1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng, đặc biệt là sự tác động của công nghệ thông tin và truyền thông tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, hoạt động thư viện đang phải cạnh tranh với nhiều hình thức cung cấp thông tin mới ra đời. Thực tế những năm gần đây, hoạt động thư viện tại các thư viện công cộng đã bị ảnh hưởng rất lớn từ cách thức cung cấp thông tin dựa trên môi trường Internet và các mạng xã hội, tỷ lệ người sử dụng thư viện đang có xu hướng ngày càng giảm, người sử dụng ngày nay đòi hỏi cao hơn những tiện ích căn bản mà thư viện truyền thống cung cấp, nếu thư viện không hấp dẫn, không đáp ứng được nhu cầu họ sẽ tìm đến nơi khác, sử dụng các phương tiện khác đó là điều tất yếu.
Đổi mới không gian và dịch vụ thư viện công cộng theo hướng tiện ích, sáng tạo, đa chức năng đang là giải pháp hiệu quả để tiếp tục phát huy vị trí, vai trò của thư viện công cộng đối với cộng đồng, xã hội.
Bài viết trình bày một số mô hình không gian thư viện tiện ích, sáng tạo, không gian cộng đồng, góp phần đổi mới hoạt động thư viện công cộng, tiếp tục xây dựng và phát triển văn hoá đọc tại các thư viện công cộng Việt Nam.
2. Một số mô hình không gian thư viện sáng tạo, thân thiện tại các thư viện công cộng Việt Nam
Trên thế giới, hiện nay cùng với sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu sử dụng thư viện công cộng của người sử dụng, không gian tại các thư viện công cộng không còn chỉ là nơi chứa sách, đọc sách, mượn - trả sách hoặc nơi làm việc cá nhân… mà không gian thư viện đang có xu hướng trở nên linh hoạt hơn và theo hướng kết hợp nhiều hoạt động hơn với trọng tâm hướng đến cộng đồng, những điều chỉnh quan trọng này nhằm mục tiêu nâng cao giá trị, vai trò của thư viện trong việc phát triển kinh tế, xã hội và cộng đồng và như vậy, thư viện công cộng đang được coi như là không gian sáng tạo của cộng đồng; không gian kết nối; nơi tiên phong về xu hướng và trải nghiệm công nghệ mới; là nơi ươm mầm các ý tưởng, học tập và đổi mới…
Với những chuyển đổi này, việc thích ứng và đổi mới không gian tại thư viện công cộng đối với cộng đồng là rất quan trọng, từ đó thúc đẩy văn hoá học, xây dựng xã hội học tập, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò của mình đối với xã hội.
“Không gian thư viện sáng tạo” được hiểu là tập hợp một số loại dịch vụ thư viện khác nhau trong một không gian thuộc thư viện. Mở rộng hơn có thể hiểu tổng thể một thư viện với các dịch vụ cũng là một không gian sáng tạo, những không gian này thường cung cấp: (1) Không gian chung hoặc riêng theo nhóm, (2) Các thiết bị, tiện ích đi kèm, (3) Sự hỗ trợ tích cực của người làm thư viện hoặc chuyên gia trong lĩnh vực phù hợp.
Đối với hệ thống thư viện công cộng ở nước ta, việc định hình lại hoạt động thư viện nói chung và triển khai các dịch vụ thư viện nói riêng nhất thiết phải đổi mới môi trường đọc, không gian thư viện theo hướng tăng cường các dịch vụ, nhất là tập trung vào đa dịch vụ trong một không gian mở, liên kết, hoặc các dịch vụ trải nghiệm, đây là giải pháp và định hướng quan trọng trong việc phục hồi và tăng cường văn hoá đọc tại các thư viện công cộng của nước ta.
Một số mô hình, không gian thư viện công cộng hiện nay ở nước ta đang thu hút sự quan tâm rất lớn của người sử dụng ở nhiều lứa tuổi, khơi gợi cảm hứng đọc, học tập, trao đổi và chia sẻ tri thức. Đó là:
2.1. Không gian truy cập các nguồn lực thông tin
Đây là không gian mang tính kết nối cao giữa tài liệu truyền thống và các nguồn thông tin số, với xu hướng đa phương tiện như hiện nay, yêu cầu của người sử dụng thư viện đòi hỏi ngày càng cao, càng đa dạng, do đó các dịch vụ thư viện cần phải thay đổi theo hướng tiện ích hơn. Vì vậy các thư viện công cộng thay vì cung cấp các phương thức truy cập nguồn lực thông tin, tài liệu một cách rời rạc, với nhiều yêu cầu, quy định khác nhau, nhiều vị trí khác nhau thì nhất thiết cần thay đổi lại không gian mang tính tập trung hơn để người sử dụng có thể tiếp cận, sử dụng cả nguồn thông tin dạng giấy và thông tin số, nguồn thông tin trực tuyến (các tạp chí điện tử, cơ sở dữ liệu và sách điện tử).
2.2. Không gian học tập, giáo dục
Cung cấp các phương tiện và điều kiện thuận lợi để tiếp tục khẳng định vai trò của thư viện công cộng như là cơ sở giáo dục ngoài nhà trường, trung tâm tự học tập và học tập suốt đời, do đó không gian học tập, giáo dục cần được thiết kế lại để có thể kết nối được các hoạt động học tập, nghiên cứu một cách thuận lợi và liền mạch, gắn liền với các dịch vụ thư viện như cung cấp tài liệu, truy cập các cơ sở dữ liệu, cung cấp máy tính, wifi, thiết bị truy cập Internet, thiết bị hỗ trợ trình chiếu, ổ điện, các thiết bị tập thuyết trình... Tuy nhiên cần xem xét, điều chỉnh để cân bằng giữa không gian nghiên cứu yên tĩnh và không gian hoạt động theo nhóm.
2.3. Không gian chia sẻ tri thức
Không gian có sự kết hợp các thiết bị công nghệ với nguồn tài nguyên tri thức của thư viện và các hoạt động mang tính định hướng và truyền cảm hứng sẽ tạo nên một không gian học tập, chia sẻ tri thức. Không gian chia sẻ tri thức là nơi nhóm người sử dụng có thể chia sẻ ý tưởng, kỹ năng, thông tin, tài liệu… mô hình này được coi như là vườn ươm ý tưởng, khơi gợi sáng tạo, thúc đẩy học tập và đổi mới. Thư viện công cộng cần cung cấp những môi trường và tiện tích để cộng đồng tạo ra kiến thức và trao đổi các ý tưởng bên ngoài hệ thống giáo dục chính quy tại các nhà trường.
Điển hình cho mô hình này là Không gian chia sẻ S-hub với ý tưởng “Thư viện thông minh 2.0”, mô hình Không gian chia sẻ hiện đang phục vụ cộng đồng tại Thư viện Quốc gia Việt Nam; Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh; Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Đà Nẵng.
Tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, với mục tiêu trở thành nơi lưu truyền tri thức và khơi nguồn cảm hứng thực sự tin cậy, thân thiện của bạn đọc trong và ngoài nước, Không gian chia sẻ S-hub đã tạo ra một mô hình tổ chức dịch vụ thư viện mang tính đổi mới, sáng tạo phục vụ cho việc đọc, nghiên cứu, giao lưu, học tập và chia sẻ ý tưởng của các bạn trẻ. Đây là không gian học tập, chia sẻ tri thức lôi cuốn sự tham gia tích cực của người sử dụng thư viện, phục vụ sự phát triển của người dân trong xã hội.
Không gian chia sẻ tri thức và ý tưởng sáng tạo tại Thư viện Quốc gia Việt Nam
Không gian này cũng bao gồm các khu vực riêng biệt dành cho các hoạt động trao đổi thảo luận nhóm, mỗi khu vực đều được trang bị những tiện ích công nghệ cao hỗ trợ bạn đọc thể hiện được các ý tưởng của mình.
2.4. Không gian phức hợp, đa chức năng
Đây là mô hình không gian thư viện đa chức năng kết hợp với nhiều hoạt động trong một không gian mở tiện ích với đầy đủ các phương tiện cần thiết hỗ trợ người sử dụng.
Tiêu biểu, Thư viện Văn hoá Thiếu nhi tại Thư viện Quốc gia Việt Nam được xây dựng theo mô hình này, là không gian phức hợp kết hợp giữa đọc sách với các hoạt động trải nghiệm văn hoá dành cho đối tượng thiếu nhi Việt Nam. Không gian thư viện này là sự kết hợp của: (1) các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ hoạt động đọc và trải nghiệm văn hoá; (2) tài nguyên sách phong phú; đồ chơi và nhạc cụ; (3) các hoạt động trải nghiệm văn hoá đa dạng - thực hành âm nhạc, xem phim, phát triển tài năng... Đây là không gian thư viện thiếu nhi phức hợp giúp trẻ em không chỉ được học, đọc sách mà còn tham gia các hoạt động chuyên đề định kỳ như: nghe đọc chuyện, kể chuyện, cảm nhận về một tác phẩm… giúp hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách. Bên cạnh đó, các em còn được vui chơi trong một không gian vô cùng thoải mái, tiện nghi, hiện đại, được trải nghiệm văn hoá, từ đó kích thích sự sáng tạo, ham tìm hiểu, xây dựng niềm vui và thói quen đọc sách. Mô hình này đang thu hút sự tham gia của các bậc cha, mẹ và các em nhỏ ở các trường mẫu giáo, trường phổ thông.
Không gian Thư viện Văn hoá Thiếu nhi tại Thư viện Quốc gia Việt Nam - Mô hình thư viện phức hợp
2.5. Không gian sinh hoạt cộng đồng
Không gian sinh hoạt cộng đồng có vai trò rất quan trọng đối với cộng đồng, xã hội, là nơi để cộng đồng dân cư hội họp, gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt tạo nên các quan hệ xã hội, là nơi phổ biến các kiến thức phổ thông, pháp luật, văn hoá, xã hội... do đó cùng với các hoạt động cung cấp thông tin, học tập, giải trí, thư viện công cộng cũng cần hướng nhiều hơn đến các hoạt động của cộng đồng, không gian này đảm bảo phù hợp với nhiều cộng đồng, lứa tuổi khác nhau.
Hoạt động sinh hoạt cộng đồng được tổ chức trong không gian thư viện gồm nhiều hoạt động rất đa dạng như: Giao lưu tác giả, tác phẩm; Nói chuyện chuyên đề; Ngày hội Sách; Ngày hội Internet; Triển lãm sách, tranh ảnh, tư liệu theo chủ đề; Hoạt động giao lưu văn hoá... Cần định hướng thư viện là “trái tim” của cộng đồng, từ đó xây dựng các kế hoạch hoạt động để có thể cân bằng giữa dịch vụ thư viện và nhu cầu của địa phương.
3. Kết luận
Để hoạt động thư viện công cộng ở nước ta tiếp tục phát triển, phát huy sứ mệnh, vị trí, vai trò đối với xã hội, trở thành một thành tố tích cực, quan trọng trong công tác xây dựng văn hoá đọc, xây dựng xã hội đọc, xã hội học tập, các thư viện cần tiếp tục đổi mới hoạt động, cải thiện không gian thư viện theo hướng mở, đa chức năng, kết hợp nhiều dịch vụ, hướng đến cộng đồng. Một số mô hình không gian thư viện sáng tạo, thân thiện tại các thư viện công cộng ở nước ta như đã trao đổi đang thu hút sự quan tâm rất lớn của người sử dụng thư viện, khơi gợi cảm hứng đọc, học tập, trao đổi và chia sẻ tri thức, do đó, cần tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ (CHXHCNVN). Quyết định số 329/ QĐ-TTg Phê duyêt Đề án “Phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, ban hành ngày 15/03/2017.
2. Ben Light, Dr Kirralie Houghton, Jean Burgess. The Impact of Libraries as Creative Spaces. URL: http://www.plconnect.slq.qld.gov.au/_data/assets/ pdf_file/0003/339717/SLQ-Creative-Spaces-Low-Res.pdf, truy cập ngày 14/1/2018.
3. IFLA. IFLA trend report update 2016. URL: https://trends.ifla.org/update-2016, truy cập ngày 14/01/2018.
4. Jeremy Monk. Public Libraries in the 21st Century: A New Home for Community Engagement. URL: https:// www.socialconnectedness.org/public-libraries-in-the-21st-century-a-new-home-for-community-engagement/, truy cập ngày 14/1/2018.
5. Kirstie Nicholson. Innovation in Public Libraries: Learning from international library practice. - 2017
6. Laura Damon-Moore, Erinn Batykefer. Make the Public Library Your Creative Space.URL: https:// www.utne.com/community/public-library-creative-space-ze0z1406zcalt, truy cập ngày 14/1/2018.
7. Nancy Bold and Associates. Seven major trends facing public libraries. - 2013.
8. Samantha Schmehl Hines. Advances in Library Administration and Organization. - The Future of Library Space, 2016.
__________________
ThS. Kiều Thuý Nga
Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 2. - Tr. 3-6.
< Prev | Next > |
---|
- Thư viện Văn hoá Thiếu nhi Thư viện đa phương tiện theo mô hình phức hợp mới đầu tiên dành cho thiếu nhi Việt Nam
- Xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ thông tin - thư viện tại thư viện các trường đại học ở Việt Nam
- Tìm hiểu cổng thông tin liên kết tài liệu nghiên cứu của các trường đại học trên thế giới và một số ý kiến về việc triển khai mô hình liên kết tài liệu nghiên cứu tại Việt Nam
- Ứng dụng Internet of Things vào các dịch vụ thư viện hiện đại: Cơ hội và thách thức
- Thực trạng sách ở nông thôn, miền núi và nhu cầu đọc của trẻ em (cập nhật)
- Yếu tố ngoại ngữ khi áp dụng các mô hình kiến thức thông tin vào giáo dục phổ thông Việt Nam
- Thư viện Quốc gia Việt Nam - Một thế kỷ hình thành, phát triển và chặng đường phía trước
- Tối ưu hoá công tác tổ chức và quản lý hoạt động của các thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở khu vực nông thôn huyện ngoại thành Hà Nội
- Hệ thống quản lý thư viện phục vụ chiến lược đào tạo chất lượng cao tại trường đại học
- Các yếu tố ảnh hưởng tới tổ chức và hoạt động của thư viện trường phổ thông