters đã cung cấp cho cộng đồng khoa học trên thế giới phần nguồn tin khoa học cốt lõi nhất - Web of Science™ Core Collection. Đây là bộ sưu tập có giá trị bậc nhất của Web of Science phản ánh hồi cố các nghiên cứu có giá trị được xuất bản từ năm 1900. Số biểu ghi hiện có là 55 triệu. Hàng năm Web of Science™ Core Collection được bổ sung ít nhất khoảng 40.000 biểu ghi, tức là tốc độ tăng trưởng hàng năm là khoảng từ 3-5% (trung bình có 2 triệu biểu ghi được bổ sung thêm mỗi năm). Về dạng tài liệu được phản ánh trong Web of Science™ Core Collection bao gồm: 12.000 tạp chí khoa học trên thế giới có ảnh hưởng cao nhất (theo sự đánh giá của Thomson Reuters), 150.000 kỷ yếu hội thảo/ hội nghị khoa học và các sách khoa học hàng đầu thế giới về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, các ngành nghệ thuật và khoa học nhân văn. Chu kỳ cập nhật của Web of Science™ Core Collection là hàng tuần. Mỗi khi một tạp chí được lựa chọn trong Web of Science™ Core Collection thì các công trình được công bố trên đó sẽ được phản ánh trong Web of Science[1]. Khi sử dụng các tham khảo trích dẫn được kết nối, sẽ giúp người tìm khám phá được các mối liên hệ về các chủ đề nội dung giữa các công trình khoa học. Năm 1962, chỉ số phản ánh tác động (Impact Factor - IF) của một tạp chí khoa học được xây dựng tại Viện Thông tin Khoa học Mỹ và từ đó chỉ số này được sử dụng để đánh giá, xếp hạng các tạp chí khoa học (được công bố trên Web of Science). Đây có thể được xem là một trong các chỉ số cơ bản, phổ biến nhất của trắc lượng thư mục được sử dụng ngày nay. Kể từ khi ra đời Thomson Reuters (1992), hàng năm Journal Citation Rerport (JCR) đã được công bố và có thể xem các tạp chí đã được phản ánh trong báo cáo đặc biệt này được xếp vào loại có uy tín cao trên thế giới. Các số liệu thống kê và phân tích trích dẫn mà Thomson Reuters thực hiện cho phép thực hiện đối với các tạp chí được phản ánh trong JCR cụ thể như sau:
Các dữ liệu ứng với mỗi tên tạp chí là:
Khi lựa chọn bằng việc click vào JOURNAL… (cột thứ 3) sẽ nhận được biểu ghi đầy đủ của tạp chí đó trong JCR. Trong biểu ghi này, có các vùng thông tin sau đây: Các thông tin thư mục về tạp chí; Chỉ số IF của tạp chí[1]; Chỉ số JImI (Journal Immediacy Index) của năm hiện tại; Chỉ số Cited Half-Life của tạp chí (qua các năm, và không quá 10); Biểu đồ tạp chí được trích dẫn (Cited journal); Nửa vòng đời trích dẫn tạp chí (Journal citing Half-Life); Biểu đồ tạp chí trích dẫn (Citing Journal Graph); Dữ liệu nguồn của tạp chí (Journal Soure Data) [9].
Cũng tại biểu ghi đầy đủ của mỗi tạp chí, có thể lựa chọn các điểm liên kết Cited Journal và Citing Journal để được các danh sách tương ứng.
Cited Journal List được thể hiện là một bảng dữ liệu có cấu trúc.
Scimago thực hiện việc kiểm soát các nguồn tin trên Scopus - một hệ thống CSDL bao quát trên 22.000 tạp chí khoa học[1] được xuất bản tại hơn 5.000 nhà xuất bản trên thế giới và nguồn tin khổng lồ này do Elsevier tổ chức và phát triển để cung cấp cho các cộng đồng khoa học trên toàn thế giới. Các chỉ số này có thể được sử dụng để đánh giá và phân tích các lĩnh vực khoa học. Trên cơ sở này, về thực chất sự hình thành SCImago Journal & Country Rank chính là sự ra đời của một cổng thông tin cung cấp các thông tin, chỉ số để xếp hạng, đánh giá các tạp chí và các quốc gia, phân chia theo các chủ đề, lĩnh vực nghiên cứu thông qua một loại chỉ số trắc lượng thư mục đối với các nguồn tin chứa trong các CSDL Scopus. Hệ thống xếp hạng mà cổng thông tin này thiết lập dựa trên chỉ số Scimago Journal Rank (SJR), một loại chỉ số được hình thành trên cơ sở áp dụng thuật toán Google PageRank™. Hệ thống xếp hạng mà cổng thông tin này sử dụng làm cơ sở là chỉ số SJR, một loại chỉ số được hình thành thông qua việc áp dụng thuật toán Google PageRank™. Chỉ số này là một hệ thống, được cập nhật liên tục đối với các tạp chí trong các CSDL của Scopus từ năm 1996. Chỉ số SJR là một phép đo, xác định ảnh hưởng để phân hạng của các tạp chí khoa học thông qua số lượng các trích dẫn mà tạp chí nhận được và tầm quan trọng, uy tín của các tạp chí đã trích dẫn đến tạp chí đó. Chỉ số SJR được sử dụng trong các hệ thống trích dẫn tạp chí rất lớn và chứa trong đó nhiều loại tài liệu khác nhau (không chỉ là các bài tạp chí), được sử dụng để so sánh các tạp chí trong quá trình đánh giá khoa học, là một trắc lượng tạp chí truy cập mở và là loại chỉ số được sử dụng trong việc đánh giá khoa học đối với các đối tượng mà Scimago đưa ra như đã nêu. Các tổ chức dữ liệu trên Scimago cho phép đưa ra các câu trả lời sau đây:
- Số liệu về mỗi tạp chí và xếp hạng các tạp chí. Cụ thể:
+ Số liệu về mỗi tạp chí: Scimago cho phép người dùng nhận được các thông tin, dữ liệu thống kê về một tạp chí cụ thể và hiện tại các số liệu này được hệ thống cập nhật từ năm 1999 đến nay. Trong Scimago, các tạp chí có thể được tìm kiếm theo nhan đề, chỉ số ISSN hoặc tên nhà xuất bản. Đối với mỗi tạp chí, các thông tin thư mục và số liệu thống kê về tạp chí sẽ được cung cấp một cách khá toàn diện và phong phú bao gồm:
(i) Một số thông tin thư mục đặc trưng: Tên tạp chí, tên quốc gia, chủ đề, lĩnh vực nghiên cứu, tên nhà xuất bản, loại tài liệu và chỉ số ISSN, mô tả phạm vi bao quát ngành/ lĩnh vực;
(ii) Các số liệu thống kê dưới dạng đường đồ thị hoặc biểu đồ: Chỉ số SJR và chỉ số IF 2 năm liền trước năm hiện tại; Số liệu thống kê về trích dẫn và tự trích dẫn (Self-Citation - số lượt trích dẫn của các bài báo trên tạp chí trích dẫn đến các bài báo cũng trên chính tạp chí này); Chỉ số IF của tạp chí trong các khoảng thời gian 2, 3 và 4 năm liền trước so với năm hiện tại; Hợp tác quốc tế (số lượng các bài báo được công bố trên tạp chí mà tác giả thuộc từ 2 quốc gia trở lên); Số liệu các bài báo có thể được trích dẫn (Journal’s Citable Doc.) và không thể trích dẫn (Journal’s Uncitable Doc.); Số liệu các bài báo được trích dẫn (Journal’s Cited Doc.) và các bài báo không được trích dẫn (Journal’s Uncited Doc.) Các chỉ số SJR, số trích dẫn trên một bài báo và tổng số trích dẫn của tạp chí này trong khoảng thời gian từ 2005 - 2012 cũng được giới thiệu dưới dạng đường đồ thị và chỉ số giá trị.
+ Xếp hạng tạp chí: Danh sách tạp chí được liệt kê theo 27 chủ đề chính, cũng như 313 lĩnh vực chuyên ngành theo Bảng phân loại của Scopus®. Danh sách các tạp chí được Scimago sắp xếp theo một trong các lựa chọn sau: Chỉ số SJR, nhan đề tạp chí, chỉ số H (H-Index[2]), tổng số tài liệu được công bố trong năm hiện tại, tổng số các trích dẫn đến tạp chí trong 3 năm liền trước năm hiện tại, tổng số các tài liệu có thể trích dẫn được công bố trong vòng 3 năm liền trước năm hiện tại, chỉ số IF trong 2 năm liền trước năm hiện tại.
- Số liệu về công bố khoa học của mỗi quốc gia. Cụ thể, việc tìm kiếm số liệu của mỗi quốc gia được tiến hành theo phương thức duyệt danh mục các quốc gia thông qua cây danh mục được thiết kế theo các vùng địa lý mà Scimago phân chia, mà ở cấp phân chia thứ nhất bao gồm: Western Europe, Eastern Europe, Africa, North America, Latin America, Middle East, Asiatic Region và Pacific Region.
Sau khi truy cập vào mỗi quốc gia, các số liệu thống kê được giới thiệu theo mỗi lĩnh vực chủ đề hoặc tất cả các lĩnh vực chủ đề. Việc lựa chọn này được thực hiện ngay tại bảng hội thoại. Các số liệu thống kê bao gồm: Chỉ số H, tổng số tài liệu được công bố, tổng số tài liệu có thể trích dẫn, tổng số trích dẫn, tổng số tự trích dẫn, chỉ số IF trong suốt khoảng thời gian thống kê[3]. Bên cạnh đó, Scimago cũng cung cấp các số liệu phản ánh mức độ hợp tác quốc tế thông qua số các công trình nghiên cứu được thực hiện bởi các tác giả thuộc từ 2 quốc gia trở lên, số liệu so sánh giữa quốc gia hiện tại với các quốc gia thuộc cùng khu vực và số liệu chung của toàn thế giới. Các thông tin, dữ kiện được thể hiện dưới dạng bảng, biểu đồ. Scimago cung cấp các thông tin so sánh, đối chiếu giữa các cặp: Tổng số tài liệu - tài liệu không thể trích dẫn; tổng số trích dẫn - tổng số tự trích dẫn; tổng số có thể trích dẫn - không thể trích dẫn; tổng số đã được trích dẫn - không được trích dẫn; chỉ số IF - IF mở rộng [1].
Ngoài Thomson Reuters, Scimago, các doanh nghiệp thông tin - xuất bản lớn khác trên thế giới đều ứng dụng trắc lượng thư mục trong việc tạo lập, cung cấp các nguồn thông tin khoa học. Điều đó cho thấy việc ứng dụng này đã trở thành một xu thế phổ biến ngày nay. Đặc biệt, tại nhiều thư viện đại học trên thế giới cũng đã chú trọng đến xu hướng này trong việc phát triển nguồn tin của mình và hỗ trợ người dùng tin trực tiếp trong việc quản lý các dữ liệu khoa học cá nhân, quản lý việc tham khảo, trích dẫn các tài liệu khoa học. Tại Việt Nam, loại dịch vụ này cũng đã được triển khai tại Trung tâm Học liệu - Đại học Cần Thơ, Thư viện Trung tâm - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh…
Kết luận và khuyến nghị
Gần đây, tại các trường đại học ở Việt Nam, đào tạo theo phương thức tín chỉ, e-learning đã trở nên quen thuộc. Thực trạng đó cũng đòi hỏi những thay đổi sâu sắc và toàn diện đối với việc phục vụ của thư viện. Trong môi trường học tập và nghiên cứu mới, người dùng tin cần được cung cấp, được truy cập các nguồn học liệu một cách nhanh chóng, đầy đủ, linh hoạt hơn, được tiếp cận, khai thác các loại hình dịch vụ phong phú, đa dạng hơn so với trước đây và các đòi hỏi này đều cần được nhúng trong môi trường mạng. Mặc dù tại nhiều thư viện, nguồn học liệu đã được chú trọng phát triển (biểu hiện rõ nhất của điều này là sự xuất hiện các Trung tâm Học liệu thay thế cho tên gọi các thư viện tại nhiều trường đại học) song vấn đề ứng dụng trắc lượng thư mục trong quá trình tạo lập và phát triển các nguồn tin tại trường đại học còn ở mức rất khiêm tốn và chưa mang tính hệ thống - một thuộc tính được xem là đòi hỏi căn bản nhất để thực hiện các phương pháp trắc lượng thư mục trong xác định mối quan hệ giữa các tài liệu khoa học, trong việc đánh giá, xếp hạng khoa học đối với mọi chủ thể và trên mọi phạm vi. Và như trên đã giới thiệu, chính sự bùng phát của dịch vụ xuất bản - thư viện đã khẳng định và củng cố thêm vai trò và trách nhiệm của thư viện đại học trong việc tạo lập và phát triển nguồn tin khoa học. Trước mắt, có thể triển khai việc ứng dụng trắc lượng thư mục đối với việc phát triển các nhóm nguồn tin sau đây: Đề cương môn học; Giáo trình các loại; Tài liệu dạng luận án, luận văn, khoá luận; Tạp chí khoa học của trường đại học; Báo cáo kết quả triển khai các đề tài, dự án khoa học; Các kết quả nghiên cứu khoa học khác mà tác giả là giảng viên, cán bộ nghiên cứu của trường (Ví dụ, bài nghiên cứu, báo cáo khoa học công bố tại các diễn đàn bên ngoài…).
Đối với các thư viện đại học Việt Nam, ứng dụng trắc lượng thư mục trong việc phát triển các nguồn tin khoa học là một vấn đề mới và phức tạp. Do vậy, cần có các nghiên cứu khởi xướng, cần sớm hình thành các dự án thử nghiệm (dự án P - Pilot Project) - nhất là tại các trường đại học trọng điểm quốc gia - để quá trình tạo lập và phát triển các nguồn tin khoa học tại các trường đại học diễn ra theo xu hướng chung trên thế giới, để nguồn tin này hội nhập được với các nguồn tin khoa học trên thế giới. Và vì vậy, đây cũng là nội dung cần được quan tâm, trao đổi trên các diễn đàn, trong các nghiên cứu và thực tiễn công tác của ngành Thư viện - Thông tin.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giới thiệu về Scimago. Http://www.scimagojr. com.
2. Giới thiệu về Journal Citation Report. Http:// wokinfo.com/media/pdf/JEHCR.
3. Nguyễn Huy Chương. Bài giảng thư mục học nâng cao. - 2006. - 230 tr.
4. Trần Mạnh Tuấn. Tiêu chuẩn quốc tế đối với tạp chí khoa học và việc áp dụng tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Thông tin chuyên đề. - H.: Viện Khoa học xã hội Việt Nam, 2012. - 209 tr.
5. Trần Mạnh Tuấn. Trắc lượng thư mục: các chỉ số phổ biến, việc ứng dụng và vấn đề đào tạo ngành thông tin - thư viện // Thông tin và Tư liệu. - 2015. - Số 1. - Tr. 13-22.
6. Attis D. Redefining the Academic Library : Managing the Migration to Digital Information Services. - Ontario: McMaster University, 2013.
7. Haln K.L. Research Library Publishing Service: New Option for University Publishing. - Washington: Association of Research Libraries, 2008. - 41 p.
8. Library Publishing Coalition website. Http:// librarypublishing.org/.
9. Skinner K., etc. Library-as-Publisher: Capacity Building for the Library Publishing Subfield // Journal of Electronic Publishing. - 2014. - Vol. 17, Issue 2.
10. Walters T. The Future Role of Publishing Services in University Libraries // Portal: Libraries and the Academy. - 2012. - Volume 12, Number 4. - P. 425-454.
11. 2014 Top Trends in Academic Libraries: A review of the trends and issues affecting academic libraries in higher education. Http://crln.acrl.org/content/75/6/294.short? rss=1&ssource=mfr.
[1]Đến năm 2014, Việt Nam có 2 tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được phản ánh trong Scopus và điều này trở thành 1 trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật của Quốc gia năm 2014.
[2]Tổng số H bài báo của tạp chí nhận được số lượt trích dẫn cũng bằng H. Chỉ số H của tạp chí Review of Radical Political Economics năm 2012 là 13.
[5]Các thông tin này doGanapriya Parthasarathy, Senior Customer Support Representative Asia Pacific Customer Support, Thomson Reuters trực tiếp cung cấp cho chúng tôi ngày 28/10/2014 qua email . Hiện nay, Web of Science có khoảng trên 90 triệu biểu ghi và các biểu ghi này chứa tới khoảng một tỷ (109) lượt chỉ dẫn tham khảo. Đây là CSDL trích dẫn có thể truy cập được lớn nhất trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 65 triệu biểu ghi.
_____________________
TS. Nguyễn Huy Chương
Khoa Thông tin - Thư viện, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 4. - Tr. 13-18,8.
< Prev | Next > |
---|
- Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác thống kê trong hoạt động thư viện đối với hệ thống thư viện công cộng Việt Nam
- Từ cổng thông tin thư viện tiến tới xây dựng cổng kiến thức cho thư viện trường đại học
- Mô hình 4c trong đào tạo người làm thư viện
- Sự phát triển của các thư viện Việt Nam hiện nay và những yêu cầu đặt ra đối với mô hình cơ cấu tổ chức
- Vai trò của cán bộ liên lạc/ chuyên gia chủ đề ở thư viện các trường đại học trên thế giới
- Có đất mới gieo nên lúa!...
- Thư viện xanh không gian tri thức thân thiện
- Tổ chức sự kiện trong hoạt động thư viện - thông tin
- Sự tác động của công nghệ thông tin tới hoạt động thư viện - thông tin
- Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thư viện - thông tin tại hệ thống thư viện quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh