Các yếu tố ảnh hưởng tới tổ chức và hoạt động của thư viện trường phổ thông

E-mail Print

Thư viện trường phổ thông (TVPT) là thuật ngữ được dùng để chỉ thư viện trong các trường học phổ thông gồm: trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông. Là một bộ phận trong nhà trường, TVPT có vai trò cung cấp nguồn tài nguyên thông tin và khả năng truy cập để hỗ trợ hoạt động dạy và học trong nhà trường. Hơn thế nữa, trước những yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy và học trong trường phổ thông, đòi hỏi các TVPT cần không ngừng cố gắng để khẳng định vai trò của mình trong nhà trường.

Hiệu quả hoạt động của TVPT phụ thuộc trực tiếp vào cách thức tổ chức và hoạt động của nó. Trong đó, tổ chức TVPT là việc liên kết, phối hợp giữa các bộ phận/ cá nhân trong thư viện hoặc giữa các thư viện thành một chỉnh thể có cấu trúc, chức năng nhất định nhằm đạt được mục tiêu hỗ trợ việc dạy và học trong nhà trường. Hoạt động TVPT là tổng hợp các hành động của người làm thư viện (NLTV) từ lựa chọn tài liệu cho đến khi tài liệu đến tay người sử dụng, bao gồm: quá trình xây dựng và phát triển vốn tài liệu, xử lý, lưu trữ, bảo quản và phổ biến tài liệu cho người sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của họ. Giữa tổ chức và hoạt động của TVPT có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau, có thể xem tổ chức giống như hình thức, hoạt động giống như nội dung của tổ chức, 2 yếu tố này tác động biện chứng với nhau để thực hiện mục tiêu của TVPT. Tổ chức và hoạt động của TVPT có thể bị ảnh hưởng bởi các nhóm yếu tố như: môi trường xã hội, phương thức và môi trường giáo dục, nhận thức và ý thức của các bên liên quan.

1. Môi trường xã hội

Môi trường xã hội bao gồm các yếu tố như: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học công nghệ. Thư viện là một thiết chế văn hoá, do vậy thư viện sẽ chịu ảnh hưởng của các bối cảnh lịch sử cụ thể: chính trị, kinh tế, văn hoá và khoa học công nghệ.

1.1. Chính trị

Chính trị thường được xem xét ở các nội dung: hệ thống quan điểm, đường lối, quyết sách chính trị, hệ thống các quy phạm pháp luật và các thể chế chính trị. TVPT có nhiệm vụ thu thập, xử lý và cung cấp các tài liệu có giá trị phục vụ hoạt động dạy và học trong nhà trường. Ngoài những sách phục vụ trực tiếp hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh, TVPT còn phải bổ sung những tài liệu như: văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, ngành, liên ngành phù hợp với các bậc học. Như vậy, có thể thấy, yếu tố chính trị ảnh hưởng trực tiếp, quyết định cơ cấu vốn tài liệu trong các thư viện.

Ngoài ra, khi nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng mô hình TVPT ở các nước trên thế giới, tác giả nhận thấy yếu tố chính trị cũng ảnh hưởng tới việc lựa chọn mô hình thư viện. Cụ thể: nghiên cứu mô hình TVPT ở các nước như: Inđônêxia, Cộng hoà Nam Phi, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Thuỵ Điển, Scotland, tác giả nhận thấy:

- Các nước có nền chính trị theo thể chế cộng hoà như: Inđônêxia, Cộng hoà Nam phi, các tác giả có xu hướng đề xuất mô hình TVPT khép kín, trong đó chú trọng xây dựng các yếu tố cấu thành thư viện như: NLTV, vốn tài liệu, cơ sở vật chất và kinh phí. Song song với việc đề xuất mô hình TVPT khép kín, một số tài liệu hướng dẫn thư viện xây dựng mô hình thư viện hướng tới sự liên kết giữa TVPT với chính quyền địa phương, thư viện địa phương.

- Các nước có nền chính trị theo thể chế quân chủ lập hiến như: Vương quốc Anh, Thuỵ Điển lại có xu hướng xây dựng các mô hình TVPT hướng tới sự liên kết giữa TVPT với các loại hình thư viện khác, giữa NLTV với giáo viên…

alt

1.2. Kinh tế

Kinh tế tác động tới mọi hoạt động trong xã hội, trong đó có TVPT. Kinh tế có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quy mô nhân sự cũng như kinh phí đầu tư cho các hoạt động của TVPT. Hơn thế nữa, yếu tố kinh tế còn tác động trực tiếp tới mức thu nhập của NLTV, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc đảm bảo những yêu cầu trong tuyển chọn nhân sự cũng như tâm lý làm việc của NLTV.

Ngoài ra, kinh tế cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc lựa chọn và xây dựng mô hình TVPT của các nước. Tác giả rút ra kết luận này khi tìm hiểu mô hình TVPT của một số nước trên thế giới. Cụ thể:

- Các nước có nền kinh tế được xếp vào nhóm nước đang phát triển và nước công nghiệp hoá mới (nhóm nằm giữa các nước phát triển và nước đang phát triển) như: Inđônêxia, Cộng hoà Nam Phi có xu hướng đề xuất mô hình TVPT dạng khép kín và dạng hỗn hợp (kết hợp giữa mô hình khép kín và mô hình liên kết).

alt

- Các nước có nền kinh tế được xếp vào nhóm nước phát triển như: Hoa Kỳ, Thuỵ Điển, Vương quốc Anh lại có xu hướng đề xuất các mô hình TVPT dạng liên kết.

1.3. Văn hoá

Văn hoá là một khái niệm rộng lớn, với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, có thể xem xét văn hoá ở các góc độ như: trình độ dân trí, chuẩn mực giá trị trong quan hệ ứng xử, giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc… Thư viện là một thiết chế văn hoá, thể hiện tinh thần của một dân tộc ở mọi thời đại. Vì vậy, mọi biến đổi dù tích cực hay tiêu cực của văn hoá đều ảnh hưởng tới sự nghiệp thư viện.

Xem xét kinh nghiệm xây dựng mô hình TVPT ở một số nước trên thế giới, tác giả nhận thấy yếu tố văn hoá có ảnh hưởng tới việc lựa chọn mô hình thư viện qua bảng sau:

alt

Theo đó:

- Các nước có nền văn hoá lúa nước như: Inđônêxia, Cộng hoà Nam Phi có xu hướng lựa chọn mô hình TVPT dạng khép kín và dạng hỗn hợp.

- Các nước có nền văn hoá du mục như: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Thuỵ Điển, Scotland lại có xu hướng xây dựng mô hình TVPT dạng liên kết.

1.4. Khoa học công nghệ

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có hoạt động thư viện. TVPT không chỉ là nơi lưu giữ, bảo quản tài liệu mà còn có nhiệm vụ cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động dạy và học trong nhà trường. Vì vậy, trước những tiến bộ về khoa học công nghệ, TVPT cần phải thay đổi về cơ cấu bổ sung vốn tài liệu; ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý tài liệu, tạo lập các sản phẩm và dịch vụ thông tin; phương thức phục vụ người sử dụng, liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các cơ quan thư viện - thông tin…

Như vậy, nhóm yếu tố môi trường xã hội, bao gồm: chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ đều có các tác động gián tiếp và trực tiếp tới tổ chức và hoạt động của TVPT. Do vậy, khi nghiên cứu xây dựng, lựa chọn mô hình tổ chức và hoạt động của TVPT ở Việt Nam rất cần xem xét các yếu tố này để có thể vừa phù hợp với tình hình thực tế trong nước, vừa kế thừa kinh nghiệm của các nước phát triển.

2. Phương thức và môi trường giáo dục

2.1. Phương thức giáo dục

Là một bộ phận, có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động dạy và học trong nhà trường, nên TVPT sẽ bị tác động trực tiếp bởi mục tiêu giáo dục. Phương thức giáo dục là cách thức thực hiện giáo dục để đạt mục tiêu đề ra trước đó. Do vậy, phương thức giáo dục cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới tổ chức của TVPT.

Sự tác động của phương thức giáo dục đến TVPT đã và đang được nhiều tác giả trong và ngoài nước đề cập tới trong các tài liệu. Cụ thể:

Theo Hiệp hội Thư viện trường học Hoa Kỳ (AASL): từ năm 2010, 85% các trường công lập ở Hoa Kỳ đã quyết định thông qua CCSS (the Common Core State Standards) bao gồm 12 sự thay đổi trong cách dạy ngôn ngữ (đọc/ viết) và toán học. Từ khi áp dụng các tiêu chuẩn này, các trường sẽ phải cung cấp minh chứng về sự hỗ trợ của NLTV và giáo viên đối với quá trình học tập để học sinh có thể phát triển các kỹ năng, ứng dụng vào thực tế. Điều này đòi hỏi NLTV phải chủ động xây dựng cộng đồng học tập với sự tham gia của người học, đồng thời chương trình TVPT cần thay đổi từ chỗ cung cấp kho tài liệu truyền thống sang vai trò tiên phong, chủ động trong học tập của học sinh [8].

Ở Việt Nam, đổi mới phương pháp giáo dục đã và đang diễn ra ở hầu khắp các trường phổ thông. Theo đó, việc “đổi mới phương pháp dạy học đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng được cái gì qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo cách "truyền thụ một chiều" sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất” [3]. Điều này đã dẫn tới sự thay đổi vai trò của TVPT, từ chỗ “cung ứng cho giáo viên và học sinh đầy đủ sách..., sưu tầm và giới thiệu sách, báo của Đảng..., thu hút giáo viên và học sinh tham gia các hoạt động thư viện, phối hợp với các thư viện khác để khai thác vốn tài liệu, tổ chức quản lý theo đúng nghiệp vụ thư viện” [6] đến việc “NLTV cần hợp tác với giáo viên trong việc tìm hiểu nội dung từng môn học để có thể cung cấp tài liệu hoặc lồng ghép về kiến thức thông tin vào từng môn học. Đồng thời, với học sinh, thư viện cần trang bị các kỹ năng giúp học sinh tự học suốt đời, tổ chức các hoạt động ngoại khoá và các dịch vụ bổ trợ trực tiếp cho học tập của học sinh” [7].

Như vậy, ở cả trong và ngoài nước, yếu tố mục tiêu và phương thức giáo dục đang trực tiếp ảnh hưởng tới vai trò cũng như cách thức hoạt động của TVPT. Nó đòi hỏi TVPT phải tích hợp vào chương trình đào tạo trong nhà trường, đòi hỏi NLTV phải bám sát nội dung đào tạo để hỗ trợ tài liệu và trang bị kỹ năng thông tin cho người sử dụng.

2.2. Môi trường giáo dục

Môi trường giáo dục bao gồm: môi trường giáo dục trong nhà trường và môi trường giáo dục trong gia đình. Cụ thể:

- Môi trường giáo dục trong nhà trường: Có thể được hiểu là văn hoá nhà trường. Không khí cởi mở, thân thiện, hướng tới sự hợp tác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho NLTV và giáo viên, nhân viên trong trường hợp tác, giúp đỡ nhau trong công việc. Không khí cởi mở, sáng tạo trong lớp học là điều kiện thuận lợi, khuyến khích học sinh ham học hỏi, tìm tòi và có động lực, ý thức sử dụng thông tin phục vụ học tập. Sự tác động của môi trường giáo dục nhà trường đã được nhiều tác giả như Cristina Sacco Judge, Patricia Montiel-Overall đề cập trong các tài liệu của mình [9,15].

- Môi trường giáo dục trong gia đình học sinh: Bầu không khí trong gia đình, thu nhập, nhận thức của phụ huynh là những yếu tố tác động tới nhận thức cũng như nhu cầu tin của học sinh trong việc sử dụng tài liệu nói chung, thư viện nói riêng. Sự tác động của yếu tố môi trường giáo dục trong gia đình đã được tác giả Trần Thị Minh Nguyệt đề cập khi xác định các yếu tố ảnh hưởng tới nhu cầu và hứng thú đọc của thiếu nhi [5].

3. Nhận thức và ý thức của các bên liên quan

3.1. Nhận thức của lãnh đạo nhà trường

Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng là những người chịu trách nhiệm quản lý cao nhất trong nhà trường. Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của TVPT: “Hiệu trưởng nhà trường phân công một lãnh đạo trường trực tiếp phụ trách công tác thư viện, bố trí tổ công tác hoặc cán bộ làm công tác tổ chức”. Như vậy, lãnh đạo nhà trường là người trực tiếp quyết định các điều kiện để phát triển thư viện bằng việc thông qua ngân sách, biên chế và các kế hoạch hoạt động cho thư viện. Đồng thời, với vai trò là người quản lý cao nhất trong nhà trường nên họ giữ vai trò là người thiết lập môi trường nhà trường, tạo lập nền văn hoá hợp tác, trong đó có sự hợp tác giữa NLTV và giáo viên. Do vậy, nhận thức của lãnh đạo nhà trường về TVPT là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới tổ chức và hoạt động của thư viện.

Vai trò của lãnh đạo nhà trường đối với hoạt động TVPT được nhiều tác giả nước ngoài khẳng định trong các nghiên cứu của mình. Cụ thể, “Hiệu trưởng là người thông qua các chính sách, kế hoạch cho toàn trường, trong đó có thư viện” [13], “sự hỗ trợ của hiệu trưởng là yếu tố sống còn để thiết lập và duy trì chương trình thư viện chất lượng” [11]; hay “tác động tích cực của chương trình TVPT đến thành tích của học sinh không thể thực hiện được khi không có quan hệ hợp tác giữa hiệu trưởng và NLTV” [10]. Tuy nhiên, vai trò này chỉ thực hiện được khi người lãnh đạo (nhất là Hiệu trưởng) phải có sự hiểu biết về vai trò của thư viện trong nhà trường.

Nhận thức về TVPT sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết sách của lãnh đạo. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng: lãnh đạo nhà trường ít hiểu biết về vai trò của TVPT. Cụ thể: Năm 2007, tác giả Ross J. Todd đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện: “47% Hiệu trưởng (trong tổng số 242 hiệu trưởng tham gia khảo sát ở Hoa Kỳ) tham gia vào khảo sát nhìn thấy mối liên hệ giữa TVPT với thành tích học tập của học sinh, trong đó chỉ có 41% cho rằng TVPT đã tác động tích cực đến điểm kiểm tra của học sinh” [16]. Hay theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi các tác giả Wilson và Blake năm 1993 ở Hoa Kỳ phát hiện rằng: “90% NLTV (trong 572 NLTV trả lời) cho rằng Hiệu trưởng không hiểu biết về các chương trình của thư viện trường học và 68% Hiệu trưởng (trong 423 người) trả lời đồng ý với điều này” [14]. Chính vì vậy, song song với nhiệm vụ chính là hỗ trợ việc dạy và học của giáo viên và học sinh trong nhà trường, NLTV cần chú trọng đến việc giúp lãnh đạo nhà trường hiểu rõ về nhiệm vụ cũng như khả năng TVPT có thể đem lại cho người sử dụng. Có như vậy, lãnh đạo nhà trường mới thực sự thấy được vai trò to lớn của TVPT, để từ đó có những quyết sách hỗ trợ thư viện thực hiện vai trò của mình.

3.2. Nhận thức của giáo viên

Giáo viên là người trực tiếp thực hiện công việc giảng dạy trong nhà trường. Do vậy, muốn hỗ trợ hoạt động dạy và học trong nhà trường, TVPT cần phải xây dựng mối liên hệ thường xuyên với giáo viên. Tuy nhiên, sự hợp tác phải được xây dựng từ hai phía. Nếu NLTV mong muốn và cố gắng thiết lập mối quan hệ mà giáo viên lại không muốn thì kết quả cũng không thể đạt. Do vậy, nhận thức của giáo viên về vai trò của thư viện trong việc hỗ trợ giảng dạy và lợi ích của sự hợp tác giữa giáo viên với NLTV cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động TVPT.

Việc nâng cao nhận thức của giáo viên về TVPT cần tập trung vào 2 nội dung cơ bản sau:

- Sự hiểu biết của giáo viên về khả năng hỗ trợ giảng dạy và học tập của NLTV. Mục tiêu của TVPT là hỗ trợ hoạt động dạy và học trong nhà trường. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi giáo viên và học sinh tham gia vào các hoạt động và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do thư viện cung cấp. Trong nhà trường, giáo viên là người đảm nhận việc giảng dạy trong nhà trường, đồng thời có tác động trực tiếp tới việc sử dụng thư viện của học sinh thông qua các hướng dẫn, yêu cầu học tập. Giáo viên sẽ sử dụng thư viện khi họ biết thư viện có thể hỗ trợ những nhu cầu của mình và họ chỉ giới thiệu, yêu cầu học sinh sử dụng thư viện khi thấy rõ vai trò hỗ trợ của thư viện tới hiệu quả học tập. Chính vì vậy, sự hiểu biết của giáo viên về khả năng hỗ trợ của NLTV trong hoạt động dạy và học sẽ là cơ sở để họ tham gia sử dụng và hướng dẫn, yêu cầu học sinh tham gia sử dụng các sản phẩm và dịch vụ do thư viện cung cấp.

- Sự hiểu biết của giáo viên về mức độ hợp tác giữa giáo viên và NLTV trong nhà trường. Sự hợp tác giữa giáo viên và NLTV có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ dạy và học của thư viện, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của TVPT. Tuy nhiên, sự hợp tác chỉ thực sự đạt hiệu quả khi các bên nhận thức được lý do cũng như mức độ, yêu cầu của sự hợp tác. Là người chuyên nghiên cứu về sự hợp tác giữa giáo viên và NLTV, các tác giả Patricia Montiel-Overall và Patricia Jones cho rằng: hiện nay các thông tin về nhận thức của NLTV về sự hợp tác giữa giáo viên và NLTV thì có nhiều, nhưng lại rất ít thông tin về nhận thức của giáo viên về sự hợp tác này [15]. Điều này cho thấy vấn đề nhận thức của giáo viên về sự hợp tác giữa giáo viên và NLTV hiện còn ít được quan tâm. Hơn thế nữa, khi nghiên cứu 195 giáo viên trường tiểu học trên địa bàn một quận ở Hoa Kỳ, các tác giả Patricia Montiel-Overall và Patricia Jones đã phát hiện ra rằng: hầu hết giáo viên (kể cả giáo viên không tham gia hợp tác) đều nhận thức được rằng sự hợp tác với NLTV rất quan trọng đối với thành tích của học sinh, tuy nhiên trong thực tế, sự hợp tác này chưa đạt được. Lý giải điều này, các tác giả cho rằng: giáo viên đang nhận thức sự tương tác giữa giáo viên với NLTV theo cách truyền thống - ở đó, NLTV được xem như một nguồn chính để tư vấn bộ sưu tập thư viện nhằm hỗ trợ các chương trình giảng dạy, chứ không được tham gia làm đối tác của giáo viên trong việc lập kế hoạch và giảng dạy [15].

3.3. Nhận thức của học sinh

Giáo viên, viên chức trong trường và học sinh là 3 nhóm người sử dụng chính của TVPT, trong đó học sinh chiếm số lượng chủ yếu. Tỷ lệ học sinh sử dụng thư viện là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của TVPT (thư viện phải thu hút 100% giáo viên và 70% học sinh đến sử dụng thư viện). Tuy nhiên, để học sinh đến sử dụng thư viện, ngoài các biện pháp thu hút từ phía thư viện, cần phải kể đến nhận thức của chính học sinh về lợi ích của việc sử dụng thư viện. Do đó, nhận thức của học sinh sẽ là một yếu tố tác động đến tổ chức và hoạt động của TVPT.

Nhận thức của học sinh về TVPT được hiểu là sự hiểu biết của học sinh về khả năng hỗ trợ của NLTV, cũng như lợi ích của thư viện trong việc nâng cao hiệu quả học tập. Hiện chưa có tài liệu nào trong nước đề cập hoặc nghiên cứu sâu về nhận thức của học sinh về TVPT. Tuy nhiên, trong một số tài liệu, các tác giả đều nhận định: một trong những nguyên nhân khiến cho TVPT chưa thu hút được đông đảo người sử dụng là do học sinh chưa ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng thư viện. Một số tác giả nước ngoài như Helen Greenwood, Claire Creaser, và Sally Maynard [12] đã phát hiện ra rằng: sự tham gia của trẻ em vào hoạt động TVPT là một trong những yếu tố chính dẫn đến thành công của thư viện. Ở những thư viện mà học sinh được trực tiếp tham gia lựa chọn sách để thư viện bổ sung và để đọc… khiến cho các em thích thú vì có cảm giác thư viện là của chính mình. Kết luận này được rút ra khi nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu những yếu tố thành công của 6 trường tiểu học ở Vương quốc Anh.

3.4. Ý thức của người làm thư viện

NLTV là người trực tiếp tổ chức các hoạt động trong thư viện. Đồng thời, để các hoạt động của thư viện thực sự tích hợp vào các hoạt động dạy và học trong nhà trường, NLTV không thể làm việc một mình, mà cần hợp tác với các cá nhân (hiệu trưởng, giáo viên, học sinh…) trong nhà trường. Do vậy, ý thức của NLTV về vai trò của thư viện cũng như tầm quan trọng của sự hợp tác sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của thư viện.

Là người trực tiếp tổ chức các hoạt động của TVPT, nên NLTV phải có ý thức chủ động, linh hoạt trong giải quyết công việc. Cụ thể:

- NLTV cần là người chủ động báo cáo các hoạt động thư viện tới lãnh đạo nhà trường [13].

- NLTV là người chủ động xây dựng và đề xuất với lãnh đạo hoặc người quản lý trực tiếp về các chương trình, kế hoạch của thư viện [4].

- NLTV phải có ý thức sâu sắc trong việc thiết lập mối quan hệ hợp tác với từng nhóm người sử dụng thư viện như: giáo viên, học sinh, phụ huynh… [13].

- NLTV cần trang bị kỹ năng giao tiếp, ứng xử cũng như có hiểu biết về đặc điểm tâm lý và nhu cầu đọc của từng nhóm người sử dụng trong thư viện [2].

Bên cạnh ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tổ chức hoạt động thư viện, việc NLTV tự ý thức về nghề nghiệp và vị trí của mình trong nhà trường cũng là một vấn đề cần xem xét. Theo đó, “những NLTV tự xem mình có vị trí thấp trong nhà trường luôn có xu hướng ít thể hiện vai trò của mình trong nhà trường và có nhiều khả năng rời bỏ công việc trong vòng 2 năm” [9]. 

Như vậy, tổ chức và hoạt động của TVPT có thể bị ảnh hưởng bởi các nhóm yếu tố như: môi trường xã hội, môi trường và phương thức giáo dục, nhận thức và ý thức của các bên liên quan. Do vậy, khi nghiên cứu xây dựng hay lựa chọn mô hình tổ chức và hoạt động của TVPT, cần xem xét các yếu tố này để đảm bảo mô hình được lựa chọn có thể kế thừa điểm mạnh của các nước, đồng thời phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy chế về tổ chức hoạt động thư viện trường phổ thông: ban hành theo quyết định số 61/1998/QĐ/BGD&ĐT ngày 6/11/1998 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-61-1998-QD-BGD-DT-Quy-che-to-chuc-hoat-dong-thu-vien-truong-pho-thong-99573.aspx.

2. Dương Thị Vân. Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực thư viện trường phổ thông vùng Đồng bằng Sông Cửu Long: Luận án tiến sỹ. - H.: Đại học Văn hoá, 2012. - 179 tr.

3. Ngô Quốc Đường. Đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học theo định hướng phát triển năng lực người học. http://bacgiang.edu.vn/vn/content/chuyende/cmnv/doi-moi-phuong-phap-day-hoc-o-truong-trung-hoc-theo-dinh-huong-phat-trien-nang-luc-nguoi-hoc_66894.aspx. Truy cập tháng 9/2016.

4. Nguyễn Thị Hồng Vui. Nghĩ về văn hoá đọc và thư viện trường học.  http://hvtc.edu.vn/thuvien/ tabid/558/id/22981/Default.aspx. Truy cập tháng 8/2016.

5. Trần Thị Minh Nguyệt. Hướng dẫn thiếu nhi đọc sách trong thư viện. - H.: Giáo dục, 2007. - 155tr.

6. Vũ Bá Hoà và cộng sự. Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện trường phổ thông. - H.: Giáo dục, 2009. - 339 tr.

7. Vũ Thị Nha. Sự thay đổi vai trò của thư viện trường học tại Việt Nam. http://web.hdu.edu.vn/vi-vn/17/1901/Su-thay-doi-vai-tro-cua-thu-vien-truong-hoc-tai-Viet-Nam.html.

8. American Association of school library. Implementing the Common Core State Standards: the Role of the School. http://www.ala.org/aasl/sites/ala.org.aasl/files/content/ externalrelations/CCSSLibrariansBrief_FINAL.pdf. Truy cập tháng 6/2015.

9. Cristina Sacco Judge. Developing a model for school librarians in Scotland: PhD research. - University of Strathclyde, 2012. - 347 tr.

10. Donna M. Shannon. Principals’ Perspectives of School Librarians // School Libraries Worldwide. - 2009. - Volume 15, Number 2. - P. 1-22.

11. Gary Hartzell. The Principal's Perceptions of School Libraries and Teacher-Librarians // School Libraries Worldwide. - 2002. - Vol., No. 1. - P. 92-110.

12. Helen Greenwood, Claire Creaser andSally Maynard. Successful primary school libraries: Case studies of good practice. http://www.lboro. ac.uk. Truy cập ngày 12/5/2016.

13. IFLA. The IFLA school library Guidelines: 2nd revised edition. http://www.ifla.org/files/assets/ school-libraries-resource-centers/publications/ifla-school-library-guidelines.pdf. Truy cập tháng 7/2016.

14. Lee, E. A. andKlinger, D. A. Against the flow: A continuum for evaluating and revitalizing school libraries // School Libraries Worldwide. - 2011. - No. 17(1). - P. 24-36. http://proxy.vnulib.edu.vn:2087/pqcentral/docview/847666906/fulltextPDF/1CCFA5949D534B43PQ/1?accountid=39807. Truy cập ngày 27/5/2016.

15. Patricia Montiel-Overall, Patricia Jones. Teacher and School Librarian Collaboration: A Preliminary Report of Teachers' Perceptions about Frequency and Importance to Student Learning // Canadian Journal of Information and Library Science. - 2011. - Vol. 35, No. 1. - P. 49-76.

16. Ross J. Todd. School Administrators’ Support for School Libraries: The Impact on Student Academic Achievement. https://csihslibrary.wikispaces.com/file/view/schooladmini- strators. pdf. Truy cập tháng 6/2016.

__________

ThS. Đoàn Thị Thu

Khoa Thư viện - Thông tin học - ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 5. - Tr. 23-29.


Đọc thêm cùng chuyên mục: