1. Đặt vấn đề
Quá trình hơn 30 năm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của hệ thống thư viện công cộng (TVCC), CNTT đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến mọi hoạt động trong từng thư viện, trở thành công tác mũi nhọn, đồng thời là lực đẩy cho hoạt động, góp phần hết sức quan trọng vào thành tựu và sự phát triển của hệ thống TVCC nước ta.
Trong giai đoạn tiếp theo, để tiếp tục tăng cường công tác ứng dụng CNTT vào hoạt động, hệ thống TVCC cần xác định được phương hướng, xây dựng được những giải pháp có tính khả thi nhằm tạo được bước ngoặt mang tính đột phá để TVCC phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng với vị trí và vai trò xã hội, trong điều kiện Đảng và Nhà nước xác định CNTT là công cụ hữu hiệu để thực hiện 3 đột phá chiến lược trong phát triển đất nước, là chìa khoá mở ra cánh cửa để dân tộc ta bước vào giai đoạn mới, đặc biệt cần vận dụng triệt để những định hướng, tư tưởng, giải pháp lớn trong Nghị quyết 36/NQ-TW ban hành ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị, Nghị quyết này là văn bản mang tầm chiến lược, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển ngành CNTT, được coi là “cơ hội vàng” để CNTT nước ta phát triển trong khoảng 10-20 năm tới.
2. Sự cần thiết phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hệ thống thư viện công cộng
Theo quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước và xu hướng hoạt động của ngành Thư viện thế giới, việc tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động hệ thống TVCC là cần thiết, nhằm nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động thư viện trong điều kiện mới, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành thư viện trong nước và đồng thời chủ động hội nhập với ngành Thư viện trong khu vực và thế giới.
2.1. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước
Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của CNTT và hiệu quả cao của việc ứng dụng nó trong các lĩnh vực đời sống xã hội cùng với những đòi hỏi, những yêu cầu mới, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành một loạt các văn bản chỉ đạo mang tính định hướng quan trọng.
Nghị quyết số 36/NQ-TW ban hành ngày 01/7/ 2014 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, đây là văn bản hết sức quan trọng, mang tầm chiến lược, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển ngành CNTT nước ta trong thời kỳ mới, một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng là “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin là một yếu tố quan trọng trong bảo đảm thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, cần được chú trọng, ưu tiên trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, những nội dung liên quan đến hoạt động của ngành Thư viện cũng được xác định trong mục tiêu cụ thể đến năm 2020, bao gồm: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là các lĩnh vực liên quan tới nhân dân như giáo dục, y tế, giao thông, điện, thuỷ lợi, hạ tầng đô thị lớn và cung cấp dịch vụ công cộng trực tuyến cho nhân dân” và “... đổi mới phương thức dạy và học, thúc đẩy xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”.
Cụ thể hoá định hướng và nội dung cho việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, ngày 15/4/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 01/7/2015 của Bộ Chính trị, theo đó cũng xác định rõ mục tiêu để công nghệ thông tin thực sự trở thành “phương thức phát triển mới, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả lao động…”.
Song song với việc thực hiện các văn bản chỉ đạo trên, các thư viện cần tiếp tục triển khai, hiện thực hoá nội dung các văn bản chỉ đạo khác đã được ban hành các năm trước đây như:
Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10 ban hành ngày 28/12/2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với nội dung “Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào công tác thư viện, từng bước hiện đại hoá thư viện” [Điều 13, Mục 6]; và “Đầu tư để đảm bảo cho các thư viện hưởng ngân sách nhà nước hoạt động, phát triển và từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật, điện tử hoá, tự động hoá thư viện” [Điều 21, Khoản 1].
Nghị định số 72/2002/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện, ban hành ngày 6/8/2002 của Chính phủ với việc “Bảo đảm kinh phí cho các thư viện phát triển vốn tài liệu, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại, từng bước thực hiện điện tử hoá, tự động hoá, xây dựng thư viện điện tử và phát triển thư viện sử dụng kỹ thuật số” [Điều 14, Khoản 1].
Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ban hành ngày 29/06/2006, trong đó quy định “Xây dựng, thu thập và duy trì cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động của cơ quan và phục vụ lợi ích công cộng” [Điều 26, Khoản 2]; “Thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trên môi trường mạng” [Điều 26, Khoản 6]; và “Phát triển nguồn thông tin số” [Điều 63, Khoản 1, điểm b].
Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT ban hành ngày 4/5/2007 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (trước đây là Bộ Văn hoá - Thông tin), với các nội dung: “Ứng dụng khoa học công nghệ cao nhằm tự động hoá, hiện đại hoá trong các khâu hoạt động của thư viện. Phát triển thư viện điện tử và thư viện kỹ thuật số” [Điều 1, Khoản 2, điểm b]; “Số hoá 100% tài liệu quý hiếm trong thư viện” [Điều 1, Khoản 2, điểm c]; “Phát triển thư viện điện tử, hiện đại hoá thư viện với các máy móc, thiết bị và phương tiện hiện đại; chuẩn hoá nghiệp vụ và áp dụng rộng rãi các chuẩn quốc gia và quốc tế, nhằm đạt trình độ công nghệ ngày càng cao và chất lượng hoạt động tốt, phù hợp với các chuẩn hữu quan của quốc tế” [Điều 1, Khoản 4, điểm đ].
Quyết định số 56/2007/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam đến năm 2010, ban hành ngày 3/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ “… hình thành hệ thống thư viện số trực tuyến; xây dựng được một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành…” [Trích Mục 2, điểm b]; “Ưu tiên kinh phí để các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp số hoá kho nội dung thông tin của mình và cung cấp lên mạng. Đầu tư xây dựng một số thư viện điện tử, kho dữ liệu số chuyên ngành theo các lĩnh vực quản lý của các Bộ, ngành” [Mục 3, điểm c]; “Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của thư viện nước ta là kết hợp giữa thư viện truyền thống và thư viện điện tử/ thư viện số, trong đó, việc sử dụng mạng máy tính để lưu giữ, khai thác thông tin và xây dựng thư viện số là xu hướng quan trọng nhất trong việc phát triển tự động hoá các thư viện” và “Đổi mới phương thức hoạt động phục vụ bạn đọc ở các thư viện theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tự động hoá, hiện đại hoá trong các khâu hoạt động của thư viện, tạo sự liên thông giữa các thư viện trong môi trường mạng nhằm khai thác vốn tài liệu phong phú, đa dạng ở các thư viện…” [Trích Mục 3, điểm d].
Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước”, ban hành ngày 10/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ, nội dung cơ bản của nghị định quy định các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động nội bộ của cơ quan và giữa các cơ quan, trong giao dịch của cơ quan nhà nước với tổ chức và cá nhân; hỗ trợ đẩy mạnh cải cách hành chính và bảo đảm công khai, minh bạch.
Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ), tại Định hướng phát triển các chuyên ngành văn hoá, nghệ thuật, nêu rõ: “Đổi mới phương thức hoạt động phục vụ bạn đọc ở các thư viện theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tự động hoá, hiện đại hoá trong các khâu hoạt động của thư viện, tạo sự liên thông giữa các thư viện trong môi trường mạng nhằm khai thác vốn tài liệu phong phú, đa dạng ở các thư viện…” [Trích Phần 3, điểm d].
Có thể nói đây là những định hướng quan trọng cho công tác ứng dụng CNTT vào hoạt động thư viện nói riêng và sự phát triển của ngành thư viện Việt Nam nói chung.
2.2. Xu hướng hoạt động của ngành thư viện thế giới
Tháng 8/2013, tại Đại hội Thư viện và Thông tin thế giới lần thứ 79 tại Singapore (IFLA WILIC 2013), IFLA đã ra mắt Báo cáo xu hướng của IFLA, nội dung xác định 5 xu hướng cấp độ cao trong quá trình chuyển đổi môi trường thông tin toàn cầu. Với sự phát triển nhanh chóng của CNTT và truyền thông, các xu hướng này đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngành thư viện trên toàn thế giới, nội dung có thể được khái quát như sau:
- Xu hướng về Truy cập thông tin: Khẳng định với công nghệ mới sẽ vừa mở rộng và đồng thời cũng hạn chế tiếp cận thông tin, theo đó thông tin số ngày càng mở rộng, đồng thời mô hình kinh doanh trực tuyến mới sẽ ảnh hưởng đến việc chia sẻ hoặc truy cập thông tin của người sử dụng thư viện trong tương lai, đây là thách thức mới cho các thư viện cần có cách thức tổ chức thông tin và hỗ trợ để mọi người có thể truy cập thông tin trực tuyến dễ dàng trong điều kiện số lượng và sự đa dạng của các thông tin được sản xuất.
- Xu hướng về Giáo dục trực tuyến: Khẳng định giáo dục trực tuyến sẽ dân chủ hoá và phá vỡ việc học tập toàn cầu, theo đó vị trí của giáo dục trực tuyến phải có tác động sâu sắc về việc làm, văn hoá, giao tiếp và các lớp học trên toàn thế giới. Việc gia tăng nhanh chóng của các tài nguyên giáo dục trực tuyến sẽ làm cơ hội học tập phong phú hơn, rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn. Sự phong phú của tài nguyên học tập trực tuyến, cùng với sự gia tăng của truy cập mở ảnh hưởng đến bản chất và các dịch vụ cung cấp bởi thư viện.
- Xu hướng về Bảo vệ dữ liệu và sự riêng tư: Khẳng định các ranh giới về sự riêng tư và bảo vệ dữ liệu sẽ được xác định lại bởi hiện nay các công cụ thu thập thông tin cá nhân là rất dễ dàng, có thể gây hại đối với sự riêng tư cá nhân và niềm tin vào thế giới trực tuyến. Các thư viện nên cân nhắc những tác động của mượn điện tử (e-lending) cũng như công nghệ di động và công nghệ đeo tay (wearable technology).
- Xu hướng về Xã hội siêu kết nối: Các xã hội siêu kết nối (Hyper-Connected Societies) sẽ lắng nghe và trao quyền cho tiếng nói mới (New Voices) và các nhóm. Sự hội tụ của công nghệ di động, truy cập trực tuyến và truyền thông toàn cầu đã trao quyền phong trào Internet mới.
- Xu hướng về Công nghệ mới: Theo đó thông tin kinh tế toàn cầu sẽ được biến đổi bằng công nghệ mới, với sự gia tăng của các thiết bị di động siêu kết nối, mạng cảm biến trong các ứng dụng và cơ sở hạ tầng, in ấn 3D và các công nghệ dịch ngôn ngữ đang biến đổi kinh tế thông tin toàn cầu. Tự động dịch ngôn ngữ chỉ là một công nghệ có tác động sâu sắc đến tiếp cận thông tin, giao tiếp xuyên biên giới và sự gắn kết văn hoá. Với những tiến bộ trong máy dịch và tính sẵn sàng của truy cập Internet, có khả năng dịch bất kỳ cuốn sách bằng ngôn ngữ nào cũng có thể sẵn sàng cho người sử dụng, bất kể vị trí của họ, vậy những tác động này sẽ có ở các thư viện?
Từ nội dung các xu hướng này hàng loạt chủ đề nhỏ tiếp tục được cộng đồng thư viện thế giới phân tích, thảo luận chuyên sâu trong vòng 03 năm qua với 60 cuộc thảo luận tại 30 quốc gia trên toàn thế giới.
Để có thể xác định được bước đi đúng trong việc ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện với tầm nhìn chiến lược, dần tiếp cận và hoà nhập với ngành thư viện thế giới, ngành thư viện Việt Nam, việc tham khảo các xu hướng này là cần thiết.
2.3. Sự thay đổi cách thức triển khai các dịch vụ cung cấp thông tin theo hướng trực tuyến, liên kết
Trong giai đoạn tới, với sự phát triển nhanh chóng của CNTT và truyền thông cùng với xu hướng hoạt động chung của ngành thư viện trong nước và quốc tế, cách thức kết nối và truy cập sử dụng thông tin có sự thay đổi căn bản mang tính trực tuyến cao và đa truy cập, đa thiết bị, do vậy hệ thống TVCC cần xác định lại chiến lược phát triển hệ thống CNTT, trong đó có các yêu cầu cơ bản sau đây:
- Hệ thống ứng dụng CNTT cần được điều chỉnh, xây dựng lại với một hệ thống có khả năng đáp ứng sự thay đổi về quy trình nghiệp vụ cũng như yêu cầu của người sử dụng một cách linh hoạt.
- Hệ thống CNTT hiện tại cần được tiếp tục duy trì và nâng cấp để đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, với xu hướng đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ trực tuyến, hội tụ, liên kết các nguồn bên trong và bên ngoài hệ thống TVCC.
3. Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống thư viện công cộng
Tháng 5/2016, Hội nghị Tổng kết hoạt động ứng dụng CNTT của hệ thống TVCC đã đánh giá những thành tựu giai đoạn 2006 - 2016 và chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục đồng thời xác định phương hướng đối với công tác ứng dụng CNTT của hệ thống TVCC trong giai đoạn tới. Cụ thể:
3.1. Những thành tựu đạt được
- CNTT được ứng dụng một cách mạnh mẽ trong tất cả các hoạt động thư viện, đã góp phần thay đổi diện mạo thư viện.
- Hạ tầng CNTT được củng cố, nhiều thư viện có sự quan tâm của chính quyền địa phương đã được đầu tư với những dự án rất lớn, có chiều sâu. Hệ thống thư viện cơ sở cũng đã ứng dụng CNTT khá mạnh mẽ.
- Các phần mềm chuyên ngành được ứng dụng rộng rãi, góp phần đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động thư viện, nâng cao chất lượng hoạt động.
- Nhiều dự án mới hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị được đầu tư đều hướng tập trung xây dựng nguồn lực thông tin số hoá, tạo lập các bộ sưu tập số.
- Sản phẩm và dịch vụ đa dạng hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
- Đội ngũ nhân lực CNTT tiếp tục được kiện toàn, tăng về số lượng và nâng cao về trình độ. Đã xuất hiện một số cá nhân đủ trình độ giải quyết các vấn đề nghiệp vụ phát sinh và tạo ra các giải pháp hữu ích cho các ứng dụng thực tế mang lại hiệu quả thiết thực ở các thư viện địa phương.
3.2. Một số hạn chế và nguyên nhân
- Công tác ứng dụng CNTT chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của CNTT và truyền thông cũng như sự thay đổi nhanh về yêu cầu của người sử dụng.
- Mức độ ứng dụng CNTT trong hệ thống không đồng đều, trình độ phát triển giữa các thư viện có khoảng cách lớn, và có xu hướng ngày càng tăng.
- Việc sử dụng quá nhiều phần mềm quản trị thư viện trong cùng một hệ thống dẫn đến khó khăn trong công tác hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết. Nhiều phần mềm chưa áp dụng các chuẩn nghiệp vụ dẫn đến tình trạng khó khăn cho việc trao đổi, dùng chung hoặc tích hợp cơ sở dữ liệu.
- Ngân sách thường xuyên dành cho hoạt động CNTT còn thấp, chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tác dụng của CNTT trong hoạt động thư viện.
- Thiếu nhân lực được đào tạo chuyên ngành CNTT, môi trường làm việc và thu nhập chưa khuyến khích được người có trình độ tốt về CNTT làm việc cho thư viện.
- Trình độ, năng lực của người làm thư viện nói chung trong lĩnh vực ứng dụng CNTT còn nhiều hạn chế, chưa được cải thiện nhiều trong 10 năm qua. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục.
- Nhiều bất cập về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với người làm công tác CNTT cả về thu nhập lẫn cơ hội được đào tạo nâng cao trình độ.
- Tính liên kết trong hoạt động CNTT trong cùng hệ thống chưa chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả thấp, nhiều khi chồng chéo, lãng phí.
- Việc phối hợp giữa các đơn vị chỉ đạo nghiệp vụ và cơ quan quản lý nhà nước chưa chặt chẽ trong việc định hướng, đánh giá, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm.
4. Các giải pháp tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hệ thống thư viện công cộng trong thời gian tới
4.1. Các nguyên tắc đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin.
Để ứng dụng CNTT đạt hiệu quả cao, bền vững các thư viện trong hệ thống TVCC cần đảm bảo thực hiện các nguyên tắc sau:
Một là: Ứng dụng CNTT phải đảm bảo tính thực tế, khả thi, cần xác định mức độ quan trọng, cấp thiết của nhiệm vụ và khả năng áp dụng vào thực tiễn trong điều kiện cụ thể, do đó để thực hiện được nguyên tắc này cần phải có sự khảo sát để nắm bắt được thực trạng ứng dụng CNTT tại đơn vị, bao gồm: nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT hiện có (phần cứng, phần mềm...).
Hai là: Ứng dụng CNTT phải đảm bảo tính hệ thống chặt chẽ, có tổ chức trước hết của toàn hệ thống thư viện (bao gồm cả hệ thống TVCC, thư viện đại học, thư viện phổ thông, thư viện chuyên ngành) và đặt trong tính hệ thống của bộ máy quản lý nhà nước.
Ba là: Đảm bảo tính đồng bộ, đối với nguyên tắc này, công tác ứng dụng CNTT cần phải được đặt trong các mối liên hệ với các hoạt động khác của đơn vị, cần đảm bảo tính tương hỗ lẫn nhau, bổ trợ cho nhau, do đó muốn thực hiện tốt nguyên tắc này thì đồng thời cũng phải thực hiện đồng bộ các biện pháp khác, hoạt động khác.
Bốn là: Ứng dụng CNTT đòi hỏi hệ thống TVCC phải chú trọng đầu tư các yêu cầu kỹ thuật về tính an toàn (đối với hệ thống thiết bị, hệ thống mạng, phần mềm, dữ liệu…), đảm bảo thiết kế và triển khai hệ thống an ninh, an toàn, sao lưu, dự phòng… đồng thời có khả năng phát hiện, xử lý nhanh chóng các sự cố có thể xảy ra.
Năm là: Ứng dụng CNTT phải đảm bảo khả năng mở rộng, theo đó tất cả các thành phần trong hệ thống kiến trúc CNTT phải cho phép dễ dàng mở rộng, nâng cấp trong tương lai và đảm bảo tối ưu hoá năng lực của hệ thống khi có yêu cầu để đáp ứng nhu cầu phát triển liên tục của thư viện và người sử dụng.
Sáu là: Ứng dụng CNTT phải đảm bảo tính hiệu quả, nhìn chung bất kỳ công việc hay hoạt động nào cũng phải tính đến hiệu quả, đảm bảo thực hiện công việc với thời gian, chất lượng cao nhất, đồng thời không lãng phí thời gian, vật lực, tài lực...
4.2. Các điều kiện để đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả.
Một là: Lập kế hoạch cụ thể, cần xây dựng được các kế hoạch chi tiết, bao gồm các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Hai là: Chuẩn hoá nghiệp vụ, áp dụng và tuân thủ đúng các tiêu chuẩn nghiệp vụ về công nghệ thông tin và nghiệp vụ thư viện.
Ba là: Đảm bảo xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng có thể xây dựng, phát triển và quản lý, duy trì vận hành hệ thống CNTT, chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại nhân lực.
Bốn là: Đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho sự phát triển của công nghệ thông tin, không chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu mà cần tính toán và đảm bảo các giai đoạn nâng cấp, mở rộng, duy trì.
4.3. Các giải pháp cụ thể
Một là: Đổi mới và nâng cao nhận thức của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo thư viện về tầm quan trọng của CNTT trong hoạt động thư viện nói chung đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ứng dụng, phát triển CNTT, cần coi ứng dụng CNTT là nội dung bắt buộc trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cũng như trong từng đề án, dự án đầu tư tại mỗi địa phương.
Hai là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT nói chung và của hệ thống TVCC nói riêng.
Nhằm đảm bảo hoạt động ứng dụng CNTT của hệ thống TVCC một cách toàn diện, hoạt động quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT cần chú trọng rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính và đầu tư, chế độ đãi ngộ đối với nhân lực CNTT… phù hợp với điều kiện phát triển của ngành, đồng thời xây dựng, ban hành các chính sách mới nhằm tạo đà cho việc ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện phát triển.
Ba là: Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động ứng dụng CNTT.
Tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện hạ tầng CNTT, đảm bảo xây dựng và tổ chức hệ thống CNTT một cách thống nhất, đồng bộ cả về nghiệp vụ và giải pháp kỹ thuật theo hướng sẵn sàng tích hợp dữ liệu và khả năng xử lý các sự cố trong trường hợp cần thiết. Hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, nhất là các bộ sưu tập số hoá toàn văn, với tiêu chí trước mắt có thể theo đặc điểm chung, theo liên hiệp và tiến tới theo khu vực và toàn quốc.
Cần xây dựng được chiến lược, kế hoạch đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng CNTT, chú trọng công tác lập kế hoạch để bám sát các mục tiêu của ngành, của đơn vị, đồng thời điều chỉnh nhanh chóng, kịp thời các phát sinh trong quá trình triển khai hệ thống CNTT.
Xây dựng các dịch vụ khai thác thông tin và hỗ trợ người sử dụng một cách phù hợp, tiến hành triển khai các dịch vụ trao đổi thông tin trong và ngoài nước.
Bốn là: Tăng cường ngân sách đầu tư cho CNTT một cách dài hạn.
Theo xu hướng phát triển của CNTT, sự phát triển ngành Thư viện cũng như đòi hỏi ngày càng cao của người sử dụng, trong thời gian tới nhà nước cần tăng cường đầu tư ngân sách cho ứng dụng CNTT, nâng cấp hệ thống CNTT hiện có để đáp ứng các thay đổi về yêu cầu quản lý hoạt động thư viện bao gồm cả hạ tầng, Internet, phần mềm thư viện điện tử tích hợp, phần mềm quản trị các bộ sưu tập số, phần mềm bảo mật an toàn thông tin, bảo quản số…
Năm là: Có chế độ ưu đãi đối với nhân lực CNTT.
Thực tế cho thấy có rất nhiều viên chức có trình độ vững vàng về CNTT đã rời bỏ ngành Thư viện sang làm cho các cơ quan, đơn vị khác có thu nhập tốt hơn. Vì vậy, để thu hút được nhân lực CNTT có chất lượng làm việc cho thư viện, cũng như khuyến khích họ gắn bó, làm việc lâu dài, trong thời gian tới Nhà nước cần có chính sách, chế độ ưu đãi về thu nhập, các ưu đãi khác như: học tập, hội nghị - hội thảo trong và ngoài nước, tham gia các đề tài, dự án…
Sáu là: Tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước trong việc củng cố hạ tầng CNTT, nguồn lực thông tin cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực.
5. Đề xuất, kiến nghị
5.1. Đối với Quốc hội, Chính phủ
- Xác định đúng vị trí, vai trò thư viện đối với xã hội, đồng thời đưa nhiều nội dung liên quan đến ứng dụng CNTT vào Dự thảo Luật Thư viện, làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển thư viện số, nhanh chóng hoàn thiện, ban hành Luật Thư viện và các Nghị định hướng dẫn thi hành.
- Điều chỉnh một số nội dung trong các văn bản pháp quy như: Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ… tạo điều kiện thuận lợi để các thư viện xây dựng các nguồn lực dạng số, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.
5.2. Đối với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
- Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động thư viện nói chung và công tác ứng dụng CNTT nói riêng trong hệ thống TVCC, làm cơ sở pháp lý để TVCC phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.
- Tiếp tục tăng cường đầu tư ngân sách để hệ thống TVCC hiện thực hoá các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong việc ứng dụng CNTT của hệ thống TVCC.
- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát định kỳ, có chế độ khen thưởng kịp thời các đơn vị có công tác ứng dụng CNTT hiệu quả, là điển hình tiên tiến.
5.3. Đối với các thư viện công cộng
- Cần lập kế hoạch và xây dựng chương trình cụ thể theo từng giai đoạn trong việc ứng dụng CNTT, mọi hoạt động ứng dụng CNTT luôn bám sát chủ trương của Đảng, phương hướng chỉ đạo của Chính phủ, quy hoạch của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và mục tiêu chung của ngành thư viện trong nước và quốc tế.
- Cần tích cực đóng góp lý luận và thực tiễn đồng thời đề xuất các ý kiến gửi các cơ quan quản lý nhà nước nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến ứng dụng CNTT vào hoạt động thư viện.
- Tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện hạ tầng CNTT, hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm ứng dụng, nhất là phần mềm quản lý thư viện điện tử, đẩy mạnh áp dụng phần mềm quản lý các bộ sưu tập số, ưu tiên nghiên cứu áp dụng phần mềm mã nguồn mở. Tăng cường quảng bá, chia sẻ các phần mềm tiện ích, công cụ hiệu quả do người làm thư viện phát triển.
- Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh phát triển nguồn lực thông tin dạng số, ưu tiên tài liệu địa chí, quý hiếm và tài liệu nằm ngoài phạm vi bảo hộ bản quyền.
- Tăng cường khai thác, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, nhất là những thư viện trong cùng Liên hiệp hoặc cùng khu vực có nhiều điểm chung.
- Tiếp tục thống nhất và chuẩn hoá các chuẩn nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu trong và ngoài nước.
- Nhanh chóng cải thiện chất lượng nhân lực CNTT, có chính sách xây dựng đội ngũ kế cận, đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý cả về thu nhập và các điều kiện học tập nâng cao trình độ, tạo môi trường làm việc thuận lợi để người làm công tác CNTT có thể phát huy năng lực, sở trường và gắn bó lâu dài với thư viện.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT của Bộ Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), ban hành ngày 4/5/2007 về Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
2. Đào Bá Đảm. Bước đột phá trong ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam, URL http://antoanthongtin.vn/Detail.aspx?CatID=c89750d1-fc5f-482b-b5b0-babc105c84de&NewsID=1bd9b0d3-1f1f-49fb-92e4-a12bd471b447, ngày truy cập 20/12/2016.
3. IFLA. IFLA Trend Report, URL: http://trends.ifla.org/, ngày truy cập 20/12/2016
4. M.T. Nghị quyết 36: “Cơ hội vàng” cho CNTT Việt Nam phát triển, URL: http://ictnews.vn/cntt/nghi-quyet-36nqtw/nghi-quyet-36-co-hoi-vang-cho-cntt-viet-nam-phat-trien-120235.ict, ngày truy cập 20/12/2016
5. Thư viện Quốc gia Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị tổng kết hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống thư viện công cộng (2006 - 2016). - Đà Nẵng, 2016.
6. Việt Nam, Bộ Chính trị. Nghị quyết số 36/NQ-TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 1/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
7. Việt Nam, Chính phủ. Nghị định số 72/2002/ NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 06/08/2002 Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện.
8. Việt Nam, Chính phủ. Nghị định số 64/2007/ NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 10/4/2007 về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
9. Việt Nam, Chính phủ. Quyết định số 56/2007/ QĐ-TTg của Chính phủ, ban hành ngày 3/5/2007 về Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam đến năm 2010.
10. Việt Nam, Chính phủ. Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
11. Việt Nam, Chính phủ. Quyết định số 581/QĐ-TTg của Chính phủ, ban hành ngày 06/05/2009 Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020.
12. Việt Nam, Chính phủ. Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 15/04/2015 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36/ NQ-TW.
13. Việt Nam, Quốc hội. Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 của Quốc hội, ban hành ngày 29/06/2006.
14. Việt Nam, Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội. Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10 của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội, ban hành ngày 28/12/2000.
_____________
ThS. Kiều Thuý Nga
Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 1. - Tr. 4-11.
< Prev | Next > |
---|
- Internet với việc quảng bá hoạt động thư viện - thông tin
- Phát triển dịch vụ tham khảo trong thư viện Việt Nam
- Mô hình hành vi thông tin
- Xây dựng sản phẩm thông tin “Hướng dẫn học tập và nghiên cứu theo chủ đề” của các thư viện đại học Việt Nam
- Xây dựng các hướng dẫn sử dụng thư viện trên môi trường web
- PR trong hoạt động thư viện một hướng nhìn mới
- Tài nguyên giáo dục mở và nhận diện các yếu tố tác động đến việc phát triển tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam
- Lưu trữ web - nhiệm vụ của thư viện trong thời đại thông tin số
- Nghiên cứu mô hình phục vụ của thư viện trường học
- Đi tìm động lực mới cho sự phát triển của thư viện công cộng