RFID đang làm cho các thư viện trở nên thông minh hơn như thế nào

E-mail Print

Ngành thư viện sử dụng RFID (Radio Frequency Identification - Nhận dạng tần số sóng vô tuyến) để tổ chức hiện đại hóa và nâng cấp trải nghiệm của bạn đọc. Việc quản lý tài liệu của thư viện một cách thủ công có thể thiếu chính xác và mất nhiều thời gian nhưng áp dụng RFID có thể tự động hoá một phần hoặc toàn bộ quá trình này. Bằng việc gắn thẻ cho các cuốn sách và các tài sản cần phải trả lại của thư viện, RFID có thể giúp giám sát và kiểm tra chúng một cách có hiệu quả. RFID cũng đang được sử dụng một cách sáng tạo để tạo ra chức năng phụ trợ giúp thư viện có thể trở nên thông minh.

RFID được sử dụng như thế nào trong các thư viện?

RFID được sử dụng để cải tiến các chức năng của thư viện. RFID bắt đầu trở nên phổ biến từ năm 2000 khi mà các nước trên thế giới công bố rằng họ sẽ tích hợp công nghệ RFID vào trong hệ thống thư viện của họ. Ngày nay RFID đã được sử dụng phổ biến trong các thư viện trên toàn thế giới.

Hệ thống thư viện sử dụng RFID có thể được thiết lập bằng cách sử dụng các phân hệ khác nhau của RFID, công nghệ đang sử dụng thường xuyên nhất là HF (cao tần), NFC (thông tin khoảng cách gần) và UHF (siêu cao tần). Dưới đây là một số điểm khác biệt của các loại công nghệ RFID này.

- HF: có thể đọc các thẻ ở khoảng cách tầm 3 feet (tương đương gần 1 mét) và thường được sử dụng trong thư viện, bán vé và thanh toán. Hệ thống HF RFID có thể đọc nhiều thẻ cùng một lúc. Ngoài ra, tần số này hoạt động tốt khi kiểm soát các vật có chứa nước và kim loại.

- NFC: Một tập hợp con của HF, NFC truyền và nhận dữ liệu chỉ trong khoảng cách vài cm. Vì vậy nó phù hợp nhất cho việc đọc ở khoảng cách gần. Có thể dùng điện thoại thông minh để đọc. NFC lý tưởng cho những nơi bắt đầu sử dụng công nghệ RFID hoặc hệ thống quy mô nhỏ.

- UHF: còn được gọi là Rain RFID, có thể đọc trong khoảng cách xa hơn từ 10 đến 30 feet (tương đương khoảng từ 3,5 đến gần 10 mét) , nên được áp dụng nhiều trong các ngành công nghiệp bán lẻ, y tế, giao thông vận tải và sản xuất. Tuy nhiên, do khoảng cách sóng của UHF ngắn hơn nên dễ bị ảnh hưởng bởi kim loại và nước.

Bằng cách sử dụng công nghệ RFID để thiết lập các hệ thống thông minh, các thư viện có thể dễ dàng định vị và kiểm soát tài sản của mình.

1. Hệ thống thư viện áp dụng công nghệ RFID cơ bản - Các thư viện vùng Handley

Hệ thống thư viện vùng Handley ở Virginia đang sử dụng RFID theo cách này. Thay vì quét từng quyển sách riêng lẻ thì bạn đọc có thể đặt cả chồng sách lên máy đọc và quét một lần. Công nghệ RFID cũng đang được sử dụng trong các thư viện này để giúp cho người làm thư viện sắp xếp lại những quyển sách được trả lại. Khi sách đi qua cổng trả sách, chúng sẽ được xác định thể loại hoặc vị trí. Sau đó, những cuốn sách này được đặt trên băng chuyền để đưa về các thùng chứa có các cuốn sách tương tự.

Trong khi phần lớn các thư viện sử dụng công nghệ RFID giống nhau thì vẫn có những thư viện tích hợp công nghệ này một cách đặc biệt hơn. Dưới đây là các thư viện đang sử dụng công nghệ RFID theo những cách sáng tạo:

2. Các giá sách thông minh sử dụng công nghệ RFID - Quebec

Các thư viện công cộng ở Quebec đang sử dụng các giá sách có hỗ trợ công nghệ RFID để tự động hoá việc trả sách và tăng cường việc quay vòng sách. Việc thiết lập này nhằm giảm thời gian dành cho những cuốn sách được quay vòng trước khi cho mượn lại lần nữa. Hiện tại những cuốn sách được trả lại có thể đặt lên giá sách thông minh gần nhất. Những cuốn sách này được tự động đăng nhập vào hệ thống máy tính của thư viện để có thể cho mượn lại ngay lập tức. Khi giá bị đầy, người làm thư viện sẽ sắp xếp sách lại đúng vị trí của nó.

Khi những cuốn sách nằm trên giá, thông tin trên thẻ sử dụng công nghệ HF của cuốn sách sẽ được nhận diện và lưu trữ trên hệ thống máy tính của thư viện. Mỗi một giá sẽ được trang bị nhiều ăng-ten đa phương tiện, một đầu đọc và một dây cáp. Dây cáp này sẽ kết nối các giá đến cột thông tin, bao gồm máy tính, một đầu đọc và phần mềm ứng dụng có thể kết nối với hệ thống quản lý thư viện.

3. Hệ thống rô-bốt quản lý tài sản thư viện - Singapore

Các nhà nghiên cứu ở Singapore đã sáng tạo ra một rô-bốt sử dụng công nghệ RFID gọi là AuRoSS, viết tắt của hệ thống quét giá rô-bốt tự động (Autonomous Robotic Shelf Scanning System). Sáng chế được thiết kế để kiểm kê và theo dõi vị trí chính xác của các cuốn sách trong thư viện. AuRoSS không cần có người vận hành và được sử dụng khi thư viện đã đóng cửa. Sau khi được khởi động, rô-bốt có thể tự điều hướng qua các giá và quét tìm những cuốn sách bị thất lạc. Những thử nghiệm tại các thư viện ở Singapore cho thấy AuRoSS đạt độ chính xác 99%.

Bằng cách sử dụng ánh xạ laze để điều hướng và gắn thẻ HF RFID vào mỗi cuốn sách, thiết bị rô-bốt có thể theo dõi dọc theo các cạnh kệ cong hoặc thẳng và phát hiện từng mục riêng lẻ. Với một ăng-ten nằm trên cánh tay của rô-bốt, thiết bị có thể “tiếp cận” các mục và đọc chính xác nội dung của từng kệ.

4. Các trạm thư viện tự phục vụ ở Hồng Kông

Hồng Kông đang triển khai các trạm thư viện tự phục vụ để giải quyết tình trạng thiếu thư viện công. Các trạm thư viện 24h này hoạt động giống như một máy bán hàng tự động và cho phép người dùng kiểm tra và trả sách, lấy tài liệu đã đặt trước và thanh toán phí thư viện. Các trạm này cũng có 300 chỗ để lưu trữ sách phục vụ mượn - trả.

Các trạm thư viện có thể được thiết lập ở bất cứ nơi nào có nguồn điện và có kết nối Internet với một địa chỉ IP cố định. Bạn đọc có thể mượn và trả những cuốn sách có gắn thẻ UHF RFID tại các ki ốt này. Tình trạng của mỗi cuốn sách sẽ được truyền trực tuyến tới cơ sở dữ liệu của hệ thống thư viện công cộng Hồng Kông giúp người làm thư viện nắm được sách đang ở đâu và khi nào thì cần phải thu hồi về.

Những vấn đề cần biết khi xây dựng một thư viện thông minh

Một vài lời khuyên khi xây dựng một hệ thống thư viện sử dụng công nghệ RFID:

Bước đầu tiên để thiết lập bất cứ ứng dụng RFID nào là phải xác định được vấn đề bạn muốn giải quyết. Các cuốn sách được trả lại có khả năng cho mượn lại nhanh không? Các cuốn sách thường được cho mượn nhưng để sai vị trí? Xác định mục đích là gì để lựa chọn loại hệ thống tốt nhất cho thư viện của bạn.

Xác định xem tần số tốt nhất cho hệ thống thư viện của bạn là HF, NFC hay UHF. Có nhiều giải pháp “sáng tạo” hơn cho hệ thống thư viện HF và NFC, nhưng chúng có phạm vi đọc ngắn hơn. UHF có thể cung cấp phạm vi đọc dài hơn và các chức năng bổ sung, nhưng tần số cung cấp các giải pháp ít "sáng tạo" hơn. Một kỹ sư phần mềm có thể tạo phần mềm trung gian cần thiết giữa phần cứng RFID và hệ thống LMS (Learning Management Systems – Hệ thống quản lý học tập) đã có từ trước, bất kể tần số đã chọn.

Gắn thẻ bên trong mỗi cuốn sách bằng thẻ RFID. Cố gắng sử dụng thẻ mặt giấy có hoặc không có các thông tin có thể đọc được hoặc sử dụng mã vạch. Nếu sử dụng lớp phủ, cố gắng che khuất thẻ khỏi tầm nhìn. Nên giấu thẻ để bạn đọc không gỡ thẻ RFID khỏi sách. Mặc dù mỗi thẻ có giá vài xu nhưng chi phí thay thế thẻ có thể nhanh chóng tăng lên nếu bạn đọc liên tục gỡ thẻ khỏi sách và hệ thống thì không thể theo dõi những cuốn sách không được gắn thẻ.

Giống như hầu hết các ứng dụng RFID, cần lưu ý là bắt đầu nên áp dụng trong phạm vi nhỏ với 1-2 vùng đọc để kiểm chứng sau đó mới mở rộng. Bằng cách này sẽ sớm phát hiện các vấn đề nảy sinh và tránh để hiện tượng xảy ra khi hệ thống đã hoàn thiện. Ví dụ, có thể bắt đầu bằng một trạm mượn - trả sách và tìm hiểu các vấn đề phát sinh sau đó mới triển khai ra nhiều trạm.

Nguồn: https://www.atlasrfidstore.com/rfid-insider/how-rfid-is-making-libraries-smarter

____________

Nguyễn Thị Hoạt lược dịch