Tài nguyên giáo dục mở và nhận diện các yếu tố tác động đến việc phát triển tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam

E-mail Print

1. Đặt vấn đề

Trong bản kế hoạch hành động quốc gia của Mỹ về chính phủ mở có nêu: “Tài nguyên giáo dục mở là một sự đầu tư cho phát triển con người một cách bền vững. Tài nguyên giáo dục mở giúp tăng cường khả năng tiếp cận đến giáo dục chất lượng cao và làm giảm giá thành của giáo dục trên toàn thế giới” [14]. Tài nguyên giáo dục mở (open edu- cational resources - OER) đang được xem là một nguồn tài nguyên thông tin khoa học hữu hiệu để hỗ trợ cho việc phổ cập giáo dục. OER tạo ra sự bình đẳng cho người học và người dạy trong việc tiếp cận nguồn học liệu giáo dục chất lượng cao và miễn phí với giấy phép mở, ở mức cao hơn, OER góp phần tạo ra sự bình đẳng trong giáo dục. Bất kỳ ai, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng có thể chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng tri thức [8]. OER tạo cơ hội để các nước đang phát triển tiếp cận đến nguồn tài liệu khoa học chất lượng cao. UNESCO là tổ chức cổ vũ cho việc phát triển OER trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là các nước đang phát triển [15].

Việt Nam đang trong quá trình đổi mới giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, rất cần nguồn học liệu trên cả phương diện số lượng lẫn chất lượng. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các thư viện đại học Việt Nam chưa đáp ứng tốt nhu cầu về học liệu của giảng viên, sinh viên và nhà nghiên cứu [1]. Việc thiếu hụt các tài nguyên học tập đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu của đại học Việt Nam. Trong điều kiện không đủ kinh phí để mua các nguồn học liệu cần thiết, nguồn OER và miễn phí trên thế giới còn hạn chế, cũng như việc bản địa hoá nguồn học liệu này không thực sự dễ dàng, thì việc các trường đại học Việt Nam cùng hợp tác xây dựng OER nội sinh có thể coi là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này.

Xây dựng OER là cần thiết, nhưng đây không phải là một công việc dễ dàng, cần tìm một giải pháp tổng thể và lâu dài, cũng như sự tham gia tích cực của các bên (stakeholders) trong việc phát triển OER. Câu hỏi đặt ra là OER là gì và tại sao cần xây dựng OER? Triển khai xây dựng OER tại Việt Nam có khả thi không? Chúng ta đang đối mặt với những thách thức cũng như đứng trước cơ hội nào trong việc phát triển OER? Phương thức hợp tác nào hiệu quả nhất trong việc phát triển OER? Những câu hỏi này được làm sáng tỏ trên cơ sở nghiên cứu tổng quan về OER và tiến hành khảo sát 103 thư viện của các trường đại học tại Việt Nam. Khảo sát được tiến hành trực tuyến, trả lời bảng hỏi là lãnh đạo các thư viện đại học.

2. Tổng quan về tài nguyên giáo dục mở      

Một trong những yếu tố quan trọng để phát triển OER đó là các bên tham gia phải hiểu đúng về bản chất của OER. Cụ thể, phải nắm rõ triết lý của OER, các thành phần của OER, mối liên hệ giữa OER với các nguồn mở khác, hệ thống giấy phép và các thách thức có thể gặp phải trong phát triển OER.

Triết lý của OER

Triết lý của OER đó chính là CHO - NHẬN. Mục tiêu của OER là tạo ra sự bình đẳng cho tất cả mọi người trong tiếp cận thông tin và giáo dục, với phương châm giáo dục cho tất cả mọi người (education for all). Do vậy, OER cần sự sẵn sàng và tự nguyện cho đi của các bên tham gia xây dựng nội dung OER. Nói cách khác, các cá nhân, tổ chức được khuyến khích cùng đóng góp cho nguồn tài nguyên giáo dục mở. Càng nhiều người tham gia đóng góp cho OER thì càng nhiều người được tiếp cận với thông tin, giáo dục và chính bản thân những người đóng góp sẽ nhận được nhiều hơn những gì họ cho đi. Sự cho - nhận này còn phải dựa trên một nguyên tắc là cùng hợp tác. Tức là các nội dung và công nghệ dành cho OER nên phát triển theo hướng dễ sử dụng, chia sẻ và sửa đổi, thông qua đó OER được cộng đồng cùng tham gia phát triển và làm giàu hơn nguồn tài nguyên, đồng thời luôn được cập nhật. Bản chất của OER là sự hợp tác trong việc tạo lập, phát triển, chia sẻ và sử dụng các nguồn tài nguyên học tập.

Khái niệm về OER

Trên thế giới có một số cách tiếp cận về OER. Trong đó nổi lên có hai hướng tiếp cận về OER được chấp nhận rộng rãi. Hướng thứ nhất coi OER là một giải pháp tổng thể từ nội dung, công cụ, phần mềm và công nghệ; hướng thứ hai tập trung vào phát triển nội dung của OER. Chúng tôi lựa chọn hai định nghĩa được sử dụng phổ biến hiện nay của Hewlett Foundation và UNESCO.

Theo Hewlett Foundation, OER là nguồn lực dùng giảng dạy, học tập và nghiên cứu tồn tại trong phạm vi/ miền công cộng (sử dụng chung) hoặc được lưu hành theo giấy phép sở hữu trí tuệ cho phép sử dụng miễn phí và tái sử dụng theo mục đích bởi những người khác. OER bao gồm tất cả những khoa học, tài liệu học tập, các module, sách giáo khoa, bài kiểm tra, phần mềm và những công cụ, tài liệu, công nghệ được sử dụng để hỗ trợ cho việc tiếp cận tri thức [8].

Theo UNESCO, OER có thể được coi là bất cứ tài liệu giáo dục nào nằm trong phạm vi/ miền công cộng hoặc được phát hành theo một giấy phép mở, bất cứ ai cũng có thể sao chép, sử dụng, sửa đổi và chia sẻ một cách hợp pháp các tài liệu này. OER có thể là giáo trình, khung chương trình đào tạo, đề cương môn học, bài giảng, bài luận, các bài kiểm tra, các kết quả dự án, video và hình ảnh động [16]

alt

Hình 1: Thành phần cơ bản của tài nguyên giáo dục mở

Có thể thấy, OER bao gồm 3 thành phần cơ bản (hình 1): (1) nội dung học tập: đó là các khoá học, tài liệu học tập, mục tiêu học tập, bộ sưu tập, hay tạp chí; (2) các công cụ/ phần mềm để phát triển, sử dụng, tái sử dụng và phân phối nội dung học tập, cũng như việc tìm kiếm và tổ chức nội dung, hệ thống quản trị học tập, công cụ phát triển nội dung, các cộng đồng học tập trực truyến; và (3) nguồn lực để thực hiện: đó là các giấy phép về quyền sở hữu trí tuệ để thúc đẩy xuất bản các tài liệu mở, những nguyên tắc để triển khai cũng như bản địa hoá nội dung [11].

Để hiểu rõ hơn về OER, chúng ta xem xét trong mối tương quan với các khái niệm khác như: giáo dục mở (Open Education - OE), xuất bản truy cập mở (Open Access Publishing - OAP), nội dung mở (Open Content - OC). Có thể thấy OER là sự giao thoa giữa giáo dục mở và nội dung mở (hình 2). Thực tế thuật ngữ OER thường được sử dụng đồng nghĩa với thuật ngữ Tài liệu khoá học mở (Open CourseWare - OCW). OCW thường hướng tới những nội dung của một khoá học cụ thể, cấu trúc hơn và là một thành phần của OER. OCW cung cấp học liệu cho các khoá học cụ thể [3]. Bên cạnh đó còn có thuật ngữ khoá học đại trà trực tuyến mở (Massive Open Online Course - MOOC), với mục tiêu nhắm tới số lượng lớn người học và được truy cập miễn phí qua mạng Internet. MOOC hướng tới những khoá học cụ thể và được thiết kế riêng biệt theo từng lĩnh vực, môn học và được cung cấp như là những khoá học cụ thể để người học có thể tự do đăng ký [2]. Như vậy có thể thấy OCW và MOOC cũng là một phần của OER.

alt

Hình 2: Tài nguyên giáo dục mở trong mối tương quan với các nguồn mở khác [4]

Giấy phép

Wiley cho rằng khái niệm mở trong học liệu liên quan đến hai vấn đề chính đó là chi phí và việc cấp phép bản quyền và các quyền liên quan. Theo Wiley, mở có nghĩa là tài nguyên đó miễn phí và có tuyên bố một hoặc tất cả bốn quyền đó là: Tái sử dụng (Reuse), Sửa đổi (Revise), Trộn lẫn (Remix) và Phân phối lại (Redistribute). Thường gọi tắt là “4Rs”. Các quyền này đi kèm sẽ giúp cho tài nguyên hoàn toàn miễn phí và tự do trong việc sử dụng. Cụ thể các quyền:

- Tái sử dụng: Quyền được sử dụng lại nội dung với hình thức không đổi hay đúng nguyên văn của bản gốc (ví dụ, một bản sao của tài liệu gốc).

- Sửa đổi: Quyền được tiếp nhận, điều chỉnh, sửa đổi, hoặc thay đổi nội dung của tài liệu gốc (ví dụ, dịch nội dung một tài liệu sang một ngôn ngữ khác).

- Trộn lẫn: Quyền được kết hợp các nội dung của tài liệu gốc hoặc sửa đổi với nội dung gốc rồi kết hợp các nội dung khác để tạo ra một bản mới (ví dụ, một tài liệu tổng hợp từ nhiều nội dung khác nhau).

- Phân phối lại: Quyền được chia sẻ các bản sao của nội dung tài liệu gốc, cũng như các phiên bản khác của nó, hoặc là những bản đã được chỉnh sửa, trộn lẫn (ví dụ, đưa một bản sao tài liệu cho một người bạn sử dụng) [17].

Hiện nay trên thế giới có hệ thống giấy phép của Creative Commons (CC) được sử dụng phổ biến nhất. Giấy phép CC không phải là một văn bản có tính pháp lý, nhưng giúp một tác giả quyết định phát tán tác phẩm của mình theo phạm vi mà mình cho phép và người sử dụng biết được mình sẽ sử dụng tác phẩm này ở mức độ nào. Điều này giúp người sử dụng tránh được những rắc rối liên quan đến vấn đề bản quyền. Hệ thống giấy phép của CC cụ thể hoá 4Rs như đã phân tích ở trên. Bảng 1 giải thích rõ hơn về giấy phép của CC.

alt

Hình 2: Tài nguyên giáo dục mở trong mối tương quan với các nguồn mở khác [4]

Giấy phép

Wiley cho rằng khái niệm mở trong học liệu liên quan đến hai vấn đề chính đó là chi phí và việc cấp phép bản quyền và các quyền liên quan. Theo Wiley, mở có nghĩa là tài nguyên đó miễn phí và có tuyên bố một hoặc tất cả bốn quyền đó là: Tái sử dụng (Reuse), Sửa đổi (Revise), Trộn lẫn (Remix) và Phân phối lại (Redistribute). Thường gọi tắt là “4Rs”. Các quyền này đi kèm sẽ giúp cho tài nguyên hoàn toàn miễn phí và tự do trong việc sử dụng. Cụ thể các quyền:

- Tái sử dụng: Quyền được sử dụng lại nội dung với hình thức không đổi hay đúng nguyên văn của bản gốc (ví dụ, một bản sao của tài liệu gốc).

- Sửa đổi: Quyền được tiếp nhận, điều chỉnh, sửa đổi, hoặc thay đổi nội dung của tài liệu gốc (ví dụ, dịch nội dung một tài liệu sang một ngôn ngữ khác).

- Trộn lẫn: Quyền được kết hợp các nội dung của tài liệu gốc hoặc sửa đổi với nội dung gốc rồi kết hợp các nội dung khác để tạo ra một bản mới (ví dụ, một tài liệu tổng hợp từ nhiều nội dung khác nhau).

- Phân phối lại: Quyền được chia sẻ các bản sao của nội dung tài liệu gốc, cũng như các phiên bản khác của nó, hoặc là những bản đã được chỉnh sửa, trộn lẫn (ví dụ, đưa một bản sao tài liệu cho một người bạn sử dụng) [17].

Hiện nay trên thế giới có hệ thống giấy phép của Creative Commons (CC) được sử dụng phổ biến nhất. Giấy phép CC không phải là một văn bản có tính pháp lý, nhưng giúp một tác giả quyết định phát tán tác phẩm của mình theo phạm vi mà mình cho phép và người sử dụng biết được mình sẽ sử dụng tác phẩm này ở mức độ nào. Điều này giúp người sử dụng tránh được những rắc rối liên quan đến vấn đề bản quyền. Hệ thống giấy phép của CC cụ thể hoá 4Rs như đã phân tích ở trên. Bảng 1 giải thích rõ hơn về giấy phép của CC.

alt

Hình 3: Các yếu tố tác động đến việc phát triển OER tại Việt Nam

Cơ chế chính sách

Trong khảo sát của chúng tôi, cơ chế chính sách và hệ thống văn bản hướng dẫn của các cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của OER. 85% người được hỏi cho rằng cơ chế chính sách có tác động mạnh nhất đối với việc phát triển OER trong các trường đại học. Văn bản pháp lý của các cơ quan quản lý trực tiếp sẽ là cái “mỏ neo” để các bên tham gia có cơ sở phát triển các nguồn tài liệu mở cho giáo dục đại học.

Các thư viện cho rằng, hiện nay khó khăn nhất là chính sách, cần có sự quan tâm trực tiếp của lãnh đạo Nhà trường, cũng như cơ chế từ Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mới phát triển được OER. Phải xem tiêu chí đáp ứng học liệu cho đào tạo và nghiên cứu là một trong những tiêu chí quan trọng, bắt buộc trong kiểm định chất lượng đại học. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự thống nhất để ban hành những văn bản có tính pháp lý quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các trường đại học trong việc xây dựng OER. Nếu chưa có hệ thống văn bản này thì chưa thể triển khai OER tại Việt Nam.

Tầm nhìn và quan điểm của nhà quản lý về phát triển OER

Vai trò của những nhà lãnh đạo, quản lý cũng được đề cập thông qua quan điểm và tầm nhìn của họ trong quản lý giáo dục nói chung và phát triển OER nói riêng. 66,7% người được hỏi khẳng định tầm nhìn và quan điểm của nhà quản lý về OER là rất quan trọng. Trong phạm vi một trường đại học, những chính sách và sự ủng hộ của lãnh đạo nhà trường đóng vai trò quyết định cho việc phát triển của OER nói riêng và học liệu nói chung. Nếu lãnh đạo nhà trường không cho OER là một hướng đi quan trọng, không đầu tư nguồn lực thì không thể phát triển được OER. Thực tế cho thấy, vai trò của học liệu trong một trường đại học chưa thực sự được chú trọng khi mà thư viện không được sử dụng tối đa, giảng viên và sinh viên ít vào thư viện. Do vậy, cần một cách nhìn đổi mới trong tiếp cận, đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là có chính sách cụ thể trong việc xem học liệu là công cụ không thể thiếu trong giảng dạy và học tập. Chấm dứt dạy chay và học chay, chấm dứt việc một môn học chỉ vài tài liệu tham khảo không được cập nhật, chấm dứt xu hướng sinh viên lên mạng sử dụng các nguồn thông tin không được kiểm chứng để làm bài luận, khoá luận hay luận văn. Để làm được việc này, tầm nhìn và quyết sách của nhà lãnh đạo đóng vai trò quyết định.

Vấn đề kinh phí

Trong khảo sát của chúng tôi, so với các yếu tố khác, yếu tố tài chính có ảnh hưởng ít nhất đối với việc phát triển OER. Chỉ 40% người được hỏi cho rằng vấn đề tài chính đóng vai trò rất quan trọng cho việc phát triển OER. Điều này có thể lý giải rằng tài chính là một yếu tố quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định đến sự thành công của OER. Có rất nhiều dự án OER đã được đầu tư, nhưng không có chính sách phát triển bền vững, do vậy hầu hết đều bị dừng lại khi kết thúc dự án. Việc đầu tư cho OER không phải là vô hạn, cần có một chiến lược phát triển OER có thể tiếp tục được sản sinh. Dĩ nhiên, đối với mỗi một dự án OER thì kinh phí luôn đóng vai trò quan trọng. Chính phủ, các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân cùng phối hợp đầu tư cho OER. Kinh phí được sử dụng để trả thù lao cho việc biên soạn OER, hệ thống công nghệ và tiêu chuẩn liên quan phân phối. Dự án OER cần được đầu tư cơ bản ban đầu để tạo lập ra một hệ sinh thái, một cộng đồng, từ đó các cá nhân và tổ chức tình nguyện đóng góp để làm giàu tài nguyên của OER. Khi đó vai trò của tài chính sẽ giảm đi, thay vào đó các yếu tố khác như chính sách, sự đóng góp của các bên tham gia và lợi ích mà OER mang lại mới là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và thành công của OER.

Công nghệ và tiêu chuẩn công nghệ

OER ra đời và phát triển được nhờ công nghệ và phụ thuộc vào công nghệ, đặc biệt là Internet - công cụ làm nổi bật lợi thế và chuyển tải tốt giá trị của OER, đó là tri thức cho tất cả mọi người và dễ dàng được chia sẻ và khai thác. Công nghệ giúp tạo lập, lưu trữ và chia sẻ nội dung của OER. Tuy nhiên, đây là công nghệ mở (open source) để cộng đồng có thể cùng đóng góp và phát triển. Một tài liệu OER phải được định dạng mở để có thể sửa đổi, cập nhật nhằm tạo ra những bản phái sinh, cũng như có thể sử dụng trên các nền tảng công nghệ khác nhau. Việc tạo ra các chuẩn công nghệ mở cho OER là điều cần thiết để nguồn học liệu này có thể tiếp cận đến người dùng với điều kiện và công nghệ khác nhau. Yếu tố công nghệ được đánh giá ảnh hưởng ở mức trung bình khi có 40,7% người được hỏi khẳng định tầm quan trọng của nó. Thực tế thì trong hai yếu tố của OER là nội dung và công nghệ thì nội dung mới là vấn đề khó khăn nhất.

Sự hợp tác và tham gia của các trường đại học trong phát triển OER

OER phát triển được phải dựa trên nền tảng của một cộng đồng xây dựng và sử dụng. Các dự án OER thất bại là do chưa tạo lập được một cộng đồng cùng đóng góp cho kho tài nguyên OER. Bản chất của OER là chia sẻ và khai thác mở, do vậy, cần có sự tham gia tích cực của các trường đại học trong việc xây dựng các tài liệu học tập mở. Một trường đại học không thể xây dựng được OER trừ trường hợp họ có nguồn kinh phí rất lớn, nhưng cái họ tạo ra cũng chỉ phục vụ cho các chương trình đào tạo mà họ cung cấp. Sự tham gia của các trường đại học sẽ tạo nên một cộng đồng có chung một mục đích và chia sẻ trách nhiệm với nhau. Mỗi một trường chỉ cần phát triển một phần và đóng góp vào kho tài nguyên chung, sẽ tạo nên một hệ sinh thái nội dung đa dạng cho OER. Chính vì vậy, 73% người được hỏi cho rằng hợp tác giữa các trường đại học đóng vai trò quan trọng đến sự thành công của OER.

Vai trò của thư viện

Chắc chắn OER phải được quản lý và cung cấp bởi các thư viện đại học. Với chức năng cơ bản của mình là cung cấp học liệu cho hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu, thư viện sẽ là nơi thu thập, lưu trữ, phân phối và chia sẻ nguồn OER của trường đại học. Với nghiệp vụ và cơ sở hạ tầng của mình, các thư viện sẽ tổ chức nguồn học liệu, kết nối và cung cấp nguồn học liệu cho cộng đồng sử dụng chung. Với xu thế người sử dụng là sinh viên thường khai thác thông tin trực tuyến trên Internet, các thư viện cần phải thay đổi hướng tiếp cận phục vụ đối tượng chính của họ: tài liệu và trực tuyến - OER đáp ứng được yêu cầu này. Chính vì thế, 82% lãnh đạo thư viện khẳng định thư viện của họ sẽ sẵn sàng tham gia phát triển OER khi được kêu gọi. Tuy nhiên, cũng còn 18% chưa sẵn sàng tham gia. Lý giải cho việc này đó là, có nhiều trở ngại liên quan về cơ sở pháp lý, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ việc chia sẻ và các thư viện cần xin ý kiến của lãnh đạo và nhà trường. Bên cạnh đó, các nguồn tài nguyên trong thư viện chưa thực sự tốt, không đủ tự tin để tham gia, vì cho rằng tham gia OER phải có sự công bằng trong đóng góp. Hoặc các trường lớn không sẵn sàng chia sẻ nguồn học liệu của họ.

alt

Hình 4. Sự sẵn sàng tham gia của các thư viện đại học trong việc phát triển OER.

Sự khác nhau về ngành nghề, độ lớn của các trường đại học

Chúng tôi thử đánh giá sự tác động của ngành nghề và độ lớn khác nhau của các trường đại học đến việc hợp tác phát triển OER và thấy rằng, yếu tố này không thực sự quan trọng. Điều này cũng được khẳng định qua số liệu khảo sát về hình thức hợp tác giữa các trường đại học (xem mục 3.2). Có thể trong phát triển OER chúng ta nên tập hợp các trường có cùng ngành nghề đào tạo để dễ dàng hợp tác và tạo lập nguồn học liệu.

Vấn đề bản quyền

Vấn đề bản quyền là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển OER. 81% người được hỏi cho rằng bản quyền là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc các tác giả, các trường đại học sẵn sàng tham gia đóng góp và phát triển OER hay không. Tình trạng vi phạm bản quyền như hiện nay tại Việt Nam sẽ là rào cản lớn để mọi người sẵn sàng chia sẻ. Vấn đề nằm ở chỗ là họ sợ những tác phẩm mà họ tặng có thể bị những cá nhân, tổ chức sử dụng cho mục đích thương mại, thậm chí không ghi công tác giả và chiếm đoạt cả tác phẩm. Chính vì thế, việc áp dụng giấy phép CC sẽ là một công cụ để kiểm soát việc này. Mặc dù vậy, quan trọng vẫn là việc tuân thủ chặt chẽ bản quyền tác giả. CC chỉ giúp việc sử dụng OER được thuận lợi, không có tính pháp lý. Khi xảy ra tranh chấp phải dựa vào Luật Sở hữu trí tuệ với các quy định cụ thể về bản quyền. Tuy nhiên, việc lo lắng giữ bản quyền của một tác phẩm sẽ đi ngược lại triết lý và mục tiêu của OER, đó là tri thức phải được cập nhật và chia sẻ càng nhiều càng tốt, tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận tri thức và giáo dục một cách tối đa.

Nhân lực cho OER

Các giảng viên, nhà nghiên cứu và các chuyên gia sẽ là những người tạo ra nội dung cho OER. Do vậy, họ có tiếng nói quyết định đến việc xây dựng nội dung cho OER. Cho dù các trường đại học có chủ trương phát triển OER, nhưng không có sự đồng ý của họ trong việc cung cấp các tác phẩm của mình dưới dạng OER thì cũng không thể triển khai được, trừ trường hợp các tác phẩm được thuê để viết (như mô hình của MIT). Như đã phân tích ở trên, một trong những yếu tố để các tác giả không sẵn sàng cung cấp các tác phẩm của mình đó là tình trạng vi phạm bản quyền. Điều này có thể ảnh hướng đến "nồi cơm" của tác giả. Đây cũng là yếu tố khiến các trường đại học gặp khó khăn trong việc số hoá và cung cấp các bài giảng, giáo trình dưới dạng số cho người học khi mà không có sự đảm bảo về mặt bản quyền. Việc xây dựng được đội ngũ tình nguyện viên tham gia phát triển nội dung cho OER cũng là một trong những nhiệm vụ chính của dự án OER (như mô hình của Đại học Rice hoặc USU).

Như vậy, có thể thấy các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển OER rất đa dạng và mức độ ảnh hưởng khác nhau. Trong đó cơ chế chính sách, tầm nhìn của người lãnh đạo, sự tham gia của các trường đại học và thư viện đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của OER.

Hình thức phát triển OER

Chúng tôi chỉ khảo sát hình thức (type/ method) hợp tác, còn mô hình (model) hợp tác cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng ở những nghiên cứu có quy mô lớn hơn. Hình 5 mô tả các hình thức hợp tác giữa các đại học Việt Nam.

 Hình thức hợp tác được nhiều người ủng hộ (56% người được khảo sát) là dựa trên nhu cầu thực tế của các trường đại học. Đây cũng chính là sự hợp tác mang tính bền vững nhất: gặp nhau ở chung một lợi ích. Bất kỳ trường đại học nào cũng có thể tham gia hợp tác xây dựng OER, miễn là thấy mình thực sự có nhu cầu. Có lẽ tại thời điểm của OER thì đây là hình thức được dễ dàng chấp nhận nhất.

alt

Hình 5: Các hình thức hợp tác phát triển OER tại Việt Nam

Hình thức thứ hai, là hợp tác dựa trên sự tương đồng về ngành nghề hay lĩnh vực đào tạo của các trường đại học. Các trường đại học Việt Nam thường chia thành 3 nhóm: Các trường khoa học xã hội; các trường khoa học kỹ thuật và công nghệ; các trường hỗn hợp. Thực tế cũng đã có sự hợp tác giữa nhóm các trường khoa học kỹ thuật, hay nhóm các trường về sư phạm. Đây cũng chính là cơ sở tốt để phát triển OER có nội dung đã được định hướng cụ thể và có cộng đồng người sử dụng giống nhau. Hình thức này được 39% người được hỏi ủng hộ.

Hình thức thứ ba, là sự kết hợp giữa các trường có cùng tiềm lực, độ lớn như nhau. Thực tế các trường có tiềm lực đều có nguồn học liệu tốt. Có ý kiến đã chỉ ra rằng đôi khi sự chênh lệch về nguồn học liệu sẽ gây cản trở đến việc chia sẻ học liệu. Đặc biệt là các trường đại học lớn không sẵn sàng chia sẻ học liệu của họ vì họ có tiềm lực để phát triển nguồn học liệu riêng, không muốn tham gia vì sợ rằng họ là người cho đi nhiều hơn. Tuy nhiên, đây không phải là hình thức hợp tác được tán đồng nhiều, chỉ 4% ủng hộ phương án này.

Một trong những khó khăn lớn nhất có thể gặp phải trong việc hợp tác là thay đổi nhận thức về văn hoá chia sẻ. Tư tưởng cục bộ trong quản lý nguồn tin đặc thù, chuyên biệt mà riêng thư viện đó có (trong khi nhiều nơi khác cần), thực tế tại các đơn vị đang thu phí từ dạng nguồn tin đó có đang mang lại lợi ích cho họ. Nếu tham gia phát triển OER, họ sẽ không có gì nữa. Tuy nhiên, nếu tuân thủ triết lý của OER thì việc cho đi sẽ nhận lại được nhiều hơn - điều này cần phải được tuyên truyền mạnh hơn trong cộng đồng. Bên cạnh đó, sự khó đồng thuận giữa các trường đại học xuất phát từ nguyên nhân không có sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý hay thiếu những văn bản pháp lý mang tính định hướng.

Các trường đại học có thể hợp tác xây dựng và chia sẻ nội dung trên cơ sở các nguồn học liệu mà họ có sẵn: bài giảng, giáo trình, tài liệu tham khảo, luận văn, luận án, đề tài khoa học - đây là những tài liệu nội sinh. Họ sẽ tiến hành chuyển đổi những nguồn tài liệu thuộc quyền sở hữu của họ sang dạng mở, tránh không sử dụng các tài liệu mà họ không nắm bản quyền. Đây cũng là điều kiện đảm bảo để OER không vi phạm bản quyền. Các ý kiến cho rằng phát triển OER nên theo hướng chuyên ngành đặc thù. Có như vậy nội dung sẽ được tập trung, chuyên sâu và chất lượng hơn. Đối với từng môn học hay lĩnh vực chuyên môn cụ thể thì ưu tiên xây dựng những tài liệu OER hạt nhân - bắt buộc trước, tiếp theo đó mới xây dựng các tài liệu chuyên khảo. Bên cạnh đó, kênh phân phối có thể nhiều nguồn khác nhau như: tài liệu in, tài liệu số hoá, tài liệu trên CD/DVD.

4. Một số đề xuất cho việc phát triển tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam

Để phát triển OER tại các trường đại học nói riêng và cho hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung, chúng tôi đề xuất một số vấn đề sau:

- Xây dựng một chính sách quốc gia về OER. Hiện nay, chúng ta chưa có một văn bản có tính pháp lý nào về phát triển OER. Do vậy, việc cần làm ngay là xây dựng văn bản pháp lý về OER, đó sẽ là “mỏ neo” để các trường đại học, các doanh nghiệp và cá nhân cùng tham gia phát triển OER. Việc xây dựng chính sách có thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện trên cơ sở tập hợp các chuyên gia về OER tại Việt Nam, cũng như tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế.

- Thành lập một Uỷ ban quốc gia về OER. Uỷ ban này có trách nhiệm thúc đẩy và đưa OER vào đời sống thực tế thông qua các hoạt động xây dựng chính sách, tìm kiếm nguồn tài trợ, tổ chức hội thảo và hướng dẫn triển khai OER tại trường đại học và các tổ chức nghiên cứu.

- Thực hiện chiến dịch quảng bá rộng rãi trong cộng đồng về OER. Mục tiêu là giúp các bên có liên quan như các nhà làm chính sách, lãnh đạo các trường đại học, lãnh đạo các thư viện, các giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên hiểu rõ hơn OER. Đồng thời, kêu gọi sự tham gia tích cực của các trường đại học và các doanh nghiệp trong việc cung cấp nội dung và phát triển công nghệ cho OER.

- Xây dựng mô hình hợp tác phát triển OER phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chúng tôi khuyến cáo kết hợp mô hình lai giữa tập trung và phân tán. Đó là có sự đầu tư cơ bản của nhà nước, của các trường đại học lớn, bên cạnh đó kêu gọi sự tình nguyện đóng góp của cộng đồng, với điều kiện đảm bảo quyền lợi giữa các bên. Trên cơ sở đó, có thể thiết lập một mô hình kinh doanh để đảm bảo cho sự phát triển bền vững OER.

- Tạo lập một hệ sinh thái OER cho các trường đại học Việt Nam bao gồm: cộng đồng phát triển và sử dụng, nguồn học liệu/ nội dung mở, các dịch vụ và sản phẩm, các nhà/ kênh phân phối thông tin. Hệ sinh thái này là sự cộng sinh giữa các bên cung cấp nội dung (các trường đại học, giảng viên), bên cung cấp giải pháp công nghệ (các công ty kinh doanh công nghệ mở) và người sử dụng.

- Triển khai áp dụng hệ thống giấy phép của CC tại Việt Nam. Để áp dụng hệ thống giấy phép này cũng cần có sự chỉ đạo và hướng dẫn của các cơ quan quản lý. Việc áp dụng hệ thống giấy phép này cho OER là bắt buộc.

5. Kết luận

OER đang tạo ra cơ hội lớn cho giáo dục đại học Việt Nam, mà cụ thể là các trường đại học trong việc tiếp cận đến nguồn học liệu có chất lượng với chi phí thấp nhất để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, chưa được tiếp cận một cách đầy đủ, hơn nữa chưa có một cơ chế pháp lý cụ thể dẫn đến OER chưa phát triển được. Xây dựng OER phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến vấn đề pháp lý, chính sách, tài chính, công nghệ, phát triển nội dung và sự hợp tác giữa các bên. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các trường đại học và các doanh nghiệp là điều cần thiết để tạo ra một hệ sinh thái cho OER. Một trong những yếu tố quan trọng là xây dựng được hành lang pháp lý và chiến lược phát triển OER ở cấp độ quốc gia để làm cơ sở nền tảng cho triển khai OER tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Thị Ánh Tuyết. Nhu cầu tin và khả năng đáp ứng nhu cầu tin của các thư viện các trường đại học Hà Nội : Luận văn ngành Thông tin - Thư viện. H.: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2015.

2. Baturay, M. H. An overview of the world of MOOCs // Procedia - Social and Behavioral Sciences. - 2015. - No. 174. - P. 427 - 433.

3. Butcher, N. and Kanwar, A. A basic guide to open educational resources (OER). - Paris:  UNESCO and Commonwealth of Learning, 2015.

4. ClassroomAid. OER mobile course - free learning in summer. Truy cập từ http://classroomaid.com/ 2013/05/31/free-oer-mobile-course-free-learning-in-summer/.

5. Chen, S., Nasongkhla, J. and Donaldson, J. From vision to action - a strategic planning process model for open educational resources // Procedia - Social and Behavioral Sciences. - 2015. - No. 174. -  P. 3707 - 3714.

6. Clements, K., Pawlowski, J. and  Manouselis, N. Open educational resources repositories literature review  - Towards a comprehensive quality approaches framework // Computers in Human Behavior. - 2015. - No. 51(B). - P. 1098 - 1106.

7. Creative Commons. About the licenses. Truy cập từ http://creativecommons.org/licenses/.

8. Hewlett Foundation. Open Educational Resources. Truy cập từ http://www.hewlett.org/programs/education/open-educational-resources.

9. Hewlett Foundation. Education program - strategic plan. Truy cập từ http://www.hewlett.org/uploads/documents/Education_Strategic_Plan_2010.pdf.

10. Li, Y., MacNeill, S. and Kraan, W. Open educational resources - opportunities and challenges for higher education. Truy cập từ http://wiki.cetis. ac.uk/images/0/0b/OER_Briefing_Paper.pdf.

11. OECD. Giving Knowledge for Free : the Emergence of Open Educational Resources. Truy cập từ http://www.oecd.org/edu/ceri/38654317.pdf.

12. Santally, M. I. OERs in Context - Case Study of Innovation and Sustainability of Educational Practices at the University of Mauritius. Truy cập tại http://www.eurodl.org/?p=current&article=419.

13. Stange, M. Open educational resources aid in global learning // Behind The Scenes Technology Blog. - 2015. Truy cập từ http://btstwm.blogspot. com/2015/02/open-educational-resources-aid-in.html.

14. The US Government. The open government partnership - The third open government national action plan for the Unitated States of America. Truy cập từ https://www.whitehouse.gov/sites/default/files/microsites/ostp/final_us_open_government_national_action_plan_3_0.pdf.

15. UNESCO. What are Open Educational Resources (OERs)?. Truy cập từ http://www.unesco. org/new/en/communication-and-information/ access-to-knowledge/open-educational-resources/ what-are-open-educational-resources-oers/.

16. UNESCO. How has UNESCO supported OERs? Truy cập từ http://www.unesco.org/new/en/communication-and-information/access-to-knowledge/ open-educational-resources/how-has-unesco-supported-oers/.

17. Wiley, D. Openness as catalyst for an educational reformation // Educause Review. - 2010. - No. 45(4). - P.. 15-20.

____________

Đỗ Văn Hùng

Khoa Thông tin - Thư viện, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 4. - Tr. 25-34,52.


Đọc thêm cùng chuyên mục: