Mười thách thức hàng đầu các thư viện công cộng phải đối mặt

E-mail Print

Thư viện công cộng ngày nay đang ở một thời điểm quan trọng. Bước sang thiên niên kỷ mới, có rất nhiều bình luận về việc liệu các thư viện công cộng có trở nên lỗi thời hay không và bằng cách nào thư viện vẫn sẽ trở nên thích ứng trong thời đại thông tin trực tuyến. Gần 20 năm sau, các thư viện đã thành công trong việc chuyển mình từ chỗ chủ yếu cung cấp tài liệu sang trở thành điểm học tập cộng đồng chính thức và không chính thức, điểm tiếp cận công nghệ, phát triển lực lượng lao động và kết nối cộng đồng.

Trong bối cảnh hiện nay, các mối đe dọa đối với thư viện vẫn còn tồn tại, chính vì vậy tác giả với tư cách là một người làm công tác thư viện công đã đưa ra một vài quan điểm cá nhân về sức khỏe và sức sống lâu dài của thư viện công cộng.

1. Gia tăng sự mất niềm tin vào Chính phủ

Là một đơn vị thuộc Chính phủ, thường ở cấp thành phố hoặc cấp quận, các thư viện công cộng cần biết rằng tỷ lệ người dân Mỹ không tin tưởng vào Chính phủ đang tăng mạnh. Năm 1958, 73% người Mỹ tin tưởng Chính phủ Liên bang luôn “thực thi lẽ phải”. Vào năm 2015, con số đó là 19% [15]. Quan điểm mập mờ của chính phủ thể hiện thái độ đối với cấp liên bang, điều đó gây tổn hại đến hoạt động thư viện ở cấp liên bang và tiểu bang, đồng thời ảnh hưởng gián tiếp đến các thư viện công cộng địa phương ở khía cạnh giảm kinh phí, tiếng nói về chính sách và vị thế. Vậy nhận thức của chính quyền địa phương có tích cực hơn không? Có thể, nhưng trong bài viết này thể hiện quan điểm cơ bản của một số xu hướng là sự thiếu tin tưởng vào các tổ chức công.

Hiện nay, thư viện công cộng là tổ chức công hiếm hoi đi ngược lại xu hướng này. Theo một kết quả nghiên cứu quan trọng của Trung tâm Nghiên cứu Pew về Thư viện năm 2016 (Horrigan 2016) [9], 66% người Mỹ nói rằng việc đóng cửa thư viện công cộng địa phương sẽ có tác động lớn đến cộng đồng đặc biệt là phụ nữ và sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Tác giả hy vọng quan điểm này sẽ vẫn tiếp tục được duy trì như vậy, nhưng những lời hùng biện không ngừng gióng lên tính nguy hại của cái gọi là “Chính quyền ngầm” có nguy cơ làm xói mòn niềm tin của người dân vào tất cả các cấp chính quyền và làm giảm bớt nhận thức của công chức trong đó có người làm thư viện về những hành vi quan liêu mang tính tư lợi trong phần lớn công chúng. Với tư cách là nhà quản lý và người lao động của các tổ chức khu vực công, xu hướng này là lời cảnh báo sâu sắc đối với chúng ta.

2. Xói mòn niềm tin vào thông tin khách quan

Cuốn tiểu thuyết phản địa đàng Golden State Winters (2019) của Ben H. Winters tưởng tượng ra một tương lai xa, nơi sự thật khách quan là giá trị quan trọng nhất của xã hội và người làm thư viện chính là người bảo vệ trung thành các văn bản chính thống [10]. Theo quan sát của nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết này khi tìm kiếm biểu ghi trong Phòng lưu trữ hồ sơ vĩnh viễn thì: “Họ là những người trông coi hồ sơ. Họ là người làm thư viện và họ không hề lãng phí thời gian để làm những việc không quan trọng”. Các công trình nghiên cứu cho thấy niềm tin của công chúng đối với các nhà khoa học vẫn tương đối ổn định kể từ những năm 1970 (mặc dù chỉ có 44% người trưởng thành ở Mỹ nói là "rất tin tưởng"). Trong khi đó, theo cùng một cuộc khảo sát, chỉ 37% người trưởng thành ở Mỹ cho rằng họ rất tin tưởng vào Y học và chỉ 13% tin tưởng vào báo chí (Funk và Kennedy 2019) [8]. Quỹ Knight (2018) [7] đã dẫn chứng bằng tư liệu về vấn đề niềm tin của công chúng đối với các phương tiện truyền thông là đặc biệt đáng lo ngại khi phần lớn công chúng không tin tưởng vào tin tức mà họ nhận được và ngày càng chuyển sang các nguồn thông tin không khách quan.

Xu hướng này đang gây rắc rối vì nó làm suy yếu những gì chúng ta nghĩ rằng sẽ luôn được coi là nguồn thông tin có thẩm định và làm suy yếu khả năng ra quyết định về cuộc sống, gia đình và cộng đồng của mỗi cá nhân. Trong khi công chúng dường như tiếp tục dành mức tin tưởng cao vào tính xác thực của thông tin từ thư viện, tác giả bắt đầu lo lắng rằng niềm tin vào độ tin cậy của các nguồn thông tin khác bị giảm sút, công chúng cũng có thể mất niềm tin vào tính xác thực của thông tin từ thư viện, điều sẽ làm suy yếu một trong những giá trị quan trọng nhất của thư viện đối với xã hội.

3. Sự suy giảm về tính lịch sự và cam kết công dân

Hậu quả không thể tránh khỏi của việc mất niềm tin vào Chính phủ, các tổ chức công và thông tin khách quan đó là mất đi sự tham gia của người dân, được đo bằng các chỉ số như tham gia công tác tình nguyện và tham gia vào các tổ chức công dân, bao gồm cả việc bỏ phiếu. Năm 2013, chỉ có 36% người Mỹ trưởng thành tham gia vào các tổ chức công dân, giảm 3% chỉ trong vòng 2 năm (Megan 2015) [12].

Thư viện có thể và nên là liều thuốc giải độc cho sự phân cực và tan rã xã hội. Eric Klinenberg đã viết “Xây dựng nơi mà mọi người có thể tụ họp là cách tốt nhất để sửa chữa những rạn nứt xã hội mà chúng ta đang sống ngày nay”, “thư viện là một trong những hình thức cơ sở hạ tầng xã hội quan trọng nhất mà chúng ta có” (Klinenberg 2018) [11]. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi sự mất niềm tin tổng thể vào Chính phủ và các tổ chức công có nguồn gốc nhiều hơn từ các cấp chính quyền địa phương? Tác giả sợ rằng hậu quả sẽ là mất đi sự gắn bó với các tổ chức dân sự như thư viện, mất đi sự tương tác với nhau trong không gian công cộng và mất đi sự hứng thú hoặc dành thời gian cho hoạt động tình nguyện tại thư viện.

Ở thành phố nơi tác giả sống, Ông nghe các bậc cha mẹ nói rằng họ ngại đưa con cái đến Thư viện Công cộng Austi - một thư viện mới và đẹp vì họ gặp rắc rối bởi những người vô gia cư. Đối với tác giả, đây dường như là một ví dụ về sự kết hợp của một vấn đề với một số vấn đề khác. Khi tầng lớp trung lưu giảm, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng người vô gia cư gia tăng, việc thiếu các hình thức cơ sở hạ tầng xã hội khác khiến người vô gia cư phải vào thư viện, mọi người phản ứng bằng cách rút lui không tham gia vào các không gian công cộng, dẫn đến những điều tồi tệ nêu trên. Câu trả lời thông thường của tác giả đối với các bậc phụ huynh trên là chỉ ra cơ hội sử dụng tình huống này như một thời điểm để giáo dục con cái, nhưng đó có vẻ là một lý lẽ khó thuyết phục.

4. Tầng lớp trung lưu đang dần biến mất

Một xu hướng đáng lo ngại khác là sự chênh lệch thu nhập ngày càng tăng và sự biến mất của tầng lớp trung lưu. Không dễ dàng để hiểu tại sao đây lại là một vấn đề thư viện cần đặc biệt quan tâm. Nhưng hãy nhớ lại một chút về lịch sử thành lập của thư viện công cộng, vốn luôn là một tổ chức bắt nguồn từ nguyện vọng của tầng lớp trung lưu. Andrew Carnegie, người đã đặt ra cụm từ “cung điện cho người dân” tin rằng sức mạnh tiềm tàng của thư viện công cộng không phải dành cho người giàu, mà dành cho những tầng lớp trung lưu đang phấn đấu thông qua tự giáo dục và kết nối cộng đồng. Các thư viện có thể và có khả năng phục vụ những người nghèo, nhưng khi nhu cầu của họ tăng lên và khi mạng lưới an toàn bị thu hẹp, gánh nặng đổ xuống cho các thư viện có thể lấn át khả năng đáp ứng của thư viện.

Kể từ năm 1970, tỷ lệ dân số được coi là tầng lớp trung lưu đã giảm đáng kể. Trong một báo cáo năm 2015 có tựa đề “Tầng lớp trung lưu Mỹ đang mất dần chỗ đứng”, Pew đã chứng minh rằng những người Mỹ có thu nhập trung bình không còn chiếm đa số và từ năm 1970 đến năm 2014, tổng thu nhập của các hộ gia đình có thu nhập trên đã tăng từ 29% lên 49% [15]. Tỷ lệ người trưởng thành sống trong các hộ gia đình có thu nhập trung bình cũng đang giảm.

Đối với một thiết chế được xây dựng dựa trên nguyện vọng của tầng lớp trung lưu, đây là một xu hướng đáng lo ngại nhưng nó cũng có những tác động khác. Ví dụ, vấn đề liên quan đến khả năng chi trả của nhiều khu vực thành thị khiến việc tuyển dụng và giữ chân những nhân viên thư viện có trình độ trở nên khó khăn hơn do mức lương mà các thư viện có thể trả. Chi phí cao có thể làm cho việc xây dựng, tu sửa hoặc bảo trì các tòa nhà trở nên đắt đỏ đối với một số thành phố. Bất bình đẳng thu nhập cũng sẽ dẫn đến các vấn đề khác mà thư viện công cộng cảm thấy rất nhức nhối, chẳng hạn như tình trạng vô gia cư. Trong cuốn sách bán chạy nhất của Susan Orlean về vụ cháy Thư viện Công cộng Los Angeles năm 1986, The Library Book (2018), tác giả đã quan sát thấy tình trạng vô gia cư, “Nhiều người làm thư viện đã nói với tôi rằng họ coi đây là vấn đề then chốt mà các thư viện phải đối mặt ngay lúc này” [14]. Tình hình dường như càng ngày càng khó khăn hơn khi các mạng lưới an toàn cho sức khỏe tâm thần, các dịch vụ xã hội khác bị ảnh hưởng và có thể mất đi nguồn tài chính quan trọng.

5. Cuộc nổi dậy về thuế và sự chuyên chế của ROI

Khi chính phủ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy về thuế ngày càng cấp bách, kéo dài ít nhất là đến năm 1985 với sự thành lập tổ chức Người Mỹ vì cải cách thuế, cùng với sự mất niềm tin tổng thể vào Chính phủ (xem xu hướng số 1 ở trên), giống như tất cả các lĩnh vực công khác, các thư viện đã phải tìm cách để biện minh cho sự tồn tại của mình. Xét về bản chất thì đây không phải là một việc xấu. Trách nhiệm giải trình là quan trọng, thư viện và các khu vực dịch vụ công khác phải chịu trách nhiệm trước người nộp thuế. Trong suốt thời gian dài, những người ủng hộ thư viện đã dựa vào những lập luận về lợi ích xã hội nội tại để giành chiến thắng. Các thư viện có khả năng chống chọi tốt với sự giám sát. Đối với số tiền thường là ít ỏi nhận được, các thư viện có thể chứng minh lợi tức đầu tư là đáng kể. Đã có nhiều nghiên cứu ROI chứng minh quan điểm này, trong đó có nghiên cứu của tác giả và các cộng sự được thực hiện ở Texas vào năm 2012 và được cập nhật vào năm 2017. Nghiên cứu được thực hiện bởi Cục Nghiên cứu Kinh doanh - Đại học Texas (2017), chứng minh rằng cứ mỗi đô la đầu tư vào dịch vụ thư viện, các cộng đồng nhìn thấy lợi nhuận ít nhất là 4,64 đô la và đó là một ước tính thận trọng [5].

Vấn đề tồn tại duy nhất của nghiên cứu này là những phân tích như vậy đã bỏ sót một số công việc quan trọng nhất mà thư viện công cộng đã làm cho xã hội. Làm thế nào một nghiên cứu phát triển kinh tế có thể trả lại giá trị một đô la cho vai trò của thư viện trong việc dạy trẻ em đọc, khiến trẻ em tập trung vào việc học trong những tháng hè, cung cấp một không gian an toàn cho thanh thiếu niên đến với nhau trong các hoạt động tích cực sau giờ học, hoặc trong việc cung cấp một dây cứu sinh cho việc đọc và thông tin cho các nghiên cứu ROI để có thể thực sự xác định được cách các thư viện tạo ra cộng đồng bền vững thông qua việc dạy các kỹ năng STEM trong các không gian thực hành hoặc giúp mọi người tìm việc làm và khởi sự công việc kinh doanh. Nhưng còn ý nghĩa của những dự án như sáng kiến dành cho người vô gia cư của Thư viện công cộng Dallas, dự án làm vườn cộng đồng của Thư viện công cộng El Paso hay sáng kiến nghệ thuật cộng đồng của Thư viện công cộng Plano là gì đây? Vì những dịch vụ này có khả năng chống lại phân tích ROI cao hơn, chúng không quan trọng phải không? Chúng ta có nên ngừng hoàn toàn việc lưu thông truyện hư cấu bởi vì việc hưởng thụ cá nhân là một hoạt động xa xỉ và không thể kiếm ra tiền? Chúng ta có nên ngừng cung cấp các giờ kể chuyện cho trẻ mầm non vì chúng ta không thể đặt một tấm thẻ tính giá cho giá trị của việc kết nối trẻ em với sách ngay từ nhỏ? Hầu hết những người ủng hộ thư viện sẽ đồng ý rằng đó là những hoạt động cốt lõi để thực hiện sứ mệnh của thư viện, nhưng chúng ta vẫn chưa thực hiện đủ hiệu quả để xác định các giá trị rõ ràng ngoài ROI.

6. Sự suy giảm thời gian chú ý

Trong cuốn sách hấp dẫn của mình, Bored and Brilliant (2017) [16], nhà văn công nghệ và chủ của một kênh podcast Manoush Zomorodi đã viết rất dài về tác động của điện thoại thông minh và các thiết bị khác tới khả năng tập trung của chúng ta. Zomorodi đưa ra một trường hợp thuyết phục rằng điện thoại thông minh không chỉ khiến chúng ta mất khả năng tập trung vào những mẩu thông tin dài hơn mà chúng còn làm gián đoạn trải nghiệm cảm thấy buồn chán vô cùng quý giá. Cô phân tích rằng nghiên cứu này đã cho thấy việc để tâm trí của chúng ta lang thang sẽ dẫn đến tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề tốt hơn. Chúng ta có xu hướng sử dụng điện thoại thông minh để tránh không bao giờ gặp phải những khoảnh khắc thất vọng như thế. Những người trẻ tuổi đặc biệt dễ có hành vi nghiện sử dụng thiết bị này. Trong một nghiên cứu năm 2015, 77% người từ 18 đến 24 tuổi trả lời rằng khi cảm thấy buồn chán, họ thường lấy điện thoại ra xem (Borreli 2015) [3].

Một vài người trong chúng ta có thể nhận ra mặt khôi hài của hành vi này, đặc biệt khi chúng ta để ý thấy có rất nhiều người xung quanh ta nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại thông minh cả ngày, thậm chí đôi khi còn đâm sầm vào chúng ra ta trên vỉa hè khi vẫn đang mải mê với điện thoại. Nhưng những người làm thư viện công cộng cần phải thấy được mối liên hệ này là có thật và đáng lo ngại. Mọi người có thể nhận ra giá trị của thư viện, nhưng họ sẽ thực sự sử dụng thư viện như thế nào khi họ đang mất đi khả năng ngồi đọc tại chỗ và suy nghĩ thong thả?

7. Sự suy giảm việc đọc

Năm 2004, một báo cáo gây sửng sốt từ Quỹ Nghệ thuật Quốc gia (The National Endowment for the Arts - NEA) có tựa đề Đọc ngẫu nghiên đã ghi lại sự sụt giảm mạnh trong việc đọc các tác phẩm văn học từ năm 1982 đến năm 2002 [13]. Nhà thơ Dana Gioia - Chủ tịch NEA lúc bấy giờ đã có một chuyến đi vòng quanh đất nước để nói về những lo ngại của ông về xu hướng này. Trong phần giới thiệu của báo cáo, Gioia viết “Vấn đề lớn hơn cả việc đọc đang bị đe doạ. Báo cáo này đã chứng minh một cách rõ ràng, bạn đọc đóng một vai trò tích cực hơn và gắn kết chặt chẽ hơn vào cộng đồng của họ. Do đó, việc suy giảm khả năng đọc giống với sự gia tăng việc rút lui khỏi các trách nhiệm dân sự và đời sống văn hóa” (Bradshaw và Nichols 2004, vii) [4].

Có phải tình hình được cải thiện trong 15 năm qua không? Không, mà ngược lại chúng ta tiếp tục mất bạn đọc. NEA đã tiếp tục đưa ra dẫn chứng để chứng minh tỷ lệ đọc sách của người Mỹ trưởng thành. Trong báo cáo gần đây nhất vào năm 2017, tỷ lệ người trưởng thành đọc sách đã giảm 1,9%, xuống còn 52,7% dân số. Dấu hiệu hy vọng duy nhất là sau nhiều năm suy giảm, tỷ lệ người lớn đọc một tập thơ hoặc vở kịch đã thực sự tăng lên đến 11,7% đối với thơ và 3,7% đối với kịch! (NEA 2018) [13].

Mặc dù tính lượt mượn sách chỉ là một trong số các chức năng của thư viện công cộng, nhưng đọc sách, các chương trình liên quan đến đọc sách và các dịch vụ hướng dẫn đọc, viết vẫn là chức năng cốt lõi của thư viện công cộng. Ngay cả khi đây không phải là những dịch vụ cốt lõi quan trọng của thư viện, nhận xét của Dana Gioia về mối quan hệ của việc đọc sách và sự kết nối với xã hội và sự gắn bó của người dân vẫn cho chúng ta thấy một số lý do tại sao mối quan tâm về sự sụt giảm trong việc đọc sách cần phải là mối quan tâm lớn đối với các thư viện công cộng.

8. Thiếu sự đa dạng

Theo số liệu của Hiệp hội Thư viện Mỹ (American Library Association - ALA), 86,7 % thành viên ALA tự nhận mình là người da trắng, 4,4 % là người Mỹ gốc Phi và 4,7 % là “Tây Ban Nha hoặc La tinh” (ALA 2017) [2]. Năm 2006, ALA cũng phát hành một báo cáo về sự đa dạng trong nghề nghiệp mang tên “Tính toán sự đa dạng”, báo cáo này được cập nhật vào năm 2007 và một lần nữa vào năm 2012, phân tích dữ liệu từ Viện các Dịch vụ Bảo tàng và Thư viện (Institute of Museum and Library Services - IMLS) và Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia. Dữ liệu chỉ ra rằng trong số tất cả người làm thư viện được cấp chứng chỉ hành nghề, 85,2% là người da trắng, 5% là người Mỹ gốc Phi và 4,8% là người Latinh (ALA 2012) [1].

Những con số này là đáng lo ngại và dường như không được cải thiện. Vì những lý do này, ALA đã xem việc gia tăng tính đa dạng trong nghề nghiệp là ưu tiên chiến lược của hiệp hội. Điều đó là hoàn toàn phù hợp vì nếu nghề này không thể thu hút được lực lượng lao động đa dạng, đặc biệt là ở các cấp quản lý và chuyên môn, thì các thư viện công cộng sẽ ngày càng lạc lõng với nhu cầu của cộng đồng và không đáp ứng được với thực tế xã hội và văn hóa. Ở Texas, cũng như các bang khác, tỷ lệ phần trăm dân số không phải người da trắng đang tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với tỷ lệ gia tăng của người da trắng. Để thư viện công cộng vẫn là một tổ chức quan trọng và có giá trị, chúng ta cần những nhân viên thư viện đại diện chặt chẽ hơn cho bộ mặt nhân khẩu học trong cộng đồng của họ.

9. Thiếu sự công nhận

Mặc dù tác giả không thể chỉ ra số liệu thống kê để làm rõ điều này, nhưng tác giả đã làm việc trong các thư viện hơn 35 năm và thường xuyên nhận ra những bằng chứng về sự thiếu công nhận đối với người làm thư viện ở nhiều nơi. Sự thiếu quan tâm đến thư viện và những gì thư viện cung cấp cho cộng đồng có thể thấy được ở mức kinh phí cấp cho dịch vụ thư viện công cộng thường xuyên thấp. Bằng chứng là, trong mỗi chu kỳ ngân sách, Tổng thống không tài trợ cho IMLS , người làm thư viện thường không được đưa vào đội ngũ quản lý của thành phố hoặc không có mặt trong những ủy ban quan trọng của thành phố và hạt. Bằng chứng khác là, sau cơn bão Harvey năm 2017, tác giả đã nhận được vẻ ngạc nhiên khi trình bày với các nhà lãnh đạo từ các ngành khác rằng Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang cần chính thức công nhận thư viện là dịch vụ thiết yếu (FEMA 2018, 76) [6]. Tuy nhiên, tác giả cũng đã rất kinh ngạc khi chứng kiến Thư viện công cộng Houston dưới sự lãnh đạo của Tiến sĩ Rhea Lawson và với sự hỗ trợ của Viện Aspen đã trở thành cơ quan đầu tiên ở Houston triệu tập được một cuộc thảo luận hậu Harvey về thảm họa và bài học kinh nghiệm với sự tham gia của hàng chục tổ chức địa phương và khu vực.

Tác giả mong chờ ngày mà các thư viện được công nhận đầy đủ về dịch vụ độc đáo và không thể thay thế mà thư viện cung cấp cho các thành phố và quận của họ. Công chúng nhận ra điều này: Nghiên cứu của Pew Libraries 2016 cho thấy 66% người Mỹ nói rằng việc đóng cửa thư viện công cộng sẽ có tác động lớn đến cá nhân hoặc gia đình của họ (Horrigan 2016) [9]. Ông hy vọng một ngày nào đó có được một tỷ lệ tương tự các nhà lãnh đạo thành phố và hạt đồng ý với nhận định này.

10. Cuộc đấu tranh của vấn đề giáo dục trong thư viện

Cách đây hơn 15 năm, tác giả đã tham dự một cuộc họp và từng nghe một giảng viên thư viện đáng kính, hiện đã qua đời, tuyên bố rằng “giáo dục thư viện đã chết”. Ông đã rất sốc vào thời điểm đó vì không thể lý giải làm thế nào điều đó lại đúng được trong khi với tư cách là quản lý của một hệ thống thư viện với hơn 30 chi nhánh phục vụ hơn một triệu người ở miền Nam California, ông vẫn liên tục tuyển dụng các ứng viên IMLS. Vào thời điểm đó, một số trường đào tạo nghề thư viện đã ngừng hoạt động, nhiều sinh viên được tập hợp vào các chương trình lớn hơn ở nhiều vùng khác nhau trong nước và xu hướng gần như phổ biến lúc đó là chương trình đào tạo thư viện được thực hiện hoàn toàn trực tuyến hoặc kết hợp với chương trình khác. Tuy nhiên, những năm sau này, giáo dục thư viện vẫn chưa chết và còn trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Khi theo dõi hoạt động của hai chương trình ở California, tác giả nhìn thấy những nỗ lực của ba cơ sở ở Texas và theo quan điểm của ông, có vẻ như một số chương trình có xu hướng nghiêng nhiều về quản lý thông tin, điều này rất tốt cho một số khía cạnh của nghề nghiệp. Nhưng ông lại lo rằng trường đào tạo nghề thư viện không phải lúc nào cũng cung cấp đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho công việc thư viện công cộng đương thời. Liệu có chú trọng đầy đủ vào sự tham gia của cộng đồng, công tác vận động chính trị và các dịch vụ tiếp thị thông qua phân tích các phân khúc xã hội không? Các chương trình có đủ cơ sở dựa trên các nguyên tắc công bằng xã hội không? Sinh viên có hiểu được tác động tiềm năng của thư viện công cộng không? Họ có được đào tạo để trở thành những nhà cải cách và dẫn dắt thay đổi không? Sinh viên có được chuẩn bị để đối diện với những thách thức trong thế giới thực, đồng thời nhận được nền tảng về đạo đức và giá trị nghề nghiệp không? Một điều dường như cực kỳ quan trọng là những người làm thư viện chuyên nghiệp trong tương lai phải được chuẩn bị để dẫn dắt các thư viện đối mặt với vô số tác động của những thách thức xã hội được thảo luận ở trên như tính xác thực của thông tin, sự sụt giảm lòng tin của công chúng đối với các tổ chức và bất bình đẳng thu nhập.

Điều quan trọng là các trường đào tạo ngành thư viện phải tuyển dụng các sinh viên đa dạng và đào tạo họ để đối phó với những thách thức trong việc điều hành và quản lý các chương trình thư viện theo cách duy trì được tính cạnh tranh và khả thi.

Kết luận

Ngay từ đầu của bài viết này, tác giả đã nói rằng các thư viện công cộng đang ở một thời điểm quan trọng. Thành công của thư viện nằm ở cách chúng ta quản lý và vượt qua những thách thức này. Những xu hướng xã hội lớn không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, mà chúng ta cần tìm cách để đối mặt với chúng. Chúng ta đã vượt qua những điều tồi tệ nhất, những mối đe dọa chống lại chúng ta và nếu như chúng ta tiếp tục duy trì sự chính trực, quyết tâm và cam kết với sứ mệnh và giá trị nghề nghiệp của mình, tôi tin rằng thư viện công cộng sẽ trường tồn và phát triển lâu dài trong tương lai.

Về tác giả Mark Smith

Tác giả Mark Smith có hơn 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thư viện, từng công tác tại thư viện của ba tiểu bang và trong nhiều môi trường thư viện khác nhau. Từ tháng 11 năm 2013, ông là Giám đốc Ủy ban Lưu trữ và Thư viện Bang Texas, cũng là quê hương của ông. Mark có bằng Cử nhân Nghệ thuật bằng tiếng Anh và bằng Thạc sĩ Khoa học Thư viện tại Đại học Texas ở Austin và là tác giả của một số cuốn sách và bài báo về nhiều chủ đề thư viện khác nhau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO TRÍCH DẪN TRONG BÀI:

1. American Library Association. 2012. Diversity counts 2009–2010 update. Chicago, IL: American Library Association. www.ala.org/aboutala/offices/diversity/diversitycounts/2009-2010update [Google Scholar]

2. American Library Association. 2017. 2017 ALA Demographics Study. Chicago, IL: Office of Research and Statistics, American Library Association. http://www.ala.org/tools/sites/ala.org.tools/files/content/Draft%20of%20Member%20Demographics%20Survey%2001-11-2017.pdf [Google Scholar]

3. Borreli, L. 2015. Human attention span shortens to 8 seconds due to digital technology: 3 ways to stay focused. Medical daily Accessed April 3, 2019 https://www.medicaldaily.com/human-attention-span-shortens-8-seconds-due-digital-technology-3-ways-stay-focused-333474 [Google Scholar]

4. Bradshaw, T., and B. Nichols. 2004. Reading at risk: a survey of literary reading in America. Washington, DC: National Endowment for the Arts. https://www.arts.gov/sites/default/files/ReadingAtRisk.pdf [Google Scholar]

5. Bureau of Business Research. 2017. Texas public libraries: economic benefits and return on investment. Austin: University of Texas. [Google Scholar]

6. Federal Emergency Management Agency. 2018. Public assistance program and policy guide. Washington: FEMA. Accessed April 11, 2019. https://www.fema.gov/media-library-data/1525468328389-4a038bbef9081cd7dfe7538e7751aa9c/PAPPG_3.1_508_FINAL_5-4-2018.pdf [Google Scholar]

7. Foundation, K. 2018. 10 reasons why american trust in the media is at an all-time low Accessed April 3, 2019. https://medium.com/trust-media-and-democracy/10-reasons-why-americans-dont-trust-the-media-d0630c125b9e [Google Scholar]

8. Funk, C., and B. Kennedy. 2019. Public confidence in scientists has remained stable for decades. Pew Research Center. Accessed April 3, 2019. https://www.pewresearch.org/fact-tank/2019/03/22/public-confidence-in-scientists-has-remained-stable-for-decades/ [Google Scholar]

9. Horrigan, J. B. 2016. Libraries 2016. Pew Research Center. Accessed April 3, 2019. https://www.pewinternet.org/2016/09/09/libraries-2016/ [Google Scholar]

10. Winters, B. H. Golden state. 2019. New York, NY: Mulholland Books/Little, Brown and Company. [Google Scholar]

11. Klinenberg, E. 2018. Palaces for the people: how social infrastructure can help fight inequality, polarization, and the decline of civic life, New York, NY: Crown. [Google Scholar]

12. Megan, O. 2015. Volunteerism and trust in public institutions are on the decline. Chronicle of Philanthropy: 27, (5), p 34. [Google Scholar]

13. National Endowment for the Arts: Washington, DC. 2018. U.S. Trends in Arts Attendance and Literary Reading: 2012–2017.

14 Orlean, S. 2018. The library book. New York, NY: Simon and Schuster. [Google Scholar]

15. Pew Research Center. 2015. The American middle class is losing ground. Accessed April 3, 2019. https://www.pewsocialtrends.org/2015/12/09/the-american-middle-class-is-losing-ground/ [Google Scholar]

16. Zomorodi, M. 2017. Bored and brilliant: how spacing out can unlock your most productive and creative self. New York, NY: St. Martin’s Press [Google Scholar]

______________

Thúy Hằng lược dịch

Nguồn: Top Ten Challenges Facing Public Libraries. https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/01616846.2019.1608617


Đọc thêm cùng chuyên mục: