Khoá học trực tuyến mở - xu hướng phát triển giáo dục đại học

E-mail Print

Giới thiệu

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) đã giúp ngành Giáo dục có sự chuyển mình đáng kể trong hoạt động dạy và học, có nhiều đổi mới so với mô hình giáo dục truyền thống [16], ví dụ như sự chuyển đổi các bài giảng tĩnh từ giấy sang các dạng tài liệu điện tử với tính trực quan được tăng cường thông qua dữ liệu đa phương tiện.

Theo thống kê từ tổ chức Internet Society, số lượng người dùng mạng Internet đã tăng đột biến trong một thập kỷ nay và con số này đã đạt 2,89 tỷ vào năm 2014 [10]. Con số này nói lên sự tác động của Internet đến mọi mặt của đời sống con người, từ hoạt động thương mại đến giáo dục. Với sự hỗ trợ từ Internet, việc học hiện nay không chỉ diễn ra theo hình thức học tập trung mà còn theo hình thức phân tán, tức là người học ngoài việc lĩnh hội kiến thức ở trường lớp còn có thể học tập qua các kênh giáo dục dựa trên môi trường mạng Internet như: UdaCity, YouTube EDU, iTunes U... [11]. Việc học giờ đây trở nên dễ dàng hơn, với một máy tính có kết nối mạng, người học có thể tham khảo được các nguồn học liệu mở nhiều hơn dựa trên các kênh giáo dục kể trên.

Theo một nghiên cứu của tác giả C-C. Chen [11], xu hướng của giáo dục hiện đại phải chứa đựng hai yếu tố quan trọng, đó là tính cộng tác và tính mở, do sự phát triển vượt bậc và phức tạp của các ngành khoa học hiện đại đòi hỏi về tính cộng tác ngày càng cao giữa các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau và trên những mức độ khoa học khác nhau. Nghiên cứu hiện đại đòi hỏi phải làm việc nhóm, có thể liên ngành hay thậm chí là sự kết hợp của nhiều tổ chức nghiên cứu của nhiều quốc gia trên thế giới, mang tính chất quốc tế. Bên cạnh đó, một yếu tố khác của xu hướng giáo dục hiện đại là tính mở, có thể hiểu là tính công khai và tự do sử dụng nguồn tài liệu. Tính mở trong chia sẻ nguồn tài liệu đã thúc đẩy việc lĩnh hội nguồn tri thức diễn ra nhanh hơn, xoá bỏ nhiều rào cản trong học tập và nghiên cứu. Do đó, ngày càng nhiều hệ thống mở được xây dựng với mục đích phục vụ đào tạo như: nguồn truy cập mở (Open Access), nguồn tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resource - OER), Open Scholar, học liệu mở (Open Course Ware - OCW). Tóm lại, tính tương tác và tính mở được xem là hai yếu tố quan trọng trong giáo dục hiện đại, dẫn đến việc hình thành một mô hình giáo dục mới. Mô hình này mang tính chất đại trà, không giới hạn phạm vi hay thành phần người tham gia, cho phép tất cả mọi người đều có thể tham gia học tập ở bậc đại học.

Với hai yếu tố quan trọng trong giáo dục hiện đại đã mô tả ở trên, một nghiên cứu khác của các tác giả L. Yuan và S. Powell [13] đã chỉ ra rằng, hiện tượng đào tạo đại trà trực tuyến mở đang được lan rộng và ngày càng phát triển trong giáo dục đại học (GDĐH). Tình trạng ngân sách nhà nước ngày càng eo hẹp cho việc đầu tư các nguồn tài liệu giáo dục có chất lượng và xu hướng phổ cập tri thức mang tính chất toàn cầu là những nguyên nhân chính giúp MOOC phát triển. MOOC là một cải tiến của mô hình học tập trực tuyến và mô hình này tương đối mới trong cộng đồng giáo dục, chỉ mới được phát triển trong thời gian gần đây. MOOC hiện nay đang gây sự chú ý lớn trong giới truyền thông, các tổ chức đầu tư giáo dục và sự quan tâm rất đáng kể của các trường đại học (ĐH).

1. Khái quát về khoá học trực tuyến mở (Massive Open Online Courses - MOOC)

1.1. Sự ra đời của MOOC

Vào năm 2008, các tác giả Dave Cormier và Bryan Alexander bắt đầu đưa ra thuật ngữ MOOC, đánh dấu sự ra đời của mô hình khoá học đại trà trực tuyến mở và mở ra một loại hình đào tạo mới của đào tạo từ xa. Mô hình này có thể xem như là bước phát triển của e-learning, một dạng đào tạo trực tuyến đã phát triển mạnh mẽ trong những năm trước đó. Khoá học đầu tiên được thử nghiệm có tên là “Connectivism and connective Knowledge”, với sự tham gia của 25 sinh viên trường ĐH Manitoba và 2.200 học viên trên toàn thế giới học tập miễn phí qua mạng [1] và hiện tượng MOOC tiếp tục bùng nổ trong những năm sau đó. Vào năm 2012, hàng loạt các trường ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ như Stanford, MIT, Harvard, UC Berkeley… bắt đầu có ấn tượng và tham gia vào hệ thống MOOC của các nhà đầu tư phi lợi nhuận lẫn thương mại như: Udacity, Coursera và edX, FutureLearn... [11,16]. Sự xuất hiện của MOOC được đánh giá là một cuộc cách mạng lớn trong nền giáo dục và sự bùng nổ của nó mạnh mẽ đến mức vào năm 2012, tạp chí The New York Times đã gọi 2012 là năm của MOOC. Mặc dù ra đời tại Hoa Kỳ, nhưng MOOC hiện nay đã nhanh chóng lan rộng ra khắp nơi trên thế giới và được chào đón nhiệt tình tại châu Á, nơi các nước đang phát triển chiếm số đông [7].

1.2. Khái niệm MOOC

MOOC là một khái niệm tương đối mới, được định nghĩa và bổ sung qua nhiều giai đoạn và cho đến hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa chính thức dành cho MOOC. Một định nghĩa của OpenupEd, cho rằng “MOOC là các khoá học được thiết kế cho một số lượng lớn người tham dự, các khoá học này có thể được truy cập ở bất cứ nơi nào và cho bất kỳ ai nếu như họ có thể kết nối với Internet. Là nguồn mở cho tất cả mọi người, không đòi hỏi phải chứng thực trình độ mới có thể tham gia, cung cấp các khoá học trực tuyến hoàn chỉnh và hoàn toàn miễn phí” [14].

Bản thân MOOC là từ viết tắt của Massive Open Online Course. Mỗi chữ trong MOOC đều mang một ý nghĩa và nói lên những điểm đặc trưng vốn có của mô hình này, bao gồm:

M (Massive): Mang ý nghĩa đại trà, tức là nhắm vào số đông người học, với số lượng lớn hơn so với hình thức học tập trung trên lớp hay các khoá học trực tuyến truyền thống. Số lượng người học có thể lên đến hàng trăm nghìn người. Một ví dụ điển hình là trong năm 2011, khoá học Machine Learning của Giáo sư Andrew Ng thuộc ĐH Stanford được triển khai trên hệ thống Coursera, thu hút trên 100.000 học viên tham gia trên toàn thế giới, là khoá học đông người tham gia nhất của Coursera cho đến hiện nay.

O (Open): Tính mở trong MOOC mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Đầu tiên, tính mở được hiểu như chính sách tham gia không giới hạn của người học, không cần chứng nhận kiến thức hay bằng cấp mới có thể tham gia các khoá học này. Ý nghĩa thứ hai là tính mở của tài nguyên học tập - MOOC đảm bảo tài nguyên học tập của khoá học luôn luôn có thể truy cập và hoàn toàn miễn phí. Và cuối cùng là tính mở trong vấn đề bản quyền - nội dung của khoá học có thể tái sử dụng trong mục đích học tập và giảng dạy.    

O (Online): Dựa trên nền tảng mạng Internet, hoạt động dạy và học hoàn toàn được tiến hành trên môi trường trực tuyến, không phụ thuộc vào thời gian hay khoảng cách vị trí vật lý của người học, chỉ cần có kết nối Internet là có thể học được.

C (Course): Mang ý nghĩa là một khoá học hoàn chỉnh. Các khoá học này được thiết kế phù hợp với đặc thù dạy học trực tuyến, bao gồm: tài nguyên học tập, cơ chế tương tác (người dạy - người học và người học - người học), các hoạt động trong dạy học (nhiệm vụ, bài tập, kiểm tra, phản hồi)…

Bản thân định nghĩa ở trên chỉ là một mô tả khái quát về mô hình MOOC nói chung. Tuy nhiên trên thực tế, hiện tại có hai loại mô hình chính của MOOC là: xMOOC và cMOOC [9].

xMOOC (Traditional Extended Course): Dựa trên cấu trúc như lớp học truyền thống. Mở rộng ở đây có thể hiểu là sự bổ sung cơ chế học tập trực tuyến như là cơ chế học tập chính bởi việc cung cấp tài liệu điện tử kết hợp bài giảng video ghi lại trên lớp, các câu hỏi, các bài kiểm tra và đánh giá... Nội dung bài giảng trong mô hình xMOOC tập trung xoay quanh người dạy chứ không phải cộng đồng người học.

cMOOC (Connective Knowledge): Khác với mô hình học tập truyền thống, nội dung học tập chỉ được cung cấp bởi người dạy, mô hình cMOOC theo tiêu chí xây dựng một cộng đồng cùng học tập. Đặc điểm của mô hình này dựa trên triết lý chia sẻ, đóng góp và kết nối tri thức. Người dạy cũng là người học và mạng xã hội là công cụ chính được sử dụng trong mô hình này. 

1.3. Mô hình hoạt động của MOOC

Như đã nêu ở  trên, có hai loại mô hình MOOC đang phát triển mạnh ở thời điểm hiện tại là xMOOC và cMOOC. Hai mô hình đều hoạt động trên nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, xMOOC theo cơ chế dạy học truyền thống, nội dung được cung cấp bởi người giảng. Ngược lại, cMOOC mang tính tự học dựa trên cộng đồng học tập với công cụ chính là các mạng xã hội. Bài viết chỉ tập trung vào xMOOC, như là chuẩn mô hình của đào tạo trực tuyến mở vì mô hình xMOOC tương thích với tính chất đào tạo chính quy trong các trường đại học, theo kiến trúc người dạy và người học. Trong khi đó, cMOOC phù hợp cho cộng đồng nghiên cứu hơn vì để tham gia học tập một lĩnh vực trong cMOOC, người học phải có sẵn một kiến thức chuyên môn nhất định về lĩnh vực đó mới có thể tham gia cộng đồng này.  

Ngày nay xMOOC phát triển rất mạnh ở các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, nơi ra đời của ba nền tảng MOOC được xem là những hệ thống MOOC đầu tiên cũng là mạnh nhất hiện nay là: Edx [2], Coursera [3] và Udacity [4]. Các hệ thống này liên kết với các trường đại học nổi tiếng, cung cấp các khoá học có giá trị để chiêu mộ người học trên toàn thế giới. Với sự thành công của MOOC, hiện nay các hệ thống MOOC khác đang được xây dựng và triển khai tại nhiều nước trên thế giới.

alt

Hình 1. Mô hình hoạt động cơ bản của một hệ thống MOOC

Mô hình hoạt động cơ bản của MOOC được minh hoạ bởi hình 1, hệ thống mang tính chất kết nối học tập giữa người dạy và người học trên toàn thế giới. Những hệ thống MOOC này được cung cấp bởi các tổ chức phi lợi nhuận từ các trường ĐH hoặc bởi các tổ chức có mục đích thương mại. Họ cung cấp hệ thống MOOC và nhân viên để vận hành hệ thống cũng như hỗ trợ người sử dụng bao gồm: người quản trị hệ thống, người hỗ trợ công nghệ, nhân viên marketing… Các trường ĐH uy tín sẽ được chiêu mộ và liên kết đến hệ thống MOOC nhằm triển khai các khoá học trực truyến có chất lượng. Một ví dụ điển hình là hệ thống Coursera được liên kết bởi Stanford University, Princeton University và Universities of Michigan And Pennsylvania…[13]. Các giáo sư trong các trường ĐH chịu trách nhiệm cho việc thiết kế khoá học với sự hỗ trợ của nhân viên kỹ thuật về mặt công nghệ. Họ tiến hành xây dựng khoá học với các công đoạn bao gồm: khảo sát và lên kế hoạch của khoá học muốn mở, đảm bảo tính khả thi và thu hút nhiều học viên. Tiếp theo, họ sẽ tiến hành thu thập các tài nguyên học tập. Các tài nguyên này có thể là sách, tài liệu tham khảo, hoặc các tài nguyên khác hỗ trợ cho môn học. Tiếp sau đó là công đoạn biên soạn đề cương và xây dựng hướng dẫn dạy học dựa trên công nghệ đa phương tiện. Đây là điểm khác biệt lớn so với dạy học truyền thống. Hoạt động dạy học chủ yếu dựa trên video, được quay lại từ các bài giảng trực tiếp trên lớp, có sự hỗ  trợ của các studio xử lý phim ảnh. Và công đoạn cuối cùng là hoạch định hoạt động của khoá học. Do tính chất học trực tuyến, việc hoạch định này có những đặc trưng riêng như cách thức người học tương tác học tập, sử dụng phương tiện gì để học, hình thức kiểm tra và đánh giá…

Một trong những bộ phận quan trọng trong hệ thống MOOC chính là quản lý học tập trực truyến. Bộ phận này gồm hai thành phần chính. Thành phần thứ nhất đảm nhận vai trò quản lý người học và các khoá học trong hệ thống. Một khoá học sau khi được thiết kế xong sẽ được triển khai trong hệ thống. Khoá học sẽ được bộ phận marketing phổ biến trên các phương tiện truyền thông nhằm chiêu mộ người học trên toàn thế giới. Quy mô của chiến lược marketing được tiến hành sẽ phụ thuộc vào tính thương mại hay phi thương mại của tổ chức. Thành phần này trong hệ thống cũng đảm trách nhiệm vụ giao tiếp với người học, cho phép ghi danh và báo cáo tiến trình học tập. Như hạt nhân của hệ thống quản lý, nó đảm nhiệm việc quản lý hồ sơ người học, các khoá học trong hệ thống và đảm bảo sao cho các khoá học được tổ chức và vận hành song song, không xảy ra tình trạng chồng chéo và tuân thủ theo hoạch định hoạt động được thiết kế từ trước của khoá học.

Thành phần thứ hai cũng chính là thành phần quan trọng nhất trong hệ thống MOOC là quản lý học tập cho khoá học. Các nhiệm vụ của thành phần này bao gồm: đảm bảo tính khả dụng của tài nguyên học liệu có thể truy xuất bởi các học viên bao gồm: đề cương, sách, bài giảng, video bài giảng và các tài nguyên đa phương tiện khác; cung cấp cơ chế tương tác trong cộng đồng học tập gồm: sử dụng các phần mềm học tập tương tác, diễn đàn trao đổi môn học và các trang mạng xã hội như Wiki, Blog, Facebook, Twitter… Thành phần quản lý học tập còn đảm nhận công tác kiểm tra và đánh giá chất lượng tiếp thu của học viên trong suốt quá trình dạy học. Đây là công đoạn có nhiều cải tiến trong thời gian qua, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập về tính nghiêm túc và pháp lý.

Trong phần này, tác giả sẽ trình bày sự phát triển của mô hình MOOC đối với giáo dục hiện đại ngày nay. Trào lưu học tập trên nền tảng MOOC nhanh chóng được lan toả khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến trái chiều cho rằng MOOC đang bị thổi phồng thái quá [7,8]. Những quan điểm trái chiều về MOOC cũng sẽ được trình bày trong phần này, qua đó giúp ta có cái nhìn tổng quan về ưu thế, cũng như mặt hạn chế của MOOC khi áp dụng trong giáo dục đào tạo tại nước nhà.

1.4. Tầm ảnh hưởng và sự lan rộng của MOOC

Chính thức được công nhận sự xuất hiện vào năm 2008, với tuổi đời chưa được một thập kỷ, nhưng MOOC đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong sự phát triển của nền giáo dục. Đánh dấu sự phát triển này, một số hệ thống MOOC nổi tiếng đã ra đời và ngày càng lan rộng trên toàn thế giới [7, 13,16]. Đặc trưng của các hệ thống này được mô tả ở bảng 1.

alt

Bảng 1. Thống kê một số hệ thống MOOC nổi tiếng hiện nay [16]

a Thành viên là số lượng trường đại học liên kết với hệ thống

b Khoá học là số lượng khoá học được thiết kế và đang vận hành

- Coursera: Vào năm 2011, với việc thành công từ ba khoá học thử nghiệm của ĐH Stanford, mỗi khoá học có số lượng thành viên tham gia hơn 100.000 học viên, dẫn đến trường đại học này quyết định khai trương Coursera, là hệ thống MOOC đầu tiên và cũng là lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại với tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến 22 triệu USD, Coursera tuyên bố đã liên kết với nhiều trường ĐH danh tiếng khác như:  Pennsylvania, Princeton và Michigan… Và hiện nay mạng lưới liên kết của hệ thống này lên đến 100 trường ĐH.

- edX: Theo trào lưu MOOC, vào mùa Xuân năm 2012, ĐH Harvard tham gia hợp tác với ĐH MIT phát triển hệ thống MITx là một nền tảng học liệu mở trực tuyến trước đó, thành hệ thống MOOC và đổi lại tên là edX. Đây là hệ thống MOOC mang tính chất phi thương mại với tổng vốn đầu tư lên đến 80 triệu USD. Ngày nay, edX cung cấp khoảng 200 khoá học và liên kết với 53 trường ĐH khác trên toàn thế giới, trong đó có các trường nổi tiếng như: Brown, Columbia, Cornell, Darthmouth, Harvard, Princeton và Yale…

- Udacity: Khác với hai hệ thống MOOC trước, hệ thống này được đầu tư bởi các công ty liên doanh với mục đích thương mại, với tổng vốn đầu tư ước tính là 21,1 triệu USD [13]. Hiện nay, Udacity cung cấp khoảng 39 khoá học với sự liên kết của 11 trường ĐH thành viên. Người học với Udacity sau khi hoàn thành khoá học sẽ được kiểm tra bằng các kỳ thi cuối khoá và được cấp chứng nhận bởi tổ chức.

- FutureLearn: Trào lưu MOOC đã vươn ra khỏi Hoa Kỳ. Open University của Vương quốc Anh quyết định triển khai hệ thống FutureLearn, được xem là một trong những hệ thống MOOC thương mại có quy mô lớn được xây dựng bên ngoài Hoa Kỳ. Hệ thống này liên kết với khoảng 40 trường ĐH thành viên và cung cấp khoảng 53 khoá học đại trà.

Ngày nay, MOOC lan toả ở nhiều nước trên thế giới. Điển hình Iversity và OpenCourseWorld là hai hệ thống MOOC được xây dựng tại Đức. Tương tự, tại châu Á, châu Úc đã cho khởi động hai hệ thống MOOC là Open2Study và OpenLearning. Trào lưu cũng đang thu hút nhiều sự quan tâm và đầu tư xây dựng tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc… [11].

2. Ưu điểm và hạn chế của mô hình MOOC

2.1. Những ưu điểm của mô hình MOOC

Tuy được xem như là bước ngoặt của sự phát triển trong nền giáo dục, nhưng mô hình này không thể thay thế hoàn toàn mô hình dạy học truyền thống. Mặc dù vậy, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích to lớn do chính mô hình MOOC mang lại [5,7] nhờ những ưu điểm chính sau:

Đi theo xu thế phát triển hiện đại của CNTT, phá bỏ rào chắn về thời gian và vị trí địa lý của người học. Chỉ cần có mạng, người học có thể tham gia học tập.

Người học được tiếp xúc với các khoá học chất lượng, được giảng dạy bởi các giáo sư của các trường ĐH hàng đầu thế giới. Vì tính kết nối toàn cầu, người học có cơ hội học tập và giao tiếp với cộng đồng quốc tế.

Mang tính chất đại trà, góp phần giảm ngân sách đầu tư vào đào tạo của quốc gia. Do các khoá học chủ yếu dựa vào công nghệ đa phương tiện nên các tài nguyên học tập có tính tái sử dụng cao như: video, ebook…

Không cần phải chứng thực trình độ hay bằng cấp mới có thể tham gia các khoá học trực tuyến, kích thích phương pháp tự học và hỗ trợ triết lý học tập suốt đời.

2.2. Những hạn chế và thách thức của mô hình MOOC

Trào lưu học tập trên nền tảng MOOC nhanh chóng lan toả khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến trái chiều cho rằng MOOC đang bị thổi phồng thái quá [7,8]. Bên cạnh sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều người là những ý kiến trái chiều, phản ánh những hạn chế của hệ thống MOOC như sau [5,7,11]:  

Ngôn ngữ là vấn đề đầu tiên được đề cập đến trong mô hình MOOC. Hiện nay, các khoá học và các trường ĐH liên kết chủ yếu tập trung ở các quốc gia phương Tây, do đó ngôn ngữ chính quy áp dụng cho các khoá học vẫn là tiếng Anh. Đây là một trở ngại lớn cho người học khi tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính của họ.

Dễ gây ra tình trạng nhiễu thông tin trong quá trình học do số lượng học viên tham gia quá đông. Trả lời những bình luận, nhận xét, câu hỏi của hàng nghìn học viên là một thách thức lớn cho người dạy và trợ giảng. Không thể tương tác trực tiếp như một lớp học chính quy.

Chi phí để thiết kế và vận hành một khoá học khá cao. Theo University of Texas chi phí để xây dựng một khoá học online có giá từ 100.000 đến 300.000 USD, tuỳ thuộc đặc điểm môn học. Người dạy gặp khó khăn trong việc xây dựng các video hướng dẫn và cần sự giúp đỡ từ nhân viên kỹ thuật, thiết kế. Chi phí trung bình một giờ của một thước phim hoàn chỉnh là 4.300 USD [15].

Đến với MOOC, người học phải trang bị kỹ năng tự học và phải có tính kỷ luật cao. Hình 2 là một minh hoạ cho thấy sự thổi phồng quá mức của dư luận xã hội. Tỷ lệ học viên tham dự đầy đủ tất cả các buổi học chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số tham gia, gần 50% học viên bỏ học trong buổi đầu tiên [12].

Ngoài ra, vấn đề thi cử và kiểm tra là thách thức lớn của mô hình này, khi mà số lượng học viên quá đông và hầu hết phân tán khắp nơi trên thế giới. Hơn nữa, vấn đề cấp chứng chỉ và đảm bảo chất lượng vẫn còn bị bỏ ngỏ trong mô hình này.

alt

Hình 2. Tỷ lệ học viên bỏ học ở các tuần trong một khoá học của Coursera [12]

 3. Sự phát triển của MOOC tại Việt Nam

Truyền thống dân tộc Việt Nam luôn coi trọng việc học là hàng đầu. Theo kết quả của một khảo sát, tổng chi tiêu của người Việt Nam đầu tư trong giáo dục là 47% và tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học làm việc trái nghề chiếm đến 70% [6]. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều tổ chức ở Việt Nam đã quan tâm đến việc triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân học tập suốt đời. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển MOOC ở thị trường Việt Nam. MOOC có thể đáp ứng mọi nhu cầu học tập của mọi đối tượng khác nhau như: những người làm trái nghề và muốn lĩnh hội kiến thức thuộc lĩnh vực chuyên môn khác lĩnh vực đã được đào tạo trước đó, những người theo đuổi triết lý học tập suốt đời… 

Theo xu thế của thế giới, vào năm 2008, GiapSchool - hệ thống MOOC đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, được sáng lập bởi Giáp Văn Dương, người trực tiếp đảm nhận tất cả các vai trò trong hệ thống, từ việc quản trị đến việc thiết kế bài giảng và giảng dạy. Các khoá học trong GiapSchool đa dạng trong nhiều lĩnh vực dành cho sinh viên hệ chính quy cũng như các học viên đại trà. Hiện tại, GiapSchool đã liên kết với hai giảng viên đại học khác, cung cấp 11 khoá học đại trà với sự tham gia của hơn 4.000 học viên. Đây là bước đánh dấu sự thâm nhập của MOOC vào thị trường Việt Nam.

Tuy có tiềm năng thị trường cao, nhưng phát triển MOOC ở Việt Nam cũng gặp nhiều trở ngại lớn. Vấn đề về tài chính, sự quan tâm của các nhà phát triển giáo dục và một trong những bất cập lớn nhất chính là thói quen sử dụng Internet của người học. Mặc dù có số lượng người dùng Inter- net cao, nhưng phần lớn chỉ tập trung vào mục đích giải trí.

Với những hạn chế đã phân tích ở trên, việc phát triển MOOC ở Việt Nam phải có biến đổi sáng tạo nhất định trong mô hình MOOC. Theo sự đánh giá của các chuyên gia, so với bậc phổ thông thì bậc giáo dục ĐH vẫn còn rất nhiều hạn chế. Mặc dù đã được nhiều cơ sở đào tạo áp dụng, nhưng giáo dục trực tuyến ở nước ta hiện tại chỉ tập trung chủ yếu vào mảng luyện thi đại học, ngoại ngữ, tin học văn phòng và kỹ năng mềm... Chính vì vậy, chúng ta cần tập trung triển khai mô hình MOOC cho giáo dục ở bậc đại học. Trong đó, mô hình xMOOC được đánh giá là phù hợp để triển khai trước tiên so với cMOOC do ở bậc ĐH sinh viên vẫn chưa đủ tri thức và kỹ năng để tham gia vào các hệ thống cMOOC, nơi chủ yếu dành cho giới chuyên gia nhằm mục đích nghiên cứu khoa học. Hơn thế nữa, xMOOC là sự tiếp nối của phương pháp dạy học truyền thống, do đó phù hợp hơn cho người học khi tiếp cận.       

Để áp dụng cMOOC ở Việt Nam, trước hết phải tuyên truyền để thay đổi cách nhận định của xã hội và nhà nước đối với MOOC. Hiện nay, có một số định kiến cho rằng, với việc học tập trên lớp có sự ràng buộc tính kỷ luật mà chất lượng đào tạo còn yếu kém thì đào tạo trực tuyến với tiêu chí tự do sẽ không đảm bảo được chất lượng. Hơn thế nữa, một số ý kiến khác cho rằng, khi MOOC phát triển sẽ thu hút hết học viên dẫn đến tình trạng thiếu việc làm cho giảng viên. Đây là những định kiến gây trở ngại lớn cho MOOC.

Để áp dụng các khoá học trực tuyến chúng ta có thể đi theo hai phương pháp. Với phương pháp thứ nhất, các trường ĐH Việt Nam có thể liên kết với các hệ thống lớn có sẵn ở nước ngoài như Edx, Coursera và Udacity… để đưa các khoá học nội địa vào hệ thống giáo dục quốc tế. Cách tiếp cận này đang được áp dụng bởi nhiều trường ĐH tại nhiều nước ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Với phương pháp thứ hai, cần có một tổ chức trong nước đứng đầu liên kết các trường ĐH và tổ chức này phải đủ mạnh về kinh tế để đầu tư cơ sở vật chất cho môi trường học tập mang tính chất công nghệ. 

Trong bước xây dựng các khoá học, mặc dù các khoá học đa lĩnh vực như kinh tế, văn hoá, công nghệ đã được triển khai thành công ở nhiều nước, nhưng với điều kiện kinh tế như hiện nay chúng ta nên bước đầu tập trung vào các khoá học có tính khả thi cao với các môn học về công nghệ. Ngoài ra, chúng ta có thể áp dụng kết hợp trong các môn học khác, chẳng hạn kết hợp MOOC trong giảng dạy thực hành, vì thực hành đòi hỏi nhiều thời gian, khả năng tự học cao và đó cũng là thế mạnh của MOOC.

Cuối cùng, cần đưa hệ thống MOOC vận hành như một thành phần chính quy trong đào tạo ĐH, tức là có sự đánh giá, ghi nhận kết quả trong quá trình học tập và xem đó là điểm học chính thức, khi đó sẽ đảm bảo tính nghiêm túc học tập của sinh viên. Ngoài ra, trong chương trình đào tạo nên thêm các môn học mang tính bắt buộc, khuyến khích sinh viên tham gia các khoá học MOOC của nước ngoài nhằm tiếp thu kiến thức chuyên sâu để tiếp cận phương pháp đào tạo mới và có thể tiếp tục học tập sau khi tốt nghiệp theo triết lý học tập suốt đời.

Kết luận

Được hình thành và phát triển trong gần một thập kỷ qua, MOOC được xem là một hiện tượng và là trào lưu mới trong giáo dục hiện đại. Nó đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong sự phát triển ngành Giáo dục, với tiêu chí mang nguồn tri thức mở chất lượng đến với số đông người học. Với lợi ích to lớn do MOOC mang lại, hàng loạt các hệ thống lớn đã ra đời không chỉ ở quê hương của MOOC là Hoa Kỳ, mà còn lan rộng đến các quốc gia khác trên toàn thế giới.   

Mặc dù được tiên đoán như là bước nhảy vọt trong công nghệ dạy học, nhưng bản thân MOOC vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế nội tại chưa khắc phục được. Vấn đề về ngôn ngữ, tài chính, chất lượng, thói quen vẫn đang là rào cản lớn đối với các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam. MOOC vẫn đang từng bước trưởng thành và là xu hướng dạy học của tương lai. Hiện tại, MOOC vẫn đang là mô hình lý tưởng và nên áp dụng kết hợp mô hình này với mô hình dạy học chính quy truyền thống để phát huy tối đa thế mạnh của cả hai mô hình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dương Trọng Tấn, Nguyễn Khắc Thành. MOOC - một hiện tượng giáo dục số toàn cầu. http://chungta.vn/tin-tuc/chuyen-gia/mooc-mot-hien-tuong-giao-duc-so-toan-cau-40082. html. Truy cập 17/9/2016.

2. Hệ thống MOOC Edx. https://www.edx.org.

3. Hệ thống MOOC Coursera.  https://www.coursera.org.

4. Hệ thống MOOC Udacity. https://www.uda- city.com.

5. Huỳnh Quang Vũ. Vài suy nghĩ về tác động của MOOC tới giảng dạy toán trong lớp học truyền thống. http://www.math.hcmus.edu.vn/~hqvu/misc/MOOC.html. Truy cập 22/9/2016.

6. Mô hình kinh doanh của MOOC. http://www. action.vn. Truy cập 22/9/2016.

7. Nguyễn Ngọc Tuấn. Các khoá học đại trà trực tuyến mở MOOC. https://hocthenao.vn/2013/06/03/cac-khoa-hoc-dai-tra-truc-tuyen-mo-mooc-nguyen-ngoc-tuan/. Truy cập 17/9/2016.

8. Phạm Hiệp. MOOCs giữa ngã ba đường. https://hocthenao.vn/2014/12/02/moocs-giua-nga-ba-duong-pham-hiep/. Truy cập 22/9/2016.

9. Ángel, F.B. María, S.E L., Francisco, G. P. J. Methodological approach and technological framework to break the current limitations of MOOC model // Journal of Universal Computer Science. - 2015. - Vol. 21. - P. 712-734.

10. Brown, K. Global internet report 2014 // Internet Society, 2014.

11. C -C. Chen. Opportunities and challenges of MOOCS: perspectives from Asia // IFLA World Library and Information Congress, 2013.

12. Hill, P. Combining MOOC Student Patterns Graphic with Stanford Analysis. http://mfeldstein.com. Truy cập 22/9/2016.

13. L. Yuan and Powell, S. MOOCs and Open Education: implications for higher education // in  JISC CETIS, 2013.

14. OpenupEd. Definition Massive Open Online Courses (MOOCs). http://www.openuped.eu. Truy cập 17/9/2016.

15. Open edX. $70K is the Average Cost of Producing An Online Course. https://www.iblstudios.com. Truy cập 22/9/2016.

16. Peters, G., Sacker, D. andSeruga, J. A comparative analysis of MOOC - Australia's position in the international education market // in CoRR. - 2016.

____________

ThS. Nguyễn Tấn Công

Khoa Thư viện - Thông tin học, ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 4. - Tr. 31-38.


Đọc thêm cùng chuyên mục: