Tham dự hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động của hệ thống thư viện công cộng (TVCC) (2011 - 2016), hầu hết các tham luận đều nói tới những thành tích đã đạt được mà ít nói tới những hạn chế cần khắc phục. Thành tích dễ làm cho mọi người bồng bềnh trong một màu hồng thuận lợi mà lãng quên những sức cản cần khắc phục. Với tinh thần mong muốn “hôm nay đã tốt hơn ngày hôm qua. Ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay”, Hội Thư viện Việt Nam xin nêu một vài thực tế cần quan tâm để phát triển hơn nữa hệ thống TVCC.
Năm năm qua (2010 - 2015), hệ thống TVCC đã có một số nhân tố tích cực, tiêu biểu như:
- Dự án lớn của Quỹ Bill & Melinda Gates “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam”, đã tạo ra bước phát triển mang tính đột phá về cơ sở hạ tầng của hệ thống TVCC ở những vùng khó khăn của đất nước, với sự tài trợ khá lớn cho 903 thư viện tỉnh, huyện, xã, bao gồm: 7.730 máy tính, 1.900 máy in và các thiết bị phụ trợ khác, nhờ đó 85% thư viện cấp tỉnh, 42% thư viện cấp huyện đã được nối mạng.
- Ngày 22/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định, lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Chúng ta đã tổ chức rất thành công 3 lần Ngày Sách Việt Nam ở khắp các thư viện tỉnh và huyện, thị, đang là những khởi động tích cực cho việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc trong cả nước. Tuy nhiên, Ngày Hội Sách mới chỉ là những cơn mưa rào trên cánh đồng khô hạn của văn hoá đọc nước ta.
Tại Hội thảo: “Nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức cuối năm 2015, Vụ Thư viện đã thẳng thắn nêu ra những hạn chế cơ bản của hệ thống thư viện nói chung và TVCC nói riêng: “Mạng lưới thư viện đã phát triển rộng khắp nhưng chưa thực sự phát huy được vai trò, chất lượng hiệu quả hoạt động còn hạn chế… mạng lưới thư viện cấp huyện chưa thống nhất về mô hình tổ chức… chỉ số phát triển vốn tài liệu trong TVCC chỉ đạt 40% kế hoạch… đội ngũ người làm thư viện chưa thực sự năng động, thiếu các kiến thức chuyên môn mới, kiến thức quản lý, hoạt động trong môi trường hiện đại… lãnh đạo địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của sách, báo và thư viện… người dân chưa thực sự quan tâm đến sử dụng thư viện”.
Bên cạnh nhiều thành tựu đã đạt được, nói một cách trung thực và cầu thị, hiện nay hệ thống TVCC đã tụt hậu khá xa về trình độ công nghệ, lẫn công nghiệp nội dung của công nghệ thông tin, về ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ hiện đại… so với hệ thống thư viện đại học và chuyên ngành; Lượng bạn đọc đến sử dụng TVCC có xu hướng giảm nhiều; Công tác tuyên truyền giới thiệu sách của người làm thư viện hệ thống TVCC có phần thua kém người làm thư viện của mạng lưới thư viện trường học… Đã xuất hiện sức ỳ trong sự phát triển của hệ thống TVCC.
Có thể không toàn hoàn đúng với thực trạng của tất cả các TVCC, nhưng hiện có khá nhiều người làm thư viện các tỉnh, thành và đặc biệt ở mạng lưới thư viện huyện, thị đã bộc lộ sự mệt mỏi sau quá nhiều nỗ lực nhưng không cải thiện được tình hình; Sự phát triển của phong trào đọc trong xã hội có tiến bộ nhưng rất chậm chạp, không tương xứng với những nỗ lực và mong muốn của chúng ta… Đành rằng, TVCC có những đặc thù riêng, khó khăn hơn các hệ thống khác về nhiều mặt, nhưng đã đến lúc cần tạo nên động lực mới cho sự phát triển. Kinh nghiệm công tác đã rút ra bài học: khi cơ quan, đơn vị bắt đầu bộc lộ sự trì trệ, anh em thiếu phấn khởi, hãy đi tìm, nhanh chóng tháo gỡ những sức cản hoặc tìm ra những nhân tố mới để tạo nên động lực mới. Như vậy, động lực mới nằm ở một số vấn đề sau:
1. Luật Thư viện
Pháp lệnh Thư viện ra đời đã 15 năm, từng tạo nên động lực thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển. Nhưng đến nay, nhiều nội dung trong Pháp lệnh đã lạc hậu trước sự phát triển nhanh chóng của thư viện thế giới và trong nước. Động lực quan trọng cho sự phát triển trước đây cần được thay thế bằng Luật Thư viện. Theo thông tin của Vụ Thư viện, Chính phủ đã nhất trí đưa Dự thảo Luật Thư viện vào chương trình để trình Quốc hội khoá XIV xem xét, ban hành. Tuy nhiên, chưa biết bao giờ mới có Luật Thư viện. Pháp lệnh Thư viện đã từng bị đề nghị để lại nhiệm kỳ sau, nhưng may mắn, chúng ta đã vượt qua và Pháp lệnh đã được thông qua ngày 28/12/2000. Hy vọng Luật Thư viện sẽ được ban hành trong nhiệm kỳ của Quốc hội XIV. Luật Thư viện ra đời sẽ tạo nên động lực mang tính chiến lược mạnh mẽ và toàn diện cho sự phát triển của sự nghiệp thư viện nói chung và TVCC nói riêng. Đây là cơ hội không dễ có. Vì vậy, Ban soạn thảo cố gắng tranh thủ rộng rãi ý kiến các thư viện để giải quyết ở mức cao nhất những chế định, chế tài nhằm tạo ra động lực mới cần thiết. Luật Thư viện sẽ có tác động trực tiếp tới các thư viện. Vì vậy, các thư viện, đặc biệt thư viện tỉnh, thành phố cần dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và góp ý với Ban soạn thảo, tránh tình trạng chỉ xem qua rồi nhất trí cho xong. Khi Luật Thư viện ra đời, để Luật sớm đi vào đời sống, các thư viện phải nỗ lực vượt bậc, tranh thủ cơ hội để tạo nên sức mạnh xã hội mạnh mẽ, thúc đẩy toàn diện sự nghiệp thư viện phát triển.
2. Văn bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng
Nghị quyết hội nghị lần thứ V của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã xác định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần, là động lực và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội”. Trong tình hình nền kinh tế tri thức đang hình thành, công tác thư viện càng trở nên quan trọng trong lĩnh vực văn hoá. Trước tình hình văn hoá đọc xuống cấp, bị văn hoá nghe nhìn lấn át, các ngành, các cấp đang ra sức chấn hưng văn hoá đọc, hơn lúc nào hết, rất cần Ban Bí thư Trung ương Đảng có một văn bản dạng như Chỉ thị 42-CT/TW về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” ngày 25/8/2004. Hơn 10 năm kể từ khi Chỉ thị 42-CT/ TW ra đời, ngành Xuất bản, In, Phát hành đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Với vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng, nếu như có một văn bản tương tự như vậy dành cho ngành Thư viện, chắc chắn thư viện nước ta nói chung và hệ thống TVCC nói riêng sẽ có một động lực rất mạnh mẽ để phát triển.
3. Xếp hạng thư viện
Trong khi chờ đợi Luật Thư viện và văn bản của Ban Bí thư ra đời, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần sớm tạo nên động lực mới cho sự phát triển của ngành Thư viện nói chung và TVCC nói riêng. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần ban hành ngay thông tư về xếp hạng như trước đây đã làm. Thông tư 67/2006/TT-BVHTT ngày 10/8/2006 hướng dẫn phân hạng... đã kéo lùi sự nghiệp TVCC đến nay tròn 10 năm, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nên xem xét lại. Xếp hạng thư viện là một sự đánh giá cả mạng lưới thư viện trên địa bàn tỉnh, thành. Sự nỗ lực của các địa phương và người làm thư viện sẽ được đền bù bằng việc xếp đúng hạng cho thư viện. Việc xếp hạng sẽ tạo nên sự hưng phấn cho các đối tượng ở các thư viện từ trung ương tới huyện, thị. Cụ thể:
- Lãnh đạo thư viện được nâng mức phụ cấp trách nhiệm. Giá trị vật chất không nhiều, nhưng vị trí họ được đảm bảo công bằng, ngang như lãnh đạo các lĩnh vực tương tự (nhà văn hoá, bảo tàng…). Mức phụ cấp còn là một thông số để tỉnh đầu tư xe ô tô, cho dù chỉ là xe bán tải để luân chuyển sách và cơ sở vật chất cho thư viện.
- Căn cứ thứ hạng thư viện, nhà nước sẽ có quy định mức bổ sung sách, báo hàng năm, kể cả sách in và sách điện tử. Mỗi sự chênh lệch của hạng thư viện là hàng trăm triệu đồng trong việc mua sách, báo. Đây là mục đích tối thượng sẽ đạt được của việc xếp hạng và cũng là giải pháp chắc chắn để gia tăng số lượng, chất lượng nguồn tài nguyên thư viện. Ai cũng biết, nguồn tài nguyên mới hàng năm sẽ quyết định sức mạnh của thư viện.
- Căn cứ thứ hạng, thư viện sẽ được cấp mức kinh phí phù hợp để bảo quản, khai thác, phát huy vốn sách, báo tương ứng với mức bổ sung hàng năm. Đây sẽ là một cứu cánh rất hiệu quả cho sự gây men, tạo hưng phấn tiến tới hình thành thói quen đọc và tạo dựng văn hoá đọc trong cộng đồng. Có kinh phí để khai thác, tuyên truyền sách thường xuyên, vai trò, vị trí thư viện sẽ được các cấp, các ngành trong địa phương nhìn nhận, đánh giá đúng mức với giá trị vốn có của thư viện.
- Mức xếp hạng sẽ quy định số lượng các phòng ban và định biên viên chức trong thư viện một cách hợp lý. Điều này rất cần thiết trong tình hình “giảm biên chế” của bộ máy nhà nước hiện nay. Chúng ta không muốn nhiều người, làm tăng thêm gánh nặng cho Nhà nước. Nhưng thư viện cần có một số lượng viên chức cần thiết để đáp ứng xử lý vốn tài liệu và phục vụ lượng bạn đọc ngày một tăng lên. Là đơn vị sự nghiệp, khi sự phát triển của đơn vị mang lại lợi ích to lớn cho địa phương, thì việc tăng biên chế chắc chắn sẽ không bị hạn chế.
- Trong Dự thảo Luật Thư viện trước đây đã có điều về phân hạng thư viện. Qua những lần thảo luận trong Ban soạn thảo, nhận thức về vấn đề phân hạng trong dự thảo Luật Thư viện chưa đúng mục đích như các thư viện đã từng thực hiện và mong muốn. Nhiều người trong Ban soạn thảo vẫn muốn giữ việc phân hạng như hiện nay, chỉ nhằm xác định mức lương cho người lãnh đạo. Rất mong Ban soạn thảo mới lưu ý, kiên quyết đấu tranh để làm rõ vấn đề: xếp hạng chứ không phải phân hạng!
- Sau hết, việc xếp hạng sẽ tạo nên một hành lang pháp lý cần thiết, tránh cho các thư viện hàng năm phải “xin, cho”. Hy vọng, có Luật Thư viện, ước mơ tốt đẹp như ý tưởng của nhà văn Becton Brech (Đức): “một ngày nào đó, ở xã hội ta, lòng tốt là thừa” sẽ trở thành hiện thực. Tất cả sẽ nằm trong quy định của Luật và các thư viện sẽ không còn phải đi “xin” như hiện nay. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần có chủ trương và chỉ đạo việc xếp hạng thư viện từ trung ương tới địa phương, không nên để các thư viện phải “tự cứu lấy mình” như Thư viện tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, thành phố Đà Nẵng… đã phải nỗ lực “vượt rào” và được tỉnh nâng lên thành thư viện hạng II. Đã đến lúc, Bộ cần mạnh dạn xếp Thư viện Quốc gia Việt Nam là hạng đặc biệt để các thư viện tỉnh, thành có thể được xếp vào bậc 1 khi đủ tiêu chuẩn như ngành Bảo tàng đã thực hiện.
Nhân tố 1, 2, 3 nói trên để tạo nên động lực ở tầm vĩ mô cho sự nghiệp thư viện toàn quốc đang nằm trong trách nhiệm của những nhà lãnh đạo cấp trung ương. Trong lúc chờ đợi, các thư viện hoàn toàn có thể tạo ra động lực mới cho sự phát triển.
4. Tạo nên bộ mặt mới trong phục vụ của các thư viện
- Trước hết, phải làm cho mọi người dân biết về thư viện trong cộng đồng, biết giá trị của thư viện, tác dụng, lợi ích của việc đọc sách. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng chúng ta thử làm một cuộc điều tra xã hội học sẽ thấy giật mình vì quá nhiều người dân không hề biết thư viện là gì, ở đâu, thủ tục và tác dụng thế nào đối với họ và con em họ? Tuy đã có một chút cải thiện qua những Ngày Hội Sách và một số hoạt động khác, nhưng nhìn chung, thực trạng công tác phục vụ bạn đọc ở hầu hết các thư viện vẫn đang trong tình trạng báo động. Số lượng bạn đọc đến sử dụng thư viện ngày càng giảm, không tương xứng với sự đầu tư của nhà nước và sự cố gắng của anh chị em trong ngành.
- Các TVCC cần xây dựng quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp như nhiều lĩnh vực đã làm hiện nay. Nên chăng, chúng ta có thể học tập ngành Giao thông, với phương châm ứng xử rất đơn giản: “xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cám ơn”. Ngành Y tế có Y Đức, ngành Thư viện cần có Thư Đức: ví dụ: “Tri thức làm nền, Tinh thông nghiệp vụ, Văn minh lịch sự, Phục vụ tận tình, Ghi nhớ đinh ninh, Thủ thư thân thiện”. Nếu tất cả các TVCC đều trang trí và gương mẫu thực hành những tuyên ngôn trên, chắc chắn sẽ tạo nên sức hút mạnh mẽ bạn đọc đến thư viện. Cùng với sự gia tăng về vốn tài liệu, trang thiết bị thì những sự thay đổi không mất tiền này sẽ mang lại không ít những hiệu quả bất ngờ.
5. Đa dạng hoá, nghệ thuật hoá hoạt động tuyên truyền thu hút bạn đọc đến thư viện
- Trong lịch sử ngành Thư viện, đã có thời kỳ dấy lên phong trào “tất cả vì bạn đọc”. Trong tình hình hiện nay, phong trào đó vẫn giữ nguyên giá trị. Một vài năm gần đây, các thư viện nói nhiều tới công nghệ thông tin, hiện đại hoá mà có phần xem nhẹ công tác bạn đọc. Thực tế, tình hình bạn đọc đang là một vấn đề đáng báo động ở hầu hết các thư viện. Bạn đọc giảm sút kéo theo động lực hoạt động của các thư viện cũng giảm theo. Các thư viện cần đánh giá chính xác hiệu quả công tác phục vụ bạn đọc trên cả 2 phương diện: số lượng và chất lượng.
- Để TVCC thực sự là trung tâm thông tin cộng đồng như khuyến cáo của UNESCO, các thư viện cần quan tâm nhiều hơn tới hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách - vốn là một thế mạnh của TVCC. Cần làm mới, đa dạng hoá, nghệ thuật hoá công tác giới thiệu sách, kết hợp với nói chuyện chuyên đề, trưng bày triển lãm, giao lưu tác giả, tác phẩm… Công việc này cần được tiến hành thường xuyên, ở tất cả thư viện các cấp. Thư viện tỉnh, thành nên tổ chức Câu lạc bộ diễn giả để hỗ trợ các báo cáo viên cho các thư viện huyện, thị. Các thư viện nên thí điểm và tiến tới mở rộng việc đưa những sản phẩm sau mỗi cuộc liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách ra phục vụ xã hội. Để tăng sự hấp dẫn thu hút người xem, các thư viện nên kết hợp với hoạt động nghệ thuật của các Trung tâm văn hoá. Những công việc này không mới nhưng nhiều thư viện ít đổi mới hình thức, có xu hướng chỉ luyện quân để dự thi hoặc ỷ lại các phương tiện truyền thông hiện đại, không tổ chức thường xuyên. Cho đến nay, các hình thức hoạt động truyền thống ấy vẫn phát huy tốt hiệu quả, luôn tạo nên những động lực tích cực trong công tác vận động bạn đọc, góp phần xây dựng văn hoá đọc trong cộng đồng, nhất là đối với bạn đọc trẻ tuổi. Các hoạt động này cần được coi là một trong những chỉ tiêu để đánh giá thi đua hàng năm, khi bình xét “tỉnh, huyện có phong trào thư viện hiệu quả nhất”.
6. Xây dựng Chi hội thư viện, tạo nên động lực mới
Chúng ta đã quá quen thuộc hoạt động trong môi trường tổ chức của nhà nước. Trong xu thế hội nhập quốc tế, các thư viện cần tập dượt và làm quen với việc hoạt động trong mô hình xã hội nghề nghiệp. Trước mắt, các tỉnh cần phát triển Chi hội thư viện. Chi hội sẽ tập hợp hội viên đã và đang làm việc trong hệ thống TVCC, thư viện trường phổ thông, góp phần tạo ra động lực mới trong hoạt động thư viện các tỉnh. Chi hội sẽ góp phần giúp các thư viện tỉnh thực hiện tốt hơn chức năng “Thư viện tỉnh là trung tâm trên lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ bạn đọc…”; tạo điều kiện làm phong phú hoạt động thư viện trên địa bàn. Chi hội có thể bảo vệ quyền lợi của viên chức, bao gồm: các chế độ, chính sách, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất… Chi hội góp phần thực hiện tính dân chủ trong ngành, là diễn đàn chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, những ý tưởng, việc làm năng động, sáng tạo của anh chị em và là nơi góp phần động viên, giáo dục anh chị em yêu nghề, gắn bó với nghề, thống nhất lực lượng trên địa bàn trong một đội hình tự nguyện để tham gia xây dựng chiến lược lâu dài của quốc gia: Văn hoá đọc. Mỗi dịp hội nghị, đại hội chi hội, với số lượng hàng trăm hội viên đến từ các loại hình thư viện, chi hội sẽ góp phần nâng cao vị thế của ngành Thư viện trong tình hình nhiều lãnh đạo các cấp còn coi nhẹ công tác thư viện. Với mô hình xã hội nghề nghiệp, động lực mới từ sự liên kết, hiệp tác đông đảo thư viện trên địa bàn sẽ tạo thêm sức mạnh mới cho hệ thống TVCC.
Trước đây, các tỉnh vùng Tây Bắc là một miền sơn cước xa xôi, nghèo khó của Tổ quốc. Nhưng cuối năm 2014, sau khi khánh thành đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Lai Châu - tỉnh nghèo gần như nhất nước, đang chuyển mình vượt bậc. Việc tạo dựng nên con đường cao tốc, rút ngắn chỉ còn nửa thời gian để đi từ Hà Nội lên Lai Châu đã tạo nên một động lực mới, mạnh mẽ. Hy vọng, trong hoạt động thư viện, chúng ta sẽ tìm ra, tạo ra những nhân tố mới để có những động lực mới như vậy, giúp cho hoạt động thư viện nói chung và của TVCC nói riêng cất cánh bay cao, bay xa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Kỷ yếu hội thảo: “Nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” tháng 12/ 2015.
2. Lê Văn Viết.Năng động là động lực phát triển thư viện // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2009. - Số 2. - Tr. 21-27.
3. Nguyễn Hữu Giới.Ngành Thư viện Việt Nam không ngừng chăm lo văn hoá đọc cho nhân dân “Nhân 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW” về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Http://trithucthoidai.vn/nganh-thu-vien-viet-nam-khong-ngung-cham-lo-cho-van-hoa-doc-cua-nhan-dan-nhan-10-nam-thuc-hien-chi-thi-42-ct-tw-ve-nang-cao-chat-luong-toan-dien-cua-hoat-dong-xuat-ban-a120647.htm.
______________________
CVCC. Phạm Thế Khang
Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 6. - Tr. 3-7.
< Prev | Next > |
---|
- Phát triển nguồn nhân lực tại các thư viện đồng bằng sông Hồng:Nghiên cứu trường hợp
- Một vài nét về kho tài liệu vi dạng của Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Phát triển không gian học tập chung hỗ trợ hành vi thông tin: yêu cầu đối với người làm thư viện
- Ứng dụng quảng cáo qua mạng trong hoạt động thư viện đại học
- Giáo dục văn hoá đọc trong thư viện trường tiểu học ở Hà Nội
- Tác động của Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” với hoạt động thư viện và việc thúc đẩy văn hoá đọc
- Ứng dụng podcasting tại thư viện các trường đại học ở Việt Nam
- Tài nguyên thông tin
- Thư viện trong kỷ nguyên số: Các dịch vụ sáng tạo và sự chuyển đổi không gian
- Hướng tới xây dựng bảng tra ký hiệu phân loại thập phân dewey dành cho tài liệu khoa học xã hội và nhân văn: Nghiên cứu trường hợp