Giải pháp phát huy giá trị vốn tài liệu hán nôm tại các thư viện Việt Nam

E-mail Print

Đặt vấn đề

Tài liệu Hán Nôm, một nguồn tư liệu văn hoá thành văn phong phú nhất của dân tộc Việt Nam được ông cha ta dày công sáng tạo ra bằng việc sử dụng chữ Hán và chữ Nôm để sáng tác, trước thuật, ghi chép các công văn tài liệu, thư tịch; khắc trên các bia đá, chuông đồng, biển gỗ và các loại vật mang tin khác trước khi có các văn bản ghi bằng chữ Quốc ngữ.

Là nguồn tư liệu cổ, gắn liền với chiều dài lịch sử của dân tộc, tài liệu Hán Nôm được coi là di sản của dân tộc, là một bộ phận tiêu biểu thể hiện bề dày của văn hiến Việt Nam. Những thông điệp qua hệ thống di sản này vừa là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, vừa gìn giữ những giá trị văn hoá, lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc, phản ánh một cách toàn diện, trung thực mọi mặt của đời sống xã hội và có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Giá trị là thế, nhưng làm thế nào để phát huy được những giá trị đó mà vẫn bảo tồn và không làm phương hại nguồn di sản là một vấn đề không hề đơn giản đối với các thư viện hiện đang lưu giữ.

Di sản Hán Nôm chỉ thật sự phát huy giá trị khi được tổ chức khai thác sử dụng để phục vụ các mặt hoạt động khác nhau của đời sống xã hội. Chính vì vậy, công tác tổ chức khai thác, sử dụng vốn tài liệu Hán Nôm là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng của các thư viện trong thời đại mới. Việc phát huy giá trị của tài liệu Hán Nôm cũng chính là phát huy nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

1. Phát huy tài liệu Hán Nôm tại các thư viện Việt Nam

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác về nguồn tài liệu Hán Nôm được lưu giữ tại các thư viện ở Việt Nam. Tuy nhiên, con số này là khá nhiều và khá phong phú, đa dạng về mặt nội dung và hình thức tài liệu. Ngoài các cơ quan lưu trữ quốc gia, hầu hết nguồn tài liệu Hán Nôm được sưu tầm và lưu giữ chủ yếu trong các thư viện công cộng, thư viện của các viện nghiên cứu và thư viện các trường đại học như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Thư viện Viện Sử học, Thư viện Viện Văn học, Thư viện Khoa học Xã hội (thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ), Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội, Thư viện Trung tâm - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh… Nhiều nhất phải kể đến Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, hiện đang lưu giữ trên 34.000 đơn vị sách Hán Nôm, hơn 56.000 đơn vị thác bản văn khắc Hán Nôm như: bia đá, chuông đồng, khánh, bản gỗ… từ thế kỷ XI đến thời Nguyễn thế kỷ XX.

Trong thời gian qua, bên cạnh việc chú trọng bảo quản, bảo tồn tốt tài liệu, các thư viện ở Việt Nam đã rất quan tâm đến công tác phát huy giá trị tài liệu Hán Nôm thông qua việc tổ chức khai thác, sử dụng vốn tài liệu này. Qua tìm hiểu, hiện tại nguồn tài liệu Hán Nôm tại các thư viện chủ yếu được tổ chức khai thác, sử dụng thông qua các cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu tài liệu; thông qua các sản phẩm, dịch vụ thư viện - thông tin như: hệ thống mục lục thư viện; thư mục, danh mục tài liệu Hán Nôm; các cơ sở dữ liệu điện tử, cơ sở dữ liệu toàn văn; dịch vụ tra cứu tài liệu; dịch vụ cung cấp tài liệu, bao gồm: cung cấp tài liệu đọc tại chỗ, đọc toàn văn, cung cấp các bản sao; dịch vụ hướng dẫn sử dụng thư viện; dịch vụ dịch thuật, biên khảo, xuất bản tài liệu Hán Nôm và khai thác thông qua mạng Internet, điển hình là hoạt động dịch thuật và biên khảo. Trong bài “Điểm qua tình hình dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm trong thế kỷ XX” của Giáo sư Trần Nghĩa [6], cho chúng ta số liệu thống kê sau: trong thế kỷ XX, có khoảng 1.347 tác phẩm dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm đã được công bố, trong đó:

Văn: 579 tác phẩm (so với lượng sách chưa được công bố là 2.500, chiếm 23,16% trữ lượng);

Sử: 332 tác phẩm (so với lượng sách chưa được công bố là 1.000, chiếm 33,20% trữ lượng);

Triết: 87 tác phẩm (so với lượng sách chưa được công bố là 600, chiếm 14,50% trữ lượng);

Giáo dục: 58 tác phẩm (so với lượng sách chưa được công bố là 450, chiếm 12,88% trữ lượng);

Y: 62 tác phẩm (so với lượng sách chưa được công bố là 300, chiếm 20,66% trữ lượng);

Địa: 55 tác phẩm (so với lượng sách chưa được công bố là 300, chiếm 18,33% trữ lượng).

Như vậy, việc khai thác tài liệu Hán Nôm chủ yếu là mảng Văn - Sử - Triết, vì mảng này chiếm khối lượng lớn trong di sản Hán Nôm. Tuy nhiên, nhìn chung hiệu quả khai thác, sử dụng tài liệu chưa cao; đối tượng khai thác, sử dụng còn hạn hẹp… Điều này có thể được xem xét bởi một số nguyên nhân sau:

- Ngôn ngữ của tài liệu là một trong những rào cản lớn nhất trong việc tiếp cận và khai thác nội dung của tài liệu vì đa phần tài liệu đều là chữ Hán, chữ Nôm, sẽ rất khó khăn đối với người đọc không biết chữ Hán, chữ Nôm. Mặt khác, nhiều người đọc lựa chọn những tài liệu Hán Nôm đã được dịch và xuất bản thay cho những tài liệu gốc như: Đại Nam thực lục, Truyện Kiều, Hoàng Lê nhất thống chí…

- Nhiều thư viện hiện vẫn chưa có chính sách khai thác, sử dụng tài liệu nói chung, cũng như tài liệu Hán Nôm nói riêng, hoặc chính sách không phù hợp với tình hình phát triển thực tế của thư viện. Điều này, làm cho các thư viện bị mất phương hướng, làm theo “ngẫu hứng”, trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Do đó, dẫn đến hiệu quả phát huy giá trị vốn tài liệu Hán Nôm chưa cao.

- Hệ thống các công cụ tra cứu tìm tin thiếu thốn, lạc hậu gây khó khăn cho người đọc trong quá trình tìm kiếm, khai thác, sử dụng tài liệu, cũng như ảnh hưởng đến quá trình phổ biến thông tin của thư viện.

- Công tác quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu vốn tài liệu Hán Nôm tại các thư viện chưa được quan tâm, nhất là trên hệ thống trang web, trang thông tin điện tử của các thư viện - một trong những nơi “marketing” hiệu quả nhất.

- Hình thức khai thác, sử dụng tài liệu còn lạc hậu và bị “bó cứng” trong một số hình thức nhất định. Đây được coi là nguyên nhân cơ bản nhất hiện nay. Điều này đã được nhấn mạnh tại “Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05/2007/ CT-TTg ngày 02/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 12/7/2012: “hình thức khai thác, sử dụng tài liệu còn đơn điệu, chủ yếu là tra cứu, khai thác và sao chụp tài liệu tại phòng đọc…”. Hạn chế này gây khó khăn không nhỏ cho đại bộ phận người sử dụng tài liệu Hán Nôm trong thời đại công nghệ thông tin và mạng Internet là một phần tất yếu không thể tách rời của đời sống xã hội.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm còn nghèo nàn, lạc hậu. Từ đó, dẫn đến hiệu quả khai thác tài liệu chưa cao, giá trị của tài liệu chưa được phát huy đúng mức.

- Khả năng tạo lập, phát triển các sản phẩm và dịch vụ thư viện, khả năng xử lý hình thức và nội dung tài liệu Hán Nôm, cũng như công tác phục vụ người đọc khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm của đội ngũ người làm thư viện còn nhiều hạn chế.

2. Một số giải pháp phát huy giá trị vốn tài liệu Hán Nôm tại thư viện Việt Nam

Để công tác phát huy giá trị tài liệu Hán Nôm tại các thư viện có hiệu quả cao, cũng như khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong việc tổ chức khai thác, sử dụng vốn tài liệu này, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

2.1. Xây dựng và hoàn thiện chính sách khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm

Các thư viện cần xây dựng cho mình một chính sách khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên thông tin nói chung, cũng như tài liệu Hán Nôm và các loại tài liệu quý hiếm khác nói riêng. Bên cạnh đó, cũng có thể hoàn thiện những chính sách đã có nhưng còn nhiều hạn chế. Chính sách khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm sẽ là cơ sở để định hướng một cách khoa học, là công cụ thực hiện công tác phát huy giá trị tài liệu Hán Nôm một cách hiệu quả.

Tuỳ theo điều kiện của từng thư viện về kinh phí, nhân lực, nguồn tài liệu Hán Nôm… mà chính sách được xây dựng có thể khác nhau. Tuy nhiên, chính sách cần phải thể hiện được các nội dung cơ bản sau: Giá trị, ý nghĩa của tài liệu Hán Nôm; Vai trò và tầm quan trọng của công tác phát huy giá trị tài liệu Hán Nôm; Thẩm quyền cho phép khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm; Đối tượng khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm; Các hình thức khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm (có thể cụ thể hoá các sản phẩm, dịch vụ…); Mức phí (nếu có)…

Việc xây dựng một chính sách mới, cũng như hoàn chỉnh chính sách đã có phải được tìm hiểu, nghiên cứu kỹ và thậm chí có thể tiến hành khảo sát điều tra nhu cầu sử dụng tài liệu Hán Nôm của người đọc, tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực thư viện - thông tin, lưu trữ, Hán Nôm học để đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả thực thi của chính sách.

2.2. Tổ chức khoa học vốn tài liệu Hán Nôm; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống công cụ tra cứu tìm tin

Tổ chức khoa học vốn tài liệu Hán Nôm là tổng hợp các khâu nghiệp vụ cơ bản nhằm mục đích cuối cùng là tra tìm tài liệu một cách nhanh chóng, chính xác và phục vụ người đọc thuận lợi, dễ dàng khi có yêu cầu. Nội dung của tổ chức khoá học tài liệu Hán Nôm gồm: thu thập, bổ sung tài liệu; xử lý hình thức và nội dung tài liệu; xác định giá trị tài liệu; tổ chức tài liệu; xây dựng các bộ công cụ tra tìm tài liệu và một số công tác bổ trợ khác của các ngành khoa học, tin học có liên quan.

Hệ thống công cụ tra cứu tìm tin là tập hợp các công cụ tra tìm thông tin tài liệu, cũng như thông báo, giới thiệu tài liệu đến với người đọc, là chìa khoá giúp người đọc tiếp cận được với tài liệu một cách dễ dàng, nhanh chóng. Các loại công cụ tra cứu càng đầy đủ, chuyên sâu và hiện đại thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm, khai thác và sử dụng tài liệu. Như vậy, muốn nâng cao hiệu quả công tác khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm thì việc xây dựng mới, cũng như hoàn thiện hệ thống công cụ tra cứu đã có là một yêu cầu tất yếu của các thư viện. Bên cạnh các công cụ tra cứu truyền thống như: mục lục phiếu, các thông báo sách mới, thư mục, danh mục… nhất thiết phải ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm. Ngoài OPAC được tích hợp trên các phần mềm quản lý thư viện tích hợp, các thư viện có thể tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng các loại phần mềm tra tìm thông minh trên Internet. Điều đó, giúp các thư viện có thể đa dạng hoá hình thức tìm kiếm thông tin, giúp người đọc có nhiều lựa chọn trong việc tra tìm tài liệu, nhưng vẫn đảm bảo sự thuận tiện, nhanh chóng và chính xác.

2.3. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tài liệu Hán Nôm

Các thư viện cần chủ động và đa dạng hoá các hình thức, phương thức tuyên truyền, giới thiệu thành phần, nội dung, giá trị tài liệu Hán Nôm thông qua các hình thức như:

- Triển lãm, trưng bày tài liệu: Là một trong những hình thức quảng bá, giới thiệu tài liệu Hán Nôm đến đông đảo người đọc thông qua tổ chức trưng bày các tài liệu gốc hoặc bản sao tài liệu trong một thời gian và địa điểm nhất định. Ngoài ra, các cuộc triển lãm, trưng bày tài liệu Hán Nôm còn góp phần giáo dục người đọc về ý thức truyền thống dân tộc, nhất là các thế hệ trẻ. Cũng như tạo điều kiện cho công chúng, các học giả trong và ngoài nước tiếp cận các nguồn tài liệu vốn được coi là tài sản quý hiếm của quốc gia, thuộc dạng hạn chế khai thác, sử dụng.

- Công bố, giới thiệu tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, tạp chí chuyên ngành, trang web, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, đài phát thanh và truyền hình) bằng việc viết bài công bố, giới thiệu sách đăng trên tạp chí chuyên ngành, trang thông tin điện tử hoặc tại các cuộc hội thảo, toạ đàm khoa học. Các bài viết công bố, giới thiệu sách Hán Nôm có thể dưới dạng giới thiệu một nhóm tài liệu về một chủ đề, sự kiện, hoặc một nhân vật… Ngoài ra, các thư viện cũng có thể phối hợp với các cơ quan phát thanh truyền hình xây dựng các phóng sự, phim tài liệu giới thiệu tài liệu Hán Nôm phát trên các kênh truyền hình để người đọc biết đến một cách rộng rãi.

2.4. Đa dạng hoá và đổi mới các hình thức khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm

Các thư viện cần nghiên cứu và áp dụng nhiều hình thức khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm khác nhau để giúp người đọc có thể dễ dàng và thuận tiện trong việc tiếp cận, khai thác tài liệu. Có thể kể đến một số hình thức truyền thống đã được áp dụng phổ biến như: phục vụ đọc tại chỗ, cho mượn về nhà, triển lãm, trưng bày, giới thiệu tài liệu, cung cấp các bản sao, bản chứng thực tài liệu Hán Nôm, khai thác tài liệu để biên soạn các sách chuyên khảo, xây dựng các bộ phim… Bên cạnh những hình thức khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm mang tính truyền thống mà các thư viện đã và đang áp dụng nêu trên, thì hiện nay do sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã làm xuất hiện tài liệu Hán Nôm ở dạng điện tử; các cơ sở dữ liệu Hán Nôm toàn văn, công cụ tra tìm được hiện đại hoá… các thư viện cần mạnh dạn nghiên cứu và áp dụng một số hình thức khai thác, sử dụng mới như: cung cấp tài liệu Hán Nôm theo hợp đồng, khai thác tài liệu Hán Nôm qua mạng nội bộ và mạng toàn cầu… Đặc biệt, có thể nghiên cứu để đưa vào áp dụng mô hình “Phòng đọc trực tuyến”. Ưu điểm của loại hình phòng đọc này là giảm thủ tục, thời gian cho việc khai thác, sử dụng tài liệu của người đọc, giúp họ có thể truy cập tài liệu từ xa, bất kỳ lúc nào, bất kỳ đâu.

Phòng đọc trực tuyến cũng sẽ giúp các thư viện đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm mà không nhất thiết phải mở rộng, nâng cấp phòng đọc truyền thống. Ngoài ra, phòng đọc trực tuyến cũng sẽ giúp các thư viện có cơ hội phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu về giá trị tài liệu Hán Nôm, cũng như nội dung, thành phần tài liệu đang được bảo quản, lưu trữ; quản lý người sử dụng tài liệu và quản lý tài liệu Hán Nôm tốt hơn (chống sao chụp trái phép, chống xuống cấp đối với tài liệu (bản gốc/ bản chính)); đẩy mạnh việc hiện đại hoá công tác bảo quản, bảo tồn tài liệu.

2.5. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm

Các thư viện cần đầu tư xây dựng, cải tạo và hiện đại hoá cơ sở vật chất các phòng đọc tại chỗ, phòng đọc đa phương tiện, phòng đọc trực tuyến và khu vực phục vụ dành cho công tác triển lãm, trưng bày, giới thiệu tài liệu Hán Nôm, cũng như kiến trúc không gian xung quanh nhằm tạo một không gian học tập, nghiên cứu chất lượng và thoải mái. Ngoài ra, các thư viện cần phải tăng cường các trang thiết bị phục vụ công tác khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm như: kệ trưng bày, màn chiếu, màn hình để có thể quảng bá, giới thiệu tài liệu; máy tính để phục vụ tra cứu, đọc toàn văn, cũng như lưu trữ các cơ sở dữ liệu toàn văn; máy sao chụp chuyên dụng, máy ảnh kỹ thuật số… để xây dựng nguồn tài nguyên số. Việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị sẽ góp phần mang lại hiệu quả đáng kể cho công tác khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm của các thư viện. Đồng nghĩa với việc làm cho giá trị của tài liệu Hán Nôm được phát huy một cách dễ dàng, tối đa nhất.

2.6. Xây dựng đội ngũ chuyên trách thực hiện công tác phục vụ khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm

Các thư viện cần có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức làm công tác quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu tài liệu Hán Nôm; cũng như công tác phục vụ, hướng dẫn người đọc khai thác, sử dụng tài liệu. Trong việc lựa chọn, xây dựng đội ngũ chuyên trách thực hiện các công tác này, thư viện cần chú ý, ưu tiên những người có kiến thức nhất định về chữ Hán, chữ Nôm, cũng như am hiểu về thành phần, nội dung, giá trị vốn tài liệu Hán Nôm tại đơn vị mình. Bên cạnh đó, các thư viện cũng cần đẩy mạnh việc giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau ở trong và ngoài nước, cũng như có sự liên kết hợp tác với những cơ quan có chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học về Hán Nôm (các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu) để thực hiện tốt hơn công tác khai thác, sử dụng tài liệu Hán Nôm ngay tại đơn vị mình.

2.7. Nâng cao nhận thức của người đọc về giá trị của tài liệu Hán Nôm

Đây là một hoạt động giúp người đọc hiểu được giá trị của tài liệu Hán Nôm, thúc đẩy họ tìm kiếm, khai thác và sử dụng nguồn tài liệu này cho những mục đích thiết thực liên quan đến nhu cầu học tập, nghiên cứu. Điều đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác khai thác, sử dụng vốn tài liệu Hán Nôm của người đọc, làm cho giá trị của tài liệu được phát huy một cách sâu rộng tại thư viện hiện đang lưu giữ. Để thực hiện nhiệm vụ này, các thư viện cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kịp thời các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác lưu trữ, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị tài liệu Hán Nôm, cũng như vai trò, ý nghĩa, các giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, xã hội của tài liệu Hán Nôm trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

2.8. Dịch thuật và xuất bản các tài liệu Hán Nôm

Các thư viện cần có kế hoạch lựa chọn dịch các tài liệu Hán Nôm sang tiếng Việt và xuất bản công bố đến người đọc. Đây là một giải pháp thiết thực nhằm phá vỡ rào cản về mặt ngôn ngữ - một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác và sử dụng tài liệu Hán Nôm của người đọc, giúp cho họ có thể dễ dàng tiếp cận được nội dung bên trong của tài liệu mà không cần đến sự hỗ trợ của một người trung gian (người biết chữ Hán, chữ Hôm). Mặc dù, đây là một giải pháp tốn kém kinh phí cho việc cộng tác với các chuyên gia về Hán Nôm trong việc dịch thuật, chỉnh lý… nhưng hiệu quả của nó mang lại thì rất cao và mang tính chất lâu dài.

2.9. Tìm hiểu, nghiên cứu cách thức phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của một số nước trên thế giới để áp dụng vào công tác phát huy giá trị tài liệu Hán Nôm

Các thư viện cần tìm hiểu, nghiên cứu cách thức phát huy giá trị các tài liệu lưu trữ ở một số nước trên thế giới để có thể tham khảo, học hỏi và áp dụng cho đơn vị mình. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, các cơ quan lưu trữ của họ từ trước đến nay luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giới thiệu tài liệu lưu trữ hướng tới công chúng. Họ thực hiện công tác này một cách có tổ chức, có kế hoạch, với nhiều hình thức phát huy giá trị tài liệu lưu trữ hiệu quả. Ở Singapore, họ quan niệm tiếp cận tài liệu lưu trữ là quyền lợi cơ bản của công dân, do đó, cơ quan Lưu trữ Quốc gia Singapore tiến hành số hoá có lựa chọn các tài liệu lưu trữ và đăng tải lên mạng để phục vụ việc tiếp cận rộng rãi của công chúng. Ở Pháp, Hoa Kỳ, Ôxtrâylia, thì họ chú trọng phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trong hoạt động giáo dục thông qua các hoạt động như: khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu lưu trữ làm công cụ giảng dạy, xây dựng chuyên đề tài liệu lưu trữ cho các nhóm đối tượng, hoặc là thông qua các buổi giới thiệu chuyên đề, gặp gỡ giao lưu…

Việc tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu các chính sách, hình thức phát huy giá trị tài liệu lưu trữ ở các nước phát triển giúp cho các thư viện có một cái nhìn tổng quan và rút ra được những kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách, kế hoạch tổ chức phát huy giá trị tài liệu lưu trữ nói chung, và tài liệu Hán Nôm nói riêng.

2.10. Hợp tác chia sẻ nguồn tài liệu Hán Nôm

Trong điều kiện kinh tế của đất nước nói chung, cũng như các thư viện nói riêng còn nhiều khó khăn thì việc hợp tác, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin là rất quan trọng, đặc biệt là với nguồn tài liệu Hán Nôm quý giá và hạn chế về số lượng bản, tình trạng vật chất tài liệu. Việc hợp tác chia sẻ vừa tiết kiệm chi phí, vừa đa dạng hình thức khai thác của các thư viện và hơn hết là có thể phổ biến rộng rãi, đầy đủ giá trị, thành phần, nội dung tài liệu Hán Nôm đến với người đọc, giúp người đọc có thể tiếp cận, khai thác và sử dụng tài liệu một cách nhanh chóng, dễ dàng, thoả mãn tối đa nhu cầu tin của họ. Các thư viện có thể liên kết bổ sung, trao đổi nguồn tài liệu Hán Nôm (các bản gốc, bản sao) cho nhau để hoàn chỉnh các bộ sách, hoặc cũng có thể xây dựng cơ sở dữ liệu Hán Nôm toàn văn sử dụng chung do một thư viện chịu trách nhiệm điều phối, quản lý. Có như vậy, nguồn tài liệu Hán Nôm - di sản của dân tộc mới phát huy được tối đa giá trị vốn có của nó.

Kết luận

Tóm lại, tài liệu Hán Nôm là một dạng tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt trên rất nhiều phương diện của đời sống xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã và đang rất quan tâm đến công tác bảo quản an toàn, cũng như tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài liệu này. Các thư viện được coi là những thiết chế văn hoá có nhiệm vụ phổ biến, phát huy những giá trị vốn có của nguồn tài liệu này, vì vậy, các thư viện cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau để phát huy tối đa các giá trị của tài liệu Hán Nôm phục vụ cho đông đảo người đọc, cho đời sống xã hội trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Di sản Hán Nôm Huế : Kỷ yếu Hội thảo Bảo tồn và Phát huy Di sản Hán Nôm Huế. - Huế, 2003. - 405tr.

2. Hoàng Quang Cương. Một số giải pháp nhằm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tại các lưu trữ lịch sử. Truy cập tại http://luutruvn.com/index.php/2016/11/18/mot-so-giai-phap-nham-phat-huy-gia-tri-tai-lieu-luu-tru-tai-cac-luu-tru-lich-su/.

3. Nguyễn Thị Ly. Phát huy giá trị tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II - thực trạng và giải pháp. Truy cập tại http://luutruvn.com/index.php/2016/09/22/phat-huy-gia-tri-tai-lieu-tai-trung-tam-luu-tru-quoc-gia-ii-thuc-trang-va-giai-phap/.

4. Nguyễn Thị Thuý Bình. Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của Lưu trữ một số nước trên thế giới và một số đề xuất đối với lưu trữ Việt Nam. Truy cập tại http://lib.huha.edu.vn:8080/phamquangquyen/bitstream/123456789/505/1/36.pdf.

5. Nguyễn Xuân Diện, Chu Tuyết Lan. Lưu trữ, khai thác và phát huy giá trị di sản Hán Nôm trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Truy cập tại http://dlib.vnu.edu.vn/iii/cpro/.

6. Nhìn lại Hán Nôm học Việt Nam thế kỷ XX. - H.: Khoa học xã hội, 2003. - 750 tr.

7. Trần Mạnh Tuấn. Sản phẩm và dịch vụ thông tin - thư viện. - H.: Trung tâm Thông tin Tư liệu Khoa học và Công nghệ Quốc gia, 1998. - 324tr.

8. Vũ Thị Phụng. Khai thác và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn - tiềm năng, hiệu quả và giải pháp. Truy cập tại http://dlib.vnu.edu.vn/iii/cpro/.

__________

Trần Minh Nhớ

Thư viện Khoa học Xã hội Tp. HCM, thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 4. - Tr. 20-25.


Đọc thêm cùng chuyên mục: