Hệ sinh thái thư viện - Xu hướng phát triển tất yếu

E-mail Print

Đặt vấn đề

Không có định nghĩa duy nhất cho những gì cấu thành nên một "hệ sinh thái" (ecosystem). Tuy nhiên, đa số các quan niệm đều cho rằng hệ sinh thái thiên nhiên là hệ thống các quần thể sinh vật sống chung và phát triển trong một môi trường nhất định, quan hệ tương tác với nhau và với môi trường đó [10]; Hệ sinh thái xã hội chính là hệ sinh thái con người mang tính cộng đồng được đặc trưng bằng cấu trúc xã hội [11]. Gartner, Inc - Công ty Nghiên cứu và Tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ đã nhận định “Thị trường đang chuyển dịch tới một sự thay đổi các hệ thống và hệ sinh thái tích hợp và rời xa các tiếp cận không đồng nhất kết hợp một cách lỏng lẻo” [6]. Và nếu đây là một xu hướng tất yếu của thời đại, sẽ không có gì là ngạc nhiên khi thấy nó bắt đầu được phản ánh trong môi trường thư viện với không gian và dịch vụ đã được tích hợp.

Mặc dù hệ sinh thái thư viện có rất nhiều tiện ích để cung cấp cho cộng đồng, tuy nhiên trước tiên người làm công tác này phải thu hút sự chú ý của người dân là đối tượng thụ hưởng trực tiếp và chứng minh các dịch vụ và tài nguyên của thư viện có thể làm tăng thêm giá trị trong cuộc sống của họ. Khuôn khổ bài viết này tập trung vào phân đoạn hệ sinh thái dịch vụ trên nền tảng hệ sinh thái không gian bao gồm một chuỗi các hoạt động dịch vụ cộng sinh, chia sẻ, bổ sung cho nhau, tạo nên một môi trường chung thuận lợi thúc đẩy sự phát triển, mang lại nhiều tiện ích đồng bộ, trải nghiệm khác biệt cho người sử dụng, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.

1. Hệ sinh thái dịch vụ

Trước bối cảnh thực tế các ngành giải trí, giáo dục, văn hoá ngày càng gia tăng sự cạnh tranh, bên cạnh việc duy trì và thúc đẩy những đặc trưng đang có, thư viện phải nỗ lực mang đến sự hài lòng cho người sử dụng thông qua những dịch vụ tiện ích và hấp dẫn.

- Dịch vụ thông tin: Đây là kết quả hoạt động chủ yếu của các thư viện, đóng vai trò là cầu nối giữa người sử dụng với các bộ sưu tập của thư viện, hay rộng hơn là các nguồn/ hệ thống thông tin, nhằm đáp ứng các loại nhu cầu thông tin của họ [9]. Một thách thức đối với các dịch vụ thông tin hiện nay là vấn đề áp dụng các thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông trong việc tổ chức, triển khai và quản lý dịch vụ. Thực tế, trước khi thiết lập môi trường mạng, các dịch vụ mang tính phổ biến, tồn tại ở mọi thư viện là các loại dịch vụ tham khảo, hỏi đáp trực tiếp, tìm tin theo yêu cầu, cung cấp thông tin theo chuyên đề, cung cấp bản sao tài liệu… phục vụ đa dạng đối tượng người sử dụng ở các nhóm lứa tuổi khác nhau. Cho đến nay, những dịch vụ này tiếp tục được phát triển nhưng đã có sự điều chỉnh linh hoạt, tái kết hợp hoặc định dạng lại để thích ứng với những tài nguyên trong môi trường mạng. Sự ra đời của nhiều nguồn tài nguyên số là một trong những vấn đề của các thư viện hiện đại, làm sao phải tạo ra các dịch vụ đa dạng cho người sử dụng thư viện hơn là sự phức tạp của môi trường hệ thống với (1) hệ thống thư viện tích hợp (ILS-Intergrated Library System) cổ điển tập trung vào các tài liệu thu nhận qua các nguồn bổ sung truyền thống, (2) hệ thống các bộ sưu tập được cấp quyền truy cập và (3) tài nguyên số [6]. Khi công nghệ chuyển sang điện toán đám mây, tất yếu xu hướng quản lý và khai thác tài nguyên thư viện sẽ dần quy về một mối trên cả tài liệu in ấn và điện tử trong nền tảng dịch vụ thư viện thế hệ tiếp theo. Đây sẽ là cơ hội phát triển hệ sinh thái thư viện tích hợp hơn với chi phí thấp, đơn giản và an toàn hơn trong đó ứng dụng giải pháp IoT (Internet of Things) vào các dịch vụ liên quan đến việc chia sẻ, quảng bá, cung cấp quyền truy cập tới các bộ sưu tập truyền thống và trực tuyến là một điển hình. Có thể nói, khi tỷ lệ sử dụng thư viện trên mạng ngày càng gia tăng, tài nguyên sẽ trở nên chuyên biệt hơn cho các ứng dụng, người sử dụng và môi trường của họ, do đó khả năng kết nối và khai thác chúng phụ thuộc phần lớn vào chất lượng và sự đa dạng hoá dịch vụ thư viện cung cấp. Với môi trường mạng tiên tiến, dòng thông tin có thể được truyền tải đa chiều thay vì hình thức truyền tải thông tin rập khuôn là thư viện với người sử dụng như trước. Các trang mạng xã hội thường được thư viện sử dụng phổ biến như: Facebook, MySpace, Ning, Blog, LinkedIn, Twitter, Flickr, Library Thing… đồng thời trên nền tảng đó, thư viện phát triển một loạt các gói dịch vụ tham khảo trực tuyến, cung cấp thông tin hiện hành, cung cấp các truy cập mở… để đáp ứng nhu cầu thông tin, tăng cường trao đổi kiến thức học thuật. Ngoài ra, các dịch vụ ứng dụng công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality-VR), tương tác thực tế (Augmented Reality-AR) có thể mang đến cho người sử dụng những trải nghiệm sinh động thông qua mô phỏng không gian ảo. Số lượng và chất lượng các dịch vụ thông tin điện tử sẽ thúc đẩy sự tương tác giữa các cơ sở dữ liệu, các bộ sưu tập số của thư viện với nhu cầu của người sử dụng hiện đại.

- Dịch vụ trao đổi thông tin: Bao gồm các dịch vụ đa dạng như hội thảo, hội nghị, nói chuyện chuyên đề, triển lãm, trưng bày, giới thiệu tư liệu, hội chợ sách… đáp ứng nhu cầu được trao đổi thông tin, tạo sự thân thiện và tiện lợi đối với người sử dụng. Điểm chung đối với loại dịch vụ trao đổi thông tin là người cung cấp dịch vụ có thể tham gia hoặc không tham gia vào việc tạo ra nội dung thông tin được trao đổi giữa những người sử dụng, nhưng nhất thiết tạo ra các điều kiện, môi trường thích hợp cho quá trình trao đổi thông tin giữa họ. Đối với chủ thể cung cấp dịch vụ, vấn đề cốt lõi là cần xác định được các nội dung và điều kiện thích hợp nhất để giúp người sử dụng tiến hành việc trao đổi thông tin.

Nhu cầu trao đổi thông tin ngày càng rõ nét trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Với hoạt động nghiên cứu, đào tạo, nhu cầu này lại càng được chú trọng bởi giao lưu khoa học và tính kế thừa theo thời gian của lĩnh vực hoạt động này vừa là một đặc trưng, lại vừa là điều kiện cần. Trong hoạt động của thư viện, từ lâu, kênh thông tin phi hình thức (sự trao đổi thông tin thông qua các tiếp xúc trực tiếp giữa người sử dụng) đã được xem là một trong các phương tiện chủ yếu để tiếp nhận và cung cấp thông tin, thì ngày nay điểm khác biệt cơ bản so với trước đây là khả năng và điều kiện của công nghệ đã cho phép việc trao đổi thông tin diễn ra hết sức đa dạng trong hệ sinh thái công nghệ tích hợp không chịu sự phụ thuộc về phạm vi không gian và thời gian. Song hành với các phương thức trao đổi thông tin truyền thống, thư viện đã cung cấp các dịch vụ tổ chức các hội nghị, hội thảo, toạ đàm trực tuyến, diễn đàn điện tử… thông qua các ứng dụng có tính năng truyền nội dung số trên Internet để trao đổi, chia sẻ thông tin hay sử dụng các kỹ thuật dựa trên IoT (Internet of Things) để quảng bá và tổ chức sự kiện.

- Dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người sử dụng thư viện: Trong xu thế hiện nay, tiêu chí đánh giá thư viện không còn thiên quá nhiều về việc năng lực cung cấp tài liệu tối đa là bao nhiêu, thông tin được xử lý với chất lượng tốt hơn như thế nào mà sẽ chú trọng xem xét mức độ thường xuyên hài lòng của người sử dụng - đối tượng thụ hưởng trực tiếp các dịch vụ của thư viện. Do đó, cùng dịch vụ tham khảo là loại hình dịch vụ thông tin mang tính tổng hợp, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người sử dụng có những bước phát triển rất lớn trong thời gian gần đây. Việc định dạng lại một số cách thức cung cấp dịch vụ này đã được tiến hành bằng một loạt các phương thức giao tiếp từ trực tiếp đến trực tuyến, cung cấp các dịch vụ hỏi đáp tại chỗ đến tận các không gian học tập trong thư viện, dịch vụ cho thuê thiết bị, dịch vụ đào tạo hướng dẫn bạn đọc sử dụng thư viện…

Người sử dụng thư viện có thể dùng các công cụ “Ask a librarian”, WhatsApp hay Twitter… để đặt những câu hỏi bất cứ lúc nào đối với người làm thư viện. Các công cụ mạng xã hội như tin vắn (Instant Message - IM), truyền giọng nói trên giao thức IP (Voice Over Internet Protocol - VoIP) cũng được sử dụng để đạt được dịch vụ hiệu quả và lâu dài trong môi trường mạng gắn với việc tương tác trực tuyến. Thông qua các trang mạng xã hội, ví dụ như Facebook, các thư viện đưa ra các dịch vụ tham khảo cụ thể, tư vấn, giải đáp những thắc mắc và hỗ trợ người sử dụng trong quá trình khai thác các nguồn tài nguyên thư viện. Do tốc độ tăng trưởng của người sử dụng Internet ngày càng tăng, phần lớn các dịch vụ được thư viện cung cấp trực tuyến nên việc thiết kế trang web thư viện với yêu cầu tối ưu hoá nội dung, giao diện thân thiện, công cụ tìm kiếm hiệu quả là rất quan trọng. Bên cạnh đó, thư viện có thể xác định nhu cầu và tìm kiếm người sử dụng tiềm năng qua các ứng dụng mạng xã hội, quy định cách thức khai thác, đặt mua, thanh toán và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thư viện thông qua nhiều hình thức thanh toán điện tử như: PayPal, mã QR...

Hiện nay, đối tượng phục vụ của thư viện đều sử dụng các thiết bị liên lạc cầm tay với các ứng dụng, phần mềm thông minh vì vậy cần chú trọng tới việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ người sử dụng, các loại hình sản phẩm dịch vụ giới thiệu về khả năng đáp ứng nhu cầu tin của thư viện, các loại hình sản phẩm, dịch vụ trực tuyến… tương thích với thiết bị di động có cấu hình, giao diện phù hợp. Cung cấp dịch vụ thư viện di động (Library mobile) với tính năng thông báo tình trạng sách được đặt mượn, sách mới nhập, sách quá hạn, phí phạt quá hạn, thông tin về nội quy thư viện, thời gian phục vụ, sự kiện đang và sẽ diễn ra, hướng dẫn đường đi đến thư viện… Ngoài ra, phát triển một số dịch vụ tư vấn thông tin tự động (Recommendation service), tư vấn qua Web 2.0, diễn đàn điện tử (trao đổi, thu nhận thông tin 2 chiều giữa bên cung cấp dịch vụ và đối tượng sử dụng), yêu cầu và gia hạn mượn qua mạng, hướng dẫn cách thức truy cập, khai thác các nguồn tin điện tử tại chỗ và ở nơi khác, hỗ trợ người sử dụng những kỹ năng cần thiết để tìm kiếm và sử dụng tài liệu điện tử của thư viện…

Các dịch vụ này luôn có vai trò không thể thay thế trong việc kích thích sự phát triển của thị trường thông tin nói chung và sự phát triển của dịch vụ phổ biến thông tin, tư vấn, hỗ trợ người sử dụng thư viện nói riêng.

- Dịch vụ giá trị gia tăng: Phát triển ngày một nhiều, rất đa dạng và vô cùng linh hoạt đáp ứng các yêu cầu mang tính cá biệt của người sử dụng. Việc cá nhân hoá khả năng cung cấp thông tin với nhiều nguồn lực sẵn có và huy động từ nơi khác là cơ sở của sự cấp tiến, năng động, đổi mới trong hoạt động thư viện hiện đại, cũng là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh giữa các thư viện với nhau. Thư viện sẽ phải thống kê, phân tích và chọn lựa một loạt các sản phẩm và dịch vụ từ nhiều nguồn, chuyên biệt cho người sử dụng cụ thể, sau đó tạo lập thành các dịch vụ người sử dụng cá nhân hoá. Chính vì vậy, việc triển khai các dịch vụ này thường không dễ dàng, đòi hỏi điều kiện cao về hạ tầng, nguồn tài nguyên thông tin dồi dào, phong phú và người thực hiện dịch vụ phải có trình độ tương ứng. Tuy nhiên, các kết quả mà nó mang lại rất hiệu quả, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn thông tin ngày càng lớn, phát triển với tốc độ nhanh chóng, nhu cầu tin của người sử dụng thư viện ngày càng cao và đòi hỏi thân thiện, tiện lợi hơn.

Thực tế không một thư viện nào có thể đáp ứng được hầu hết các nhu cầu về tài liệu của người sử dụng. Trong bối cảnh thông tin không ngừng phát triển và giá thành tài liệu cũng khá đắt đỏ nên các thư viện phải sử dụng các dịch vụ, giao dịch điện tử mượn liên thư viện, phổ biến thông tin chọn lọc. Phần lớn các dịch vụ này đều có tính phí để giảm sức ép về mặt tài chính đối với thư viện nhưng vẫn đảm bảo việc phục vụ đáp ứng nhu cầu tin của người sử dụng, trong đó chiếm đa số yêu cầu thông tin cần khai thác đều từ các tài liệu quý hiếm, độc bản hoặc có giá thành cao. Đó là lý do các gói dịch vụ cung cấp thông tin chọn lọc, mượn liên thư viện, truyền tệp toàn văn, số hoá tài liệu, tổng thuật tài liệu, biên soạn tổng luận, tổng quan theo yêu cầu, thu thập, xử lý và cung cấp thông tin tổng hợp, thông tin chuyên đề, xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục hoặc toàn văn theo chuyên đề, dịch thuật toàn văn, dịch lược thuật tài liệu… thuộc nhóm có giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, thư viện có thể dựa trên những tính năng tiện ích của Flickr, hoặc Facebook, hay Slideshare… để xây dựng các dịch vụ chuyên biệt hỗ trợ cá nhân hoá tốt hơn. Ngoài ra, nhận diện được tiềm năng mà thị trường hướng tới, một số loại hình dịch vụ mới đã xuất hiện như dịch vụ môi giới bản quyền, dịch vụ xuất bản trực tuyến tài liệu khoa học (dành cho thư viện các trường đại học) góp phần tạo nên một hệ sinh thái dịch vụ mở có sự tham gia của các hoạt động cộng tác, chia sẻ tài nguyên thông tin và tạo cơ hội tiếp cận, tương tác đến những người quan tâm hoặc có nhu cầu sử dụng chúng.

2. Hệ sinh thái không gian

Để đánh giá chất lượng dịch vụ trong môi trường thư viện, LibQUAL+® - thang đo chất lượng dịch vụ thư viện - thông tin của Hoa Kỳ đã hệ thống hoá các tiêu chí theo 03 nhóm vấn đề chính (1) Ảnh hưởng của dịch vụ (Affect of service - AS), (2) Kiểm soát thông tin (Information control - IC) và (3) Thư viện với tư cách là một không gian (Library as Palace - LP). Có thể thấy, không gian thư viện dù xét về khía cạnh nào cũng là yếu tố rất quan trọng trong việc đánh giá chất lượng của dịch vụ cung cấp.

Giống như nhiều không gian khác, thư viện truyền thống đã và đang trải qua những sự thay đổi đáng kể, từ một nơi giới hạn hoạt động trong phạm vi phục vụ đọc và lưu trữ tài liệu đến phát triển thành một trung tâm học tập tương tác với sự tích hợp của nền tảng dịch vụ bổ trợ. Ngày nay, hệ sinh thái không gian thư viện không chỉ được nhìn nhận giới hạn trong 04 bức tường bê tông đơn thuần, các thư viện cần phải là các không gian tập trung đa mục đích, đa chiều, linh hoạt và công nghệ, vì vậy việc sử dụng hệ sinh thái không gian tương quan, đan xen các không gian riêng tư và công cộng, biến môi trường tĩnh thành không gian năng động, tích cực đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng thư viện là điều cần thiết. Có thể chia 01 sơ đồ tầng hệ sinh thái không gian theo 04 lớp:

- Không gian cá nhân riêng tư (Private/ Alone): Các không gian này cần được thiết kế quy mô phù hợp với cá nhân, đảm bảo an ninh, yên tĩnh cho cá nhân và an toàn cho các thiết bị, công cụ học tập và làm việc. Mặc dù không gian vật lý có thể bị giới hạn nhưng tại đây người sử dụng có thể tìm hiểu và khám phá cả thế giới thông qua việc khai thác tư liệu tại chỗ, truy cập các tài nguyên tri thức, dịch vụ tham khảo, bài giảng điện tử… Tiện ích và chính sách sử dụng không gian cá nhân riêng tư bao gồm việc cung cấp không gian khép kín để bảo mật hình ảnh và sự riêng tư, hỗ trợ tối đa nhu cầu tập trung của người sử dụng bằng cách hạn chế tất cả các tác động khách quan, cho phép sở hữu tạm thời không gian và hỗ trợ các quyền sở hữu ngắn hạn hay dài hạn cho người sử dụng có nhu cầu.

- Không gian công cộng riêng tư (Public/ Alone): Thư viện không chỉ là nơi chứa đầy sách mà còn là những không gian trải nghiệm sống động; không chỉ là những phòng đọc với các không gian yên tĩnh mà còn là nơi để gặp gỡ và học hỏi. Không gian công cộng riêng tư vẫn bao gồm đầy đủ các tiện ích và chính sách như không gian cá nhân riêng tư, tuy nhiên nó được thiết kế để cho phép nhóm người sử dụng có thể phát sinh kết nối với nhau như đang tham gia vào không gian công cộng. Nó phù hợp với đối tượng người sử dụng thư viện như một môi trường mở, làm việc một mình nhưng vẫn duy trì sự tương tác xã hội. Tại đây, không gian được bố trí phù hợp với đồ nội thất và công cụ làm việc máy tính, các thiết bị văn phòng tiện ích, dịch vụ trực tuyến được cấp quyền truy cập ưu tiên.

-Không gian riêng tư nhóm (Private/ Together):Khái niệm học tập trở nên rất rộng và vượt xa những kiến thức chỉ thu nhận từ sách vở. Thư viện cần bắt kịp theo các xu hướng công nghệ và xã hội để thiết kế hệ sinh thái không gian cho phù hợp. Người sử dụng thư viện đương thời không còn muốn chỉ là người sử dụng thụ động. Họ muốn sáng tạo, trở nên năng động và trải nghiệm những điều mới mẻ, đồng thời có nhu cầu chia sẻ ý tưởng và kiến thức với những người khác. Do đó, không gian riêng tư nhóm phù hợp đối với các hoạt động học tập, thảo luận nhóm và những sự cộng tác riêng tư, do đó nó sẽ có tính năng cách âm và tạo những vách ngăn hỗ trợ tích cực việc tương tác, trao đổi thông tin. Ngoài ra, không gian riêng tư nhóm cũng bao gồm các trang thiết bị hỗ trợ hiển thị trực quan, đồ nội thất có tính linh hoạt cao để đáp ứng nhu cầu hợp tác, riêng tư của người sử dụng. Đây là không gian hỗ trợ sự lưu thông và kết nối tri thức thông qua việc cung cấp đa dạng môi trường học tập và giảng dạy kết hợp bao gồm các hình thức thảo luận trực tuyến, hội thảo trên web và nhiều chế độ trao đổi, chia sẻ cho các nhóm người sử dụng thư viện như những dự án của sinh viên quy mô từ nhỏ đến lớn. Thư viện cần bố trí đa dạng nhiều không gian học tập chung (learning commons), trao đổi nhóm cho những hoạt động phạm vi nhỏ đến những hội trường lớn dành cho các cuộc thảo luận dưới nhiều hình thức khác nhau.

- Không gian công cộng chung (Public/ Together): Thường phù hợp với đối tượng người sử dụng thư viện trẻ tuổi ưa thích không gian mở, không gian đa năng với các dịch vụ kỹ thuật để kết nối tương tác với những người sử dụng khác. Không gian này sẽ loại bỏ rào cản giữa người sử dụng thư viện và người làm thư viện, tận dụng nghiệp vụ của thủ thư trong việc tư vấn và hướng dẫn tại khu vực tham khảo. Vì vậy, người làm thư viện cần linh hoạt, tuỳ biến và sáng tạo trong những điều kiện nhất định với mục đích đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng. Đây có thể được coi là không gian truyền cảm hứng, là nơi đáp ứng những nhu cầu trải nghiệm của người sử dụng bên cạnh hiệu quả mang lại từ hoạt động tương tác giao tiếp, vận động tư duy và thực hành kiến thức tích luỹ được từ thư viện. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số và kết nối mạng, cần có không gian cho mọi người tập hợp và giao tiếp trực tiếp với nhau. Không gian này không chỉ là căn phòng để tổ chức các hội thảo, hội nghị, sự kiện công cộng chung mà mục đích của nó là khuyến khích sự tham gia tích cực của người sử dụng thư viện. Các chương trình được thiết kế theo phương thức để những người tham gia tự lên ý tưởng, dự án và đưa ra để bàn bạc chung, thư viện chỉ giữ vai trò cung cấp cơ sở hạ tầng và kết nối. Ngoài ra, không gian thực tế ảo, phòng chiếu phim, không gian trình diễn nghệ thuật, không gian triển lãm, trưng bày, khu vực thư giãn cà phê sách, F&B (Food and Beverage Service) cũng là những không gian hữu ích, là nền tảng cho nhiều dịch vụ thư viện mới, hiện đại tạo nên một hệ sinh thái thống nhất, lôi cuốn người dân vào các hoạt động cộng đồng, thể hiện rõ nét vai trò chủ thể tham gia và sức sáng tạo không ngừng của người sử dụng.

Kết luận

Vượt qua sự nhìn nhận đơn thuần là không gian vật lý lưu trữ các bộ sưu tập và phục vụ tư liệu, thư viện ngày càng phải khẳng định là môi trường được cá nhân hoá và xã hội hoá, là nơi lưu truyền tri thức và khơi nguồn cảm hứng cho cộng đồng. Trong chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ, mặc dù còn có những thách thức liên quan đến các vấn đề pháp lý như giấy phép, bản quyền, bí mật cá nhân... thư viện cần phát triển các cách tiếp cận để cộng hưởng với các nhà đầu tư độc lập, thực hiện chính sách xã hội hoá xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ toàn diện đáp ứng nhu cầu của người sử dụng khác nhau. Các nỗ lực vận động này sẽ tăng cường hệ sinh thái thư viện tổng thể tạo môi trường tri thức, tiện ích và thân thiện. Nền tảng vững chắc của một hệ sinh thái thư viện mạnh mẽ là nền tảng của một thư viện vững chắc, phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hannelore Vogt. Thư viện trong kỷ nguyên số - Các dịch vụ sáng tạo và sự chuyển đổi không gian // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 4. - Tr. 9-12.

2. Vũ Duy Hiệp. Về việc sử dụng thang đo Libqual+® trong đánh giá chất lượng dịch vụ thư viện đại học // Tạp chí Thông tin và tư liệu. - 2015. - Số 4. - Tr. 10-19.

3. Bùi Loan Thuỳ, Đỗ Thị Thu. Phát triển dịch vụ thông tin trong môi trường điện tử tại thư viện đại học // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 3. - Tr. 7-14.

4. Trần Mạnh Tuấn. Hiện trạng và một số tính chất phát triển của dịch vụ tại các thư viện // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2010. - Số 2. - Tr. 15-20.

5. Ari Katz. Libraries, literacy and technology: A new training module for public librarians in developing countries targeted at integrating libraries into literacy programs // IFLA 81st, 2015.

6. Ken Chad. The battle of the library ecosystem: An introductory perspective, 2013. https://lmsguidance.jiscinvolve.org/wp/change-challenge/battle-library-ecosystem/. Truy cập ngày 20/9/2018.

7. Library design: Creating an ecosystem. https:// www.red-thread.com/blog/library-design-creating-an-ecosystem/. Truy cập ngày 20/9/2018.

8. Susan McMullen. US Academic Libraries: Today’s Learning Commons Model, 2008. https:// www.oecd.org/unitedstates/40051347.pdf. Truy cập ngày 25/9/2018.

9. What is LibQual+®?. https://www.libqual.org/ about/about_lq/general_info. Truy cập ngày 25/9/ 2018.

10. https://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/H% E1%BB%87_sinh_th%C3%A1i_l%C3%A0_g%C3%AC%3F . Truy cập ngày 20/9/2018.

11. https://quyhoachbds.com/sinh-thai-xa-hoi/. Truy cập ngày 20/9/2018.

____________________

ThS. Nguyễn Ngọc Anh

Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 6. - Tr. 3-8.


Đọc thêm cùng chuyên mục: