Dẫn nhập
Giáo dục mở đang ngày càng khẳng định giá trị trong quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Có rất nhiều phương pháp xây dựng và cải tiến nhằm nâng cao chất lượng của giáo dục mở. Một trong những phương pháp quan trọng là xây dựng một hệ thống tài nguyên giáo dục mở chất lượng, được bổ sung và hoàn thiện không ngừng. Bên cạnh đó, việc áp dụng các phương pháp tương tác, truy cập mở (Open Access) cũng là một phần thiết yếu giúp cho quá trình dạy và học đạt được hiệu quả cao. Với sự hỗ trợ từ Internet và các phần mềm mã nguồn mở, việc chia sẻ tài nguyên thông tin và trao đổi tri thức đã trở nên tiện lợi hơn rất nhiều và đang dần trở thành một xu thế chủ đạo trong một nền giáo dục hiện đại.
1. Khái niệm tài nguyên giáo dục mở và truy cập mở
1.1. Khái niệm tài nguyên giáo dục mở
Theo tuyên bố của UNESCO vào tháng 6/2012, tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources - OER) là “các tư liệu dạy, học và nghiên cứu trong bất kỳ phương tiện nào, dù là số hay không, nằm trong miền công cộng hoặc đã được phát hành theo một giấy phép mở cho phép những người khác truy cập, sử dụng, tuỳ biến thích nghi và phân phối lại không mất phí, không có các giới hạn hoặc có các giới hạn được hạn chế. Việc cấp phép mở được xây dựng trong khuôn khổ các quyền sở hữu trí tuệ hiện hành như được các quy ước quốc tế thích hợp xác định và tôn trọng vị thế tác giả của tác phẩm”. Đồng thời, UNESCO kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới công khai giấy phép tài liệu giáo dục, công khai tài trợ cho công chúng sử dụng. Tuyên bố này được coi là một bước ngoặt lịch sử của phong trào phát triển OER [5].
OER có thể được hiểu là bất kỳ tài nguyên nào được thiết kế để sử dụng trong việc dạy và học (bao gồm các chương trình giảng dạy, các tư liệu của khoá học, các sách giáo khoa, các ứng dụng đa phương tiện…) sẵn có, cho phép các giảng viên và sinh viên sử dụng mà không đòi hỏi phải trả các khoản phí bản quyền hoặc giấy phép [2].
Nguồn tài nguyên, học liệu là một phần không thể thiếu trong giáo dục. OER đã xuất hiện như một khái niệm mới khơi dậy tiềm năng to lớn để thay đổi giáo dục, đặc biệt là giáo dục hiện đại [4]. Tính chất truy cập dễ dàng của các OER đã trở thành một trong số những yếu tố tối quan trọng. OER thường tồn tại ở dạng số hoá và có thể được chia sẻ dễ dàng qua Internet. Điểm khác biệt quan trọng giữa một OER và bất kỳ tài nguyên giáo dục nào khác là ở giấy phép của nó. Vì thế, một OER đơn giản là một nguồn tài nguyên giáo dục kết hợp với một giấy phép, tạo thuận lợi cho sử dụng lại và tiềm tàng cho sự tuỳ biến thích nghi, không cần phải có sự cho phép trước từ người nắm giữ bản quyền.
1.2. Khái niệm truy cập mở
Từ góc độ học thuật, truy cập mở nhằm mục đích làm cho các kết quả nghiên cứu sẵn sàng ngay lập tức ở dạng điện tử, không phải trả phí và hầu hết không có các hạn chế về bản quyền hoặc việc cấp phép sử dụng. Do vậy, có thể nói truy cập mở là làm cho các nghiên cứu và tài nguyên mở được truy cập tự do tới tất cả mọi người [9].
Truy cập mở giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu nhờ các lợi ích như: cho phép nghiên cứu được phổ biến nhanh chóng và rộng rãi, giúp quy trình nghiên cứu hiệu quả hơn, nâng cao sự hiểu biết về nghiên cứu của doanh nghiệp, chính phủ và các cơ sở từ thiện. Khái niệm truy cập mở không thể tách rời sự truy cập các nguồn tài nguyên mở trực tuyến. Vì vậy, sẽ không có giới hạn các kết quả nghiên cứu được xuất bản. Để phát huy hơn nữa tác dụng của truy cập mở, các trường đại học cần hỗ trợ tốt các cách thức xuất bản truy cập mở và làm gia tăng sự truy cập công khai tới các kết quả nghiên cứu.
Có 2 cơ chế cho truy cập mở. Hai cơ chế đó thường được gọi là các con đường 'vàng' và 'xanh' ('gold' and 'green') tới truy cập mở [7]:
Hình 1. Hai con đường vàng - xanh đến truy cập mở [7]
Đường màu vàng thể hiện việc xuất bản cho phép truy cập nhanh chóng tới bất kỳ nơi nào thông qua Internet và không mất tiền. Các nhà xuất bản có thể bù đắp các chi phí của họ thông qua một số cơ chế, như thông qua các thanh toán từ các tác giả được gọi là các khoản tiền xử lý bài báo - APCs (Article Processing Charges) hoặc thông qua quảng cáo, tài trợ hoặc các khoản thu khác.
Đường màu xanh thể hiện việc lưu kết quả nghiên cứu đã được thẩm định lần cuối vào kho lưu trữ điện tử. Sự truy cập tới kết quả nghiên cứu có thể được cho phép ngay hoặc sau một khoảng thời gian đạt được sự thoả thuận với tác giả.
Các chính phủ và các nhà cấp vốn nghiên cứu, ở cả quốc gia lẫn quốc tế, gần đây đã khuyến khích sự dịch chuyển sang hướng mở, trong đó có sự ưu tiên hướng tới truy cập mở. Điều này bắt nguồn từ quan điểm rằng sự tự do truy cập và sử dụng các kết quả nghiên cứu có những lợi ích đáng kể đối với các tác giả, sinh viên, các cơ quan cấp vốn và các cơ sở giáo dục đại học. Để truy cập mở được triển khai tốt, cần có kế hoạch thực hiện và sự ủng hộ rộng rãi.
Từ góc độ người học, cụ thể là sinh viên, truy cập mở làm cho các nguồn tài nguyên học tập sẵn có trên mạng và cho phép sinh viên truy cập tự do mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Do tính chất của quá trình truy cập tự do, sinh viên sẽ dễ dàng tiếp cận được các nguồn tài nguyên mới nhanh hơn và nhiều hơn. Điều này góp phần không nhỏ trong việc cung cấp nguồn học liệu giúp cho sinh viên học tập và trau dồi kỹ năng tốt hơn.
2. Vai trò của tài nguyên giáo dục mở và truy cập mở đối với các trường đại học
Hiện nay, đã có nhiều dịch vụ truy cập mở được triển khai khắp nơi trên thế giới và Việt Nam. Dịch vụ truy cập mở đem đến cho người dùng khả năng truy cập miễn phí các nguồn tài nguyên điện tử trên thế giới, bao gồm tạp chí, sách điện tử, cơ sở dữ liệu. Việc triển khai OER và truy cập mở góp phần hỗ trợ các trường đại học trong việc không ngừng nâng cao chất lượng các nguồn tài nguyên giáo dục, làm cho hệ thống ngày càng hiện đại và chất lượng hơn. Dựa trên sự đóng góp và xây dựng từ nhiều phía (nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, chuyên gia giáo dục...), OER ngày càng được bổ sung và hoàn thiện hơn.
Ngoài ra, việc cho phép truy cập đến OER sẽ hỗ trợ các trường đại học trong việc đề ra và cải thiện chính sách, chiến lược giáo dục ngày càng tốt hơn. Các trường đại học sẽ nắm bắt được nhiều hơn nhu cầu của người học, những đóng góp của đội ngũ giảng viên, các nhà nghiên cứu để đưa ra những kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục tốt hơn trong tương lai.
Truy cập mở đến các kết quả nghiên cứu sẽ hỗ trợ quá trình nghiên cứu được thuận lợi hơn, dễ dàng chia sẻ tri thức, phổ biến các công trình khoa học đến công chúng. Từ đó sẽ giúp các nhà nghiên cứu liên kết với nhau trong một mạng lưới rộng lớn, giúp cho họ có định hướng tốt và nâng cao chất lượng nghiên cứu của mình.
Truy cập mở đến OER sẽ góp phần hỗ trợ các trường đại học trong việc xây dựng và hoàn thiện các khung chương trình đào tạo và kế hoạch đào tạo. Quá trình truy cập mở sẽ giúp họ thu thập được nhiều hơn các ý kiến đóng góp, đề xuất và qua đó dần có những thay đổi phù hợp đối với các kế hoạch đào tạo. Bên cạnh đó, truy cập mở dưới hình thức các diễn đàn thảo luận cũng sẽ hỗ trợ các trường đại học tiếp nhận các phản hồi tốt hơn, phục vụ cho công tác dạy và học đạt chất lượng cao hơn.
Một vai trò khác khá quan trọng của truy cập mở đến OER đó là giúp sinh viên có được nhiều hơn các nguồn tài liệu học tập và cơ hội để tham gia vào quá trình giáo dục hiệu quả hơn. Bằng việc sử dụng mạng lưới truy cập mở đến OER, sinh viên không chỉ tiếp cận tri thức nhanh hơn mà còn có nhiều cơ hội mở rộng hiểu biết, được giải đáp thắc mắc thông qua học tập tương tác và trao đổi với giáo viên.
3. Cơ hội và thách thức truy cập mở đem lại cho các trường đại học
Truy cập mở ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của các trường đại học. Nó mở ra cơ hội lớn cho tất cả các trường, giúp họ có những kế hoạch chiến lược mới phù hợp, giúp cải tiến quá trình dạy học và nghiên cứu đạt kết quả cao hơn.
Tuy nhiên, để xây dựng được các nguồn OER chất lượng, cần có sự nỗ lực từ nhiều phía và nhiều thời gian để không ngừng hoàn thiện nó. Bên cạnh đó, một thách thức không nhỏ là nhận thức của nhiều trường đại học còn theo lối cũ, tư duy cũ, chưa thực sự nắm được xu thế và tinh thần tự do chia sẻ các nguồn OER. Điều này cộng thêm sự non yếu về các nền tảng công nghệ mới hỗ trợ quá trình truy cập mở đã kìm hãm sự lan toả và phát triển của mạng lưới giáo dục mở.
Do vậy, điều cấp thiết hiện nay đối với các trường đại học là cần có những hoạch định chiến lược phù hợp để triển khai OER và truy cập mở. Các trường đại học cần xem xét các điều kiện hiện có của cơ sở, những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xây dựng các OER, các nền tảng công nghệ hỗ trợ chia sẻ và đóng góp, sự chuẩn bị từ phía đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu và người học.
Một nền tảng vững chắc ban đầu sẽ giúp cho mạng lưới giáo dục mở phát triển tốt hơn trong tương lai. Trong quá trình cải tiến không ngừng đó không thể thiếu sự đóng góp, không ngừng hoàn thiện chất lượng OER và sự hỗ trợ lan toả mạng lưới truy cập rộng rãi và tiện lợi cho mọi đối tượng tham gia vào quá trình giáo dục.
4. Xu hướng sử dụng tài nguyên giáo dục mở ở nước ngoài
OER là một công cụ hỗ trợ tất cả mọi người trong xã hội để họ có cơ hội nắm bắt thông tin, làm giàu kiến thức và đáp ứng nhu cầu tự học, tự nghiên cứu của bản thân. OER chứa nguồn tài liệu được số hoá khổng lồ của nhân loại và cho phép mọi đối tượng được tiếp cận với tri thức, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau. Nó tạo thuận lợi cho việc học tập nhờ có những lợi ích từ ưu thế chính là mở, có thể học mọi lúc, mọi nơi và miễn phí. Do đó, OER giúp cải thiện chất lượng giáo dục trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo hoặc các nước đang phát triển, nơi mà có nhiều người không có khả năng trả chi phí cho việc mua sách vở, đến trường lớp hoặc thiếu giáo viên và các chương trình đào tạo. Đối với các nước khác, OER cũng là cơ hội giúp mọi người tiết kiệm đáng kể các khoản đầu tư cho giáo dục.
Phong trào sử dụng OER trong giáo dục và xu hướng chuyển sang hướng mở đã có từ lâu trên thế giới. Quá trình này vẫn còn đang tiếp diễn và sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Đã có rất nhiều trường đại học trên thế giới thành công trong mô hình giáo dục mở của họ. Mạng lưới chia sẻ các OER trên thế giới là rất rộng lớn và sẽ luôn được cải thiện, nâng cao chất lượng [10].
Cùng với các chính phủ, các cơ quan quốc tế, các tổ chức tư nhân vì lợi nhuận và phi lợi nhuận, các đối tác chiến lược đã và đang tham gia trong việc hỗ trợ tài chính cho sự phát triển của mạng lưới OER. Với sự xuất hiện của Internet và dòng chảy các nguồn tài nguyên số hoá khổng lồ, việc chia sẻ tri thức và các nguồn tài nguyên giáo dục đã trở nên tiện lợi rất nhiều. Đối tượng chia sẻ và tiếp nhận cũng được mở rộng hơn, cùng với đó là sự phát triển như vũ bão của các nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông đã góp phần quan trọng trong sự thành công của các mạng lưới giáo dục mở trên thế giới.
Rất nhiều khoá học trực tuyến đã ra đời, sự thành công của học tập tương tác, sự đóng góp không ngừng của các nhà nghiên cứu đã giúp cho các trường đại học trên thế giới phát triển rất nhanh trong những thập kỷ qua. Xu hướng này sẽ luôn tiếp diễn và chất lượng của quá trình giáo dục nhờ đó được nâng cao hơn nữa trong tương lai.
5. Hiện trạng sử dụng tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam
Năm 2005, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của phong trào khoá học mở (Open Course Ware - OCW)/ OER toàn cầu. Chương trình OER của Việt Nam đã giúp cho các cơ sở giáo dục, đội ngũ giảng viên và người học có nhiều cơ hội hơn để truy cập tự do các nguồn học liệu mở ở trong và ngoài nước, đóng góp vào kho tàng OER tiếng Việt bằng việc sử dụng các công cụ phần mềm thích hợp. Tuy nhiên, thói quen dạy học theo truyền thống, thái độ thờ ơ, thiếu sự chia sẻ là các thách thức không nhỏ trong việc sử dụng rộng khắp nguồn OER ở Việt Nam [8].
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2015, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với hơn 65% dân số dưới độ tuổi 30. Đây là một lợi thế lớn cho quốc gia vì đội ngũ lao động trẻ là yếu tố quan trọng góp phần đưa đất nước phát triển mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tận dụng hiệu quả nguồn lao động tiềm năng này vì chất lượng của lực lượng lao động còn thấp. Một trong số những nguyên nhân chính là do hệ thống giáo dục vẫn còn nhiều điểm yếu và đang cản trở quá trình trang bị các tri thức phù hợp và các kỹ năng làm việc cần thiết cho sinh viên [8].
Việt Nam có kết nối Internet vào năm 1997 và sau đó nhanh chóng trở thành một trong những nước phát triển nhanh nhất châu Á về công nghệ thông tin và truyền thông. Tận dụng lợi thế này, một số trường đại học lớn ở Việt Nam đã dần dần áp dụng các hệ thống học tập điện tử vào trong các hoạt động dạy và học của họ. Tuy nhiên, sau 5 năm, học tập điện tử ở các trường đại học Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn rất sơ khai [3]. Các trường tuy đã triển khai thành công hệ thống quản lý học tập (LMS) đơn giản, nhưng đã không lôi cuốn được đội ngũ giảng viên sử dụng hệ thống trong việc dạy học hàng ngày của họ.
Giảng viên vẫn chưa tham gia nhiều trong các hoạt động diễn đàn với sinh viên. Do vậy, chức năng tích cực nhất của hệ thống là diễn đàn vẫn chưa thể phát huy hết tác dụng của nó. Diễn đàn học tập hiệu quả phải là nơi các sinh viên có thể nêu các câu hỏi và các ý tưởng, được giải đáp và trao đổi, chia sẻ tài liệu. Từ 2008 tới nay, số lượng các trường đại học có các hệ thống học tập điện tử dựa vào hệ thống phần mềm nguồn mở Moodle đã gia tăng. Tuy nhiên, số lượng giảng viên sử dụng hệ thống này vẫn chưa cao, chủ yếu vẫn là giảng viên trẻ trong các trường đại học có thế mạnh về công nghệ.
Cùng với sự phát triển của học tập điện tử ở Việt Nam, các OCW/OER đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các giảng viên và sinh viên có thể truy cập tự do tới các tài nguyên có giá trị trên môi trường trực tuyến.
Từ năm 2005, Việt Nam đã áp dụng OCW của MIT (Massachusetts Institute of Technology) bằng việc thiết lập máy chủ địa phương, như một bản sao nguồn tài nguyên của MIT OCW, cho phép các giảng viên và sinh viên truy cập các tài nguyên mở. Sau 3 tháng khởi xướng chương trình OCW/ OER, các thành viên đội dự án đã nhận thấy các khó khăn sau đây có thể hạn chế Việt Nam sử dụng trực tiếp MIT OCW:
- Tri thức nền tảng khác nhau của sinh viên Việt Nam.
- Các kỹ năng tiếng Anh bị hạn chế của sinh viên Việt Nam.
- Phương pháp luận dạy và học khác nhau của giảng viên và sinh viên.
- Sự truy cập bị hạn chế đối với sinh viên Việt Nam tới các tài liệu tham khảo.
Cũng vào thời điểm đó, đội dự án đã phát hiện rằng Đại học Rice đã phát triển phần mềm Conne- xions, một công cụ giáo dục mạnh cho phép các tác giả chia sẻ các tư liệu giáo dục của họ thông qua World Wide Web giúp người dùng tự do sử dụng và sử dụng lại.
Một trang web OER (www.voer.edu.vn) cho cộng đồng giáo dục Việt Nam, dựa vào phần mềm Connexions, đã được khởi xướng đầy đủ vào năm 2008 để chia sẻ tiếp các tư liệu giáo dục. Sau 4 năm vận hành, đội chương trình OER Việt Nam (VOER) đã phổ biến tập huấn phần mềm cho hơn 1.000 giáo viên ở khoảng 25 trường đại học. Hiện nay, trang web đó lưu trữ hơn 20.000 module, cho phép các giảng viên dễ dàng tìm kiếm và truy xuất các tư liệu tài nguyên thích hợp để xây dựng các bài giảng hoặc các cuốn sách giáo khoa của họ. Các tư liệu đó sẵn sàng tự do theo giấy phép Creative Commons Attribution (CC BY phiên bản 3.0) và đã được chuyển ngữ thành công sang ngôn ngữ tiếng Việt vào năm 2007 [6].
Việt Nam có thể tận dụng đầy đủ các cơ hội để cải tiến hệ thống giáo dục của mình với chi phí thấp nhất [3]. Cùng với sự phát triển của các dịch vụ giải trí công nghệ cao và các dịch vụ giá trị gia tăng khác, các trò chơi trực tuyến trên các mạng xã hội đã nắm bắt được mối quan tâm của công chúng và thời gian trực tuyến của họ. Kết quả là, có nhu cầu ngày một gia tăng về tầm nhìn lâu dài cho việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ cho các mục tiêu giáo dục và huấn luyện. Việt Nam cần nhận diện ra những vấn đề chính ảnh hưởng tới hệ thống giáo dục và đưa ra sự hỗ trợ nhiều hơn cho sự phát triển hệ thống giáo dục nói chung.
Để sử dụng có hiệu quả nhất nguồn OER, các trường đại học ở Việt Nam cần có các kỹ năng cốt lõi. Nhận thức tầm quan trọng của việc xây dựng và sử dụng nguồn OER là chưa đủ, trường đại học cần có các phương pháp và chiến lược thực hiện cụ thể. Trước tiên, trường đại học phải nắm vững mục tiêu và thúc đẩy sự phát triển của OER. Tư tưởng này rất quan trọng và nó phải luôn được dùng như kim chỉ nam hành động. Song song đó, các trường đại học phải nắm vững tính pháp lý để phục vụ cho việc cấp phép các tài nguyên mở. Tuy rằng ít hạn chế, nhưng các tài nguyên mở cũng cần có những giấy phép quy định một số quyền hạn và cấp quyền sử dụng [1].
Một vấn đề khác không thể thiếu là trường đại học cần tinh thông trong thiết kế và phát triển chương trình, khoá học và các OER. Họ cần nhiều sự hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện việc này. Một số điểm quan trọng khác mà trường đại học cần chú ý là: quản lý và chia sẻ OER có hiệu quả, giám sát và xây dựng các quy trình đánh giá, quản lý tốt đội ngũ tham gia đào tạo, nâng cao chất lượng của làm việc hợp tác [8].
Kết luận
OER và truy cập mở đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Đã có rất nhiều trường đại học ở khắp nơi trên thế giới thành công với mô hình truy cập mở đến các OER. Nắm bắt được xu thế chủ đạo đó, giáo dục đại học Việt Nam cần có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để hoà vào dòng chảy tri thức của nhân loại và nâng cao chất lượng giáo dục. Để giáo dục mở của Việt Nam phát triển, đòi hỏi các giải pháp thích hợp và lâu dài, cũng như sự nỗ lực từ các cơ sở đào tạo, các trường đại học và giảng viên, sinh viên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chuyển hệ thống giáo dục cứng nhắc sang giáo dục mở. http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chuyen-he-thong-giao-duc-cung-nhac-sang-giao-duc-mo-1380111243.htm.
2. Học liệu mở và các khái niệm cơ bản. Http:// vnn.vietnamnet.vn/giaoduc/2007/09/745043.
3. Kỷ yếu hội thảo: Xây dựng nền tảng học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam. - H., 2015.
4. Những khái niệm cơ bản liên quan tới tài nguyên giáo dục mở. http://edu.net.vn/media/p/ 455708.aspx.
5. OER và ứng dụng trong giáo dục. Http:// huc.edu.vn/chi-tiet/3805/OER-va-ung-dung-trong-giao-duc.html.
6. Thư viện Học liệu Mở Việt Nam (VOER). Http:// voer.edu.vn/.
7. Truy cập mở là gì? http://vnfoss.blogspot.com/ 2016/07/truy-cap-mo-la-gi.html.
8. Gajaraj Dhanarajan and David Porter. Open Educational Resources: An Asian Perspective // Commonwealth of Learning and OER Asia, Vancouver.
9. Neil Butcher. A Basic Guide to Open Educa- tional Resources (OER). - UNESCO and COL, 2015.
10. Mundy, D. and Geskell, C. Dimensions of openness in MOOC environments, 2013.
____________
ThS. Nguyễn Danh Minh Trí
Khoa Thư viện - Thông tin học, ĐHKHXH&NV Tp. HCM
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 1. - Tr. 48-53.
< Prev | Next > |
---|
- Nghiên cứu tình huống và việc áp dụng trong giảng dạy sinh viên ngành Thư viện - Thông tin tại các trường đại học ở Việt Nam
- Ứng dụng subject guides trong hoạt động thư viện - thông tin
- Thực trạng và giải pháp công tác giảng dạy, học tập môn xử lý thông tin ở Việt Nam
- Đánh giá và nâng cao chất lượng hoạt động thư viện trường phổ thông trong thế kỷ XXI
- Đào tạo nguồn nhân lực thư viện - thông tin vừa đáp ứng nhu cầu, vừa làm thay đổi nhu cầu xã hội
- Nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động marketing trong thư viện công cộng
- “Không gian chia sẻ S.hub” - Mô hình dịch vụ thư viện đổi mới tại Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ trong thời đại công nghệ số
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công cộng
- Internet với việc quảng bá hoạt động thư viện - thông tin