Một số mô hình tổ chức và hoạt động của thư viện trường phổ thông

E-mail Print

Nghiên cứu về mô hình thư viện trường phổ thông (TVPT) hiện có nhiều tác giả đề cập từ nhiều phương diện khác nhau và cũng đưa ra những quan điểm chưa đồng nhất. Tuy nhiên, có thể tổng hợp thành 3 nhóm mô hình TVPT gồm: mô hình hướng tới xây dựng và hoàn thiện các yếu tố cấu thành TVPT; mô hình TVPT hướng tới mở rộng khả năng tiếp cận tài liệu cho người sử dụng; mô hình TVPT hướng tới sự hợp tác.

1. Mô hình thư viện trường phổ thông hướng tới xây dựng và hoàn thiện các yếu tố cấu thành thư viện

Mô hình này có điểm chung là hướng tới xây dựng TVPT bằng việc xây dựng và hoàn thiện các yếu tố cấu thành thư viện như: cơ sở vật chất, vốn tài liệu, nguồn nhân lực có trình độ để xử lý và tạo lập các sản phẩm, dịch vụ thư viện để TVPT có thể thu hút người sử dụng. Mô hình này được đề xuất bởi một số tác giả ở Inđônêxia.

Năm 2011, trong tài liệu “Building a Model School Library at Madrasah Tsanawiyah Negeri Piyungan in Yogyakarta, Indonesia”, nhóm nghiên cứu Labibah Zain, Marwiyah, Sri Rohyanti Zulaikha đã đưa ra mô hình TVPT [3]. Mô hình này được xây dựng từ kết quả dự án xây dựng TVPT mẫu ở Inđônêxia trong thời gian từ năm 2001 - 2006 cho các TVPT có quy mô nhỏ, bị đánh giá là hoạt động chưa hiệu quả. Mô hình này hướng tới phát triển một TVPT lý tưởng do Thư viện Quốc gia ban hành với các chức năng:

- Như một trung tâm dạy - học.

- Giúp học sinh có kiến thức mà các em nhận được từ trong lớp học một cách rõ ràng, mở rộng và cho phép các em nghiên cứu thư viện.

- Phát triển thói quen đọc, sở thích và năng lực của học sinh.

- Giúp học sinh phát triển tài năng và sở thích.

- Giúp học sinh quen với việc tìm kiếm thông tin.

Để thực hiện các chức năng lý tưởng kể trên, nhóm nghiên cứu đưa ra mô hình TVPT kiểu mẫu bao gồm các thành phần sau:

- Phòng/ địa điểm: Nằm ở vị trí trung tâm, dễ dàng tìm thấy; có nhiều phòng riêng với các chức năng cụ thể: phòng lưu giữ bộ sưu tập, phòng đọc, phòng xử lý…

- Cơ sở vật chất: Bao gồm thiết bị thư viện và các phương tiện công nghệ giúp chuyển đổi từ truy cập đóng sang truy cập mở.

- Bộ sưu tập tài liệu: Được chú trọng phát triển với nhiều phương thức: mua, trao đổi, hỗ trợ... Nội dung tài liệu phải hướng tới hỗ trợ hoạt động dạy và học. Số lượng tài liệu phải đảm bảo (tỷ lệ khoảng 10 tên sách/ 1 học sinh…).

- Thực hiện xử lý tài liệu thư viện và hướng tới phát triển các dịch vụ thư viện.

- Nguồn nhân lực: Người làm thư viện (NLTV) cần biết các kế hoạch, hoạt động của nhà trường để giúp giáo viên và học sinh.

Theo nhóm nghiên cứu, để mô hình TVPT với các thành phần trên đây hoạt động có hiệu quả, rất cần Hiệu trưởng nhận thức đúng vai trò của thư viện. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: nếu Hiệu trưởng hiểu được tầm quan trọng của thư viện sẽ có các chính sách hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện cần thiết để phát triển thư viện. Hơn thế nữa, khi Hiệu trưởng nhận thức đúng tầm quan trọng của thư viện, các giáo viên trong trường sẽ dần hợp tác với NLTV để thực hiện các hoạt động cải thiện thư viện.

Như vậy, mô hình thư viện hướng tới xây dựng và hoàn thiện các yếu tố cấu thành thư viện có đặc điểm:

- Về tổ chức: Với mục tiêu cung cấp tài liệu phục vụ việc dạy - học của giáo viên và học sinh trong nhà trường, đồng thời giúp hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, TVPT cần đảm bảo các yếu tố: cơ sở vật chất (phòng, trang thiết bị...); NLTV có trình độ; kinh phí đảm bảo các hoạt động. NLTV là người trực tiếp tổ chức và thực hiện các hoạt động trong thư viện, nhưng thư viện cần được sự quản lý trực tiếp của lãnh đạo nhà trường.

- Về hoạt động: TVPT cần đảm bảo thực hiện các hoạt động cơ bản về thu thập, xử lý nghiệp vụ để phục vụ tài liệu cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

2. Mô hình thư viện trường phổ thông hướng tới mở rộng khả năng tiếp cận tài liệu cho người sử dụng.

Mô hình TVPT hướng tới mở rộng khả năng tiếp cận tài liệu cho người sử dụng có thể hiểu là mô hình phát triển song song thư viện tập trung (cố định) trong trường kết hợp với các loại hình thư viện di động để tăng khả năng tiếp cận tài liệu thư viện của người sử dụng. Nghĩa là, bên cạnh việc tập trung phát triển tại vị trí trung tâm nhà trường, thư viện nên chú trọng tạo lập các kênh để người sử dụng có thể tiếp cận tài liệu ở mọi nơi, mọi lúc. Mô hình này được Bộ Giáo dục nước Cộng hoà Nam Phi đề xuất trong tài liệu “National Guidelines for School Library and Information Services” và đã đưa ra nhiều mô hình TVPT khác nhau bao gồm: thư viện di động, thư viện cụm, thư viện lớp học, TVPT tập trung và thư viện cộng đồng trường học [2]. Theo khuyến cáo của Bộ Giáo dục Cộng hoà Nam Phi, mỗi trường nên có một kế hoạch phát triển TVPT tích hợp vào kế hoạch tổng thể của nhà trường, liên kết với kế hoạch phát triển của địa phương để đảm bảo thực hiện dịch vụ toàn diện cho giáo viên và học sinh. Trên điều kiện thực tế của mình, mỗi trường có thể xây dựng TVPT hoạt động theo một hay nhiều mô hình TVPT được đề xuất dưới đây:

- Thư viện di động: Sử dụng thiết bị hoặc phương tiện (xe ô tô) được trang bị phù hợp để đi đến các trường theo một lịch trình thường xuyên, phục vụ giáo viên và học sinh. Trong mô hình này, bộ sưu tập tài liệu của thư viện được lấy từ một thư viện trung tâm, có thể là trung tâm giáo dục của địa phương hoặc của quốc gia.

- Thư viện cụm: Là việc thành lập thư viện cụm trung tâm (dùng chung cho các TVPT ở một địa phương) hoặc thư viện cụm cho các trường gần nhau. Theo đó, thư viện cụm có thể đặt ở thư viện công cộng/ thư viện trung tâm giáo dục địa phương hoặc một trường học. Trong mô hình này, chính quyền địa phương sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng, các nguồn lực cho thư viện cụm hoạt động; đối tượng phục vụ là giáo viên và học sinh ở tất cả các trường cụm trong địa phương. Với cách tiếp cận này, mô hình thư viện cụm sẽ giữ lại đặc trưng của TVPT tập trung, nhưng có điểm đặc biệt là mở rộng việc sử dụng cho người sử dụng từ một số trường học. Để mô hình hoạt động hiệu quả, tài liệu chỉ rõ cần có văn bản thoả thuận giữa các bên liên quan (chính quyền địa phương, các trường, cơ quan quản lý của các trường, cơ quan giáo dục) bao gồm các vấn đề: ngân sách, bổ sung, xử lý, lưu thông tài liệu, nhân viên, quản lý và dự phòng các vấn đề phát sinh.

- Thư viện lớp học: Là việc xây dựng một giá sách/ tủ sách đặt trong lớp học để học sinh có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tài liệu của thư viện. Các tài liệu trong thư viện lớp học phải thích hợp với trình độ của người sử dụng và chương trình của lớp học, được xây dựng từ nhiều nguồn: do Sở Giáo dục cung cấp, do đóng góp... và được coi là một phần của bộ sưu tập của thư viện trường.

- TVPT tập trung: Được hiểu là việc xây dựng thư viện riêng cho mỗi trường. Ở mô hình này, thư viện phải thường xuyên xây dựng bộ sưu tập phục vụ hoạt động dạy và học, thời gian phục vụ cả ngày, cung cấp các dịch vụ thư viện - thông tin năng động. Đây được coi là bộ sưu tập chung cho các thư viện lớp học. Để hoạt động hiệu quả, mô hình này đòi hỏi NLTV phải được đào tạo chuyên môn, quản lý thư viện, có sự hỗ trợ của một trợ lý thư viện, uỷ ban thư viện và hợp tác với Đội quản lý trường. Ngoài ra, thư viện nên ở gần hoặc tích hợp với trung tâm ICT (phòng máy tính) để tối ưu nguồn lực, chia sẻ trách nhiệm và đảm bảo giờ mở cửa tối đa.

- Thư viện cộng đồng trường học: Là thư viện tập trung nằm trong trường, phục vụ chủ yếu giáo viên và học sinh, nhưng cũng phục vụ trẻ em trước tuổi đến trường, người lớn (cha mẹ học sinh, người trong cộng đồng...).  Mô hình này đòi hỏi văn bản thoả thuận giữa trường học và cơ quan chính quyền địa phương về trách nhiệm cung cấp cơ sở vật chất, nguồn tài nguyên, nhân viên và chi phí hoạt động khác. Mô hình này có ưu điểm là cung cấp một trung tâm cho cộng đồng, khuyến khích tự học suốt đời, đảm bảo cộng đồng tích cực tham gia vào các trường học địa phương.

Như vậy, các mô hình thư viện kể trên tuy khác nhau về địa điểm đặt thư viện, sự phối kết hợp giữa thư viện nhà trường với các chính quyền địa phương hay các loại hình thư viện khác… nhưng nhìn chung các mô hình này đều có đặc điểm chung như sau:

- Về tổ chức: Mỗi trường học đều cần có thư viện để đảm bảo hỗ trợ hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh trong nhà trường. Tuỳ từng điều kiện mà nhà trường tự xây dựng thư viện tập trung (đặt ở vị trí trung tâm trong trường), thư viện lớp học hay nhà trường có thể phối kết hợp với các tổ chức bên ngoài như: các TVPT hay các loại hình thư viện khác (thư viện công cộng...) trong cùng khu vực, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, dù là tự xây dựng hay phối kết hợp với các tổ chức khác, TVPT trong nhà trường cần được đảm bảo các điều kiện cần thiết để hoạt động như: cơ sở vật chất, nguồn tài liệu, NLTV. Mục tiêu của mô hình thư viện này là hướng tới mở rộng khả năng tiếp cận, sử dụng tài liệu một cách tối đa cho giáo viên và học sinh trong nhà trường cũng như những người có nhu cầu sử dụng trong cùng khu vực địa lý. Để đảm bảo mục tiêu này, thư viện cần được quản lý trực tiếp bởi người quản lý nhà trường (nếu thư viện của riêng nhà trường) hoặc cần được phân chia trách nhiệm giữa các bên liên quan (nếu là thư viện chung giữa nhà trường với các tổ chức).

- Về hoạt động: Để đảm bảo mục đích hướng tới mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng tài liệu cho người sử dụng, TVPT cần đảm bảo các hoạt động cơ bản của nghiệp vụ thư viện như: thu thập tài liệu theo đối tượng sử dụng, xử lý tài liệu làm cơ sở cho hoạt động phục vụ. Điểm đặc biệt của mô hình này là chú trọng tới hoạt động phục vụ, giúp người sử dụng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng tài liệu tại thư viện trường, thư viện các lớp học, thư viện dùng chung (giữa các trường phổ thông, hoặc với các thư viện cộng đồng trong cùng khu vực).

3. Mô hình thư viện trường phổ thông hướng tới sự hợp tác

Tổng hợp tài liệu về TVPT, tác giả nhận thấy có một số công trình nghiên cứu, đề xuất mô hình thư viện. Các tác giả có nhiều cách tiếp cận khác nhau khi xem xét, đề xuất mô hình TVPT. Cụ thể:

Tác giả Peter Brophy [6] cho rằng mô hình thư viện khép kín không còn thích hợp trong bối cảnh giáo dục hiện nay. Do đó, cần sử dụng phương pháp tiếp cận hệ thống khi tiếp cận thư viện - thư viện là một tổ chức hoạt động nằm trong môi trường bên ngoài và tương tác với môi trường đó ở cả đầu vào (inputs) và đầu ra (outputs). Peter Brophy cho rằng, thư viện có thể thực hiện các chức năng như: cung cấp tài liệu cho người sử dụng, chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện hay tạo lập, cung cấp các điểm truy cập mở cho người sử dụng. Tuỳ từng điều kiện, mỗi thư viện có thể tập trung vào một trong các chức năng kể trên để xây dựng các mô hình thư viện tương ứng như: mô hình bộ sưu tập, mô hình chia sẻ nguồn lực thông tin và mô hình điểm truy cập. Đặc biệt, trong tài liệu “The library in the twenty-first century”,  Peter Brophy đã đưa ra một dạng mô hình mới: mô hình thư viện nhập vai (The Immersive library). Theo đó, trong mô hình thư viện nhập vai, NLTV cần phải “hoà mình vào không gian rèn luyện - môi trường cơ bản”. Tuy nhiên, tài liệu chưa chỉ ra làm thế nào để NLTV có thể tham gia và trở thành một phần quan trọng trong các hoạt động đó.  

Tác giả Louise Limberg [4] lại nhìn nhận mô hình TVPT từ góc độ vai trò mà thư viện thể hiện trong nhà trường. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu 6 TVPT ở Orebo, Thuỵ Điển với mục đích phát hiện và thiết lập mô hình TVPT hiệu quả. Kết quả nghiên cứu cho thấy 4/6 TVPT được đánh giá hoạt động hiệu quả đều có chung đặc điểm: Lãnh đạo nhà trường khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy sự hợp tác giữa NLTV và giáo viên theo hướng truyền thống và các nguồn lực dựa trên việc giảng dạy; TVPT có sự hợp tác với thư viện công cộng. Trên cơ sở đó, Louise Limberg khẳng định: để mô hình TVPT phát triển trước hết TVPT cần được xem như một hoạt động nòng cốt bên trong của nhà trường; sự hợp tác giữa NLTV với nhân viên trong trường, hợp tác TVPT và thư viện công cộng.

Năm 2012, tác giả Ross J. Todd [7] đã sử dụng mô hình “the School Library as a Dynamic Agent of Learning” để nghiên cứu về tình trạng TVPT ở New Jersey, Hoa Kỳ. Mô hình này thừa nhận “TVPT như là một trung tâm học tập năng động và là một trung tâm của trí tuệ chất lượng”. Trí tuệ chất lượng của thư viện trường, cơ sở hạ tầng và trung tâm đầu ra 3 thành phần có liên quan và lặp đi lặp lại: sự truyền tin (nguồn thông tin và hạ tầng công nghệ thông tin); chuyển đổi (can thiệp vào việc dạy, đọc và các sáng kiến liên quan, sáng kiến thu hút học sinh) và sự hình thành/ cấu tạo (tác động học tập và kết quả đầu ra của học sinh).

Tác giả Meyers [5] xây dựng mô hình TVPT dựa trên lý thuyết hoạt động có nguồn gốc trong truyền thống lịch sử - văn hoá của tâm lý học Xô viết. Lý thuyết hoạt động này liên quan đến cách hoà giải giữa những hành động trong thực tế với khả năng nhận thức. Meyers chọn cách tiếp cận này vì ông thấy rằng vai trò của TVPT trong học tập nói chung, vị trí của NLTV trong nhà trường nói riêng vốn chứa đựng những mâu thuẫn sẵn có. Trên cơ sở phân tích những mâu thuẫn trong hoạt động thư viện tại 6 trường trung học ở bang Washington (Hoa Kỳ) trong khoảng thời gian 3 năm, Meyers phát hiện: “nguồn gốc mâu thuẫn giữa hệ thống hoạt động thư viện với hệ thống hoạt động giáo viên là do họ nhận thức về kết quả học của học sinh”. Theo đó, NLTV cho rằng vai trò của họ và giáo viên chỉ là hướng dẫn, trang bị các kỹ năng tìm kiếm thông tin để học sinh có thể tự tìm kiếm thông tin theo nhu cầu của bản thân. Tuy nhiên, giáo viên lại cho rằng: nhiệm vụ của học sinh là phân tích thông tin do NLTV tìm kiếm và cung cấp dựa trên sự hướng dẫn của giáo viên. Do vậy, mô hình TVPT thành công là mô hình có thể giải quyết những mâu thuẫn vốn có đó. Tuy không đưa ra mô hình chung cho các TVPT, nhưng Meyers cho rằng việc sử dụng “vòng tròn hỗ trợ” sẽ giúp NLTV xây dựng mối quan hệ với những bên có liên quan, giúp giải quyết những mâu thuẫn vốn có trong hoạt động nhà trường.

alt

Trong “vòng tròn hỗ trợ” trên, mũi tên đại diện cho hướng hỗ trợ, mũi tên màu đậm hơn thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ. Theo đó, sự hỗ trợ này có thể một chiều (hỗ trợ hoặc nhận hỗ trợ) hoặc hai chiều. Đặc biệt, để mô hình TVPT thành công, NLTV cần chú trọng phát triển các mối quan hệ hỗ trợ sâu sắc bên trong và ngoài trường gồm: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, giáo viên nhiều kinh nghiệm, giám sát và điều phối thư viện quận (địa phương).

Trong Luận án Tiến sỹ “Developing a model for school librarians in Scotland” của tác giả Cristina Sacco Judge [1] đã đề xuất mô hình TVPT ở Scotland trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết và so sánh kết quả nghiên cứu 5 trường hợp thư viện ở Hoa Kỳ và Scotland. Theo đó, mô hình này được chia thành 3 phần có liên quan tới nhau: NLTV, môi trường học đường và hỗ trợ nghiệp vụ. Nó bao gồm các nhân tố nội bộ trong thư viện và các nhân tố bên ngoài có ảnh hưởng giúp NLTV phát triển tốt các dịch vụ (môi trường học đường và sự hỗ trợ nghiệp vụ sẵn có tới NLTV).

alt

Trọng tâm của mô hình này là sự hợp tác: NLTV phải hợp tác với những người có liên quan để thiết lập tầm nhìn chiến lược giúp thư viện phục vụ hoạt động của nhà trường; môi trường học đường cần khuyến khích và tạo điều kiện để các cá nhân hợp tác; các hội nghề nghiệp có thể hỗ trợ TVPT.

Như vậy, mặc dù các mô hình TVPT trên đây được các tác giả tiếp cận từ những góc độ khác nhau nhưng đều có điểm chung là sự hợp tác giữa TVPT mà đại diện là NLTV với các cá nhân/ tổ chức trong và ngoài trường. Do đó, các mô hình này đều có điểm chung:

- Về tổ chức: Các mô hình hướng tới sự hợp tác đều đòi hỏi NLTV phải đảm bảo về trình độ (chuyên môn, sự hiểu biết về chương trình đào tạo) và các kỹ năng (giao tiếp, hợp tác với người sử dụng). Mục tiêu của các mô hình này là phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các thư viện trong nhà trường, vì vậy, mặc dù các yếu tố như cơ sở vật chất, kinh phí, nguồn tài nguyên không được nhắc đến nhưng có thể hiểu các yếu tố này đều đã được đảm bảo.

- Về hoạt động: Do mục tiêu của các mô hình này là phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các thư viện trong nhà trường, nên mặc dù không được đề cập nhưng có thể hiểu các thư viện xây dựng mô hình này đều đã đảm bảo các hoạt động cơ bản như: thu thập, xử lý và phục vụ. Điểm đặc biệt của mô hình này là sự hợp tác giữa NLTV với những người trong nhà trường (Hiệu trưởng, giáo viên) và các cá nhân/ tổ chức ngoài trường (NLTV các trường trong khu vực, hỗ trợ chuyên môn từ các hội nghề nghiệp, các loại hình thư viện khác).

Tóm lại, mô hình tổ chức và hoạt động TVPT được nhiều tổ chức và cá nhân nghiên cứu, đề xuất. Mỗi mô hình đều có ưu, nhược điểm riêng của nó. Có thể thấy, chưa có sự thống nhất về việc áp dụng bất cứ mô hình tổ chức và hoạt động TVPT nào cho tất cả các thư viện. Việc lựa chọn mô hình nào còn tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, theo nhận thức của tác giả thì 3 dạng mô hình tổ chức và hoạt động của TVPT kể trên là tương xứng với các mức độ phát triển của thư viện. Cụ thể: mô hình thư viện hướng tới hoàn thiện các yếu tố cấu thành thư viện sẽ phù hợp với các TVPT mới được thành lập hoặc còn hạn chế về các điều kiện: cơ sở vật chất, nguồn tài nguyên thông tin, NLTV và kinh phí. Đối với các TVPT đã hoàn thiện cơ bản các yếu tố cấu thành thư viện có thể phù hợp với mô hình hướng tới mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng tài liệu của người sử dụng để nâng cao hiệu quả phục vụ. Ở mức độ cao hơn, khi TVPT có khả năng mở rộng cơ hội tiếp cận, sử dụng tài liệu cho người sử dụng thì việc hướng tới mô hình hợp tác để nâng cao khả năng hỗ trợ của thư viện cho người sử dụng là phù hợp. Do vậy, khi xem xét, lựa chọn mô hình cho các TVPT rất cần xem xét nhận dạng mô hình TVPT hiện tại cũng như các điều kiện để xây dựng mô hình tương xứng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cristina Sacco Judge. Developing a model for school librarians in Scotland: PhD research. - London: University of Strathclyde, 2012. - 347 tr.

2. Department of Basic Education. National guidelines for school library and information services: Republic of South Africa. http://www.education. gov.za, truy cập tháng 12/2015.

3. Labibah Zain, Marwiyah and Sri Rohyanti Zulaikha. Building a Model School Library at Madrasah Tsanawiyah Negeri Piyungan in Yogyakarta, Indonesia, p.22-32 // Global Perspectives on School Libraries: Projects and Practices, IFLA Publications 148. - 2011.

4. Louise Limberg. Model School Libraries: Tools or Threats? Reflections on a Development Project in Sweden. https://www.academia.edu,  truy cập ngày 10/05/2016.

5. Meyers, E.M. From activity to learning: using cultural historical activity theory to model school library programmes and practices // Information Research. - 2007. - No. 12(3). - P. 313. http://InformationR. net/ir/12-3/paper313.html, truy cập tháng 4/2016.

6. Peter Brophy. The library in the twenty-first century. - London: Facet Publishing, 2007. - 247 tr.

7. Ross J. Todd. School Libraries and the Deve-lopment of Intellectual Agency: Evidence from New Jersey // School library research. - 2012. - Volume 15. - 29p. http://www.ala.org, truy cập ngày 12/05/2016.

_________________

ThS. Đoàn Thị Thu

Khoa Thư viện - Thông tin học, ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 4. - Tr. 30-35.


Đọc thêm cùng chuyên mục: