Giới thiệu
Sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) đã mang lại nhiều thay đổi đối với môi trường thông tin, đặc biệt là môi trường thông tin số. Cụ thể, đó chính là sự gia tăng không ngừng của thông tin số, sự đa dạng của các kênh truyền tin và hình thức thông tin, sự phức tạp trong xác định chất lượng thông tin và nguồn tin cũng như sự dễ dàng trong chia sẻ thông tin. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các cá nhân trong việc nắm giữ và kiểm soát thông tin. Một trong số những vấn đề mà các cá nhân phải đối mặt đó là đạo đức trong sử dụng thông tin. Kiến thức thông tin được xem là công cụ hỗ trợ các cá nhân trong việc tạo lập nền tảng đạo đức trong tương tác với thông tin. Bài viết trình bày kết quả: (1) đánh giá kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức của học sinh trung học phổ thông (THPT); (2) khám phá nhận thức của học sinh về kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức của chính mình; (3) khám phá hành vi sử dụng thông tin có đạo đức trong thực tế của học sinh.
1. Đạo đức thông tin
Vai trò quan trọng của thông tin trong “Xã hội thông tin” (information society) là không thể phủ nhận được. Sự bùng nổ thông tin, đặc biệt là thông tin số, xuất phát từ sự phát triển của CNTT. Chính sự phát triển của CNTT cũng khiến cho các vấn đề liên quan đến đạo đức thông tin nhận được nhiều sự quan tâm của các cá nhân và tổ chức vì CNTT tác động đến các vấn đề như bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư, an toàn và bảo mật thông tin. Theo tác giả Joan (2010) [4] “đạo đức thông tin (information ethics) là một nhánh của đạo đức học, tập trung vào mối quan hệ giữa việc tạo lập, tổ chức, phổ biến, sử dụng thông tin và các tiêu chuẩn đạo đức, những quy tắc mang tính pháp lý chi phối tư cách con người trong xã hội”. Các cá nhân trong xã hội cần phải thực sự hiểu tầm quan trọng của việc sử dụng thông tin có đạo đức, có kỹ năng và chịu trách nhiệm về hành vi của mình khi tương tác với thông tin.
Các nghiên cứu trước đây vẫn chưa đưa ra được kết quả đồng nhất về kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức của người dùng tin nói chung. Một số chỉ ra rằng thanh thiếu niên hiểu cách để truy cập và sử dụng thông tin một cách có đạo đức, ví dụ như nghiên cứu được thực hiện bởi các tác giả Williams và Rowlands (2007) [9]. Trong khi nhiều nghiên cứu chứng minh rằng học sinh/ sinh viên đối mặt với sự thiếu hiểu biết và không tôn trọng các vấn đề bản quyền, ví dụ như nghiên cứu được thực hiện tại một số trường đại học tại Mỹ của các tác giả Shih và Allen (2007) [8].
2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện tại hai trường THPT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, gồm một trường công lập (mã hoá: trường B) và một trường dân lập (mã hoá: trường C). Nghiên cứu sử dụng bảng hỏi và phỏng vấn bán cấu trúc để thu thập dữ liệu thông qua ba giai đoạn. Trong đó, bảng hỏi với các câu hỏi có nhiều lựa chọn đã được sử dụng ở giai đoạn đầu của quá trình thu thập dữ liệu để đánh giá kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức của học sinh liên quan đến ba vấn đề: tuân thủ những hướng dẫn về pháp lý trong sử dụng thông tin, vấn đề bản quyền và đạo văn. Đồng thời, bảng hỏi cũng sử dụng thang đo 5 điểm để giúp học sinh tự đánh giá kỹ năng của mình dựa trên những gì họ đã làm được trong bài kiểm tra (5 cho mức cao nhất và 1 cho mức thấp nhất). Tại hai trường, 183 học sinh được lựa chọn một cách ngẫu nhiên để hoàn thành bảng hỏi đánh giá kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức, trong đó 92 học sinh trường B và 91 học sinh trường C. Tính phù hợp, tính đáng tin cậy và giá trị của bảng hỏi đã được xác nhận thông qua một nghiên cứu thử nghiệm được thực hiện trước đó và ý kiến đóng góp của một nhóm chuyên gia bao gồm: 01 chuyên gia lĩnh vực thư viện - thông tin, 01 nhân viên thư viện trường học và 01 giáo viên bậc THPT.
Ở giai đoạn hai, 6 học sinh đã được mời tham dự các phỏng vấn bán cấu trúc sau khi thực hiện bảng hỏi nhằm tìm hiểu hành vi sử dụng thông tin có đạo đức trên thực tế. 2 nhân viên thư viện, 6 giáo viên và 2 người làm công tác quản lý của các trường học cũng được mời tham dự vào các phỏng vấn bán cấu trúc ở giai đoạn ba nhằm củng cố kết quả đánh giá bằng bảng hỏi và phỏng vấn học sinh ở các giai đoạn trước.
Các dữ liệu định lượng được phân tích bằng phần mềm SPSS phiên bản 22 ở hai mức độ: mô tả và suy luận. Tất cả các phép thử, hệ số xác suất đều được cài đặt ở mức 0.05. Trong khi đó, dữ liệu định tính được phân tích bằng kỹ thuật phân tích chủ đề.
3. Kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức của học sinh
Một tập hợp gồm 7 câu hỏi về kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức đã được thể hiện trong bảng hỏi. Học sinh sẽ được 1 điểm nếu chọn được đáp án đúng cho mỗi câu hỏi. Trong quá trình phân tích dữ liệu, điểm số thô ban đầu này đã được chuyển đổi sang điểm phần trăm để mang lại ý nghĩa cho điểm kỹ năng tổng và thuận tiện cho việc so sánh giữa các kỹ năng khác nhau liên quan đến việc sử dụng thông tin có đạo đức. Điểm phần trăm được chia thành ba nhóm: ít hơn hoặc bằng 30%, nhiều hơn 30% và ít hơn 70%, bằng hoặc nhiều hơn 70%. Những nhóm điểm này sau đó được chia thành ba nhóm giá trị tương ứng gồm thấp, trung bình và cao.
Kết quả kiểm tra đối với ba kỹ năng cụ thể của việc sử dụng thông tin có đạo đức bao gồm: tuân theo những hướng dẫn về pháp lý trong sử dụng thông tin, các vấn đề liên quan đến vấn đề bản quyền và đạo văn, được thể hiện trong bảng 1. Trong đó, kỹ năng sử dụng thông tin để tránh những lỗi về đạo văn đạt được số điểm cao nhất là 88% và việc tuân thủ các hướng dẫn mang tính pháp lý trong sử dụng thông tin dừng ở mức điểm thấp nhất là 36,1% (Bảng 1).
Bảng 1. Kết quả kiểm tra cho các kỹ năng cụ thể
Sau khi hoàn thành bài kiểm tra, học sinh đạt được mức điểm trung bình cho kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức là 60,11 điểm. Hay nói cách khác, học sinh của hai trường có sự hiểu biết nhất định về những vấn đề đạo đức trong sử dụng thông tin. Kết quả này củng cố nghiên cứu của các tác giả Williams và Rowlands (2007) [9]. Dựa trên việc xem xét và phân tích kết quả của một số nghiên cứu được thực hiện đối với học sinh ở Anh, các tác giả này chỉ ra rằng có một số lượng lớn thanh thiếu niên hiểu cách để phòng tránh vi phạm liên quan đến bản quyền khi truy cập thông tin trên Internet. Cũng có những nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm trái ngược, ví dụ như các tác giả Shih và Allen (2007) [8] đã chỉ ra rằng học sinh thiếu sự hiểu biết về các vấn đề bản quyền. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, các học sinh đã chứng minh rằng họ có sự hiểu biết về các vấn đề đạo đức trong sử dụng thông tin, mặc dù sự hiểu biết này vẫn cần được cải thiện.
Điểm kiểm tra kỹ năng của học sinh thuộc hai trường B và C cũng được đem ra so sánh (Bảng 2). Điểm trung bình cho kỹ năng này của trường B là 65,49 điểm, trong khi của trường C là 54,67 điểm. Có thể thấy rằng, học sinh của trường B có kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức tốt hơn so với trường C. Kết quả này cũng không mang lại nhiều bất ngờ cho người thực hiện nghiên cứu vì trường B là một trường công lập, có yêu cầu tuyển sinh đầu vào cao hơn so với trường C là một trường dân lập. Do đó, năng lực học tập nói chung và một số kỹ năng có liên quan của học sinh trường B về cơ bản cũng được mong đợi là tốt hơn so với trường C.
Bảng 2. Điểm kiểm tra kỹ năng của hai trường
Điểm kiểm tra kỹ năng của học sinh thuộc ba nhóm lớp 10, 11 và 12 cũng được đem ra so sánh. Dựa trên điểm trung bình của học sinh thuộc ba nhóm lớp, có thể nhận ra rằng học sinh lớp 12 tốt hơn so với học sinh lớp 10 và 11 về kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức. Cụ thể, học sinh lớp 12 đạt cao nhất với 63,46 điểm, học sinh lớp 11 và 10 đạt 62,73 điểm và 54,37 điểm. Tương tự như kết quả so sánh điểm kỹ năng giữa hai trường đã trình bày ở trên, người thực hiện nghiên cứu cũng không quá bất ngờ với sự chênh lệch về điểm kỹ năng giữa ba nhóm học sinh. Trước khi so sánh, tác giả đã cho rằng học sinh ở các cấp lớp cao hơn có khả năng có phần thể hiện kỹ năng tốt hơn so với học sinh ở các cấp lớp thấp hơn. Tuy nhiên, kết quả kiểm định Chi bình phương (Chi-square) cho thấy rằng không có mối quan hệ giữa điểm kỹ năng và cấp lớp học với xác suất thống kê nhỏ hơn 0.05. Hay nói cách khác, điểm kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức và bậc học độc lập với nhau.
Kết quả so sánh điểm kiểm tra kỹ năng của hai nhóm học sinh nam và nữ cho thấy rằng học sinh nữ thể hiện tốt hơn so với các bạn đồng lứa là nam giới. Theo số liệu khảo sát, học sinh nữ ghi điểm cao hơn so với học sinh nam (điểm trung bình: 63,89 và 55,65). Sự khác biệt giữa học sinh nam và nữ về kỹ năng này được phân tích bằng cách sử dụng kỹ thuật kiểm định giả thuyết về trị trung bình của hai tổng thể độc lập (independent samplet-test). Kết quả chỉ ra rằng có sự khác biệt mang tính thống kê giữa hai nhóm liên quan đến kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức với xác suất thống kê nhỏ hơn 0.05. Không có gì ngạc nhiên khi học sinh nữ có kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức tốt hơn học sinh nam vì các nghiên cứu trước đây đã cho thấy có sự chênh lệch giữa hai giới liên quan đến khả năng đọc viết [5]. Kết quả này củng cố nhiều nghiên cứu trước đây, ví dụ như nghiên cứu được thực hiện bởi các tác giả Chang, Foo và Majid (2014) [3]. Những nghiên cứu này đã được thực hiện để khám phá sự khác biệt giữa nam và nữ từ bậc tiểu học cho đến đại học về kỹ năng thông tin. Họ chứng minh rằng học sinh nữ đạt được điểm cao hơn so với học sinh nam trong các bài kiểm tra kỹ năng thông tin. Các nghiên cứu đề xuất việc phá vỡ sự mất cân đối giữa nam và nữ về kỹ năng thông tin là cần thiết để nâng cao năng lực học tập của họ. Có thể thấy, giống như nhiều quốc gia khác, sự chênh lệch giữa nam và nữ về kỹ năng thông tin, mà cụ thể là kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức cũng xảy ra ở Việt Nam.
Phân tích tương quan Pearson (Pearson Correlation Coefficient) đã được sử dụng để nghiên cứu sự tương quan giữa các biến nhân khẩu học (trường, giới và bậc học) và điểm kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức. Hệ số tương quan ‘r’ chỉ ra mức độ của mối tương quan giữa hai biến. Mối tương quan giữa hai biến là yếu khi r = 0,10-0,29, trung bình khi r = 0,30-0,49 và mạnh với r = 0,50-1,00. Tương quan có ý nghĩa ở mức 0,01 (2-tailed - kiểm định hai đầu được sử dụng trong trường hợp chiều hướng của mối liên hệ tuyến tính không thể xác định trước), (nghĩa là trong 100 thì có khả năng xảy ra 1) và 0,05 (2-tailed) (nghĩa là trong 100 thì có khả năng xảy ra 5) được thể hiện lần lượt bằng ký hiệu “**” và “*”. Có thể thấy rằng có mối tương quan giữa các biến nhân khẩu học và điểm kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức. Cụ thể, phân tích tương quan Pearson giữa biến trường và điểm kỹ năng cho ra kết quả r= -.236**. Hệ số 0.236 cho thấy đây là mối tương quan yếu giữa hai biến. Dấu trừ chứng tỏ đây là mối tương quan nghịch chiều giữa hai biến. Hay nói cách khác học sinh của trường công lập có khuynh hướng có điểm kỹ năng cao, trong khi đó, học sinh của trường dân lập có khuynh hướng có điểm kỹ năng thấp hơn. Tương tự như vậy, kết quả phân tích tương quan Pearson cho thấy có mối tương quan nghịch chiều yếu giữa hai biến điểm kỹ năng và giới tính khi hệ số tương quan ‘r’ là số âm nằm trong khoảng từ 0,10 đến 0,29 (r=-.179*). Cụ thể, học sinh nam có khuynh hướng có điểm kỹ năng thấp. Trong khi học sinh nữ có khả năng có điểm kỹ năng cao hơn. Khi xem xét hai biến điểm kỹ năng và bậc học, nghiên cứu chứng minh rằng có mối tương quan thuận chiều yếu giữa hai biến, vì hệ số ‘r’ là số dương thấp dưới 0,30 (r=.165*). Ý nghĩa của chỉ số tương quan này cho thấy rằng, học sinh càng học ở bậc học càng cao thì có khuynh hướng có điểm kỹ năng cao hơn.
4. Nhận thức của học sinh về kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức của chính mình
Trong quá trình phân tích dữ liệu, thang đo 5 điểm giúp học sinh tự đánh giá kỹ năng của mình đã được chuyển đổi sang các giá trị tương ứng nhằm hỗ trợ cho quá trình thống kê và so sánh. Cụ thể, 1 đến 2, 3 và 4 đến 5 được chuyển đổi sang các giá trị tương ứng: thấp, trung bình và cao. Kết quả chỉ ra rằng học sinh khá tự tin về kỹ năng này của mình. Trong số 183 học sinh, 51,4% tự đánh giá mình ở mức cao, 31,70% tự đánh giá ở mức trung bình và 16,9% tự đánh giá ở mức thấp. Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng thanh thiếu niên thường tự đánh giá một cách không chính xác về năng lực của mình và có khuynh hướng đánh giá quá cao về các kỹ năng và kiến thức của chính mình so với những gì họ thể hiện trong thực tế, ví dụ như nghiên cứu của các tác giả Shenton, Pickard và Johnson (2014) [7].
Phân tích tương quan Pearson đã được sử dụng để khám phá mối tương quan giữa các biến nhân khẩu học và biến tự đánh giá kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức. Tương quan có ý nghĩa ở mức 0,01 (2-tailed) và 0,05 (2-tailed) được thể hiện lần lượt bằng ký hiệu “**” và “*”. Kết quả chỉ ra rằng không có mối tương quan giữa các biến nhân khẩu học và tự đánh giá kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức, với r=-.111, r=-.094 và r=.082 lần lượt cho tương quan giữa biến tự đánh giá với biến trường, giới tính và bậc học. Việc thiếu vắng các ký hiệu “**” và “*” ở các hệ số tương quan ‘r’ cho thấy rằng không có mối quan hệ nào giữa các cặp biến. Hay nói cách khác là các biến đều hoàn toàn độc lập với nhau. Chính vì vậy không thể dùng biến nhân khẩu học để tiên đoán về việc tự đánh giá kỹ năng sử dụng thông tin của học sinh.
Tương quan giữa biến điểm kỹ năng sử dụng thông tin có đạo đức và biến tự đánh giá cũng đã được khám phá bằng cách sử dụng phân tích tương quan Spearman. Hệ số tương quan ‘r’ là số dương và thấp hơn 0,30 (r=.163*) chỉ ra rằng có mối tương quan thuận yếu giữa điểm kỹ năng sử dụng thông tin và biến tự đánh giá kỹ năng này. Hay nói cách khác, những học sinh tự đánh giá kỹ năng của họ ở mức cao cũng có xu hướng đạt điểm cao.
5. Hành vi sử dụng thông tin trong thực tế của học sinh
Như đã trình bày ở trên, các bằng chứng cho thấy rằng học sinh có sự hiểu biết nhất định trong việc sử dụng thông tin có đạo đức. Kết quả này được củng cố bởi các dữ liệu phỏng vấn học sinh khi chỉ ra rằng học sinh có sự hiểu biết về các vấn đề đạo đức trong sử dụng thông tin nói chung và các vấn đề liên quan đến bản quyền nói riêng. Ví dụ như, ý kiến của hai học sinh sau đây: “Báo chí gần đây hay nói về những thông tin liên quan đến vấn đề bản quyền nên em biết” và “Đối với vấn đề bản quyền, em biết khi em đọc trên báo mặc dù em không biết một cách chi tiết cụ thể”.
Tuy nhiên, kết quả phỏng vấn học sinh cũng chỉ ra rằng có sự không đồng nhất giữa sự hiểu biết và hành vi thực tế trong sử dụng thông tin của các học sinh. Mặc dù, học sinh có kiến thức liên quan đến các vấn đề đạo đức trong sử dụng thông tin, nhưng họ không tuân theo chúng trên thực tế. Điều này được chứng minh thông qua một số ý kiến của học sinh và giáo viên. Hai trong số những học sinh được phỏng vấn cho biết rằng: “Thông thường em chỉ sao chép và dán” và “Khi làm bài tập, chúng em hay sao chép các thông tin quan trọng từ các bài tập cũ và từ những nơi mà chúng em tìm thông tin”. Bên cạnh đó, một số giáo viên cũng cho biết thêm: “Nhiều học sinh thường cắt dán thông tin một cách vô tội vạ mà không cung cấp thông tin trích dẫn. Các em có thể có kiến thức về các vấn đề bản quyền và đạo đức trong sử dụng thông tin, nhưng không tuân theo chúng trong thực tiễn”; “Các em thường sao chép thông tin từ trên mạng Internet. Có những em tự làm bài tập, nhưng có nhiều em chỉ sao chép vô tội vạ từ những nguồn khác và nộp lại cho thầy cô”.
Có thể thấy rằng, trong thực tế học sinh còn sử dụng thông tin một cách tuỳ ý và ít quan tâm đến các vấn đề đạo đức trong sử dụng thông tin. Họ có thói quen sao chép thông tin mà họ tìm kiếm được mà không có sự trích dẫn nguồn gốc của thông tin được sao chép đó. Mặc dù học sinh thể hiện họ có sự hiểu biết nhất định về những vấn đề đạo đức trong sử dụng thông tin, nhưng dường như họ không tuân thủ theo những quy định đó trên thực tế. Hay nói cách khác, hành vi sử dụng thông tin trong thực tế của học sinh không có sự tương đồng với sự hiểu biết của họ. Việc hiểu các vấn đề đạo đức trong sử dụng thông tin và hành vi trong thực tế là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.
Sự khác biệt giữa điểm số trong bài kiểm tra kỹ năng và hành vi thực tế có thể được giải thích thông qua ý kiến của tác giả Bryman (2012) [2] khi tác giả chỉ ra rằng: con người có thể trả lời câu hỏi được thiết kế để đo lường suy nghĩ của mình nhưng hành vi thực tế của họ có thể khác biệt với câu trả lời của họ. Kết quả của nghiên cứu này cũng củng cố quan điểm của các tác giả Shih và Allen (2007) [8] khi các tác giả này cho rằng “thế hệ Google” thiếu tôn trọng các quy định liên quan đến bản quyền. Học sinh thể hiện khuynh hướng sao chép ý tưởng/ thông tin từ những nguồn khác nhau thay vì đánh giá và sử dụng chúng một cách đúng đắn. Điều này có thể xuất phát từ sự thật là môi trường thông tin trực tuyến rất có thể đã tạo ra nhiều cơ hội cho việc đạo văn/ đạo ý tưởng phát triển. Tác giả Pavey (2011) [6] cho rằng thiếu kiến thức về trích dẫn tham khảo và thiếu năng lực để tìm kiếm thông tin phù hợp có thể gây ra vấn đề trên. Các bằng chứng chỉ ra rằng trích dẫn thông tin là cách tiếp cận phù hợp nhằm hỗ trợ các cá nhân trong việc xây dựng sự hiểu biết của chính họ từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Chỉ thị đầu tiên thuộc tiêu chuẩn thứ nhất của mô hình kiến thức thông tin của Hiệp hội các thư viện đại học và nghiên cứu của Hoa Kỳ (Association of College and Research Libraries - ACRL) chỉ ra rằng “sinh viên có kiến thức thông tin tóm tắt những ý chính để trích dẫn từ những thông tin thu thập được” [1]. Chính vì thế, có thể thừa nhận rằng việc trích dẫn và tóm tắt thông tin là cần thiết để giúp các sinh viên/ học sinh xây dựng kiến thức của chính họ. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến hiện tượng đạo văn nếu sinh viên/ học sinh không biết cách trích dẫn và tóm tắt thông tin vì nghiên cứu này chỉ ra rằng học sinh sao chép thông tin từ những nguồn tin mà họ tìm thấy. Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục cần hành động nhằm ngăn chặn các hiện tượng đạo văn đang xảy ra hiện nay [6].
Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng học sinh không tuân thủ theo các quy định về đạo đức trong sử dụng thông tin, mặc dù các em có sự hiểu biết nhất định về những vấn đề này, nhưng sự hiểu biết này vẫn cần được cải thiện. Chính vì vậy, nhà trường, những người làm công tác giáo dục và những bên liên quan (ví dụ như, người làm thư viện và gia đình) cần có những hành động thiết thực nhằm giúp học sinh có sự hiểu biết toàn diện hơn về những vấn đề đạo đức trong sử dụng thông tin, cũng như thúc đẩy họ áp dụng sự hiểu biết đó vào trong thực tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. ACRL. Information Literacy Competency Standards for Higher Education. - Chicago: American Library Association, 2000.
2. Bryman, A. Social research methods. - 4th ed. - Oxford: Oxford University Press, 2012.
3. Chang, Y., Foo, S. and Majid, S. Assessing IL skills of primary - 5 students in Singapore // Information literacy: lifelong learning and digital citizenship in the 21st century. - 2014. - P. 531-539.
4. Joan, R M. Online Dictionary for Library and Information Science. - 2010. http://www.abc-clio.com /ODLIS/odlis_i.aspx. Truy cập ngày 01/02/2018.
5. Klinger, D., Shulha, L. and Wade-Woolley, L. Towards an understanding of gender differences in literacy achievement. - Toronto: Queen's Printer for Ontario, 2010.
6. Pavey, S. Tackling plagiarism in schools - Pre-emption or punishment // CILIP UPDATE with gazette. - 2011. - P. 40-42.
7. Shenton, A., Pickard, A. and Johnson, A. Information evaluation and the individual's cognitive state: some insights from a study of British teenaged users // IFLA Journal. - 2014. - No. 40(4). - P. 307-316.
8. Shih, W. and Allen, M. Working with Generation-D: adopting and adapting to cultural learning and change // Library Management. - 2007. - No. 28(1/2). - P. 89-100.
9. Williams, P. and Rowlands, I. Information behaviour of the researcher of the future: the literature on young people and their information behaviour. - 2007. http://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/ download?doi=10.1.1.643.8970&rep=rep1&type=pdf. Truy cập ngày 15/02/2018.
________________
TS. Ngô Thị Huyền
Khoa Thư viện - Thông tin học, ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. HCM
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 5. - Tr. 17-22.
< Prev | Next > |
---|
- Những thay đổi trong công tác biên mục - tiền đề chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- Một số vấn đề trong quản lý dữ liệu nghiên cứu của các thư viện
- Vai trò của các thư viện trong xã hội tri thức mở
- Một số mô hình tổ chức và hoạt động của thư viện trường phổ thông
- Nghiên cứu nhu cầu tin của người khiếm thị nhằm mở rộng công tác phục vụ người dùng tin tại các cơ quan thông tin, thư viện Việt Nam
- Nâng cao năng lực của người làm công tác phục vụ trong thư viện đại học
- Những vấn đề đặt ra đối với hoạt động thư viện trong công an nhân dân thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
- Phân tích các kỹ năng cốt lõi nhằm sử dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở
- Nhận thức của sinh viên về vấn đề bản quyền tiếp cận từ góc độ tài nguyên giáo dục mở
- Phát triển hệ thống thư viện trường tiểu học ở Việt Nam