1. Khái niệm Internet of Things
Hiện nay, Mạng lưới vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT) không còn là một khái niệm mới nhưng vẫn chưa có một định nghĩa chính thức. Có một số định nghĩa nhấn mạnh vào các khía cạnh kỹ thuật của IoT, một số định nghĩa khác lại tập trung vào chức năng của nó. Năm 1999, Kevin Ashton, nhà khoa học đã sáng lập ra Trung tâm Auto-ID ở Viện công nghệ Massachusetts (MIT) - nơi thiết lập các quy chuẩn toàn cầu cho RFID (một phương thức giao tiếp không dây dùng sóng radio) cũng như một số loại cảm biến khác nhận định: “Ngày nay máy tính và Internet hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào con người mới có thông tin. Gần như tất cả trong số khoảng 50 petabyte (1 petabyte là 1.024 terabyte) dữ liệu trên Internet lần đầu tiên được con người nắm và tạo ra bằng cách đánh máy, nhấn nút ghi âm, chụp ảnh hoặc quét mã vạch. Vấn đề là, con người rất hạn chế về thời gian, sự chú ý và chính xác trong việc lưu giữ dữ liệu về mọi thứ trong thế giới. Nếu có những chiếc máy tính biết mọi thứ - sử dụng được dữ liệu chúng thu thập mà không cần sự giúp đỡ của con người thì chúng ta sẽ có thể theo dõi và đếm mọi thứ, điều này sẽ giúp giảm sự lãng phí, thất bại và chi phí. Chúng ta sẽ biết khi nào mọi thứ cần thay thế, sửa chữa hoặc phục hồi và liệu chúng còn có thể tiếp tục hoạt động hay hoạt động tốt nhất nữa không" [4].
Phải hơn 10 năm sau, thế giới mới nhận thấy ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của xu hướng này. Sau hội nghị thế giới về công nghệ thông tin (Internet Protocol version 6 - Giao thức mạng Internet thế hệ 6) lần thứ 4 diễn ra tại Pháp năm 2014, chủ đề IoT mới thực sự phổ biến trên thế giới.
Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (International Telecommunication Union - ITU) định nghĩa năm 2012: “Internet of Things là một cơ sở hạ tầng toàn cầu đối với xã hội thông tin làm cho các dịch vụ tiên tiến có sẵn bằng cách liên kết đối tượng (vật lý hay ảo) thông qua các thông tin và truyền thông công nghệ tương thích hiện có hoặc phát triển" [9].
Như vậy, có thể hiểu IoT là khái niệm dùng để chỉ việc mọi vật được kết nối với nhau qua mạng Internet, trong đó người dùng có thể chia sẻ, trao đổi, khai thác dữ liệu và kiểm soát các thiết bị của mình qua mạng Internet.
2. Các thuộc tính của Internet of Things
IoT là một hệ thống của các hệ thống
IoT gồm các giải pháp kỹ thuật RFID, TCP/IP, một đối tượng vật lý thông qua hệ thống truyền thông không dây, có thể là một con chip RFID, bluetooth hoặc wifi, công nghệ di động cho phép thu hồi, lưu trữ, xử lý và truyền dữ liệu không chỉ trong môi trường vật lý mà còn giữa thế giới vật lý và thế giới ảo. Vật thể trong hệ thống IoT có thể chia sẻ thông tin về điều kiện và môi trường xung quanh chúng với con người, với các hệ thống phần mềm và các máy móc khác. IoT không phải là công nghệ mà là một hệ thống của các hệ thống cho phép điều chỉnh, sử dụng linh hoạt. Khả năng tương tác giữa các hệ thống tích hợp tất cả các thành phần tạo ra mức độ phức tạp cao. Khả năng quản lý các giao diện sẽ là yếu tố quyết định cho IoT trở thành mạng lưới thực sự của các mạng.
IoT là một mạng lưới các mạng, kết nối mạng thực với mạng ảo
Các nghiên cứu hiện tại về Internet được giới hạn trong các loại hình tài liệu (văn bản, hình ảnh, âm thanh) lưu hành trên đó, tuy nhiên, IoT sẽ có thể mở rộng phạm vi này. Do đó, trong cùng một cách mà một trang web có một địa chỉ duy nhất (URL) có thể sẽ phù hợp với mỗi đối tượng với một nhận dạng điện tử duy nhất mà có thể đọc được và chuyển giao qua mạng lưới giao thức Internet. IoT không chỉ không giới hạn trên thế giới trực tuyến, mà còn có khả năng cung cấp cho mỗi đối tượng với một đội ảo, đó là một bản sao đơn giản của các đặc tính của các đối tượng vật lý. Những đặc điểm này theo quan điểm lý thuyết thuần tuý có thể gần như vô hạn. Để đạt được mối liên kết giữa tính vật lý và các thế giới ảo, các thiết bị kỹ thuật phải thiết kế các mô hình dựa trên bối cảnh thực và sau đó "ảo hoá" chúng. Dữ liệu trong IoT có thể có kích thước nhỏ và thường xuyên trao đổi, số lượng thiết bị hoặc các điểm kết nối có kết nối vào mạng lớn gấp nhiều lần trong hệ thống máy tính truyền thống. Việc giao tiếp giữa máy móc, khả năng chiết suất thông tin từ sự vật và hệ thống mạng cho phép tự động hoá một số quá trình đơn giản mà không phụ thuộc vào trung tâm điều khiển hay các dịch vụ và ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây. Các thuộc tính này mang lại cơ hội thu thập thông tin lớn, nhưng cũng mang lại nhiều thách thức trong thiết kế mạng dữ liệu và an ninh mạng.
3. Các đặc tính của Internet of Things
Khi nói đến các thiết bị IoT chúng ta thường thấy có những đặc tính sau:
- Tính kết nối liên thông: Với IoT, bất cứ điều gì cũng có thể kết nối với nhau thông qua mạng lưới thông tin và cơ sở hạ tầng liên lạc tổng thể.
- Tính thông minh: Các thiết bị IoT trên thị trường thường hay được gọi là thiết bị thông minh. Các thiết bị được trang bị khả năng tính toán và kết nối mạng sẽ đem lại tính năng ưu việt so với thiết bị truyền thống và có những tính năng mới mà thiết bị truyền thống không thể có được.
- Cảm biến môi trường: Các thiết bị IoT được trang bị rất nhiều cảm biến môi trường khác nhau, chính những thông tin về môi trường xung quanh này giúp cho thiết bị thông minh hơn.
- Giao diện với điện toán đám mây: Thiết bị IoT hoạt động như một cửa ngõ (tới tài nguyên vô tận của điện toán đám mây, các tính năng mà người dùng tin không bị giới hạn bởi khả năng của thiết bị.
- Tính không đồng nhất: Các thiết bị trong IoT không đồng nhất vì nó có phần cứng và mạng lưới khác nhau. Các thiết bị giữa các mạng lưới có thể tương tác với nhau nhờ vào sự liên kết của các mạng lưới.
- Tương tác với các thiết bị khác: Các thiết bị IoT có khả năng tính toán và kết nối mới có thể tương tác với nhau cục bộ hoặc qua Internet. Việc các thiết bị tương tác với nhau tạo ra những khả năng mới mà trước đây từng thiết bị không thể làm được.
- Thay đổi linh hoạt: Trạng thái của các thiết bị tự động thay đổi, kết nối hoặc ngắt, thay đổi vị trí thiết bị, thay đổi tốc độ…
- Quy mô lớn: Sẽ có một số lượng rất lớn các thiết bị được quản lý và giao tiếp với nhau. Số lượng này lớn hơn nhiều so với số lượng máy tính kết nối Internet hiện nay. Số lượng các thông tin được truyền bởi thiết bị sẽ lớn hơn nhiều so với được truyền bởi con người.
4. Cách thức hoạt động của Internet of Things
Cơ sở hạ tầng kết nối
IoT hoạt động chủ yếu dựa vào việc sử dụng các công nghệ miễn phí không dây và di động. Công nghệ kết nối không dây rất nhiều và đa dạng, việc sử dụng cái này hay cái khác thường được quyết định bởi phạm vi của mạng được đề xuất. Một số trường hợp sử dụng cũng đòi hỏi phải có sự kết hợp của công nghệ không dây và có dây để kết nối thiết bị mạng WAN riêng hoặc Internet.
Dữ liệu trong IoT có thể có kích thước nhỏ và thường xuyên trao đổi. Số lượng thiết bị hoặc các điểm kết nối có kết nối vào mạng lớn gấp nhiều lần trong hệ thống máy tính truyền thống. Việc giao tiếp giữa máy móc, khả năng chiết suất thông tin từ sự vật và hệ thống mạng cho phép tự động hoá một số quá trình đơn giản mà không phụ thuộc vào trung tâm điều khiển hay các dịch vụ và ứng dụng trên nền tảng đám mây.
Phương thức hoạt động
Các thiết bị của IoT được tích hợp với các bộ cảm biến, bộ xử lý của máy tính và những phần mềm có thể tương tác với nhau. Dữ liệu từ những thiết bị được kết nối sẽ truyền tới các thiết bị khác tạo thành một quá trình được gọi là M2M (machine -to-machine). Các thiết bị sẽ tự hoạt động trong hầu hết các khâu và sẽ kết nối trực tiếp với nhau mà không cần tới sự can thiệp của con người. Mỗi thiết bị đều có khả năng chuyển tiếp dữ liệu ngược lại với mô hình mạng tập trung, trong đó đa phần dữ liệu sẽ được đẩy về một thiết bị trung tâm để được xử lý/ chuyển tiếp (như các bộ định tuyến hay máy chủ). Như vậy:
- Luồng dữ liệu tự động sinh ra từ các sự vật được gắn cảm biến theo thời gian thực.
- Hệ thống quản lý dữ liệu theo thời gian thực và các quyết định được đưa ra theo thời gian thực.
Phương thức truyền dữ liệu
Để kết nối trên diện rộng và khoảng cách xa, các thiết bị trong IoT sẽ phải tận dụng rất nhiều kênh truyền tải dữ liệu không dây khác nhau. Trong đó sẽ bao gồm cả mạng điện thoại di động, mạng vệ tinh, hay các kênh sóng TV đang được bỏ trống. Mỗi công nghệ phát sóng sẽ có lợi thế riêng tuỳ vào hoàn cảnh sử dụng, vì vậy sẽ phải sử dụng kết hợp. Phương thức kết nối là trực tiếp trên mạng của một nhà điều hành truyền thông điện tử, thông qua một thiết bị trung gian (hộp kết nối của một nhà điều hành, điện thoại thông minh, thiết bị đô thị), thông qua một mạng lưới chuyên dụng, tuỳ chọn tốc độ thấp và kết nối hay không để một mạng lưới điều hành thông qua cổng kỹ thuật…
Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), IoT bao gồm: Lớp cảm biến; Lớp truy cập; Lớp mạng; Các lớp ứng dụng.
5. Nghiên cứu ứng dụng IoT trong tạo lập và quản lý tài nguyên số
IoT đang phát triển mạnh mẽ và nhận được nhiều sự quan tâm từ mọi lĩnh vực. Theo dự đoán từ những chuyên gia của Business Insider - một blog tài chính nổi tiếng về tương lai của IoT như sau [3]:
- IoT sẽ là thị trường thiết bị lớn nhất trên thế giới. Vào năm 2019, số lượng thiết bị IoT sẽ gấp đôi tổng số điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, máy tính bảng, thiết bị đeo thông minh cộng lại.
- IoT sẽ mang lại 1.700 tỷ đô la giá trị gia tăng cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2019. Con số này bao gồm phần cứng, phần mềm, chi phí lắp đặt, dịch vụ quản lý và giá trị kinh tế gia tăng.
- Giá trị của các thiết bị IoT sẽ chạm mốc 6,7 tỷ đô la vào năm 2019. Trong đó doanh thu từ phần cứng sẽ chỉ chiếm 8% (khoảng 50 triệu đô la), các nhà sản xuất phần mềm và các công ty cơ sở hạ tầng sẽ thu lợi nhiều hơn từ cổ phiếu IoT.
- Sự tăng trưởng của IoT sẽ mang lại hiệu quả lớn và chi phí thấp hơn tại nhà, nơi làm việc và các thành phố trong tương lai. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị điện tử trong hệ thống an ninh vẫn là một vấn đề nan giải.
- Nền tảng IoT đang thiếu một chuẩn công nghệ và tiêu chuẩn chung để tương thích và sử dụng với các thiết bị. Hiện nay, có rất ít các tiêu chuẩn (hoặc quy định) cho những thiết bị chạy trên nền tảng này. Vấn đề cấp bách nhất là phải chuẩn hoá nền tảng IoT và giải quyết những vấn đề an ninh hiện tại.
Các ứng dụng của IoT có nhiều công dụng thực tế, tác động trực tiếp đến cuộc sống của các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng. Có thể kể ra một số ứng dụng như: quản lý và lập kế hoạch quản lý đô thị, quản lý môi trường, quản lý chất thải, phản hồi trong các tình huống khẩn cấp, mua sắm thông minh, quản lý các thiết bị cá nhân, đồng hồ đo thông minh và tự động hoá ngôi nhà.
Ngoài các lĩnh vực xác định ở trên, IoT còn có tiềm năng ứng dụng rộng rãi, có khả năng tích cực ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống. Trong những năm gần đây, với sự phát triển và gia tăng các thư viện số, các bộ sưu tập tài liệu điện tử và tài liệu số ngày càng đóng vai trò quan trọng trong những bộ sưu tập tài liệu của thư viện. Từ góc nhìn của người dùng tin, thư viện số là một cơ sở dữ liệu lớn. Còn đối với những người làm thư viện thì đó là một ứng dụng của web. IoT là một mạng lưới rộng lớn bao gồm các đối tượng được kết nối bằng cách xử lý dữ liệu trong không gian thực. Dữ liệu được coi là huyết mạch của IoT và IoT sẽ nhận diện tài nguyên thông tin số. Khi điện toán đám mây ngày càng được ứng dụng trong phân phối giữa các thiết bị và cơ sở hạ tầng thì dữ liệu được tạo ra từ các thiết bị này sẽ đóng vai trò to lớn. Cần thiết phải ưu tiên các dữ liệu quan trọng và các dữ liệu này sẽ làm cuộc cách mạng hoá việc quản lý, lưu trữ, bảo mật và xử lý thông tin trong môi trường số. Xây dựng các thiết bị thông minh trong môi trường số cần môi trường lưu trữ, yếu tố bảo mật và tính năng an toàn cho nguồn tài nguyên thông tin số.
Xây dựng thư viện số là xây dựng một nền tảng công nghệ để tạo lập những bộ sưu tập thông tin số. Ứng dụng IoT trong quản lý tài nguyên số sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí.
- IoT sẽ thông tin về tình trạng của máy móc, thiết bị, giúp cho việc bảo trì, thay thế được thực hiện đúng lúc, giảm thiểu thời gian chết trong hệ thống.
- Phát hiện tài liệu đã số hoá: Máy tính là công cụ quan trọng nhất trong xây dựng các thư viện số, nhưng phải có sự can thiệp của con người mới giúp cho các hoạt động trong thư viện kết hợp lại với nhau và duy trì mọi hoạt động. Các bộ sưu tập số đã được chọn lọc, thu thập, tổ chức và tạo truy cập. Nhiều nơi cùng tiến hành số hoá một tài liệu sẽ mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Vì vậy, với IoT dữ liệu được theo dõi, điều chỉnh bằng các công cụ quản lý thiết bị, xử lý, phân tích dữ liệu. Dữ liệu sau khi xử lý sẽ được lưu trữ, phân tích, phát hiện trùng lặp và báo cho cơ quan thư viện - thông tin dự định tiến hành số hoá địa chỉ đã số hoá tài liệu đó.
- Chuyển đến người dùng tin nơi đã số hoá: Với mục đích tiết kiệm thời gian tìm kiếm cho người dùng tin khi tìm kiếm tài liệu số hoá, tại quyền truy cập trong một thư viện số, khi không tìm thấy tài liệu cần tìm, IoT sẽ chuyển đến cho người dùng tin nơi chứa tài liệu số hoá đó. Như vậy, IoT là một trong những giải pháp đầu tiên được xây dựng với khả năng tìm kiếm thông tin từ các bộ sưu tập số riêng biệt khác nhau trong kho dữ liệu của các thư viện số để sau đó trả về kết quả dưới dạng một đường dẫn thông báo nơi chứa tài liệu. Việc làm này giúp người dùng tin tránh phải tìm kiếm thông tin qua máy nhện (spider - là máy dùng các chương trình đặc biệt đi tới các trang web) hoặc phải tìm qua các cổng thông tin của từng thư viện. IoT sẽ cho phép tự động tìm kiếm và khai thác thông tin.
Để làm được điều đó, tại máy chủ của thư viện số cần cài các cảm biến nối mạng không dây. Các cảm biến từ các máy chủ của các thư viện số sẽ thu thập, phân tích, tạo ra một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Nhờ đó, thông tin được tạo ra bởi sự liên kết giữa các cảm biến. Kết nối với thiết bị tạo số liệu và quản lý chúng là xu hướng chính của nhiều ngành. IoT được đặc trưng bởi nhu cầu nhập dữ liệu nhanh, phân tích và xử lý dữ liệu, nhờ đó IoT giúp thư viện số nắm rõ hơn và quản lý các tài nguyên số cũng như tương tác với người dùng tin và người tạo lập.
Trước đây, dữ liệu được lưu trữ trên ổ cứng, hiện nay các thiết bị chứa dữ liệu đã có sự thay đổi vượt bậc nhờ những tiến bộ của khoa học công nghệ và phần mềm. Công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) đã được ứng dụng vào quản lý thư viện hiện đại từ năm 2000 với những tính năng tiện lợi và ưu thế vượt trội so với các công nghệ quản lý tài liệu thư viện trước đó. Những mã định danh được viết trên các mã vạch, thẻ RFID được gắn liền với các đối tượng vật lý. Hiện nay, công nghệ này đã và đang nghiên cứu ứng dụng cho thư viện số. Với khả năng lưu trữ và truyền đạt thông tin, nhờ RFID mọi thứ sẽ thay đổi, bao gồm khả năng truy tìm các đối tượng trong chuỗi cung ứng, các vấn đề trùng lặp... Tham gia vào IoT, các thiết bị thông minh trong môi trường số cần có định hướng rõ ràng để phát triển và thích ứng theo thời gian, tuỳ thuộc vào việc cung cấp dịch vụ nguồn tài nguyên số.
Để IoT ứng dụng vào tạo lập và quản lý nguồn tài nguyên số, cần phải giải quyết được những vấn đề cơ bản sau:
- Cần có sự hợp tác liên thư viện, không chỉ trong nước mà cả ngoài nước. Hợp tác liên thư viện là việc chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các cơ quan/ trung tâm thông tin - thư viện. Mỗi thư viện số có một nguồn lực thông tin đặc trưng, đặc biệt là thư viện các trường đại học, thư viện các cơ quan thông tin khoa học. Tài liệu được số hoá tại các cơ quan này là những tài liệu mang tính đặc thù. Hợp tác để cùng chia sẻ, nhưng phải bảo đảm được vấn đề bản quyền. Khi có sự hợp tác, việc ứng dụng IoT trong tạo lập và quản lý nguồn tài nguyên số sẽ hoàn toàn khả thi bởi các cảm biến sẽ xử lý nguồn thông tin số, giúp cho việc tạo lập tài nguyên số không bị trùng lặp và quản lý được nguồn tài nguyên này để từ đó thông tin tới người có nhu cầu tin tại các thư viện số của các cơ quan thư viện - thông tin.
- Nghiên cứu chiến lược điện toán đám mây trong việc ảo hoá dữ liệu giúp quản lý các tài nguyên thông tin, từ đó cung cấp thông tin qua môi trường điện toán đám mây. Việc xây dựng một hệ thống máy chủ (server) và trung tâm dữ liệu (data center) thông qua ảo hoá trên nền tảng đám mây đang là xu hướng công nghệ thông tin hiện nay. Đó là việc ảo hoá hệ thống nền tảng công nghệ thành nền tảng điện toán đám mây để quản lý một cách linh động và nhanh chóng. Khi nguyên tắc này được áp dụng cho các tài nguyên số, IoT sẽ lấy thông tin ra và tổng hợp lại một cách tự động nhưng vẫn bảo đảm một cơ chế bảo mật thông tin hiệu quả khi xác định các thành phần trích dẫn lấy ra từ các thiết bị vật lý là máy chủ.
- Các giao thức định tuyến nhằm cung cấp sự trao đổi dữ liệu liên tục trong các mạng. Trong một mạng lớn như mạng lưới liên kết các nguồn tài nguyên số giữa các cơ quan thư viện - thông tin sẽ có rất nhiều định tuyến. Việc cập nhật bảng định tuyến một cách thủ công là hoàn toàn không thể. Do đó, cần xây dựng một giao thức định tuyến để chọn đường dẫn tốt nhất cho các gói tin, cung cấp các tiến trình để chia sẻ thông tin định tuyến và cho phép liên lạc với các routing (định tuyến - đường đi từ mạng này đến mạng khác) khác để cập nhật và duy trì bảng định tuyến.
- Bảo đảm tính bảo mật thông tin. Khi cài đặt IoT cho các máy chủ của thư viện số, các thiết bị, các bộ điều khiển hoạt động cần được xác thực và mã hoá nhằm tránh các cuộc tấn công bất hợp pháp, bảo vệ và tránh mã độc xâm nhập vào các thiết bị IoT và các router (bộ định tuyến/ thiết bị định tuyến - thiết bị mạng máy tính dùng để chuyển các gói dữ liệu qua một liên mạng và đến các đầu cuối). Đồng thời thực hiện mã hoá dữ liệu, xác thực mạng an toàn và liên tục cập nhật thiết bị IoT với các hệ điều hành.
Kết luận
Mặc dù IoT vẫn đang trong giai đoạn mới bắt đầu được áp dụng triển khai nhưng phạm vi ứng dụng của nó vô cùng lớn và ngày càng mở rộng ra nhiều lĩnh vực. Nhân loại đã và đang bước sang một xã hội mới - xã hội thông tin. Thế kỷ XXI, thế kỷ được dự báo có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc cả trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, có ảnh hưởng đến sự tiến bộ xã hội nói chung và hoạt động thư viện - thông tin nói riêng. Thông tin trở thành yếu tố không thể thiếu, giúp con người đổi mới, hoàn thiện các quy trình và phương pháp sản xuất hiện hành, phát triển kinh tế và nâng cao sức sản xuất. Để giúp người dùng tin tiếp cận nguồn thông tin số nhanh hơn, đầy đủ hơn, chính xác hơn đòi hỏi ngành Thư viện - Thông tin phải không ngừng nghiên cứu, nỗ lực trong điều kiện mà công nghệ điện tử và viễn thông đang là ngành khoa học mũi nhọn. Nếu công nghệ IoT được phát triển rộng rãi, ứng dụng không chỉ trong hoạt động thư viện - thông tin mà cả trong tạo lập và quản lý nguồn tài nguyên số của thư viện sẽ mang lại hiệu quả và lợi ích không nhỏ cho người dùng tin, góp phần nâng cao tri thức, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Tổng luận Internet vạn vật: hiện tại và tương lai, 2016.
2. IoT là gì? Ứng dụng của IoT trong cuộc sống hiện đại. http://dvms.vn/tin-tuc/tin-nganh/ 245-iot-la-gi-ung-dung-cua-iot-trong-cuoc-song-hien-dai.html. Truy cập ngày 30/05/2017.
3. Nền tảng Internet of things sẽ như thế nào trong 5 năm tới. http://genk.vn/do-choi-so/nen-tang -internet-of-things-se-nhu-the-nao-trong-5-nam-toi-20150207141454998.chn. Truy cập ngày 30/05/2017.
4. An introduction to the internet of things (IoT): Part 1 of ”The IoT series” / Lopez Research LLC, 2013. - P. 2.
5. Avans Dave. L’internet des objets: comment l’évolution actuell d’internet transforme – t- elle le monde?, 2011. http://www.cisco.com/c/dam/ global/en_ca/solutions/executive/assets/pdf/internet-ofthings-fr.pdf. Truy cập ngày 11/12/2017.
6. Morelon, Dominique. Les objets conservés dans les bibliothèques : rencontres professionnelles de Bibliopat // Actualités de la conservation. - 2015. - No. 33. - 5 p.
7. Oliver Wyman. Internet des objets: les business model remis en cause?. - Marsh & McLennan compagnies, 2015.
8. Par Patrick Gray. 10 choses à savoir sur l’internet des objets, 2013. http://www.zdnet.fr/actualites/10-choses-a-savoir-sur-l-internet-des-objets-39788312.htm. Truy cập ngày 11/12/2017.
9. Union international des télécommunications (UIT). Termes et définitions applicables à l'Internet des objets, 2012.
___________________________
ThS. Nguyễn Thị Minh Phượng
Thư viện Học viện Hành chính Quốc gia
Nguồn : Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 5. - Tr. 23-28.
< Prev | Next > |
---|
- Học sinh và vấn đề đạo đức trong sử dụng thông tin
- Những thay đổi trong công tác biên mục - tiền đề chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- Một số vấn đề trong quản lý dữ liệu nghiên cứu của các thư viện
- Vai trò của các thư viện trong xã hội tri thức mở
- Một số mô hình tổ chức và hoạt động của thư viện trường phổ thông
- Nghiên cứu nhu cầu tin của người khiếm thị nhằm mở rộng công tác phục vụ người dùng tin tại các cơ quan thông tin, thư viện Việt Nam
- Nâng cao năng lực của người làm công tác phục vụ trong thư viện đại học
- Những vấn đề đặt ra đối với hoạt động thư viện trong công an nhân dân thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
- Phân tích các kỹ năng cốt lõi nhằm sử dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở
- Nhận thức của sinh viên về vấn đề bản quyền tiếp cận từ góc độ tài nguyên giáo dục mở