Đào tạo năng lực thông tin - Xu hướng thiết yếu cho các thư viện công cộng

E-mail Print

Đặt vấn đề

Việc truy cập dễ dàng tới thông tin thông qua mạng Internet đã làm cho con người trở nên tự tin hơn về những kỹ năng của họ. Câu hỏi đặt ra, liệu những kỹ năng đó có tương thích như họ nghĩ không? Sự bùng nổ thông tin đã tạo nên những áp lực nhất định lên người dùng tin (NDT), các nhà khoa học và nghiên cứu trong hoạt động tìm, tra cứu được những thông tin thích hợp cho mình. Và cũng chính sự bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông đã khiến cho loài người phải đối mặt và xử lý với một khối lượng thông tin to lớn hơn bao giờ hết. Do NDT dễ dàng truy cập và tìm kiếm trên nguồn thông tin đã được số hoá, nên họ được khuyến khích sử dụng nguồn thông tin điện tử, thông tin số hoá để phục vụ nhu cầu thông tin hơn là thông tin được in trên giấy và xuất bản. Theo như một công trình mới xuất bản của tác giả Rowlands [8] cho rằng, mặc dù thế hệ NDT Google hiện nay có khả năng tìm được những thông tin hữu ích và có liên quan tới nội dung thông tin mà họ cần, nhưng chưa chắc đã có khả năng đánh giá và thẩm định nguồn thông tin. Vì thế, sự khó khăn còn tăng lên gấp bội lần cho NDT ít tiếp xúc với công nghệ hoặc máy tính trong các hoạt động trên. Và điều này đặt ra cho các thư viện công cộng (TVCC) là phải xác định được các khó khăn và rào cản về mặt công nghệ liên quan tới các công nghệ khai thác và sử dụng thông tin trong thời đại công nghệ thông tin và máy tính để nâng cao năng lực thông tin của người làm thư viện trong hoạt động phục vụ khai thác thông tin, đáp ứng nhu cầu tin của NDT.

Định nghĩa về năng lực thông tin

Năng lực thông tin khá phổ biến trong tất cả các ngành nghề và môi trường học tập. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã rất nỗ lực để đưa ra một định nghĩa về năng lực thông tin. Thuật ngữ này đã được sử dụng bởi tác giả Paul G. Zurkowski [8], tuy nhiên, ông chỉ đưa ra khái niệm về năng lực thông tin nhưng chưa đề cập tới nội dung của nó trong môi trường số. Năng lực thông tin có liên quan chặt chẽ tới các chức năng của thông tin. Liên quan tới khả năng đọc và sử dụng thông tin một cách hiệu quả cho mỗi ngày sử dụng. Vì thế, hai thuật ngữ đọc và sử dụng thông tin đã được phân biệt rõ ràng trong khái niệm năng lực thông tin. Tác giả Breivik cho rằng, “năng lực thông tin là khả năng truy cập và đánh giá thông tin cho từng hoàn cảnh và nhu cầu tin của mình. Điều này đồng nghĩa với thuật ngữ năng lực thông tin và công nghệ thông tin, bởi vì công nghệ sẽ không bao giờ làm cho con người bị lỗi thời” [2].

Theo định nghĩa của Alexandria Proclamation cho rằng “năng lực thông tin là khả năng con người nhận biết nhu cầu tin, tìm kiếm và đánh giá chất lượng thông tin, lưu trữ và truy cập thông tin, làm cho thông tin có ý nghĩa, sử dụng đúng và ứng dụng các thông tin đó để tạo ra các tri thức thông tin mới” [10]. Theo SCONUL (Society of College, National and University Library) “năng lực thông tin là một thuật ngữ trong đó bao trùm các khái niệm về kiến thức thông tin và truyền thông, thông tin âm thanh, thông tin hình ảnh, thông tin học thuật, khả năng xử lý thông tin, truy cập và quản lý thông tin” [12]. Trong khi đó tác giả McKie và nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu với định nghĩa năng lực thông tin “là khả năng nhận biết được nhu cầu tin, có khả năng tìm kiếm thông tin, sử dụng thông tin hiệu quả đúng nhu cầu cũng như áp dụng các kỹ năng này vào việc học tập suốt đời" [3]. Tuy nhiên, Hiệp hội thư viện Hoàng gia Anh [13] lại đưa ra định nghĩa về năng lực thông tin được biết đến khi con người cần thông tin, muốn tìm thông tin ở đâu, làm thế nào để đánh giá, sử dụng và giao tiếp thông tin ở cách thức đúng đạo đức và pháp luật. Tóm lại, năng lực thông tin là khả năng có thể xác định, tìm kiếm, truy cập và đánh giá nguồn thông tin một cách hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu tin và sử dụng thông tin đúng đạo đức và pháp luật.

Định nghĩa về năng lực thông tin trong môi trường số

Theo Đại học Illinois, năng lực thông tin trong môi trường số là khả năng sử dụng công nghệ thông tin kỹ thuật số, công cụ truyền thông hoặc mạng Internet để xác định vị trí, đánh giá, sử dụng và tạo ra thông tin. Trong đó nhấn mạnh khả năng hiểu và sử dụng thông tin trong nhiều định dạng từ một loạt các nguồn khi nó được trình bày thông qua máy tính. Khả năng của NDT thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả trong một môi trường kỹ thuật số... bao gồm khả năng có thể phân tích dữ liệu để tái sản xuất ra dữ liệu và hình ảnh thông qua các nguồn thông tin có được, thông qua đó đánh giá và áp dụng những tri thức mới trong môi trường số và hoạt động phục vụ nhu cầu tin của mình [14].

Theo Đại học Cornell, năng lực thông tin là khả năng có thể tìm kiếm, đánh giá, sử dụng, chia sẻ, tạo ra nội dung thông tin mới thông qua các công cụ về công nghệ thông tin và mạng Internet. Các hoạt động đó bao gồm các hoạt động phục vụ việc học tập như viết báo, tạo ra các bài thuyết trình đa phương tiện, hay là một phần của các hoạt động thông tin hàng ngày, đó cũng là một phần của năng lực thông tin trong môi trường số. Đơn giản là cách thức để giải quyết nhu cầu tin của mình [15].

alt

Trích dẫn từ: Developing students’ digital literacy [4]

Như vậy, theo hình vẽ trên có thể thấy năng lực thông tin là tổng hoà của các kỹ năng, bao gồm khả năng thành thạo các kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông, thành thạo năng lực thông tin trong môi trường số, có khả năng phát triển và tự học các kỹ năng trong môi trường số, có năng lực thông tin về truyền thông và dữ liệu, có khả năng tự học, hợp tác và sáng tạo trong môi trường số.

Các mô hình năng lực thông tin

 Các mô hình của năng lực thông tin dưới đây đã được nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu tự nhiên của hiện tượng này. Mục đích để tìm hiểu sự giống nhau và khác nhau giữa các mô hình đó.

Theo ALA: Các mô hình được đưa ra để đánh giá các kỹ năng năng lực thông tin, nó chỉ ra rằng các phương pháp đánh giá thích hợp liên quan tới các chiến lược sử dụng thông tin của các cơ quan thông tin thư viện đó.

Theo Patrica Senn Breivik thì năng lực thông tin là tổng hoà các kỹ năng bao gồm [16]:

- Kỹ năng về máy tính.

- Kỹ năng tìm kiếm trên thư viện.

- Kỹ năng truyền thông.

- Kỹ năng mạng.

- Kỹ năng đồ hoạ.

- Khả năng tư duy biện chứng.

alt

Trích dẫn từ: http://flis.edu.vn [16]

Big6 là một tổ chức khá nổi tiếng trong hoạt động giảng dạy và tiếp cận các kỹ năng về công nghệ thông tin đã đưa ra một khung chuẩn khá thiết yếu trong việc tiếp cận bất kỳ vấn đề nào về năng lực thông tin. Trong đó tập trung vào khả năng hiểu các nguồn thông tin cụ thể và sử dụng thông tin đúng mục đích như:

- Xác định nhiệm vụ.

- Chiến lược tìm kiếm thông tin.

- Vị trí và truy cập.

- Sử dụng thông tin.

- Tổng hợp.

- Đánh giá thông tin.

CILIP Information Literacy model (tạm dịch là mô hình năng lực thông tin tại CILIP) đưa ra mô hình này với tám bước cơ bản sau [7]:

- Nhu cầu thông tin;

- Các nguồn lực sẵn có;

- Làm thế nào để tìm kiếm thông tin;

- Làm thế nào để đánh giá kết quả;

- Làm thế nào khai thác kết quả;

- Đạo đức và trách nhiệm sử dụng;

- Làm thế nào để giao tiếp hoặc chia sẻ thông tin;

- Làm thế nào để quản lý các nguồn thông tin tìm được.

Phải thừa nhận rằng cụm từ “năng lực thông tin” rất hiếm khi được sử dụng trong các TVCC và nó cũng không có nhiều ý nghĩa đối với công chúng. Người ta có thể bắt gặp các từ đồng nghĩa như “kỹ năng thông tin” hay “kỹ năng nghiên cứu”. Tuy nhiên, năng lực thông tin là một hoạt động cốt lõi trong các TVCC vì TVCC là nơi thoả mãn nhu cầu thông tin cho đại đa số quần chúng nhân dân. Nếu UNESCO [11] khẳng định rằng, trong thế giới kỹ thuật số hiện đại, năng lực thông tin “là quyền cơ bản của một con người ” thì các TVCC là những nhà hoạt động nhân quyền, thúc đẩy sự hoà nhập xã hội và khắc phục những bất công của sự phân chia thông tin, cung cấp truy cập miễn phí tới các nguồn thông tin, cung cấp một khuôn khổ cho năng lực thông tin.

Đào tạo năng lực thông tin

TVCC không chỉ là nơi cung cấp kiến thức thông tin và phục vụ việc học tập suốt đời mà còn đóng một vai trò giáo dục tích cực tham gia vào quá trình xây dựng kiến thức cho NDT.

Một trong những yếu tố nâng cao vị thế của thư viện là người làm thư viện, họ có đủ trình độ và kinh nghiệm hỗ trợ cho NDT sử dụng, tiếp cận, đánh giá và giải thích các nguồn thông tin. Năng lực thông tin thực chất là khái niệm học tập suốt đời. TVCC phục vụ cho tất cả các tầng lớp xã hội, do đó đòi hỏi các hình thức và mức hỗ trợ năng lực thông tin phải linh hoạt.

Một cuộc khảo sát được tiến hành bởi các tác giả Julien và Breu trong 22 công trình lớn nhất tại các TVCC của Canada cho thấy, chỉ có 36% thư viện cung cấp đào tạo chính quy về năng lực thông tin cho NDT. Một nghiên cứu gần đây cho thấy một số TVCC của Canada không tham gia tích cực vào việc đào tạo năng lực thông tin cho NDT vì họ thiếu các nguồn sau: 1) kinh phí, 2) nhân viên được đào tạo và 3) không gian. Tuy nhiên, một số người đã nắm bắt vai trò giảng dạy của họ trong giáo dục năng lực thông tin bằng cách cung cấp bài học chính thức cho NDT tại các mức độ khác nhau [6].

Nghiên cứu này đã đề ra các khoá đào tạo về năng lực thông tin trong TVCC Canada dành cho người làm thư viện và NDT nhằm mục đích mở rộng sự hiểu biết về năng lực thông tin. Vậy để nâng cao năng lực thông tin thì yêu cầu đặt ra cho các TVCC là: 

Đào tạo về năng lực thông tin: dịch vụ thiết yếu của các thư viện công cộng

Theo dữ liệu nghiên cứu cho thấy các TVCC đã nhận thức vai trò giáo dục của họ trong đào tạo năng lực thông tin, các buổi huấn luyện thường xuyên đã được sắp xếp tại thư viện và việc đào tạo về năng lực thông tin là dịch vụ bắt buộc của các TVCC. Người làm thư viện có trách nhiệm cung cấp, hướng dẫn trong các phương tiện chính thức và phi chính thức để tiếp cận thông tin đó. Ngoài ra, thiết kế các khoá học về năng lực thông tin dựa trên các nguồn lực sẵn có tại các TVCC. Ví dụ: đào tạo các kỹ năng cơ bản về máy tính, Internet, trình duyệt web, email và vấn đề bảo mật. Buổi tập huấn cũng bao gồm thực hành tìm kiếm danh mục thư viện, ngoài ra thư viện còn xem xét đến các vấn đề cơ bản về máy tính dành cho người cao tuổi…

Phát triển đội ngũ viên chức: yếu tố quan trọng trong việc đào tạo về năng lực thông tin hiệu quả

Để cung cấp cơ hội đào tạo chính thức hiệu quả cho công chúng, người làm thư viện cần cải tiến năng lực thông tin và kỹ năng giảng dạy. Công nghệ thông tin đã thay đổi đáng kể trong những năm qua và người làm thư viện phải cập nhật các kiến thức và kỹ năng của họ trong mọi khía cạnh các ứng dụng công nghệ thông tin.

Hợp tác với các tổ chức khác để thúc đẩy giáo dục năng lực thông tin

Các quản trị viên và nhân viên TVCC nhận thấy rằng các chương trình đào tạo năng lực thông tin nên tiếp cận nhiều người hơn. Do đó, thư viện trung tâm nên xây dựng mối quan hệ đối tác với các tổ chức địa phương để cung cấp các cơ hội đào tạo miễn phí năng lực thông tin bên ngoài thư viện và mọi người có thể tham dự các khoá đào tạo năng lực thông tin tại các trung tâm cộng đồng, các trung tâm nghề nghiệp và các trung tâm giáo dục thường xuyên…

Để người làm thư viện có năng lực thông tin thì kỹ năng họ cần có bao gồm:

- Kiến thức: Họ phải có kiến thức về công nghệ thông tin, phải biết sử dụng máy tính cá nhân, biết về hệ thống máy tính, biết sử dụng một số phần mềm khác nhau như word, excel, Internet và các mạng xã hội.

- Khả năng: Có khả năng tìm kiếm thông tin trên Internet, xác định chính xác và tính chân thực của tài liệu số có sẵn trên Internet, có khả năng phân biệt giữa các nguồn tin khác nhau.

- Thái độ: Là người có thái độ tự tin, hợp tác, tôn trọng, hăng hái giúp đỡ và khả năng mở ra những ý tưởng mới.

Kết luận

Để đào tạo NDT có năng lực thông tin thì người làm thư viện phải là những người có năng lực thông tin. Người làm thư viện cần phải biết những loại thông tin số mà họ cần, họ có thể tìm thấy thông tin họ cần ở đâu hay họ có thể tìm thấy nhiều hơn những thông tin liên quan như thế nào. Họ là người có khả năng truy cập vào nguồn thông tin số, sử dụng các kỹ năng máy tính và các cơ sở dữ liệu.

Người có năng lực thông tin phải có kỹ năng tìm kiếm thông tin bằng các cách tiếp cận và tìm kiếm khác nhau. Họ phải có khả năng đánh giá nhiều hơn, biết được chất lượng thông tin và làm thế nào để sử dụng thông tin một cách hiệu quả. Ngoài ra, họ luôn phải cập nhật những công nghệ mới nhằm đối mặt với những thay đổi để có khả năng giúp đỡ và chia sẻ kiến thức cho NDT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ALA. Information Literacy Competency Standards for Higher Education. http://www.ala. org>ACRL> Guideline, Standards, and Frameworks. Retrieved 9/2/2017.

2. Breivik, P. S. Putting libraries back in the in- formation society. http://connection.ebscohost.com/c/articles/4959375/putting-libraries-back-information-society. Retrieved 9/2/2017.

3. Check, J.e.a. Finding Out: Information Literacy for the 21st Century. http://books.google.com.vn/ books? isbn=073293219X.

4. Developing students’ digital literacy. http://www. jisc.ac.uk/guides/developing-students-digital-literacy. Retrieved 9/2/2017.

5. Julien, H. andBreu, R. The role of public library in developing Canadians’ information literacy skills. http://www.cais-acsi.ca/prodeedings/2004/ Julien_2004.pdf. Retrieved 9/2/2017.

6. Julien, H. andHoffman, C. Information Lite- racy Training in Canada’s Public Libraries // The Library Quarterly: Information, Community, Policy. - 2008. - No. 78(1). - P. 19-41.

7. Models and frameworks. http://www.informationliteracy.org.uk/definitions/il-models/.

8. Paul G. Zurkowski and information literacy: On his trip to the first European Conference on Information Literacy. http://www.colwiz.com/public/ app?x=/e109&eId=f2075399684494e&et=109. Retrieved 9/2/2017.

9. Rowlands, I., Nicholas, D. The Google Ge- neration: The information behavior of the researcher of the future. In Aslib Proceeding (Vol.60, p.290 - 330).  http://www.emeraldinsight.com/Journals. html? articleid=1733495&show=abtract. Retrieved 10/2/2017.

10. The Alexandria Proclamation on Information Literacy and Lifelong Learning. http://milunesco.unaoc.org/mil-resources/the-alexandria-proclamation-on-information-literacy-and-lifelong-learning-2005/. Retrieved 9/2/2017.

11. UNESCO. Information literacy. http://www.une- sco.org/new/en/communication-and-information/ access-to-knowledge/information-literacy/. Retrieved 9/2/2017.

12. http://www.sconul.ac.uk/page/seven-pillars-of -information-literacy.

13. http://www.emeraldinsight.com/doi/abs/10. 1108/00242530510593399.

14. http://www.library.illinois.edu/diglit/definition. html.

15. http://www.digitalliteracy.cornell.edu/.

16. http://www.flis.edu.vn.

_____________

ThS. Trịnh Khánh Vân

Khoa Thông tin - Thư viện, trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 3. - Tr. 3-7.


Đọc thêm cùng chuyên mục: