Quan điểm của thư viện công cộng về thị trường mượn sách điện tử

E-mail Print

GIỚI THIỆU VỀ BÁO CÁO

Báo cáo trình bày kết quả của khảo sát quốc gia về phương thức thư viện công cộng của Ôxtrâylia ra quyết định mua sách điện tử. Báo cáo nêu dữ liệu về mục tiêu của thư viện trong việc xây dựng bộ sưu tập sách điện tử, cách quản lý, cân bằng các mục tiêu này với những khó khăn thư viện phải đối mặt; vai trò của giá cả và điều khoản cấp phép do nhà xuất bản đặt ra. Đây là một phần của dự án điều tra các hoạt động pháp lý và xã hội của việc cho mượn sách điện tử (để phân biệt với hoạt động cho mượn sách thực) trong các thư viện công cộng và đánh giá tác động của các cách thức xử lý theo những quy định khác nhau của việc cho mượn điện tử đến khả năng hoàn thành sứ mệnh dịch vụ công của các thư viện. Dự án có sự tham gia hợp tác của các tổ chức thư viện quan trọng trên 5 khu vực pháp lý: Ôxtrâylia, Canađa, Niu Dilân, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Dự án nhằm cung cấp bằng chứng thực nghiệm chi tiết, so sánh về bối cảnh cho mượn điện tử nhằm hỗ trợ xây dựng các cải cách về luật pháp và thực tiễn dựa trên bằng chứng.

GIỚI THIỆU

Các nhà xuất bản hầu như có toàn quyền quyết định điều khoản thư viện truy cập vào các đầu sách của họ để cho mượn điện tử. Xem xét cách làm của một số nhà xuất bản lớn như sau. Harper Collins cấp phép cho nhiều đầu sách điện tử với chỉ 26 lượt mượn, sau đó nếu muốn tiếp tục sử dụng thư viện sẽ phải mua lại. Các thành viên khác của “Big 5” - năm nhà xuất bản thống trị toàn cầu: chuyển sang giấy phép “gỡ bỏ”: các nhà xuất bản sẽ xóa tên sách khỏi bộ sưu tập của thư viện sau 2 năm mua quyền truy cập, ngay cả khi tên sách đó chưa bao giờ được mượn. Trường hợp của Hachette, họ thậm chí còn từ chối cấp phép tất cả mọi đầu sách cho thư viện ở các quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung theo bất kỳ điều khoản nào. Gần đây, Macmillan đã công bố lệnh cấm cho mượn điện tử 2 tháng đối với tất cả các đầu sách mới phát hành. Trong tám tuần đầu tiên kể từ khi phát hành một tên sách, các thư viện chỉ có thể mua một bản sao “quyền truy cập vĩnh viễn” duy nhất. Sau đó các tên sách sẽ chỉ được cung cấp dựa trên giấy phép.

Các thư viện đã phản ứng mạnh mẽ và thất vọng về những thay đổi này. Họ luôn có thể mua và cho mượn sách thực mà không cần sự cho phép của các nhà xuất bản, nhưng việc mua và cho lượn sách điện tử lại được quy định rất khác nhau. Vì việc mua và cho mượn sách điện tử liên quan đến việc tạo bản sao và truyền tải nên việc mua ban đầu và mỗi lần cho mượn tiếp theo đều phải có sự cho phép của chủ bản quyền - thường là các nhà xuất bản. Như chúng ta thấy, các nhà xuất bản đang linh hoạt hóa các điều khoản mới theo mọi cách.

NỘI DUNG

Thư viện giữ vị trí quan trọng trong cộng đồng, cung cấp không gian công cộng phi thương mại có giá trị, thúc đẩy kiến thức kỹ thuật số, cung cấp thông tin công cộng và đang định hình lại vai trò, mục đích xã hội để phù hợp với các hoạt động sáng tạo và thực tiễn mới. Tuy nhiên, việc quản lý và cung cấp quyền truy cập vào các văn bản văn hóa ở nhiều định dạng vật lý khác nhau từ lâu đã trở thành phương thức then chốt để các thư viện thúc đẩy khả năng tiếp cận tri thức và văn hóa, trong đó có việc tạo điều kiện đặc biệt cho người kém thuận lợi nhất về mặt xã hội. Việc cho mượn sách điện tử có tiềm năng lớn để tiếp tục thực hiện sứ mệnh này. Nó có thể giúp tiếp cận những người sử dụng bị tước quyền sử dụng, bao gồm cả người dân nông thôn, người làm việc theo ca và những người bị khuyết tật về thị lực và khả năng vận động. Nó cũng có khả năng giải phóng không gian vật chất quý giá cho các hoạt động khác. Các nhà xuất bản cần bán sách để hỗ trợ các tác giả và kiếm lợi nhuận, họ lo ngại rằng việc mượn sách kỹ thuật số từ thư viện có thể thay thế thói quen mua sách truyền thống. Họ đặt ra các mức giá và điều khoản cấp phép để đạt được mục tiêu tốt nhất cho họ, nhưng các quyết định cấp phép của họ thường không định giá đúng và cấp phép tương xứng với giá trị của các bộ sưu tập cho các thư viện. Thị trường cho mượn điện tử không được dẫn chứng đầy đủ bằng tư liệu và người ta ít chú ý đến việc các thư viện được định vị lại như thế nào bởi các động lực thị trường trong hệ thống sách điện tử. Các hạn chế nghiêm ngặt về tính bảo mật và định dạng dữ liệu không nhất quán trên các nền tảng khiến cho những bên liên quan trên thị trường như nhà xuất bản, bên thu thập thông tin và thư viện đều khó biết được những cuốn sách nào sẵn sàng phục vụ cho mượn điện tử, dành cho đối tượng nào và các điều khoản truy cập vào cuốn sách đó là gì.

Trên thị trường in ấn, thư viện có vị trí quyền lực đáng kể. Họ mua số lượng sách lớn với giá cả ưu đãi từ các nhà cung cấp bán buôn, và các nhà xuất bản không có quyền định giá cho thư viện khác với giá cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thị trường sách điện tử, các thư viện không có quyền mua sách với giá tốt nhất. Các nhà xuất bản có thể cấp giấy phép cho từng tên sách theo các điều khoản khác nhau cho các thư viện. Hơn nữa, họ không giao dịch trực tiếp với các thư viện và các thư viện cũng không thể giao dịch với các nhà bán lẻ thông thường. Để mua các đầu sách phục vụ cho mượn điện tử, thư viện phải ký hợp đồng với các nền tảng tổng hợp. Đây là những trung gian văn hóa đàm phán với các nhà xuất bản để cung cấp sách điện tử cho các thư viện. Nền tảng tổng hợp bán quyền truy cập vào sách điện tử và các sản phẩm khác, chẳng hạn như sách nói thông qua các trang web trực tuyến và cung cấp công cụ để thư viện lựa chọn sách điện tử cho bộ sưu tập của mình. Các thư viện trả phí nền tảng để truy cập vào bộ sưu tập cho bên tổng hợp (thường được tính riêng, nhưng đôi khi cũng được tính chung vào giá thành của từng tên sách), sau đó trả phí cho mỗi tên sách mà thư viện thêm vào bộ sưu tập của mình. Do đó, để tham gia vào hoạt động cho mượn điện tử, các thư viện không phải chỉ mua sách điện tử trên thị trường bán lẻ mà còn cần phải có giấy phép liên tục từ nhà xuất bản (trực tiếp hoặc thông qua nền tảng tổng hợp. Kết quả là, các nhà xuất bản có thể đặt ra một loạt các điều kiện đối với sách điện tử phục vụ cho mượn.

Tính sẵn có và việc sử dụng sách điện tử trong các thư viện đã được nghiên cứu thông qua các cuộc phỏng vấn và khảo sát thủ thư và người sử dụng, họ đã phân tích các vấn đề về tính sẵn có, kinh nghiệm cho mượn điện tử và mức độ tiếp nhận. Các nghiên cứu gần đây cũng đã cung cấp dữ liệu mới về cách các nhà xuất bản cấp giấy phép các loại sách điện tử khác nhau cho các thư viện trên thị trường nước Anh. Tuy nhiên, vẫn chưa có phân tích chi tiết về cách thức cấp phép của nhà xuất bản đang tác động đến quyết định của thư viện về việc bổ sung thêm sách điện tử nào vào bộ sưu tập của họ hoặc các thư viện phải cân bằng nhu cầu đa dạng của cộng đồng trong việc lựa chọn. Đó là khoảng trống mà chúng tôi lấp đầy bằng cuộc khảo sát thư viện trên toàn nước Ôxtrâylia. Phản hồi cho cuộc khảo sát đến từ nhiều đối tượng, từ tập đoàn lớn đến các thư viện công cộng nhỏ. Các phản hồi được báo cáo dưới đây không có sự phân biệt về quy mô của thư viện hoặc số người sử dụng mà thư viện phục vụ.

KẾT QUẢ KHẢO SÁT

Tiếp cận thị trường

1. Chi tiêu trên toàn quốc cho sách điện tử ngày càng tăng

Chi tiêu toàn quốc cho sách điện tử của các thư viện Ôxtrâylia là đáng kể. Một số thư viện không thể tách bạch ngân sách dành cho sách nói điện tử và tạp chí điện tử, vì vậy các số liệu được báo cáo chỉ mang tính tương đối. Số tiền được chi trả trải trên một diện rộng, từ khoản rất nhỏ 1.500 đô la một thư viện nhỏ đóng góp cho thư viện lớn hơn và liên hiệp chi hơn 1 triệu đô la mỗi năm. Tổng chi tiêu hàng năm được báo cáo là khoảng 11.770.000 đô la Ôxtrâylia. Chúng tôi nhấn mạnh rằng con số này ít hơn chi tiêu dành cho mượn điện tử của các thư viện trên toàn quốc, vì chúng tôi không nhận được phản hồi từ tất cả các dịch vụ thư viện công cộng cung cấp sách điện tử. Mặc dù đây là một phần nhỏ của thị trường sách Ôxtrâylia (trị giá 1,18 tỷ đô la vào năm 2018), cho mượn điện tử được xếp hạng là một phân khúc đang phát triển nhanh chóng và chiếm một tỷ lệ đáng kể trong ngân sách của thư viện. Ở những nơi khác trên thế giới có dân số lớn hơn và việc mượn sách điện tử thường xuyên hơn (Hoa Kỳ và Canađa), số tiền còn cao hơn nhiều.

Động lực thị trường

Mục tiêu chính của nghiên cứu này là tìm hiểu cách các thư viện công cộng quyết định có mua sách phục vụ cho mượn điện tử hay không và vai trò của giá cả và các điều khoản cấp phép khác. Kết quả cho thấy rằng việc ra quyết định của thư viện phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu thực tế và dự định của người sử dụng.

Nền tảng

2. Các thư viện quản lý các bộ sưu tập trên nhiều nền tảng

Chúng tôi đã yêu cầu các thư viện xác định nền tảng mà họ sử dụng để cho mượn sách điện tử. Gần 2/3 thư viện sử dụng nhiều hơn một nền tảng, trong đó có 3 thư viện quản lý bộ sưu tập trên 4 nền tảng khác nhau. Số lượng trung bình các nền tảng mà các thư viện đã ký hợp đồng là 2. Trong số 126 phản hồi của các thư viện thì có tổng cộng 12 nền tảng cho mượn điện tử khác nhau đang được các thư viện sử dụng.

Việc sử dụng nhiều nền tảng có quan hệ mật thiết với vấn đề tài chính vì mỗi nền tảng thường tính phí lưu trữ, nên có thể bị cấm, nhất là với những thư viện nhỏ.

Mặc dù các thư viện thường áp dụng nhiều nền tảng để đảm bảo khả năng tiếp cận với nhiều loại sách điện tử nhất, nhưng họ vẫn báo cáo những khó khăn nhất định khi truy cập các tên sách điện tử cụ thể để cho mượn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sách điện tử

3. Nhu cầu mượn sách của công chúng là yếu tố quan trọng nhất đối với các thư viện trong việc quyết định mua sách điện tử

Để tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sách điện tử, chúng tôi đã yêu cầu các thư viện đánh giá trên thang điểm từ 1 - 10, các yếu tố cụ thể bao gồm: giá cả và các loại giấy phép, sự tổ chức sắp xếp bộ sưu tập (ví dụ: có nơi thư viện cho rằng việc lưu trữ theo tên sách là quan trọng vì những lý do độc lập với nhu cầu mượn), “nhu cầu đã biết” (ví dụ: yêu cầu đặt trước của người sử dụng), “nhu cầu dự kiến” (ví dụ: nhu cầu thông báo trước). Lưu ý rằng đây không phải là nhu cầu mua mà là nhu cầu của những khách hàng muốn mượn tài liệu thư viện.

Dữ liệu chứng minh rằng, cho đến nay, các yếu tố nhu cầu là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến quyết định mua sách điện tử để cho mượn của thư viện. Nhu cầu đã biết được đánh giá cao nhất với mức trung bình là 9, nhu cầu dự đoán xếp thứ 2 với mức trung bình là 8. Ít quan trọng hơn một chút là tổ chức sắp xếp bộ sưu tập với mức trung bình là 5, giá cả ở mức trung bình 6, các loại giấy phép nằm ở mức 7. Nói cách khác, các thư viện coi nhu cầu mượn của người sử dụng là yếu tố quan trọng nhất, hơn cả các điều khoản, giá cả, giấy phép liên quan và sứ mệnh quản lý của thư viện.

Chúng tôi cũng đã yêu cầu các thư viện giải thích về tầm quan trọng của giá cả và loại giấy phép trong việc quyết định có mua một tên sách điện tử hay không. Tất nhiên, hai yếu tố này luôn gắn liền với nhau - một giấy phép ít lợi thế hơn vẫn có thể hấp dẫn nếu ở mức giá phù hợp. Các thư viện đã nhận ra điều này và họ giải thích rằng: “Yếu tố chính thúc đẩy việc mua sách điện tử của chúng tôi là nhu cầu/ mức sử dụng. Cá nhân tôi không phản đối các giấy phép hạn chế về thời gian, miễn là chúng được định giá phù hợp. Chúng tôi sẽ phải trả 25 đô la cho một bản sao thực của một sách điện tử trong danh mục sách bán chạy nhưng chúng tôi sẽ nhận được 50 lượt đăng ký mượn”.

Hầu hết các thư viện báo cáo rằng giá cả và loại giấy phép đều chỉ quan trọng ở mức độ vừa phải trong việc quyết định có mua một tên sách điện tử hay không. Điều thú vị là nhiều thư viện nhận thấy giấy phép là yếu tố quan trọng hơn giá cả (36% so với 25,4%).

Nhu cầu

4. Giá cả ít quan trọng hơn nhu cầu của người sử dụng

Để tìm hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của nhu cầu đối với việc ra quyết định của thư viện, chúng tôi đã hỏi các thư viện liệu họ có mua các tên sách có nhu cầu cao với bất kể giá nào không và giải thích việc họ ra quyết định. Chúng tôi đã chia 109 câu trả lời thành 4 loại: “không”, “điều đó còn phụ thuộc” (người trả lời liệt kê các điều kiện hoặc yếu tố mà họ sẽ tính đến khi đưa ra quyết định), “có” và “không áp dụng”. Những phản hồi này một lần nữa nhấn mạnh nhu cầu của người sử dụng là yếu tố mạnh mẽ thúc đẩy việc mua sách điện tử của các thư viện. Chỉ 13% cho biết họ sẽ từ chối mua những tên sách có giá không hấp dẫn nhưng người sử dụng có nhu cầu mượn cao; 38% thư viện được hỏi trả lời đơn giản rằng họ sẽ mua những tên sách có nhu cầu cao bất kể giá nào; 47% thư viện cho rằng họ sẽ làm như vậy khi đã cân nhắc những ảnh hưởng khác sẽ tác động đến quá trình ra quyết định. Nhưng sau đó, những phản hồi này lại cho rằng nhiều thư viện có xu hướng mua các tên sách có nhu cầu cao, ngay cả khi giá cả khiến họ miễn cưỡng phải mua sau khi xem xét các yếu tố, chẳng hạn như ngân sách hiện có hoặc liệu đầu sách đó có thể có sẵn ở nơi khác hay không.

99 trong số 124 thư viện (chiếm 80%) có chính sách mua thêm các bản sao sách điện tử khi có một số lượng lưu giữ nhất định trong kho tài liệu, điều này cung cấp thêm bằng chứng cho sự đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. 51 thư viện xác định con số tài liệu lưu trữ sẽ tiến thành mua thêm 1 bản sao điện tử. Mức thấp nhất là 2 lần, mức cao nhất là 10 lần (mức trung bình là 4,5 và mức ở giữa là 4).

Giá cả

5. Thư viện có ít chiến lược theo dõi giá cả

Các câu trả lời khảo sát cho thấy các thư viện (không muốn) trả giá cao. Một thư viện khi được hỏi liệu có trả mức giá không hấp dẫn cho một tên sách mà người sử dụng có nhu cầu cao hay không? “Có. Vì không có lựa chọn nào khác?” Một chủ đề lặp đi lặp lại liên quan đến việc định giá các cuốn sách nằm trong bộ sách. Một thư viện đã giải thích về vấn đề này như sau: “Yêu cầu của khách hàng thường dành cho các tên sách nằm trong bộ sách, vì vậy tôi sẽ đánh giá toàn bộ giá trị của bộ sách Tôi nhận thấy có rất nhiều trường hợp tập cuối cùng trong bộ sách sẽ bị nâng giá lên rất nhiều”.

Thư viện cũng đưa ra một số chiến lược của họ để quản lý việc mua các tên sách có giá cao, nhưng những chiến lược này còn gặp nhiều hạn chế. Ví dụ, một chiến lược thay thế các tên sách ít tiền hơn bằng các tên sách tương đương đắt tiền hơn. Tuy nhiên, đây được xác định là một lựa chọn chỉ dành cho các tên sách phi hư cấu (trong đó một cuốn sách về một chủ đề có thể được thay thế bằng một cuốn sách khác có cùng chủ đề). Các thư viện khác tiến hành đặt giới hạn trần cho mức mà sẵn sàng chi trả.

Trong trường hợp không có lựa chọn thay thế, các thư viện có một số cách để quản lý việc mua các tên sách có giá cao trong phạm vi ngân sách; dù không có phương án nào là hoàn hảo cả. Một trong số đó là giảm số lượng bản sao và các thư viện cho biết họ bắt buộc phải làm như vậy. Họ lý giải: “Chúng tôi không đủ khả năng mua nhiều bản sao của cùng một tên sách như mong muốn để đáp ứng nhu cầu vì giá sách điện tử tăng cao và có giới hạn số lần mượn” (ví dụ chỉ mua 1 bản sao cho mỗi 3 yêu cầu thu thập tài liệu thực). Mặc dù việc đáp ứng nhu cầu người sử dụng là ưu tiên hàng đầu, nhưng các thư viện không phải lúc nào cũng có thể làm như vậy. “Chúng tôi dù có thể dễ dàng tăng gấp đôi ngân sách nhưng vẫn sẽ không thể đáp ứng được đủ tất cả các yêu cầu mượn cũng như các đề xuất sách cần mua”. Do đó, các thư viện nhận thấy rằng họ không có nghĩa vụ phải tuân theo mức giá cao hoặc thậm chí là không hợp lý của một số tên sách, điều đó đồng nghĩa với việc họ từ bỏ việc mua tên sách đó hoặc là mua một tên sách khác phù hợp hơn.

Một chiến thuật khác để giảm chi phí nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng mà không cần phải tăng số lượng mua bản sao đã được áp dụng. Có một số thư viện đã thừa nhận mua các tên sách điện tử đắt tiền khi cần thiết, nhưng họ không cho hiển thị tên sách lên trên “màn hình chính” của mục lục. Bằng cách đó, họ hy vọng sẽ tránh được tình trạng chiếm giữ sách lâu của người sử dụng và giảm được chi phí bổ sung sách do những độc giả chỉ tình cờ thấy và đọc chứ không phải đang tích cực tìm kiếm những tên sách đó.

Chúng tôi đã đặt câu hỏi liệu các thư viện có theo dõi giá mỗi lần cho mượn bằng cách chia giá mua quyền truy cập một tên sách cho số lần giới hạn mượn của giấy phép hay số lần cho mượn đạt được trong thực tế của một đầu sách hay không. Kết quả chúng tôi thấy rằng các thư viện đã không theo dõi điều này một cách chặt chẽ.

2021-03-02-nc-01

Mức độ các thư viện theo dõi giá các lần mượn sách điện tử (124 thư viện)

Thật thú vị khi quan sát thấy các thư viện theo dõi số lượng sách lưu giữ chặt chẽ hơn nhiều so với số lượng sách lưu thông. Các thư viện đã báo cáo riêng về việc không thể theo dõi số lượng lưu thông cho sách điện tử như có thể làm với các bộ sưu tập sách in. Từ quan điểm của người tổng hợp, điều này mang một ý nghĩa nhất định. Họ quan tâm đến việc khiến cho công tác theo dõi tài liệu lưu giữ trở nên dễ dàng (vì nó thúc đẩy việc luân chuyển của tài liệu được thuận lợi hơn). Tuy nhiên, việc cho phép các thư viện thấy được những gì xảy ra với các tên sách sau khi mua có vẻ mang lại ít thuận lợi hơn - vì xét đến cùng, lượng lưu thông thấp đối với một số tên sách nhất định có thể khiến các thư viện không mua những cuốn sách tương tự.

Chúng tôi cũng đã hỏi liệu các thư viện có cố gắng đưa ra một mức giá tiêu chuẩn cho mỗi lần mượn sách không? Trong số 123 câu trả lời, không có thư viện ở Ôxtrâylia nào đưa ra được mức giá tiêu chuẩn cho mỗi lần mượn sách. 15% (19 thư viện) có đưa ra “mức giá tiêu chuẩn cho mỗi lần mượn” nhưng thường không đạt được như mong muốn, một số khác thì trả lời xác định rằng “giá mỗi lần mượn” của họ là 01 đô la.

2021-03-02-nc-02

Tại sao các thư viện không theo dõi giá mỗi lần mượn?

Dữ liệu khảo sát cho thấy các thư viện có khả năng chi trả mức giá cao cho những đầu sách có nhu cầu đã biết hoặc đã được dự đoán trước. Tuy nhiên, khi không có bằng chứng cụ thể về nhu cầu đó thì các thư viện cũng không mua các tên sách có giá thành cao và giấy phép không hấp dẫn ngay cả khi chúng có lợi cho bộ sưu tập của họ. Điều này ám chỉ chi phí văn hóa của việc các nhà xuất bản định giá và cấp phép sách điện tử theo những cách khác biệt với giá trị của chúng đối với các thư viện. Tuy nhiên việc này có khả năng gây tốn kém cho các tác giả, đặc biệt là các nhà văn mới và ở tầm trung do sách của họ có thể không được lưu trữ trong thư viện và vì thế bỏ lỡ khả năng được thư viện giới thiệu cho người sử dụng. Việc sử dụng giấy phép “gỡ bỏ” (được giới thiệu ở phần sau của bài viết) khiến các thư viện dễ rơi vào các rủi ro khi bổ sung các tên sách như vậy cho bộ sưu tập của mình.

Điều khoản cấp phép

6. Thư viện mong muốn có nhiều loại giấy phép và mức giá

Không giống như sách in được các thư viện mua hoàn toàn, sách điện tử được cung cấp cho các thư viện theo giấy phép.

Các loại giấy phép phổ biến nhất là: “một bản sao, một người dùng”, “26 lần mượn”,”36 lần mượn hoặc thời hạn 2 năm tùy điều kiện nào đến trước”. Giấy phép “một bản sao, một người dùng - OC/OU” cho phép các thư viện cho một người sử dụng mượn sách tại một thời điểm miễn là nền tảng có quyền truy cập vào tên sách (tức là việc mượn đồng thời sẽ bị cấm). Một số giấy phép - được gọi là “truy cập được đo đếm” viết tắt là MA “đo đếm” việc mượn sách, mỗi tên sách sẽ được gán sẵn một số lượt mượn được phép và/hoặc thời hạn cụ thể (mặc dù hai điều kiện này là không đồng thời), và sẽ hết hạn khi đạt đến một trong hai giới hạn. Giấy phép “gỡ bỏ” sẽ hết hạn vào cuối một giới hạn nào đó (ví dụ thời hạn 2 năm) ngay cả khi chưa từng có người sử dụng mượn tài liệu đó.

Các thư viện đã xếp điều khoản cấp phép là một yếu tố quan trọng trong việc ra quyết định mua sách, còn cao hơn cả yếu tố giá cả (mặc dù ít hơn so với nhu cầu thực tế và dự kiến). Để xem xét tác động của các loại giấy phép tới việc mua sách ở các thư viện, chúng tôi đã yêu cầu các thư viện trực tiếp đánh giá tầm quan trọng của loại giấy phép trong việc quyết định xem có nên mua các tên sách điện tử riêng lẻ hay không.

Trong số 120 câu trả lời, 82 câu trả lời đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý, điều quan trọng là các nhà xuất bản phải cung cấp nhiều hơn nữa các loại giấy phép và mức giá cho các tên sách, để các thư viện có thể lựa chọn loại phù hợp nhất với nhu cầu hiện tại của người sử dụng, cũng như ngân sách của thư viện.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây của chúng tôi đã phát hiện ra rằng, các thư viện hiếm khi được cung cấp các tùy chọn như vây. Trong cuộc khảo sát, các thư viện nói rằng điều này làm hạn chế khả năng mua được loại giấy phép phù hợp với nhu cầu của họ.

“Các mô hình cấp phép thống nhất có thể là nguyên nhân dẫn đến một bộ sưu tập không chuyên sâu chỉ được luân chuyển trong ngắn hạn hơn là dài hạn và có thể không được mượn trong cả khoảng thời gian được cấp phép”.

Có một số điều khoản cấp phép có khả năng “phá vỡ thoả thuận”, bao gồm thời hạn 1 năm, giá cao hơn một con số nhất định và một số thông lệ của được các nhà xuất bản tính theo “gói”. Tính năng gói này yêu cầu các thư viện phải mua, ví dụ: 500 hoặc 1.000 tên sách từ một nhà xuất bản để có quyền truy cập vào bất kỳ một tên sách nào. 92 trong số 114 thư viện (chiếm 80%) cho biết họ sẽ không mua hoặc ít khả năng sẽ mua các tên sách bị ép buộc mua theo gói như vậy. Macmillan là nhà xuất bản đầu tiên trong lịch sử đã sử dụng cách làm này và đã bị các thư viện lên án rộng rãi. Gần đây một số công ty đã loại bỏ phương thức này, mặc dù theo báo cáo vẫn còn một số khác vẫn còn tiếp tục triển khai. Điều này phù hợp với nghiên cứu trước đây của chúng tôi, rằng các nhà xuất bản thường không ảnh hưởng đến việc cung cấp các điều khoản giống nhau trên các nền tảng.

Chiến lược thư viện: Chia sẻ rủi ro. Các thư viện đang liên kết để tạo ra các nhóm lớn nhằm quản lý rủi ro khi có nhiều giấy phép được chuyển sang quyền truy cập được đo đếm. Tuy nhiên, chiến lược này có thể bị phá vỡ bởi những thay đổi trong cơ chế cấp phép. Ví dụ, Macmillan gần đây đã đưa ra quy định chỉ cho phép một giấy phép OC/OU trên mỗi tên sách cho toàn bộ sưu tập.

Giấy phép theo lượt cho mượn

7. Trả tiền theo lượt cho mượn đang hấp dẫn các thư viện vì nó cho phép họ đáp ứng nhu cầu được tốt hơn

Một mô hình cấp phép mới nổi đang được các nhà xuất bản sử dụng, theo đó các thư viện chỉ trả tiền cho sách điện tử khi chúng được cho mượn, thay vì các thư viện mua trước một giấy phép cho mỗi tên sách hay là một giấy phép cho phép họ cho mượn 26 lần hoặc thời hạn 2 năm cho mỗi một giấy phép. Mô hình trả tiền theo lượt cho mượn có tiềm năng cho phép các thư viện, nhà xuất bản và tác giả phân bố rủi ro tốt hơn (đối với sách chưa được đọc) và tạo lợi nhuận (với các tên sách phổ biến).

Mô hình cấp phép mới này rõ ràng đã mang lại lợi ích tiềm năng. Điều quan trọng nhất là có thể cung cấp nhiều bản sao hơn hoặc cho phép cho mượn đồng thời, như vậy nhu cầu mượn được đáp ứng nhanh hơn, danh sách chờ mượn giảm. Mô hình này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thư viện trong việc quản lý bộ sưu tập theo thời gian: các tên sách có thể được cung cấp nhiều hơn khi có nhu cầu lớn nhất và giảm xuống khi “xu hướng đọc đã thay đổi”.

Điều này cũng có thể cho phép thư viện lưu giữ nhiều tên sách “rủi ro” hơn do nhu cầu mượn không chắc chắn, các thiệt hại do quyết định mua sách không hiệu quả sẽ được giảm bớt và thư viện có thể mua “các tác phẩm ít phổ biến hơn” và “các tên sách kinh điển” nhiều hơn; sẽ không có sách chết (sách được trả tiền nhưng không bao giờ được mượn). Thư viện có thể phục vụ tốt hơn các cộng đồng có số lượng dân nhỏ (ví dụ: thư viện nông thôn) và các nhóm dân cư nhỏ hơn (ví dụ các nhóm có ngôn ngữ riêng) nơi có số lượt mượn thấp hơn số giấy phép tiêu chuẩn cấp; điều này cho phép nhiều thư viện có “bộ sưu tập lớn phục vụ nhiều đối tượng người sử dụng”. Một số thư viện cho rằng việc cấp phép theo lượt cho mượn có thể tạo ra các bộ sưu tập mang tính “hướng đến người sử dụng” nhiều hơn.

“Người sử dụng sẽ có thể mượn những gì họ muốn thay vì những gì chúng tôi nghĩ là họ muốn, do đó nhu cầu mượn được đáp ứng tốt hơn”.

Tuy nhiên, giá “theo lượt cho mượn” đối với các tên sách như vậy trong giai đoạn cấp phép thử nghiệm này có xu hướng cao, làm giảm sức hấp dẫn đối với các thư viện.

8. Các thư viện lo ngại rằng giá giấy phép theo lượt cho mượn có thể khiến ngân sách cạn kiệt và tạo ra các bộ sưu tập không chuyên sâu

Các thư viện lo sợ rằng cuối cùng họ có thể phải trả nhiều tiền cho một tên sách phổ biến, hoặc phần lớn tiền được chi ra chỉ để phục vụ cho một người sử dụng, một thể loại duy nhất hoặc các tên sách gần giống nhau. Và có những lo ngại rằng nếu không có sự giám sát chặt chẽ thì bộ sưu tập sẽ không được quản lý chặt chẽ hoặc không có sự cân đối.

“Do nhu cầu thúc đẩy, các bộ sưu tập thư viện có thể trở nên bị thu hẹp về chiều sâu và dần lệ thuộc vào xu hướng đọc và đam mê của nhóm người sử dụng thư viện cụ thể.”

Mô hình “theo lượt cho mượn” có thể khiến các thư viện phải hạn chế quyền truy cập vào các bộ sưu tập hoặc là có nguy cơ thổi bay ngân sách của họ.

“Khi giới hạn ngân sách bị vượt quá thì các yêu cầu mượn sẽ bị hạn chế (ví dụ: tương tự như phát trực tuyến Kanopy - một nền tảng phim được cung cấp thông qua thư viện và thư viện phải trả phí cho mỗi lượt xem của người sử dụng). Hệ quả là số lần mượn của người sử dụng bị hạn chế và họ trở nên thất vọng”.

Do đó, một mặt các thư viện rất muốn lựa chọn cấp phép theo lượt cho mượn, nhưng những phản ứng khác của thư viện lại cho thấy rằng cần áp dụng các công cụ và quy trình quản lý mới một cách rộng rãi hơn thì mới có thể thành công.

Thư viện muốn thấy những thay đổi nào?

9. Cấp phép sử dụng đồng thời là thay đổi lớn nhất mà các thư viện mong muốn

Chúng tôi nhận được tổng số 115 đề xuất từ 106 thư viện và đã mã hóa theo chủ đề. Cấp phép sử dụng đồng thời là mong muốn lớn nhất từ các thư viện (23 thư viện), tiếp theo là các điều khoản cấp phép tốt hơn (21 thư viện) và giá cả tốt hơn (20 thư viện).

Liên quan đến giá cả, 5 thư viện đã nêu các quan ngại về phí nền tảng, các thư viện cần có quyền truy cập vào nhiều nền tảng để đáp ứng nhu cầu vì không phải nền tảng nào cũng có tất cả các tên sách. Tám thư viện muốn có sự nhất quán của các điều khoản cấp phép và giá cả trên các nền tảng. Ba thư viện muốn minh bạch hơn vể giá cả và điều kiện cấp phép.

Nghiên cứu chỉ ra rằng các tên sách không có sẵn sự đồng nhất và cũng không thể truy cập được trên các nền tảng, các nhà xuất bản đã có ý định đặt các điều khoản nhất quán nhưng lại không đưa ra các điều khoản mới kịp thời, điều này dẫn đến những cuốn sách giống nhau có thể có các mức giá và điểu khoản cấp phép khác nhau trên các nền tảng khác nhau.

NHIỆM VỤ LỚN HƠN CỦA CÁC THƯ VIỆN

Quản lý nội dung

10. Các mô hình cấp phép và định giá đang có tác động tiêu cực đến chiều rộng và chiều sâu của các bộ sưu tập thư viện

Báo cáo này tập trung vào tầm quan trọng của nhu cầu từ cộng đồng thư viện, nhưng có một phần quan trọng khác của việc phát triển bộ sưu tập - quản lý nội dung. Những người tham gia khảo sát cho chúng ta biết rằng các mô hình cấp phép và định giá - đặc biệt là các giấy phép “gỡ bỏ” đang có tác động tiêu cực đến khả năng của các thư viện trong việc lưu trữ các tác phẩm trên “giá” sách điện tử của họ.

Để hiểu được tầm quan trọng mà các thư viện đặt ra đối với vấn đề này, chúng tôi đã hỏi các thư viện về tầm quan trọng đối với việc duy trì quyền truy cập vĩnh viễn (tức là thông qua giấy phép “1 bản sao - 1 người dùng” trên các tên sách thuộc các loại khác nhau.

Những số liệu này cho thấy việc phát triển bộ sưu tập và duy trì quyền truy cập đều quan trọng đối với các thư viện. Các thư viện không nghĩ rằng vai trò của họ chỉ là cung cấp quyền truy cập vào các tên sách mới nhất.

2021-03-02-nc-03

76 thư viện (63%) coi việc duy trì quyền truy cập vĩnh viễn vào sách mới bán chạy của Ôxtrâylia là quan trọng.
70 thư viện (58%) muốn duy trì quyền truy cập với các sách cũ bán chạy ở Ôxtrâylia.
63 thư viện (53%) duy trì quyền truy cập cho người tìm đọc sách văn học mới.
63 thư viện (53%) cho rằng tên sách mới bán chạy nhất thế giới là điều họ quan tâm để duy trì quyền truy cập.
56 thư viện (47%) chọn các sách đoạt giải văn học cũ là những sách mà họ muốn duy trì.
48 thư viện (40%) chọn sách cũ bán chạy nhất thế giới là mảng quan trọng cần duy trì truy cập.
N = 120

Các thư viện coi trọng loại sách nào để duy trì quyền truy cập vĩnh viễn?

Nhưng điều này chỉ chiếm vị trí thứ yếu so với những cân nhắc khác của thư viện như nhu cầu tức thời và những hạn chế về ngân sách. Một điều đáng chú ý nữa là khi nói đến quyền truy cập vĩnh viễn, các thư viện có xu hướng quan tâm đến các sách cũ bán chạy của Ôxtrâylia nhiều hơn các sách mới bán chạy nhất thế giới.

Trong nghiên cứu trước chúng tôi đã chứng minh rằng các nhà xuất bản định giá và cấp phép cho các tên sách cũ theo các điều khoản giống như các tên sách mới nhất, cũng như sử dụng tương tự các giấy phép “gỡ bỏ”. Những phản hồi này từ các thư viện xác nhận rằng các quyết định cấp phép đó có thể khiến các thư viện giảm mua các tên sách cũ. Điều này làm giảm tính sẵn có của các tác phẩm văn học di sản và cũng có khả năng gây tổn hại đến lợi ích của tác giả khi sách của họ mất đi cơ hội được xuất hiện trong các thư viện.

Cộng đồng ngôn ngữ

11. Sách điện tử có tiềm năng cho phép các thư viện mở rộng bộ sưu tập để phục vụ nhiều nhóm ngôn ngữ, tuy nhiên hiện tại có rất ít thư viện đang làm được như vậy.

Khi được hỏi có bao nhiêu tên sách điện tử bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, trong số 125 thư viện trả lời thì có đến 85 thư viện (68%) cho biết họ không có một tên sách nào bằng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh và 31 thư viện (25%) cho biết họ có một số lượng vừa phải.

Đối với các thư viện có tên sách điện tử bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh thì chủ yếu là sách bằng tiếng Trung, tiếp theo là tiếng Ả Rập, tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Hindi/ Ấn Độ, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý. 04 thư viện được hỏi trả lời trước đây họ đã từng thử nghiệm sách điện tử bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh nhưng chúng không được lưu thông thành công. Hai thư viện cho biết họ đã sử dụng mô hình “trả tiền theo lượt cho mượn” cho các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Một thư viện đã báo cáo rằng tính khả dụng là trở ngại lớn nhất - họ muốn phát triển một bộ sưu tập đa ngôn ngữ nhưng không thể: không có nhiều ngôn ngữ của cộng đồng dân tộc địa phương, ví dụ tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Campuchia. Một báo cáo khác lại cho biết rằng tình trạng sẵn có là một vấn đề và họ có thể giữ sách điện tử bằng tiếng Trung vì họ có một nhân viên có thể hỗ trợ. Điều này nhấn mạnh tính khả dụng và chuyên môn là những thách thức đối với việc quản lý nội dung không phải bằng tiếng Anh. Trong số những người được hỏi cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nội dung phù hợp bằng các ngôn ngữ khác. Kết quả? Các thư viện không thể tải sách điện tử bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh và khi họ có thể nhận được thì không ai có nhu cầu mượn chúng. Điều này dẫn đến một chu kỳ: sách không có sẵn để lựa chọn cho vào bộ sưu tập, do đó chúng không được lưu thông và vì chúng không được lưu thông nên ít được đầu tư để bổ sung thêm nhiều sách hơn.

Chính sách xã hội và độc quyền công nghệ

12. Những thách thức đối với các thư viện trong quá trình phục vụ cộng đồng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa và nhóm dân cư dễ bị tổn thương

Thách thức chính đối với các thư viện khi tiến hành cho mượn điện tử cũng là những điều các nhà nghiên cứu mong đợi từ nghiên cứu trước đó: kiến thức kỹ thuật số, những khó khăn phải ứng phó với nhiều ứng dụng, nhiều tài khoản và mật khẩu.

Khoảng cách kỹ thuật số vẫn là một vấn đề thực sự lớn trong cộng đồng của chúng ta, với một số lượng lớn các thành viên trong cộng đồng không có quyền truy cập vào mạng hoặc công nghệ số tại nhà hoặc sử dụng điện thoại thông minh cho các nhu cầu trực tuyến của họ. Những thách thức này đặc biệt rõ rệt đối với các dịch vụ ở nông thôn và vùng sâu vùng xa, nơi không phải ai cũng có khả năng tiếp cận các dịch vụ Internet một cách hợp lý. Đặc biệt là vùng sâu vùng xa có các điểm đen, nơi không được phủ sóng Internet.

Nhiều thư viện tham gia vào các hoạt động tiếp cận cộng đồng nhằm đưa sách điện tử vào những vùng chưa được phục vụ. Các thư viện đã đưa ra các hoạt động bao gồm: quảng bá tại các sự kiện cộng đồng và hội đồng, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo. Nhiều thư viện đã đề cập đến việc đưa các dịch vụ trực tiếp vào cộng đồng như vào viện dưỡng lão, dịch vụ thư viện gia đình và thậm chí dịch vụ thư viện tạm thời tại các không gian công cộng như ga xe lửa. Tuy nhiên, một số câu trả lời cho thấy nhiều hoạt động và các biện pháp tiếp cận cộng đồng của họ đã không thành công.

Các vấn đề với thị trường định hướng theo nhu cầu

Đối với các thư viện, việc quyết định mua sách điện tử nào để cho mượn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chính sách công và thể chế (chằng hạn như chuyển sách đến những người không được phục vụ). Kết quả khảo sát cho thấy những cân nhắc phi thị trường như vậy có thể gây khó khăn cho các thư viện đang tìm cách thực hiện sứ mệnh của mình trong thị trường tự chọn.

Như cuộc khảo sát này đã xác nhận, các thư viện được thúc đẩy mạnh mẽ để có thể cung cấp quyền truy cập vào nhiều tên sách nhất mà người sử dụng yêu cầu, để làm được điều đó các thư viện cần đăng ký vào nhiều nền tảng và các trang tổng hợp. Nhưng điều này đòi hỏi phải kết hợp nhiều nhà cung cấp và trả phí nền tảng riêng cho mỗi nhà cung cấp. Hệ quả mà một thư viện đã nói: ngân sách để tải các tên sách điện tử của họ tăng từ 50.000 đô la/ năm trong những năm 2011/2012 lên 310.000 đô la/ năm trong những năm 2018/2019 do nhu cầu của người sử dụng, hiện chúng tôi phải trả tiền hỗ trợ cho 4 nền tảng từ các nhà cung cấp khác nhau.Trả phí cho nhiều nền tảng và chi phí bảo trì cao hơn sẽ tiêu hao nguồn tài nguyên có thể được sử dụng để mua sách. Nó cũng làm hạn chế khả năng của các thư viện trong việc phục vụ các nhu cầu khác của cộng đồng. Giảm phí nền tảng và bảo trì giúp các thư viện có nguồn lực tốt để quan tâm hơn đến việc mua nhiều nội dung sách đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Do đó, việc kiểm soát có hiệu quả các nền tảng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành xuất bản của Ôxtrâylia.

Mong muốn của các thư viện trong việc phân phối sách càng rộng càng tốt dẫn đến việc họ phải cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho một lượng lớn người sử dụng. Vì vậy, tạo gánh nặng cho nhân viên thư viện, họ phải hiểu mọi thiết bị đọc sách điện tử, mọi phiên bản, thương hiệu và cách mà nó liên quan đến một số nền tảng sách điện tử khác nhau. Điều này dẫn đến nhiều sự phức tạp, tốn nhiều thời gian để khắc phục sự cố, đặc biệt là với những người sử dụng đã quen với công nghệ cũ, lỗi thời.

“Việc cập nhật liên tục các ứng dụng và hệ thống truy cập vào nội dung kỹ thuật số có thể gây phiền hà và là rào cản. Người sử dụng có thiết bị cũ đột nhiên không thể truy cập vào các nền tảng do không tương thích với hệ thống. Đặt công nghệ giữa người sử dụng và những thứ họ muốn đọc sẽ không bao giờ tạo ra trải nghiệm tốt nhất. Đây là thách thức đối với nhân viên thư viện khi muốn tạo điều kiện cho người sử dụng mượn sách.”

Việc lựa chọn là một cân nhắc phi thị trường quan trọng đối với các thư viện. Tuy nhiên, một lần nữa, các thư viện chỉ ra rằng điều này đang bị xâm phạm bởi sự thay đổi của các giấy phép có thời hạn hoặc giấy phép gỡ bỏ. Phần lớn các sách đều có sẵn để mua trong mô hình cho mượn có tính toán. Hiện không có nhà xuất bản nào trong Big For cung cấp bất kỳ giao dịch nào cho phép các thư viện cho mượn dưới dạng OC/OU vĩnh viễn. Điều này ảnh hưởng đến chi phí duy trì lâu dài các bộ sưu tập. Nếu các thư viện muốn duy trì quyền truy cập liên tục vào những cuốn sách quan trọng, họ phải trả phí 2 năm một lần, ngay cả khi chúng ít được lưu hành.

“Mô hình cấp phép trong đó các tên sách cần được gia hạn dẫn đến ngân sách bị hạn chế để mua các tên sách khác”.

Kết luận

Kết quả báo cáo của chúng tôi chỉ ra rằng, các thư viện Ôxtrâylia cam kết thực hiện việc cho mượn điện tử để phục vụ người sử dụng một cách tốt hơn, nhưng cũng thừa nhận rằng thực tế thư viện đang gặp phải nhiều thách thức trong hoạt động cho mượn sách điện tử. Phát hiện nổi bật nhất của nghiên cứu là quyết định mua sách điện tử của các thư viện được thúc đẩy mạnh mẽ nhất bởi nhu cầu từ phía người sử dụng. Các điều khoản cấp phép và giá gắn với nội dung có nhu cầu thấp hơn. Những thỏa thuận cho mượn điện tử hiện tại cũng làm cho các thư viện hoạt động kém hiệu quả, do buộc họ phải áp dụng nhiều nền tảng và mua giấy phép “gỡ bỏ” cho những tài liệu để có thể không lưu thông. Dựa trên nghiên cứu này, chúng tôi nghĩ rằng có nhiều khả năng hệ thống cấp phép cho sách điện tử có thể thay đổi để phục vụ tốt hơn, đầy đủ hơn các lợi ích quan trọng, trong đó có quyền lợi của các thư viện, người sử dụng, tác giả và nhà xuất bản.

_________________

Hiền Thu lược dịch

Nguồn: http://elendingproject.org/report.pdf?fbclid=IwAR112-DpN_flzcbx9Ie5VYdzDqd1fzho6VQe7tDRLQe21lkqEeH6_IxLJps