Đặt vấn đề
Cuộc cách mạng truyền thông kỹ thuật số xuất hiện vào cuối thế kỷ XX đã tạo một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử truyền thông nhân loại, tạo nên một cơ hội chưa bao giờ tốt hơn trong việc lưu giữ và truyền tải thông tin. Với những phương tiện và phương thức truyền thông trên nền tảng kỹ thuật số, con người hôm nay có khả năng tiếp cận, khai thác và sở hữu thông tin nhanh chóng, chính xác và thuận tiện. Xuất bản phẩm điện tử chính là một trong những sản phẩm của cuộc cách mạng truyền thông, đó là các tài liệu được số hoá, được quét bằng các thiết bị kỹ thuật số hoặc được tạo bởi một thiết bị máy tính, tài liệu sẽ được lưu trữ bằng các phương tiện điện tử và được tìm kiếm, khai thác sử dụng một cách dễ dàng dưới các dạng thức thông dụng như PDF, HTML hoặc TXT.
Xuất bản phẩm điện tử có những ưu thế mà sách in không có. Mỗi máy đọc có thể chứa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn quyển sách in, đó là một thư viện bỏ túi. Người dùng tin có thể đọc được bất cứ thời gian nào (có thể đọc dưới ánh nắng, trong đêm tối), có thể điều chỉnh phông chữ lớn nhỏ tuỳ thích, đọc ở trang chọn lựa và làm dấu trang đã đọc, liên kết (links) với những trang mạng để đọc thêm những tài liệu liên quan đến một chủ đề, một từ ngữ, kể cả nghe nhạc và xem các hình ảnh. Những ưu thế này tiện lợi cho các loại sách tham khảo, nghiên cứu, đặc biệt cho học sinh, sinh viên không phải mang theo những túi sách cồng kềnh, nặng trĩu, chính vì thế mà hiện nay nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Ôxtrâylia đã bắt đầu sản xuất các tài liệu giáo khoa bằng điện tử.
1. Xu hướng phát triển của xuất bản phẩm điện tử trên thế giới và Việt Nam
Theo dự báo của nhiều nước phát triển, trong tương lai gần, xuất bản phẩm điện tử sẽ là một phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản. Quá trình ra đời và hoàn thiện không ngừng của tài liệu điện tử với những tiện ích vượt trội so với tài liệu giấy đã và đang mở ra một thời cơ mới cho ngành Xuất bản. Người ta tin rằng, tài liệu điện tử sẽ là tác nhân chính tạo nên sự thay đổi lớn trong ngành Xuất bản, Phát hành, các cơ quan thư viện - thông tin trong tương lai vì xuất bản phẩm điện tử từ người viết đến với công chúng sẽ được rút ngắn thời gian tối đa; hệ thống phát hành trực tuyến trên mạng, các nhà xuất bản có thể trực tiếp bán hàng cho tất cả các khách hàng trên thế giới mà không phải mất thời gian, phí vận chuyển sách; do có nhiều tính năng hấp dẫn như âm thanh, hình ảnh và tính tương tác cao, sách điện tử (ebook) đã thu hút được một bộ phận lớn thanh, thiếu niên tham gia vào việc đọc, thúc đẩy văn hoá đọc phát triển; sự phát triển nhanh chóng của công nghệ điện tử, kỹ thuật số qua các thiết bị cá nhân như: điện thoại thông minh, Ipad, Kindle, Nook…; khả năng cung cấp Internet ngày càng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn đã tác động mạnh mẽ đến phương thức đọc.
1.1. Thị trường xuất bản phẩm trên thế giới
Bảng 1: Thống kê thị phần xuất bản phẩm điện tử trên thế giới [11]
Hiện nay, đứng đầu trên thế giới là 5 nền tảng xuất bản sách điện tử đó là: Amazon.com (Hoa Kỳ), BN.com Nook (Hoa Kỳ), Apple iBooks (Hoa Kỳ), Kobo.com (Canada), Google Play Books (Hoa Kỳ). Trong đó, Amazon có thị phần lớn nhất cả về doanh số và doanh thu, chiếm 71% thị phần.
Biểu đồ 1: Thống kê doanh thu xuất bản phẩm thế giới phân theo khu vực [12]
Doanh thu sách điện tử toàn cầu vẫn đang trên đà tăng trưởng liên tục hàng năm. Trong đó, nhờ có sự góp mặt của thị trường Hoa Kỳ, khu vực Bắc Hoa Kỳ có doanh thu lớn nhất thế giới, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của thị trường Tây Âu và Châu Á Thái Bình Dương lại có xu hướng tăng cao hơn.
Biểu đồ 2: Thống kê doanh thu xuất bản phẩm thế giới phân theo thể loại [13]
Doanh thu dòng sách hư cấu (fiction) như các thể loại tiểu thuyết, truyện, thơ… chiếm tỷ lệ cao nhất và đóng góp trên 50% tổng doanh thu sách điện tử thế giới. Các tác phẩm bán chạy nhất thế giới đều thuộc về thể loại này như The Door (2015), The Association of Small Bombs (2016), Autumn (2017)…
Biểu đồ 3: Thiết bị dùng để đọc sách điện tử của bạn đọc trên thế giới[14]
Người dùng tin ở Hoa Kỳ ưa thích đọc sách điện tử bằng máy tính bảng nhất, các nước châu Âu lại có thiên hướng sử dụng máy đọc sách hơn. Trong khi đó, các nước châu Á lại chủ yếu đọc sách điện tử bằng các thiết bị đa chức năng như điện thoại thông minh.
Bảng 2: Số tiền bạn đọc thế giới sẵn sàng chi trả cho sách điện tử [15]
25% người dùng tin thế giới sẵn sàng chi trả từ 13 đô la (tương đương với 299.000 đồng) trở lên để mua 01 cuốn sách điện tử.
1.2. Thị trường xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam
Biểu đồ 4: Số lượng xuất bản phẩm điện tử được đăng ký xuất bản (ĐVT: cuốn) [3]
Số lượng sách điện tử được đăng ký xuất bản liên tục giảm trong giai đoạn 2015-2017, năm 2017 và dự kiến 2018 số sách điện tử sẽ giảm mạnh chỉ bằng khoảng 35% so với năm 2016.
Tuy nhiên, trên trang Waka.vn (là nền tảng xuất bản phẩm điện tử số một Việt Nam, trực thuộc Công ty Cổ phần Bạch Minh, ra đời năm 2014) [16] thì số lượng sách điện tử lại tăng liên tục qua các năm, Waka liên tục đàm phán với các nhà sách, nhà xuất bản, tác giả để tăng số lượng đầu sách cho người dùng tin. Đặc biệt từ cuối năm 2016, Waka đã bắt đầu khởi động dự án xuất bản sách điện tử độc quyền với các tác giả, dịch giả trong nước. Dự kiến năm 2018 số lượng sách điện tử sẽ tăng vọt so với những năm trước.
Biểu đồ 5: Số lượng sách điện tử trên Waka [16]
Bảng 3: Tỷ lệ sách điện tử đã được xuất bản theo thể loại, nội dung[9]
Tương tự như thị trường sách giấy, sách thuộc lĩnh vực sách văn học và sách thiếu nhi chiếm tỷ lệ cao nhất trên thị trường sách điện tử.
Biểu đồ 6: Doanh thu sách điện tử (ĐVT: Tỷ đồng)
Doanh thu thị trường sách điện tử Việt Nam liên tục tăng trong giai đoạn 2015 - 2017 với tốc độ bình quân đạt 165,1%, năm 2017 có giảm nhẹ so với năm 2016, chỉ đạt 90% [4].
Bảng 4: Số tiền bạn đọc Việt Nam sẵn sàng chi trả cho sách điện tử
Theo số liệu thống kê của trang Waka, năm 2016 chỉ có 10,06% người dùng tin chi tiêu cho sách điện tử nhiều hơn 100.000VNĐ/năm thì đến năm 2017, con số này đã tăng lên đến 35,79%. Điều này chứng tỏ người dùng tin ngày càng có xu hướng lựa chọn nền tảng điện tử cho việc đọc của mình và đồng thời sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sách điện tử.
Biểu đồ 7: Bạn đọc Việt Nam đọc sách điện tử như thế nào [10]
Điểm qua một vài số liệu thống kê đủ để minh chứng rằng, chỉ trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, cục diện sách trên thế giới và Việt Nam đã bắt đầu có sự chuyển hướng rõ nét với lợi thế cạnh tranh đang dần nghiêng về sách điện tử.
Tại Việt Nam, tuy chỉ manh nha trong vài năm trở lại đây nhưng xuất bản sách điện tử cũng đang mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành Xuất bản. Sự phát triển của xuất bản điện tử ở Việt Nam sau một quá trình tự phát và kinh doanh nhỏ lẻ nay đã hướng đến việc nâng tầm và chuyên môn hoá.
Tính đến đầu năm 2016, cả nước có khoảng 10 đơn vị tham gia thị trường sách điện tử như: Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Công ty sách Phương Nam, Vinapo, Lạc Việt… Ngoài ra, còn có những đơn vị mới chuyên phát hành sách điện tử như Tiki và Vinabook. Từ chỗ chỉ phát hành thử nghiệm, các công ty đã cung cấp cho người dùng tin số lượng đầu sách khá đa dạng, hình thức hiện đại, bắt mắt.
Các nhà xuất bản đã nắm bắt thời cơ khi chuẩn bị những nguồn sách dồi dào, cụ thể: Công ty Sách điện tử của Nhà xuất bản Trẻ đã liên kết với Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh cung cấp 20.000 đầu sách điện tử, cung cấp nhiều tài liệu miễn phí và khai thác kinh doanh các tài liệu có bản quyền, đa dạng nhiều lĩnh vực văn học, kinh tế, y học, công nghệ, khoa học, kỹ năng sống…; Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh với trang sách điện tử sachweb.vn có 782 tựa sách; từ năm 2013, Nhà xuất bản Giáo dục đã chính thức giới thiệu bộ sách giáo khoa điện tử Classbook. Bộ sách tích hợp 310 cuốn sách giáo khoa, sách bài tập từ lớp 1 đến lớp 12 cùng hơn 20 ứng dụng bổ trợ cho nhiều môn học; Công ty Lạc Việt cũng đã số hoá gần 5.000 đầu sách, đồng thời tự phát triển định dạng sách điện tử riêng và bộ đọc LacViet-reader nhằm tránh sao chép.
Ngày 12/8/2016, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân cũng ra mắt hệ thống phát hành sách điện tử Nhà xuất bản Công an nhân dân, đáp ứng xu thế phát triển ngành Xuất bản và những ưu điểm của sách điện tử. Đến nay, hệ thống này đã cơ bản hoàn thành.
Theo Waka, tính đến cuối năm 2017 đơn vị này đang sở hữu khoảng 15.000 đầu sách điện tử. Bạn đọc chính của Waka nằm trong độ tuổi từ 18-35 và được đánh giá có thời gian đọc đều và nhiều. Chương trình “Thử thách đọc sách” được Waka tổ chức vào tháng 4 hàng năm, số người dùng tin tham gia vào khoảng 40.000 người và gần 500 người tham gia có mức đọc sách đạt 3 cuốn/ tháng [16].
Ngoài ra, một số nhà xuất bản, công ty cũng đã bắt đầu tham gia vào thị trường sách điện tử như Viettel, First New, Fahasa và FPT cũng đang triển khai dự án sách điện tử riêng. Còn những nhà xuất bản, công ty liên kết xuất bản nếu không đủ sức đầu tư cho kho sách số của riêng mình thì liên kết với Alezaa.com để mở kho sách số chung (gồm 10 đơn vị: Alpha Books, Trí Việt, Nhã Nam, Chibooks, Phương Đông, Quảng Văn, Thái Hà books, Thời Đại, Tư pháp, Tinta Books).
Nhận thức được xu thế tất yếu của hình thức xuất bản điện tử, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương, định hướng để tạo điều kiện cho loại hình xuất bản này phát triển. Ngay từ Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đề cập đến một số định hướng và giải pháp, trong đó yêu cầu phải đổi mới, nâng cấp và từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất - kỹ thuật và công nghệ xuất bản…; Áp dụng công nghệ thông tin để hiện đại hoá quy trình biên tập và thực hiện quản lý xuất bản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Nghiên cứu thí điểm xuất bản sách điện tử, trung tâm thông tin về sách; bổ sung các quy định pháp lý, chính sách để các nhà xuất bản chủ động tham gia quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt đối với vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ và xuất bản điện tử… Bên cạnh đó, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm hướng dẫn và quản lý chặt chẽ hoạt động xuất bản điện tử như Điều 25 Luật Xuất bản 2004, Điều 11b Nghị định số 11/2009/NĐ-CP và các điều từ Điều 45 đến Điều 51 Luật Xuất bản 2012.
3. Tác động của xuất bản phẩm điện tử đối với hoạt động thư viện
3.1. Thị trường xuất bản phẩm điện tử
Xuất bản phẩm điện tử là phiên bản kỹ thuật số của tài liệu in, được phân phối thông qua các tập tin trên mạng Internet. Xuất bản phẩm điện tử có thể được đọc trên các thiết bị đọc, máy tính bảng, máy tính cá nhân, điện thoại thông minh...
Thị trường xuất bản phẩm điện tử đang trải qua một giai đoạn của sự chuyển đổi. Các nhà phát triển đang giới thiệu các định dạng mới, các nhà sản xuất công nghệ đã, đang nghiên cứu và tạo ra các thiết bị mới, các nhà xuất bản đang tạo ra mô hình kinh doanh mới và quan trọng hơn cả là người dùng tin đang tạo ra những bước nhảy vọt trong việc chuyển từ đọc tài liệu giấy sang tài liệu điện tử. Xuất bản phẩm điện tử và các thiết bị đọc tài liệu điện tử đang theo thời gian tăng tốc và đang sẵn sàng làm thay đổi ngành công nghiệp sách.
Xuất bản phẩm điện tử có rất nhiều lợi thế:
- Đối với tác giả, họ không phải lo lắng về chi phí xuất bản và số lượng in ấn, không phải thuê gian hàng, tốn chi phí vận chuyển.
- Đối với người dùng tin, nội dung tài liệu đa dạng, giá cả phải chăng, lại có nhiều thiết bị giúp họ đọc thoải mái như đọc tài liệu in.
* Khả năng sử dụng xuất bản phẩm điện tử
Xuất bản phẩm điện tử cho phép người dùng tin thư viện tiếp cận ấn phẩm và phân tích nội dung của nó bằng các phương thức mới. Xuất bản phẩm điện tử có thể truy cập, tra tìm tài liệu đồng thời theo nhiều dấu hiệu khác nhau hay còn gọi là khả năng đa truy cập như tìm tin theo các yếu tố mô tả thư mục thông thường với các toán tử tìm thu gọn, tìm theo các liên kết tới các nguồn tham khảo, trích dẫn. Điều này cho phép người dùng tin có thể mở rộng hay thu hẹp phạm vi tìm kiếm, rút ngắn thời gian tra tìm, thu thập, hợp nhất thông tin cần thiết vào các tài liệu khác, bổ sung tìm, tham khảo chéo giữa các ấn phẩm khác nhau và giảm thiểu tập tin
Xuất bản phẩm điện tử cho khả năng truy cập từ xa trong mọi điều kiện không gian, thời gian. Trong môi trường thông tin điện tử, về nguyên tắc, người dùng tin có thể tiếp cận tới nguồn tin từ mọi lúc, mọi nơi trên thế giới thông qua mạng máy tính. Người dùng tin có thể ngồi tại nhà, tại phòng làm việc thay vì phải đến thư viện vẫn có thể đọc được các cuốn sách, tạp chí bằng cách ngồi vào máy tính click chuột đến thư mục sách, báo, tạp chí, tài liệu tham khảo, gõ vào đó là những từ khoá… mà họ muốn tìm kiếm hay truy nhập vào các cơ sở dữ liệu của các thư viện, các cơ quan thông tin trên khắp thế giới.
Một đặc điểm khác của xuất bản phẩm điện tử là khả năng cho phép nhiều người dùng tin cùng sử dụng một tài liệu cùng một thời điểm. Điều này cho phép các cơ quan thư viện - thông tin có thể tổ chức phục vụ một số lượng người dùng tin nhiều hơn so với phục vụ theo kiểu truyền thống.
Xuất bản phẩm điện tử giúp cho người dùng tin khả năng liên hệ, tiếp cận với các tác giả, tạo ra một kênh phản hồi thông tin giữa người dùng tin và người sáng tạo ra thông tin. Bằng việc tạo ra các địa chỉ kết nối thông qua mạng tới các địa chỉ của các tác giả, tới các bài viết cùng tác giả, tới các bài viết về cùng vấn đề của các tác giả khác ngay trong tài liệu, hay cho phép liên kết tới các nguồn thông tin khác ngoài văn bản hiện thời như liên kết tới các nguồn tham khảo. Nguồn tin điện tử có thể giúp người dùng tin dễ dàng theo dõi được quá trình phát triển của vấn đề và dễ dàng liên hệ với các tác giả qua thư điện tử, hay tham gia vào các diễn đàn trao đổi thông tin với người dùng tin khác qua mạng Internet.
Xuất bản phẩm điện tử mang lại quyền bình đẳng, quyền lợi người dùng tin như nhau cho dù họ là ai, họ ở cấp bậc cao hay thấp trong xã hội. Nó đáp ứng nhu cầu thông tin của người dùng tin ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; đảm bảo quyền và nhu cầu thông tin của người dùng tin để người dùng tin tiếp cận đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình mọi mặt trong nước và quốc tế qua các phương tiện, loại hình thông tin phù hợp, với chất lượng tốt, hấp dẫn, kịp thời.
* Khả năng kết nối nguồn tài nguyên số với môi trường học tập trực tuyến (E-learning)
E-learning bao gồm nhiều loại phương tiện truyền thông, các ứng dụng công nghệ và cung cấp nguồn học liệu đa dạng như: văn bản, âm thanh, hình ảnh, hoạt hình, video... tạo nên một quá trình học tập trực tuyến.
Phát triển tài nguyên số nhất thiết phải được xem xét trong bối cảnh của các sáng kiến nhằm thống nhất cấu trúc công nghệ thông tin của một trường học, thay đổi quy trình học tập thông qua một công nghệ sáng tạo và thúc đẩy sự tích hợp những chức năng cũng như triển khai các dịch vụ cho sinh viên bằng công nghệ và truyền thông.
Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và truyền thông, sự mở rộng nội dung số ở phạm vi toàn cầu ngày càng tăng, đã và đang tạo ra một môi trường học tập ảo (Virtual Learning Environment) để chuyển giao và nâng cao khả năng trải nghiệm những gì học ở lớp, hoặc tiến hành học tập bên ngoài khuôn viên trường học truyền thống. Tài nguyên số và thư viện số là yếu tố không thể thiếu của môi trường học tập mới này.
Trong xu thế phát triển xuất bản phẩm điện tử liên tục, mạnh mẽ như hiện nay, các cơ quan thư viện - thông tin đang mở rộng vai trò và thay đổi mối quan hệ giữa cơ quan thư viện - thông tin với các bộ phận khác trong việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu học thuật.
Và xu hướng sử dụng rộng rãi xuất bản phẩm điện tử là tất yếu trong tương lai, vì thế các cơ quan thư viện - thông tin, nhất là các thư viện đại học và cao đẳng cần phải có tầm nhìn và có kế hoạch chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng.
Các nhà phát triển thư viện đều nhất trí rằng sự tích hợp trong thư viện số là một vấn đề cần nhất quán, để vận hành gắn kết với hạ tầng của một thư viện hiện có một hệ thống quản lý đa phương tiện lưu trữ các thông tin số hoá, đồng thời cũng phải chuyển giao được các chức năng ứng dụng thư viện thực sự. Bởi thế, các thành phần cấu thành thư viện số cần được phát triển để thu thập, mã hoá và chuyển giao thông tin phù hợp với các tiêu chuẩn thực hành được hậu thuẫn rộng rãi bởi ngành thư viện - thông tin.
Kết luận
Hiện nay, các xuất bản phẩm điện tử đang phát triển nhanh chóng trong các thư viện và các đặc điểm của nó mang lại nhiều lợi ích, đáp ứng nhu cầu thiết thực đối với người dùng tin. Bên cạnh đó, các xuất bản phẩm điện tử cũng có những ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược, phương thức tổ chức, quản lý và chính sách bảo quản lâu dài trong các môi trường đa dạng. Trong đó, các xuất bản phẩm điện tử được sản sinh đã tạo ra những sản phẩm khác nhau và như vậy trong công tác bổ sung, thư viện cần phải nắm vững kiến thức về các đặc điểm của loại xuất bản phẩm này, trên cơ sở đó có sự tổ chức, quản lý, sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo điện tử Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Báo cáo tổng kết công tác xuất bản và phát hành năm 2014, 2015, 2016. Truy cập ngày 20/08/2018.
2. Bộ Thông tin Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành. Báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2016.
3. Bộ Thông tin Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành. Xác nhận đăng ký xuất bản 6 tháng đầu năm 2017.
4. Bộ Thông tin Truyền thông, Cổng thông tin điện tử. Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Truy cập ngày 20/08/2018.
5. Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
6. Khuất Duy Kim Hải, Nguyễn Hải Bình. Xuất bản phẩm điện tử - Triển vọng và thách thức // Hội thảo “Xây dựng các giải pháp, huy động nguồn lực xã hội để phát triển sự nghiệp Xuất bản - In - Phát hành” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 14/6/2013.
7. Nguyễn Thị Hạnh. Xuất bản điện tử // Tạp chí Thông tin và tư liệu. - 2004. - Số 2. - Tr. 27-32.
8. Luật xuất bản số 19/2012/QH13.
9. Waka, 2017. Khảo sát về thị trường sách và Văn hoá đọc của người Việt. https://spiderum.com/ bai-dang/Sach-1-Thi-truong-Sach-Viet-Nam-2017-aag. Truy cập ngày 20/08/2018.
10. Waka, 2017. Hệ thống thống kê BI Waka. https://waka.vn/tap-chi-chi-tiet/bao-cao-thi-truong-sach-viet-nam-so-lieu-waka-2017-m23EW.html. Truy cập ngày 20/08/2018.
11. Digital Book Word Keynote Presentation. http://authorearnings.com/2016-digital-book-world-presentation. Truy cập ngày 21/08/2018.
12. Global e-Books revenue from 2009-2016 by region (in million U.S. Dollar), 2016. https://www. statista.com/statistics/280249/global-e-book-revenue-by-region. Truy cập ngày 21/08/2018.
13. Global e-Books Market Size and Forecast, Trend Analysis 2014 to 2024,2017. https://www.hexaresearch .com/research-report/e-book-market. Truy cập ngày 21/08/2018.
14. SuperData_Paypal Digital Media Consumer Study _Cross-Country eBooks Gaming Global Final. https:// www.paypalobjects.com/digitalassets/c/website/marketing/global/shared/global/media-resources/documents/ paypal-global-gaming-and-ebooks-study.pdf. Truy cập ngày 21/08/2018.
15. 2011 Survey of Book-buying Behavior, 2012. http://www.versoadvertising.com/Wi7survey2012 Truy cập ngày 21/08/2018.
16. https://waka.vn/tap-chi-chi-tiet/bao-cao-thi-truong-sach-viet-nam-so-lieu-waka-quy-i-2018-mLorW.html. Truy cập ngày 21/08/2018.
17. https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh -nghiep/doanh-nghiep-viet/waka-nguoi-viet-chi-nhieu-tien-hon-cho-sach-dien-tu-3741138.html. Truy cập ngày 21/8/2018.
__________________
ThS. Trần Thị Trà Vi
Khoa Thư viện - Thông tin, trường Đại học Văn hoá Tp. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 6. - Tr. 23-29.
< Prev | Next > |
---|
- Pháp luật quyền tác giả trong hoạt động của thư viện một số đánh giá và kiến nghị hoàn thiện
- Thư viện công cộng trong bức tranh xoá đói giảm nghèo
- Hệ sinh thái thư viện - Xu hướng phát triển tất yếu
- Kết quả thực nghiệm mô hình đánh giá chất lượng dịch vụ thư viện - thông tin tại hệ thống thư viện đại học Việt Nam
- Nghiên cứu ứng dụng Internet of Things trong tạo lập, quản lý tài nguyên số
- Học sinh và vấn đề đạo đức trong sử dụng thông tin
- Những thay đổi trong công tác biên mục - tiền đề chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- Một số vấn đề trong quản lý dữ liệu nghiên cứu của các thư viện
- Vai trò của các thư viện trong xã hội tri thức mở
- Một số mô hình tổ chức và hoạt động của thư viện trường phổ thông