Đặt vấn đề
Bối cảnh
Tháng 9/2015, Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Chương trình nghị sự (CTNS) 2030 với việc đặt ra 17 mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) - Sustainable Development Goals (SDGs) cho 15 năm tới thay thế cho 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ - Millennium Development Goals (MDGs) đã thực hiện trong giai đoạn 2000-2015 [10]. Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã cải thiện cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới và với việc đặt ra các mục tiêu PTBV, LHQ cùng các quốc gia trên thế giới còn kỳ vọng nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy bình đẳng, bảo vệ môi trường, chung sống hoà bình, tăng cường hợp tác và vì sự thịnh vượng chung trên toàn thế giới.
Việt Nam đã ký cam kết thực hiện CTNS của LHQ và đang tích cực xây dựng bản kế hoạch quốc gia về PTBV. Chính phủ Việt Nam đã cam kết tập trung mọi nguồn lực xã hội, huy động tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công CTNS 2030 và các mục tiêu PTBV [1]. Chính phủ cũng đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng chương trình hành động quốc gia về PTBV và triển khai các hoạt động thực hiện các mục tiêu này.
Trong lĩnh vực thư viện, Liên đoàn quốc tế các hội và cơ quan thư viện (International Federation of Library Associations and Institutions - IFLA) đang tích cực hỗ trợ các hiệp hội thư viện và các thư viện tại các quốc gia tích cực vào quá trình vận động tham gia xây dựng chính sách quốc gia về PTBV [5]. IFLA cho rằng các thư viện đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu PTBV của mỗi quốc gia. Thư viện và xã hội có mối liên kết và phụ thuộc lẫn nhau. Xã hội không có thư viện thì mất đi một thành tố quan trọng làm cho cuộc sống con người ý nghĩa hơn và các thư viện không có xã hội thì không có nền tảng nguồn gốc. Thư viện đóng vai trò như là một phương tiện để phát triển xã hội. Với nguồn thông tin phong phú và kỹ năng nghề nghiệp trong việc thu thập, cung cấp thông tin, người làm thư viện được cho là một nhân tố tích cực đóng góp vào sự thành công của mục tiêu PTBV. IFLA sẵn sàng hỗ trợ các hiệp hội thư viện các nước trong việc xây dựng bản kế hoạch hành động, cũng như triển khai các hoạt động cho mục tiêu PTBV. IFLA đánh giá cơ quan quản lý nhà nước về thư viện, hội thư viện và thư viện quốc gia là ba tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt các thư viện tham gia mục tiêu PTBV.
Cơ hội thế kỷ dành cho các thư viện Việt Nam
Tham gia xây dựng và triển khai các mục tiêu PTBV quốc gia là cơ hội tốt để các thư viện Việt Nam khẳng định vị thế và nâng cao vai trò quan trọng của mình trong xã hội Việt Nam. Một thực tế chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận đó là ngành Thư viện vẫn chưa được coi trọng tại Việt Nam. Tuy nhiên, với sự biến đổi của kinh tế, xã hội, dân trí ngày càng tăng, thông tin đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và thúc đẩy phát triển toàn diện của mỗi cá nhân, thì các thư viện với nguồn thông tin đa dạng, trụ sở hiện đại, nhân lực có chuyên môn sẽ làm được nhiều việc đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước theo hướng bền vững, cũng như hỗ trợ mỗi cá nhân thực hiện việc học tập suốt đời. Cơ hội đã đến, vấn đề phụ thuộc vào mỗi thư viện, mỗi người làm thư viện xem chúng ta tận dụng cơ hội này để phát triển như thế nào? Mỗi thư viện sẽ gắn hoạt động của mình với những mục tiêu PTBV mà LHQ đưa ra, điều này có thể nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền, các tổ chức, cá nhân cho mục tiêu phát triển chung của cộng đồng. Việc gắn hoạt động chuyên môn với mục tiêu PTBV các thư viện sẽ có những đóng góp quan trọng như sau:
• Tăng cường hơn nữa trong việc đóng góp của thư viện, sự phát triển kinh tế, giáo dục, khoa học, văn hoá, xã hội ở mỗi địa phương và trên bình diện quốc gia thông qua các hoạt động cụ thể thúc đẩy đạt mục tiêu PTBV của Việt Nam và LHQ.
• Khẳng định rõ tầm quan trọng của thư viện trong nền kinh tế tri thức, đó là tổ chức có chức năng thu thập, lưu trữ và chuyển giao tri thức giữa các thế hệ, giữa nhà nghiên cứu và người ứng dụng các kết quả nghiên cứu, giữa nhà sản xuất thông tin và người có nhu cầu về thông tin.
• Thúc đẩy phát triển năng lực cơ bản của mỗi cá nhân và hỗ trợ việc học tập suốt đời của họ.
Vụ Thư viện với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về ngành Thư viện, Hội Thư viện Việt Nam với số lượng hội viên lớn và đa dạng trải khắp đất nước và Thư viện Quốc gia Việt Nam với vai trò đầu tàu về chuyên môn nghiệp vụ, sẽ định hướng, khuyến khích và thúc đẩy các thư viện thành viên tích cực tham gia các hoạt động đóng góp vào mục tiêu PTBV quốc gia. Các đơn vị này cần chủ trương kêu gọi các hội viên xây dựng kế hoạch hành động và tham gia tích cực đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương, cũng như của quốc gia. Tham gia thực hiện mục tiêu PTBV cũng thúc đẩy thư viện Việt Nam hội nhập sâu với đồng nghiệp quốc tế trong các hoạt động chung của IFLA.
1. Khái niệm về phát triển bền vững và nội dung của mục tiêu phát triển bền vững
1.1. Khái niệm về phát triển bền vững
Khái niệm “phát triển” (development) đang còn gây nhiều tranh cãi cả trong lý thuyết lẫn thực tiễn. Các tác giả Sumner và Tribe [9] đã chỉ ra hiện nay có ba hướng tiếp cận về phát triển, đó là: (1) Phát triển là quá trình chuyển đổi cấu trúc xã hội lâu dài; (2) Phát triển là kết quả ngắn hay trung hạn của những mục tiêu đáng ước mơ; (3) Phát triển là một thuật ngữ chủ yếu của tính hiện đại phương Tây (hình 1).
Hình 1. Khái niệm về phát triển [9]
- Quan điểm coi “phát triển” là quá trình chuyển đổi cấu trúc xã hội cho rằng phát triển là một quá trình thay đổi lịch sử và chuyển đối cấu trúc kinh tế, xã hội mang tính dài hạn. Ví dụ, sự chuyển đổi từ một xã hội nông thôn (nông nghiệp) sang một xã hội thành thị (công nghiệp). Quan điểm này được giới học thuật ủng hộ, tuy nhiên giới ứng dụng không coi trọng cách tiếp cận này.
- Quan điểm coi “phát triển” là kết quả ngắn hay trung hạn của những mục tiêu đáng ước mơ cho rằng phát triển là sự thay đổi tiến bộ, có tính tích cực. Quan điểm này tập trung vào đánh giá kết quả hoạt động dựa trên các chỉ số thực hiện cụ thể. Hay nói cách khác là tập trung vào kết quả của sự thay đổi. Giới nghiên cứu cho rằng đây là cách tiếp cận “phi lịch sử”. Ví dụ, sự thay đổi về mức độ nghèo đói hay thu nhập.
- Hai quan điểm đầu tập trung vào sự thay đổi và các kết quả thì ở hướng tiếp cận thứ ba - coi “phát triển” là một thuật ngữ chủ yếu của tính hiện đại phương Tây cho rằng phát triển bao gồm cả những thay đổi “xấu” và kết quả xấu trong quá trình áp đặt khái niệm vị chủng[1] về phát triển lên thế giới thứ ba (ví dụ các nước đang phát triển). Quan điểm này coi phát triển (và nghèo đói) là những khái niệm mang tính xã hội, chúng không tồn tại một cách khách quan ngoài các câu chuyện cụ thể.
Thuật ngữ “tính bền vững” (sustainability) hướng tới mong muốn thu hẹp khoảng cách giữa sự phát triển kinh tế, xã hội với môi trường. Khái niệm này bắt nguồn từ lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và nước ngầm, dùng để chỉ lượng tài nguyên thiên nhiên có thể khai thác. Ví dụ, sản lượng đánh bắt cá bền vững tối đa mà không ảnh hưởng, phá vỡ đến cấu trúc tự nhiên, có thể dẫn đến huỷ hoại môi trường tự nhiên, mất cân bằng sinh thái hoặc dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài. Hiện nay, khái niệm bền vững áp dụng với tất cả các lĩnh vực, khía cạnh của phát triển, trong đó phát triển liên quan đến con người, xã hội và môi trường. Để đạt được tính bền vững, theo các tác giả Rogers, Jalal và Boyd [8], phát triển phải:
- Để mọi thứ ở trạng thái nguyên thuỷ, hay đưa tất cả trở lại trạng thái đó. Tuy nhiên, theo đánh giá điều này khó có thể xảy ra.
- Phát triển theo hướng không ảnh hưởng quá nặng nề tới sức tải của hệ thống. Ví dụ, xác định xem trái đất của chúng ta với lượng tài nguyên như thế, mức sống của con người như thế thì trái đất sẽ chịu được tối đa bao nhiêu người.
- Tính bền vững sẽ tự động duy trì nếu như có tăng trưởng kinh tế. Có nghĩa là khi cuộc sống của con người khá hơn, họ sẽ tự động quan tâm đến môi trường nhiều hơn.
- Người gây ô nhiễm và nạn nhân gây ô nhiễm có thể tự tìm giải pháp.
- Theo quan điểm kinh tế thì hãy để thị trường tạo ra sự bền vững.
- Tái đầu tư thuế có được từ nguồn tài nguyên không thể tái tạo.
- Trao cho thế hệ sau những thời cơ hay năng lực để họ có cuộc sống tốt đẹp như chúng ta.
Thuật ngữ “phát triển bền vững” (sustainable development) xuất hiện vào năm 1980, được giới thiệu bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên Quốc tế (International Union for Conservation of Nature - IUCN) với nội dung đơn giản ban đầu là sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế, mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái [6]. Khái niệm này được sử dụng rộng rãi vào năm 1987 bởi Uỷ ban Môi trường và Phát triển Thế giới (World Commission on Environment and Develop- ment - WCED). Theo tổ chức này, PTBV là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng hay làm tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai [12]. WCED đề cập đến 2 vấn đề trong PTBV đó là:
• Khái niệm về nhu cầu, đặc biệt là người nghèo trên thế giới là đối tượng được trao ưu tiên hàng đầu.
• Vấn đề giới hạn về khả năng của môi trường đối với việc để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Deve- lopment Bank - ADB) thì PTBV là một loại hình phát triển có sự lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. PTBV cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai. Theo ADB, việc theo đuổi PTBV là một hành động cân bằng đòi hỏi khi thực hiện các chính sách, chiến lược, chương trình và các dự án thì phải coi môi trường và phát triển là một vấn đề. Nó yêu cầu về sự thay đổi trong quan điểm, thái độ và hành vi của các bên liên quan [2].
Mục tiêu của PTBV là đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hoá, sự bình đẳng của mỗi cá nhân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hoà giữa con người và tự nhiên trong các vấn đề PTBV về kinh tế, xã hội và môi trường. Nói cách khác, PTBV là trạng thái con người sống trong điều kiện tốt và môi trường/ hệ sinh thái tự nhiên ở điều kiện tốt.
Hình 2. Mô hình PTBV theo 3 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường
Xét trên khía cạnh kinh tế, một hệ thống bền vững phải có khả năng tạo ra sản phẩm và dịch vụ một cách liên tục ở mức độ có thể kiểm soát bởi chính phủ và nợ nước ngoài, thông qua đó tìm kiếm sự phát triển hài hoà giữa ba lĩnh vực là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Tiếp cận về mặt xã hội, một hệ thống bền vững phải tạo lập được sự công bằng trong phân phối và cung cấp đầy đủ các dịch vụ xã hội bao gồm y tế, giáo dục, bình đẳng giới, sự tham gia và trách nhiệm chính trị của mọi công dân.
Đứng về góc độ môi trường, một hệ thống bền vững cần duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên ổn định, tránh khai thác quá mức các nguồn lực có thể tái tạo, đồng thời có sự đầu tư thay thế một cách xứng đáng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo. Bên cạnh đó, cần duy trì các nguồn lực thường không được coi là nguồn lực phát triển kinh tế như sự đa dạng sinh học, sự ổn định khí quyển và các hoạt động sinh thái khác.
PTBV có những nguyên tắc để xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đối với cộng đồng, đó là:
• Các quyết định về kinh tế và môi trường phải có sự tương hợp lẫn nhau.
• Sự kết nối và bình đẳng giữa các thế hệ. Đảm bảo nhu cầu hiện tại, không ảnh hưởng đến nhu cầu của các thế hệ tương lai.
• Chia sẻ trách nhiệm và sự hiểu biết.
• Phòng ngừa: tất các quyết định về phát triển cần được xem xét cẩn thận để không đe doạ đến nền kinh tế, môi trường, sức khoẻ con người và phúc lợi xã hội.
• Trách nhiệm toàn cầu. Vì sự phát triển chung của nhân loại.
• Sự uỷ thác của nhân dân, phân quyền và uỷ quyền.
• Người gây ô nhiễm phải trả tiền và người sử dụng phải trả tiền.
Có thể thấy PTBV tập trung giải quyết vấn đề phát triển cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Những quyết định của thế hệ đi trước sẽ không làm tổn hại hay ảnh hưởng đến nhu cầu của các thế hệ tương lai.
1.2. Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững
Bối cảnh
Thế giới đối mặt với những vấn đề lớn đó là đói nghèo, ô nhiễm môi trường và những bất ổn xã hội. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (Food and Agriculture Organization - FAO), thế giới hiện có khoảng 795 triệu người bị thiếu ăn hàng ngày, chiếm khoảng 10,7% dân số thế giới [3], tức là cứ 9 người thì có 01 người trên thế giới sống trong đói nghèo cùng cực. Theo LHQ, gần một phần tư trẻ em dưới 5 tuổi sinh ra đã không được ghi nhận, 1,1 tỷ người đang sống không có điện và sự khan hiếm nước ảnh hưởng đến hơn 2 tỷ người [11]. Trong xã hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng dẫn đến bất ổn xã hội. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Xung đột quốc tế đang có dấu hiệu gia tăng, đe doạ đến an ninh và hoà bình trên thế giới. Đứng trước những vấn đề này, LHQ đã chủ trương xây dựng CTNS 2030 về PTBV.
Năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất về môi trường và phát triển, các nhà lãnh đạo thế giới lần đầu tiên cam kết thúc đẩy PTBV nhất trí kế hoạch hành động CTNS 21, một số nguyên tắc chính và thông qua 5 văn kiện quan trọng. Năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh thế giới về PTBV đã nhắc lại các mục tiêu xã hội và môi trường được phản ánh trong Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và CTNS 21. Năm 2012, Hội nghị cấp cao của LHQ về PTBV đã đảm bảo cam kết chính trị không ngừng cho PTBV, giải quyết những thách thức mới đang nổi lên, khởi động quá trình xây dựng mục tiêu PTBV toàn cầu. Từ tháng 9/2013, các nước đặt ra một bộ mục tiêu và khởi động các cuộc đàm phán liên chính phủ về CTNS sau năm 2015, đưa ra bộ 17 mục tiêu PTBV, 169 chỉ tiêu. Ngày 25/9/2015, CTNS 2030 chính thức được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ tại New York. CTNS 2030 có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, vì lợi ích của mọi người dân trên toàn thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau với mục tiêu hoàn tất công việc dang dở của Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và CTNS 21 không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nội dung cơ bản của 17 mục tiêu phát triển bền vững
Hình 3. Tổng quan 17 mục tiêu phát triển bền vững của LHQ
Mục tiêu 1: Xoá nghèo dưới mọi hình thức, ở mọi nơi. Xoá bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người ở mọi nơi.
Mục tiêu 2: Xoá đói, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững.
Mục tiêu 3: Đảm bảo cuộc sống khoẻ mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.
Mục tiêu 4: Đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở, công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Mục tiêu 5: Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
Mục tiêu 6: Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người.
Mục tiêu 7: Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người.
Mục tiêu 8: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, việc làm đầy đủ, năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người.
Mục tiêu 9: Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hoá rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới.
Mục tiêu 10: Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia.
Mục tiêu 11: Xây dựng các đô thị và các khu dân cư mở cửa cho tất cả mọi người, an toàn, vững chắc và bền vững.
Mục tiêu 12: Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững.
Mục tiêu 13: Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó.
Mục tiêu 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho PTBV.
Mục tiêu 15: Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hoá, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học.
Mục tiêu 16: Thúc đẩy xã hội hoà bình và rộng mở cho PTBV, mang công bằng đến với tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và rộng mở ở tất cả các cấp.
Mục tiêu 17: Đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để PTBV.
Có thể thấy mục tiêu chung tổng thể của CTNS 2030 của LHQ về PTBV là tập trung vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống con người, thúc đẩy bình đẳng, bảo vệ môi trường, chung sống hoà bình, tăng cường hợp tác và vì sự thịnh vượng chung trên toàn thế giới, với phương châm phát triển là không để ai ở lại phía sau.
2. Thư viện với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
2.1. Chỉ dẫn của IFLA cho các thư viện
Vậy với mục tiêu PTBV đã đặt ra, các thư viện sẽ làm gì để thực hiện các mục tiêu này? Với lợi thế là có thông tin, trụ sở và cơ sở vật chất được trang bị tốt, người làm thư viện được đào tạo bài bản và mạng lưới trải khắp cả nước, các thư viện Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu PTBV. Theo IFLA [4], các thư viện có thể thực hiện vai trò của mình trong từng mục tiêu PTBV theo gợi ý sau:
Mục tiêu 1: Xoá nghèo - Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Hỗ trợ tiếp cận thông tin một cách rộng rãi và cung cấp các nguồn lực nhằm mang tới cơ hội cải thiện cuộc sống cho tất cả mọi người.
• Đào tạo các kỹ năng mới cần thiết cho giáo dục và việc làm.
• Cung cấp thông tin hỗ trợ chính phủ, xã hội dân sự và doanh nghiệp ra quyết định để chống lại nạn nghèo.
Mục tiêu 2: Xoá đói - Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Cung cấp các nghiên cứu và dữ liệu nông nghiệp nhằm tăng năng suất mùa vụ và bền vững hơn.
• Giúp nông dân tiếp cận các nguồn lực trực tuyến về giá cả thị trường trong nước, báo cáo thời tiết và các thiết bị mới.
Mục tiêu 3: Sức khoẻ tốt và cuộc sống hạnh phúc - Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Cung cấp các nghiên cứu sẵn có trong các thư viện y khoa và thư viện của bệnh viện, hỗ trợ giáo dục và cải thiện hoạt động y tế cho những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
• Hỗ trợ tiếp cận thông tin một cách rộng rãi về sức khoẻ và hạnh phúc trong các thư viện công cộng, giúp các cá nhân và gia đình sống khoẻ mạnh.
Mục tiêu 4: Giáo dục chất lượng - Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Người làm thư viện tận tâm hỗ trợ việc đọc, viết sớm và học tập suốt đời cho người dân.
• Giúp người dân, sinh viên và học sinh tiếp cận thông tin để học tập và nghiên cứu ở mọi lúc mọi nơi.
• Cung cấp không gian mở và hiện đại, gỡ bỏ rào cản chi phí để tiếp cận tri thức và kỹ năng mới cho tất cả mọi người dân.
Mục tiêu 5: Bình đẳng giới - Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Cung cấp không gian hội họp an toàn và thân thiện.
• Cung cấp các chương trình và dịch vụ riêng đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái như quyền lợi và sức khoẻ.
• Hỗ trợ tiếp cận thông tin, công nghệ thông tin và truyền thông hỗ trợ phụ nữ xây dựng kỹ năng kinh doanh và sản xuất.
Mục tiêu 6 và 7: Nước sạch và vệ sinh, năng lượng sạch và giá hợp lý - Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin có chất lượng và những quy định tốt để hỗ trợ quản lý nước và các dự án vệ sinh môi trường ở địa phương.
• Cung cấp truy cập miễn phí và tin cậy tới nguồn điện và ánh sáng để đọc, học tập và làm việc.
Mục tiêu 8: Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững- Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin và đào tạo kỹ năng mà mọi người cần để tìm kiếm, xin việc và đạt được công việc tốt hơn.
Mục tiêu 9: Công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng - Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Cho sử dụng miễn phí cơ sở hạ tầng thư viện dành cho việc nghiên cứu và sáng tạo, cung cấp các chuyên gia thư viện có kỹ năng để hỗ trợ tìm kiếm thông tin.
• Cung cấp không gian công cộng thân thiện và toàn diện.
• Hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông với đường truyền Internet tốc độ cao.
Mục tiêu 10: Giảm bất bình đẳng - Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Cung cấp không gian trung lập và thân thiện để tất cả mọi người kể cả các nhóm thứ yếu như người nhập cư, người tị nạn, dân tộc thiểu số, người bản địa và người khuyết tật dễ dàng tiếp cận việc học tập.
• Tiếp cận công bằng tới thông tin hỗ trợ toàn diện về xã hội, chính trị và kinh tế.
Mục tiêu 11: Thành phố và cộng đồng bền vững - Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Đóng vai trò là các tổ chức tin cậy cống hiến cho việc thúc đẩy hiểu biết và toàn diện văn hoá.
• Dẫn chứng tư liệu và bảo quản di sản văn hoá cho các thế hệ tương lai.
Mục tiêu 12, 13, 14 và 15: Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm; Hành động bảo vệ khí hậu; Cuộc sống dưới nước; Cuộc sống trên mặt đất- Thư viện hỗ trợ các mục tiêu này bằng việc:
• Cung cấp hệ thống chia sẻ và lưu thông tài liệu bền vững giúp giảm thiểu lãng phí.
• Ghi chép lịch sử về thay đổi miền ven biển và sử dụng đất đai.
• Cung cấp các nghiên cứu và dữ liệu cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu.
• Hỗ trợ tiếp cận rộng rãi tới các thông tin cần thiết nhằm định hướng các chính quyền địa phương và quốc gia ra quyết định về các vấn đề như săn bắt, đánh bắt cá, sử dụng đất đai và quản lý nước
Mục tiêu 16: Xã hội hoà bình - Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Tiếp cận công cộng tới thông tin về chính phủ, xã hội dân sự và các tổ chức khác.
• Đào tạo người dân các kỹ năng cần thiết để hiểu và sử dụng thông tin này.
• Cung cấp không gian trung lập chính trị và toàn diện cho mọi người hội họp.
Mục tiêu 17: Quan hệ đối tác toàn cầu - Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
• Tham gia mạng lưới toàn cầu các tổ chức cộng đồng hỗ trợ các dự án phát triển địa phương.
Trên cơ sở các định hướng này, các thư viện Việt Nam sẽ xây dựng kế hoạch hành động của mình để tham gia vào mục tiêu PTBV. Tuỳ từng đặc thù địa phương và thế mạnh của mình mà mỗi thư viện sẽ lựa chọn những mục tiêu phù hợp để thực hiện.
2.2. Kế hoạch hành động của các thư viện Việt Nam
Để các thư viện tham gia tích cực vào xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện mục tiêu PTBV của LHQ, các thư viện Việt Nam cần có một kế hoạch cụ thể cho riêng mình triển khai các hoạt động chuyên môn phù hợp với định hướng của mục tiêu PTBV. Cụ thể, ở mức độ quốc gia, hệ thống các thư viện cần có một bản kế hoạch hành động chung với những nội dung cơ bản sau:
Về mục tiêu
Nâng cao nhận thức của các thư viện, người làm thư viện và cộng đồng về vai trò của thư viện trong việc thực hiện mục tiêu PTBV. Giúp họ nhận thức được tầm quan trọng của mục tiêu PTBV và đóng góp của thư viện trong việc thực hiện các mục tiêu này.
Xây dựng kế hoạch hành động của các thư viện để tham gia sâu vào kế hoạch PTBV quốc gia. Thúc đẩy các thư viện sáng tạo hoạt động, chương trình, sáng kiến cụ thể tại đơn vị mình để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của cộng đồng.
Nội dung triển khai
Phát động phong trào hưởng ứng lời kêu gọi của LHQ và IFLA về tham gia mục tiêu PTBV trong tất cả các loại hình thư viện Việt Nam.
Tổ chức các khoá đào tạo (training workshops) để hướng dẫn các thư viện/ người làm thư viện xây dựng các hoạt động/ chương trình cho thư viện mình tham gia sâu hơn vào đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương/ khu vực, cũng như nâng cao dân trí và các hoạt động chuyên môn của mỗi người dân.
Tổ chức hội thảo quốc gia về vai trò của thư viện trong việc tham gia thực hiện mục tiêu PTBV quốc gia và đóng góp của thư viện trong bối cảnh kinh tế, xã hội mới của Việt Nam.
Xây dựng tài liệu, các chương trình quảng bá về mục tiêu PTBV và sự tham gia của các thư viện trong việc thực hiện các mục tiêu này.
Tìm kiếm đối tác, nhà tài trợ và sự ủng hộ của các cấp chính quyền cho thư viện trong việc thực hiện các hoạt động vì mục tiêu PTBV quốc gia.
Kế hoạch thực hiện
Hội Thư viện Việt Nam phối hợp với các bên liên quan lên kế hoạch hành động chung về PTBV - chương trình hành động về mục tiêu PTBV.
Mỗi Chi hội, Liên chi hội trong Hội Thư viện Việt Nam tham gia thúc đẩy phổ biến về chương trình này đối với các hội viên mà mình phụ trách.
Quảng bá vai trò của thư viện bằng “ngôn ngữ” của PTBV.
Tổ chức khoá đào tạo cho người làm thư viện về PTBV và xây dựng nội dung hoạt động cho thư viện mình đang công tác.
Xây dựng các hoạt động, chương trình cụ thể để các thư viện tham gia trực tiếp vào PTBV của quốc gia/ địa phương/ lĩnh vực.
Các thư viện thu thập những câu chuyện/ dữ liệu về việc các thư viện đang có những hoạt động đóng góp tích cực cho cộng đồng. Xây dựng các sản phẩm truyền thông để quảng bá.
Tổ chức hội thảo quốc gia về vai trò của thư viện trong việc thực hiện mục tiêu PTBV của LHQ.
Các thư viện triển khai các hoạt động cụ thể góp phần vào mục tiêu PTBV quốc gia. Các hoạt động chuyên môn cụ thể sẽ lồng ghép vào mục tiêu PTBV của từng địa phương mà thư viện đó hoạt động.
Các bên tham gia phối hợp thực hiện
Kết luận
Tham gia thực hiện mục tiêu PTBV của LHQ là cơ hội tốt để các thư viện Việt Nam nâng tầm của mình trong xã hội Việt Nam hiện đại. Việc thực hiện các mục tiêu này cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các hội nghề nghiệp, các thư viện và sự hỗ trợ của quốc tế. Trong đó nổi bật là vai trò của Vụ Thư viện, Hội Thư viện Việt Nam và Thư viện Quốc gia Việt Nam trong việc hoạch định chiến lược phát triển và xây dựng kế hoạch hành động cho mục tiêu PTBV. Các thư viện cần xây dựng cho mình kế hoạch hành động cụ thể để triển khai các hoạt động chuyên môn phù hợp với các mục tiêu PTBV, thông qua đó có thể kêu gọi được sự hỗ trợ về nguồn lực cho sự phát triển từ nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong toàn xã hội. Trước khi chúng ta kêu gọi xã hội công nhận mình thì hãy hành động để chứng minh sự đóng góp quan trọng của thư viện trong việc phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và tham gia thực hiện mục tiêu PTBV của LHQ được coi là cơ hội thế kỷ cho các thư viện Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội thảo “Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và cập nhật tình hình triển khai thực hiện ở Việt Nam”. Truy cập từ http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?id- Tin=35534.
2. ADB. ADB Sustainable Development Timeline. Truy cập từ https://www.adb.org/sites/default/files/publication/27485/sustainable-development-timeline.pdf.
3. FAO. World hunger falls to under 800 million, eradication is next goal. Truy cập từ http://www.fao.org/news/story/en/item/288229/icode/.
4. IFLA. Libraries can drive progress across the entire UN 2030 Agenda. Truy cập từ http:// www.ifla.org/files/assets/hq/topics/libraries development/documents/sdgs-insert.pdf.
5. IFLA. The International Advocacy Programme (IAP). Truy cập từ https://www.ifla.org/node/11149.
6. IUCN. World conservation strategy. Truy cập từ https://portals.iucn.org/library/efiles/documents/ WCS-004.pdf.
7. Manitoba. Principles and Guidelines of Sus- tainable Development. Truy cập từ http://www. gov.mb.ca/sd/susresmb/principles-susdev/.
8. Rogers, P.P, Jalal , K.F andBoyd, J.A. An introduction to sustainable development. - Abingdon: Routledge, 2007.
9. Sumner, A. andTribe, M.A. International development studies: Theories and methods in research and practice. - London: SAGE Publications, 2008.
10. United Nations. Transforming our world: the 2030 Agenda for Sustainable Development. By the General Assembly on 25 September 2015. Truy cập từ http://www.un.org/ga/search/view_doc.asp?symbol=A/RES/70/1&Lang=E.
11. United Nations. The Sustainable development goals report 2016. Truy cập từ https://unstats.un. org/sdgs/report/2016/.
12. WCEB. Report of the world commission on environment and development: our common future. Truy cập từ http://www.un-documents.net/ourcom- mon-future.pdf.
[1]Tính vị chủng là khái niệm chỉ sự tự quan niệm, tự đánh giá của cá nhân cho rằng chủng tộc, cộng đồng mà mình là thành viên có phẩm chất cao hơn các chủng tộc, cộng đồng khác.
________________
TS. Đỗ Văn Hùng, ThS. Kiều Thuý Nga, Bùi Thị Thuỷ, Phạm Thế Khang
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 4. - Tr. 3-12.
< Prev | Next > |
---|
- Các xu hướng ứng dụng trang web trong hoạt động thư viện - thông tin
- Quản lý dữ liệu nghiên cứu: Một cách tiếp cận quản trị dữ liệu cho các thư viện Việt Nam
- Hợp tác giữa người làm thư viện - giáo viên và việc xây dựng nguồn học liệu trong trường phổ thông
- Xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động thư viện - thông tin đối với thư viện chuyên ngành, đa ngành
- Đào tạo năng lực thông tin - Xu hướng thiết yếu cho các thư viện công cộng
- METS - trong bài toán quản lý thư viện số hiện nay
- Truy cập mở phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong thư viện đại học
- Tác động của tài nguyên giáo dục mở đối với hành vi thông tin của giảng viên
- Vai trò của tài nguyên giáo dục mở và truy cập mở trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam
- Nghiên cứu tình huống và việc áp dụng trong giảng dạy sinh viên ngành Thư viện - Thông tin tại các trường đại học ở Việt Nam