Xây dựng văn hoá đọc trong thư viện trường học: kinh nghiệm từ Singapore

E-mail Print

Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận mối tương quan mạnh mẽ giữa việc đọc và thành tích học tập, trong đó thư viện trường học đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng văn hoá đọc và nâng cao thành tích học tập. Tại Singapore, phong trào đọc quốc gia bắt đầu từ năm 2015 nhằm mục đích khuyến khích việc đọc như một thói quen và xây dựng một cộng đồng bạn đọc trong cả nước. Xác định vai trò cốt lõi của thư viện trường học là phát triển, duy trì thói quen đọc sách và kỹ năng học tập suốt đời, Singapore tăng cường nỗ lực để thư viện nhà trường có thể tập trung hơn vào việc thúc đẩy văn hoá đọc.

Không giống như các thư viện trường học ở Hoa Kỳ và Ôxtrâylia, các thư viện trường học ở Singapore không bắt buộc người làm thư viện phải được đào tạo đúng chuyên ngành thư viện. Thay vào đó, một điều phối viên thư viện (chủ yếu là giáo viên) làm việc với một nhóm các giáo viên khác để quản lý thư viện. Hoạt động hàng ngày của thư viện trường học được hỗ trợ bởi một trợ lý thư viện xử lý việc quản lý dữ liệu, các vấn đề về văn thư và các yêu cầu của học sinh. Trưởng khoa tiếng Anh được coi là người giỏi nhất để quản lý thư viện trường, cùng với một nhóm các giáo viên khác - được gọi là Uỷ ban thư viện. Các Uỷ ban thư viện trường học thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, khai thác sức mạnh của thư viện trường học để khuyến khích việc đọc, xây dựng văn hoá đọc trong đó chú trọng lựa chọn sách, trưng bày sách, xây dựng chương trình khuyến khích đọc sách, thiết kế không gian đọc và xây dựng hệ sinh thái đọc.

Lựa chọn sách

Người đứng đầu Uỷ ban thư viện lựa chọn sách cho thư viện hướng theo các mục tiêu của nhà trường để thu hút học sinh đọc. Quan niệm rằng thư viện trường học có thể truyền cảm hứng, hình thành tình yêu đọc và thúc đẩy học sinh đọc bằng cách cung cấp sách phong phú về nội dung cho học sinh lựa chọn, bao gồm cả lịch sử, địa lý, khoa học, văn học đại chúng… thư viện lựa chọn những cuốn sách truyền cảm hứng và gây sự tò mò để học sinh muốn rút cuốn sách ra khỏi giá sách và cầm lên đọc. Đa dạng các loại hình sách được lựa chọn, bên cạnh các bản gốc, thư viện chú trọng lựa chọn truyện tranh, khổ lớn, tiểu thuyết đồ hoạ, sách nổi 3D (pop-up book) để thu hút học sinh. Những cuốn sách được lựa chọn cho từng khối học. Ở mỗi khối, sách lại được chia theo các cấp độ từ A đến E. Học sinh bắt đầu đọc từ cấp độ A dễ nhất đến cấp độ E khó nhất. Thư viện đảm bảo các cuốn sách chất lượng có sẵn cho tất cả học sinh. Trợ lý thư viện quan sát việc lựa chọn sách của học sinh, khi các em đọc xong 15 cuốn sách bất kỳ cùng cấp độ sẽ kiểm tra khả năng đọc hiểu của các em về các cuốn sách đó. Kết quả kiểm tra sẽ quyết định các em cần đọc thêm sách cùng cấp độ đó hay được chuyển lên cấp độ cao hơn. Căn cứ vào kết quả quan sát lựa chọn sách của học sinh, trợ lý thư viện đề xuất thư viện bổ sung các loại hình và nội dung sách phù hợp với thị hiếu của học sinh.

Trưng bày sách

Quảng cáo sách và trưng bày sách là một chiến lược quan trọng để thu hút sinh viên vào thư viện. Thư viện trường học đã quảng cáo sách qua việc trưng bày và quảng cáo trực tuyến thông qua Instagram và Twitter - các nền tảng xã hội quen thuộc với học sinh. Thông qua đó, thư viện thu hút học sinh vào không gian vật lý để tra cứu sách mới, tham dự các sự kiện hoặc đăng ký hội thảo. Trong trưng bày quảng cáo sách, các thư viện thường trưng bày sách ở các lối vào, khu vực chào đón, kệ cố định và kệ di động. Mỗi khu vực có chức năng khác nhau và bổ sung cho nhau. Ở khu vực chào đón, các thư viện bố trí các phương tiện kỹ thuật số, màn hình hiển thị theo chủ đề hàng tháng và các băng ghế đa dụng hay các ghế lười. Khu vực này có thể nhìn qua các cửa trước bằng kính đôi và được thiết kế để mời học sinh đi vào thư viện. Trên các kệ cố định, những cuốn sách mới được trưng bày theo bìa trước của sách thay vì gáy sách đồng thời được che khuất một phần tên sách để tạo sự tò mò, khuyến khích sự quan tâm lựa chọn và cầm sách lên đọc của học sinh. Áp phích hấp dẫn và thiết kế bìa sách hoặc tranh vẽ lại cảnh từ sách được làm nổi bật trên các kệ sách để minh hoạ cho các cuốn sách đồng thời tạo hứng thú cho học sinh. Sách được sắp xếp theo thể loại thay vì theo hệ thống thập phân Dewey để thuận tiện cho việc xem và lựa chọn. Các thể loại bao gồm giả tưởng, lãng mạn, khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết, du lịch… Mỗi phần được thiết kế hấp dẫn. Ví dụ, trong phần có tiêu đề khám phá, có ba thành phần là khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết đồ hoạ [1]. Tiêu đề cho thấy những thế giới mới mà học sinh có thể khám phá bao gồm các tác phẩm kinh điển cũng như những cuốn sách đương đại thuộc thể loại này. Đối với các tác phẩm văn học kinh điển, thư viện luôn trưng bày hai bản: một bản sách nổi 3D bên cạnh văn bản gốc để thu hút học sinh. Trên các kệ di động, thư viện trưng bày các sách nghệ thuật tạo cảm hứng. Các kệ di động mang lại cảm giác chuyển động cho toàn bộ không gian, làm cho thư viện như là một bộ sưu tập thay đổi, hấp dẫn người đọc.

Xây dựng chương trình khuyến khích đọc sách

Mục tiêu của các thư viện là đưa việc đọc thành hoạt động xã hội có sức lan toả và xây dựng thư viện thành không gian đọc cùng với các hình thức học tập khác. Các chương trình liên quan đến sách và đọc sách được thư viện tổ chức lôi cuốn và sôi động. Giáo viên được mời để nói chuyện về sách đan xen biểu diễn âm nhạc. Phụ huynh tham gia đọc sách nâng cao cùng học sinh. Mỗi học kỳ sẽ có một hội thảo đặc biệt được tài trợ bởi nhà trường và giới hạn cho 20 người tham gia lần đầu tiên. Sự độc quyền của những sự kiện như vậy để tạo cảm giác phấn khích và xôn xao xung quanh các sự kiện. Thư viện sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để quảng bá sách và sự kiện nhằm khuyến khích học sinh nhận thức được những gì đang diễn ra trong thư viện, thu hút học sinh đến thư viện để yêu cầu các cuốn sách được quảng cáo và tham dự các sự kiện. Thư viện không chỉ là không gian cho học sinh đọc sách mà trở thành không gian thú vị cho các hoạt động giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Các giáo viên tiếng Anh đưa học sinh của mình đến thư viện để thuyết trình thơ và kể các câu chuyện văn học. Các giáo viên lịch sử đưa học sinh vào thư viện thảo luận [3].

Thiết kế không gian đọc

Nếu như việc xem xét lại bộ sưu tập tài liệu và các chương trình đọc là những cách để khuyến khích hành vi đọc thì thiết kế lại và làm mới không gian thư viện là một cách để khuyến khích học sinh đến thư viện trường. Nhiều cuộc khảo sát, phỏng vấn học sinh của các Uỷ ban thư viện trường học ở Singapore cho thấy rằng học sinh thích đọc sách ở thư viện trường nếu môi trường thuận lợi. Thiết kế và tổ chức không gian có thể ảnh hưởng đến cảm nhận, góp phần hình thành mong muốn đến thăm không gian và tham gia vào các hành vi học tập cụ thể của học sinh. Do vậy, nếu việc đọc là ưu tiên hàng đầu trong các thư viện trường học ở Singapore thì không gian được thiết kế và sắp xếp để khuyến khích các hình thức đọc khác nhau. Thiết kế thư viện trường học phản ánh thái độ của nhà trường đối với việc học. Việc cải tạo thư viện trường học xuất phát từ tầm nhìn của hiệu trưởng nhà trường nhằm xây dựng một không gian khuyến khích học sinh đọc theo cách tự định hướng. Uỷ ban thư viện làm việc hướng tới một thư viện lấy người dùng làm trung tâm, khuyến khích việc đọc, nghiên cứu và học tập độc lập. Sau khi xác định nhu cầu cải tạo không gian thư viện, các thành viên của Uỷ ban thư viện tiến hành phỏng vấn học sinh và giáo viên để tìm hiểu thêm về cách họ muốn sử dụng không gian thư viện. Trên cơ sở phân tích nhu cầu của học sinh và giáo viên, Uỷ ban thư viện lên ý tưởng và tiếp tục tham khảo ý kiến của cả giáo viên và học sinh. Các tính năng chính của thư viện mà Uỷ ban tập trung vào chiến lược thiết kế không gian đọc xây dựng văn hoá đọc bao gồm: bố trí vị trí tốt nhất trong thư viện (thường nhiều cây xanh) cho góc đọc sách; xây dựng các không gian đa mục đích cũng có thể được sử dụng để đọc; cung cấp các túi lười để học sinh đọc sách thoải mái hơn; tuyển chọn và trưng bày sách hấp dẫn [2]. Thư viện đã thông qua thiết kế bố trí hiện đại, hướng mở, gồm các khu vực:

- Khu vực biểu diễn: có một sân khấu nhỏ, bên trên được đặt nhiều ghế lười để tạo các chỗ ngồi thoải mái cho học sinh. Các bậc thang lên sân khấu cung cấp thêm chỗ ngồi cho học sinh đọc sách. Khu vực này có nhiều cách sử dụng khác nhau và thường được chuyển đổi cho phù hợp. Vào những ngày bình thường, địa điểm này được sử dụng làm không gian đọc sách.

- Khu vực trưng bày sách: nằm gần lối vào của thư viện. Thư viện đặt một màn hình lớn, nổi bật, hiển thị sách theo chủ đề được cập nhật hàng tháng, cho phép học sinh tương tác để truy cập tra cứu sách hoặc tìm hiểu về thư viện. Hệ thống ánh sáng kỳ ảo được sử dụng để làm nổi bật, thu hút bạn đọc chú ý đến màn hình chính ngay khi bước vào thư viện.

- Khu vực đọc sách chính: bố trí nhiều bàn học nhỏ có sức chứa 4 người, được chia cắt bởi các kệ sách di động và nội thất thư viện. Vị trí các bảng, kệ, đồ nội thất thư viện đa dạng và lấy người dùng làm trung tâm, cho phép nhiều người có thể sử dụng các tiện ích khác nhau một cách thoải mái mà không ảnh hưởng đến người dùng khác. Trên các kệ sách di động, thư viện đặt những cuốn sách khổ lớn mà không phù hợp với không gian kệ sách thông thường.

- Kệ tường: được thiết kế hấp dẫn, có nhiều không gian kệ khác nhau, tạo bố cục mở trong thư viện. Phần lớn bộ sưu tập của thư viện được lưu trữ trên các kệ gắn sát tường.

- Khu vực thảo luận: gồm 4 phòng thảo luận cách âm tốt, được ngăn cách bởi những bức tường kính để phục vụ mục đích kép. Các nhóm học sinh thảo luận trong các phòng này có thể sử dụng các bề mặt kính để lưu lại các ghi chú của cuộc thảo luận. Các bức tường trong suốt cũng cho phép trợ lý thư viện giám sát hoạt động của học sinh trong nhóm và can thiệp khi phát hiện các hành vi không phù hợp.

- Góc đọc sách: phía cuối thư viện là những chiếc ghế bành được đặt cách nhau khoảng 30cm, xếp theo hình bán nguyệt. Phía sau ghế bành là hai kệ di động với những cuốn sách hấp dẫn khuyến khích học sinh ngồi xuống ghế và cầm sách lên đọc. Việc sắp xếp, bố trí như vậy đồng thời để đảm bảo rằng người dùng không thể trò chuyện kéo dài với nhau. Học sinh được trợ lý thư viện quan sát để đảm bảo khu vực này yên tĩnh.

- Khu vực gắn tường: các khối hình màu sắc được gắn vào tường, bên trong được chiếu sáng tốt và được bố trí một băng ghế và một bàn viết nhỏ cho phép hai học sinh thoải mái sử dụng. Đây là khu vực được yêu thích và được sử dụng để học tập và đọc sách của nhiều học sinh.

- Khu vực quán bar: thư viện mới bổ sung để tạo không gian hoạt động linh hoạt cho học sinh. Nội thất thẩm mỹ, đa dạng kiểu dáng ghế ngồi để bổ sung lựa chọn cho các chỗ ngồi hiện có trong thư viện. Không gian được học sinh đón nhận và tham gia với nhiều hoạt động khác nhau.

Trong các khu vực, tính thẩm mỹ cao, hệ thống ánh sáng cân bằng và hương liệu để tạo bầu không khí thanh mát, yên bình và tĩnh lặng. Khu vực quán bar có âm nhạc nhẹ nhàng. Các thư viện được thiết kế và thiết lập khuyến khích học sinh điều chỉnh hành vi của mình khi vào các không gian thư viện. Theo quan sát của các Uỷ ban thư viện thì hiếm khi thấy các học sinh lên tiếng hoặc làm gián đoạn những người khác sử dụng không gian thư viện. Các học sinh có thể tự do di chuyển vị trí này sang vị trí khác để thay đổi không gian và tư thế đọc.

Xây dựng hệ sinh thái đọc

Để xây dựng văn hoá đọc, cần có một hệ sinh thái đọc trong trường học. Ở Thư viện nhà trường như một mô hình thu nhỏ của cuộc sống học đường, tầm nhìn và hoạt động thực tế của thư viện trường học được truyền cảm hứng hoặc giới hạn bởi tầm nhìn của hiệu trưởng trường học và nhân viên thư viện trường học. Ở Singapore, các hiệu trưởng trường học được lưu ý tầm quan trọng của việc ham đọc sách của học sinh, khuyến khích việc đọc tự động, xây dựng thư viện thành vị trí thứ ba để học sinh đi chơi và khuyến khích đọc sách. Bản thân các hiệu trưởng là những người ham đọc sách. Các hiệu trưởng đọc rất nhiều và thường gửi các bài viết cảm thụ sách lên Twitter để các giáo viên bình luận và chia sẻ, khuyến khích giáo viên đọc sách để tìm hiểu thêm về nội dung các cuốn sách. Từ đó truyền cảm hứng đọc tới các học sinh của mình. Nhà trường và thầy cô giáo khuyến khích thay vì bắt buộc học sinh đọc sách. Tuy nhiên, các học sinh cấp 2 phải hoàn thành một dự án để xây dựng một mô hình phản ánh nội dung một cuốn sách được đọc gần đây. Hầu hết học sinh thích và tìm thấy niềm vui khi đọc sách.

Có thể thấy xây dựng văn hoá đọc thành công, tạo một môi trường đọc sách cho học sinh là một thách thức lớn khá phức tạp đối với các thư viện trường học. Các thư viện trường học ở Singapore đã thực hiện nhiều cách trong đó chú trọng tới việc lựa chọn sách, xây dựng các chương trình khuyến khích đọc sách, thiết kế và tổ chức không gian. Các phương pháp thực hiện không khó nhưng tỉ mỉ, đòi hỏi một chính sách, chương trình và thực tiễn hợp lý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chin Ee Loh, Mary Ellis, Agnes Alcantara Paculdar and Zhong Hao Wan. Building a suc- cessful reading culture through the school library: A case study of a Singapore secondary school // IFLA Journal. - 2017. - No. 43(4). - P. 335-347.

2. Cleveland BW. The school library as a behaviour setting: Exploring the physical and social components behind effective learning environments // Building a reading culture roundtable: School libraries and design. - 2017. https://www. readingcul turesg.org/talks. Truy cập ngày 1/4/2017.

3. Parrott DJ and Keith KJ. Three heads are better than one: Librarians, reading specialists, and classroom teachers in the learning commons // Teacher Librarian. - 2015. - No. 42. - P. 12-18.

_________________________________

ThS. Nguyễn Lê Phương Hoài tổng hợp

Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 4. - Tr. 59-62.


Đọc thêm cùng chuyên mục: