1. Bối cảnh hoạt động và những yếu tố ảnh hưởng đến thư viện trường tiểu học ở Việt Nam
Mặc dù giáo dục tiểu học ở mỗi quốc gia trên thế giới có những đặc điểm riêng biệt, nhưng nhìn chung, giáo dục tiểu học là bậc học chuyển tiếp sau giáo dục mầm non và trước giáo dục phổ thông [15]. Theo đó, thư viện trường tiểu học (TVTH) mang đầy đủ đặc điểm của một thư viện trường học nhưng có đối tượng phục vụ với đặc điểm tâm sinh lý riêng và những yêu cầu giáo dục cụ thể. Để hiểu một cách toàn diện hơn về TVTH, cần xem xét bối cảnh hoạt động hiện nay cùng với những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động TVTH.
1.1. Chính sách và văn bản pháp quy của Nhà nước về thư viện trường tiểu học
Thứ nhất,thư viện hoạt động trong trường tiểu học cần tuân thủ các văn bản và quy định hiện hành của Nhà nước về giáo dục nói chung, giáo dục tiểu học nói riêng, cũng như quy định về hoạt động của thư viện trường phổ thông. Một số quy chế và văn bản liên quan trực tiếp bao gồm: Điều lệ trường tiểu học [2]; Tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia [5]; Tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông [6].
Ngoài ra, Quyết định Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 cũng nêu rõ mục tiêu phát triển chủ yếu của thư viện trường phổ thông như sau [10]: Thư viện trường học phải thực sự trở thành nguồn lực trung tâm của trường học; Thư viện trường học phải đảm bảo thông tin tài liệu cho chương trình học tập, giúp mở rộng kiến thức mọi mặt của các em, hình thành ở các em tính độc lập trong việc đọc, việc học, biết cách thu nhận, phân tích thông tin để hình thành kiến thức mới; Từng bước hiện đại hoá, tin học hoá thư viện trường học…
Mục tiêu phát triển trên cho thấy yêu cầu của xã hội và ngành Giáo dục đối với hoạt động thư viện trường học nói chung và TVTH nói riêng trong việc nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, cũng như khẳng định vị trí của thư viện trường học trong thế kỷ XXI.
Thứ hai,thư viện có nhiệm vụ hỗ trợ tích cực cho các hoạt động và chương trình giáo dục tiểu học. Một số văn bản liên quan đến yêu cầu giáo dục tiểu học hiện nay mà thư viện cần tham khảo bao gồm: Quy định đánh giá học sinh tiểu học [4]; Công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm 2015 - 2016 [3]; Chỉ thị tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh [9]; Quy định về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá [8]; Quyết định ban hành chương trình thí điểm tiếng Anh tiểu học [1].
Như vậy, trường tiểu học thực hiện chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành, bao gồm việc phát triển năng lực học sinh thông qua việc tăng cường các hoạt động thực hành, chú trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh [3]. Để thực hiện được nhiệm vụ giáo dục trên, nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động như: giáo dục trong giờ lên lớp (việc dạy học các môn học bắt buộc và tự chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học) và giáo dục ngoài giờ lên lớp (hoạt động ngoại khoá, hoạt động vui chơi, giao lưu văn hoá) [2]. Bên cạnh đó, một trong những tiêu chí đánh giá học sinh tiểu học hiện nay bao gồm năng lực về giao tiếp, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề [4]. Rõ ràng, để thực hiện được các nhiệm vụ và hoạt động giáo dục, đánh giá trên đòi hỏi phải có sự đóng góp thiết thực của thư viện.
Ngược lại, chương trình giáo dục và phương pháp giảng dạy cũng tác động lớn đến phương thức và hiệu quả hoạt động của thư viện. Ví dụ, nếu chương trình học quá nặng, giáo viên thuyết giảng quá nhiều, giữa thầy và trò sẽ thiếu tính tương tác trong quá trình dạy và học, học sinh không còn thời gian để rèn luyện, phát triển các kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng thư viện - thông tin.
Tóm lại, TVTH là bộ phận hỗ trợ dạy và học nên hoạt động của TVTH cần bám sát những chính sách, yêu cầu đổi mới giáo dục ở Việt Nam. Những văn bản, chính sách trên là kim chỉ nam để TVTH xác định mục tiêu, chương trình hoạt động cùng với những thay đổi để phù hợp với yêu cầu thực tiễn của xã hội.
1.2. Vai trò của Ban Giám hiệu, giáo viên và phụ huynh
Ban Giám hiệu và giáo viên là những nhân tố tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển hoạt động thư viện. Một trong những mục tiêu của thư viện trường học được nêu rõ trong Tuyên ngôn của IFLA là “cộng tác chặt chẽ với học sinh, giáo viên, các nhà quản lý và phụ huynh nhằm thực hiện nhiệm vụ của trường học”. Như vậy, Ban Giám hiệu và giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thư viện hoàn thành đúng mục tiêu đã đề ra.
Nếu Ban Giám hiệu, cụ thể là Hiệu trưởng nhà trường đánh giá cao tầm quan trọng của việc đọc sách và nhận thức được vai trò, vị trí của thư viện trong quá trình hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện thì sẽ có những chính sách hỗ trợ sự phát triển thư viện như: tăng kinh phí đầu tư cho thư viện, kêu gọi giáo viên, phụ huynh, học sinh hỗ trợ người làm thư viện (NLTV) trong các hoạt động thư viện, sắp xếp công việc hợp lý cho NLTV, hạn chế trường hợp NLTV kiêm nhiệm trong trường học. Hiện nay, Thông tư ban hành Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông của Bộ GDĐT [7] có chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn, trong đó có trường hợp giáo viên kiêm nhiệm công việc của NLTV (được giảm 2-3 tiết/ tuần). Tuy nhiên, hiện Bộ GDĐT vẫn chưa ban hành văn bản nào nói về chế độ đãi ngộ như phụ cấp, bồi dưỡng độc hại đối với NLTV chuyên trách hoặc kiêm nhiệm các công tác khác như kế toán, quản lý thiết bị... Thực tế cho thấy, ở rất nhiều thư viện trường phổ thông tại miền Nam hiện nay, số lượng NLTV kiêm nhiệm chiếm tỷ lệ 33,4% [13], việc kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khiến NLTV khó có thể đầu tư hoàn toàn cho công tác thư viện. Trong trường hợp này, vai trò của Ban Giám hiệu là rất quan trọng, tuỳ thuộc vào khối lượng công việc, Ban Giám hiệu có thể quyết định những ưu tiên, quyền lợi dành cho NLTV kiêm nhiệm hoặc chuyên trách.
Giáo viên luôn đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích học sinh đến đọc sách và sinh hoạt tại thư viện. Việc hợp tác chặt chẽ nhưng linh hoạt giữa giáo viên và NLTV trong quá trình giáo dục học sinh cả về kiến thức và kỹ năng sống sẽ giúp các em phát triển toàn diện. Việc hợp tác giữa giáo viên và NLTV sẽ cải thiện kỹ năng giảng dạy của giáo viên vì sự phối hợp này mang tính toàn diện về tài nguyên, công nghệ và phương pháp sư phạm [16]. Như vậy, việc NLTV cần có kiến thức về sư phạm để hỗ trợ cho học sinh khi các em đến thư viện, cũng như giáo viên cần quan tâm hơn đến hoạt động thư viện để định hướng học sinh sử dụng thư viện là một yếu tố quan trọng góp phần phát triển trí tuệ và nhân cách cho học sinh.
Phụ huynh học sinh đóng vai trò gián tiếp nhưng lại có những tác động quan trọng đến sự phát triển của hoạt động thư viện và định hướng nhu cầu đọc của học sinh. Như đã trình bày ở trên, vai trò của phụ huynh, trước hết thể hiện ở sự phối hợp với nhà trường, cụ thể là giáo viên chủ nhiệm và NLTV trong việc hướng dẫn, khuyến khích học sinh giải trí lành mạnh thông qua việc đọc sách, báo, giúp hình thành phát triển văn hoá đọc. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể đóng góp một cách trực tiếp cho hoạt động thư viện thông qua việc hỗ trợ phát triển vốn tài liệu hoặc các tủ sách lớp học/ tủ sách phụ huynh, tham gia tự nguyện trong việc góp phần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thư viện và hỗ trợ thư viện tổ chức các hoạt động phù hợp. Sự ủng hộ của phụ huynh đối với hoạt động thư viện sẽ là yếu tố giúp lan toả các giá trị mà thư viện và việc đọc sách, báo mang lại cho cộng đồng, giúp cho hoạt động thư viện phát triển ngày càng bền vững.
1.3. Đặc điểm tâm sinh lý và nhu cầu tin của học sinh tiểu học
Để phát triển những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với yêu cầu của bạn đọc, NLTV cần am hiểu về đối tượng phục vụ của mình. Nói cách khác, đặc điểm của bạn đọc thư viện có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và sản phẩm, dịch vụ mà thư viện cung cấp vì với những đặc điểm khác nhau, họ có nhu cầu tin khác nhau. Với TVTH, NLTV sẽ thường xuyên làm việc với trẻ em, một trong những đối tượng phục vụ có những đặc điểm và nhu cầu riêng biệt, nếu không nắm được những kiến thức cơ bản về lứa tuổi của các em, NLTV sẽ gặp khó khăn trong công tác phục vụ bạn đọc.
Một trong những đặc trưng cơ bản của TVTH là phục vụ cho các em thiếu nhi có độ tuổi chủ yếu từ 6 đến 10 tuổi. Ở độ tuổi này, quá trình phát triển tâm sinh lý của các em cũng có những biến đổi nhất định, đó là những biến đổi tâm lý chuyển tiếp từ lứa tuổi mẫu giáo lên độ tuổi nhi đồng.
Các đặc điểm tâm sinh lý và yêu cầu của chương trình học dẫn đến những đặc trưng riêng trong nhu cầu tin của học sinh tiểu học. Tương ứng với độ tuổi tiểu học, các em học sinh bậc tiểu học sẽ có 5 năm học tại trường tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5), đối với mỗi lớp, nhu cầu của các em sẽ có sự thay đổi cụ thể như sau:
Học sinh lớp 1 và lớp 2: Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ mẫu giáo sang tiểu học với một số đặc điểm tâm lý của trẻ em mẫu giáo vẫn còn tồn tại như: yêu thích các hoạt động giải trí hơn học tập, dễ dàng bắt chước theo một hình mẫu mình yêu thích, có trí tưởng tượng phong phú [11]. Các em đặc biệt yêu thích tham gia các trò chơi đơn giản, tài liệu các em thường đọc ở giai đoạn này là những quyển sách nhiều màu sắc và ít chữ. Có thể nói, giáo dục trẻ ở giai đoạn lớp 1 và lớp 2 là một nhiệm vụ khó khăn vì phải định hướng các em ngay từ đầu về tầm quan trọng của việc học, khắc phục cho trẻ cảm giác sợ đến trường, tạo cho các em niềm yêu thích với sách. Đối với NLTV, cần thu hút các em đến với thư viện bằng cách giới thiệu những cuốn sách phù hợp với tâm lý trẻ thơ, từ đó thư viện sẽ trở thành một khái niệm mới và các em sẽ đến thư viện thường xuyên hơn khi bị cuốn hút bởi những quyển sách do NLTV giới thiệu. Bên cạnh đó, việc hiểu tâm sinh lý lứa tuổi tiểu học để thực hiện tốt một số hoạt động khác như: trang trí thư viện, tổ chức trò chơi, hoạt động ngoại khoá… cũng mang hình ảnh của thư viện đến gần với học sinh hơn.
Học sinh lớp 3 và lớp 4: Đặc điểm cơ bản của đối tượng bạn đọc ở giai đoạn này là không còn tư duy như trẻ em bậc mầm non, các em có thể hiểu một cách đơn giản ý nghĩa của câu chuyện được truyền tải trong sách, sự yêu thích tài liệu ở các em cũng thể hiện rõ hơn học sinh lớp 1 và lớp 2, các em bắt đầu thích đọc những câu chuyện cổ tích, truyện thiếu nhi anh hùng [12]… Học sinh lớp 4 đã bắt đầu ý thức được mình thích đọc loại sách nào và yêu cầu loại sách ấy với NLTV. Tuy nhiên, nhu cầu đọc sách của các em đôi khi chưa sâu sắc và thiếu tính bền vững, các em thường thích chọn sách có chủ đề, nội dung đơn giản, dễ đọc hiểu. NLTV cần nắm được những đặc điểm này để giúp đỡ các em trong việc lựa chọn tài liệu, hướng dẫn các em cách đọc, hiểu và giúp các em phát triển sở thích và kỹ năng đọc lên một cấp độ cao hơn.
Học sinh lớp 5: Là lớp học cuối cùng của bậc tiểu học, các em tỏ ra hiểu được những gì mình đọc, biết lựa chọn những cuốn sách về khoa học, kỹ thuật phổ thông, tập trung hơn vào quá trình học tập để chuẩn bị bước vào bậc giáo dục trung học cơ sở. NLTV nên giới thiệu cho các em những tài liệu tham khảo, những cuốn sách có nội dung liên quan đến các môn học để mở rộng kiến thức cho các em.
Những đặc điểm tâm sinh lý cơ bản và nhu cầu của học sinh tiểu học yêu cầu NLTV phải có những sáng tạo và linh hoạt trong quá trình phục vụ và cần tuân thủ một số nguyên tắc hoạt động căn bản: tính thích hợp, tính trực quan, sinh động, tính sáng tạo [12].
- Tính thích hợp: Nhấn mạnh đến việc bổ sung tài liệu và tổ chức các dịch vụ và hoạt động thư viện phù hợp với độ tuổi, tâm sinh lý của học sinh tiểu học nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
- Tính trực quan, sinh động: Tổ chức các hoạt động và trang trí thư viện, trưng bày sách, giới thiệu tài liệu mới kết hợp giữa lời giới thiệu và màu sắc, hình ảnh cụ thể của tài liệu, phù hợp với lứa tuổi và sở thích của học sinh.
- Tính sáng tạo: Nhấn mạnh sự tương tác giữa NLTV và bạn đọc trong thư viện trường tiểu học, trong đó NLTV đóng vai trò định hướng và phục vụ các em với một thái độ gần gũi, thân thiện. Từ đó, việc đến thư viện của học sinh không chỉ rèn luyện cho các em thói quen đọc sách mà còn định hướng cho các em thái độ đối với sách, phát triển năng lực sáng tạo của các em thông qua việc lĩnh hội kiến thức mà sách mang lại.
1.4. Các yếu tố nội tại của thư viện trường tiểu học
Chất lượng hoạt động TVTH được quyết định bởi các yếu tố nội tại cơ bản sau: NLTV, vốn tài liệu và cơ sở vật chất [12].
- NLTV: Được biết đến như là cầu nối giữa bạn đọc và thư viện, thước đo chất lượng phục vụ của NLTV là kiến thức chuyên môn và thái độ phục vụ.
+ Về kiến thức chuyên môn: Tài liệu của ALA đã đưa ra mười tiêu chí đánh giá khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của NLTV, trong đó nổi bật là những yêu cầu: cung cấp được tài liệu một cách chính xác và đa dạng, cập nhật liên tục tài liệu ở cả hai dạng thức in và số hoá, đánh giá tốt nội dung tài liệu dành cho trẻ em, biết vận dụng kiến thức chuyên môn trong môi trường làm việc nhiều biến động, hỗ trợ cho học sinh hiểu hơn về thư viện qua việc giải thích những kiến thức liên quan đến biên mục, phân loại… [14]. Ở Việt Nam, yêu cầu về năng lực chuyên môn được thể hiện trong Quy chế tổ chức hoạt động thư viện trường phổ thông.
+ Về thái độ: Yếu tố quyết định đến hiệu quả phục vụ của NLTV chính là thái độ làm việc. Đối với TVTH, thái độ thân thiện, niềm nở và lòng yêu quý trẻ thơ là một yếu tố rất cần thiết, bởi ngoài kiến thức chuyên môn, những kỹ năng cơ bản, NLTV tiểu học cần phải có tính kiên nhẫn vì đối tượng phục vụ chính tại thư viện là trẻ em. NLTV có yêu trẻ mới có thể dạy trẻ tốt, truyền cho các em niềm đam mê đọc sách và dạy cho các em những bài học làm người.
Hiện nay, NLTV trường tiểu học ở Việt Nam về cơ bản đã có những nỗ lực đáng ghi nhận thông qua những mô hình thư viện được xây dựng và triển khai trên khắp cả nước. Thực tế này chứng minh, NLTV có sự tìm tòi, tham khảo trong phương pháp phục vụ để đưa học sinh đến với thư viện, góp phần xây dựng văn hoá đọc trong nhà trường. Bên cạnh đó, NLTV vận dụng được kiến thức chuyên môn vào việc xây dựng mô hình cũng cho thấy sự nhiệt huyết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
- Vốn tài liệu: Bao gồm quá trình chọn lọc nội dung và cách tổ chức tài liệu trong thư viện.
+ Về nội dung: Việc xây dựng kho tài liệu phong phú, nội dung hấp dẫn sẽ phát huy hiệu quả trong việc thu hút các em đến thư viện. Tuy nhiên, tài liệu ở thư viện cần phù hợp với độ tuổi học sinh tiểu học và bám sát chương trình đào tạo bậc tiểu học ở Việt Nam. Để kho tài liệu thư viện có nội dung phù hợp với học sinh, NLTV có thể khảo sát nhu cầu và sở thích đọc của các em qua nhiều kênh khác nhau như: cha mẹ học sinh, thầy cô hoặc tham khảo chính các em.
Tính đến thời điểm hiện tại, NLTV tiểu học hiện nay đã phát triển thư viện dựa theo Công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục năm học 2015 - 2016 [3]. Để thực hiện đúng chương trình giáo dục, NLTV cần nắm được những yêu cầu của chương trình giáo dục để lựa chọn, bổ sung tài liệu cho phù hợp theo nhiệm vụ của từng năm học.
+ Về tổ chức tài liệu: Do lượng tài liệu ở một TVTH không nhiều, nên NLTV cần tìm ra cách sắp xếp để học sinh dễ dàng tiếp cận với tài liệu nhất. Hiện nay, nhiều NLTV đã sử dụng phương pháp sắp xếp tài liệu theo màu sắc rất phù hợp với tâm lý trẻ em là yêu thích và dễ dàng ghi nhớ các hình ảnh, màu sắc trực diện.
- Cơ sở vật chất: Bên cạnh NLTV và vốn tài liệu, cơ sở vật chất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút học sinh đến với thư viện. Về cơ bản, yêu cầu cơ sở vật chất của TVTH được thể hiện trong Tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông. Có cơ sở vật chất và trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, được thiết kế và sắp xếp hợp lý, thẩm mỹ, phù hợp tâm lý lứa tuổi tiểu học là yếu tố thu hút học sinh đến sử dụng thư viện.
Có thể thấy rằng, TVTH không hoạt động riêng lẻ mà tồn tại và phát triển dưới sự chi phối của các yếu tố khách quan và chủ quan, sự thay đổi của từng yếu tố dù là tích cực hay tiêu cực cũng tác động đến hoạt động của TVTH.
2. Một vài đề xuất phát triển thư viện trường tiểu học hiện nay
Đối với NLTV
Cũng như các hệ thống thư viện khác, TVTH muốn phát triển phải phục vụ đắc lực cho giáo dục tiểu học và là một kênh giáo dục học sinh tiểu học. Như vậy, để hệ thống thư viện này ngày một phát triển tương xứng với yêu cầu giáo dục tiểu học, NLTV tiểu học ngoài việc bồi dưỡng nghiệp vụ, nghiên cứu đối tượng phục vụ, thấu hiểu sở thích và tâm lý học sinh, cần thường xuyên theo dõi, cập nhật những thay đổi trong các văn bản pháp quy về yêu cầu giáo dục tiểu học, tiêu chí đánh giá TVTH và học sinh tiểu học hiện nay. Hiểu rõ yêu cầu hiện tại của TVTH, NLTV sẽ có những thay đổi, bổ sung phù hợp trong quá trình hoạt động thư viện.
Qua các văn bản pháp quy đã đề cập có thể thấy, giáo dục tiểu học hiện nay chú trọng đào tạo học sinh phát triển toàn diện, không chỉ hiểu biết về tri thức, đạo đức mà còn phát triển cả về kỹ năng xã hội, bồi dưỡng năng khiếu cho trẻ. Một số TVTH quốc tế đã xây dựng được mô hình phục vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu trên, NLTV các trường tiểu học công lập cần có sự tham khảo, trao đổi và học hỏi để áp dụng những ưu điểm của những mô hình này trong quá trình xây dựng và phát triển thư viện.
Đối với Ban Giám hiệu nhà trường và giáo viên
Sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên, NLTV và Ban Giám hiệu là vô cùng cần thiết cho sự phát triển của thư viện trường học nói chung, TVTH nói riêng. Là những người tiếp xúc thường xuyên với các em học sinh, giáo viên có thể trực tiếp trao đổi với Ban Giám hiệu, NLTV về nhu cầu của học sinh trong học tập và giải trí, từ đó có phương hướng bổ sung tài liệu, đầu tư cho cơ sở vật chất và thiết kế chương trình hoạt động phù hợp với điều kiện tài chính của nhà trường.
Đối với phụ huynh học sinh
Mọi góp ý, nhận xét, đánh giá của phụ huynh học sinh dành cho thư viện trường sẽ góp phần vào sự đổi mới mô hình phục vụ phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên, sự đánh giá này chỉ thực sự có ý nghĩa khi phụ huynh luôn vận động, khuyến khích con em đến thư viện để học tập và giải trí.
Kết luận
Bối cảnh hoạt động, những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển TVTH đòi hỏi các bên liên quan có những hoạt động thích hợp để góp phần cải tiến hoạt động của thư viện, mang đến cho các em một môi trường phát triển toàn diện cả về đạo đức, tri thức và kỹ năng, để thư viện trường học nói chung, TVTH nói riêng không chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà còn là nơi hỗ trợ các em hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu giáo dục học sinh phổ thông hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình thí điểm tiếng Anh tiểu học được ban hành theo Quyết định số 3321/QĐ-BGDĐT ngày 12/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều lệ Trường Tiểu học, được ban hành theo Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ngày 22/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục năm học 2015 - 2016, được ban hành theo công văn số 4323/BGDĐT/GDTH ngày 25/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy định đánh giá học sinh tiểu học, được ban hành theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy định Tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-59-2012-TT-BGDDT-cong-nhan-truong-tieu-hoc-dat-chuan-quoc-gia-163114.aspx. Truy cập ngày 23/10/2015.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy định tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông, được ban hành theo quyết định số 01/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 02/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông được ban hành theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/ 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
8. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy định về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá, được ban hành theo Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
9. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, được ban hành theo chỉ thị số 1537/CT-BGDĐT ngày 05/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
10. Bộ Văn hoá - Thông tin. Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến 2020. http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-10-2007-QD-BVHTT-phe-duyet-quy-hoach-phat-trien-nganh-thu-vien-Viet-Nam-den-nam-2010-dinh-huong-den-2020/19631/noi-dung.aspx.
Truy cập ngày 06/06/2015.
11. Bùi Văn Huệ. Tâm lý học tiểu học: Giáo trình. - Tp. Hồ Chí Minh: Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, 2012.
12. Giang Anh Thơ. Nâng cao hiệu quả công tác phục vụ thiếu nhi tại các thư viện trên địa bàn Thành phố Cần Thơ: Luận văn thạc sỹ Khoa học Thư viện. - TP. Hồ Chí Minh: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, 2012. - 134 tr.
13. Dương Thị Vân. Phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống thư viện trường phổ thông. http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/phat-trien-nguon-nhan-luc-trong-he-thong-thu-vien-truong-pho-thong.html. Truy cập ngày 01/10/2015.
14. American Library Association. Standards for the 21st-Century Learner. - Chicago: ALA, 2007.
15. http://en.wikipedia.org/wiki/Primary_education. Truy cập ngày 6/6/2015.
16. http://www.ala.org/aasl/files/aaslissues/brochures/ aasl_teacher_intro-color.pdf. Truy cập ngày 10/10/2015.
_____________________
ThS. Bùi Vũ Bảo Khuyên
Khoa Thư viện - Thông tin học, ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. HCM
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 3. - Tr. 23-28.
< Prev | Next > |
---|
- Thời đại kỹ thuật số và những yếu tố ảnh hưởng tới nhu cầu tin của người dùng tin
- Manuscriptorium và giải pháp quản lý, khai thác tài liệu cổ trong các thư viện Việt Nam
- Thư viện Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- Nguồn nhân lực trong hệ thống thư viện quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh
- Xây dựng các nguồn tài nguyên giáo dục mở dựa trên nền tảng WikiHow tiếng Việt
- Tìm hiểu một số yếu tố tác động đến hành vi thông tin của giảng viên
- Quyền tác giả trong hoạt động sao chép và số hoá tài liệu tại thư viện các trường đại học
- Một số mô hình không gian thư viện sáng tạo, tăng cường văn hoá đọc tại các thư viện công cộng Việt Nam
- Thư viện Văn hoá Thiếu nhi Thư viện đa phương tiện theo mô hình phức hợp mới đầu tiên dành cho thiếu nhi Việt Nam
- Xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ thông tin - thư viện tại thư viện các trường đại học ở Việt Nam