1. Giới thiệu
Khái niệm Mạng lưới vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT), một thuật ngữ được Kevin Ashton đề cập đến từ những năm 1999, chỉ một mạng lưới các đối tượng vật lý được kết nối với nhau và kết nối với Internet, truyền dữ liệu thông qua Internet đến các đám mây cung cấp một dịch vụ “thông minh hơn” cho mọi người dùng tin. IoT đã và đang tham gia vào quá trình cách mạng hoá các ngành công nghiệp và các lĩnh vực khác nhau của xã hội. Đây là một đề tài rất được quan tâm hiện nay.
Theo dự báo của các chuyên gia, IoT sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới đây, mở ra những cơ hội và thách thức rất lớn. Lĩnh vực giáo dục cũng không ngoại lệ, IoT đang được xem xét bởi các nhà giáo dục và các nhà lập pháp để có thể ngày càng có nhiều ứng dụng IoT hơn nữa trong hệ thống giáo dục và quản lý [1].
Với sự phát triển của các công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin và truyền thông, việc hình thành các thư viện điện tử, thư viện số trong các trường đại học và cao đẳng đã khẳng định những ưu việt so với thư viện truyền thống.
IoT sẽ tác động đến hệ thống thư viện hiện đại theo các cách sau:
- IoT sẽ giúp tìm kiếm và xác định vị trí tài liệu trong thư viện nhanh và chính xác hơn.
- Người làm thư viện có thể sử dụng IoT để giúp cho công việc của họ đạt hiệu quả hơn.
- IoT giúp thư viện nâng cao hiệu quả quản lý đặc biệt trong việc tiết kiệm được nhiều năng lượng hơn.
2. Tổng quan về phát triển Internet of Things
2.1. Trên thế giới [2]
Theo báo cáo của Ericsson Mobility Report, tới năm 2021, dự kiến sẽ có 28 tỷ thiết bị kết nối trong đó có 15 tỷ thiết bị kết nối IoT bao gồm thiết bị M2M (machine-to-machine) như đồng hồ đo thông minh, cảm biến trên đường, địa điểm bán lẻ, các thiết bị điện tử tiêu dùng như ti vi, đầu DVR, thiết bị đeo; 13 tỷ còn lại là điện thoại di động, máy tính xách tay PC, máy tính bảng.
IDC dự kiến năm 2019, toàn cầu sẽ chi 1.300 tỷ đô la Mỹ cho IoT. Tới năm 2020, theo dự đoán của Gartner thì giá trị gia tăng do IoT mang lại sẽ là 1.900 tỷ đô la Mỹ. Và theo McKinsey, tới năm 2025 IoT sẽ đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu là 11.000 tỷ đô la Mỹ.
Tới năm 2021, dự kiến số thuê bao sẽ lên tới 9,1 tỷ. Số thuê bao này cao hơn số dân bởi mỗi người có thể sở hữu nhiều thiết bị. Trong các kết nối IoT như vậy, sẽ có bao gồm cả những đăng ký thuê bao SIM/eSIM được gắn ngay trong thiết bị và cả những thiết bị như điện tử tiêu dùng không cần dùng SIM (Non-SIM).
IoT đang diễn ra một cách mạnh mẽ. 50% doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai những dự án về IoT. IoT mang lại một cơ hội doanh thu cho rất nhiều ngành và những giải pháp đó bắt đầu thương mại hoá với tốc độ rất nhanh. Ngành dịch vụ tiện ích, giao thông, toà nhà thông minh và các ngành bán lẻ là những ngành đi đầu trong việc ứng dụng IoT.
Tháng 2/2016, IBM giới thiệu một công cụ Quarks. Công cụ này được cho là sẽ giúp các nhà sản xuất và nhà lập trình phát triển ứng dụng của mình hiệu quả hơn, dựa trên dữ liệu từ các cảm biến của thiết bị IoT.
Đại diện Ericsson cho biết, ngay từ đầu năm 2016, đã giới thiệu giải pháp Connected Water với nhiệm vụ giám sát chất lượng nước dựa trên kết nối 4G/LTE và IoT tại triển lãm CES (Hoa Kỳ).
Nhà chế tạo chip vi điều khiển - Atmel đã cho ra mắt dòng chip đo nhiệt độ có tên gọi AT30TS750, truyền thông theo giao thức số với bộ nhớ EEPROM tích hợp.
Alfredo Milani Comparetti đã cho ra đời phần mềm Speedfan theo dõi điện áp, tốc độ quạt và nhiệt độ trong máy tính với màn hình phần cứng chip.
Tại Ôxtrâylia, các nhà vật lý học thuộc Đại học Adelaide tuyên bố đã chế tạo thành công nhiệt kế chính xác nhất thế giới.
Hãng Cypress Micro System đã cho ra đời công nghệ PSOC (Programmable System On Chip) để có thể phát triển các thiết bị đo nhiệt độ dựa trên công nghệ này.
2.2. Tại Việt Nam
Trước việc IoT phát triển mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam cũng là một nước đón đầu xu thế mới. Ngày 13/11/2015, trong khuôn khổ hội nghị quốc tế với chủ đề: Ứng dụng của Internet of Things cho đô thị thông minh và chất lượng cuộc sống diễn ra tại khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP), các ứng dụng IoT trong thực tế, xu hướng công nghệ và thị trường, khởi nghiệp cùng IoT, cùng khuyến nghị của chuyên gia về phát triển trên nền tảng IoT tiếp tục được các nhà khoa học và các chuyên gia trao đổi.
Tuy vậy, hiện chưa có ứng dụng IoT thực sự nào ảnh hưởng mạnh tới đời sống xã hội trong nước. Với giao thông, trong thời gian tới một số ứng dụng như thu phí không dừng, phạt nguội bằng camera dự báo sẽ phổ biến tại các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Các lĩnh vực tiềm năng như y tế điện tử, nông nghiệp thông minh, bất động sản thông minh sẽ cần thêm thời gian để có những ứng dụng IoT phù hợp với Việt Nam.
Trong công nghiệp nội địa, sản phẩm IoT của doanh nghiệp trong nước hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay như: sản phẩm chip vi mạch của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch - ICDREC; hệ thống cảm ứng độ ẩm, nhiệt độ trong nông nghiệp của công ty Mimosa tại hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ - khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; chương trình TUHOC STEM và các dịch vụ trên nền OEP của Công ty Cổ phần Công nghệ DTT.
Các hệ thống IoT tại Việt Nam hiện có đều là của các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ tập trung vào các ứng dụng trên nền tảng điện thoại di động, máy tính và còn chưa khai thác hết tính thông minh của các hệ thống cảm biến hay khai thác dữ liệu lớn (big data). Và đặc biệt các thiết bị phần cứng thì hầu hết là nhập khẩu như camera, thiết bị nhận dạng bằng tần số radio (Radio Frequency Identi-fication - RFID), các cảm biến hoá học.
Giải pháp IoT không chỉ là phần mềm, phần cứng tiêu chuẩn (máy tính, điện thoại) mà còn là các phần cứng đặc thù như camera, RFID, cảm biến môi trường... Có thể thấy, các hệ thống này liên quan tới các ngành vật liệu, hoá học, sinh học, vật lý, y tế và đây là cơ hội cho các ngành khoa học công nghệ tại Việt Nam phối hợp để làm ra những ứng dụng hữu ích.
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời, trong lĩnh vực liên quan, đã có những định hướng và chiến lược bao gồm: Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2022 với việc xác định các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy - tự động hoá và chính sách phát triển công nghiệp đang được xây dựng.
Trong lĩnh vực thư viện, IoT đã được nghiên cứu để:
- Thiết kế hệ thống tiết kiệm năng lượng ánh sáng trong thư viện.
- Cung cấp quyền truy cập vào cuốn sách chữ nổi Braille và sách nói.
- Xác định vị trí bạn đọc trong thư viện và các gợi ý về nguồn tài nguyên xung quanh họ.
- Các lối đi phổ biến trên các tấm lót áp dưới sàn nhà có thể cho thư viện biết số người trên các lối đi trong thư viện, giúp phát triển bộ sưu tập và các khu vực có thể cần phải có bảng hiệu cải tiến.
- Cung cấp các bộ sưu tập theo nhu cầu của người dùng tin.
3. Ứng dụng Internet of Things vào dịch vụ thư viện hiện đại
Hiện nay, việc cung cấp truy cập vào các bộ sưu tập truyền thống và trực tuyến theo chủ đề như là dịch vụ chính của thư viện.
Đối với dịch vụ tư vấn trong thư viện, theo Pew Research Center với báo cáo “Library services in the digital age”, mượn sách là một dịch vụ rất quan trọng đối với 80% người Mỹ và 80% khác cho rằng sự giúp đỡ của các thủ thư là rất quan trọng đối với kinh nghiệm thư viện của họ [16]. Đề xuất cho rằng các nhiệm vụ của thư viện là chia sẻ thông tin về nguồn tài nguyên hiện có, đề cập đến các nguồn thông tin và cung cấp thông tin, do đó thực sự là nhiệm vụ trọng tâm.
Từ thực tế cho thấy ngày nay vai trò của người làm thư viện - đặc biệt trong môi trường học thuật - không giới hạn trong chia sẻ thông tin đơn giản, cũng như dựa trên sự cộng tác và giúp đỡ người dùng tin, dù là các nhà nghiên cứu hay sinh viên, trong toàn bộ quá trình thu thập và sử dụng dữ liệu, bắt đầu từ thời điểm mà ý tưởng, nhu cầu hoặc khái niệm xuất hiện, đến thời điểm xuất bản [12].
Cách tiếp cận này liên quan đến ý tưởng về thủ thư thư viện nhúng, đó là một khái niệm dựa trên sự tham gia của các thủ thư trong nhu cầu của người dùng tin và cung cấp dịch vụ tại một địa điểm và thời gian thuận tiện cho họ [11].
Dịch vụ thư viện hiện nay được cung cấp dưới nhiều hình thức khác nhau và có nhiều công cụ, chẳng hạn như trò chuyện, thư tín, phương tiện truyền thông xã hội, ứng dụng di động và những thứ khác [4]. Nhưng khi nói về bản chất cơ bản, thì dịch vụ thư viện có thể được chia thành các nhóm (Hình 3).
Hình 3. Các dịch vụ chính của thư viện hiện đại
Thứ nhất, việc chia sẻ thông tin dưới dạng ngày, tên, sự kiện...
Thứ hai, việc cung cấp mục lục và thông tin thư mục giúp người dùng tin tìm kiếm các nguồn thông tin có liên quan thông qua các tài nguyên của thư viện và tìm kiếm các nguồn thông tin có liên quan.
Thứ ba, cung cấp truy cập vào bộ sưu tập truyền thống và bộ sưu tập trực tuyến về tài liệu cho mượn, làm cho chúng sẵn sàng đáp ứng tại chỗ hoặc từ xa. Trong một mô hình dịch vụ thư viện hiện đại, cung cấp thông tin thực tế hoặc thư mục và cung cấp quyền truy cập vào các tài nguyên truyền thống và điện tử thường kết hợp thành một quá trình phức tạp mà hy vọng sẽ tìm ra giải pháp toàn diện cho vấn đề của người dùng tin [13].
Một khía cạnh khác là cung cấp không gian và thiết bị, ví dụ như phòng thư viện, máy tính, máy quét, các công cụ tìm kiếm thông tin... Các nghiên cứu của Pew Institute cho thấy khía cạnh này của các dịch vụ thư viện, đặc biệt cung cấp miễn phí truy cập vào máy tính và Internet là rất quan trọng đối với 77% người Mỹ trên 16 tuổi [15]. Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy 35% người được hỏi rất có thể sẽ sử dụng các thiết bị điện tử mới trong thư viện. Cuối cùng, có một sự tư vấn và đào tạo phức tạp về việc sử dụng thư viện, nội dung của nó và việc thu thập thông tin nói chung.
Trong thế giới hiện đại, thư viện đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục các năng lực trong lĩnh vực thông tin và sự hiểu biết về phương tiện truyền thông. Cung cấp giáo dục trong lĩnh vực đánh giá chất lượng thông tin là một trong những dịch vụ thư viện quan trọng nhất [7].
3.1. Mô hình lý thuyết
Tác giả Magdalena Wójcik - Viện Thư viện và Khoa học Thông tin Đại học Jagiellonian, Krakow, Ba Lan đã đưa ra một mô hình lý thuyết cho các lĩnh vực ứng dụng IoT trong các dịch vụ thư viện. Ý tưởng này dựa trên giả định rằng IoT có thể áp dụng rộng rãi và có thể được sử dụng rộng rãi bất kể tính chất của hồ sơ kinh doanh của công ty hay tổ chức. Để kiểm tra giả thuyết này, các lĩnh vực sử dụng IoT trong các lĩnh vực thương mại khác nhau đã được phân tích để lựa chọn các lĩnh vực sử dụng phổ biến nhất, sau đó được chia thành các dịch vụ và hoạt động khác. Kết quả của phân tích này được so sánh với một danh sách các dịch vụ chính và các hoạt động khác do các thư viện cung cấp để tìm kiếm những điểm chung trong các chức năng được thực hiện bởi doanh nghiệp thương mại và thư viện. Tác giả giả định rằng nếu các chức năng/ lĩnh vực hoạt động của các ngành công nghiệp và thư viện tương tự nhau và các doanh nghiệp thương mại sử dụng IoT, cũng theo lý thuyết có thể áp dụng cho các thư viện. Kết quả của sự so sánh này được trình bày trong bảng 1 và 2.
Bảng 1: Bảng so sánh các lĩnh vực sử dụng của IoT trong dịch vụ của những công ty thương mại và trong dịch vụ của thư viện hiện đại
Bảng 2: Bảng so sánh các lĩnh vực khác của việc sử dụng IoT trong các công ty thương mại với các hoạt động phi dịch vụ của thư viện
Sự so sánh đầu tiên liên quan đến các dịch vụ cho thấy IoT có thể được sử dụng trong các thư viện để cung cấp truy cập vào các bộ sưu tập truyền thống và trực tuyến, cung cấp thông tin thực tế và danh mục, như trường hợp trong ngành thương mại. Ví dụ, IoT giúp các thư viện và người dùng tin dễ dàng hơn trong việc xác định các vật thể vật lý trong thư viện và điều hướng thông qua tài nguyên ảo. Nó cũng có thể được sử dụng để cung cấp gợi ý theo ngữ cảnh và thông tin về các tài nguyên liên quan đến sở thích của người dùng tin hiện tại. IoT cũng có thể hữu ích trong các lĩnh vực khác của dịch vụ thư viện, như tư vấn và đào tạo. Trong bối cảnh này, IoT có thể được sử dụng để tải thông tin cập nhật về người dùng tin từ thiết bị di động của họ, ví dụ như tâm trạng, lịch biểu hàng ngày... và cá nhân hoá các khoá học theo dữ liệu này. Các IoT cũng có thể được sử dụng để thông báo cho người dùng tin sự sẵn có của các nguồn tài nguyên thông tin, không gian trong các phòng đọc...
So sánh các dụng cụ IoT thương mại khác với các loại hoạt động thư viện cũng cho thấy các khả năng thú vị. Mặc dù IoT có thể được sử dụng thường xuyên trong tiếp thị và quảng cáo, nhưng tính hữu ích của nó không giới hạn ở khu vực này. Nó cũng có thể được sử dụng trong việc tối ưu hoá quá trình, tổ chức thư viện và phát triển các mô hình hoạt động sáng tạo làm cho thư viện trở nên thú vị hơn đối với người dùng tin và các thủ thư. Sử dụng các kỹ thuật tiếp thị dựa trên IoT để quảng bá thư viện và tổ chức các sự kiện có thể giúp xây dựng hình ảnh của thư viện như một cơ quan hiện đại theo xu hướng hiện tại. Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để hợp lý hoá quy trình thư viện. Ví dụ, thu thập, mô tả và phân tích các nguồn tài nguyên thông tin, công nghệ xây dựng thông minh và lưu trữ các nguồn tài nguyên phù hợp.
Tóm lại, các lĩnh vực tiềm năng chính của sử dụng IoT trong các dịch vụ thư viện đang cung cấp thông tin danh mục và cung cấp truy cập vào bộ sưu tập truyền thống và trực tuyến. IoT cũng có tiềm năng để tư vấn và đào tạo và theo dõi các dịch vụ và chia sẻ thông tin (hình 4).
Hình 4: Các trọng tâm chính của việc sử dụng IoT tiềm năng trong dịch vụ thư viện
Về vấn đề sử dụng IoT trong các hoạt động thư viện, các lĩnh vực hứa hẹn nhất như: tiếp thị, quảng bá, lưu trữ, sự kiện văn hoá và các hoạt động khác; IoT cũng có thể được sử dụng trong việc thu thập, mô tả và phân tích/ lựa chọn các bộ sưu tập thư viện (Hình 5).
Hình 5: Các trọng tâm chính của việc sử dụng IoT tiềm năng trong các hoạt động khác của thư viện
Nói chung, về mặt lý thuyết thì IoT có thể được sử dụng thành công trong hầu hết mọi quy trình của thư viện, bao gồm cả dịch vụ và các hoạt động khác.
3.2. Các ví dụ điển hình
Không có nhiều mô tả hiện tại về sử dụng IoT trong thư viện, hiện nay có một số sáng kiến như: ứng dụng BlueBeam do Thư viện công cộng Orlando, Florida, Hoa Kỳ thực hiện. Ứng dụng này được dựa trên công nghệ iBeacon, thường được sử dụng trong các sáng kiến tăng cường thực tế. BlueBeam gửi thông tin kích hoạt vị trí đến các thiết bị di động giúp người dùng tin tìm kiếm các nguồn lực và mở rộng sở thích của họ với các gợi ý theo ngữ cảnh [10]. Theo Trợ lý Giám đốc hệ thống Thư viện Hạt Orange, ứng dụng này giống như "vòi ảo trên vai" [10], một lời nhắc nhở nhỏ và gợi ý cho người dùng tin. Công nghệ BlueBeam được sử dụng bởi Thư viện Công cộng Orlando cũng được sử dụng cho khoảng 30 thư viện khác ở Hoa Kỳ.
Công ty Capira Technologies có một ý tưởng đối nghịch với việc sử dụng IoT trong thư viện. Các giải pháp được cung cấp bởi công ty này cho phép tích hợp các ứng dụng di động với các hệ thống thư viện hiện có. Người dùng tin có thể nhận được thông báo về tình trạng tài khoản của họ, có thể được thông báo về các sự kiện của thư viện, tìm kiếm thông qua catalog, hoặc nhận các thông báo cá nhân hoá và theo ngữ cảnh từ các nhân viên thư viện có liên quan cho lợi ích hiện tại của họ. Ứng dụng này được sử dụng rộng rãi trong hơn 100 thư viện như: Thư viện Hạt Somerset và Thư viện cộng đồng Half Hollow Hills [6].
4. Cơ hội và thách thức
Mặc dù có một số sáng kiến thành công, IoT trong thư viện vẫn còn là một khái niệm hơn là thực tế. Trong bối cảnh này, các thư viện sẽ bao gồm IoT trong phạm vi dịch vụ của họ để theo đuổi các xu hướng toàn cầu và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng tin.
Những trở ngại đối với việc sử dụng IoT trong các dịch vụ thư viện là tài chính và tổ chức. Trong lĩnh vực dịch vụ thư viện, tiềm năng lớn nhất của công nghệ IoT có thể được nhìn thấy trong quá trình cung cấp truy cập vào bộ sưu tập truyền thống và trực tuyến, cung cấp thông tin danh bạ. IoT cũng có thể hữu ích để chia sẻ thông tin, tiến hành tư vấn hoặc đào tạo, cung cấp truy cập vào không gian và thiết bị. IoT cũng có thể hữu ích trong các hoạt động thư viện: phí dịch vụ thu thập, mô tả, lưu trữ, phân tích, lựa chọn các bộ sưu tập, tiếp thị, quảng bá và tổ chức sự kiện.
Tác giả Potter cho rằng "Internet of Things sẽ là hy vọng lớn trong thư viện" [9]. Trong số các lĩnh vực sử dụng IoT tiềm năng, tác giả liệt kê một số vấn đề như: theo dõi sách; tổ chức các tour tự hướng dẫn; làm cho các cuộc triển lãm trong các bộ sưu tập đặc biệt thú vị hơn; cung cấp các lựa chọn cho các khoản thanh toán không tiếp xúc; kiểm tra tính khả dụng của thiết bị; cung cấp thêm thông tin chi tiết về các bộ sưu tập [9]. Một kết luận tương tự đã đạt được bởi tác giả Engard, khả năng sử dụng IoT trong thư viện gần như vô tận và phụ thuộc phần lớn vào sự tưởng tượng của các thủ thư [5].
Trong số các ví dụ sử dụng IoT trong thư viện, tác giả liệt kê: sử dụng công nghệ RIFD để tự thanh toán; Sử dụng tấm lót sàn và iBeacons để theo dõi các lưu lượng người dùng tin và cung cấp cho họ thông tin theo ngữ cảnh; Sử dụng dây đeo tay như thẻ thư viện và nhiều thứ khác [5]. Nói tóm lại, công nghệ IoT có thể được sử dụng trong thư viện để hỗ trợ cả quy trình và dịch vụ văn phòng cho người dùng tin.
Các công nghệ mới như IoT thường mang lại một số thách thức tiềm ẩn cùng với những lợi ích và cơ hội mà họ cung cấp (hình 6). IoT có tiềm năng để cải thiện các dịch vụ thư viện bằng cách cung cấp cho người dùng tin các công cụ cho phép dễ dàng sử dụng thư viện, các trợ giúp theo ngữ cảnh liên tục và các quy trình cá nhân hoá. IoT cũng có thể làm cho các thủ thư dễ dàng hơn để thực hiện công việc của họ thông qua việc tự động hoá các công việc thường nhật. IoT có thể là một công cụ tốt để xây dựng hình ảnh tích cực của các thư viện dưới dạng các thể chế hiện đại và liên tục phát triển [8].
Mặt khác, về khía cạnh đạo đức và pháp lý trong thu thập và xử lý dữ liệu cũng như sự an toàn và sự riêng tư của dữ liệu người dùng tin, cần cân nhắc kỹ lưỡng xem liệu thư viện có phương tiện tài chính và kỹ thuật để đảm bảo an ninh dữ liệu hay không. Việc triển khai IoT đòi hỏi rất nhiều chi phí tài chính, công nghệ và tổ chức, có thể vượt quá khả năng của thư viện. Đây là vấn đề mới mà người quản lý thư viện sẽ phải tìm hiểu và đưa ra các giải pháp mới.
Hình 6: IoT trong thư viện - Lợi ích và rào cản
Kết luận
Giáo dục tại Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và phát triển, đặc biệt là những cải tiến trong phương pháp dạy và học. Sự phát triển của khoa học công nghệ, sự phát triển của công nghệ thông tin và sự bùng nổ của IoT trong thời gian tới sẽ có nhiều tác động lên hệ thống giáo dục tại Việt Nam. IoT sẽ tác động lớn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cổng thư viện số, liên thông, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo đại học nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo trong giáo dục đại học; triển khai hệ thống học tập trực tuyến tại các cơ sở đào tạo đại học; lựa chọn, sử dụng các bài giảng trực tuyến của nước ngoài phù hợp với điều kiện trong nước; hình thành một số cơ sở đào tạo đại học trực tuyến trên cơ sở các trường hiện có bằng nguồn đầu tư của nước ngoài, doanh nghiệp.
Vì vậy, việc áp dụng công nghệ IoT trong thư viện là một triển vọng trong tương lai, đồng thời sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức. Những thuận lợi và khó khăn của IoT cần được thảo luận ngay nhằm chuẩn bị cho tương lai và để thu được những lợi ích to lớn từ sự phát triển của công nghệ này. Ngoài ra các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm nhiều hơn nữa về việc tăng cường các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy, phát triển ứng dụng IoT trong giáo dục tại Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực thư viện - thông tin nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Hoa. Những tác động của IoT đến hệ thống giáo dục và cơ hội phát triển tại Việt Nam // Tạp chí Công nghệ Thông tin và Truyền thông. - 2017. - Số 2. - Tr. 42-45.
2. Ngô Thị Quỳnh Ánh. Ứng dụng công nghệ Internet of Things trong thu thập và đánh giá nhiệt độ, độ ẩm môi trường. - Thái Nguyên: Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, 2016.
3. Nguyễn Diệu Linh. 6 dự báo về IoT // Tạp chí Công nghệ Thông tin và Truyền thông. - 2017. - Số 4. - Tr. 59-62.
4. Canuel, R. and Crichton, C. Canadian academic libraries and the mobile web // New Library World. - 2011. - Vol. 112. - No. 3/4. - P. 107-120. https://tspace.library.utoronto.ca/bitstream/1807/33920/1/Mobile_Web.pdf (truy cập ngày 11/7/2015).
5. Engard, N. What is the Internet of Things and how can we use it?. http://www.slideshare. net/nengard1/internet-of-things-for-libraries (truy cập ngày 12/6/2015).
6. Gubbi, J., Buyya, R., Marusic, S. and Pala- niswami, M. Internet of Things (IoT): a vision, architectural elements, and future directions // Future Generation Computer Systems - 2013. - Vol. 29. - No. 7. - P. 1645-1660. http://arxiv.org/ftp/arxiv/papers/ 1207/1207.0203.pdf (truy cập ngày 13/5/2015).
7. Katz, A. Libraries, literacy and technology: a new training module for public librarians indeveloping countries targeted at integrating libraries into literacy programs. http://library.ifla.org/1205/1/118-katz-en.pdf (truy cập ngày 12/9/2015).
8. Magdalena Wójcik. Internet of Things - potential for libraries // Library Hi Tech. - 2016. - Vol. 34. - No. 2. - P. 404-420.
9. Potter, N. Libraries, Beacons, and the Internet of. http://www.ned- potter.com/blog/2526 (truy cập ngày 14/7/2015).
10. Sarmah, S. The Internet of Things plan to make libraries and museums awesomer: arecultural institutions the environment iBeacon has been waiting for?. http://www.fastcompany.com/3040451/ elasticity/the-internet-of-things-plan-to-make-libraries-andmuseums-awesomer (truy cập ngày 14/3/ 2015).
11. Shumaker, D. Who let the librarians out? Embedded librarianship and the library manager // Reference & User Services Quarterly. - 2009. - Vol. 48. - No. 3. - P. 239-257.
12. Tan, L. and Wang, N. Future Internet: the Internet of things, IEEE Computer Society, Advanced Computer Theory and Engineering (ICACTE), 2010 3rd International Conference.
13. Tsang, D.C. and Renaud, J.P. Challenges in developing a new library infrastructure for research data services. https://escholarship.org/uc/item/ 8x36m8sv (truy cập ngày 13/3/2015).
14. Libraries in the New Environment. - SBP: Warszawa, 2014.
15. Zickuhr, K., Rainie, L. and Purcell, K. Library services in the digital age. http://libraries. pewinternet.org/2013/01/22/library-services/ (truy cập ngày 14/3/2015).
______________
Hứa Văn Thành
Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Học tập - Thư viện điện tử, trường CĐSP Thừa Thiên Huế
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 1. - Tr. 19-25, 40.
< Prev | Next > |
---|
- Thực trạng sách ở nông thôn, miền núi và nhu cầu đọc của trẻ em (cập nhật)
- Yếu tố ngoại ngữ khi áp dụng các mô hình kiến thức thông tin vào giáo dục phổ thông Việt Nam
- Thư viện Quốc gia Việt Nam - Một thế kỷ hình thành, phát triển và chặng đường phía trước
- Tối ưu hoá công tác tổ chức và quản lý hoạt động của các thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở khu vực nông thôn huyện ngoại thành Hà Nội
- Hệ thống quản lý thư viện phục vụ chiến lược đào tạo chất lượng cao tại trường đại học
- Các yếu tố ảnh hưởng tới tổ chức và hoạt động của thư viện trường phổ thông
- Tăng cường ứng dụng email marketing trong hoạt động thư viện
- Chuẩn hoá, hiện đại hoá hoạt động thư viện trong công an nhân dân
- Quản lý nhà nước về thư viện ở Việt Nam: nhìn từ thực tiễn cuộc sống
- Khoá học trực tuyến mở - xu hướng phát triển giáo dục đại học