Mở đầu
Công tác đào tạo người làm thư viện (NLTV) đã phát triển ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Cũng giống như các nước trong khu vực, đào tạo ngành Thư viện - Thông tin ở Việt Nam được thực hiện lần đầu năm 1961, cùng với sự ra đời của khoa Thư viện - Thông tin, trường Đại học Văn hoá Hà Nội. Những năm gần đây, công tác đào tạo NLTV được chú trọng phát triển hơn bao giờ hết cả về số lượng các cơ sở đào tạo và nội dung chương trình đào tạo. Một số môn chuyên ngành mới được bổ sung; nội dung, phương pháp giảng dạy được cập nhật, thay đổi nhằm giúp cho sinh viên có thể lĩnh hội được tri thức nghề nghiệp một cách hiệu quả nhất. Xử lý thông tin là một trong những bộ môn quan trọng trong chương trình đào tạo NLTV, bởi nó góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo nên những NLTV chuyên nghiệp, lành nghề trong một xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay. Chính vì lý do đó, các đơn vị đào tạo ngành Thư viện - Thông tin rất chú trọng đến việc giảng dạy và học tập môn này. Tuy nhiên, việc giảng dạy và học tập bộ môn Xử lý thông tin hiện tại vẫn còn gặp nhiều khó khăn do một số nguyên nhân khách quan như: chương trình, nội dung đào tạo còn nhiều hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất, tài liệu học tập, tham khảo chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ người dạy, người học.
1. Thực trạng giảng dạy môn Xử lý thông tin
Về tên gọi môn học và chương trình đào tạo
Có thể nói môn Xử lý thông tin là một bộ môn tổng hợp của các môn chuyên ngành như: mô tả thư mục (hay mô tả tài liệu), phân loại tài liệu, định từ khoá, chủ đề tài liệu, phương pháp làm tóm tắt, chú giải, tổng quan, tổng luận và nay có thêm khổ mẫu MARC 21 cho dữ liệu thư mục. Tuỳ theo từng đơn vị đào tạo mà tên các môn học thuộc bộ môn này được đặt thành những tên học phần khác nhau (tuy vậy, những tên gọi này là khá giống nhau).
Một vài ví dụ về chương trình đào tạo bộ môn xử lý thông tin tại một số trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh.
Mặc dù, môn Xử lý thông tin được chia thành các môn nhỏ khác nhau, nhưng nội dung và mục tiêu cuối cùng là cung cấp cho sinh viên, học viên những kiến thức, phương pháp và kỹ năng xử lý thông tin/ tài liệu ở cả 2 cấp độ hình thức và nội dung, biến đổi thông tin/ tài liệu từ dạng thức ban đầu thành những dạng thức mới, dễ kiểm soát, dễ lưu trữ và tìm kiếm lại nguồn tin với hiệu quả cao.
Thông qua chương trình đào tạo bộ môn này của một số trường, có thể thấy về cơ bản tên gọi môn học, thời lượng (số tiết) của các môn học là khá hợp lý. Tuy nhiên, còn một số môn như: phân loại, định từ khoá, chủ đề tài liệu và phương pháp làm tóm tắt, chú thích, dẫn giải, tổng quan, tổng luận thời lượng (số tiết) còn ít chưa đủ để giảng viên truyền đạt đầy đủ những kiến thức môn học, sinh viên chưa đủ để hiểu sâu và nắm rõ nội dung, kiến thức môn học.
Một số đơn vị đào tạo như trường Đại học Sài Gòn trong chương trình đào tạo bộ môn này chưa có môn Khổ mẫu MARC 21 cho dữ liệu thư mục, một trong những môn quan trọng trong mô tả hình thức tài liệu hiện nay.
Bên cạnh đó, một số đơn vị đào tạo do những nguyên nhân khách quan và chủ quan như: thiếu giảng viên cơ hữu, phụ thuộc vào lịch thỉnh giảng của giảng viên hay phụ thuộc vào cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy… đã bố trí môn học, lịch học chưa hợp lý, bị động, thường xuyên thay đổi hoặc gián đoạn. Điều này làm mất đi tính logic giữa các môn học, gây khó khăn cho công tác giảng dạy của giảng viên, cũng như ảnh hưởng đến quá trình học tập, thực hành của sinh viên, học viên.
Về phương pháp giảng dạy
Phương pháp giảng dạy hiện nay tại các lớp học chủ yếu là giảng viên sử dụng bài giảng điện tử và sinh viên, học viên quan sát, lắng nghe, ghi chép, trả lời những câu hỏi hoặc nêu lên những vấn đề chưa rõ trong nội dung bài giảng của giảng viên. So với trước đây, nội dung bài giảng đã được giảng viên chú trọng hơn về cả chất lượng và hình thức như: đi sâu vào vấn đề, trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, kèm theo đó là các ví dụ minh hoạ cụ thể cho từng nội dung, từng phần… giúp sinh viên, học viên nắm nhanh, hiểu rõ nội dung học.
Trong quá trình giảng dạy, hầu hết giảng viên đều kết hợp, linh hoạt phân bổ giữa lý thuyết với thực hành cho từng môn, từng bậc học. Sinh viên, học viên trong quá trình học được giảng viên cho thực hành ngay trên lớp thông qua các bài tập thực hành cá nhân hoặc nhóm nhưng vẫn chưa nhiều. Các phương pháp giảng dạy như chia nhóm, phân tổ thảo luận, đi thực tế... bước đầu đã được áp dụng nhưng chưa phổ biến và chưa bắt buộc.
Thực tế, phương pháp giảng dạy và tổ chức học tập cho sinh viên, học viên hiện nay chưa có sự thống nhất trong toàn bộ chương trình học, việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tuỳ thuộc vào khả năng và sự bố trí sắp xếp của từng giảng viên trên lớp. Chưa có một phương pháp chuẩn cũng như đa dạng các phương pháp giảng dạy có tính bắt buộc đối với giảng viên khi lên lớp.
Một số giảng viên chưa có nhiều đổi mới trong phương pháp giảng dạy, ít quan tâm đầu tư nghiên cứu, cập nhật thông tin bổ sung cho bài giảng. Một hạn chế trong phương pháp giảng dạy hiện nay là cách thức giảng dạy còn thiên về lý luận. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên chưa đặt ra yêu cầu cao đối với sinh viên. Việc tổ chức cho sinh viên thực hành chỉ là “thực hành chay”, nghĩa là sinh viên chưa được tiếp xúc trực tiếp với tài liệu, thông tin trong các buổi thực hành về phân loại tài liệu, định từ khoá, chủ đề tài liệu, biên mục mô tả… Bên cạnh đó, một số bài giảng còn thiếu các ví dụ minh hoạ cụ thể, chất lượng chưa cao. Điều đó làm cho sinh viên, học viên ít hứng thú đến môn học và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy.
Về đội ngũ giảng viên
Hiện nay, hầu hết đội ngũ giảng viên dạy các môn thuộc bộ môn Xử lý thông tin đều là các giảng viên có trình độ, học hàm cao, có tâm huyết với nghề, có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm và khả năng truyền đạt cao giúp sinh viên, học viên tiếp cận, nắm được nội dung môn học nhanh, hiểu rõ những vấn đề cốt lõi. Đây được coi là một lợi thế cho ngành Thư viện - Thông tin.
Tuy nhiên, việc thiếu giảng viên đầu ngành, giảng viên có trình độ, có kinh nghiệm giảng dạy môn Xử lý thông tin như hiện nay đang là một vấn đề đặt ra. Nhiều giảng viên phải đảm nhiệm nhiều môn cùng một lúc, trong khi dạy ở nhiều nơi, trong những khoảng thời gian liên tục. Điều này ảnh hưởng đến việc giảng dạy của giảng viên, cũng như chất lượng trong các bài giảng.
Bên cạnh đó, một số giảng viên mới đảm nhiệm môn, chưa có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết sâu về môn, cũng như khả năng truyền đạt nội dung bài giảng còn hạn chế làm cho sinh viên, học viên không hứng thú, dẫn đến việc không tập trung vào bài giảng, kết quả là không lĩnh hội được nội dung môn học.
Ngoài ra, kinh phí chi trả thù lao đứng lớp cho giảng viên theo chế độ quy định hiện hành thấp, chưa phù hợp và chưa có tác dụng động viên khuyến khích giảng viên trong ngành tham gia giảng dạy và khó khăn cho việc liên hệ mời được những giảng viên có chất lượng cao ngoài ngành tham gia giảng dạy tại các lớp học trong ngành tổ chức.
Về giáo trình, tài liệu tham khảo
Đây là một trong những hạn chế lớn trong công tác đào tạo ngành Thư viện - Thông tin, không chỉ bộ môn Xử lý thông tin mà ở hầu hết các bộ môn khác. Phần lớn giáo trình, tài liệu tham khảo được viết và dịch bởi một số giảng viên, viên chức lâu năm của ngành Thư viện - Thông tin. Trong khi đội ngũ này hiện nay rất ít. Một số giáo trình so với hiện nay đã quá cũ, chưa được cập nhật những kiến thức mới, nếu không nói là lỗi thời.
Ví dụ: Cuốn Mô tả tài liệu thư viện: Giáo trình đại học thư viện của tác giả Nguyễn Thị Tuyết Nga biên soạn, được xuất bản năm 1992 đã quá cũ nhưng vẫn được sử dụng nhiều vì không có giáo trình mới. Hay cuốn Phân loại tài liệu: Giáo trình dùng cho sinh viên đại học và cao đẳng ngành Thư viện - Thông tin học của tác giả Vũ Dương Thuý Ngà, được xuất bản năm 2004 và được tái bản năm 2009…
Một hạn chế nữa là khả năng tiếp cận giáo trình, tài liệu tham khảo về môn học này bằng tiếng nước ngoài của chúng ta lại khó hoặc không có điều kiện tiếp cận do hạn chế về ngoại ngữ hoặc những nguyên nhân khách quan khác.
Chưa kể đến những hạn chế của Nhà nước ta trong việc khuyến khích viên chức, giảng viên viết giáo trình, tài liệu tham khảo, nên số lượng giáo trình, tài liệu tham khảo, tài liệu nghiệp vụ cho ngành Thư viện - Thông tin được xuất bản rất ít. Điều này, ảnh hưởng rất lớn tới khả năng tự học, tự nghiên cứu, tiếp nhận kiến thức của sinh viên, học viên, cũng như điều kiện tiếp cận môn học, hình thành bài giảng của các giảng viên mới.
2. Thực trạng học tập môn Xử lý thông tin
Khả năng tiếp cận bài giảng của người học
Hiện nay hầu hết sinh viên, học viên có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận trực tiếp, nhanh chóng bài giảng bộ môn này thông qua các trang thiết bị như máy tính và các thiết bị trình chiếu. Các bài giảng đều được giảng viên trình bày ở dạng điện tử, có ví dụ minh hoạ chi tiết, cụ thể cho từng nội dung. Sinh viên, học viên cũng có thể dễ dàng tìm hiểu thêm những nội dung có liên quan đến bài giảng thông qua các bài viết được đăng trên các cổng thông tin điện tử của các cơ quan thư viện - thông tin hoặc tạp chí chuyên ngành.
Tuy nhiên, do hạn chế về thời lượng (số tiết) cả về lý thuyết và thực hành nên nhiều sinh viên, học viên chưa nắm được hết hoặc nắm không sâu nội dung bài giảng và phương pháp thực hành thông qua các buổi học trên lớp.
Bên cạnh đó, một số bài giảng của các giảng viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm còn nhiều hạn chế về mặt nội dung, thiếu các ví dụ minh hoạ cụ thể, nên sinh viên, học viên tiếp cận nội dung khó khăn hoặc hiểu không sâu.
Khả năng tiếp cận giáo trình và tài liệu tham khảo
Hiện nay, việc tiếp cận giáo trình và tài liệu tham khảo để học tập môn này của sinh viên, học viên rất hạn chế bởi những lý do sau: giáo trình, tài liệu tham khảo ít, cũ nên sinh viên, học viên không có tài liệu để học, tham khảo hoặc bổ sung những kiến thức mới. Bên cạnh đó, một số tài liệu liên quan đến môn học, đến nghề Thư viện hay còn gọi là tài liệu nghiệp vụ không được phục vụ phổ biến ở các thư viện công cộng lớn, nên sinh viên tiếp cận rất khó khăn. Mặt khác, phần lớn sinh viên, học viên ngành Thư viện - Thông tin hiện nay đều hạn chế về ngoại ngữ. Do đó, đa phần sinh viên không thể tìm và tiếp cận được với những tài liệu liên quan đến các môn học bằng tiếng nước ngoài. Chính những hạn chế này, sinh viên, học viên sẽ không tiếp cận được những quan điểm mới, những kiến thức mới liên quan đến môn học, về ngành nghề.
Ý thức tự học, tự thực hành
Sinh viên, học viên hiện nay cũng đã ý thức khá rõ tầm quan trọng của bộ môn này, nên ngoài việc học, thực hành trên lớp còn chủ động tìm hiểu môn học, đọc các tài liệu tham khảo, các bài viết trên Internet hoặc trên các tạp chí. Ngoài ra, sinh viên, học viên cũng tự tổ chức học nhóm, thảo luận nhóm thông qua các bài thuyết trình. Bên cạnh đó, sinh viên, học viên cũng còn nhiều hạn chế trong việc tự học, tự thực hành của mình, chưa thật sự chủ động trong việc tiếp cận bài giảng của giảng viên ngay trên lớp, cũng như tìm kiếm và tiếp cận các tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học tập của mình. Nhiều sinh viên, học viên còn học hình thức, học vẹt, mục đích học tập mang nặng tính thi cử, trả nợ môn học. Do đó, chưa vận dụng được kiến thức lý thuyết vào trong thực tiễn nghề nghiệp.
3. Giải pháp nâng cao công tác giảng dạy và học tập môn Xử lý thông tin
Về phía các đơn vị đào tạo
- Cần chuẩn hoá chương trình đào tạo
Các đơn vị đào tạo cần thống nhất, chuẩn hoá tên các môn học thuộc bộ môn Xử lý thông tin; Xác định mục tiêu, nội dung giảng dạy cụ thể cho từng học phần, từng môn học; Điều chỉnh, cân đối thời lượng (số tiết) ở từng học phần, từng môn học cho hợp lý để giảng viên có thể chủ động trong việc kết hợp giảng dạy giữa lý thuyết và thực hành được hiệu quả. Điều này giúp sinh viên, học viên chủ động hơn, cũng như có kế hoạch học tập, nghiên cứu tốt hơn.
Chẳng hạn: đối với môn Phân loại tài liệu, ngay từ đầu phải khẳng định với sinh viên rằng mục tiêu chính yếu là để xếp tài liệu trên giá theo môn loại. Con số phân loại biểu thị nội dung tài liệu là để xếp giá. Trong môn Biên mục mô tả cần phân biệt giữa ý nghĩa của tiêu chuẩn và quy tắc nhằm giúp sinh viên nhận thức rằng ISBD là tiêu chuẩn mô tả thư tịch quốc tế, tất cả những quy tắc mô tả chuẩn hoá đều dựa vào ISBD, chẳng hạn như Quy tắc biên mục Anh-Mỹ AACR2; Đối với môn Chỉ mục, trích dẫn và tóm tắt tài liệu, sinh viên học môn học này được thực hành nghiệp vụ SDI - Phổ biến thông tin có chọn lọc [2].
- Hiện đại hoá phương pháp giảng dạy
Thay đổi phương pháp giảng dạy hiện hành “giảng viên trình chiếu, diễn giảng và sinh viên, học viên chép” bằng phương pháp “giảng viên chỉ là người hướng dẫn và sinh viên, học viên tự tìm hiểu, nghiên cứu môn học”. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên có thể đặt ra những câu hỏi liên quan đến nội dung môn học với những yêu cầu cao để sinh viên, học viên có thể tự trao đổi, thảo luận nhóm với nhau, sau đó sinh viên trong nhóm thay phiên nhau trình bày trước lớp bằng cách báo cáo hay thuyết trình và cả lớp tham gia thảo luận. Chính điều này, sẽ hình thành ý thức tự học, tự nghiên cứu, thói quen học tập sôi nổi và mang đến sự hưng phấn cho người học.
Các đơn vị đào tạo cũng có thể kết hợp chương trình học với việc tham quan thực tế tại các trung tâm thông tin - thư viện ở các khâu nghiệp vụ, đặc biệt là khâu xử lý tài liệu để sinh viên, học viên có những nhận xét, đánh giá qua thực tế, so sánh với nội dung học tập. Và cũng thông qua những chuyến tham quan thực tế này, sinh viên, học viên có cơ hội tìm hiểu về ngành nghề của mình, tự phân tích được những ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại cần khắc phục. Dần dần sinh viên sẽ hình thành cho mình kỹ năng về nghề nghiệp.
- Hoàn thiện cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập
Cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy, học tập là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giảng dạy và học tập trong sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên, học viên. Chính vì lý do đó, các đơn vị đào tạo cần có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp hoặc đầu tư xây mới các phòng học, nhất là phòng thực hành, cùng với bổ sung, trang bị thêm các trang thiết bị cần thiết cho công tác giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên, học viên như: máy chiếu, máy tính có kết nối mạng, được cài đặt các phần mềm như: Libol, iLib, Koha, Vebrary… Điều này sẽ giúp cho giảng viên phát huy được tối đa chất lượng bài giảng, kết hợp hiệu quả giữa lý thuyết và thực hành, cũng như giúp sinh viên, học viên tiếp thu, hiểu rõ được môn học và áp dụng được lý thuyết vào thực tế nghề nghiệp.
- Tăng cường, nâng cao trình độ của giảng viên giảng dạy môn Xử lý thông tin
Các đơn vị đào tạo cần có kế hoạch lựa chọn, tuyển dụng những giảng viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và đặc biệt là am hiểu sâu về các môn thuộc bộ môn Xử lý thông tin để tăng cường bổ sung cho lực lượng giảng viên giảng dạy bộ môn này hiện nay còn thiếu.
Nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên là công tác cần được ưu tiên hàng đầu. Chính vì lý do đó, các đơn vị đào tạo cần có kế hoạch tổ chức tập huấn, cập nhật bồi dưỡng thường xuyên các kỹ năng, phương pháp sư phạm cho đội ngũ giảng viên hiện đang giảng dạy bộ môn này. Trong đó, tập trung vào các kỹ năng chuyên môn, áp dụng công nghệ hiện đại trong giảng dạy và truyền thụ kiến thức cho sinh viên, học viên, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên tiếp cận, cập nhật các thông tin, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong ngành để bổ sung kịp thời cho nội dung bài giảng của mình, tránh bị lạc hậu. Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo cũng cần có những chính sách khuyến khích cho giảng viên tham gia đào tạo nâng cao trình độ của mình, đặc biệt là đào tạo cao học, nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
- Biên soạn thêm giáo trình, dịch giáo trình nước ngoài
Nhà nước, các đơn vị đào tạo ngành Thư viện - Thông tin và các cơ quan thư viện - thông tin cần có kế hoạch khuyến khích giảng viên đầu ngành, những người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành biên soạn các giáo trình, tài liệu nghiệp vụ cho ngành nói chung và bộ môn Xử lý thông tin nói riêng. Hoặc dịch các giáo trình nước ngoài để xuất bản làm tài liệu học tập, tham khảo cho sinh viên, học viên và giảng viên với những chính sách hợp lý.
Về phía người học (sinh viên, học viên)
Sinh viên, học viên cần chủ động nâng cao ý thức học tập trong quá trình học trên lớp như: tập trung vào bài giảng của giảng viên, mạnh dạn nêu lên những câu hỏi cho những vấn đề chưa rõ hay chưa hiểu, cũng như tích cực đóng góp ý kiến xây dựng bài... Bên cạnh đó, sinh viên, học viên cũng cần chủ động trong việc tự học, tự nghiên cứu của mình như: chủ động tìm kiếm tài liệu học tập, tài liệu tham khảo cho môn học ở các cơ quan thư viện - thông tin, các nhà sách, nhà xuất bản hoặc trên Internet; Có thể hình thành các nhóm nhỏ trao đổi với nhau ngoài giờ lên lớp; Cũng có thể tham gia vào đội ngũ cộng tác viên ở một số cơ quan thư viện - thông tin để hiểu sâu về các môn học, nghề nghiệp của mình.
Ngoài ra, sinh viên, học viên cũng cần cải thiện vốn ngoại ngữ của mình để có thể dễ dàng tiếp cận và khai thác các tài liệu liên quan đến môn học bằng tiếng nước ngoài.
Kết luận
Bộ môn Xử lý thông tin được coi là một trong những môn chuyên ngành rất quan trọng trong công tác đào tạo ngành Thư viện - Thông tin từ các cấp bậc học: trung cấp, cao đẳng, đại học và thạc sỹ. Trong thực tiễn công tác thư viện - thông tin, công tác xử lý thông tin có mặt ở hầu hết các khâu từ bổ sung đến phục vụ người dùng tin và là một trong những công việc ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của cơ quan thư viện - thông tin. Chính vì vậy, đòi hỏi người làm công tác xử lý thông tin cần hội đủ các điều kiện về kiến thức chuyên môn, nắm vững các phương pháp và kỹ năng về xử lý thông tin… để từ đó áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ hai phía: Công tác giảng dạy từ các đơn vị đào tạo và ý thức học tập, nghiên cứu của sinh viên, học viên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Chí Thông. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy tại trường Hải quan Việt Nam. Http://truonghaiquan.edu.vn/139/print-rticle. html.
2. Nguyễn Minh Hiệp. Một chương trình đào tạo ngành Thư viện - Thông tin vừa đáp ứng nhu cầu vừa làm thay đổi nhu cầu xã hội // Tạp chí Đại học Sài Gòn. - 2009. - Số 1.
3. Nguyễn Thị Mai Hoa. Vai trò, thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy các môn lý luận chính trị ở Đại học Quốc gia Hà Nội // Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội. - 2007. - Số 192.
4. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. Thực trạng giáo dục đào tạo đại học Việt Nam. Http://www.ier.edu.vn/ content/view/291/161/.
_________
Trần Minh Nhớ
Thư viện Khoa học Xã hội trực thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 1. - Tr. 27-32,39.
< Prev | Next > |
---|
- Đánh giá và nâng cao chất lượng hoạt động thư viện trường phổ thông trong thế kỷ XXI
- Đào tạo nguồn nhân lực thư viện - thông tin vừa đáp ứng nhu cầu, vừa làm thay đổi nhu cầu xã hội
- Nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động marketing trong thư viện công cộng
- “Không gian chia sẻ S.hub” - Mô hình dịch vụ thư viện đổi mới tại Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ trong thời đại công nghệ số
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công cộng
- Internet với việc quảng bá hoạt động thư viện - thông tin
- Phát triển dịch vụ tham khảo trong thư viện Việt Nam
- Mô hình hành vi thông tin
- Xây dựng sản phẩm thông tin “Hướng dẫn học tập và nghiên cứu theo chủ đề” của các thư viện đại học Việt Nam