Về khái niệm tài liệu cổ

E-mail Print

Đặt vấn đề

Một trong những nhiệm vụ của các cơ quan văn hoá là kế thừa, gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hoá của nhân loại, làm cho di sản quý báu đó được tiếp nối và đổi mới phù hợp với thời đại. Lịch sử cho thấy các cơ quan văn hoá như thư viện, cơ quan lưu trữ… đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá, trong đó có di sản văn hoá thành văn, đặc biệt là các tài liệu cổ mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá lớn. Hiểu như thế nào về tài liệu cổ? Tài liệu cổ và tài liệu quý hiếm giống nhau hay khác nhau? Trên thực tế, trong nhiều năm qua, các nhà sưu tầm, nhà thư viện, nhà lưu trữ đã đưa ra nhiều quan điểm về khái niệm “tài liệu cổ”. Việc xác định nội hàm khái niệm “tài liệu cổ” giúp nhận định đầy đủ về loại hình tài liệu này, đồng thời tiếp tục tạo tiền đề cho các nghiên cứu, nhằm làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn cho các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu cổ trong giai đoạn hiện nay.

1. Quan điểm của các chuyên gia sưu tầm

Thuật ngữ “sách cổ” (antiquarian book) được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm và mua bán cổ vật (antiquarian trade) trên thế giới để chỉ các loại sách, báo - tạp chí “cổ” và “quý hiếm”. Các chuyên gia trong lĩnh vực sưu tầm sách cổ đều cho rằng khái niệm “sách cổ” không chỉ giới hạn ở tuổi đời của sách mà còn liên quan chặt chẽ đến nhu cầu của thị trường (giá trị) đối với sách.

Từ điển Oxford (2018) giải thích hai từ loại của “antiquarian”, trong đó, tính từ “antiquarian” chỉ những gì liên quan hoặc thuộc về cổ vật hoặc sách hiếm, thí dụ “antiquarian booksellers” nghĩa là người buôn sách cổ; hoặc chỉ những gì liên quan đến nghiên cứu về cổ vật. Danh từ “anti- quarian” nghĩa là người nghiên cứu hoặc sưu tầm cổ vật. Thuật ngữ “antiquarian” được sử dụng lần đầu từ thế kỷ XVII, có nguồn gốc từ “antiquarius” trong tiếng La tinh có nghĩa là cổ vật [15].

Là một trong những chuyên gia hàng đầu Hoa Kỳ về sưu tầm và buôn bán sách cổ, đồng thời là cựu Chủ tịch Hiệp hội các nhà buôn sách cổ Hoa Kỳ (Antiquarian Booksellers’ Association of America

ABAA), cựu Chủ tịch Liên đoàn các nhà bán sách cổ quốc tế (International League of Antiquarian Booksellers - ILAB), Thomas E. Congalton nhận định trong Bảng chú giải thuật ngữ “sách cổ” trên trang Between the Covers: “Người ta thường cho rằng sách cổ gắn với một thời kỳ hoặc đặc trưng quá khứ nhất định vì nghĩa khái quát của từ “cổ” trong ngôn ngữ Anh (có nghĩa là liên quan đến cổ vật, những thứ thuộc về thời cổ đại hoặc các giai đoạn trước đây). Tuy nhiên, ngành kinh doanh sách cổ hiện nay (việc mua và bán sách cổ) lại xoay quanh bất cứ loại sách nào được định giá như một đối tượng vật lý vượt ra ngoài giá trị của nó với tư cách là một vật mang thông tin (văn bản và/ hoặc minh hoạ)... Một nhà sưu tầm tài liệu chính trị của Anh những năm 1750 chắc chắn đã thu thập các sách cổ, cũng tương tự như vậy đối với các nhà sưu tầm sách bìa mềm nguyên bản của những năm 1950, sách ấn bản đặc biệt những năm 1980, sách đóng theo lối đương đại trước những năm 2000. Tất cả đều là sách cổ, không phụ thuộc việc chúng được in bao lâu. Ấn bản đầu tiên năm 1759 của cuốn Candide được liệt kê trong mục lục 155 của chúng tôi là một cuốn sách cổ, nhưng tương tự, cuốn Fire in the Nuts phiên bản giới hạn, có chữ ký năm 2004 của Hunter S. Thompson cũng được liệt kê trong cùng mục lục này” [10]. Chia sẻ quan điểm tương tự, Arnoud Gerits, cựu Chủ tịch ILAB đã trao đổi trên Hongkong Economic Times năm 2015: “Không có định nghĩa rõ ràng để phân biệt sách hiếm với sách cũ hay sách cổ. Định nghĩa tiêu chuẩn đối với sách cổ là sách phải có tuổi đời trên 100 năm, theo truyền thống thì sách cổ thường là những sách được xuất bản trước năm 1800. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng, ý nghĩa của thuật ngữ này đã thay đổi và các sách hiếm hiện nay còn có thể bao gồm những sách được ra đời vào thế kỷ XX... Cổ không nhất thiết phải hiếm và hiếm không nhất thiết phải cổ. Nhìn chung, tôi cho rằng bất cứ sách nào hiếm, có khả năng sưu tầm và không được tiếp tục xuất bản nữa đều được coi là sách hiếm hoặc sách cổ… Sách cũ hay sách cổ hoặc sách hiếm đều có nguồn cung giới hạn vì chúng không được tiếp tục làm, sản xuất và in ấn nữa” [20]. Carter (2004) cho rằng chưa bao giờ có ranh giới rõ ràng giữa sách hiếm, sách cổ và sách đã qua sử dụng, ranh giới này cũng sẽ không bao giờ có thể xác định rõ được [11].

ABAA giải đáp cho câu hỏi “Một cuốn sách có tuổi đời bao nhiêu thì được gọi là cổ?” như sau: “Rất hiếm khi các cuốn sách có giá trị chỉ vì chúng đã cũ - đáng ngạc nhiên là có nhiều cuốn sách một, hai và ba trăm năm tuổi đã tồn tại với số lượng lớn nhưng lại không được quan tâm sưu tầm. Trong khi đó, sách, báo hoặc ấn bản giới hạn được xuất bản gần đây lại có thể có giá cao trên thị trường sách hiếm. “Cổ vật” là một thuật ngữ rất mơ hồ đối với trường hợp những cuốn sách có thể được sưu tầm trái ngược với những sách đã qua sử dụng” [5]. Cũng theo ABAA, những người sở hữu sách hoặc bản thảo cổ thường quan tâm làm thế nào để xác định giá trị của các tài liệu này. Việc xác định giá trị của sách cổ không hề đơn giản và hiện tại chưa có bất cứ tài liệu nào hướng dẫn cách định giá. ABAA cho rằng giá trị của một cuốn sách được xem xét dựa trên nhiều yếu tố: Tầm quan trọng nội tại của tác phẩm; Sự khan hiếm của tác phẩm; Sự quan tâm của người sưu tập đối với tác phẩm.

Phân tích từ thị trường, ABAA nhận định những cuốn sách được tìm kiếm nhiều nhất là những phiên bản đầu tiên của các tác phẩm tiểu thuyết, nhân văn, khoa học tiêu biểu. Đối với trường hợp tài liệu là bản sao của một cuốn sách, theo ABAA, giá trị của bản sao phụ thuộc vào một số yếu tố khác như: Tình trạng; Kỹ thuật đóng sách; Nguồn gốc; Tầm quan trọng của bất cứ câu chữ nào có trong tài liệu.

Đối với trường hợp tài liệu là bản thảo chép tay, giá trị tài liệu còn được xem xét dựa trên một số yếu tố khác như chữ viết, chữ ký của những người nổi tiếng… [5].

2. Quan điểm của các nhà thư viện, chuyên gia lưu trữ

Quan điểm của các nhà thư viện, lưu trữ học về sách cổ, tài liệu cổ ở các vùng miền, các quốc gia khác nhau cũng không đồng nhất. Ở Nga, trong bản Quy định về danh mục nhà nước những tài liệu quý, hiếm thuộc phông lưu trữ Liên bang Nga (Ban hành kèm theo Quyết định số 75 ngày 9/10/2001 của Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga) quy định về niên hạn tài liệu cổ là những tài liệu có từ cuối thế kỷ XVII trở về trước nhưng cũng nói rõ phải căn cứ vào “số lượng tài liệu cổ đại còn tồn tại cho đến ngày nay, ở vùng này hay vùng khác mà mốc thời gian ấn định để coi tài liệu có thuộc diện có niên hạn cổ đại hay không để đưa vào Danh mục Nhà nước”. Ở Trung Quốc, theo Chen (2003) sách cổ là “các sách phản ánh nền văn hoá Trung Hoa được tạo ra với các dạng thức truyền thống và được xuất bản trước năm 1911” [12].

Song song với thuật ngữ “antiquarian”, một thuật ngữ khác được các chuyên gia trong lĩnh vực thư viện nhắc đến phổ biến hơn là “rare book” (sách hiếm) và “rare material” (tài liệu hiếm). Trong các quan điểm về “sách hiếm” hoặc “tài liệu hiếm” có một điểm chung là những tài liệu cổ, có giá trị được bao hàm trong hai khái niệm này.

Theo Từ điển Oxford, sách hiếm được định nghĩa là “sách có giá trị hoặc được quan tâm đặc biệt nhờ tuổi đời, xuất bản có giới hạn, cách đóng bìa hoặc các yếu tố lịch sử khác; thường mang tính quy kết”. Thuật ngữ sách hiếm được dùng lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XVI bởi John Rainolds (1549 - 1607) - nhà thần học, học giả người Anh [15]. Theo Từ điển thuật ngữ Khoa học Thông tin Thư viện ALA (2013), sách hiếm là “một cuốn sách được ao ước, ít khi hoặc đôi khi xuất hiện trên thị trường sách cổ. Thông thường các sách được coi là hiếm bao gồm các loại như: sách in cổ ở thế kỷ XV, sách xuất bản ở Hoa Kỳ trước năm 1800, ấn bản đầu tiên của các văn bản hay tác phẩm quan trọng, sách đóng bìa quý, sách độc bản, sách quan trọng đối với các hội đoàn. Các mức độ của tính hiếm rất đa dạng tuỳ thuộc vào nhu cầu của thị trường sách cổ. Sách hiếm thường được lưu giữ trong các bộ sưu tập đặc biệt hoặc các bộ sưu tập nghiên cứu của thư viện”. Từ điển này cũng đưa ra định nghĩa về bộ sưu tập sách hiếm như sau: “Bộ sưu tập đặc biệt bao gồm các sách hiếm được tổ chức thành bộ phận riêng biệt với bộ sưu tập tài liệu nói chung do tính hiếm và thông thường là bởi chúng dễ bị hư hại hoặc chúng có giá trị tiềm tàng, giá trị tiền bạc hoặc giá trị nghiên cứu. Bộ sưu tập sách hiếm thường là một phần của bộ sưu tập tài liệu đặc biệt (special collections) hoặc bộ sưu tập tài liệu nghiên cứu (research collections) của thư viện” [12].

Galbraith và Smitth (2012) đặt câu hỏi: “Căn cứ vào đâu mà nhân viên thư viện đánh giá một cuốn sách là hiếm?”. Trả lời câu hỏi này, Galbraith và Smith, hai chuyên gia về sách hiếm và bộ sưu tập đặc biệt đã nhận định một cuốn sách hiếm là do tuổi đời hoặc giá trị tiền bạc của nó khá cao. Sách cũng được xem là hiếm nếu đó là ấn bản giới hạn hoặc được đóng bìa đặc biệt, được chính tác giả hoặc một người nổi tiếng ký tên lên. Bộ sưu tập sách hiếm và tài liệu đặc biệt tại các thư viện không chỉ bao gồm sách mà còn chứa các tài liệu chép tay, ảnh, bản nhạc, các tài liệu và hiện vật khác… [16].

Thư viện Đại học St Andrews Scotland (2018) đưa ra 6 tiêu chí xác định tài liệu như thế nào được coi là “hiếm”, bao gồm: Tuổi đời; Tác phẩm quan trọng hoặc tác phẩm xuất bản lần đầu tiên có thể được sưu tập; Sự khan hiếm ở các thư viện nghiên cứu khác; Giá cả thị trường; Các đặc điểm vật lý và bên trong khác; Điều kiện của tài liệu.

Phòng Sách hiếm của Thư viện công cộng New York tập hợp các sách ra đời từ thế kỷ XV, sách xuất bản tại Hoa Kỳ trước năm 1800, báo xuất bản tại Hoa Kỳ trước năm 1865 và nhiều ấn bản đầu tiên của các tài liệu hiếm [6]. Bộ phận chuyên trách về sách hiếm và bản thảo của ALA RBMS (Rare Books and Manuscripts Section) và ABAA (2011) cho rằng một số loại tài liệu cổ thường được tìm kiếm nhiều như: các sách in trước năm 1501, sách Anh văn in trước năm 1641, sách in ở Hoa Kỳ trước năm 1801 và sách in tại Tây Mixixipi trước năm 1850 [18].

Trên thế giới, việc nghiên cứu về sách hiếm, lịch sử sách và các lĩnh vực liên quan dành được sự quan tâm của giới học giả và các hiệp hội nghề nghiệp. Nhiều trường đào tạo chuyên môn về sách hiếm (Rare Book School) đã ra đời tại Hoa Kỳ (Trường Sách hiếm - Đại học Virginia, Trường Sách hiếm California - Đại học California, Los Angeles), Anh (Trường Sách hiếm - Đại học London), Ôxtrâylia (Trường Sách hiếm Dunedin Ôxtrâylia - Đại học Otago)… Trong chương trình đào tạo của các trường này, các môn học được cung cấp bao quát cả tài liệu cổ - hiếm và tài liệu hiếm - không cổ. Bộ sưu tập tài liệu hiếm và tài liệu cổ được gọi chung dưới cái tên “bộ sưu tập đặc biệt” (special collection) [17]. Những trường sách hiếm kể trên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực thư viện về bộ sưu tập tài liệu đặc biệt [7]. Liên đoàn thư viện quốc tế IFLA và hiệp hội thư viện tại nhiều nước trên thế giới (Hoa Kỳ, Anh, Ôxtrâylia…) đều có bộ phận chuyên trách về sách hiếm và bộ sưu tập đặc biệt, cung cấp nhiều chỉ dẫn và tiêu chuẩn cho những người làm thư viện đảm đương nhiệm vụ quản lý và phục vụ khai thác các tài liệu này. Trong cuốn Biên mục mô tả tài liệu hiếm của Thư viện Quốc hội Mỹ, thuật ngữ “tài liệu hiếm dùng để chỉ bất cứ tài liệu đặc biệt nào mà cơ quan lưu giữ tài liệu lựa chọn để phân biệt với các tài liệu nói chung theo cách chúng được cất giữ, bảo quản hoặc thu thập” [14].

Quan niệm tài liệu cổ không những có tuổi đời dài lâu mà còn phải “hiếm” - có giá trị đã được nhiều từ điển thuật ngữ chuyên ngành đề cập. Từ điển Khoa học Thư viện và Thông tin trực tuyến (Online Dictionary of Library and Information Sciences - ODLIS) định nghĩa: “Sách cổ (antiquar- ian book) là một cuốn sách cũ, đã qua sử dụng, không còn được tái bản nữa, có giá trị hơn so với hầu hết các loại sách cũ vì độ hiếm hoặc tình trạng của nó, thường được bán bởi một người bán sách cổ. Các cuốn sách cổ hiếm và có giá trị được bán đấu giá”. Từ điển về Sách nêu định nghĩa: “Sách cổ là một thuật ngữ không chặt chẽ được dùng để chỉ các sách cũ (và bao hàm cả ý nghĩa có giá trị). Định nghĩa trước đây về khái niệm “cổ” xác định phải là những gì có tuổi đời 100 năm nhưng khảo sát qua cửa hàng sách cổ chúng ta sẽ phát hiện ra rất nhiều những cuốn sách trẻ hơn thế” [8].

Ở Việt Nam, hiện cũng tồn tại một số định nghĩa về sách cổ, tài liệu cổ như định nghĩa của Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Sách cổ là thuật ngữ xuất hiện từ nửa sau thế kỷ XIX; thường dễ nhầm với sách hiếm, sách cũ. Giá trị sách cổ được xác định bằng phương pháp giám định về các mặt: ngôn ngữ cổ, nội dung thời đại phản ánh (sách thời cổ đại, trung đại, cận đại), vật liệu sử dụng, phương pháp in…” [19]. Theo Nguyễn Thị Thuý Bình (2005), tài liệu cổ là những tài liệu được xuất bản, xuất hiện vào thời phong kiến ở nước ta, có nội dung phản ánh các khía cạnh của đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội của đất nước ở các thời kỳ trong lịch sử [1]. Trần Thị Phương Lan (2015) và Dương Hoài Ý (2016) có nhận định với nhiều nét tương đồng khi đưa ra quan điểm về “tài liệu quý hiếm” và “tài liệu cổ quý hiếm”. Theo đó, “tài liệu quý hiếm” và “tài liệu cổ quý hiếm” được xác định là tài liệu có giá trị đặc sắc về các vấn đề lịch sử, văn hoá xã hội, khoa học, nội dung thông tin bao quát được các sự kiện, biến cố và hiện tượng đặc biệt quan trọng trong cuộc sống; số lượng bản ít, hình thức đặc biệt và khó bổ khuyết nếu như bị mất mát hoặc hư hỏng, xét về ý nghĩa pháp lý và bút tích của chúng [2, 4].

Kết luận

Các nhà sưu tầm, buôn bán sách cổ, quý hiếm quan tâm nhiều đến những tài liệu có giá trị, khan hiếm trên thị trường, được quan tâm bởi giới sưu tập. Bởi vậy, khái niệm “sách cổ”, “tài liệu cổ” được phát triển và mở rộng không chỉ bao gồm các tài liệu được ra đời từ giai đoạn trước đây mà còn bao gồm cả các tài liệu khác, mới hơn miễn là chúng có giá trị sưu tập.

Trong thư viện, do những yêu cầu khác nhau trong thu thập, lưu trữ, bảo quản và căn cứ vào nhu cầu của người sử dụng, các bộ sưu tập tài liệu thư viện thường được xem xét ở nhiều góc độ, trong đó có quan điểm phổ biến về bộ sưu tập thông thường (chỉ những tài liệu phục vụ lưu thông bình thường) và bộ sưu tập đặc biệt (chỉ các nhóm tài liệu thư viện được quản lý riêng biệt so với các bộ sưu tập thư viện phục vụ lưu thông thông thường, do tuổi đời, sự khan hiếm, giá trị thị trường, nội dung, tình trạng, hoặc dạng vật chất) [8]. Tài liệu cổ được quan tâm lưu giữ trong các thư viện một phần do ra đời trong thời đại trước, số lượng bản hạn chế, không còn được tiếp tục sản xuất, một phần do hình thức và kỹ thuật chế tác đặc thù, nội dung phản ánh thời kỳ lịch sử đã qua, không chỉ có giá trị nội dung về mặt lịch sử, văn hoá mà còn được xem xét như một hiện vật lịch sử, thường được tách riêng so với các tài liệu thông thường để quản lý trong các bộ sưu tập tài liệu quý hiếm, tài liệu đặc biệt [12].

Những quan điểm của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, hội nghề nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy ranh giới phân định khái niệm tài liệu cổ và tài liệu quý hiếm có sự đan xen. Mặc dù vậy, khái niệm tài liệu quý hiếm và tài liệu cổ cần được phân biệt rõ ràng để tránh những nhầm lẫn không đáng có. Tài liệu cổ chưa chắc đã hiếm. Tài liệu hiếm chưa chắc đã cổ. Tài liệu cũng có thể vừa cổ, vừa hiếm. Tuy nhiên, một điều chắc chắn được khẳng định là những tài liệu cổ dành được sự quan tâm của giới sưu tầm hay thu thập bởi các thư viện, cơ quan lưu trữ đều là những tài liệu vừa cổ, vừa có giá trị. Trên cơ sở đó, có thể xác định một số tiêu chí được đưa ra xem xét khi bàn về nội hàm khái niệm tài liệu cổ như: thời gian ra đời của tài liệu thuộc giai đoạn lịch sử trước đây, tài liệu không còn được tái bản; các đặc điểm về dạng vật mang tin, kỹ thuật chế tác, phương pháp in ấn, ngôn ngữ… của tài liệu thường là những hình thức đã được sử dụng trong quá khứ mà hiện tại rất hiếm khi hoặc không còn sử dụng; đồng thời, tài liệu phải có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hoá.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Thuý Bình. Bảo quản di sản thư tịch cổ tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội : Luận văn thạc sỹ chuyên ngành thư viện học. - H.: Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, 2005.

2. Trần Phương Lan. Bàn về khái niệm tài liệu quý hiếm // Tạp chí Thư viện Việt Nam. http://nlv. gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/ban-ve-khai-niem-tai- lieu-quy-hiem.html. Truy cập ngày 22/3/2019.

3. Từ điển Bách khoa Việt Nam. - H.: Từ điển Bách khoa, 2003.

4. Dương Hoài Ý. Bảo quản tài liệu cổ, quý hiếm ở tỉnh Thừa Thiên - Huế : Luận văn thạc sỹ thông tin - thư viện. - H.: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2016.

5. About antiquarian book. https://www.abaa.org/ about-antiquarian-books/fag. Truy cập ngày 26/4/2019.

6. About the rare book division. https://www. nypl.org/about/divisions/rare-books-division. Truy cập ngày 2/3/2019.

7. ACRL special collections task force final status report, 2006.

8. Bates, Marcia J Author, Maack, Mary Niles, and Bates, Marcia J. Encyclopedia of Library and Information Sciences, 2009.

9. Berger, S. E. a. The dictionary of the book: a glossary for book collectors, booksellers, librarians, and others. - Lanham: Rowman & Littlefield, 2016.

10. Between the Covers Rare Books Inc. Glossary. https://www.betweenthecovers.com/btc/glossary/A?fbclid=IwAR2h4eNZRaXUdakCKM1UvDjsza2AQLpu oH1AMW8KOe7EWQjP_MP1XMztxFM. Truy cập ngày 20/4/2019.

11. Carter, J. ABC for book collectors. - London: Oak Knoll; British Library, 2004.

12. Carter, Toni M., Levine-Clark, Michael. ALA Glossary of Library and Information Science. - Chicago: ALA Editions, 2013.

13. Chen, Xianxing. Preservation and digitiza- tion of ancient books kept by the Shanghai Library. https://www.lib.cuhk.edu.hk/conference/chen-xx.pdf. Truy cập ngày 11/2/2019.

14. Descriptive Cataloging of Rare Materials. - Washington, D.C.: Library of Congress Cataloging Distribution Service, 2011.

15. English Oxford Living Dictionary. https://en. oxforddictionaries.com/definition/antiquarian. Truy cập ngày 15/5/2018.

16. Galbraith, Steven K, Geoffrey D. Smith. Rare book librarianship: an introduction and guide, 2012.

17. Rare Book Schools. https://rarebookschool. org/courses/. Truy cập ngày 22/3/2019.

18. RBMS, ABAA. Your Old Books. http://rbms. info/yob/. Truy cập ngày 22/3/2019.

19. What make a book “rare”?. https://www.st- andrews.ac.uk/library/specialcollections/collections/r arebooks/whatmakesabookrare/. Truy cập ngày 10/6/2018.

20. Why collect rare books? https://www.ilab. org/articles/why-collect-rare-books. Truy cập ngày 1/5/2018.

_________________

Nguyễn Thị Ngọc Mai

Khoa Thông tin Thư viện, Đại học Văn hóa Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 4. - Tr. 13-17.


Đọc thêm cùng chuyên mục: