Áp dụng Khung phân loại Dewey tạo lập sản phẩm và dịch vụ thông tin số

E-mail Print

ÁP DỤNG KHUNG PHÂN LOẠI DEWEY TẠO LẬP SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ THÔNG TIN SỐ


TS. Nguyễn Huy Chương*

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số

ThS. Hoàng Yến**

Trưởng phòng Biên mục và tạo lập siêu dữ liệu

* Chủ tịch Liên Chi hội Thư viện Đại học, Cao đẳng phía Bắc.

** Trung tâm Thư viện và Tri thức số, Đại học Quốc gia Hà Nội.

__________________________________________________

Tóm tắt: Tham luận trình bày việc áp dụng DDC 23 trong việc tạo lập nhiều sản phẩm, dịch vụ thông tin hữu ích cho người dùng tin như Bộ sưu tập sách số phân chia theo 10 lớp của DDC; Cơ sở dữ liệu hướng dẫn theo chủ đề từ ánh xạ của DDC; Sơ đồ tri thức số liên ngành dựa trên DDC tại Trung tâm Thư viện và Tri thức số (LIC), Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đặt vấn đề:

Áp dụng DDC (Dewey Decimal Classification: Khung phân loại thập phân Dewey) là xu thế tất yếu, tiến tới thống nhất và chuẩn hóa về nghiệp vụ, chia sẻ thông tin toàn cầu. Trung tâm Thư viện và Tri thức số (LIC), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu có ký hiệu phân loại chuẩn, tiến tới hội nhập và chia sẻ thông tin với hệ thống thư viện Việt Nam và trên thế giới. Ngay sau khi thành lập, từ năm 1997 LIC đã tiến hành nghiên cứu những tiêu chuẩn nghiệp vụ tiên tiến để áp dụng vào hoạt động của mình, trong đó có việc chuẩn hóa công tác phân loại. Lãnh đạo Trung tâm đã cử các cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại một số nước có sử dụng DDC như Hoa Kỳ, Thái Lan, Singapore… LIC cũng đã tiến hành các bước đi thích hợp để chuyển đổi sử dụng khung phân loại cho phù hợp, áp dụng từ bản DDC 13 rút gọn (Ấn bản tiếng Anh, năm 1997), DDC rút gọn (Ấn bản tiếng Pháp, năm 1998), Khung phân loại thập phân Dewey và Bảng chỉ mục quan hệ, Ấn bản 14 (năm 2006) và Khung phân loại thập phân Dewey, Ấn bản 23 (từ năm 2013 đến nay). Đồng thời, LIC đã tạo lập nhiều sản phẩm, dịch vụ thông tin hữu ích cho người dùng tin như Bộ sưu tập sách số phân chia theo 10 lớp của DDC; Cơ sở dữ liệu hướng dẫn theo chủ đề từ ánh xạ của DDC; Sơ đồ tri thức số liên ngành dựa trên DDC.

1. Bộ sưu tập sách số được phân chia thành 10 lớp chính theo DDC 23

Phân loại là quá trình phân chia tri thức đã được in ấn, xuất bản trên các vật mang tin khác nhau, sắp xếp chúng thành những ngành khoa học cơ bản theo một trật tự nhất định, logic và khoa học. Đồng thời xác định nội dung và thể hiện nội dung đó bằng những ký hiệu đã được định sẵn trong khung phân loại. Trong môi trường số, phân loại được sử dụng như một phương tiện tổ chức và truy cập thông tin.

Với sự phát triển nhanh chóng của tài nguyên mạng, một khối lượng thông tin khổng lồ trên mạng toàn cầu đòi hỏi phải được tổ chức và phân loại, tạo ra công cụ tìm tin tiền kết hợp. Một trong những khung phân loại được sử dụng phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay là Khung phân loại thập phân DDC 23. Trong Khung DDC 23 những môn loại căn bản được sắp xếp theo những ngành kiến thức hoặc bộ môn (hay ngành học). Trong bậc cao nhất của Khung DDC 23, nội dung được phân chia ra làm mười môn loại chính, bao gồm tất cả tri thức của con người. Mỗi một môn loại chính lại được phân chia thành mười phân mục và mỗi phân mục lại chia thành những đoạn (đôi khi, những số có trong những phân mục và đoạn chưa được dùng đến). Các lĩnh vực khoa học đều được sắp xếp từ chung đến riêng, từ toàn thể đến bộ phận. Cơ sở sắp xếp là bộ môn khoa học, lĩnh vực khoa học. Chính ưu điểm này của DDC đã được phát huy hết sức rõ ràng khi tổ chức tri thức với số lượng tài liệu lớn thuộc rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu như trong ĐHQGHN. Là một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trong quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, ĐHQGHN đã tạo ra một khối lượng thông tin lớn có giá trị gọi là nguồn tin nội sinh, bao gồm các công trình nghiên cứu khoa học, luận án, luận văn, sách giáo trình, sách tham khảo, tài liệu hội nghị, hội thảo khoa học v.v... Đây là nguồn thông tin có giá trị, phục vụ đắc lực cho học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Với việc tổ chức thông tin theo Khung phân loại DDC 23, tri thức nhân loại được sắp xếp theo hệ phân cấp từ chủ đề khái quát nhất đến chủ đề chi tiết nhất.

2024-12-03-nghien-cuu- 1

Bộ sưu tập số được phân chia thành 10 lớp chính theo DDC 23

2. Cơ sở dữ liệu Hướng dẫn theo chủ đề

Phân loại cũng được sử dụng như là công cụ để quản lý các bộ sưu tập, trợ giúp cho việc tạo lập các thư viện chi nhánh, tạo ra hoặc sắp xếp các dạng tài liệu theo chủ đề hoặc các thư mục liên ngành cụ thể. Việc phân loại và tổ chức các nguồn thông tin số thành các cơ sở dữ liệu chủ đề là phương tiện cung cấp các tài liệu học tập, nghiên cứu trong không gian số - phù hợp với xu thế của thời đại. Hướng dẫn theo chủ đề là một điểm khởi đầu cho việc tìm kiếm các tài liệu nghiên cứu vì các chủ đề sẽ phân chia các thông tin theo từng chủ đề nhỏ, khác nhau và trong từng chủ đề sẽ tập hợp tất cả các nguồn tài nguyên thông tin về chủ đề đó, từ tài liệu in ấn, đến nguồn tài liệu số, cơ sở dữ liệu, các trang web… Các nguồn tài nguyên thông tin sẽ được tích hợp theo từng chủ đề và người dùng tin có thể tìm kiếm thông tin qua các liên kết đã được tập hợp để mở rộng khả năng tìm kiếm tài liệu phù hợp.

“Cơ sở dữ liệu Hướng dẫn theo chủ đề” là một tập hợp có tổ chức gồm nhiều loại hình tài liệu khác nhau được số hóa và về một chủ đề nhất định. Mỗi loại hình tài liệu có các thể hiện khác nhau nhưng đều được tổ chức và sắp xếp trên một giao diện đồng nhất thành các bộ sưu tập số theo các chủ đề khác nhau, qua đó các tài liệu số có thể truy cập, tìm kiếm và sử dụng được. “Cơ sở dữ liệu Hướng dẫn theo chủ đề” trở nên hấp dẫn, sinh động và lôi cuốn người dùng. Kết quả của việc phân loại và tổ chức thông tin bằng Khung phân loại DDC 23 là tạo ra các chỉ số phân loại. Ánh xạ chỉ số phân loại của Khung phân loại DDC 23 giúp xây dựng “Cơ sở dữ liệu Hướng dẫn theo chủ đề”.

2024-12-03-nghien-cuu- 9

2024-12-03-nghien-cuu- 10

2024-12-03-nghien-cuu- 6

Ánh xạ từ chỉ số phân loại của Khung phân loại DDC xây dựng "Cơ sở dữ liệu Hướng dẫn theo chủ đề”

3. Sơ đồ tri thức số liên ngành

Nhờ sự thay đổi linh hoạt và mềm dẻo của Khung phân loại DDC 23 trên không gian số, việc xây dựng “Sơ đồ tri thức số” hay tri thức số được sơ đồ hóa có thể được thực hiện. Tri thức thuộc các lĩnh vực khác nhau được thể hiện trên cùng một sơ đồ đại diện chung. Các sơ đồ được tổ chức hợp lý và ngữ nghĩa của các khái niệm đại diện cho một số loại thực thể, được biểu diễn linh hoạt và giúp người dùng tri thức hình dung ra không gian tri thức. Thông qua sơ đồ tri thức, người dùng tri thức còn có thể thấy được sự phát triển của các ngành khoa học, có thể tiên lượng được sự phát triển của các ngành khoa học mới hay khoa học liên ngành. Như vậy, phân loại tri thức có thể soi sáng các lĩnh vực tri thức, mang tính tiên lượng, dự báo.

Sự ra đời và phát triển của khoa học liên ngành là một xu hướng tất yếu trong quá trình nhận thức của con người. Việc xây dựng những Sơ đồ tri thức số cho những khoa học liên ngành giúp cho các nhà khoa học dễ dàng tiếp cận được những tri thức của những lĩnh vực khoa học liên ngành mới, giải quyết các vấn đề tổng thể ở nhiều lĩnh vực khác nhau bằng tư duy và cách tiếp cận liên ngành. Như vậy, bên cạnh các khoa học chuyên ngành và khoa học ứng dụng mang tính chuyên sâu, khoa học liên ngành có vai trò đưa ra cái nhìn tổng thể, nhận diện các kết nối đa chiều, từ đó giúp đưa ra những giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện và trực quan hơn. Ví dụ 540 Hóa học có chủ đề liên quan tới 660 Công nghệ/kỹ thuật hóa học ; 570 Sinh học liên quan tới 612 Sinh học người và 660.6 Công nghệ sinh học v.v..

2024-12-03-nghien-cuu- 7

Chủ đề liên ngành về Khoa học môi trường

2024-12-03-nghien-cuu- 8

Sơ đồ tri thức số cho chủ đề “Cá mập”: ánh xạ những chỉ số phân loại với chủ đề, thuộc các lĩnh vực tri thức khác nhau.

Nhận xét chung

Khung phân loại DDC 23 có rất nhiều ưu điểm nổi trội như tính khoa học cao; tính hiện đại; tính phổ biến và tính hoàn thiện.

- Tính khoa học cao: thể hiện ở cấu trúc chặt chẽ dựa trên nền tảng phân loại khoa học, thể hiện mối liên hệ giữa các ngành khoa học. Các đề mục phân bố một cách hệ thống, thể hiện đầy đủ các lĩnh vực tri thức…

- Tính hiện đại: Khung phân loại phản ánh hiện trạng và sự phát triển của khoa học và thực tiễn với những thành tựu mới nhất, có khả năng mở rộng và được cập nhật thường xuyên.

- Tính phổ biến: Khả năng trao đổi thông tin trong phạm vi quốc gia, quốc tế, được sử dụng tại hơn 138 quốc gia trên thế giới.

- Tính hoàn thiện: Khung phân loại phải có đầy đủ bảng chính, bảng phụ, bảng tra chủ đề.

Kết luận

Trải qua một quá trình lâu dài, vượt qua nhiều khó khăn cả về nhận thức, quan điểm chính trị và học thuật (từ Hội thảo đầu tiên tại Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2000), việc quyết định tổ chức dịch thuật và hướng dẫn áp dụng Khung phân loại DDC (lúc đầu là Ấn bản rút gọn 14 năm 2006 và sau đó là Ấn bản 23 năm 2013) trong các hệ thống thư viện Việt Nam là chủ trương rất đúng đắn, khoa học của Vụ Thư viện và Thư viện Quốc gia Việt Nam. Với việc huy động được đông đảo các chuyên gia đầu ngành trong cả nước tham gia từ Hội đồng tư vấn dịch thuật; Ban dịch thuật; Ban Hiệu đính… cùng với sự hợp tác chặt chẽ, trách nhiệm của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Quỹ nhân đạo Atlantic Philanthropies, Đại học Quốc tế RMIT, các giáo sư từ Đại học Simmons (Hoa Kỳ), Hội LEAF-VN… các bản Tiếng Việt của DDC Ấn bản rút gọn 14 và Ấn bản đầy đủ 23 đã được công bố và đưa vào sử dụng. Sản phẩm này cũng là cơ sở quan trọng để Bộ VHTT ban hành văn bản số 1598/VHTT-TV ngày 7/5/2007 về “Hướng dẫn việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trên phạm vi cả nước”, và ngày 23/7/2007, Vụ Thư viện ban hành Công văn số 2667/BVHTT-TV về “Triển khai áp dụng DDC, MARC 21, AACR2 trong các thư viện Việt Nam”. Đây có thể coi là một cuộc cách mạng trong hoạt động xử lý chuyên môn nghiệp vụ thông tin - thư viện ở Việt Nam, giúp thư viện Việt Nam tiếp cận với các chuẩn nghiệp vụ khoa học, tiên tiến, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế. Quan trọng hơn cả là từ đó, các hệ thống thư viện Việt Nam (đặc biệt là hệ thống thư viện đại học, cao đẳng) phát triển mạnh mẽ, đáp ứng hiệu quả cao nhu cầu tìm kiếm, khai thác thông tin, tài liệu phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Ngọc Hương. Ứng dụng Khung phân loại thập tiến Dewey rút gọn 14 vào các thư viện đại học ở Hà Nội: thực trạng và giải pháp : Luận văn Thạc sĩ Thư viện / Phạm Ngọc Hương. - H. : Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, 2013.

2. Dewey, Melvil. Khung phân loại thập phân Dewey và bảng chỉ mục quan hệ / Melvil Dewey b.s. ; Biên tập: Joan S. Mitchell (tổng biên tập)... - Ấn bản 14. - H. : Thư viện Quốc gia Việt Nam, 2006.

3. Dewey, Melvil. Khung phân loại thập phân Dewey và bảng chỉ mục quan hệ / Melvil Dewey b.s. ; Biên tập: Joan S. Mitchell (tổng biên tập)... - Ấn bản 23. - H. : Thư viện Quốc gia Việt Nam, 2013.

4. Rowley, J. E., Hartley, Richard J. (2007). Organizing knowledge : an introduction to managing access to information. Ashgate Publishing, London, 392 p.

5. Trung tâm Thư viện và Tri thức số, Đại học Quốc gia Hà Nội. https://lic.vnu.edu.vn/. Truy cập ngày 20/8/2024.

6. Hoàng Yến. Công tác mô tả biên mục tại Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội : Luận văn Thạc sĩ Thư viện / Hoàng Yến. - H. : Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam, 2014.

Thư mục trích dẫn:

Nguyễn Huy Chương. Áp dụng Khung phân loại Dewey tạo lập sản phẩm và dịch vụ thông tin số. Kỷ yếu Hội nghị - Hội thảo "Ứng dụng Khung phân loại thập phân Dewey 23 (DDC 23) trong hoạt động nghiệp vụ của các thư viện Việt Nam (2014 - 2023)" (09-2024) / Nguyễn Huy Chương, Hoàng Yến, tr. 45-53.


Đọc thêm cùng chuyên mục: