Môi trường học tập dựa trên tri thức mới ngày càng tập trung vào việc lấy học sinh (HS) làm trung tâm và các kỹ năng tự học khác. Những quy trình học tập mới này đang dần thay thế hệ thống giáo dục truyền thống, vốn nhấn mạnh vào việc học thụ động, trong đó giáo viên (GV) là người cung cấp kiến thức duy nhất, làm nhiệm vụ chỉ dẫn chi tiết và nhồi nhét kiến thức, học sinh chỉ học thuộc lòng. Trong môi trường học tập giàu thông tin mới này, thuật ngữ kiến thức thông tin (Information literacy - KTTT)) trở nên gắn bó chặt chẽ với các khái niệm về hướng dẫn thư viện ở các cấp học. Các định nghĩa về KTTT chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ của các kỹ năng KTTT với thư viện trường học. Người ta thường trích dẫn định nghĩa KTTT của Hiệp hội người làm thư viện Hoa Kỳ (1989) là khả năng "nhận biết nhu cầu thông tin của bản thân và có khả năng định vị, đánh giá và sử dụng hiệu quả thông tin cần thiết". Định nghĩa về KTTT của Rogers (1994) thì cho rằng KTTT bao gồm một tổ hợp các kỹ năng thư viện, kỹ năng học tập, kỹ năng nhận thức và các kỹ năng bổ trợ cần thiết cho việc tự học.