Mở đầu
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã ảnh hưởng và tác động đến mọi ngành nghề trong xã hội, trong đó có ngành Thư viện - Thông tin (TVTT). Vì vậy, các cơ sở đào tạo ngành học này đang tìm cách thích ứng với tình hình mới là một động thái tích cực, đi kịp với sự biến đổi của xã hội.
1. Nhận diện tác động của cách mạng công nghiệp 4.0
Thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc CMCN 4.0. Đặc trưng chủ yếu của nó là những tiến bộ trong công nghệ có tiềm năng kết nối con người toàn cầu trên Internet. CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối và điện toán đám mây… được ứng dụng vào cuộc sống.
Theo dự đoán, khoảng 10 năm nữa sẽ có 90% dân số thế giới sử dụng điện thoại thông minh, 30% công việc kiểm toán trong các công ty, doanh nghiệp được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo, khoảng 80% hình ảnh người dân hiện diện số trên Internet, 10% ô tô chạy trên đường ở Hoa Kỳ không cần người lái; lúc đó cũng xuất hiện dược sỹ robot đầu tiên và triển khai ghép tạng trên người bằng công nghệ in 3D… [2].
Trong CMCN 4.0, các cơ quan TVTT Việt Nam có cơ hội tiếp cận và sử dụng công nghệ hiện đại để thay đổi cách thức hoạt động cũ nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu phong phú, đa dạng của người dùng tin.
Bản chất tự nhiên không biên giới của Internet giúp các cơ quan TVTT có thể đi xa hơn, truy cập toàn cầu tới các tài nguyên tri thức và các cơ sở dữ liệu khắp trên thế giới với khung thời gian 24/7. Với khả năng mang thế giới ảo và thế giới thực xích lại gần nhau, CMCN 4.0 giúp các cơ quan TVTT cung cấp dịch vụ trực tuyến với nhiều tiện ích: từ đăng ký thẻ, thực hiện tra cứu, nhận tư vấn, đọc và sử dụng thông tin, tài liệu… phát triển số lượng người dùng tin trực tuyến và tham gia vào việc cung cấp các khoá đào tạo điện tử (e-learning) không bị giới hạn về địa điểm sinh sống, học tập [4].
Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng tạo ra nhiều thách thức mà một trong số đó là: môi trường TVTT hiện đại đòi hỏi những người làm việc phải có thêm nhiều phẩm chất, trình độ và kỹ năng mới ngoài các nghiệp vụ TVTT thông thường.
Như vậy, để có những sản phẩm thích ứng và bắt kịp với xu thế của thời đại, các cơ sở đào tạo ngành TVTT cũng phải chuyển mình để không bị tụt hậu. Không thể vẫn sử dụng nội dung, chương trình và phương pháp cũ để đào tạo những cử nhân TVTT thời kỳ CMCN 4.0.
Tuy nhiên, sự thay đổi nào cũng cần thời gian và một lộ trình thích hợp. Trước tiên, cần tìm hiểu hiện nay quá trình đào tạo đã cho ra những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay chưa?
2. Yêu cầu từ nhà tuyển dụng hiện nay
Tháng 5/2018, bộ môn Quản trị Thông tin - Thư viện, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Cần Thơ đã nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học: “Đánh giá mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng về sinh viên tốt nghiệp ngành Thông tin học trường Đại học Cần Thơ” do tiến sỹ Huỳnh Thị Trang làm chủ nhiệm. Mục tiêu của Đề tài này là tìm những minh chứng thiết thực từ phía nhà tuyển dụng để biết được sinh viên tốt nghiệp có đáp ứng yêu cầu thực tế hay không nhằm cập nhật khung chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra của ngành cho phù hợp với nhu cầu của xã hội. Năm 2017, Bộ môn cũng nghiệm thu Đề tài: “Khảo sát thực trạng việc làm của sinh viên ngành Thông tin - Thư viện trường Đại học Cần Thơ sau khi tốt nghiệp” do thạc sỹ Nguyễn Huỳnh Mai làm chủ nhiệm. Công trình này chủ yếu lấy ý kiến từ cựu sinh viên về các yếu tố tác động đến việc làm của họ nhằm cập nhật và cải tiến chương trình đào tạo.
Kết quả của 2 đề tài nghiên cứu có nhiều điểm tương đồng. Đó là cả nhà tuyển dụng và cựu sinh viên cùng đề nghị chương trình đào tạo ngành TVTT cần tăng cường thời lượng các môn thực hành, giảm lý thuyết, chú trọng trau dồi kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự làm việc, kỹ năng làm việc nhóm, kiến thức chuyên môn, công nghệ thông tin và ngoại ngữ, chú ý tinh thần thái độ làm việc, tăng cường nghiên cứu khoa học… [6].
Trong công trình khảo sát ý kiến của nhà tuyển dụng, nghiên cứu đã xác định được 03 nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người sử dụng lao động là: Kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và áp dụng công nghệ thông tin trong công việc; Thái độ của sinh viên gồm ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và tinh thần cầu tiến; Kiến thức chuyên ngành thư viện và kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và áp dụng công nghệ thông tin vào công việc của sinh viên là nhân tố có mức ảnh hưởng mạnh nhất đến mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng. Những người sử dụng lao động còn yêu cầu sinh viên tốt nghiệp ngoài kiến thức chuyên môn cần phải có thêm 08 nhóm kiến thức, năng lực và kỹ năng khác, đó là: Kỹ năng giao tiếp; Làm việc nhóm; Tự làm việc; Phân tích và tổ chức thông tin; Phục vụ thông tin; Công nghệ thông tin; Quản lý; Kiến thức xã hội nói chung. Trong đó, kỹ năng giao tiếp được đánh giá là rất cần thiết [6].
Qua 2 kết quả nghiên cứu của bộ môn Quản trị Thông tin - Thư viện, trường Đại học Cần Thơ và nhìn lại chương trình đào tạo ngành TVTT của một số trường đại học trên cả nước, có thể thấy nội dung chương trình đào tạo của các trường hiện nay đã đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, những yêu cầu về kỹ năng mềm, kỹ năng thông tin đang trở nên bức thiết, nhưng quá trình đào tạo hiện nay chưa chú trọng đúng mức. Một số chương trình đào tạo không có các môn như: Kỹ năng giao tiếp; Làm việc nhóm; Phục vụ thông tin…
Về phương pháp đào tạo, hiện nay đa số các cơ sở đào tạo ngành TVTT đã kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, thực tế đối với những môn chuyên ngành. Nhưng với các môn thuộc về kỹ năng mềm, kỹ năng thông tin sinh viên còn học thiên về lý thuyết, chưa học thông qua trải nghiệm thực tế. Ví dụ môn: Kỹ năng giao tiếp, Làm việc nhóm, Phân tích và tổ chức thông tin… Vì vậy khi đi làm việc còn lúng túng, bỡ ngỡ, chưa áp dụng được ngay.
Việc lấy ý kiến phản hồi từ nhà tuyển dụng lao động của các cơ sở đào tạo ngành TVTT chưa được thực hiện rộng khắp, thường xuyên. Những yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với các cử nhân ngành TVTT hiện nay cũng đi cùng với những biến đổi của một xã hội thông tin và quá trình hội nhập quốc tế. Nếu đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng lao động, các cơ sở đào tạo ngành TVTT sẽ có đà để tiếp tục thích ứng khi cuộc CMCN 4.0 chiếm lĩnh toàn bộ xã hội.
3. Đào tạo ngành Thư viện - Thông tin trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
Ngành TVTT là một ngành không ngừng phát triển. Từ thời cổ đại cho đến nay, vai trò, nhiệm vụ của người làm thư viện không ngừng biến đổi cùng với những bước tiến của xã hội. Vào thời cổ đại họ là những nhà khoa học thu thập và phân loại tài liệu, đến thời trung cổ họ là những người thu thập, phân loại, giúp người dùng tin tra cứu thông tin, sang thời cận đại, chức năng tra cứu của người làm thư viện thể hiện rõ hơn. Khoảng thế kỷ XIX, người làm thư viện có các nhiệm vụ cơ bản: thu thập, xử lý, bảo quản tài liệu, phục vụ người dùng tin. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, khi công nghệ thông tin được ứng dụng vào thư viện, cách thức làm việc trong thư viện thay đổi về cơ bản, lúc này việc bổ sung nguồn lực thông tin được thực hiện qua mạng, biên mục bằng máy, phục vụ người dùng tin qua hệ thống tự động hoá, tra cứu được thực hiện trên máy tính và qua mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, người làm thư viện đã từ những người giữ sách thành những chuyên gia xử lý và phổ biến thông tin.
Hiện nay, cuộc CMCN 4.0 làm thay đổi tận gốc rễ bộ mặt xã hội và tác động đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành TVTT. Để đào tạo ra những chuyên gia xử lý và phổ biến thông tin 4.0, các cơ sở đào tạo cần có những thay đổi căn bản trong: Thiết kế chương trình đào tạo; Phương pháp giảng dạy; Tư duy của giảng viên; Cơ sở vật chất; Liên kết chặt chẽ nơi sử dụng lao động…
3.1. Về thiết kế chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo vừa là công cụ, vừa là thước đo trình độ phát triển của mỗi trường. Việc xác định rõ ràng chuẩn đầu ra với các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ của chuyên gia TVTT trong bối cảnh mới là một việc làm hết sức cần thiết.
Trong CMCN 4.0, chương trình đào tạo ngành TVTT cần phải cập nhật các nội dung kiến thức về công nghệ 4.0 ứng dụng trong thư viện như: trí tuệ nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối, quản trị thông tin 4.0, các sản phẩm và dịch vụ thông tin 4.0, công nghệ lưu trữ và bảo mật thông tin…
Nội dung chương trình đào tạo ngành TVTT cần được thiết kế theo định hướng ứng dụng và thường xuyên được cập nhật, chuẩn đầu ra được công khai và đảm bảo đánh giá định lượng được. Các học phần về công nghệ thông tin chiếm tỷ lệ lớn trong chương trình. Bổ sung thêm các môn học về kỹ năng mềm như: kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm… Nội dung chương trình cần được triển khai theo hướng mở, hội nhập quốc tế, có thể tham khảo giáo trình của nước ngoài.
Bố trí khoảng 50% thời gian dành cho hoạt động thực tập, thực tế. Học xong có thể thực hành được ngay.
Việc tổ chức và quản lý đào tạo được thực hiện theo học chế tín chỉ để đảm bảo tính mềm dẻo, giúp sinh viên có thể chủ động lựa chọn chương trình, kế hoạch học tập phù hợp, có thể rút ngắn thời gian học, có thể vừa làm, vừa học.
Chương trình đào tạo được thiết kế đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng, đồng thời tính đến năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng với những thay đổi trong công việc của sinh viên. Việc rút ngắn khoảng cách giữa chương trình đào tạo và nhu cầu đặt ra từ thực tế của nơi tuyển dụng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
3.2. Về phương pháp đào tạo
Phương pháp đào tạo là cách thức sử dụng các nguồn lực sẵn có để giáo dục sinh viên. Trong kỷ nguyên 4.0, chắc chắn phương pháp đào tạo ngành TVTT phải thay đổi để có thể đi cùng với sự phát triển của xã hội.
Ở thời đại số, giảng dạy trực tuyến tạo ra một môi trường học tập năng động. Các lớp học ảo khiến sinh viên dễ dàng tương tác với nhau qua máy tính: “Các sinh viên theo học những khoá trực tuyến thường là những học viên tự quản, tự định hướng. Họ thể hiện óc sáng tạo, tính độc lập và sự kiên trì trong việc học. Khi họ chịu trách nhiệm cho việc học của bản thân, họ coi các vấn đề như những thử thách thay vì những trở ngại. Họ có chung một niềm hiếu kỳ cao độ, một khao khát học hỏi mãnh liệt và khả năng kỷ luật tự giác. Họ có thể lập ra những mục tiêu, đề ra những kế hoạch, tổ chức thời gian và xác lập một nhịp độ thích hợp cho việc học” [5].
Hiện nay, hoạt động của ngành TVTT dựa vào những thành tựu của công nghệ thông tin. Khi CMCN 4.0 chiếm lĩnh toàn xã hội, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong đào tạo ngành học này là tất yếu.
Đào tạo trực tuyến gia tăng sự giao lưu, tương tác giữa thầy và trò. Giảng viên có thể tạo ra những lớp học ảo hấp dẫn trên mạng, lấy ví dụ từ các thư viện số và với tới nhiều thư viện trên toàn cầu. Lớp học ảo nhưng người học được dẫn chứng bằng nhiều ví dụ rất thật.
Đến lúc đó, nguồn nhân lực TVTT được kết hợp đào tạo trực tuyến và đào tạo truyền thống. Đào tạo trực tuyến có thể áp dụng với các học phần môn chung và môn cơ sở ngành, có giám sát giúp sinh viên chuẩn bị bài và tự học ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào chỉ với điện thoại hoặc máy tính kết nối Internet. Đào tạo truyền thống áp dụng với các môn chuyên ngành, các môn kỹ năng để sinh viên học qua thực hành và trải nghiệm.
Với các lớp học trực tuyến, giảng viên ngành TVTT có thể tạo ra các khoá học, ghi danh và nhắn tin với sinh viên một cách dễ dàng. Người thầy lúc này có thể thiết lập các diễn đàn thảo luận, tạo ra hoạt động chat, đưa câu hỏi và bài tập lên mạng, đánh giá người học… Giảng viên có thể tận dụng các tính năng của Facebook, Google docs, Blog, Youtube, Ustream, Skype để có những lựa chọn hấp dẫn, lý thú và miễn phí cho các khoá học của mình. Lớp học ảo có thể chọn cách dạy không đồng bộ (sắp xếp theo trình tự thời gian) hoặc đồng bộ (trực tiếp theo thời gian thực). Với các lớp học không đồng bộ, giảng viên có thể tiến hành các hoạt động diễn đàn, tiểu luận và câu hỏi kiểm tra. Với các lớp học đồng bộ, giảng viên có thể tạo ra các nhóm chat trực tiếp, các nhóm thảo luận. Lúc này giảng viên và người học có thể thấy mặt nhau, giao lưu trực tiếp…
Bên cạnh các lớp học trực tuyến, các môn chuyên ngành TVTT và công nghệ thông tin phải được học qua thực hành, thực tế. Cách học hiệu quả là thông qua việc làm mẫu của giảng viên và sinh viên được áp dụng làm thử, làm ngay tại các cơ sở thực tập, những nơi liên kết, đối tác của cơ sở đào tạo.
Đào tạo trong công việc là phương pháp đào tạo trực tiếp tại nơi làm việc. Cụ thể là sinh viên được đến các cơ quan TVTT hiện đại để học những kiến thức, kỹ năng cần thiết thông qua thực tế thực hiện công việc và thường là dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia TVTT lành nghề.
Đào tạo nghề TVTT cũng có thể áp dụng phương pháp dạy liên ngành như ứng dụng công nghệ thông tin trong thư viện, kỹ năng giao tiếp kết hợp với phục vụ người dùng tin… hay thực hiện mô hình đào tạo tích hợp, vừa giảng dạy chuyên môn, vừa đào tạo các kỹ năng, như dạy môn Tổ chức và bảo quản tài liệu, kết hợp kỹ năng giải quyết vấn đề, môn Phân loại kết hợp kỹ năng quản lý thời gian…
3.3. Về giảng viên
CMCN 4.0 làm thay đổi căn bản vai trò của giảng viên. Từ người dạy theo cách truyền thống trở thành người điều phối, xúc tác, tạo ra môi trường học tập… Giảng viên lúc này là người truyền cảm hứng, định hướng cho sinh viên, tạo cho họ nhiều cơ hội tự học, tự thực hành, tăng khả năng phản biện…
Cách học trực tuyến của ngành TVTT đòi hỏi giảng viên phải nắm vững công nghệ, thành thạo ngoại ngữ, có tư duy cởi mở, biết cách ứng dụng các tiện ích do Internet mang lại. Điều này đòi hỏi giảng viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, trau dồi các kỹ năng.
Trong các lớp học ảo, giảng viên trao quyền cho sinh viên, để họ tự tìm hiểu và đào sâu kiến thức, làm chủ tư tưởng của mình. Giảng viên không còn là người có quyền lực độc nhất mà trở thành người truyền cảm hứng, điều tiết sinh viên…
Bản chất tương tác của giảng dạy trực tuyến là giúp duy trì sự nhiệt tình của sinh viên, nhưng cũng thử thách giảng viên về khả năng giao tiếp, kiến thức chuyên môn, công nghệ… Giảng viên phải tìm hiểu về hệ thống quản lý học tập trên Internet, hình thức học tập trên lớp kết hợp qua mạng máy tính và tự học, kỹ thuật hội thảo truyền hình cho phép nhiều người tham gia từ khắp nơi trên toàn cầu, có thể trao đổi trực tiếp với nhau qua hình ảnh và âm thanh hỗ trợ…
Để thích ứng với vai trò mới, mỗi giảng viên ngành TVTT phải tự nghiên cứu, học tập để bắt kịp với xu thế của xã hội… Thay đổi cần thiết nhất là thay đổi trong tư duy của người thầy.
Tuy nhiên, dù xã hội có phát triển vượt bậc đến đâu, giảng viên luôn là tấm gương để sinh viên học tập và noi theo. Giảng viên mang theo mình những chân giá trị vô hình như: yêu thương, khiêm tốn, khoan dung, trách nhiệm… những đức tính ấy sẽ được thẩm thấu một cách tinh tế vào sinh viên, hình thành thái độ tích cực và là hành trang quý giá mà các em mang theo suốt cuộc đời.
3.4. Về cơ sở vật chất
Nền tảng của CMCN 4.0 là những tiến bộ trong công nghệ, vì vậy, các trường đào tạo ngành TVTT cần đầu tư cơ sở vật chất để tạo môi trường làm việc cho giảng viên và sinh viên.
Các phòng học với đầy đủ trang thiết bị nối mạng 24/7, các phần mềm tích hợp và quản trị là những yêu cầu cơ bản. Các phương tiện dạy học hiện đại, đa tính năng, ứng dụng tích hợp và sử dụng thiết bị ảo, thiết bị thông minh, trí tuệ nhân tạo, công nghệ 3D. Các kết nối wifi, kết hợp thực - ảo, kết nối nơi đào tạo và khắp nơi trong nước cũng như toàn cầu.
Nơi đào tạo cần có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan TVTT để tận dụng môi trường làm việc thực tế, sẵn có, tận dụng các trang thiết bị để sinh viên có cơ hội thực hành, thực tập.
3.5. Đào tạo gắn với nơi tuyển dụng
Các cơ sở đào tạo ngành TVTT cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan TVTT để nắm bắt nhu cầu, cung cấp nguồn nhân lực, tạo môi trường tham quan thực tế và thực tập cho sinh viên…
Trong phát triển chương trình đào tạo, cần mời nhà tuyển dụng cùng chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn tham gia vào các Hội đồng phản biện và xây dựng chuẩn đầu ra, biên soạn chương trình, tham gia giảng dạy một số học phần chuyên môn.
Thực hiện thường xuyên việc lấy ý kiến phản hồi về nguồn nhân lực đã đào tạo tại những nơi sử dụng và kịp thời điều chỉnh chương trình, cách dạy. Việc lấy ý kiến phản hồi từ sinh viên cũng là kênh thông tin cần thiết vì người trong cuộc bao giờ cũng có những cảm nhận rất sâu.
Các cơ quan TVTT và cơ sở đào tạo cần có chiến lược phát triển rõ ràng. Những dự báo về nhân sự, yêu cầu của từng vị trí công việc tại nơi sử dụng lao động là cơ sở để nơi đào tạo dự báo số lượng nhân sự cho các giai đoạn. Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo cần có chiến lược phát triển để các cơ quan TVTT biết được ngành nghề, năng lực đào tạo để đặt hàng. Như vậy, cả hai bên cần phải có chiến lược phát triển rõ ràng và sẽ rất hiệu quả nếu các bên tư vấn cho nhau trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển. Nếu có các bộ phận chuyên trách thực hiện công việc hợp tác, phát triển, đảm nhận vai trò làm cầu nối, điều phối chuyên nghiệp các hoạt động đào tạo gắn với nhu cầu của nơi sử dụng thì việc phối hợp giữa hai bên sẽ thuận lợi hơn. Đây là giải pháp thiết thực xoá dần khoảng cách giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng, góp phần nâng cao uy tín của cơ sở đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thực tế.
Kết luận
Cuộc CMCN 4.0 đã bắt đầu ảnh hưởng và sẽ tác động đến mọi mặt của xã hội trong thời gian không xa. Nhận diện những biến động do cuộc cách mạng này tạo ra đối với ngành TVTT để sẵn sàng đón nhận và vượt qua thử thách là việc làm cần thiết. Các cơ sở đào tạo ngành TVTT đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Việc nắm vững nhu cầu của nhà tuyển dụng, có những điều chỉnh trong nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất và tư duy của giảng viên để phù hợp với cuộc CMCN 4.0 đang ngày càng trở nên cấp bách.
Tuy nhiên, dù khoa học công nghệ có phát triển đến đâu đi chăng nữa thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Giảng viên phải chủ động thay đổi tư duy, đứng vững giữa biến động và giữ mãi những giá trị nhân văn tốt đẹp để truyền cảm hứng đến sinh viên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Clark, Dorie. Khởi nghiệp 4.0. - H.: Lao động, 2017.
2. Nguyễn Khôi. Việt Nam hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. - 2018. dan.com.vn/antuong/item/35210902-viet-nam- huong-toi-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu- tu.html. Truy cập ngày 7/5/2018.
3. Nguyễn Huỳnh Mai. Khảo sát thực trạng việc làm của sinh viên ngành Thông tin Thư viện trường Đại học Cần Thơ sau khi tốt nghiệp. - Cần Thơ: Đại học Cần Thơ, 2016.
4. Vũ Dương Thuý Ngà. Thư viện trong Cách mạng công nghiệp 4.0. - 2018. http://toquoc.vn/ thu-vien/thu-vien-trong-cach-mang-cong-nghiep- 40-341653.html. Truy cập ngày 7/5/2018.
5. Swenson, Pat. Giảng dạy trực tuyến trong thời đại số. - Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2015.
6. Huỳnh Thị Trang. Đánh giá mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng về sinh viên tốt nghiệp ngành Thông tin học Trường đại học Cần Thơ. - Cần Thơ: Đại học Cần Thơ, 2018.
______________
TS. Dương Thị Vân
Khoa Thư viện – Văn phòng, trường Đại học Sài Gòn
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 1. - Tr. 18-23.
< Prev | Next > |
---|
- Tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức quản lý và hoạt động thư viện, chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
- Nghiên cứu phát triển của web cùng các “thế hệ thư viện” và đề xuất mô hình thư viện đại học việt nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
- Xuất bản phẩm điện tử - nhân tố tạo nên sự thay đổi trong hoạt động thư viện
- Pháp luật quyền tác giả trong hoạt động của thư viện một số đánh giá và kiến nghị hoàn thiện
- Thư viện công cộng trong bức tranh xoá đói giảm nghèo
- Hệ sinh thái thư viện - Xu hướng phát triển tất yếu
- Kết quả thực nghiệm mô hình đánh giá chất lượng dịch vụ thư viện - thông tin tại hệ thống thư viện đại học Việt Nam
- Nghiên cứu ứng dụng Internet of Things trong tạo lập, quản lý tài nguyên số
- Học sinh và vấn đề đạo đức trong sử dụng thông tin
- Những thay đổi trong công tác biên mục - tiền đề chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0