Mô hình hành vi thông tin

E-mail Print

Ngày nay, hành vi thông tin (HVTT) là một phân ngành trong lĩnh vực khoa học thông tin và là một lĩnh vực liên ngành với nhiều quan điểm khác nhau như tâm lý học nhận thức, hành vi tổ chức, truyền thông, triết học, nhân chủng học, sinh học và triết học tiến hoá, trong đó có khoa học thư viện - thông tin. Thuật ngữ HVTT xuất hiện từ những năm 1990 với nguồn gốc khái niệm nhu cầu tin, sử dụng thông tin đã có từ những năm 1960 [1]. Nhiều nhà nghiên cứu về HVTT đã tập trung từ định hướng hệ thống đến định hướng người dùng tin (NDT). Trong những năm 1970, các nghiên cứu bắt đầu nhấn mạnh đến yếu tố cá nhân như người tìm kiếm và sử dụng thông tin.

HVTT là thuật ngữ dùng để mô tả cách thức con người tương tác với thông tin, từ cách con người tìm kiếm, khai thác, chọn lọc, sử dụng, chia sẻ và tái tạo thông tin. HVTT là toàn bộ hành vi con người liên quan đến thông tin, bao gồm hành vi thụ động và vô ý như ngẫu nhiên gặp thông tin, cũng như hành vi có mục đích mà không liên quan đến tìm kiếm, như chủ động tránh thông tin [2]. HVTT có thể có ý thức hay tiềm thức, biểu hiện hay tiềm ẩn, tự nguyện hay bắt buộc, là hành vi có thể đan xen với các hoạt động hàng ngày của mỗi người. Như vậy, HVTT là một thuật ngữ với nghĩa rộng bao trùm các khía cạnh khác nhau của hành vi con người liên quan đến thông tin.

Mô hình hành vi thông tin 

HVTT là một lĩnh vực nghiên cứu trong khoa học thư viện - thông tin, nghiên cứu toàn bộ hành vi của con người liên quan đến thông tin, bao gồm chủ động và bị động, trạng thái tinh thần biểu hiện bên ngoài hay tiềm ẩn liên quan đến thông tin. Lý thuyết và mô hình HVTT thường tập trung vào một trong ba khía cạnh lớn của HVTT, đó là tìm kiếm thông tin, được hiểu như tìm tin, tra cứu tin, khai thác thông tin và hiểu biết thông tin; khía cạnh thứ hai là tổ chức thông tin và thứ ba là sử dụng thông tin. Mặc dù vậy, cả ba khía cạnh này liên quan chặt chẽ với nhau mà không có sự tách biệt và phân định quá lớn.

Mỗi mô hình HVTT đều thể hiện quan điểm tiếp cận khác nhau, tuy vậy, các mô hình đều nhấn mạnh đến các khía cạnh tiêu biểu của các giai đoạn trong mô hình. Các quan điểm tiếp cận bao gồm quan điểm hành vi, quan điểm nhận thức - hành vi, quan điểm nhận thức - tình cảm và quan điểm tích hợp.

Mô hình hành vi

Mô hình hành vi tìm kiếm thông tin của tác giả Ellis [8] bao gồm 6 đặc điểm chung. Những đặc điểm này được mô tả dựa trên những nghiên cứu về các nhà khoa học xã hội, nhà vật lý, nhà hoá học, kỹ sư và các nhà nghiên cứu trong một nhà máy. Sáu đặc điểm khái quát của mô hình này bao gồm: khởi đầu (Starting), xâu chuỗi (Chaining), lướt (Browsing), phân biệt (Differentiating), kiểm tra (Monitoring), trích lọc (Extracting), xác thực (Verifying) và kết thúc (Ending).

alt

Mô hình Ellis [8]

 - Khởi đầu (Starting): Xác định nguồn tìm phù hợp.

- Xâu chuỗi (Chaining): Theo dõi và kết nối nguồn mới được tìm thấy trong nguồn tìm ban đầu (quay trở lại hoặc tiếp tục).

- Lướt (Browsing): Nhìn lướt nội dung của các nguồn tìm bằng cách nhìn lướt qua mục lục, bảng tra, chủ đề, nhan đề...

- Phân biệt (Differentiating): Trích lọc và đánh giá các nguồn tìm hữu dụng và lựa chọn nguồn tìm bằng cách phân tích sự khác biệt giữa bản chất tự nhiên và chất lượng mà thông tin mang lại.

- Kiểm tra (Monitoring): Cập nhật chủ đề cho trước bằng cách kiểm tra thường xuyên nguồn tìm chính.

- Trích lọc (Extracting): Làm việc một cách hệ thống thông qua một nguồn tìm tài liệu đã có.

- Xác thực (Verifying): Kiểm tra tính chính xác của thông tin.

- Kết thúc (Ending): Quá trình tìm kiếm kết thúc.

Mô hình này cho thấy, các mối liên hệ chi tiết hay tương tác giữa các thành phần trong bất kỳ mô hình hành vi tìm kiếm thông tin của cá nhân phụ thuộc vào từng hoàn cảnh nhất định của hoạt động tìm kiếm thông tin tại thời điểm cụ thể.

Sau đó, tác giả Meho và Tibbo [12] đã hiệu chỉnh mô hình hành vi tìm kiếm thông tin của Ellis và đề xuất một mô hình với nhiều đặc điểm mới hơn. Meho và Tibbo đã nhận thấy các hoạt động trong mô hình HVTT của Ellis không hoàn toàn bắt buộc phải theo trình tự các giai đoạn, mà có thể thay đổi, điều chỉnh phụ thuộc theo nhu cầu hay một số yếu tố khác. Với sự kế thừa và phát triển này, HVTT của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội đã được chia thành 4 giai đoạn liên quan lẫn nhau, gồm có: tra cứu, truy cập/ tiếp cận, xử lý và kết thúc.

alt

Mô hình hành vi thông tin của các nhà khoa học xã hội [12]

Mô hình nhận thức - hành vi

Mô hình Johnson bao gồm 7 thành tố được tập hợp trong ba nhóm chính. Mô hình này bắt đầu từ trái sang phải với yếu tố “tiền đề” (antededent). Những yếu tố này thúc đẩy một cá nhân tìm kiếm thông tin. Nhóm yếu tố này bao gồm yếu tố cá nhân (tuổi, giới tính, dân tộc, kinh nghiệm, niềm tin, tình trạng kinh tế - xã hội như giáo dục, nghề nghiệp, sức khoẻ...). Nhóm yếu tố thứ hai là nhân tố chuyển giao thông tin và nhóm thứ ba là các hoạt động tìm kiếm thông tin. Dựa trên mô hình này cho thấy, NDT có xu hướng tìm kiếm thông tin trực tiếp hoặc dựa trên các kênh liên cá nhân, hoặc kênh trung gian như in ấn hoặc đa phương tiện [2]. Và mô hình này có tính chất một chiều, mà không phản ánh vòng phản hồi giữa các hoạt động và các tiền đề.

alt

Mô hình tìm kiếm thông tin của Johnson

Mô hình nhận thức - tình cảm

Ở cách tiếp cận nhận thức - tình cảm, các nghiên cứu xây dựng mô hình cho thấy ít có sự chú trọng về mặt vật lý của quá trình tìm kiếm thông tin hay hệ thống thông tin, mà trong đó các mô hình nhận thức nhấn mạnh đến cá nhân và những yếu tố liên quan đến cá nhân NDT như môi trường, hình ảnh, kỳ vọng, cảm xúc, kinh nghiệm, sự tưởng tượng, giá trị, cũng như những kiến thức mang tính lý thuyết về các miền cảm xúc như miền tình cảm, nhận thức, cảm nhận, không gian làm việc, tình trạng tri thức, khoảng trống vấn đề và tình trạng mơ hồ [9]. 

Một trong những mô hình tiêu biểu của khuynh hướng này là mô hình lý thuyết kiến tạo nghĩa của tác giả Dervin, trong đó, nhu cầu tin xuất hiện trong phạm vi thời gian, không gian. Với bối cảnh, khoảng trống, đầu ra, cầu nối, mô hình HVTT của Dervin đã hình thành như một cách thể hiện quan điểm xây dựng mô hình dựa trên nhận thức - tình cảm của NDT.

alt

Mô hình kiến tạo nghĩa của Dervin [6]

Trong số những nhà nghiên cứu, tác giả Kuhlthau [10] đã nghiên cứu thực nghiệm về hành vi tìm kiếm thông tin của sinh viên và phát triển mô hình tổng quát về quá trình tra cứu thông tin (ISP). Quá trình này gồm có 6 giai đoạn: khởi đầu, lựa chọn, khám phá, xây dựng, thu thập và thể hiện. Các giai đoạn thể hiện sự phát triển suy nghĩ về vấn đề nghiên cứu, cảm xúc liên quan đến quá trình tra cứu, các hoạt động tìm kiếm và sử dụng nguồn tìm. Mô hình này không chỉ đơn thuần là tìm kiếm thông tin về phương diện kỹ thuật mà đó là sự kết hợp giữa tình cảm (cảm xúc), nhận thức (ý tưởng) và vật lý (hành động và chiến lược hành động).

alt

Mô hình quá trình tra cứu thông tin [11]

Mô hình của tác giả Kuhlthau [11] nhấn mạnh đến vai trò chủ động của NDT trong quá trình tìm kiếm thông tin, khi đó, kiến thức của NDT là sinh viên (đối tượng nghiên cứu) tăng lên khi tương tác với thông tin. Quan trọng hơn, ở mô hình này, quá trình nhận thức liên quan đến quá trình tìm kiếm thông tin của NDT. Thông qua quá trình này, sinh viên có những chiến lược nhận thức như động não, dự tính, dự đoán, tư vấn, đọc hiểu, chọn lọc, xác định, định nghĩa và xác nhận. Tuy nhiên, mô hình này không đề cập nhiều đến các thao tác kết hợp liên quan đến thông tin như phân tích, tổ chức, tổng hợp, đánh giá thông tin được tìm thấy hay quá trình chuyển đổi thông tin và dữ liệu thành tri thức cũng không được đề cập đến trong mô hình này. Nhìn chung, mô hình HVTT này được tác giả phân tích từ quan điểm của tâm lý học, đó là cách tiếp cận nhận thức - tình cảm con người. Ngoài ra, mô hình HVTT của Kuhlthau tập trung vào quá trình tìm kiếm thông tin với những hoạt động liên quan đến tìm kiếm, mà không chú trọng cách thức sinh viên sử dụng, tổng hợp và đánh giá thông tin đã tìm thấy như thế nào.

Mô hình hành vi thông tin tích hợp

Hầu hết các tác giả đã phát triển các mô hình HVTT dựa trên mô hình tìm kiếm thông tin trong HVTT, như tác giả Wilson [17,19,20] đã phát triển mô hình tổng quát về HVTT không chỉ liên quan đến nhu cầu tin, tìm tin mà còn liên quan đến các khía cạnh của xử lý thông tin cũng như những ứng dụng của thông tin. Tác giả đã tiếp cận mô hình từ quan điểm xã hội học như lý thuyết liên quan đến cá nhân, đến học tập của cá nhân trong xã hội; quan điểm kinh tế học như chi phí, giá cả và thời gian để tìm kiếm thông tin; quan điểm tâm lý học (nhân cách, tác động, nhận thức của cá nhân) và lý thuyết kiến tạo nghĩa (sense making) của tổ chức.

Mô hình HVTT của tác giả Wilson đã xây dựng các khái niệm về nhu cầu tin, tìm kiếm thông tin, trao đổi thông tin và sử dụng thông tin trong một sơ đồ chu trình với HVTT của cá nhân liên quan đến nhu cầu tìm tin. Mô hình này cho thấy hành vi tìm kiếm thông tin được hình thành như là kết quả nhu cầu tin của NDT. Nhằm mục tiêu thoả mãn nhu cầu tin, NDT yêu cầu các nguồn thông tin hay dịch vụ thông tin chính thức, phi chính thức. Khi đó, NDT có thể thành công hoặc thất bại trong quá trình tìm kiếm thông tin thích hợp. Nếu thành công, NDT sẽ sử dụng thông tin đó để thoả mãn nhu cầu tin của mình, hay ngược lại, quá trình tìm kiếm thông tin sẽ tái thực hiện để đạt được mục tiêu cuối cùng là thoả mãn nhu cầu tin của mình. Ở mô hình này cho thấy, một phần của hành vi tìm kiếm thông tin có thể liên quan đến người khác trong quá trình trao đổi cũng như sử dụng thông tin. Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này chính là tác giả không đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng đến HVTT hay bối cảnh nảy sinh nhu cầu và hành vi của NDT.

alt

Mô hình hành vi tìm kiếm thông tin của Wilson

Tác giả Choo và các cộng sự [4,5] đã phát triển mô hình hai phương diện (two-dimensional model) mà trong đó kết hợp các giai đoạn của quá trình tìm kiếm thông tin của Ellis và bốn mô hình tìm kiếm thông tin chủ động và ngẫu nhiên dựa vào mô hình của Wilson [19] và lý luận về môi trường [3]. Sự kết hợp này đã hình thành mô hình tìm kiếm thông tin, mô tả những thay đổi có tính hệ thống về các mẫu tìm kiếm thông tin như là sự thay đổi của cá nhân thông qua quá trình tìm kiếm thông tin. Ngoài ra, một mô hình HVTT có thể vận dụng được trong tất cả các lĩnh vực.

alt

Mô hình tìm kiếm thông tin của các chuyên gia

Mô hình này nghiên cứu hành vi tìm tin bởi 3 nhóm nghề nghiệp khác nhau gồm kỹ sư, chuyên gia y tế (y tá, bác sỹ, nha sỹ) và luật sư. Mô hình thể hiện vai trò và các trách nhiệm liên quan đến từng lĩnh vực nghề nghiệp trong công việc hàng ngày nhằm thoả mãn nhu cầu tin. Các đặc điểm về nhu cầu tin thay đổi phụ thuộc nghề nghiệp của cá nhân, giai đoạn nghề nghiệp và chuyên môn. Mô hình gồm các thành tố, bắt đầu từ vai trò, trách nhiệm công việc làm nảy sinh nhu cầu với các đặc điểm khác nhau. NDT nhận thức được thông tin từ các nguồn khác nhau để thoả mãn nhu cầu và kết thúc là đầu ra của quá trình tìm kiếm. 

Tóm lại, những mô hình HVTT hiện tại có một số đặc điểm chính.

Thứ nhất, các mô hình HVTT có khuynh hướng tập trung vào tìm kiếm thông tin chủ động. Mô hình HVTT được hình thành từ các bối cảnh khác nhau với sự kết hợp giữa cá nhân trong bối cảnh đó. Có ba loại hình bối cảnh mà thường có tác động lớn đến quá trình xác định mô hình HVTT, bao gồm nghề nghiệp, vai trò xã hội và nhóm yếu tố cá nhân [2].

Thứ hai, các mô hình tìm kiếm thông tin được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu của các học giả hay chuyên gia như mô hình của tác giả Ellis [8], Kuhlthau [10], hay những mô hình mô tả các loại hình tra cứu thông tin có tính hệ thống trong môi trường học thuật hay môi trường làm việc. Những mô hình này có khuynh hướng phản ánh phân tích cá nhân, nhấn mạnh đến nhu cầu hiện tại và không nhằm đánh giá chính thức các loại HVTT của cá nhân liên quan đến đời sống hàng ngày.

Kế tiếp, nhiều mô hình đã được xây dựng và phát triển dựa trên cách tiếp cận nhận thức. Tác giả Savolainen [15] đã nhấn mạnh đến quá trình nhận thức của cá nhân để hình thành nhu cầu thông tin thông qua sự tương tác trong bối cảnh cá nhân và văn hoá xã hội. Hay tác giả Tuominen and Savolainen [16] đã đề xuất mô hình HVTT dựa trên cách tiếp cận phân tích ngôn ngữ giao tiếp khi nghiên cứu người tìm kiếm thông tin trong bối cảnh xã hội. Trên cơ sở đó, nghiên cứu cung cấp cách hiểu về cách thức mà cấu trúc biện luận của thông tin được thiết kế theo ngữ cảnh nhằm phục vụ những mục đích giao tiếp khác nhau. Hình thức phân tích ngôn ngữ giao tiếp này còn được phát triển bởi các nhà tâm lý học xã hội khác [13,14]. 

Dù ở mô hình HVTT cụ thể nào, thì một điểm chung chính là các mô hình HVTT hiện tại đã được phát triển trong bối cảnh cụ thể và riêng biệt, thể hiện chung nhất về cách thức mà con người tìm kiếm, tra cứu, tổ chức và sử dụng thông tin. Trong lĩnh vực thư viện - thông tin, nghiên cứu mô hình HVTT có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của thư viện và trung tâm thông tin.

Ý nghĩa của nghiên cứu mô hình hành vi thông tin trong hoạt động thư viện - thông tin

Trong nghiên cứu HVTT, xây dựng mô hình thường khởi đầu là quan sát biểu hiện bên ngoài, hay điều tra thực nghiệm hành vi thực tế, được mô tả trong một mô hình thể hiện cấu trúc và những đặc điểm của mô hình. Mô hình HVTT thường được nhận diện thông qua cách nhìn lý thuyết hoá đã được các nhà nghiên cứu chọn, hoặc đó là các loại HVTT, hoặc đó là những định hướng mang tính lý thuyết như quan điểm hành vi, nhận thức, phân tích ngôn ngữ giao tiếp, tâm lý học, văn bản, xu hướng tạo dựng, thực chứng và hiện tượng. Một mô hình lý thuyết hình thành bởi nhiều cấu trúc cơ bản, đặc điểm và mối quan hệ giữa các hành vi khác nhau. Trong hoạt động thư viện - thông tin, nghiên cứu mô hình HVTT của NDT có một số ý nghĩa nhất định.

Nhận diện các đặc điểm về hành vi thông tin của NDT

Mô hình HVTT rất có ích trong quá trình mô tả và dự đoán được các giai đoạn nhằm hiểu về một hiện tượng bất kỳ. Do vậy, quá trình xác định và nhận diện mô hình HVTT của NDT, các thư viện và trung tâm thông tin có thể nhận diện được các điểm đặc trưng nổi bật về HVTT của NDT. Những đặc điểm này được biểu hiện qua hành vi của NDT khi họ tương tác với thông tin, tìm kiếm, xử lý, lưu trữ, tổ chức, sử dụng thông tin và thoả mãn nhu cầu tin. Ngoài ra, trong mô hình còn thể hiện mối tương quan giữa các thành phần trong mô hình cũng như các yếu tố tác động đến HVTT của NDT. Nhận diện được những đặc điểm này góp phần giúp các thư viện và trung tâm thông tin có thể tác động hay can thiệp một cách chủ động và tích cực đến hành vi của NDT khi tiếp cận thông tin.

Thiết kế hệ thống thông tin hỗ trợ hành vi NDT

Dựa trên những đặc điểm về HVTT của NDT đã được mô hình hoá, các thư viện và trung tâm thông tin có thể thiết kế công cụ mới hoặc cải thiện các công cụ, hệ thống tra cứu thông tin hiện có của các thư viện và trung tâm thông tin. Từ đó, các hệ thống, công cụ này sẽ hỗ trợ hiệu quả hơn cho quá trình tìm kiếm và sử dụng thông tin của NDT. Chẳng hạn, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ hiện đại, NDT ít có thời gian đến và trực tiếp sử dụng nguồn lực thông tin tại các thư viện và trung tâm thông tin, mà họ có xu hướng truy cập gián tiếp từ xa thông qua hệ thống Internet và có hành vi tra cứu thông tin từ các giao diện tìm kiếm thân thiện, chuyên nghiệp và tin cậy, các thư viện và trung tâm thông tin có thể xây dựng các sản phẩm, dịch vụ thông tin phù hợp, cũng như thiết kế, điều chỉnh phù hợp và nắm bắt được xu hướng biểu hiện của hành vi NDT.

Đánh giá nguồn lực của các thư viện và trung tâm thông tin

Nghiên cứu mô hình HVTT giúp các thư viện và trung tâm thông tin đánh giá được khả năng của thư viện và trung tâm thông tin trong quá trình NDT tiếp cận thông tin. Chẳng hạn, khi nảy sinh nhu cầu tin, NDT ưu tiên lựa chọn các nguồn tìm khác nhau, trong đó, các thư viện và trung tâm thông tin như một nguồn tin đáng tin cậy, hữu ích và phù hợp nhu cầu tin. Thông qua quá trình nghiên cứu mô hình HVTT của NDT, đặc biệt là mức độ hài lòng, sự đánh giá, phản hồi từ NDT giúp thư viện và trung tâm thông tin có thể đánh giá về khả năng đáp ứng của mình đối với NDT, từ đó có những chiến lược phát triển nguồn lực hiệu quả.

Xây dựng lý thuyết về hành vi thông tin

Chỉ khi nào chúng ta phát triển được cách lý giải về hiện tượng, khi đó, chúng ta chắc chắn nói rằng ta có một lý thuyết. Kết quả là hầu hết các “lý thuyết” về khoa học thư viện - thông tin thực sự vẫn còn ở trong giai đoạn mô hình hoá. Các mô hình có giá trị rất lớn trong phát triển lý thuyết. Có thể thấy, lý thuyết được xây dựng dựa trên quá trình thiết lập mô hình, ước lượng mô hình, kiểm định giả thuyết, tái thiết lập mô hình và hình thành lý thuyết về HVTT. Như vậy, tìm hiểu mô hình HVTT về NDT giúp các thư viện và trung tâm thông tin có thể hiểu được cách thức hoạt động của vấn đề, cụ thể là HVTT của NDT, từ đó xây dựng được lý thuyết về HVTT của NDT.

Nhìn chung, trong thực tiễn nghiên cứu trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu đề cập đến HVTT của con người gắn liền với từng bối cảnh khác nhau, ý nghĩa của nghiên cứu HVTT đối với việc thiết kế hệ thống tìm tin, cũng như đề cập đến các mô hình HVTT đặc trưng của các đối tượng khác nhau. Quá trình nghiên cứu mô hình HVTT có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của các thư viện và trung tâm thông tin hiện nay vì suy cho cùng, mục tiêu sau cùng của mỗi thư viện và trung tâm thông tin chính là đáp ứng tối đa yêu cầu của NDT. Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các TV không chỉ hiểu rõ về hệ thống, tiềm lực của bản thân thư viện mình, mà còn phải hiểu rõ và sâu sắc NDT, từ nhu cầu, cách thức, hành vi của NDT đối với thông tin. Hay nói cách khác, nhận diện được mô hình HVTT của NDT chính là yêu cầu cần thiết và quan trọng đối với mỗi thư viện và trung tâm thông tin trong bối cảnh hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Case, D. O. Information behavior // Annual Review of Information Science and Technology. - 2006. - No. 40 (1). - P. 293-327.

2. Case, D. O. Looking for information: A survey of research on information seeking, needs, and beha- vior. - San Diego: Academic Press, 2007.

3. Choo, C.W. and Auster, E. Environmental scanning: acquisition and use of information by ma- nagers // Annual Review of Information Science and Technology. - 2003. - Vol. 28, Learned Infor- mation, Medford, NJ. - P. 279-314.

4. Choo, C.W., Detlor, B. and Turnbull, B. Information seeking on the Web: an integrated model of browsing and searching // Knowledge: Creation, Organization, and Use: Proceedings of the 62nd Annual Meeting of the American Society for Infor- mation Science. - Information Today : Medford, NJ, 1999.

5. Choo, C.W., Detlor, B. and Turnbull, B. Information seeking on the Web: an integrated model of browsing and searching // First Monday. - 2000. - Vol. 5. - No. 2.

6. Dervin, B. Sense-making’s journey from metatheory to methodology to method: An example using information seeking and use as re- search focus // Sense-making methodology reader. Selected writings of Brenda Dervin. - Cresskill, NJ : Hampton Press, 2003.

7. Ellis, D. A Behavioral model for information retrieval system design // Journal of Information Science. - 1989. - No. 15 (4/5). - P. 237-247.

8. Ellis, D. Modeling the information-seeking patterns of academic researchers: a grounded theory approach // Library Quarterly. - 1993. - Vol. 63. - No. 4. - P. 469-486.

9. Ingwersen, P. Information retrieval interaction. - London : Taylor, 1992.

10. Kuhlthau, C.C. Seeking Meaning: A Process Approach to Library and Information Science. - Ablex: Norwood, NJ, 1993.

11. Kuhlthau, C. C. Seeking meaning: A process approach to library and information services (2nd ed.). - Westport, CN: Libraries Unlimited, 2004.

12. Meho, Lokman I. and Tibbo, Helen R. Modeling the Information-Seeking Behavior of Social Scientists: Ellis's Study Revisited // Journal of the American Society for Information Science and Technology 54. - 2003. - No.6. - P. 570-587.

13. Potter, J. and Wetherell, M. Discourse and Social Psychology; Beyond Attitudes and Behaviour. - Sage: London, 1987.

14. Potter, J. Representing Reality: Discourse, Rhetoric and Social Construction. - Sage: Thousand Oaks, CA, 1996.

15. Savolainen, R. Everyday life information seeking: approaching information seeking in the context of `way of life // Library & Information Science Research. - 1995. - Vol. 17. - P. 259-94.

16. Tuominen, K. and Savolainen, R. A social constructionist approach to the study of information use as a discursive action // In Vakkari, P., Savolainen, R. and Dervin, B. (Eds), Information Seeking in Context: Proceedings of An International Conference in Information Needs, Seeking and Use in Different Contexts, 14-16 August. - London Tampere, Finland, Taylor Graham, 1997. - P. 81-96.

17. Wilson, T.D. Exploring models of information behaviour: the uncertainty project // Information Processing & Management. - 1999b. - Vol. 35. - No. 6. - P. 839-49.

18. Wilson, T.D. Information behaviour : an inter-disciplinary perspective // Information Seeking in Context: Proceedings of An International Conference on Research in Information Needs, Seeking and Use in Different Contexts, 14-16 August. - London: Tampere, Finland, Taylor Graham, 1997. - P. 39-50.

19. Wilson, T. D. Models in information behaviour research // Journal of Documentation. - 1999a. - No. 55 (3). - P. 249-270.

__________________

ThS. Bùi Hà Phương

Khoa Thư viện - Thông tin học, Đại học KHXH&NV Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 6. - Tr. 8-14.


Đọc thêm cùng chuyên mục: