Ngành Khoa học Máy tính có thể học hỏi nhiều từ Ngành Khoa học Thư viện và Thông tin

E-mail Print

Chương trình giảng dạy về Khoa học Máy tính có truyền thống nhấn mạnh vào các lĩnh vực sức mạnh của dữ liệu, khích lệ việc thu thập và lưu trữ dữ liệu; qua đó mở đường cho việc khai thác và lôi kéo để gia tăng người dùng, coi củng cố dữ liệu như một con đường dẫn đến sự giàu có trong nền kinh tế hiện đại; phổ biến ý tưởng dữ liệu có khả năng chữa lành mọi vấn đề của xã hội.

Ở mặt đối lập, các chương trình giảng dạy của ngành Khoa học Thư viện và Thông tin (LIS) có lịch sử nhấn mạnh tính riêng tư, các quyền tự do cơ bản của công dân và tác động của cộng đồng, những tranh luận hỗn hợp của việc quản lý dữ liệu công cộng với việc hạn chế dữ liệu cá nhân. Các nhà lãnh đạo công nghệ tương lai của ngày mai có thể học hỏi nhiều điều từ tư duy của những đồng sự làm công tác thư viện.

Khi tôi là một sinh viên khoa học máy tính trẻ tuổi, chương trình khoa học máy tính được xếp hạng thứ 4 trong cả nước (ngày nay là thứ 5), khóa học của tôi bao gồm đầy đủ các nội dung thực hành và lý thuyết về cách thu nhận, quản lý và khai thác các bộ dữ liệu lớn nhất thế giới.

Trọng tâm nhằm vào vấn đề khả năng, nghiên cứu về tất cả của những gì “có thể” thực hiện được với dữ liệu thay vì những gì “nên” làm với dữ liệu. Ý tưởng nên tránh xa những thành tựu công nghệ vì nó có hại cho xã hội thậm chí chưa từng được rỉ tai nhau. Ý tưởng dữ liệu nên được giảm thiểu để bảo vệ quyền riêng tư thậm chí không được đề cập đến. Thiết kế hệ thống bảo mật chỉ nhấn mạnh đến việc làm thế nào để bảo vệ dữ liệu khỏi những truy cập không đúng thẩm quyền mà không bao giờ đề cập đến việc làm thế nào để bảo vệ người sử dụng dữ liệu đó không bị tổn hại.

Chưa khi nào khái niệm về Hội đồng thẩm định cơ sở (Institutional Review Board viết tắt là IRB) hay khái niệm đánh giá những tổn hại xã hội của nghiên cứu được trình bày, dù vấn đề các hội đồng thẩm định tính bảo mật và cấu trúc là những chủ đề được thảo luận thường xuyên.

Ở mặt đối lập, với vai trò của một nghiên cứu sinh chương trình Khoa học Thư viện và Thông tin của cùng một trường đại học, chỉ cách vài tòa nhà, tôi lại giống như bước vào một thế giới hoàn toàn mới.

Khái niệm về sự tổn hại xã hội được giảng dạy ngay từ học kỳ đầu tiên, nhấn mạnh đến quan niệm tránh những nghiên cứu mang tính hứa hẹn có thể ảnh hưởng tới những đối tượng dễ bị tổn hại trong cộng đồng, quan niệm của IRB về xem xét các công trình nghiên cứu và những quan điểm rằng ngay cả các dữ liệu có thể tải xuống công khai như các tập dữ liệu truyền thông xã hội vẫn đòi hỏi phải xem xét đầy đủ các rủi ro và thẩm định các vấn đề đạo đức.

Các thuật toán không còn là đống mã nữa, chúng là sự tập hợp của những giả định, các ưu tiên, thế giới quan và khuynh hướng của con người hướng dẫn tạo ra thuật toán cụ thể đó thay vì một thuật toán tương tự, ngay cả khi nếu chính mã thực tế đó được sản sinh ra thông qua máy học. Quả thật, đó là những khái niệm còn thiếu vắng trong các môn Khoa học Máy tính ngày nay, khi mà các mô hình được mô tả là sự thay thế “không mang tính định kiến” cho các lập trình viên “có định kiến”.

Bảo mật dữ liệu không còn là “an ninh mạng” lấy công nghệ làm trung tâm, mà là lấy “quyền riêng tư” của người sử dụng làm trung tâm, trong đó việc bảo vệ dữ liệu có nghĩa là bảo vệ người sử dụng khỏi bị tổn hại chứ không đơn thuần là khóa máy chủ.

Thậm chí ngoài các khái niệm về quyền riêng tư và dữ liệu, có một chương trình đa dạng về Khoa học Thư viện và Thông tin thế giới có thể dạy các nhà Khoa học Máy tính cách nghĩ về người dùng của họ.

Mục tiêu và trọng tâm của ngành Khoa học Thư viện và Thông tin là việc tìm hiểu cách các cá nhân tra cứu, nhận thức và hành động dựa trên những thông tin được tìm kiếm đó. Ví như các nghệ sĩ không chỉ là lui tới các thư viện nghệ thuật, mà còn đọc ngấu nghiến tất cả các tài liệu sẵn có về một chủ đề mà họ đang miêu tả, tìm cách đểhiểu nó không chỉ về mặt định lượng, mà hơn thế về ý nghĩa sâu sắc, những động lực và ảnh hưởng xã hội. Mặc dù có chút ngạc nhiên về các chuyên gia ngành nghệ thuật, nhưng chính những hiểu biết thấu đáo như thế về cách các ngành khác nhau tìm kiếm và sử dụng thông tin lại cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc hơn để có thể thiết kế các nền tảng thông tin tốt hơn.

Sự hiểu biết sâu sắc hơn về hành vi thông tin có thể giúp các nền tảng thiết kế hệ thống có khả năng chống lại sự lan tràn của các ý tưởng kỹ thuật số sai lầm và tránh được những cạm bẫy phổ biến.

Một vài lớp học về “sử dụng và người sử dụng thông tin” và một khóa đào tạo sơ cấp người làm thư viện tham khảo có thể đã giúp các nền tảng truyền thông xã hội tránh được những cạm bẫy phổ biến của hiệu ứng phản tác dụng trong nỗ lực chống “tin tức giả mạo” và thậm chí có thể tránh được ý tưởng ưu tiên thuật toán dựa trên quy tắc đám đông ngay từ đầu.

Hiểu biết về sự tiến hóa toàn cầu, cách xã hội tạo ra, quản lý, tiêu thụ và sử dụng thông tin trong suốt quá trình lịch sử và đặc biệt là cách các cộng đồng trên thế giới có sự khác biệt trong quá trình tiếp cận thông tin, có thể đề xuất những hướng dẫn hiệu quả trong việc định hình các hệ thống thông tin ngày nay. Thay cho quan điểm quản lý thông tin tập trung vào Phương Tây, sự tương tác giữa thông tin và xã hội ở các nơi khác trên thế giới đem đến vô số bài học về chống lại sự lây lan của các giả mạo kỹ thuật số, ảnh hưởng từ nước ngoài và những thao túng có chủ đích mang tính bạo lực ngày nay. Cách các xã hội trước đây nhận định về sự khan hiếm thông tin và sự phát triển của mô hình gác cổng thông tin cũng có nhiều điều để chỉ dẫn các nền tảng đang phải vật lộn với việc thực hiện cung cấp thông tin miễn phí một cách có chừng mực. Sự khác biệt giữa những chứng cớ và sự biện minh, chuyên môn và kinh nghiệm, thông tin và kiến thức đều có những đóng góp đáng kể.

Lý thuyết của công tác Biên mục có thể giúp các nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) hôm nay suy nghĩ về cách xây dựng đội ngũ phân loại của họ, trong khi những người làm thư viện làm công tác tóm tắt và tra cứu thông tin có thể truyền đạt tri thức và kinh nghiệm dồi dào của họ cho các trợ lý kỹ thuật số, hệ thống phát thanh thông minh và hệ thống hỏi đáp của ngày mai.

Tuy nhiên, các chương trình giảng dạy của LIS không chỉ đơn giản là quản lý kho lưu trữ hiện vật vật chất và đăng ký điện tử. Sự tham gia của cộng đồng từ lâu đã trở thành một trọng tâm chính, với các môn học như “tin học cộng đồng” nhấn mạnh cách công nghệ thông tin và truyền thông có thể trao quyền và củng cố cộng đồng. Trong một thế giới kỹ thuật số, trong đó “giá trị” thường được định nghĩa bằng “sự quan tâm của nhà quảng cáo”, có rất nhiều nền tảng Internet chính có thể học hỏi từ suy nghĩ rộng hơn về cách các công cụ của họ trao quyền hoặc kiềm chế cộng đồng và những thay đổi có ý nghĩa mà họ có thể thực hiện để hỗ trợ tốt hơn những người bị thiệt thòi và cộng đồng dễ bị tổn thương.

Thực tế là, phần lớn tác hại do các nền tảng xã hội gây ra đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương trên thế giới, những đóng góp của họ vào bạo lực sắc tộc, diệt chủng, tội ác thù hận và những nỗi kinh hoàng khác có thể đã được giảm thiểu đáng kể nếu như các công ty ngay từ đầu đã quan tâm đến cộng đồng, thực hiện quan điểm lấy cộng đồng làm trung tâm trong thiết kế sản phẩm hơn là xây dựng một hệ thống theo hình ảnh của riêng họ và trả lời đối phó tới từng tác hại của các vấn đề khi xảy ra “Rất tiếc, đó là lỗi của chúng tôi nhưng không ai có thể lường trước được điều này”. Các chuyên gia về thông tin cộng đồng đã nghiên cứu rất nhiều những vấn đề này ngay từ khi có ý tưởng tiến hành và những thất bại của truyền thông hiện đại ngày nay đã gợi nhớ đến những chủ đề trong các lớp học mà tôi đã được tham gia từ nhiều năm trước.

Tuy nhiên, cũng thật đáng buồn, khi các trường đào tạo Khoa học Thư viện và Thông tin đã trải qua một làn sóng đổi thương hiệu từ một vài thập niên qua để trở thành các “iSchool”, khi mà các nội dung nhấn mạnh tới việc giảm thiểu dữ liệu và quyền riêng tư, việc sử dụng và người sử dụng, thông tin cộng đồng, quyền tự do dân sự và những giới hạn của con người trong việc tạo ra và tiêu thụ thông tin đã bị xói mòn dần và thay thế vào đó là các nội dung của thu thập, tích trữ khai thác và vận dụng thông tin, những nội dung đã từng là các lĩnh vực độc quyền của các chương trình Khoa học Máy tính.

Các trường LIS đã gia tăng thanh thế bằng việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Máy tính, quá trình chuyển đổi này đang tăng tốc. Ở một số trường, những học bổng truyền thống LIS được chuyển sang những hướng ngành chuyên môn với những chương trình cốt lõi hầu như không thể phân biệt được với các chương trình giảng dạy về Khoa học Máy tính “nhẹ”.

Điều mà tôi không thể hình dung được trong suốt nhiệm kỳ của mình, đó là các ứng viên của nghề Thư viện và Thông tin bị dụ dỗ từ ngành Khoa học Máy tính đang ngày càng loại bỏ quyền riêng tư, những tổn hại xã hội, vấn đề đạo đức và những ảnh hưởng tới cộng đồng để ủng hộ những hiểu biết dựa trên dữ liệu bằng mọi giá. Một buổi nói chuyện về nghề LIS đặc biệt gây ấn tượng mà tôi tham dự đã đề cao một nhà khoa học máy tính, người tự hào giới thiệu cách họ thu thập được một số lượng lớn các trang web về truyền thông và các dịch vụ đi kèm và phân phối lại chúng một cách vô tư tới các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới bất chấp những vi phạm trực tiếp tới các thỏa thuận pháp lý, những cam kết trong nghề nghiệp của họ trong việc không che giấu các cộng đồng yếu thế, những nỗ lực nhiều năm trong việc thúc đẩy các chiến dịch ảnh hưởng nước ngoài của chính phủ, bác bỏ những tiện ích và sự cần thiết của IRB và vai trò tầm nhìn cho công việc kết nối giữa chính phủ với các công ty của thung lũng Silicon nhằm thúc đẩy LIS để tiến tới xây dựng hệ thống giám sát sau cùng. Thay vì bị la ó từ trong khán phòng, thì diễn giả này đã được chào đón nhiệt tình và không chỉ được tuyển dụng mà còn trở thành giám đốc nghiên cứu.

Đáng buồn thay, khi các trường đào tạo về Khoa học Thư viện và Thông tin chuyển sang iSchool và tuyển dụng các nhà Khoa học Máy tính, thì các trường đào tạo nghề Thư viện và Thông tin truyền thống với mục tiêu lấy cộng đồng làm trung tâm đang nhường chỗ cho các mục tiêu kỹ thuật số của ngành Khoa học Máy tính.

Cuối cùng thì, có rất nhiều điều các nhà Khoa học Máy tính có thể học hỏi từ ngành Khoa học Thư viện và Thông tin. Nếu gấp rút, họ có thể học được một vài điều trước khi tất cả nhường chỗ cho làn sóng hướng dữ liệu tấn công giới học thuật.

__________

Thu Trang dịch

Nguồn: https://www.forbes.com/sites/kalevleetaru/2019/08/05/computer-science-could-learn-a-lot-from-library-and-information-science/?sh=1624be6c587d