Tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức quản lý và hoạt động thư viện, chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Print

Đặt vấn đề

Thư viện với sứ mệnh của mình đã có vị trí, vai trò rất lớn đối với xã hội nói chung, có ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược phát triển đối với văn hoá, giáo dục, đào tạo, khoa học của mỗi quốc gia nói riêng.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với những công nghệ mới đang diễn ra mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến mọi hoạt động của đời sống con người và xã hội. “Chuyển đổi để thích nghi” đang là xu hướng hoạt động thư viện trên toàn thế giới trước những thay đổi nhanh chóng của các công nghệ mới; những nguồn thông tin mới và nhu cầu tiếp cận, sử dụng thông tin của xã hội, xu hướng mới đã đặt ra yêu cầu cấp thiết có những cơ chế phản ứng phù hợp hơn đối với vấn đề tổ chức quản lý hoạt động thư viện.

Hoạt động thư viện nước ta trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc từ phương thức hoạt động truyền thống sang phương thức hiện đại ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT), đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên bối cảnh mới với sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, đặc biệt là CNTT đã tác động và làm thay đổi hoạt động của mọi ngành, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, ngành Thư viện không nằm ngoài sự tác động đó, từ những điều kiện khách quan, nhu cầu của xã hội, yêu cầu của người sử dụng đòi hỏi ngành thư viện Việt Nam (TVVN) cần phải đổi mới tổ chức quản lý hoạt động để phù hợp, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đồng thời hiện thực hoá chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg “Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” ban hành ngày 4/5/2017 [1] và Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL ngày 28/11/2017 về “Định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hoá, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020” của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch [6], trong đó Chỉ thị số 16/CT-TTg đã đưa những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm mục tiêu đưa Việt Nam bắt kịp nhịp độ phát triển của khu vực và thế giới, trong khi đó Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL đưa ra định hướng cụ thể hơn cho lĩnh vực thư viện đó là: Công nghệ số hoá, lưu trữ, kết nối và khai thác dữ liệu lớn (Big Data) [6].

1. Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến tổ chức, quản lý, hoạt động thư viện

Hiện nay cuộc CMCN 4.0 với hàng loạt công nghệ mới có tính tương tác cao như: Dữ liệu lớn (Big Data), Mạng lưới vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT), Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), Thực tế ảo (Virtual Reality - VR), Thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR), công nghệ sinh học… đang có sức ảnh hưởng ngày các lớn đến cuộc sống của con người trên quy mô toàn cầu. CMCN 4.0 được dự báo sẽ thay đổi hoàn toàn cách sống, phương thức làm việc, cách giao tiếp, sản xuất, nghiên cứu của con người. Đặc trưng của cuộc cách mạng này là ứng dụng rộng rãi những thành tựu công nghệ cao, đặc biệt là CNTT, số hoá, AI, kết nối mạng để quản trị nhằm tạo ra những thay đổi đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu. Xét về bản chất, CMCN 4.0 được coi là bước phát triển mới ở trình độ cao hơn của kinh tế tri thức [2].

Đối với hoạt động thư viện, CMCN 4.0 được dự báo sẽ làm thay đổi cách các thư viện, trung tâm thông tin tổ chức, phổ biến, chia sẻ, phân tích và xử lý thông tin từ đó tham gia vào chuỗi các giá trị mà CMCN 4.0 mang lại, góp phần vào sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu.

Không nằm ngoài quỹ đạo chung, các TVVN được sự đoán là sẽ chịu tác động lớn từ cuộc CMCN 4.0, điều này vừa tạo ra cơ hội và những khó khăn, thách thức trong tổ chức, quản lý, hoạt động thư viện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Trong thực tế, gần như mọi khâu công tác tại phần lớn các TVVN đã áp dụng sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, nhất là CNTT và truyền thông. Với cuộc CMCN 4.0, dữ liệu (Data) đã trở thành trung tâm của mọi hoạt động, là "nhiên liệu" cho nền kinh tế số mới [8], chính là một yếu tố cấu thành của CMCN 4.0 và là yếu tố vô cùng quan trọng. Như vậy thư viện đã tham gia và đóng vai trò quan trọng trong khâu hỗ trợ cung cấp nguồn thông tin, dữ liệu cho CMCN 4.0, bao gồm: Dữ liệu về tư liệu, dữ liệu người sử dụng, dữ liệu sản phẩm, dữ liệu thiết bị, dữ liệu nghiên cứu, dữ liệu hoạt động, dữ liệu quản lý…

Như vậy, chính CMCN 4.0 đã tác động trực tiếp đến hoạt động tại các TVVN, nếu chúng ta có phương thức tiếp cận tốt, chắc chắn sẽ làm tăng hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn thông tin khổng lồ đang được lưu giữ, bảo quản tại các TVVN, góp phần vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Thời cơ, thách thức trong quản lý và hoạt động thư viện hiện nay

Đối với ngành TVVN, CMCN 4.0 được xác định là một “sân chơi” lớn trong đó có thời cơ và khó khăn thách thức, nhất là trong điều kiện nhiều bất cập trong nội tại ngành Thư viện hiện tại vẫn chưa được quan tâm giải quyết kịp thời như: hành lang pháp lý chưa đủ mạnh, chưa cụ thể; mức độ chuẩn hoá chưa cao; cộng đồng chưa mạnh; sự đầu tư chưa có tính liên tục và dài hạn; sự phát triển không đồng đều giữa các thư viện và hệ thống thư viện; nhân lực còn yếu; sự phối hợp chưa hiệu quả; công tác tạo lập, phát triển các bộ sưu tập số còn chậm, khả năng chia sẻ, tích hợp dữ liệu, phối hợp hoạt động còn thấp; sự phối hợp với các ngành khác còn hạn chế… đã làm chậm sự phát triển của thư viện so với khu vực và thế giới, đồng thời đã làm giảm vai trò của thư viện đối với xã hội, thực tế thư viện đang thay đổi chậm so với sự phát triển của xã hội. Trong khi đó, hoạt động thư viện thế giới đang chuyển biến theo hướng ứng dụng mạnh mẽ sự đột phá của các công nghệ mới vào hoạt động thư viện theo hướng tích hợp và tương tác cao.

Đánh giá đúng thực trạng, nhận diện được thời cơ, những mặt thuận lợi cũng như thách thức, sẽ giúp ngành TVVN tìm ra được những giải pháp đối phó hiệu quả với tác động của CMCN 4.0, tham gia sân chơi chung của ngành Thư viện khu vực và thế giới.

2.1. Thời cơ

Tận dụng được sự phát triển vượt bậc của CNTT trong việc thu thập, tổ chức và phổ biến, phân phối thông tin, nhất là công nghệ nhận dạng thông minh, AI…

- Tạo cơ hội lớn, là yếu tố thúc đẩy ngành TVVN thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức tổ chức, quản lý và hoạt động thư viện.

- Giúp các TVVN nhanh chóng hoà nhập và tiếp cận được sự tiến bộ của ngành Thư viện trong khu vực và quốc tế.

2.2. Thuận lợi

- Về nhận thức, các TVVN cũng đang có sự tiếp cận rất nhanh chóng về CMCN 4.0 thông qua nhiều cuộc hội thảo, báo cáo nghiên cứu, đề xuất giải pháp.

- Các TVVN đã có quá trình ứng dụng CNTT vào hoạt động khá sớm, đã có kinh nghiệm nhất định trong việc triển khai hệ thống CNTT trong công tác thư viện.

- Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành quyết tâm thực hiện, đã có những chỉ đạo sát sao, cụ thể.

2.3. Khó khăn và thách thức

Hiện CMCN 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một số nước châu Á. Bên cạnh những cơ hội mới, CMCN 4.0 cũng đặt ra cho ngành Thư viện nhiều thách thức phải đối mặt:

Hoạt động thư viện gắn liền với ứng dụng khoa học và công nghệ, các dịch vụ thư viện mới cũng được triển khai chủ yếu trên nền tảng sự phát triển của CNTT. Trong kỷ nguyên số với sự phát triển nhanh chóng của CNTT, đặc biệt là các công nghệ mới nổi, là những công nghệ có tiềm năng rất lớn ứng dụng trong hoạt động thư viện, một số công nghệ trên đã được ứng dụng hoặc thử nghiệm thực tế ở một số thư viện trên thế giới, đòi hỏi có chính sách mới cả trong lĩnh vực thư viện và CNTT để có thể tiếp cận và ứng dụng các công nghệ này làm tăng hiệu quả hoạt động thư viện ở nước ta.

Với yêu cầu trong việc tiếp cận cuộc CMCN 4.0, ngành TVVN cần xây dựng những chính sách phù hợp để tận dụng tối đa lợi thế của sự phát triển công nghệ, nhất là trong lĩnh vực tạo lập, thu thập, xử lý và phân phối thông tin số hoá, hoặc cần làm rõ cơ sở pháp lý và các cơ chế để đảm bảo nào cho ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong hoạt động thư viện?

Thách thức này sẽ đặt ra vấn đề hoạch định lại chiến lược phát triển cho ngành Thư viện trong thời gian tới.

Với sự gia tăng nhanh chóng, đa dạng của các nguồn tin và nhu cầu cần thu thập và quản lý thông tin của thư viện, từ những nguồn tài nguyên nội tại của thư viện và nguồn thu thập từ bên ngoài như: Chuyển dạng tài liệu; Thu thập từ Internet; Dữ liệu nghiên cứu; Dữ liệu mở; Dữ liệu về người sử dụng; Dữ liệu tương tác từ các thiết bị trong thư viện; Dữ liệu mới được sinh ra từ chính các hệ thống AI, VR, AR...

Thu thập và quản lý dữ liệu dạng số không phải là một xu hướng mới, nhưng các công nghệ mới, sự bùng nổ của thiết bị di động, thiết bị kết nối Internet và ứng dụng cho các thiết bị di động ra đời trong thời gian gần đây đã cải thiện rất nhiều cơ hội thu thập, lưu trữ, phân tích dữ liệu và tạo điều kiện phổ biến rộng rãi dữ liệu trên quy mô lớn. Yêu cầu đặt ra làm sao để có thể thu thập, tích hợp và quản lý các nguồn tin này một cách hiệu quả để người sử dụng có thể tăng cường tiếp cận và khai thác thông tin, xét về mặt chính sách và kỹ thuật?

- Về mặt chính sách: Cần có cơ chế, chính sách để đảm bảo các hoạt động đó được triển khai một cách liên tục, đa dạng, bền vững, đồng thời xác định phạm vi ưu tiên và đảm bảo tính pháp lý trong việc thu thập dữ liệu bên trong và bên ngoài thư viện.

- Về mặt kỹ thuật: Cần đảm bảo hạ tầng công nghệ đủ mạnh và các giải pháp kỹ thuật để có thể tích hợp được các loại hình dữ liệu, tạo ra nhiều định dạng tài liệu phục vụ các hình thức hiển thị của nhiều loại hình thiết bị truy cập, bảo quản số, duy trì và gia tăng thêm giá trị cho kho dữ liệu kỹ thuật số để duy trì lâu dài các bộ sưu tập số.

CMCN 4.0 với những công nghệ mới nổi đặt ra những thách thức mới cho sự phát triển thư viện trên thế giới cũng như ở nước ta, đã có những sản phẩm cụ thể của các công nghệ này được ứng dụng thực tế hoặc đang trong quá trình thử nghiệm tại các thư viện, viện nghiên cứu, các hãng công nghệ trên thế giới.

Các xu hướng công nghệ dưới đây cần được chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng một cách phù hợp: Mạng lưới vạn vật kết nối; Trí tuệ nhân tạo; Dữ liệu lớn…

- Mạng lưới vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT)

Trong những năm gần đây, IoT được nêu ra tại nhiều hội nghị quốc tế về thư viện và trở thành một chủ đề được quan tâm của các hiệp hội thư viện trên thế giới, được các chuyên gia về thư viện nghiên cứu triển vọng, tiềm năng, đồng thời thảo luận một cách tích cực để xác định phạm vi có thể và các hình thức ứng dụng công nghệ này vào việc triển khai các dịch vụ thư viện. Tiến xa hơn đã có những ứng dụng IoT đầu tiên ứng dụng trong hoạt động thư viện giúp người sử dụng tìm kiếm các tài nguyên và mở rộng sở thích của họ với các gợi ý theo ngữ cảnh [11], hay nhận thông báo cá nhân và thông báo theo ngữ cảnh (hoạt động, sự kiện, tương tác…) từ thư viện [20].

- Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI)

Hiện tại AI được coi là một trong sáu công nghệ sẵn sàng tác động đến các chiến lược, hoạt động và dịch vụ của thư viện liên quan đến học tập, sáng tạo, nghiên cứu và quản trị thông tin [17]. Và AI cũng được coi là 1 trong 10 công nghệ tiên tiến được áp dụng trong thư viện tương lai [19].

AI đã được IFLA nhận định là 1 trong 4 xu hướng công nghệ quan trọng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động thư viện toàn cầu (Dữ liệu lớn; Thiết bị di động; AI và In 3D) tại Báo cáo xu hướng IFLA (cập nhật 2018) [15] và IFLA cũng nhận định những tiến bộ trong nghiên cứu, ứng dụng về AI sẽ hứa hẹn sự đột phá trong việc phân tích dữ liệu và phát triển các thế hệ công cụ tìm kiếm thông tin mới [9].

- Dữ liệu lớn (Big Data)

Dữ liệu lớn trong hoạt động thư viện cũng là chủ đề “hot” đang được các chuyên gia thảo luận tích cực trên phạm vi toàn thế giới. Như đã đề cập ở trên, dữ liệu lớn cũng là một trong những xu hướng chính được IFLA quan tâm và tổ chức các cuộc thảo luận những khía cạnh đa dạng của dữ liệu lớn trong hoạt động thư viện [10].

Với tiềm năng ứng dụng rất lớn của dữ liệu lớn trong hoạt động thư viện, tuy nhiên sẽ phát sinh nhiều vấn đề mới cần được nghiên cứu, đó là: Phương pháp, cách thức tiếp cận; Sự tác động trực tiếp và gián tiếp của dữ liệu lớn đối với tổ chức, quản lý và hoạt động thư viện; Vai trò mới và cơ hội cho người làm thư viện; Giải pháp kỹ thuật cho thu thập, quản lý và phân phối bộ sưu tập số lớn; Cơ sở hạ tầng mạng thư viện để chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu lớn; Tính pháp lý trong việc thu thập, quản lý và phân phối dữ liệu lớn…

Tổ chức tìm kiếm và hiển thị thông tin của mọi nguồn tài nguyên thư viện thông qua một nền tảng (platform) duy nhất như là các hệ thống “one search” - một nền tảng tìm kiếm tổng hợp hầu hết các tài nguyên dưới dạng điện tử và tài liệu dạng in ấn của thư viện (Sách; Tạp chí; Bài trích; Tài liệu nghe nhìn; Tranh ảnh; Báo; Hồ sơ; trang web, Tạp chí điện tử…), làm cho chúng có thể tìm kiếm được cùng một lúc từ một vị trí trung tâm. Tích hợp mọi nguồn dữ liệu và quản lý được chúng sẽ hỗ trợ các hệ thống công nghệ mới có sử dụng AI tiến hành xử lý và phân tích dữ liệu trên quy mô lớn được thuận lợi.

Hệ thống tìm kiếm tập trung không phải là công nghệ mới, tuy nhiên với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ với các hệ thống thông minh nhân tạo, hệ thống “one search” với một nền tìm kiếm dữ liệu tập trung sẽ trợ giúp, rút ngắn quá trình tìm kiếm, tổ chức, phân tích dữ liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu. Áp dụng công nghệ mới sẽ dẫn đến những đột phá trong quản lý dữ liệu số, kết quả tìm kiếm sẽ chính xác hơn và cho phép các thư viện quản lý và hiển thị tài nguyên có liên quan với hệ thống quản lý trích dẫn khoa học một cách hiệu quả hơn.

Chuyển đổi không gian thư viện là yêu cầu bắt buộc trong thời đại công nghệ số. Không gian mới cần được tăng cường cho ứng dụng số, thiết bị công nghệ hiện đại, do đó thư viện cần định hình lại các dịch vụ, đổi mới môi trường đọc, không gian thư viện theo hướng tăng cường các dịch vụ số, nhất là tập trung vào đa dịch vụ trong một không gian, hoặc các dịch vụ trải nghiệm, như:

- Không gian truy cập các nguồn lực thông tin: Xây dựng không gian mang tính kết nối cao giữa tài liệu truyền thống và các nguồn thông tin số, đảm bảo tính tập trung.

- Không gian học tập, giáo dục: Không gian học tập, giáo dục cần được thiết kế lại để có thể kết nối được các hoạt động học tập, nghiên cứu một cách thuận lợi và liền mạch, gắn liền với các dịch vụ thư viện, bao gồm: cung cấp tài liệu, truy cập các cơ sở dữ liệu, cung cấp máy tính, wifi, thiết bị truy cập Internet, thiết bị hỗ trợ trình chiếu, ổ điện, các thiết bị tập thuyết trình...

- Không gian chia sẻ tri thức: Không gian kết hợp các thiết bị công nghệ với nguồn tài nguyên tri thức của thư viện và các hoạt động mang tính định hướng và truyền cảm hứng để tạo nên một không gian học tập, chia sẻ tri thức.

- Không gian sáng tạo, phức hợp, đa chức năng: Không gian thư viện phục vụ nhiều hoạt động, đảm bảo sự trải nghiệm của người sử dụng trong một không gian tiện ích với các công cụ hỗ trợ: chơi nhạc, xem phim, nghe nhạc, công cụ thí nghiệm, lắp ráp…

- Không gian sinh hoạt cộng đồng: Tạo không gian để cộng đồng dân cư hội họp, gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt tạo nên các quan hệ xã hội, là nơi phổ biến các kiến thức phổ thông. Thư viện cần được coi là “trái tim” của cộng đồng, từ đó xây dựng các kế hoạch hoạt động để có thể cân bằng giữa dịch vụ thư viện và nhu cầu của địa phương.

Cần xác định rằng hoạt động thư viện trong kỷ nguyên số với sự tác động của công nghệ mới chắc chắn sẽ thay đổi cách mà thư viện cung cấp thông tin tới người sử dụng, bên cạnh các dịch vụ cung cấp thông tin truyền thống như: Mượn tài liệu, truy cập Internet; khảo cứu; đọc báo, tạp chí; cung cấp thông tin đa phương tiện; in và sao chụp tài liệu… dịch vụ truy cập số cần phải thay đổi mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng và phù hợp với cách thức, phương tiện mà người sử dụng truy cập thông tin, mặt khác đảm bảo khả năng cho người sử dụng đánh giá, tương tác đến các nguồn tin của thư viện rất quan trọng.

Một số yêu cầu bước đầu cho việc đổi mới và tăng cường cung cấp các dịch vụ thư viện trong môi trường số, đây cũng là thách thức lớn mà các TVVN cần quan tâm là:

- Thay đổi phương thức vận hành thư viện theo hướng quản trị tri thức, triển khai dịch vụ số cung cấp khả năng truy cập cho cá nhân, tổ chức và các hệ thống thông tin số có thể tích hợp và khai thác thông tin.

- Triển khai và đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu cần coi thư viện là một mắt xích trong quy trình nghiên cứu và có tác động trong chuỗi giá trị nghiên cứu.

- Tăng cường triển khai ứng dụng di động.

- Hỗ trợ mạnh mẽ và tích cực triển khai truy cập mở (Open Access).

- Đẩy mạnh triển khai mượn liên thư viện (dạng in và dạng số).

- Hỗ trợ, hoặc cung cấp các khoá học trực tuyến (Online Learning).

Ngoài ra, phương thức vận hành thư viện thay đổi theo xu hướng công nghệ cũng như nhu cầu của người sử dụng, do đó thư viện cũng cần nghiên cứu xu hướng của xã hội, đổi mới và triển khai các dịch vụ thư viện trên nền tảng mạng xã hội.

Triển khai dịch vụ thư viện trên môi trường số có sự thay đổi nhanh chóng là công việc không dễ dàng, tuy nhiên việc thay đổi là bắt buộc nếu thư viện muốn đáp ứng các yêu cầu và xác định vị trí, vai trò của mình với xã hội.

Truy cập mở (Open Access) là quyền truy cập miễn phí vào thông tin và sử dụng tài nguyên điện tử không hạn chế cho tất cả mọi người. Bất kỳ loại nội dung kỹ thuật số nào cũng có thể là truy cập mở, từ văn bản và dữ liệu đến phần mềm, âm thanh, video và đa phương tiện… [21]. Truy cập mở được phân phối trực tuyến và có thể bổ sung giấy phép Creative Commons để thúc đẩy tái sử dụng.

Truy cập mở đang có xu hướng phát triển mạnh, đặc biệt là trong giáo dục và nghiên cứu, vậy thư viện cần có vai trò như thế nào đối với truy cập mở?

Trong tuyên bố của IFLA về tiếp cận mở [14], IFLA cam kết các nguyên tắc tự do tiếp cận thông tin và tin rằng việc truy cập thông tin phổ cập và công bằng rất quan trọng cho xã hội, giáo dục, văn hoá, dân chủ và kinh tế của con người, cộng đồng và tổ chức.

Truy cập mở với lượng thông tin số lớn có thể được truy cập dễ dàng và tự do phát triển đã tác động và gây áp lực ngày càng tăng lên đối với hoạt động thư viện trong việc tổ chức, triển khai truy cập mở, bởi khi xu hướng truy cập mở tăng lên, có thể vai trò truyền thống của thư viện sẽ bị giảm bớt, đồng thời sẽ tác động trực tiếp đến người làm thư viện trong truy cập mở với vai trò kết nối nghiên cứu, công bố và phổ biến rộng rãi.

Đối với truy cập mở, việc đánh giá, lựa chọn nguồn và cung cấp quyền truy cập cho người sử dụng thư viện không phải là dễ dàng cho các thư viện. Xu hướng truy cập mở này cần có đội ngũ chuyên môn trong việc đánh giá nội dung rất đa dạng với nhiều mức độ, do vậy vai trò và năng lực của người làm thư viện sẽ được định nghĩa lại.

Bảo quản tài liệu số là sự kết hợp giữa chính sách, chiến lược và hành động nhằm đảm bảo nội dung tài liệu số được bảo quản dài lâu, bất kể những thay đổi về công nghệ và tuổi thọ của các phương tiện lưu trữ. Bảo quản tài liệu số cũng được hiểu là quản lý vòng đời của tài liệu số.

Quản lý vòng đời của tài liệu số bao gồm: Thu thập; Cung cấp khả năng truy cập; Quản trị; Hỗ trợ; Đánh giá; Làm mới [12].

Như vậy, thách thức để quản lý vòng đời của tài liệu số hiệu quả cần phải có tầm nhìn dài hạn, kế hoạch và giải pháp hợp lý để đối phó, các khía cạnh liên quan đến tài liệu số là [11]:

- Phụ thuộc vào máy móc: Để truy cập vào tài liệu số yêu cầu phần cứng và phần mềm cụ thể.

- Sự mỏng manh của thiết bị số: Các tài liệu số được lưu trữ trên nền tảng vốn không ổn định và không có điều kiện bảo quản phù hợp và có thể bị hỏng bên trong ngay khi không có dấu hiệu tác động từ bên ngoài.

- Tuổi thọ ngắn của thiết bị số: Sự dễ dàng thay đổi dẫn đến những thách thức liên quan tới việc đảm bảo tính toàn vẹn, tính xác thực và lịch sử của tài liệu số.

- Định dạng và loại hình: Tài liệu số cần được quyết định định dạng (format) và loại hình (type) phù hợp ngay từ giai đoạn đầu của các chương trình bảo quản số, bởi định dạng số và loại hình sẽ đảm bảo chất lượng trong quá trình phổ biến và chuyển đổi phù hợp với công nghệ trong tương lai.

CNTT và truyền thông, đặc biệt là các công nghệ mới nổi đã giúp tổ chức, quản lý, triển khai hoạt động thư viện trên môi trường số, góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động thư viện, tuy nhiên cùng với những mặt tích cực, thì hoạt động thư viện số cũng đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức hiện hữu và tiềm ẩn về an ninh, an toàn. Đây được coi là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với thư viện số. Nếu hoạt động thư viện số không được trang bị các cơ chế bảo vệ hữu hiệu, nguy cơ bị mất mát, phá hoại, thay đổi thông tin cao, rất khó để khắc phục, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thư viện. Do đó, thách thức lớn trong công tác an ninh, an toàn thư viện số nói chung và dữ liệu số nói riêng là:

- Đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống CNTT và hoạt động thư viện số một cách thông suốt và ổn định.

- Thư viện số với tài nguyên số quan trọng và rất dễ bị tấn công, đánh cắp, do đó cần đảm bảo sự an toàn cho các bộ sưu tập số và các cơ sở dữ liệu.

- Phòng, tránh giảm thiểu các rủi ro, mất mát dữ liệu hoặc đình trệ hoạt động.

- Củng cố năng lực hoạt động nói chung của đơn vị cũng như năng lực hoạt động của thư viện số, nâng cao vai trò, uy tín và sự tin cậy của Lãnh đạo đơn vị và người sử dụng.

Kết nối nhiều thiết bị, đảm bảo đa truy cập, khả năng tương tác lớn với thông tin cần được truy cập mọi lúc, mọi nơi, vừa có lợi, vừa đặt ra thách thức lớn và bảo mật thông tin, an toàn, an ninh dữ liệu là một trong những mối quan tâm hàng đầu của thư viện.

Trong kỷ nguyên số, hoạt động thư viện gắn liền với CNTT đã định nghĩa lại vai trò của người làm thư viện và đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nhân lực thư viện trên các khía cạnh về trình độ quản lý, khả năng làm chủ công nghệ và triển khai các dịch vụ số, mặt khác, thư viện cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực có trình độ công nghệ cao với những lĩnh vực khác, nơi có cơ hội phát triển cá nhân và thu nhập cao hơn, thực tế trong những năm qua và hiện nay, thu nhập thấp là nguyên nhân của việc có nhiều người làm thư viện có trình độ khá về tin học và nghiệp vụ rời bỏ thư viện. Đây là một trong những thách thức lớn mà TVVN phải đối mặt.

Giải quyết bài toán nguồn nhân lực để sẵn sàng tham gia cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi nhân lực thư viện cần được trang bị những kỹ năng mới đảm bảo vai trò như là “lãnh đạo số” và “thủ thư số”, một số nhiệm vụ được đặt ra là:

- Người làm thư viện cần được trang bị những kiến thức, hiểu biết về dữ liệu, công nghệ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng số, kỹ năng tổ chức dữ liệu và triển khai dịch vụ số… [12].

- Luôn cập nhật xu hướng nghiên cứu và khẳng định vai trò của người làm thư viện trong chu trình nghiên cứu (phải là mắt xích trong quá trình nghiên cứu) [18].

- Cập nhật các thay đổi về chính sách: Luật CNTT; Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An ninh mạng; Luật An toàn thông tin mạng; Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giáo dục, Luật Viên chức… và các văn bản pháp quy ngành, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động.

- Đối với cán bộ quản lý cần cải thiện kỹ năng quản lý bởi thư viện hoạt động với môi trường công nghệ hiện đại, tương tác nhiều trên môi trường trực tuyến. Vì vậy đặt ra yêu cầu cao về quản lý hoạt động, đồng thời đánh giá được hiệu quả và hiệu suất làm việc của nhân viên.

Xu thế công nghệ mới chắc chắn cơ cấu nguồn nhân lực sẽ phải thay đổi để phù hợp với thực tiễn, các thách thức trên cần có những chính sách phù hợp để phát triển nguồn nhân lực theo kịp sự phát triển của công nghệ và xã hội.

3. Các giải pháp chủ động tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0

Để chủ động nắm bắt cơ hội, đề xuất các giải pháp thiết thực có tính khả thi, tận dụng tối đa các lợi thế, giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0 đối với Việt Nam, đồng thời để các TVVN hoạt động có hiệu quả với sứ mệnh lịch sử mới, có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế - xã hội, khoa học - giáo dục, kỹ thuật, y tế… của đất nước trong bối cảnh CNTT phát triển nhanh chóng và cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra, các giải pháp cụ thể cần thực hiện như sau:

Một là: Đổi mới, hoàn thiện hành lang pháp lý, hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Hoạt động thư viện hiện tại và trong tương lai vẫn phụ thuộc lớn và gắn bó chặt chẽ với việc ứng dụng CNTT, đặc biệt trong kỷ nguyên số, việc thu thập, quản lý, phổ biến thông tin một cách rộng rãi có vai trò rất quan trọng của công nghệ mới, trong kỷ nguyên số với sự phát triển nhanh chóng của CNTT, đặc biệt là các công nghệ mới nổi đòi hỏi có chính sách mới phù hợp (cả trong lĩnh vực thư viện và CNTT) để tận dụng tối đa lợi thế của sự phát triển công nghệ, nhất là trong lĩnh vực tạo lập, thu thập, xử lý và phân phối thông tin số hoá một cách tự động, chủ động với nhiều phương thức phù hợp trong từng điều kiện cụ thể. Như vậy chính sách, hành lang pháp lý và các cơ chế để đảm bảo phải đi trước một bước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các hoạt động đó có thể triển khai một cách hiệu quả trong thực tiễn hoạt động thư viện.

Tiến hành đổi mới, sửa đổi các văn bản pháp quy có liên quan đến hoạt động thư viện, tăng cường ngân sách, tạo chính sách thuận lợi cho sự phát triển các hệ thống, loại hình thư viện nói chung và hoạt động của các thư viện nói riêng, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Hai là: Đổi mới tư duy lãnh đạo, quản trị

CMCN 4.0 với lợi thế về sự phát triển cao của công nghệ, cần được xem là cơ hội to lớn để phát triển thư viện, rút ngắn khoảng cách giữa thư viện với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, giữa ngành Thư viện trong nước, khu vực và quốc tế.

Tiến bộ CNTT đã làm thay đổi môi trường vận hành của tổ chức nói chung và thư viện nói riêng, những quy tắc làm việc mới phát sinh mà từng tổ chức phải tiếp thu và tự biến đổi chính mình. Chính vì vậy mà người lãnh đạo, nhà quản trị cần được trang bị tư duy hệ thống, toàn diện và chiến lược để xem xét mọi biến đổi đang xảy ra, từ đó tự thích ứng tổ chức của mình với những thay đổi mới.

Đổi mới tổ chức quản lý hoạt động TVVN, lấy ứng dụng CNTT làm động lực chính và cần được thực hiện một cách toàn diện từ con người, hạ tầng công nghệ, cách thức vận hành, cơ chế triển khai hoạt động, dịch vụ… Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là đổi mới nhận thức, hình thành tư duy lãnh đạo mới, tư duy lãnh đạo, quản trị trên nền công nghệ, trở thành "lãnh đạo số", "quản trị tri thức", phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và các tiêu chuẩn nghiệp vụ, coi đây như sự “tái cấu trúc” thư viện đáp ứng tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo bám sát chủ trương đổi mới của Đảng, Chính phủ, có cơ chế điều chỉnh cho phù hợp nhanh chóng với thực tiễn.

Ba là: Đổi mới tổ chức quản lý hoạt động

Thay vì tổ chức hoạt động theo phương thức truyền thống, phương thức cung cấp thông tin một cách bị động, trong bối cảnh mới, thư viện cần đổi mới theo hướng quản trị tri thức, quản trị dữ liệu, tổ chức các dịch vụ kết nối số trên quy mô lớn, cung cấp dữ liệu cho các hệ thống thu thập, phân tích thông tin tự động thông qua các công nghệ mới, thông minh như AI, dữ liệu lớn, IoT… Đồng thời, thư viện cũng cần định hình lại chức năng, nhiệm vụ, tăng cường các điều kiện để hỗ trợ cho việc học tập ngoài nhà trường, học tập suốt đời; cung cấp hoặc tạo điều kiện để người dân có thể tham gia các khoá học trực tuyến; tham gia tổ chức, có vai trò quan trọng đối với nguồn mở và truy cập mở.

Theo đó, để thực hiện hiệu quả hoạt động thư viện trong bối cảnh mới, nhất thiết cần lấy CNTT làm động lực đổi mới, triển khai các dịch vụ mới, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo trong môi trường số.

Bốn là: Xây dựng tầm nhìn, chiến lược lâu dài, mục tiêu cụ thể

Xây dựng tầm nhìn, mục tiêu cụ thể đang là điểm yếu của ngành Thư viện nước ta, cùng với chậm đổi mới, sức ì lớn. Một khi đã xây dựng được tầm nhìn, mục tiêu cụ thể thì cần thiết phải xây dựng chiến lược để thực hiện mục tiêu cần hướng tới. Mục tiêu là một trong những thành tố quan trọng có ý nghĩa quyết định của quá trình phát triển thư viện, nó quy định nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động thư viện. Là yếu tố dự kiến, dự báo về kết quả, do đó mục tiêu liên quan đến việc phát huy sức mạnh nội lực, ngoại lực, sức mạnh tổng thể, là vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển ngành Thư viện trong mỗi giai đoạn nhất định.

Như vậy, việc xác định đúng đắn mục tiêu phù hợp với sự phát triển thời đại của đất nước để định hướng cho hoạt động thư viện, đặc biệt hiện nay, trên thế giới, CMCN 4.0 đang ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi chiến lược của mọi ngành, mọi lĩnh vực trên quy mô toàn thế giới, trước xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, ngành thư viện cần có tầm nhìn, đặt ra được những mục tiêu cụ thể và xây dựng những chiến lược phát triển một cách toàn diện.

Năm là: Đổi mới công nghệ, tập trung hoá, tăng cường liên kết, chia sẻ

Quá trình hơn 30 năm ứng dụng CNTT vào hoạt động TVVN đã giúp ngành Thư viện có những bước phát triển vượt bậc những năm qua, đã hỗ trợ thư viện thực hiện vai trò xã hội của mình. Tuy nhiên trong thực tế những năm gần đây, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện vẫn mang tính rời rạc, tuỳ từng điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, sự phát triển không đồng đều, không đồng bộ, nhiều khi không đạt tiêu chuẩn, do đó chỉ đáp ứng trong một điều kiện nhất định với phạm vi hẹp.

Để tiếp tục tận dụng lợi thế của công nghệ mới trong CMCN 4.0, ngành Thư viện phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới công nghệ, tập trung vào các công nghệ mới nổi hoặc đang có tiềm năng ứng dụng lớn trong hoạt động thư viện. Đổi mới phương thức ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện theo hướng tập trung hoá, một số hạng mục hạ tầng công nghệ có thể thuê ngoài, dùng chung để tăng cường tính hiệu quả, đồng thời giảm áp lực về ngân sách đầu tư cũng như nhân lực vận hành, hoạt động thư viện nên chỉ tập trung triển khai các dịch vụ thư viện.

Mặt khác đổi mới công nghệ hỗ trợ hoạt động thư viện cần theo hướng đồng bộ, hiện đại, có thể tăng cường được tính liên kết, chia sẻ, đáp ứng hội nhập trong nước, quốc tế và nhu cầu khai thác thông tin phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo, văn hoá của xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ ngành, địa phương.

Sáu là: Tăng cường nguồn tài nguyên, giải quyết vấn đề bản quyền, đẩy mạnh nguồn mở, truy cập mở

Tài nguyên thư viện là một trong những thành phần quan trọng nhất của thư viện, như vậy, không có tài nguyên, thư viện không thể vận hành, hoạt động. Tài nguyên ít, hạn chế chắc chắn sẽ dẫn tới hiệu quả hoạt động thấp, tuy nhiên ở chiều ngược lại có nguồn tài nguyên lớn chưa chắc hiệu quả hoạt động sẽ cao.

Cùng với cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên thông tin, tài liệu nghèo nàn, lạc hậu, đơn điệu là thực trạng phổ biến của các TVVN hiện nay. Đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng lượng người sử dụng thư viện có xu hướng ngày càng giảm mạnh, thư viện không thể cạnh tranh được với các hình thức cung cấp thông tin hiện đại khác như truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội, các bộ máy tìm kiếm thông tin, ứng dụng điện thoại, thiết bị thông minh…

Vấn đề bản quyền là một trong những khó khăn, trở ngại lớn của hoạt động thư viện hiện nay, tác động lớn đến việc phát triển nguồn tài nguyên số cũng như chính sách triển khai các dịch vụ thư viện. Thực tế các điều khoản quy định về sở hữu trí tuệ của các văn bản pháp quy trong nước và quốc tế, nhiều nội dung không quy định cụ thể hoặc không có hướng dẫn thực hiện đã bó buộc và gần như ngăn cản công tác đáp ứng thông tin dạng số trong hoạt động thư viện, đến nay vẫn chưa có phương án khả thi để tháo gỡ bất cập này.

Để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của thư viện trong kỷ nguyên số, trong bối cảnh dữ liệu được coi là "nhiên liệu" cho CMCN 4.0, phát huy ưu điểm của thư viện về tính tin cậy, xác thực, sẵn có, tính chuyên gia, hoa tiêu, định hướng… cần có cách thức đột phát trong chính sách cũng như trong công tác phát triển, bổ sung, thu thập, tổ chức, phổ biến tài nguyên thông tin, đặc biệt cần đổi mới áp dụng công nghệ tiên tiến hỗ trợ, trước mắt cần tăng cường nguồn tài nguyên dạng số để phát huy ưu điểm của loại thông tin này; đẩy mạnh thu thập và hỗ trợ phát triển nguồn mở và truy cập mở, dần từng bước giải quyết vấn đề bản quyền.

Bảy là: Tăng cường chuẩn hoá

Hiện nay, chuẩn hoá nghiệp vụ cũng đang là điểm yếu của TVVN đặc biệt là chuẩn nghiệp vụ và chuẩn ứng dụng CNTT trong thư viện điện tử, thư viện số, dẫn đến việc khó khăn cho công tác liên thông, tích hợp, chia sẻ, dùng chung tài nguyên thông tin. Nguyên nhân chính là do có sự phát triển không đồng đều trong các hệ thống thư viện, loại hình thư viện; điều kiện hạ tầng công nghệ, ngân sách, kinh phí, nhân lực… chưa bảo đảm để có thể triển khai chuẩn hoá; mặt khác do các thư viện nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tác dụng của chuẩn hoá.

Do đó, trong thời gian tới cần thực hiện đầy đủ, đẩy mạnh áp dụng các chuẩn nghiệp vụ, chuẩn ứng dụng CNTT vào các hoạt động thư viện để thống nhất quy trình, sản phẩm, dịch vụ… tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sử dụng, khai thác.

Tám là: Đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ, tăng cường nghiên cứu khoa học

Đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ là vấn đề cấp thiết, thư viện cần định hình lại các dịch vụ, đa dạng hoá, xây dựng sản phẩm và dịch vụ mới, đẩy mạnh triển khai dịch vụ trực tuyến, tăng cường sự chủ động “tự phục vụ” của người sử dụng, tăng cường giá trị gia tăng của dịch vụ, hỗ trợ tích cực nghiên cứu, trong đó thư viện cần có vai trò là mắt xích quan trọng trong chu trình nghiên cứu và sản phẩm khoa học. Đổi mới hình thức truy cập, đổi mới không gian, đổi mới theo hướng hỗ trợ tối đa và tăng cường sự tiếp cận, khai thác thông tin của người sử dụng, hướng đến cộng đồng.

Để đổi mới thành công, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, đa dạng hoá các loại hình sản phẩm và dịch vụ, thư viện cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; nghiên cứu xu hướng truy cập; tìm kiếm thông tin của người sử dụng để có những phương án kịp thời, hợp lý.

Nghiên cứu khoa học là động lực quan trọng để thúc đẩy toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ, quản lý, trọng tâm cần tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới, công nghệ mới hỗ trợ cho hoạt động triển khai các dịch vụ và công tác quản lý, hướng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; ngoài ra cần tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước, tăng cường hiểu biết, trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt xu hướng hoạt động ngành Thư viện trong nước, khu vực và quốc tế.

Mặt khác cần đẩy mạnh công tác truyền thông làm cho xã hội nhận thức lại vai trò của thư viện; marketing sản phẩm và dịch vụ thư viện; tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường các sự kiện văn hoá, tri thức, cộng đồng.

Chín là: Tăng cường hợp tác, xã hội hoá hoạt động thư viện

Hợp tác, xã hội hoá trong hoạt động thư viện đã khẳng định được hiệu quả to lớn đối với ngành Thư viện trong những năm gần đây, thể hiện thông qua một loạt các dự án: Tăng cường nguồn thông tin sách ngoại văn của Quỹ Châu Á; Các dự án đào tạo nhân lực về tiếng Anh và nghiệp vụ thư viện của chính phủ Ấn Độ; Dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam của Quỹ Bill & Melinda Gates; Dự án Không gian tri thức S-hub, Thư viện thiếu nhi, thư viện thông minh của Samsung; Xe thư viện lưu động… và các dự án khác cho thư viện của các nhà tài trợ trong và ngoài nước đã tăng cường được cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, môi trường tri thức, nguồn lực thông tin tại các thư viện. Do đó trong thời gian tới, công tác hợp tác cần tiếp tục được coi trọng và đẩy mạnh trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực được hỗ trợ, thực hiện hiệu quả các cam kết, thoả thuận với đối tác, đồng thời cần tiếp tục xây dựng những dự án mới, tìm kiếm đối tác mới tham gia hỗ trợ hoạt động thư viện.

Song song với việc tăng cường hợp tác, xã hội hoá hoạt động thư viện, cần chú trọng tăng cường xây dựng, phát triển cộng đồng hỗ trợ hoạt động thư viện như đội tình nguyện viên, chuyên gia tư vấn, câu lạc bộ, mạng lưới bạn đọc yêu sách, yêu thư viện…

Mười là: Đổi mới đào tạo

Trong thực tế, hoạt động thư viện không chỉ liên quan đến khoa học thư viện mà nó gắn liền và liên quan chặt chẽ đến nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên (sắp xếp khoa học, CNTT, phân tích dữ liệu, tự động hoá…), khoa học xã hội (giáo dục, văn hoá, nhu cầu xã hội…), kinh tế (marketing, truyền thông, dịch vụ…).

Một trong những hạn chế, bất cập lớn của nhân lực thư viện nước ta là hạn chế về trình độ CNTT, marketing, truyền thông… Những năm qua, tuy đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng thực tế vẫn còn nhiều yếu kém, nguồn nhân lực thực hiện các mảng công tác này vừa thiếu, vừa yếu, có sự biến động cao, nhất là nhân lực có trình độ về công nghệ. Một trong những bất cập khác đó là hiện trạng phần lớn nhân lực chịu trách nhiệm vận hành các hệ thống CNTT, vận hành thư viện điện tử, thư viện số trong các thư viện không được đào tạo chuyên sâu hoặc không nắm được nghiệp vụ thư viện dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác ứng dụng CNTT hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ, nhiều thư viện phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp dịch vụ CNTT, nhà cung cấp phần mềm.

Vì vậy, công tác đào tạo nhân lực cho thư viện phải được đổi mới, tăng cường kiến thức về CNTT nói chung và ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện, đào tạo được nhân lực thư viện có kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực, từng bước xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao có các kỹ năng khác như: kỹ năng thông tin (information literacy), kỹ năng số (digital literacy), "thủ thư số" (digital librarian), đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng xã hội và của ngành Thư viện trong nền kinh tế tri thức, CMCN 4.0 là yêu cầu cấp thiết.

Mười một là: Đánh giá tác động

Hiện nay, trong hoạt động thư viện, chúng ta đang chỉ thực hiện thống kê hoạt động, đơn giản là các chỉ số về lượt luân chuyển tài liệu, lượt người sử dụng, lượt truy cập tài nguyên, số lượng đăng ký thẻ… những chỉ số này chỉ mới đánh giá được một phần hiệu quả hoạt động. Để có thể đánh giá được toàn diện và tập trung vào kết quả thực chất, khẳng định vị trí, vai trò, giá trị của thư viện, người làm thư viện trong chu trình nghiên cứu là mắt xích quan trọng của công tác, kết quả nghiên cứu cần thiết phải thực hiện đổi mới, xây dựng được phương pháp, chỉ số, cách thức đánh giá tác động của thư viện đối với xã hội nói chung, người sử dụng nói riêng. Công tác đánh giá này cần được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hoạt động thư viện, là một công tác khó khăn nhưng cần thiết để có thể phân tích, đánh giá được kết quả hiện tại, đồng thời dự báo được kết quả hoạt động trong thời gian tới, là cơ sở để xác định hạn chế, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục.

4. Đề xuất, kiến nghị

Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động to lớn đến mọi hoạt động của đời sống con người và xã hội, thời cơ đi cùng thách thức, tuy nhiên các TVVN chủ động tiếp cận CMCN 4.0 là cần thiết, làm tốt điều này, ngành TVVN chắc chắn sẽ tiếp cận được đến ngành Thư viện khu vực và quốc tế, đóng góp hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bối cảnh mới với cuộc CMCN 4.0 cùng sự phát triển đột phá và những công nghệ hiện đại được ứng dụng trong cuộc sống vừa là cơ hội lớn, vừa là thách thức lớn cho hoạt động thư viện, đòi hỏi cần có chiến lược đối phó, phương án tiếp cận phù hợp mang tính tổng thể để có thể tận dụng những lợi thế của công nghệ mới ứng dụng hiệu quả vào hoạt động thư viện, từ đó làm tăng vai trò của thư viện đối với xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu, phổ biến tri thức…

Để tận dụng tối đa những thành tựu, lợi thế và tiếp cận thành công, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của CMCN 4.0 tới hoạt động thư viện trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số kiến nghị dưới đây:

Đối với Quốc hội, Chính phủ

- Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tiếp cận CMCN 4.0, trong đó lĩnh vực thư viện, thông tin cần được coi là một trong các lĩnh vực ưu tiên bởi dữ liệu được coi là “nhiên liệu” cho CMCN 4.0, mặt khác, thư viện có nhiều kinh nghiệm trong công tác thu thập, tổ chức, xử lý và phổ biến dữ liệu.

- Cần xác định đúng vị trí, vai trò thư viện đối với chính trị, khoa học, giáo dục, kinh tế, xã hội, đồng thời cần có nhiều nội dung liên quan đến CNTT vào Dự thảo Luật Thư viện, làm cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào hoạt động thư viện, sớm ban hành Luật Thư viện và các Nghị định hướng dẫn thi hành.

- Điều chỉnh một số nội dung trong các văn bản pháp quy như: Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ… Tạo cơ chế pháp lý mạnh mẽ đảm bảo cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và công tác số hoá tạo lập các bộ sưu tập số; thu thập, phân tích dữ liệu và triển khai dịch vụ ứng dụng các công nghệ cao vào hoạt động thư viện đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0.

- Đầu tư ngân sách, đảm bảo hạ tầng công nghệ cho triển khai, ứng dụng công nghệ mới cho hoạt động thư viện một cách bền vững.

Đối với các Bộ, Ban, Ngành

- Phối hợp đồng bộ với ngành Thư viện, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo… giúp tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ thư viện trong việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, nghiên cứu, triển khai các công nghệ mới vào hoạt động thư viện.

- Ban hành các cơ chế về việc chia sẻ dữ liệu để ngành Thư viện có thể liên thông, kết nối, thu thập, tích hợp dữ liệu, làm giàu thêm tài nguyên thông tin, thư viện.

Đối với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

- Đánh giá tổng thể thực trạng hoạt động và ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện hiện nay làm căn cứ cho công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược cho ngành Thư viện.

- Tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động của công nghệ mới trong hoạt động thư viện, xác định những hạng mục ưu tiên để có những chính sách phù hợp.

- Điều chỉnh chiến lược phát triển thư viện phù hợp với sự phát triển của công nghệ mới và yêu cầu của xã hội.

- Có cơ chế, định hướng đảm bảo cho sự phát triển đồng đều giữa các loại hình thư viện.

- Xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể, định hướng hoạt động cho từng loại hình thư viện.

- Có cơ chế giám sát, kiểm tra, thống kê, đánh giá hiệu quả việc ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động thư viện, đồng thời có cơ chế khen thưởng kịp thời đối với các thư viện có ứng dụng CNTT hiệu quả.

Đối với Thư viện Quốc gia Việt Nam

- Cần được đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT mạnh mẽ (phần cứng và phần mềm), đảm bảo là đầu mối tích hợp dữ liệu số, xây dựng Bộ sưu tập số quốc gia, đồng thời là trung tâm bảo quản tài liệu số quốc gia.

- Cần có cơ chế, chính sách để Thư viện Quốc gia Việt Nam xây dựng Trung tâm dữ liệu, điều phối chia sẻ khai thác tài nguyên thông tin một cách tập trung (Bộ sưu tập số quốc gia; các cơ sở dữ liệu trực tuyến, sách điện tử mua quyền khai thác; Các cơ sở dữ liệu được tài trợ…).

- Cần xây dựng thư viện điện tử tại Thư viện Quốc gia Việt Nam theo mô hình thư viện điện tử tập trung, dùng chung hạ tầng CNTT (trong đó Thư viện Quốc gia Việt Nam là thư viện quản trị trung tâm, các thư viện thành viên khai thác trên cùng hạ tầng có thể quản trị riêng và chính sách riêng…), trước mắt có thể triển khai đối với thư viện công cộng đang có khó khăn về ngân sách, nhân lực, tài nguyên thông tin…

- Tăng cường năng lực quản lý, xử lý, số hoá, tổ chức khai thác, chia sẻ (trong nước và quốc tế) thông tin, dữ liệu khổng lồ đang được lưu giữ bảo quản tại Thư viện Quốc gia Việt Nam phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nền kinh tế tri thức của đất nước, sẵn sàng đáp ứng cuộc CMCN 4.0.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, triển khai, chuẩn hoá, ứng dụng nghiệp vụ thư viện (nhất là nghiệp vụ mới) và ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động thư viện toàn quốc.

Đối với các thư viện

- Cần lập kế hoạch và xây dựng chương trình cụ thể theo từng giai đoạn, luôn bám sát chủ trương của Đảng, phương hướng chỉ đạo của Chính phủ, quy hoạch của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và xu hướng chung của ngành TVVN và quốc tế, ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao.

- Tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện hạ tầng CNTT, hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm ứng dụng, nhất là phần mềm quản lý thư viện điện tử, đẩy mạnh áp dụng phần mềm quản lý các bộ sưu tập số, ưu tiên nghiên cứu áp dụng phần mềm mã nguồn mở. Tăng cường quảng bá, chia sẻ các phần mềm tiện ích, công cụ hiệu quả do người làm công tác thư viện phát triển.

- Tăng cường áp dụng chuẩn nghiệp vụ thư viện nói riêng và các tiêu chuẩn CNTT nói chung, sẵn sàng cho việc khai thác, chia sẻ, tích hợp dữ liệu.

- Chủ động điều chỉnh và xây dựng kế hoạch đổi mới tổ chức, quản lý, phương thức hoạt động theo hướng ứng dụng công nghệ mới.

- Chủ động tiếp cận CMCN 4.0, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, thách thức và các đề xuất các giải pháp kịp thời trong điều kiện, tình hình của mỗi đơn vị.

- Đẩy mạnh phát triển nguồn tài nguyên số, nghiên cứu phương pháp, cách thức thu thập, tổ chức và quản lý dữ liệu lớn: dữ liệu nghiên cứu, dữ liệu tương tác của các thiết bị, từ hệ thống AI, VR, AR... trước mắt ưu tiên tài liệu nội sinh, tài liệu mở, tài liệu địa chí, quý hiếm và tài liệu nằm ngoài phạm vi bảo hộ bản quyền.

- Thực hiện bảo quản số theo chuẩn quốc tế, tăng cường công tác an ninh, an toàn dữ liệu thư viện, dữ liệu cá nhân người sử dụng.

- Đổi mới dịch vụ cung cấp thông tin, hỗ trợ truy cập mở, tăng cường khả năng truy cập cho cá nhân, tổ chức tới các nguồn tài nguyên thư viện, điều chỉnh, tổ chức lại không gian thư viện theo hướng tăng cường các dịch vụ số, đa dịch vụ và trải nghiệm. Tích cực nghiên cứu xu hướng công nghệ, nhu cầu người sử dụng để có phương án điều chỉnh dịch vụ thư viện một cách kịp thời.

- Có chiến lược về công tác cán bộ: Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nhân lực, đặc biệt là: kỹ năng số, kỹ năng thông tin, công nghệ mới. Tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế khuyến khích người làm thư viện có trình độ về CNTT gắn bó, làm việc lâu dài tại thư viện.

- Tăng cường liên kết, hợp tác với các thư viện, tổ chức nghiên cứu trong lĩnh vực hoặc có liên quan đến thư viện số trong và ngoài nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (CHXHCNVN). Chỉ thị số 16/CT-TTg “Về việc Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”, ban hành ngày 4/5/2017.

2. Bùi Thị Ngọc Lan. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số vấn đề đặt ra với Việt Nam. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao- doi-binh-luan/cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu- va-mot-so-van-de-dat-ra-voi-viet-nam-129515.html. Truy cập ngày 20/10/2018.

3. Kiều Thuý Nga. Đổi mới mô hình tổ chức quản lý và phương thức hoạt động thư viện Việt Nam : Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. - H.: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, 2015.

4. Kiều Thuý Nga. Các thư viện Việt Nam chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 // Hội nghị lần thứ XVI Liên hợp Thư viện Việt Nam về nguồn tin Khoa học và Công nghệ. - Đà Nẵng. - 2018. - Tr. 15-23.

5. Kiều Thuý Nga, Lê Đức Thắng. Những thách thức về quản lý và phát triển Thư viện Việt Nam trong kỷ nguyên CMCN 4.0 // Hội thảo Phát triển thư viện điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0. - H.:, 2018. - Tr. 67-80.

6. Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL về “Định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hoá, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020”, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ban hành ngày 28/11/2017.

7. Thư viện Quốc gia Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị Tổng kết hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống thư viện công cộng (2006 - 2016). - Đà Nẵng, 2016.

8. A data revolution in the Fourth Industrial Revolution. https://www.scmagazineuk.com/a-data-revolution-in-the-fourth-industrial-revolution/arti- cle/532254/. Truy cập ngày 26/06/2018.

9. Advances in Artificial Intelligence. https:// trends.ifla.org/literature-review/advances-in-artifi- cial-intelligence. Truy cập ngày 20/10/2018.

10. Big Data (Big Data Special Interest Group). https://www.ifla.org/big-data. Truy cập ngày 20/10/ 2018.

11. Chandran Velmurugan. Digital preserva- tion: Issues and challenges on libraries and informa- tion resource centres in India // e-Library Science Research Journal. - 2013. - Vol.1. - Issue. 8 June. - ISSN : 2319-8435.

12. Christina M. Geuther. Challenges of the Electronic Resources Life Cycle and Practical Ways to Overcome Them. - 2017. https://newprairiepress. org/culsproceedings/vol7/iss1/5/. Truy cập ngày 18/10/2018.

13. Emily Gillingham. Re-conceptualizing the role of librarians. - 2013. - https://hub.wiley.com. Truy cập ngày 22/10/2018.

14. IFLA Statement on open access - clarifying IFLA’s position and strategy. https://www.ifla.org/ publications/node/8890. Truy cập ngày 20/10/2018.

15. IFLA trends. https://trends.ifla.org/. Truy cập ngày 20/10/2018.

16. Jen Cheng. The Top 10 Challenges Academic Librarians Face in 2016. https://hub.wiley.com/. Truy cập ngày 18/10/2018.

17. John Galand. 10 innovative technologies to implement at the library of the future. - 2018. https:// princh.com/8-technologies-to-implement-at-the- library-of-the-future/. Truy cập ngày 10/10/2018.

18. Magdalena Wójcik. Internet of Things - potential for libraries // Library Hi Tech. - 2016. - Vol.34. - Iss 2 pp.

19. New Media Consortium The NMC Horizon Report: 2017 Library Edition. 2017. http://cdn.nmc. org/media/2017-nmc-horizon-report-library-EN.pdf. Truy cập ngày 08/10/2018.

20. Rawlins B. Mobile technologies in libraries: a LITA guide. Lanham, Rowman and Littlefield. - 2016. - 136tr.

21. What is Open Access? https://en.unesco. org/open-access/what-open-access. Truy cập ngày 25/10/2018.

_________________

ThS. Kiều Thúy Nga, ThS. Lê Đức Thắng

Thư viện Quốc gia Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 1. - Tr. 4-17.


Đọc thêm cùng chuyên mục: