Xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động thư viện - thông tin đối với thư viện chuyên ngành, đa ngành

E-mail Print

Đặt vấn đề

Hoạt động thư viện - thông tin (TVTT) là tổng hợp các quá trình thu thập, xử lý, lưu trữ, bảo quản và phổ biến thông tin theo một quy trình, quy tắc nghiệp vụ TVTT nhằm phục vụ cho hoạt động, nhu cầu khác nhau của con người [8].

Đánh giá chất lượng hoạt động TVTT nhằm cải thiện, tìm ra những gì chưa làm và những gì cần phải làm, nhằm phát huy điểm mạnh cũng như khắc phục các điểm hạn chế trong quá trình hoạt động, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TVTT mang một ý nghĩa vô cùng to lớn trong công tác thư viện hiện nay. Có thể nói đây là một trong những khâu có vai trò quan trọng không chỉ đối với các cơ quan TVTT mà còn đối với cả các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách cho sự phát triển của hệ thống thư viện của một quốc gia, bởi lẽ việc xây dựng các tiêu chí đánh giá sẽ tạo ra một công cụ đo lường hỗ trợ cho các thư viện, trung tâm TVTT, các nhà quản lý nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu trong hoạt động TVTT ở cả tầm vĩ mô và vi mô.

Theo Pháp lệnh Thư viện, thư viện chuyên ngành, đa ngành bao gồm các loại hình: thư viện của viện, trung tâm nghiên cứu khoa học; thư viện nhà trường và cơ sở giáo dục khác; thư viện của cơ quan Nhà nước; thư viện của đơn vị vũ trang; thư viện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp [5].

Trong những năm qua, hoạt động TVTT tại các thư viện chuyên ngành, đa ngành đã có nhiều chuyển biến quan trọng và dần trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hoạt động quản lý tại các cơ quan, bộ, ngành, thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu khoa học tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, trường học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ của nước nhà. Việc xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động TVTT đối với thư viện chuyên ngành, đa ngành mang một ý nghĩa quan trọng bởi các lý do sau:

Thứ nhất,xuất phát từ vai trò, hệ thống tiêu chí đánh giá là công cụ đo lường đánh giá chất lượng hoạt động TVTT, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý thư viện, trung tâm TVTT và người đứng đầu thư viện có thể nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu trong hoạt động TVTT, từ đó cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động thư viện đáp ứng nhu cầu thông tin của người dùng tin.

Thứ hai,trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay mặc dù đã có nhiều bộ chỉ số/ tiêu chí đánh giá hoạt động thư viện, tuy nhiên chưa có một bộ tiêu chí có tính phổ quát áp dụng cho thư viện chuyên ngành, đa ngành (theo cách phân chia loại hình thư viện của Pháp lệnh Thư viện). Việc xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá một cách phổ quát sẽ tạo điều kiện cho tất cả các loại hình thư viện thuộc nhóm thư viện chuyên ngành, đa ngành có thể áp dụng một cách rộng rãi. Trong bài viết này, tác giả đề xuất hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động thư viện cho thư viện chuyên ngành, đa ngành với hy vọng sẽ là một công cụ hữu hiệu để đánh giá, kiểm định chất lượng hoạt động TVTT.

1. Hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động thư viện - thông tin

Hiện nay, trên thế giới đã xây dựng một số tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động TVTT có thể kể đến như: chuẩn đánh giá kết quả hoạt động và tác động dành cho thư viện công cộng của UNESCO/ IFLA, tiêu chí đánh giá thư viện phổ thông của IFLA… Trên cơ sở kế thừa cũng như căn cứ theo tình hình thực tiễn hoạt động của thư viện chuyên ngành, đa ngành tại Việt Nam, tác giả đề xuất hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động TVTT như sau:

1.1. Nhóm tiêu chí về chất lượng hoạt động chuyên môn nghiệp vụ

Công tác xây dựng và phát triển nguồn lực thông tin

Công tác xây dựng và phát triển nguồn lực thông tin phải đảm bảo các tiêu chí: Có chiến lược phát triển nguồn lực thông tin rõ ràng, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, đặc điểm nhu cầu tin của người dùng tin mà thư viện có trách nhiệm phục vụ, ngoài ra còn phải phù hợp với điều kiện tài chính của thư viện để cân đối cho hợp lý. 

Công tác xử lý tài liệu

Việc xử lý tài liệu cần được đảm bảo các tiêu chí: chính xác, đầy đủ, cập nhật, hệ thống, trong đó:

- Tính chính xác: Đảm bảo sự chính xác về hình thức và nội dung tài liệu, đảm bảo việc xử lý tài liệu phản ánh một cách chân thực nhất bản chất của tài liệu, giúp cho công tác khai thác, sử dụng thuận tiện, dễ dàng.

- Tính đầy đủ được thể hiện ở các nội dung: đầy đủ về các dạng thức xử lý tài liệu như xử lý hình thức, xử lý nội dung; đầy đủ về nội dung thông tin đề cập trong quá trình xử lý tài liệu.

- Tính cập nhật được thể hiện ở khía cạnh: khả năng cập nhật, bổ sung thông tin trong quá trình xử lý tài liệu để có thể chỉnh sửa những bất cập trong quy trình xử lý tài liệu, giúp cho việc xử lý thông tin không ngừng được hoàn thiện và nâng cao.

- Tính hệ thống được thể hiện ở các khía cạnh như: sự thống nhất của quá trình sử dụng các chuẩn nghiệp vụ trong xử lý tài liệu, sự phân cấp của tài liệu (tài liệu cấp 1, cấp 2, cấp 3) trong quá trình xử lý nội dung thông tin.

Công tác lưu trữ và bảo quản tài liệu

Lưu trữ và bảo quản bao gồm 03 tiêu chí cơ bản đó là: đảm bảo yêu cầu về quản lý tài liệu trong kho; đảm bảo các trang thiết bị về lưu trữ bảo quản tài liệu và các biện pháp kỹ thuật về bảo quản lưu trữ tài liệu.

Công tác tìm và phổ biến thông tin

Tìm và phổ biến thông tin phải đảm bảo các tiêu chí: Bộ máy tra cứu linh hoạt, sản phẩm và dịch vụ thông tin đa dạng, kịp thời đáp ứng với nhu cầu của người dùng tin.

- Bộ máy tra cứu tin đầy đủ, linh hoạt: thể hiện ở các đặc điểm: phản ánh được đầy đủ, có hệ thống về nguồn lực thông tin của thư viện; đa dạng, đa phương thức truy nhập, đơn giản, tiện dụng đảm bảo cho người dùng tin có thể tìm kiếm ở bất kỳ khi nào và bất kỳ nơi đâu và đặc biệt có khả năng cập nhật kịp thời các nguồn thông tin bổ sung vào thư viện.

- Sản phẩm và dịch vụ thông tin đa dạng, kịp thời, dễ tiếp cận đáp ứng với nhu cầu của người dùng tin thể hiện qua tính đầy đủ của các sản phẩm, dịch vụ mà thư viện có trách nhiệm cung cấp cho người dùng tin và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện, cơ quan TVTT do đơn vị chủ quản quy định.

- Ngoài ra, sản phẩm, dịch vụ TVTT còn phải đảm bảo tính kịp thời, và dễ tiếp cận nhằm thu hút người dùng tin thường xuyên đến sử dụng các sản phẩm, dịch vụ TVTT.

1.2. Nhóm tiêu chí về mức độ đáp ứng nhu cầu thông tin

Hoạt động TVTT nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu tin của người dùng tin mà thư viện có trách nhiệm phục vụ. Vì vậy, một trong những nhóm tiêu chí để đánh giá hoạt động TVTT là mức độ đáp ứng nhu cầu thông tin của thư viện. Nhóm tiêu chí này bao gồm các tiêu chí cụ thể như sau:

Mức độ sử dụng nguồn lực thông tin của người dùng tin

Tiêu chí này được xem xét trên các phương diện như: lượt người dùng tin đến sử dụng thư viện, lượt người dùng tin truy cập khai thác tài liệu qua hệ thống Internet/ trang thông tin điện tử của thư viện; lượt tài liệu phục vụ tại thư viện.

Ngoài ra, mức độ sử dụng nguồn lực thông tin của người dùng tin còn được thể hiện qua tần suất sử dụng thư viện và sử dụng tài liệu của người dùng tin, lượt tài liệu quay vòng được sử dụng của thư viện.

Mức độ hài lòng của người dùng tin khi sử dụng thư viện

Tiêu chí này được đánh giá sau khi người dùng tin sử dụng thư viện và các sản phẩm, dịch vụ thư viện, tiêu chí này được đánh giá thông qua thang điểm đánh giá đối với từng sản phẩm, dịch vụ TVTT (tuỳ vào mức độ khảo sát khác nhau của các đợt nghiên cứu đánh giá về mức độ hài lòng của người dùng tin).

1.3. Nhóm tiêu chí về mức độ đầu tư của cơ quan chủ quản đến hoạt động thư viện - thông tin

Vừa là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động TVTT, vấn đề về mức độ đầu tư của cơ quan chủ quản cũng là một trong những tiêu chí đánh giá hoạt động TVTT của mỗi cơ quan, bởi lẽ hoạt động TVTT đòi hỏi một sự quan tâm đầu tư từ phía cơ quan chủ quản đặc biệt là nhân lực, vật lực và tài lực. Tuy nhiên, đối với nhiều cơ quan, hoạt động TVTT chỉ là một phần trong rất nhiều các hoạt động khác, thậm chí có những hoạt động ngoài hoạt động TVTT được cơ quan chủ quản ưu tiên phát triển. Như vậy, nếu như hoạt động TVTT không thể hiện được vị trí, vai trò, chức năng của mình đối với các hoạt động chung của cơ quan chủ quản, thì mức độ đầu tư, sự ưu tiên của cơ quan chủ quản đối với hoạt động thư viện sẽ giảm sút, thậm chí là sẽ bị sáp nhập với các đơn vị khác, loại bỏ khỏi hoạt động chung của cơ quan chủ quản.  

Chỉ tiêu về mức độ đầu tư của cơ quan chủ quản với hoạt động thư viện được nhìn nhận thông qua các con số về mức độ đầu tư như: kinh phí chi cho các hoạt động TVTT, nguồn nhân lực thư viện, cơ sở vật chất qua từng năm, từng giai đoạn, thời kỳ nhất định.

1.4. Những tác động, hiệu ứng mà hoạt động thư viện mang lại

Nhóm tiêu chí này nhằm đánh giá hoạt động thư viện dựa trên việc xác định vị trí của thư viện thông qua những tác động, hoạt động thư viện đối với các nhiệm vụ cơ quan chủ quản được tham gia, hiệu ứng xã hội mà hoạt động thư viện mang lại.

2. Khung tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động thư viện - thông tin

Từ các tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động TVTT, tác giả khái quát khung tiêu chí đánh giá theo bảng sau:

alt

alt

Bảng 1: Khung tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động TVTT

3. Một số khuyến nghị về triển khai áp dụng

Hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động TVTT được xây dựng dựa trên thực tiễn hoạt động của các loại hình thư viện thuộc nhóm thư viện chuyên ngành, đa ngành, do vậy, để đảm bảo tính khả thi khi triển khai áp dụng hệ thống các tiêu chí đánh giá cần áp dụng một số các giải pháp như sau:

3.1. Lượng hoá các tiêu chí

Hiện tại các tiêu chí tác giả đề xuất vẫn mang định tính, bởi lẽ tuỳ theo từng loại hình thư viện khác nhau, sẽ có những hiệu quả hoạt động khác nhau, do đặc trưng, đặc thù của từng loại hình thư viện. Vì vậy, cần có thêm định lượng các tiêu chí đánh giá. Việc định lượng các tiêu chí đánh giá phụ thuộc vào đặc thù của các loại hình thư viện, vì vậy, khi triển khai áp dụng đối với từng loại hình thư viện cần lượng hoá thành các chỉ tiêu thống kê, với đơn vị tính, cách tính, cách thu thập số liệu một cách rõ ràng và có “mức sàn” để đánh giá hiệu quả hoạt động.

3.2. Triển khai thí điểm sử dụng hệ thống tiêu chí đánh giá

Việc triển khai thí điểm sử dụng nhằm mục đích khẳng định tính khả thi khi triển khai sử dụng hệ thống tiêu chí đánh giá; như đã đề cập ở trên, theo quy định của Pháp lệnh thư viện, nhóm thư viện chuyên ngành, đa ngành bao gồm nhiều loại hình thư viện khác nhau, vì vậy, đối tượng áp dụng cần có sự lựa chọn mang tính đại diện, trong đó chú trọng đến các thư viện đầu ngành của từng loại hình thư viện. Riêng đối với loại hình thư viện trong các nhà trường và cơ sở giáo dục đặc biệt là trường phổ thông các cấp học, cần có sự lựa chọn theo tính đại diện của từng vùng miền và từng cấp học.

Thời gian áp dụng thí điểm cần được kéo dài từ 06 tháng đến 01 năm, sau đó có các tổng kết đánh giá về kết quả đã đạt được từ việc sử dụng các tiêu chí đánh giá chất lượng để từ đó có sự lựa chọn sử dụng, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình hoạt động của từng loại hình thư viện.

3.3. Triển khai diện rộng sử dụng tiêu chí đánh giá

Công đoạn này sẽ gặp hai khó khăn lớn. Thứ nhất, số lượng thư viện chuyên ngành, đa ngành hiện nay rất lớn, với nhiều loại hình thư viện khác nhau: chỉ tính riêng thư viện của nhà trường và các cơ sở giáo dục đã có: hơn 400 thư viện thuộc khối đại học, cao đẳng và học viện, hơn 27.000 thư viện trường phổ thông các cấp (nguồn số liệu của Nhà xuất bản Giáo dục); chưa kể hệ thống thư viện trong quân đội, thư viện thuộc các bộ, ngành, viện nghiên cứu, thư viện của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội... Thứ hai, hiện nay, hệ thống quản lý nhà nước về thư viện tại Việt Nam còn gặp nhiều bất cập, nhiều chồng chéo; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch được Chính phủ giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển thư viện (theo Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 72/2002/NĐ-CP), tuy nhiên tầm ảnh hưởng mới chỉ “vươn tới” hệ thống thư viện công cộng, chưa có cơ chế phối hợp và sự thống nhất trong quản lý nhà nước về thư viện giữa các bộ, ngành có liên quan.

Như vậy, để triển khai diện rộng sử dụng các tiêu chí đánh giá, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết hai khó khăn lớn nêu trên là:

Thứ nhất,xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động TVTT áp dụng thống nhất đối với thư viện chuyên ngành, đa ngành. Các tiêu chí đánh giá này sau khi được lượng hoá thành số liệu sẽ trở thành các chỉ tiêu thống kê hàng năm mà các thư viện, trung tâm TVTT cần phải thực hiện. Việc xây dựng chế độ thống kê hàng năm theo quy định của pháp luật cần có sự phân công cụ thể trách nhiệm của từng bộ, cơ quan ngang bộ, trong việc thu thập, phân tích, tổng hợp số liệu.

Thứ hai,xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với thư viện chuyên ngành, đa ngành nói chung và đối với việc triển khai thực hiện thu thập các số liệu để đánh giá chất lượng hoạt động của thư viện nói riêng, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao vai trò, vị trí, vị thế quản lý nhà nước về thư viện của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đối với thư viện chuyên ngành, đa ngành.

Thứ ba,gắn đánh giá chất lượng hoạt động với việc phân hạng, xếp hạng các thư viện, trung tâm TVTT chuyên ngành đa ngành. Hiện nay, đối với hệ thống thư viện công cộng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Thông tư số 67/2006/TT-BVHTT xếp hạng thư viện, tuy nhiên đối với thư viện chuyên ngành, đa ngành, chưa có quy định về phân hạng, xếp hạng thư viện. Đây là một lỗ hổng khá lớn trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với thư viện chuyên ngành, đa ngành. Tuy nhiên, để khuyến khích đầu tư, cũng như nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động thư viện, việc phân hạng thư viện đối với thư viện chuyên ngành, đa ngành cần gắn với hiệu quả, chất lượng hoạt động của thư viện.

Thứ tư,đánh giá chất lượng hoạt động TVTT cần có một tổ chức độc lập để thực hiện đảm bảo tính khách quan, chính xác trong kết quả đánh giá. Tổ chức này có trách nhiệm thu thập, xử lý các dữ liệu bao gồm cả những dữ liệu định tính và dữ liệu định lượng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan chủ quản. Định kỳ hàng năm sẽ công bố các dữ liệu đánh giá, xếp hạng các thư viện chuyên ngành, đa ngành trong cả nước thông qua các chỉ số về chất lượng hoạt động thư viện.

Tổ chức đánh giá này cần có mạng lưới rộng khắp (bởi lẽ thư viện chuyên ngành, đa ngành có nhiều loại hình khác nhau) và độc lập với cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan quản lý thư viện.

Kết luận

Đánh giá chất lượng hoạt động TVTT là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong tiến trình nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành Thư viện Việt Nam nói chung và đối với các loại hình thư viện thuộc nhóm thư viện chuyên ngành, đa ngành nói riêng. Hy vọng với những kết quả nghiên cứu mà tác giả đề cập, cùng những khuyến nghị về triển khai áp dụng sẽ đóng góp một phần nào đó trong việc xây dựng cơ sở lý luận về đánh giá chất lượng hoạt động TVTT tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Kiến thức thống kê thông dụng. - H.: Nxb. Thống kê, 2015.

2. Đoàn Phan Tân. Các hệ thống thông tin quản lý: Giáo trình. - H.: Đại học Văn hoá Hà Nội, 2004.

3. Hội Thư viện Việt Nam. Cung cấp thông tin thông qua thư viện công cộng Việt Nam: chuẩn đánh giá hoạt động và tác động.

4. Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 06/8/2002 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện.

5. Pháp lệnh Thư viện. - H.: Chính trị Quốc gia, 2001.

6. Quyết định số 15/2014/QĐ-TTg ngày 17/02/ 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, Ngành.

7. Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT ngày 02/01/ 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông.

8. Trần Thị Minh Nguyệt. Thư viện học nâng cao: Tập bài giảng. - H.: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2015.

9. Trần Thị Quý. Thông tin học nâng cao: Tập bài giảng. - H.: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2015.

10. IFLA/ UNESCO. School Library Manifesto, School Libraries and Resource Centers Section. http://archive. ifla.org.

___________

Nguyễn Hà Phương

Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 3. - Tr. 8-13,7.


Đọc thêm cùng chuyên mục: