Giới thiệu chung
Sử dụng dữ liệu làm cơ sở cho các bài báo nghiên cứu ngày càng trở nên quan trọng. Với sự hỗ trợ của công nghệ xuất bản trực tuyến thì thông tin ngày càng trở nên có sẵn và các dịch vụ thông tin trở nên nở rộ để hỗ trợ người dùng một cách tốt nhất, thông tin vì thế được sử dụng và tái sử dụng để kết hợp với các dữ liệu khác. Trên thế giới hiện nay, xu thế “dữ liệu lớn” (big data) trong các lĩnh vực khác nhau đang được sử dụng, tái sử dụng và chia sẻ để rút ngắn thời gian không chỉ nghiên cứu và còn rút ngắn được quá trình hình thành nên công trình và sản phẩm. Cùng với đó, việc khai thác tiềm năng ở mức độ sâu sắc hơn về các dữ liệu nghiên cứu, chia sẻ và quản trị các dữ liệu này đã trở thành một vấn đề mang tính chất toàn cầu. Và cũng chính vì tiềm năng khai thác, sử dụng, chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu thô/ dữ liệu nghiên cứu (DLNC) đang trở thành vấn đề được nhiều cơ quan tổ chức quốc tế đã điều chỉnh chính sách của mình để khuyến khích, tài trợ, thậm chí uỷ quyền cho các nhà nghiên cứu, các viện và tổ chức nghiên cứu để làm cho dữ liệu này có sẵn và truy cập mở.
Khái niệm dữ liệu nghiên cứu
Khái niệm về DLNC hiện nay còn nhiều tranh luận để đưa ra một khái niệm thống nhất, vì hình thức và nội dung của dữ liệu ở các lĩnh vực khác nhau thì khác nhau.
Khái niệm về DLNC cũng có thể được hiểu và diễn giải ở nhiều cách khác nhau, năm 2005, Quỹ Khoa học Quốc gia [3] đã xuất bản tập báo cáo có tựa đề “Phát triển bộ sưu tập số mang tính chất dài hạn: khuyến khích nghiên cứu và phát triển giáo dục trong thế kỷ XXI” (Long-Lived Digital Data Collections: Enabling Research and Education in the 21st Century) đã đề cập tới việc có thể phân chia DLNC bởi nguồn gốc của chúng được tạo ra, bởi vì các dữ liệu này có thể là các dữ liệu về thí nghiệm, máy tính hay quan sát. Trong đó dữ liệu quan sát có thể là các quan trắc về nhiễu độ hay quan sát về thái độ của người bỏ phiếu trước cuộc tổng tuyển cử. Dữ liệu về máy tính có thể là kết quả từ thực hiện mô hình mô phỏng hoặc có thể là các thông tin về cấu hình như phần cứng, phần mềm. Dữ liệu về nghiên cứu, thí nghiệm ví dụ các mẫu biểu hiện gen hay tốc độ phản ứng hoá học.
Trong quá trình vòng đời nghiên cứu, DLNC được tạo ra từ những quá trình đầu tiên của việc tiến hành xem xét, xử lý, phân tích, bảo quản, truy cập và tái sử dụng dữ liệu để tạo ra thông tin mới. Theo Hiệp hội lưu trữ dữ liệu của Vương quốc Anh [6], vòng đời nghiên cứu được hình thành và liên kết với nhau tạo thành một liên kết vòng tròn hỗ trợ nhau.
Trong một số trường hợp, DLNC được định nghĩa là các biểu ghi, hay các bằng chứng, dẫn chứng về nội dung của thông tin có thể ở các hình thức vật lý dạng in ấn, điện tử hay các hình thức khác. Cơ quan Phát triển và Hợp tác về Kinh tế và Giáo dục của Liên minh châu Âu [4] đã cho rằng rất khó để phân biệt DLNC và dữ liệu sơ cấp, trong một số trường hợp dễ làm người nghiên cứu nhầm lẫn. Cơ quan này cho rằng “DLNC là những biểu ghi, dữ liệu thực tế mà có thể ở chữ số, ký hiệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh được sử dụng như một nguồn dữ liệu thứ cấp cho nghiên cứu được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng nghiên cứu để kiểm tra lại các kết quả nghiên cứu”.
Theo Đại học Boston [1], DLNC không giống như các loại hình thông tin khác, chúng được thu thập, quan sát hay tạo ra cho các mục đích phân tích để sản xuất ra các kết quả nghiên cứu. DLNC có thể được tạo ra cho các mục đích khác nhau thông qua các quá trình khác nhau và có thể được chia thành các nhóm dữ liệu khác nhau, tuy nhiên mỗi nhóm dữ liệu này yêu cầu một kế hoạch quản trị dữ liệu cũng khác nhau:
- Dữ liệu về quan sát: Dữ liệu được thu nhận trong cuộc sống hiện tại, không thể thay thế được như: dữ liệu thu về từ các cảm biến, quan trắc, dữ liệu phỏng vấn, hay các hình ảnh về quan sát từ vũ trụ gửi về trái đất.
- Dữ liệu về các thí nghiệm: Dữ liệu thu thập trực tiếp từ các phòng thí nghiệm, thường có thể tái sử dụng nhiều lần, nhưng khá đắt đỏ như: các chuỗi gen người, hay dữ liệu từ trường.
- Dữ liệu mô phỏng: Dữ liệu được tạo ra từ các mô hình thử nghiệm như: mô hình thử nghiệm kinh tế, mô hình thử nghiệm thời tiết.
DLNC có thể ở các hình thức sau:
- Văn bản, tài liệu, chữ, hay các bảng tính.
- Ghi chú trong phòng thí nghiệm, đi thực nghiệm, nhật ký.
- Bảng câu hỏi, bản ghi chép tay.
- Băng ghi âm, ghi hình.
- Hình ảnh, phim ảnh.
- Phản ứng thí nghiệm.
- Slide, hiện vật, mẫu vật, mẫu.
- Bộ sưu tập các đối tượng số được tạo ra và thu thập trong quá trình nghiên cứu.
- Hồ sơ dữ liệu.
- Nội dung cơ sở dữ liệu bao gồm cả hình ảnh, âm thanh, văn bản.
- Thuật toán, các kịch bản.
- Các phương pháp và quy trình công việc.
- Các quy trình tiêu chuẩn và giao thức.
Tuỳ thuộc vào mỗi cơ quan mục đích sử dụng khác nhau sẽ có sự phân biệt và sử dụng DLNC khác nhau. Chính vì điều này đã phân biệt sự khác nhau giữa dữ liệu xuất bản và DLNC ở bảng dưới đây [2]:
Sự khác nhau giữa thông tin xuất bản và DLNC
Vai trò của việc quản lý DLNC đối với các cơ quan, tổ chức và cơ quan thư viện - thông tin
Phải nói rằng, đứng sau thành công của các nhà khoa học là thành công của các cơ quan nghiên cứu, tổ chức đã đồng hành cùng các nhà nghiên cứu đó. Đối với các trường đại học và các viện nghiên cứu, việc đưa ra một chiến lược cụ thể trong việc quản lý nguồn tài nguyên có giá trị này đem lại rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế cũng như tiếng tăm. Theo tác giả Elsevier điều này có thể được nhìn thấy ở một vài khía cạnh sau [1]:
- Quản lý DLNC đem tới sự cải thiện về chất lượng và số lượng của các kết quả đầu ra vì tốc độ nghiên cứu sẽ tăng lên cùng với độ tin cậy của các bài báo nghiên cứu sẽ cải thiện khi DLNC được truy cập mở, sẵn có cho việc đánh giá.
- Tăng việc xuất bản và tăng chỉ số ảnh hưởng: Sự sẵn có của DLNC sẽ làm tăng việc xuất bản, dẫn tới sự bùng nổ tranh luận của nhiều quan điểm, chia sẻ dẫn tới làm tăng sự ảnh hưởng của bài viết, tạo ra nhiều trích dẫn.
- Tăng cường việc hợp tác: Dữ liệu được chia sẻ là một khởi đầu cho việc hợp tác, như các nhà nghiên cứu tìm kiếm để hiểu làm thế nào kết quả được thu thập và trao đổi các quan điểm trong việc phân tích và giải thích một vấn đề.
Để có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của DLNC, đòi hỏi mỗi cơ quan, trung tâm thông tin - thư viện cần phải đưa ra những chiến lược phát triển và hợp tác hợp lý, trong đó đề cao việc thực hiện chiến lược và chính sách truy cập mở, đảm bảo việc hanh thông về tài chính và hỗ trợ về mặt công nghệ để tài liệu được truy cập mở và dễ dàng tìm thấy. Tuy nhiên, cùng một lúc cũng đảm bảo có các chính sách về bảo hộ quyền sở hữu và thông tin cá nhân, quyền riêng tư cùng với các tiêu chuẩn về an ninh, an toàn dữ liệu để xây dựng hệ thống phục vụ việc sử dụng và tra cứu dữ liệu. Ngoài ra, cần phải có chiến lược tái sử dụng thông tin, phục vụ hoạt động DLNC sẽ được phát hiện và tái sử dụng thông qua các xuất bản phẩm, trong đó hoạt động cốt lõi là thực hiện một giải pháp xuất bản phẩm tiên tiến xem xét việc công bố các dữ liệu, phần mềm và phương pháp trích dẫn. Quá trình kiểm duyệt, cài đặt và tạo ra các định danh đối tượng số duy nhất cho các dữ liệu và dữ liệu có liên quan. Hơn thế nữa, nhiệm vụ của các trung tâm, cơ quan thư viện - thông tin trong hoạt động này là phải đảm bảo dữ liệu được kết nối với nhau, nên chúng có thể dễ dàng được tìm kiếm bởi người dùng hoặc các đối tác trong cơ quan đó hay cộng đồng người dùng ngoài cơ quan. Để thúc đẩy dữ liệu có thể được tìm thấy, các chương trình liên kết dữ liệu cần phải được cài đặt và thiết lập. Ví dụ, trường Đại học Havard liên kết những bài báo của các nhà nghiên cứu trong trường với các cơ sở dữ liệu ở cả viện nghiên cứu và các cơ quan lưu trữ mà có liên kết với nhau về nhiều ngành nghề. Việc hỗ trợ tìm kiếm một lúc trên nhiều cơ sở dữ liệu hiệu quả cũng là một vấn đề cần phải được xem xét.
Vậy lợi ích của hoạt động quản lý DLNC đối với các nhà nghiên cứu là gì? Đơn giản với những nhà nghiên cứu, có một lý lẽ được đặt ra là có lẽ không cần phải thuyết phục với họ tầm quan trọng của DLNC là gì bởi vì hơn ai hết họ hiểu được việc này, tuy nhiên có nhiều nhà nghiên cứu vẫn không hiểu được tầm quan trọng và tiềm năng của việc chia sẻ nguồn tài liệu này với cộng đồng nghiên cứu mà có thể được liệt kê ở những điểm chính sau:
- Tăng cường sự hợp tác: Chia sẻ là hợp tác và đặc biệt điều này giúp cho việc kiểm soát, thẩm định lại kết quả của các nghiên cứu.
- Tăng các chỉ số ảnh hưởng và hoạt động xuất bản: Việc chia sẻ các DLNC và quản lý chúng một cách hiệu quả giúp quá trình nghiên cứu được rút ngắn, nhiều công trình được xuất bản hơn, nâng tầm nghiên cứu, tăng các chỉ số trích dẫn tài liệu và uy tín của nhà nghiên cứu.
- Tăng sự phân phối của các nghiên cứu: Truy cập tới các nguồn DLNC giúp tăng việc phân phối các nghiên cứu này tới nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau, thúc đẩy sự trao đổi và tái sử dụng dữ liệu.
Để hiểu rõ hơn về quy trình quản lý và trách nhiệm của các bên liên quan, hệ thống quản lý, dịch vụ lưu trữ và chia sẻ DLNC tại Thư viện trường Đại học Oslo, Na Uy được lấy làm ví dụ.
Thư viện trường Đại học Oslo, Na Uy với sự ra đời một hệ thống bao gồm trang thiết bị cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để quản lý và chia sẻ DLNC. Hệ thống quản lý và dịch vụ lưu trữ, chia sẻ DLNC tại Thư viện trường Đại học Oslo được chia thành hai phần chính: dịch vụ lưu trữ DLNC cho các cá nhân là các nhà nghiên cứu, cho các nhóm dự án nghiên cứu và cho các cơ quan tổ chức ở ngoài; và sử dụng các công cụ để lưu trữ dữ liệu dưới nhiều ngành nghề khác nhau. Tại Đại học Oslo có nhiều nguồn lực khác nhau trong hoạt động phân phối và kiểm soát DLNC.
- USIT (Trung tâm tin học của Đại học Oslo) đã thiết lập các hệ thống cho dịch vụ quản lý dữ liệu nhạy cảm tuỳ thuộc vào các chuyên ngành như y tế và giáo dục ở trong trường. Trong đó quản lý dữ liệu và mức độ truy cập dữ liệu tới từng đối tượng người sử dụng dịch vụ.
- Bên cạnh đó còn có Trung tâm quốc gia về dịch vụ dữ liệu khoa học xã hội (Norwegian Social Science Data Service) đảm bảo rằng việc duy trì các dịch vụ này phải đúng theo pháp luật. Tuy nhiên, khi người dùng sử dụng dịch vụ này để lưu trữ các DLNC ở hình thức tài liệu nghe, nhìn có liên quan tới các nhóm dự án nhất định, tất cả các thông tin liên quan tới cá nhân, tổ chức, các thông tin nhạy cảm đặc biệt được làm không rõ danh tính vì liên quan tới DLNC, đôi khi về sức khoẻ hay thông tin y tế thì thường hay nhạy cảm, nên tất cả các thông tin lưu trữ phục vụ mục đích nghiên cứu lâu dài phải loại bỏ hết tên, hay các thông tin đời tư khác. Tất cả các thông tin liên quan tới dự án phải được xoá bỏ, nếu là băng đĩa thì phải tiêu huỷ sau khi dự án kết thúc vì liên đới tới trách nhiệm của cơ quan tổ chức khác và để đảm bảo vấn đề về cá nhân.
- Norstore: Là một cơ sở hạ tầng quốc gia cho việc lưu trữ dữ liệu khoa học. Đây là cơ quan đầu tiên của Na Uy tiến hành hoạt động đưa DLNC được truy cập mở vì nhu cầu của cộng đồng, những nhà nghiên cứu cần một nơi để lưu trữ dữ liệu an toàn, phục vụ hoạt động nghiên cứu, xuất bản, quản lý DLNC và có thể truy cập mở một phần.
Hình dưới đây sẽ chỉ rõ ra trách nhiệm cũng như vai trò của các cơ quan có liên quan trong hoạt động quản lý nguồn DLNC tại Đại học Oslo [7].
Hình vẽ phác thảo mô hình thu, nhận, chia sẻ và quản lý DLNC được chia ra thành bốn khu vực. Trong đó hai khu vực đầu tiên thể hiện trách nhiệm của các bên liên quan trong hoạt động đảm bảo DLNC không chỉ đơn thuần được truy cập bởi các nhà nghiên cứu mà được chia sẻ ở một mức độ mở nhất định. Và mức độ mở ấy của dữ liệu sẽ được quy định bởi một số các yếu tố như là yếu tố về mặt pháp lý, bản quyền hoặc yêu cầu thương mại.
Ở mức độ 2, đại diện cho giải pháp trung tâm để lưu trữ và chia sẻ DLNC dựa trên tiêu chí an toàn đầu tiên, sau đó dễ dàng tiếp cận trên các nền tảng, hệ thống dữ liệu khác nhau của người dùng. Do đó, các hệ thống khác nhau này cũng đem lại những khó khăn nhất định trong việc truy cập nguồn dữ liệu. Ngoài ra, một số chức năng cần thiết trong hệ thống để đảm bảo các siêu dữ liệu trong DLNC được truy cập ở một mức độ nhất định cũng đem lại những khó khăn cho người truy cập tới nguồn này. Tại Thư viện trường Đại học Oslo, hệ thống này sẽ được đặt trực tiếp trong thư viện để tạo ra một giải pháp kết nối sử dụng DLNC ở mức độ 1 và hướng tới thiết lập hệ thống lưu trữ DLNC cuối cùng ở mức độ 3.
Mức độ 3 có liên quan tới việc các DLNC được phân tích và đưa ra các đánh giá phục vụ cộng đồng nghiên cứu, việc này sẽ được xác nhận có lưu trữ dữ liệu này hay không. Ở cấp độ này, một số dữ liệu được lưu trữ sẽ được gắn một mã định danh đối tượng số (DOI) duy nhất, ở đó nội dung của DLNC phải được đảm bảo về mặt chất lượng, siêu dữ liệu (metadata) phải được điền đầy đủ thông tin các trường. Ở cấp độ quốc gia, sẽ có Trung tâm quốc gia về dịch vụ dữ liệu khoa học xã hội, NORSTORE (Trung tâm lưu trữ dữ liệu tại Na Uy) có thể có cả Trung tâm lưu trữ quốc gia Na Uy tham gia vào hoạt động lưu trữ và truy cập mở cho DLNC.
Truy cập tới DLNC để phục vụ nhu cầu của người dùng, sau đó dữ liệu được tái sử dụng và lưu trữ, vì vậy luôn đòi hỏi các siêu dữ liệu có chất lượng cao và đi kèm là công nghệ lưu trữ tân tiến, phục vụ mọi loại hình DLNC và nội dung của nó. Hiểu được tầm quan trọng của hoạt động này, các trung tâm nghiên cứu và dịch vụ, trường đại học và viện nghiên cứu ở Na Uy đã liên kết thiết lập nên hệ thống này và vai trò của sự liên kết, hợp tác là việc tìm ra các giải pháp để khắc phục khó khăn phát sinh đi kèm với khó khăn về mặt cơ sở vật chất hạ tầng. Ngày nay, DLNC được chia sẻ dưới nhiều kênh thông tin khác nhau từ email cho tới Dropbox, điều này có thể dẫn tới một số các vấn đề nguy hiểm nếu bị mất dữ liệu hoặc mật khẩu bị lấy cắp.
Tình hình lưu trữ dữ liệu của nghiên cứu sinh tại Việt Nam hiện nay
Theo dữ liệu thu về từ việc điều tra qua bảng hỏi của 100 nghiên cứu sinh được chọn lọc ở các ngành học khác nhau trong 5 trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, quan điểm của nghiên cứu sinh và cách họ lưu trữ các DLNC được thể hiện ở biểu đồ sau đây:
Các hình thức lưu trữ dữ liệu của nghiên cứu sinh
Nhìn vào dữ liệu cho thấy, trong 100 phiếu thu về thì số lượng các nghiên cứu sinh sử dụng dịch vụ lưu trữ ở nước ngoài với hình thức trả tiền đi kèm theo các dịch vụ bảo đảm trọn đời dữ liệu được bảo quản an toàn, được sao lưu tại nhiều nơi, giảm thiểu khả năng mất mát, hỗ trợ khả năng tìm kiếm nhanh gọn dễ dàng, với mỗi hình thức dữ liệu sẽ có gắn một mã định danh đối tượng số duy nhất và có thể truy cập trực tuyến chỉ chiếm 1%. Trong đó có 4% sử dụng các dịch vụ lưu trữ của thư viện, có thể là thư viện ở trường đại học và thư viện ở các viện nghiên cứu, hình thức này ngoài việc an toàn và bảo mật thông tin được đảm bảo thì gần như các cơ quan nói trên không hỗ trợ hình thức tìm kiếm tài liệu trực tuyến. Tuy nhiên, cũng phải kể tới 5% các nghiên cứu sinh sử dụng dịch vụ lưu trữ của các doanh nghiệp trong nước như Cloud Storage của Viettel IDC, hay Datacenter, ngoài những tiện ích của các dịch vụ này như tính an toàn, bảo mật cao, dung lượng không giới hạn, tốc độ tối đa giúp sao lưu phục hồi nhanh chóng, đơn giản dễ sử dụng thì dịch vụ này nhìn chung còn khá đắt tại Việt Nam. Có 15% trong số đó khẳng định nếu họ tham gia dự án trong quá trình làm nghiên cứu sinh thì sẽ trực tiếp sử dụng hình thức lưu trữ của dự án, trong đó mỗi cá nhân chỉ được cấp một mật khẩu và truy cập DLNC có phân cấp. Thực tế là các hình thức lưu trữ dữ liệu chủ yếu là tự lưu trữ dữ liệu trên các thẻ nhớ, ổ cứng, hay sử dụng các dịch vụ miễn phí, nhưng giới hạn về dung lượng, việc lưu trữ trên các thiết bị tự do chiếm đa số tới 80%, lưu trữ không giới hạn về dung lượng nhưng việc phải lưu nhiều lần trên các hình thức lưu trữ khác nhau, không đảm bảo về mặt an toàn và bảo mật dữ liệu, khi tìm lại dữ liệu có thể gây khó khăn, thông tin dễ bị lấy cắp, là một trong những hạn chế đáng kể của hình thức này.
Hình thức lưu trữ dữ liệu tại các trung tâm thông tin - thư viện ở Việt Nam
Tại Việt Nam, hình thức lưu trữ DLNC còn khá mới mẻ, theo khảo sát tại một số các trung tâm thông tin - thư viện và viện nghiên cứu cho thấy, đa số chưa có hình thức dịch vụ lưu trữ này. Các dịch vụ thư viện vẫn còn dừng lại ở hình thức phục vụ người dùng tin sử dụng và tra cứu thông tin như: dịch vụ cung cấp tài liệu theo yêu cầu, đăng ký sử dụng thư viện, số hoá tài liệu, bảo quản tài liệu. Với xu thế hiện nay, việc các nhà nghiên cứu tại các đơn vị và viện nghiên cứu phát triển được đem lại nguồn lợi về cả vật chất và danh tiếng cho cơ quan đó, vì vậy, mỗi trung tâm thông tin - thư viện cần phải hiểu được tầm quan trọng của DLNC là một nguồn dữ liệu có giá trị, nhưng đi kèm với đó là yêu cầu của nguồn nhân lực có kỹ năng và trình độ cao, tài chính để duy trì và tạo ra chúng. Để đi cùng xu thế phát triển, các trung tâm thông tin - thư viện cần lên kế hoạch chi tiết cho việc hỗ trợ hoạt động thu thập và quản lý nguồn dữ liệu này bằng cách xác định các mục tiêu sau:
- Những dữ liệu nghiên cứu nào sẽ được tạo ra và sẽ thu thập.
- Ai sẽ chịu trách nhiệm cho mỗi khía cạnh của hoạt động quản lý mà nhà nghiên cứu sẽ giao nộp dữ liệu.
- Cần có những chính sách gì bao gồm cả hoạt động tài chính và pháp lý sẽ áp dụng lên dữ liệu đó.
- Dữ liệu sẽ được tổ chức theo hình thức nào.
- Những trang thiết bị nào sẽ cần thiết: phần cứng, phần mềm, sao lưu dữ liệu, lưu trữ và bảo quản.
- Ai sẽ có quyền sở hữu và truy cập.
- DLNC sẽ được bảo quản và truy cập mở trong thời gian như thế nào.
Kết luận
Với sự phát triển không ngừng của các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ngày càng có nhiều những nghiên cứu mới ra đời phục vụ nhu cầu và sự phát triển của con người, điều này cũng đặt ra thách thức mới cho các trung tâm thông tin - thư viện là làm thế nào để quản lý nguồn DLNC được hiệu quả, thúc đẩy quá trình nghiên cứu và rút ngắn thời gian nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu, khoa học, học giả và các nhà yêu thích khoa học đang ngày đêm tạo ra một khối lượng dữ liệu mới, điều này đặt ra thách thức với các trung tâm thông tin - thư viện phải đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để thu thập và quản lý nguồn dữ liệu có giá trị này.
Tài liệu tham khảo
1. Elsevier. Research data management. http:// www.elsevier.com/about/open-science/research-data/research-data-management. Retrieved 24/2/2017.
2. Kuula, A. andBorg, S. Open Access to and Reuse of Research Data -The State of the Art in Finland. http://www.fsd.uta.fi/fi/julkaisut/julkaisusarja/FSDjs07_OECD_en.pdf.
3. National Science Foundation. Long-Lived Digital data collections: Enabling research and education in the 21st century. http://www.nsf.gov/pubs/ 2005/nsb0540/nsb0540.pdf.
4. OECD. Principles and Guidelines for Access to Research Data from Public Funding. http://www.oecd.org/science/sci-tech/38500813.pdf.
5. Research Data Management. http://www.bu.edu/datamanagement/. Retrieved 24/2/2017.
6. UK Data Archive. Research data lifecycle. http:// www.data-archive.ac.uk/create-manage/life-cycle. Retrieved 6/2/2017.
7. University of Oslo. The data explosion - a major challenge, and a great opportunity! http://www.uio.no/english/for-employees/support/research/research-data/ engelskversjonrapport. pdf. Retrieved 6/2/2017.
_____________
ThS. Nguyễn Thị Kim Lân
Khoa Thông tin - Thư viện, trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 3. - Tr. 19-24,42.
< Prev | Next > |
---|
- Hợp tác giữa người làm thư viện - giáo viên và việc xây dựng nguồn học liệu trong trường phổ thông
- Xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động thư viện - thông tin đối với thư viện chuyên ngành, đa ngành
- Đào tạo năng lực thông tin - Xu hướng thiết yếu cho các thư viện công cộng
- METS - trong bài toán quản lý thư viện số hiện nay
- Truy cập mở phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong thư viện đại học
- Tác động của tài nguyên giáo dục mở đối với hành vi thông tin của giảng viên
- Vai trò của tài nguyên giáo dục mở và truy cập mở trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam
- Nghiên cứu tình huống và việc áp dụng trong giảng dạy sinh viên ngành Thư viện - Thông tin tại các trường đại học ở Việt Nam
- Ứng dụng subject guides trong hoạt động thư viện - thông tin
- Thực trạng và giải pháp công tác giảng dạy, học tập môn xử lý thông tin ở Việt Nam