Công tác số hoá các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trước nguy cơ mai một: nghiên cứu trường hợp các ngôn ngữ Thái - Kađai ở Việt Nam

E-mail Print

1. Các ngôn ngữ trước nguy cơ mai một và giải pháp số hoá nhằm bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ

Thuật ngữ “ngôn ngữ có nguy cơ mai một hay đang bị đe doạ, nguy cấp, có nguy cơ bị mất/ tiêu vong” trở nên phổ biến trong nhiều công trình nghiên cứu gần đây, với những nét nghĩa có thể khác nhau. Nguy cơ mai một là hiện hữu với phần lớn các ngôn ngữ dân tộc thiểu số (DTTS) trong một quốc gia đa dân tộc. Rất khó có thể tránh cho mọi ngôn ngữ khỏi bị diệt vong, nhất là khi cộng đồng (đặc biệt là lớp trẻ) người bản ngữ không còn thiết tha với tiếng mẹ đẻ, dù chỉ là vì lợi ích trước mắt, đó là cần các phương tiện giao tiếp khác là ngôn ngữ quốc gia và ngoại ngữ phổ biến, như tiếng Anh hiện nay, thuận lợi hơn cho sinh kế.

Nhằm bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ để xây dựng một xã hội đa văn hoá, có tư liệu thực tế cho khảo cứu lâu dài, việc tìm ra những giải pháp thích hợp nhằm bảo tồn bằng lưu trữ dữ liệu các ngôn ngữ có nguy cơ mai một được đặt ra trong khung pháp lý thuận lợi. Đó là một phần chính sách của Nhà nước đối với các DTTS rất ít người ở Việt Nam, được thể hiện như ở Quyết định số 2123/QĐ-TTg, ngày 22/11/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015. Đối tượng áp dụng của Quyết định này là các cơ sở giáo dục có trẻ em (mẫu giáo 3 - 5 tuổi), học sinh, sinh viên thuộc 9 dân tộc rất ít người: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao trong phạm vi 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum.

Hội nghị bàn về "Giải pháp bảo tồn, phát huy văn hoá của các dân tộc có số dân dưới 1.000 người" của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngày 9/2/2015, có mặt đại biểu của 5 dân tộc Pu Péo, La Ha, Ơ Đu, Rơ Măm và Brâu ở các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An và Kon Tum tham dự.

Một trong các giải pháp nhằm bảo tồn ngôn ngữ các DTTS là công tác số hoá. Theo Tạ Văn Thông (2018), cùng với các biện pháp “nghiên cứu cơ bản về cấu trúc, tình hình xã hội ngôn ngữ học, cải tiến và xây dựng các hệ thống chữ viết; biên soạn các sách công cụ (sách giáo khoa, sách ngữ pháp, từ điển...); sưu tập các văn bản (vốn văn nghệ truyền thống; sáng tác mới...) và ghi bằng các ngôn ngữ có nguy cơ mai một; dạy và học các ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong và sử dụng chúng trên các phương tiện thông tin đại chúng” là việc “thu thập; lưu trữ để xây dựng ngân hàng dữ liệu” không chỉ “giúp cho người bản ngữ có ý thức bảo tồn, phát triển tiếng mẹ đẻ” mà còn hình thành một kho tài nguyên thông tin chân thực vô giá, giúp cho các thế hệ nghiên cứu hiện tại và sau này có tư liệu chính xác - trong mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra. Đề cập đến “Các loại từ điển đối dịch cần có ở Việt Nam”, Tạ Văn Thông (2018) cho rằng: “Trong sự đa dạng này, không nên “bỏ quên” các ngôn ngữ DTTS đang đứng trước nguy cơ tiêu vong như Pà Thẻn, Pu Péo, La Ha, Bố Y, Cơ Lao, Co, Rơ Măm...” [13].

Để bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ, ít nhất là lưu trữ dưới dạng số hoá tại các kho tư liệu điện tử, tài nguyên thông tin được xử lý bằng công nghệ thông tin hiện đại, luôn luôn có thể khai thác, không chỉ giúp ích cho việc nghiên cứu ngôn ngữ học, mà còn phục vụ tìm hiểu về sự đóng góp của tất cả các (nhóm) tộc người đã cùng nhau chung lưng đấu cật, đồng cam cộng khổ, làm nên lịch sử và văn hoá Việt Nam.

Như thế, vấn đề số hoá có thể xem là một trong những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn các ngôn ngữ có nguy cơ mai một ở nước ta. Trong nội dung bài viết này, tác giả xin viện dẫn các thứ tiếng thuộc ngữ hệ Thái - Kađai làm ví dụ.

2. Giải pháp số hoá nhằm bảo lưu các ngôn ngữ Thái - Kađai trước nguy cơ mai một

2.1.Các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Thái - Kađai có nguy cơ mai một

Từ hệ thống 09 tiêu chí xác định ngôn ngữ có nguy cơ mai một (chia thành 05 cấp độ) được UNESCO công bố năm 2003, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã có những cách nhìn độc đáo, như căn cứ vào sức sinh tồn, những điều kiện xã hội - ngôn ngữ học ở Việt Nam.

Nguyễn Văn Lợi (1999) phân các ngôn ngữ DTTS ở Việt Nam thành 5 mức độ [9]. Trong nghiên cứu mới đây, sau khi liệt kê Danh sách 28 ngôn ngữ mai một ở Việt Nam (theo tài liệu của UNESCO), trong đó, thuộc ngữ hệ Thái - Kađai có: Nùng Vẻn[1], Cơ Lao Xanh (Green Gelao), La Chí (Lachi), La Ha (Laha), Nùng Vẻn (Nung Ven)[2], Cơ Lao Đỏ (Red Gelao), Thái Đỏ Tày Đeng (Tai Daeng) và Cờ Lao Trắng (White Gelao), GS. TS Nguyễn Văn Lợi (2018) đã điều chỉnh sự phân loại sơ bộ thành 4 mức độ nguy cấp - theo mức độ từ cao xuống thấp, với “gợi ý, tham khảo”, trong đó, thuộc ngữ hệ Thái - Kađai có: Cơ Lao Đỏ, Cơ Lao Xanh, Cơ Lao Trắng thuộc diện “nguy cấp cao”; Pu Péo thuộc diện “nguy cấp”; Bố Y, La Ha, Lự thuộc diện “đang bị mai một”; La Chí thuộc diện “có nguy cơ mai một” [10].

Trong bài tổng quan đã công bố, Trần Trí Dõi (2018) đã liệt kê “32 ngôn ngữ hay thổ ngữ có nguy cơ mai một ở Việt Nam” theo 5 mức độ mai một mà UNESCO đề nghị. Theo đó, thuộc ngữ hệ Thái - Kađai có ngôn ngữ, thổ ngữ: Cơ Lao Đỏ và Bố Y... thuộc diện “đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp”; Tu Dí[3], Cơ Lao Trắng, Pu Péo, Nùng Vẻn... thuộc diện “có nguy cơ bị mai một nghiêm trọng”; La Chí, La Ha... thuộc diện “có nguy cơ bị mai một rõ ràng” [3].

Tham khảo các kết quả nghiên cứu trên đây và từ những khảo sát trên thực địa, nhóm tác giả Dương Thu Hằng, Nguyễn Thu Quỳnh (2018) đã bước đầu đưa ra bảng tổng hợp tình hình ngôn ngữ của 15/16 DTTS rất ít người ở Việt Nam hiện nay đang ở mức độ mai một cao [6]. Trong số đó, thuộc ngữ hệ Thái - Kađai có 5 dân tộc, trước hết là Pu Péo, sau đó, lần lượt là: Bố Y, Cơ Lao, Lự và La Ha.

Chấp nhận các ý kiến trên đây thì ngoài 5 dân tộc này, ngôn ngữ của người La Chí và tiếng nói của các nhóm: Nùng Vẻn, Thái Đỏ Tày Đeng cũng được xem là đang đứng trước nguy cơ mai một. Việc số hoá ngữ liệu sẽ đề ra những việc mới cần làm, trên cơ sở tận dụng khai thác những kết quả nghiên cứu đã có, thể hiện rõ ở thực trạng khảo cứu về các ngôn ngữ này.

2.2. Thực trạng khảo cứu về các ngôn ngữ Thái - Kađai có nguy cơ mai một và công việc số hoá

Ngoài việc dựa vào các kết quả khảo cứu đã có, còn phải nghiên cứu bổ sung sao cho có một kho dữ liệu (điện tử) đầy đủ nhất, phục vụ (khi cần) cho việc tìm hiểu một ngôn ngữ về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và việc sử dụng nó trong đời sống ngôn ngữ và văn hoá dân tộc.

Công việc số hoá sẽ được tiến hành trên cơ sở thực trạng khảo cứu về các ngôn ngữ của 6 DTTS và 2 nhóm người nêu trên. Cụ thể như sau:

Pu Péo

Là tộc người đang đứng trước nguy cơ bị biến mất bởi tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của đồng bào rất thấp. Người Pu Péo dùng tiếng mẹ đẻ làm công cụ giao tiếp trong gia đình nhưng khi ra khỏi nhà, khỏi làng bản, họ sử dụng hoặc tiếng Việt, hoặc tiếng Tày, hay tiếng Nùng hoặc tiếng Mông.

Từ các nghiên cứu về vốn từ, vấn đề hình vị trong hệ thống ngữ âm của tiếng Pu Péo, đã có công trình tập thể của hai tác giả Hoàng Văn Ma, Vũ Bá Hùng (Tiếng Pu Péo, 1992).

Như thế, việc số hoá ngữ liệu có thể thực hiện cùng với việc ghi âm và ghi hình một số sinh hoạt văn hoá tiêu biểu, như bên cạnh lễ vào nhà mới, các lễ cúng cơm mới, cúng trừ sâu bệnh, đặc biệt có lễ xuống đồng hay ra đồng (pạt oong: pạt tiếng Pu Péo là làm sạch, oong là nước, pạt oong có nghĩa là làm sạch nước, phát lửa ra đồng đuổi tà ma và những điều xấu, xui xẻo ra khỏi nhà, khỏi làng, khỏi vùng sinh sống. Xưa kia, cứ khoảng từ ngày 5-12 Tết, dân cả bản lại tập trung ở lễ pặt oong để cầu chúc một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Điều thuận lợi là Lễ pặt oong đã được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Đồng Văn tổ chức phục dựng từ năm 2015.

Thêm nữa, với người Pu Péo, bếp lửa có chức năng tín ngưỡng như ở gian thờ, lửa phải được nhen lên trong bếp qua đêm. Vì thế, nét văn hoá độc đáo này cũng cần được lưu giữ thích hợp ở dạng số hoá.

Ngữ liệu về tiếng Pu Péo còn có thể được ghi lại qua lời kể Inh và Ính là truyện về nhân vật người con riêng - có nhiều nét tương đồng với truyện Tấm Cám của người Kinh.

Bố Y

Đến năm 1979, nhóm Tu Dí mới hợp nhất với Bố Y thành dân tộc Bố Y, nhưng theo Hoàng Văn Ma: “Tu Dí và Bố Y không liên quan gì về ngôn ngữ mà xếp theo nguồn gốc lịch sử”. Như thế, cần tách biệt tiếng Tu Dí với tiếng Bố Y, trong vốn ngữ liệu chung.

Tiếng Tu Dí thuộc nhóm các ngôn ngữ “hầu như đã bị mất, hiện chỉ còn từ 1 đến 15 người sử dụng” [9]. Theo tác giả Trần Trí Dõi (2001), tiếng Bố Y là ngôn ngữ chưa có chữ viết và chưa được nghiên cứu ở Việt Nam, trong khi họ đã quên tiếng mẹ đẻ. Số đông người Bố Y đã dùng tiếng Nùng trong giao tiếp hàng ngày cùng với sự phai mờ tiếng mẹ đẻ [1].

Như thế, cần tiến hành nghiên cứu có bài bản và toàn diện về tiếng nói của người Bố Y, nhóm Tu Dí và công việc số hoá cũng cần dựa vào những công trình nghiên cứu (đã công bố) về văn hoá (ẩm thực, tập quán và nghi lễ đám cưới, âm nhạc) dân gian và văn học cổ truyền.

Cơ Lao

Gồm 3 nhóm: Cơ Lao Đỏ, Cơ Lao Trắng và Cơ Lao Xanh. Dân tộc này chưa hề có chữ viết. Tương ứng với 3 nhóm là 3 phương ngữ nhưng hiện nay phần lớn nhóm Cơ Lao Đỏ và một bộ phận nhóm Cơ Lao Xanh không còn sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình nữa [16]. Như vậy, chỉ còn nhóm Cơ Lao Trắng, với trên dưới 100 người sử dụng. Lớp trẻ gần như quên tiếng mẹ đẻ, dùng pha trộn. Nhiều thầy cúng tập hợp lại mới đọc được bài cúng.

Việc số hoá có thể sử dụng kết quả của sự hợp tác nghiên cứu Việt - Xô từ thế kỷ trước, đó là công trình Các ngôn ngữ của người Cơ Lao. Từ liệu từ vựng đối chiếu các ngôn ngữ Kađai (bằng tiếng Nga) của nhóm tác giả Samarina Irina, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Hữu Hoành và Tạ Văn Thông, do Nhà xuất bản Viện Hàn lâm, Moxkva, in vào năm 2011.

Lự

Gồm 02 nhóm: Lự Đen (Lự Đăm) và Lự Trắng. Người Lự có chữ viết cổ, song ngôn ngữ của dân tộc này chưa được giới nghiên cứu quan tâm, nên rất cần một nghiên cứu bài bản về ngôn ngữ, có thể dựa trên những khảo cứu về văn hoá.

Đó là vì trong kho tàng văn hoá dân gian của người Lự, phải kể đến các làn điệu dân ca, dân vũ mang nhiều dấu ấn đặc sắc. Về nhạc cụ, người Lự có pí Mo hoặc pí Lự. Trang phục của người Lự không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh: tất cả những hình hoa văn trang trí trên trang phục đều gắn với đời sống, mang những nét đặc trưng riêng với mong muốn sung túc, an lành, bình yên. Trong các lễ cúng, một trong những việc không thể thiếu trong Lễ mừng cơm mới của người Lự là kiêng nhà. Sau khi ăn uống, ông chủ gia đình đan tấm phên hình mắt cáo gọi là ta leo, dùng lá xanh cài và cắm trước cửa nhà. Kiêng trong 3 ngày, không mua bán, vay mượn hay cho ai bất cứ một vật gì trong nhà và nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tuy nhiên, người Lự không có bát hương mà gian thờ của người Lự ngày thường thì góc thờ không bày biện gì, chỉ đến khi nhà có lễ cúng thì gian thờ mới được dọn dẹp sắp lễ.

Từ năm 2013, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu chính thức được công nhận là điểm du lịch văn hoá cộng đồng người Lự. Để giữ được những nét văn hoá truyền thống, vào những lúc nông nhàn hoặc các buổi tối bà con luôn duy trì nghề se bông, dệt vải, may hàng thổ cẩm…

La Ha

Gồm các nhóm: La Ha cạn nh.Khlá Phlao và La Ha nước nh.La Ha ủng. Tác giả Nguyễn Hữu Hoành (2004) trong Chương trình Điều tra nghiên cứu về ngôn ngữ học - xã hội (Hợp tác Nga - Việt) do Lý Toàn Thắng làm chủ nhiệm, cho rằng chỉ có 10,3% người La Ha biết tiếng mẹ đẻ, mà phần lớn là đàn ông trên 45 tuổi. Học sinh tiểu học và trung học thì tỷ lệ chỉ còn 8,6%. Rõ ràng là người ta đang bỏ dần tiếng dân tộc mình khiến cho “Tiếng La Ha thực sự rơi vào vực thẳm của sự diệt vong”.

Việc số hoá có thể sử dụng kết quả của sự hợp tác nghiên cứu Việt - Xô từ thế kỷ trước, do nhóm tác giả Hoàng Văn Ma và N. V. Sonceva công bố trong một cuốn sách có tên là Tiếng La Ha (bằng tiếng Nga), được Nhà xuất bản Khoa học, Moxkva, in năm 1986. Sau đó, Hoàng Văn Ma đã bảo vệ thành công (năm 1988) luận án tiến sỹ Về vấn đề vị trí của tiếng La Ha, tại Liên Xô (cũ), bằng tiếng Nga.

La Chí

Tiếng La Chí được coi là một “thổ ngữ có nguy cơ bị mai một nhất”. Rất may là việc xác định cấu trúc tiếng La Chí qua 3 phương diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp được thực hiện thao tác ghi âm, đối dịch và lưu giữ theo kỹ thuật hiện đại” [7].

Như thế, việc số hoá ngữ liệu thu thập sẽ thực hiện dễ dàng khi giải pháp này được chấp nhận. Đương nhiên, có thể kế thừa công trình đi trước của hai tác giả Nguyễn Văn Lợi, Jerold A. Edmondson (1999, Tiếng La Chí ở thượng nguồn sông Lô), trong bức tranh chung về Người La Chí của Vũ Tú Quyên (2009, Người La Chí ở Hà Giang).

Nùng Vẻn

Nùng Vẻn nằm trong Danh sách 28 ngôn ngữ mai một ở Việt Nam (theo tài liệu của UNESCO). Phát hiện những khác biệt khi so sánh với các nhóm Nùng khác - vốn thuộc nhóm Tày - Thái, tiếng Nùng Vẻn được xem là một ngôn ngữ thuộc nhóm Kađai, cùng ngữ hệ Thái - Kađai [4]. Tiếp tục quan niệm này, trong phần “Các chi ngôn ngữ trong ngữ hệ Tai - Kađai”, Nguyễn Văn Lợi (2013) khẳng định rằng tiếng nói của người Nùng Vẻn ở Việt Nam cũng thuộc chi Kađai. Cụ thể đó là các ngôn ngữ: Cơ Lao, Pu Péo (còn gọi là La Quả) ở Hà Giang; La Chí, La Ha ở Sơn La, Lai Châu và Nùng Vẻn ở Cao Bằng [8].

Một số nét tương đồng và sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá giữa người Tày và các nhóm Nùng khác như Nùng An đã được người trong cuộc chỉ ra, nhưng cần có những nghiên cứu bổ sung để tài nguyên thông tin số hoá tập hợp đầy đủ ngữ liệu về tiếng Nùng Vẻn, khi hiện vẫn còn người biết, như trong bài viết Người Nùng Vẻn ở bản Cja Tjeng, xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng, Cao Bằng - nét tương đồng và sự khác biệt với người Tày và các nhóm Nùng khác của hai tác giả: Vương Văn Võ, Hoàng Thị Nhuận (2015) trong Kỷ yếu Hội nghị Quốc gia Thaí học Việt Nam lần thứ 7 tại Lai Châu. Đáng chú ý là 12 tháng trong năm thì gần như tháng nào nhóm người này cũng có tết, mỗi tết có một đặc trưng riêng. Như thế, ngữ liệu có thể được khai thác cũng là để ghi nhận những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo này.

Thái Đỏ Tày Đeng

Thái Đỏ Tày Đeng (Tai Daeng) cũng nằm trong Danh sách 28 ngôn ngữ mai một ở Việt Nam (theo tài liệu của UNESCO).

Theo GS. TS Nguyễn Văn Lợi (2013): Hiện nay, các nhà nghiên cứu ở nước ta và thế giới còn có sự khác nhau trong quan niệm về sự tồn tại một nhóm Thái riêng biệt: nhóm Tày Đeng. Phần lớn các nhà nghiên cứu dân tộc học nước ta cho rằng Tày Đeng chỉ là tên gọi nhóm cư dân vốn cư trú ở khu vực Mường Đeng, Thanh Hoá. Đa số các tác giả nước ngoài thừa nhận rằng, Tày Đeng là một ngành Thái riêng biệt bên cạnh Tày Đăm (Thái Đen), Tày Đon (Thái Trắng), Tày Do [8].

Về mặt ngôn ngữ, tiếng nói các nhóm Tày Đeng ở Thanh Hoá, cũng như Thái Thanh (còn gọi Man Thanh) ở Nghệ An, tiếng Thái Mai Châu, Hoà Bình, nhóm Tày Tấc ở Phù Yên, Sơn La, có những đặc điểm thống nhất và khác biệt với tiếng Thái Đen, Thái Trắng.

Vì thế, rất cần có một công trình nghiên cứu toàn diện để có ngữ liệu tin cậy đưa vào số hoá.

Kết luận

Ngày nay, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi. Phát triển tài nguyên số để trở thành một thư viện hay bảo tàng hiện đại, trong đó có việc bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ, góp phần xây dựng một xã hội đa văn hoá, ít nhất là lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu là những kho tư liệu điện tử, được xử lý bằng công nghệ thông tin hiện đại [15].

Tham gia Hội thảo quốc tế “Vai trò của đa dạng ngôn ngữ trong việc xây dựng cộng đồng thế giới chia sẻ tương lai” do UNESCO tổ chức, chúng tôi may mắn có dịp tham quan sản phẩm số hoá tư liệu về các ngôn ngữ ở Bảo tàng các dân tộc tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Vì thế, thiết nghĩ số hoá có thể xem là một trong những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn các ngôn ngữ có nguy cơ mai một ở nước ta, bằng việc xây dựng các cơ sở dữ liệu về ngôn ngữ và văn hoá. Nếu được bảo quản tốt thì có thể khai thác lâu dài.

Được biết, đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc” - Mã số CTDT. 08.16/16-20 được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phê duyệt ngày 14/11/2016 đã triển khai, xuất phát từ nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về DTTS và chính sách dân tộc phục vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc thuộc Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020: “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” - Mã số CTDT/16-20.

Chương trình này đã tính đến tận dụng việc thu thập và khai thác các dữ liệu hiện đang lưu trữ ở các thư viện, bảo tàng trung ương và địa phương, đó là những kho tài liệu nghe nhìn lớn nhỏ về sinh hoạt văn hoá và ngôn ngữ tộc người, thường là sản phẩm của đề tài và nhiệm vụ khoa học các cấp, trong đó có một số đề tài hợp tác nghiên cứu với nước ngoài, như kết quả của các chương trình hợp tác Việt - Nga hay Việt - Pháp, mà Trần Trí Dõi (2018) cũng đã nói tới.

Từ trường hợp các ngôn ngữ Thái - Kađai, cũng có thể vận dụng vào các ngôn ngữ khác ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mai một, khi thực trạng khảo cứu có sự tương tự. Đó là có ngôn ngữ được nghiên cứu công phu, đã công bố bằng tiếng Việt (như tiếng Pu Péo) hoặc chủ yếu chỉ bằng tiếng Nga (như tiếng La Ha và tiếng Cơ Lao), có ngôn ngữ còn ít được nghiên cứu (như tiếng La Chí, tiếng Nùng Vẻn) hay chưa được nghiên cứu xứng đáng (như tiếng Bố Y, tiếng Lự, tiếng Thái Đỏ).

Khảo cứu bổ sung và tổ chức dịch thuật (từ tiếng Nga hay Pháp) để có ngữ liệu đầy đủ (bằng tiếng Việt) từ những nghiên cứu toàn diện về các ngôn ngữ có nguy cơ mai một cần được xem là một nhiệm vụ cấp bách của ngôn ngữ học tộc người hiện nay. Tài nguyên thông tin khoa học được thu thập sẽ được số hoá hình thành các cơ sở dữ liệu, góp phần bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ, ít nhất là lưu trữ tại các kho tư liệu điện tử, được xử lý bằng công nghệ thông tin hiện đại, đặt tại thư viện hay bảo tàng, có thể khai thác liên thông, giúp ích cho việc nghiên cứu ngôn ngữ học cũng như các ngành khoa học khác, phục vụ tìm hiểu sự tham gia của tất cả các (nhóm) tộc người đã từng góp phần làm nên lịch sử Việt Nam, một quốc gia đa sắc màu văn hoá.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Trí Dõi. Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội. - H.: Nxb. Văn hoá - Thông tin, 2001.

2. Trần Trí Dõi. Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. - H.: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016.

3. Trần Trí Dõi (CHEN Zhirui). Tổng quan về những nghiên cứu các ngôn ngữ đang có nguy cơ mai một ở Việt Nam // Tạp chí Học viện Bách Sắc. - 2018. - Tr. 33-41.

4. Edmonson, Jerold A, Nguyễn Văn Lợi, Hoàng Văn Ma. Nùng Vẻn - một ngôn ngữ thuộc nhóm Kađai mới được phát hiện // Tạp chí Ngôn ngữ. - 1999. - Số 5. - Tr. 12-21.

5. Dương Thu Hằng. Báo cáo đề dẫn // Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay. - Thái Nguyên: Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. - 2018. - Tr. 1-6.

6. Dương Thu Hằng, Nguyễn Thu Quỳnh. Bảo tồn ngôn ngữ tộc người - một vấn đề cấp bách trong hành trình bảo tồn và phát triển các dân tộc rất ít người ở Việt Nam hiện nay // Hội thảo khoa học Quốc tế “Nghiên cứu ngôn ngữ - văn hoá các dân tộc Trung Quốc và các nước Đông Nam Á”. - Trung Quốc: Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây, 2018.

7. Dương Thu Hằng, Nguyễn Thu Quỳnh. Thực trạng mai một tiếng La Chí của người La Chí ở Bản Díu, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang từ góc nhìn ngôn ngữ học xã hội // Tạp chí Ngôn ngữ. - 2019. - Số 1. - Tr. 51-61.

8. Nguyễn Hữu Hoành, Nguyễn Văn Lợi, Tạ Văn Thông. Ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. - H.: Nxb Từ điển Bách khoa, 2013.

9. Nguyễn Văn Lợi. Các ngôn ngữ nguy cấp và việc bảo tồn sự đa dạng văn hoá, ngôn ngữ tộc người ở Việt Nam // Tạp chí Ngôn ngữ. - 1999. - Số 4. - Tr. 47-60.

10. Nguyễn Văn Lợi. Tình trạng ngôn ngữ mai một ở Việt Nam // Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay. - Thái Nguyên: Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. - 2018. - Tr. 7-30.

11. Nguyễn Thu Quỳnh, Ôn Thị Mỹ Linh. Tình hình nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam - Những vấn đề đặt ra // Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay. - Thái Nguyên: Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. - 2018. - Tr. 31-49.

12. Mai Văn Thạch. Thực trạng và giải pháp bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại Mường Tè - Lai Châu // Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay. - Thái Nguyên: Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. - 2018. - Tr. 172-176.

13. Tạ Văn Thông. Biên soạn từ điển đối dịch trước nguy cơ mai một các ngôn ngữ ở Việt Nam // Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay. - Thái Nguyên: Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. - 2018. - Tr. 195-209.

14. Vương Toàn. Khai thác tiện ích của công nghệ truyền thông nhằm bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở nước ta // Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn những ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay. - Sơn La: Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trường Đại học Tây Bắc. - 2018. - Tr. 185-194.

15. Vương Toàn. Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong đổi mới hoạt động thư viện. - H.: Nxb Thông tin và Truyền thông, 2013. - 239 tr.

16. Vương Toàn. Số hoá để bảo tồn bằng lưu trữ dữ liệu về các ngôn ngữ trước nguy cơ mai một: Từ trường hợp các ngôn ngữ Thái - Kađai ở Việt Nam // Kỷ yếu Hội thảo “Ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. - Thái Nguyên: Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. - 2019. - Tr. 53- 63.

17. Viện Dân tộc học. Sổ tay về các dân tộc ở Việt Nam. - H.: Nxb. Khoa học xã hội, 1983.


Tình trạng: Cự kỳ nguy cấp – Ký hiệu (ISO 639-3): enc

Tình trạng: Dễ tổn thương – Ký hiệu (ISO 639-3): enc

Từ cuộc Tổng điều tra dân số năm 1979, Tu Dí được hợp nhất với Bố Y thành dân tộc Bố Y

_________________

PGS. TS. Vương Toàn

Chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 4. - Tr. 18-23,51.


Đọc thêm cùng chuyên mục: