Đánh giá và nâng cao chất lượng hoạt động thư viện trường phổ thông trong thế kỷ XXI

E-mail Print

Đặt vấn đề

Mỗi quốc gia trên thế giới có những tiêu chí đánh giá riêng dành cho thư viện trường phổ thông (TVPT), được hiểu là những quy định tối thiểu để đánh giá hiệu quả hoạt động của thư viện, giúp thư viện hoạt động đúng mục tiêu và nhiệm vụ. Các tiêu chí đánh giá được thiết lập dành cho hoạt động thư viện nói chung và người làm thư viện (NLTV) nói riêng. Dưới đây là tập hợp các tiêu chí đánh giá TVPT trên thế giới (dựa trên hướng dẫn của IFLA) và tại Việt Nam (Theo Quyết định số  01/2003/QĐ-BGDĐT ban hành ngày 02/01/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công văn số 11185/GDTH về việc Hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông ban hành ngày 17/12/2004), đây được xem là thước đo để NLTV kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của thư viện và xây dựng kế hoạch phát triển thư viện.

1. Tiêu chí đánh giá thư viện trường phổ thông

1.1. Tiêu chí dành cho thư viện

Bàn về TVPT, IFLA đã đưa ra những chỉ dẫn khác nhau, bao gồm các yêu cầu chung và các yêu cầu về kinh phí dành cho hoạt động thư viện  [6] (bảng 1).

alt

Bảng 1. Tiêu chí đánh giá thư viện trườnghọc theo quan điểm của IFLA

Ở Việt Nam, toàn bộ hệ thống TVPT phải hoạt động dựa trên Tiêu chuẩn TVPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành [3]. Theo đó, một TVPT đạt chuẩn ở Việt Nam phải đạt những yêu cầu tối thiểu về vốn tài liệu, cơ sở vật chất, xử lý nghiệp vụ và hoạt động phục vụ (bảng 2).

alt

Bảng 2. Yêu cầu dành cho TVTH đạt chuẩn ở Việt Nam

Như vậy, nếu IFLA đưa ra những yêu cầu chung để phát triển một thư viện trường tiểu học và nhấn mạnh vào các yếu tố như: phát triển văn hoá đọc, hỗ trợ giáo dục, có mục tiêu, kế hoạch phát triển độc lập… thì ở Việt Nam các yêu cầu này phần nào được cụ thể hoá. Tuy nhiên, tiêu chí đánh giá hoạt động phục vụ của thư viện còn mang tính khái quát và dựa trên các dịch vụ truyền thống là chính.

1.2. Tiêu chí dành cho người làm thư viện

Theo hướng dẫn của IFLA, NLTV trường phổ thông cần đáp ứng những yêu cầu sau (bảng 3):

alt

Bảng 3. Yêu cầu dành cho NLTV trường học theo quan điểm của IFLA

Có thể nói, vai trò của NLTV trường phổ thông được IFLA đề cao thông qua một hệ thống các yêu cầu dành cho NLTV, bao gồm năng lực chuyên môn, những yêu cầu về kỹ năng mềm, năng lực quản lý. Ngoài ra, IFLA cũng nêu những nhiệm vụ cụ thể NLTV cần thực hiện để TVPT hoạt động một cách hiệu quả (hình 1):

alt

Hình 1. Nhiệm vụ của NLTV theo quan niệm của IFLA

Trong đó:

- Thiết lập quy chế hoạt động: Bao gồm các yêu cầu về việc xác định rõ mục tiêu, phương thức phục vụ phù hợp với chương trình từng lớp học, cấp học, từng đối tượng sử dụng thư viện.

- Tổ chức hoạt động thư viện theo đúng chuẩn nghiệp vụ: Bao gồm việc tổ chức thư viện, biên mục và sắp xếp tài liệu, thiết kế không gian thư viện theo đúng chuẩn hiện hành.

- Xây dựng dịch vụ có tính phổ cập: Xây dựng các dịch vụ dễ tiếp cận đối với mọi thành viên của trường và hoạt động của các dịch vụ đó phù hợp với điều kiện tài chính của nhà trường.

- Hợp tác tốt với các bên liên quan: NLTV cần cộng tác, liên hệ với giáo viên, Ban Giám hiệu, các đơn vị hành chính, phụ huynh, các nhân viên thư viện khác, các chuyên gia thông tin, các tổ chức xã hội để xây dựng các mối quan hệ với mục đích giúp thư viện hoàn thành tốt chức năng của mình, giúp phát triển thư viện trong tương lai.

Đối với tiêu chuẩn cho NLTV ở Việt Nam, theo Quy chế về tổ chức hoạt động TVPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành [1], một giáo viên phụ trách TVPT phải thực hiện tốt các yêu cầu sau:

- Thực hiện các quyết định, chỉ thị của cấp trên, tổ chức hoạt động của TVPT theo kế hoạch tháng, học kỳ, năm.

- Nắm vững các chủ trương, chính sách về ngành Giáo dục và Đào tạo và các văn bản chỉ đạo về công tác thư viện.

- Thực hiện đầy đủ quy chế, nguyên tắc nghiệp vụ quản lý thư viện, cần có biện pháp tăng cường nguồn tài liệu, hướng dẫn đọc, tuyên truyền giới thiệu sách.

- Tham gia công tác hướng dẫn sử dụng sách, báo, tư liệu và giới thiệu thư viện cho học sinh.

- Tham dự các hội thảo nghiệp vụ, hội nghị chuyên đề về công tác TVPT.

- Tổng kết, phổ biến và áp dụng kinh nghiệm thư viện tiên tiến, tổ chức lao động khoa học trong thư viện.

Nhìn chung, IFLA đã cung cấp một hướng dẫn mang tính toàn diện cho TVPT. Tại Việt Nam, Quy định tiêu chuẩn TVPT được ban hành năm 2003, Quy chế về tổ chức hoạt động TVPT được ban hành năm 1998 đến nay vẫn chưa được cập nhật tương ứng với sự phát triển trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Các nội dung được nêu trong các văn bản này chủ yếu là những vai trò, nhiệm vụ của thư viện và NLTV, chưa có sự kết nối với thực tiễn giáo dục trong nước, chưa đề ra các phương hướng mà TVPT cần thực hiện để hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện.

2. Bối cảnh hoạt động của thư viện trường phổ thông ở Việt Nam - Chính sách và văn bản pháp quy của Nhà nước về thư viện trường phổ thông

Mặc dù giáo dục phổ thông ở mỗi quốc gia trên thế giới có những đặc điểm riêng biệt, nhưng nhìn chung, giáo dục phổ thông là bậc học chuyển tiếp sau giáo dục mầm non và trước giáo dục đại học. Theo đó, TVPT có đối tượng phục vụ với đặc điểm tâm sinh lý riêng và những yêu cầu giáo dục cụ thể. Để hiểu một cách toàn diện hơn về TVPT, cần xem xét bối cảnh hoạt động hiện nay cùng với những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động TVPT.

 Thứ nhất, thư viện hoạt động trong trường phổ thông cần tuân thủ các văn bản và quy định hiện hành của nhà nước về giáo dục nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng, cũng như quy định về hoạt động của TVPT. Một số quy chế và văn bản liên quan trực tiếp bao gồm:

- Điều lệ trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

- Tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường phổ thông đạt mức chất lượng tối thiểu, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

- Tiêu chuẩn TVPT.

Ngoài ra, Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành ngày 04/5/2007 Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 [5] cũng nêu rõ mục tiêu phát triển chủ yếu của TVPT như sau:

- TVPT phải thực sự trở thành nguồn lực trung tâm của trường học.

- TVPT phải đảm bảo thông tin tài liệu cho chương trình học tập, giúp mở rộng kiến thức mọi mặt của các em, hình thành ở các em tính độc lập trong việc đọc, việc học; biết cách thu nhận, phân tích thông tin để hình thành kiến thức mới.

- Từng bước hiện đại hoá, tin học hoá TVPT…

Mục tiêu phát triển trên cho thấy yêu cầu của xã hội và ngành Giáo dục đối với hoạt động TVPT trong việc nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, cũng như khẳng định vị trí của TVPT trong thế kỷ XXI.

Thứ hai, thư viện có nhiệm vụ hỗ trợ tích cực cho các hoạt động và chương trình giáo dục phổ thông. Một số văn bản liên quan đến yêu cầu giáo dục tiểu học hiện nay mà thư viện cần tham khảo bao gồm:

- Quy định đánh giá học sinh phổ thông.

- Công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

- Chỉ thị tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh.

- Quy định về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá.

Như vậy, trường phổ thông thực hiện chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, bao gồm việc phát triển năng lực học sinh thông qua việc tăng cường các hoạt động thực hành, chú trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh [4]. Để thực hiện được nhiệm vụ giáo dục trên, nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động, bao gồm giáo dục trong giờ lên lớp (việc dạy các môn học bắt buộc và tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông) và giáo dục ngoài giờ lên lớp (hoạt động ngoại khoá, hoạt động vui chơi, giao lưu văn hoá). Bên cạnh đó, một trong những tiêu chí đánh giá học sinh hiện nay bao gồm: năng lực về giao tiếp, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề [2]. Rõ ràng, để thực hiện được các nhiệm vụ và hoạt động giáo dục, đánh giá trên đòi hỏi phải có sự đóng góp thiết thực của thư viện.

Ngược lại, chương trình giáo dục và phương pháp giảng dạy cũng tác động lớn đến phương thức và hiệu quả hoạt động của thư viện. Ví dụ, nếu chương trình học quá nặng, giáo viên thuyết giảng quá nhiều, giữa thầy và trò sẽ thiếu tính tương tác trong quá trình dạy và học, học sinh không còn thời gian để rèn luyện, phát triển các kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng thư viện - thông tin.

Tóm lại, TVPT là bộ phận hỗ trợ dạy và học, nên hoạt động của TVPT không thể thoát ly những chính sách, yêu cầu đổi mới giáo dục ở Việt Nam. Những văn bản, chính sách trên là kim chỉ nam để TVPT xác định mục tiêu, chương trình hoạt động cùng với những thay đổi để phù hợp với yêu cầu thực tiễn của xã hội.

3. Một số đề xuất dành cho người làm thư viện trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện trường phổ thông

Dựa trên hệ thống các tiêu chí đánh giá hoạt động của TVPT gồm các tiêu chí về thư viện và NLTV theo quan điểm của IFLA và bối cảnh hoạt động của TVPT ở Việt Nam, có thể đề xuất một số biện pháp dành cho NLTV trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của TVPT như sau:

- Tăng cường sự liên kết giữa Ban Giám hiệu, giáo viên và phụ huynh với thư viện: Đây là một nhiệm vụ cần được thực hiện trong tương lai, nhất là trong bối cảnh giáo dục phổ thông ở Việt Nam đang dần thay đổi theo hướng mở nhằm giáo dục học sinh phát triển toàn diện, NLTV có thể thông qua các cuộc thi dành cho học sinh, các chương trình xây dựng tủ sách để kết nối Ban Giám hiệu, giáo viên và phụ huynh với thư viện, từ đây, hình ảnh thư viện sẽ được phổ biến rộng rãi hơn và việc tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho xây dựng, phát triển thư viện cũng trở nên dễ dàng hơn.

- Phát triển năng lực NLTV một cách toàn diện: Khác với những yêu cầu dành cho NLTV ở Việt Nam (nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tham gia hội thảo, hội nghị chuyên ngành…), NLTV ở TVPT cần tập trung phát triển khả năng quản lý thư viện khoa học, bao gồm cả việc nghiên cứu và phát triển những mô hình phục vụ hiện đại tại TVPT trong và ngoài nước; phát triển kỹ năng đàm phán, thương lượng và thuyết phục, đây là những kỹ năng quan trọng cần thiết cho NLTV khi tiếp xúc và làm việc với Ban Giám hiệu, học sinh, phụ huynh học sinh, các nhà xuất bản/ nhà sách…

- Phục vụ bạn đọc theo hướng “Lấy bạn đọc làm trung tâm”: Mỗi loại hình thư viện có những đối tượng bạn đọc riêng, tuy nhiên, TVPT phục vụ một đối tượng đặc biệt, đó là học sinh phổ thông, việc phục vụ đối tượng này sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhận thức, nhân cách và trình độ của các em, góp phần đặt nền tảng đạo đức và tri thức trong tương lai, vì vậy, việc nghiên cứu tâm lý lứa tuổi học sinh phổ thông cần được NLTV thực hiện song song với quá trình nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan đến giáo dục bậc phổ thông. Những kiến thức này sẽ hỗ trợ đắc lực cho NLTV trong việc thiết kế mô hình phục vụ, nâng cao chất lượng phục vụ của thư viện.

Kết luận

Việc nghiên cứu các tiêu chí đánh giá hoạt động của TVPT sẽ cung cấp cho NLTV một hệ thống các ý tưởng cho việc xây dựng thư viện trong trường phổ thông. Từ đó, NLTV cũng có cơ sở để đánh giá kết quả hoạt động của thư viện.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục bậc phổ thông hiện nay, thư viện cũng cần có những biến chuyển tích cực để thực hiện tốt vai trò hỗ trợ cho nhà trường trong việc giáo dục học sinh. Vì vậy, hệ thống tiêu chí đánh giá và các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động trên đây sẽ giúp NLTV xác định những nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện trong quá trình xây dựng và phát triển TVPT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy chế về tổ chức và hoạt động thư viện trường phổ thông, được ban hành theo Quyết định số 61/1998/QĐ-BGDĐT ngày 6/11/1998 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy định đánh giá học sinh tiểu học, được ban hành theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy định tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông, được ban hành theo quyết định số 01/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 02/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục năm học 2015 - 2016, được ban hành theo công văn số 4323/BGDĐT/GDTH ngày 25/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Bộ Văn hoá - Thông tin. Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến 2020. Http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-10-2007-QD-BVHTT-phe-duyet-quy-hoach-phat-trien-nganh-thu-vien-Viet-Nam-den-nam-2010-dinh-huong-den-2020/19631/noi-dung.aspx. Truy cập ngày 6/6/2015.

6. IFLA/ UNESCO School Library Manifesto, School Libraries and Resource Centers Section. Http://archive. ifla.org/VII/s11/pubs/manifest.htm. Truy cập ngày 23/10/2015.

____________

ThS. Bùi Vũ Bảo Khuyên

Khoa Thư viện - Thông tin học, ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 1. - Tr. 22-26,21.


Đọc thêm cùng chuyên mục: