Vị trí hiện tại của chúng ta: Những cập nhật mới nhất về chiến lược mở cửa lại thư viện

E-mail Print

Trong bối cảnh hỗn độn của đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo thư viện chia sẻ về những sự thay đổi đã diễn ra kể từ tháng 3/2020, những bước đi tiếp theo và những thách thức còn đang tiếp diễn.

Đã khoảng 10 tháng kể từ khi chúng ta may mắn có thể rời văn phòng để làm việc từ xa, nhưng đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi việc phát hành vắc-xin là tia hy vọng, thì việc sống trong trạng thái chờ đợi lại là một thách thức, đặc biệt là đối với các tổ chức phục vụ công. Khi đại dịch COVID-19 tiếp tục tàn phá khắp đất nước (và trên toàn thế giới), các thư viện công đang liên tục điều chỉnh cũng như đổi mới dịch vụ, kế hoạch và quy trình để theo kịp với bối cảnh chung. Đại dịch đã khiến những vấn đề như sự bất bình đẳng - phân biệt chủng tộc có hệ thống, tình trạng mất an ninh kinh tế và lương thực, các vấn đề sức khỏe tinh thần và thể chất, hay sự chênh lệnh về mức độ hạ tầng kỹ thuật số - trở thành trọng tâm. Các thư viện công đã và đang đi đầu trong việc đàm phán cách giải quyết những vấn đề cấp bách, đồng thời cung cấp các dịch vụ cộng đồng thiết yếu trong khi phải vẫn đảm bảo được sức khỏe cho nhân viên và cộng đồng.

Những thay đổi liên tục

Đại dịch khiến cho việc lập kế hoạch rơi vào tình trạng mơ hồ và khó lường khi vi-rút corona gia tăng đột biến và tiếp tục lây lan. Kim Porter, Giám đốc Thư viện tưởng niệm Batesville tại bang Indiana đã lựa chọn chuyển hướng từ việc lập kế hoạch ứng phó sang việc lập kế hoạch chủ động đối phó. Thay vì tập trung vào kế hoạch dài hạn, Bà tập trung vào “thực hiện bước tiếp theo đúng đắn” gọi tắt là “dịch vụ tiếp theo”. Sau khi đóng cửa thư viện trong hai tháng đầu của đại dịch, thư viện đã được mở lại và cho phép mọi người sử dụng máy tính cũng như không gian chung bên trong thư viện đồng thời với việc thực hiện giãn cách và đeo khẩu trang.

Trước đại dịch, Amber Mathewson, Giám đốc Thư viện Công cộng Hạt Pima, AZ chia sẻ: "Tôi sẽ không bao giờ nhận ra sự phức tạp của việc đóng cửa 26 thư viện và sau đó cố gắng mở cửa trở lại". Sau khi ngừng hoạt động vào tháng 3, “Tôi đã tuyên bố rằng tôi sẽ không bao giờ đóng cửa hoàn toàn nữa… và bây giờ chúng ta lại ở đây vào ngày 21/12 với chỉ 14 thư viện cung cấp “dịch vụ lề đường” (curb service – một loại hình dịch vụ cho phép phương tiện dừng đỗ nhanh để mua/ lấy đồ mang về) còn tất cả các chi nhánh khác đã đóng cửa. Những gì tôi đã học được là sự cần thiết phải có một số kế hoạch để thay thế và… sẵn sàng thực hiện ngay”.

Chúng ta sẽ là gì khi không mở cửa thư viện?

Lisa Rosenblum, Giám đốc điều hành Thư viện công cộng Quận King (KCPL) ở Washington, cho biết: “Trong 30 năm làm việc tại các thư viện công cộng, tôi không chưa bao giờ tin rằng chúng tôi không thể để mọi người vào các tòa nhà trong 10 tháng”. “Nhưng chúng tôi đã cố gắng hỗ trợ nhân viên và cộng đồng cũng như tạo ra các mô hình dịch vụ mới”. Khi tòa nhà đóng cửa, thư viện cung cấp các dịch vụ lề đường, nội dung số và các chương trình mục tiêu để giải quyết các chủ đề liên quan đến COVID như tìm kiếm hỗ trợ tài chính và trợ giúp tìm kiếm việc làm. Người làm thư viện làm việc trực tiếp với cư dân để cung cấp danh mục theo yêu cầu và tài liệu tham khảo theo ngôn ngữ ưu tiên, qua điện thoại hoặc email. Rosenblum đã cơ cấu lại ngân sách của mình để 50% tất cả các khoản chi tiêu hiện tại chuyển sang hỗ trợ các sản phẩm kỹ thuật số nhằm đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ từ xa. Ngoài ra, Rosenblum nói rằng Thư viện đã “tìm kiếm các khoản tài trợ cho PPE, Chromebook, điểm phát Wifi và tăng cường tín hiệu Wifi bên ngoài ở hầu hết 50 thư viện”.

Bang Washington là tâm chấn đầu tiên của đại dịch. Do đó, Georgia Lomax, Giám đốc điều hành của Hệ thống Thư viện Quận Pierce giải thích “Bang Washington đã rất nghiêm ngặt, vì vậy chúng tôi vẫn chưa thực sự mở cửa trở lại”. Thư viện đã chuẩn bị cho phép công chúng vào trong các tòa nhà với giới hạn chỉ 25% sức chứa theo hướng dẫn của Bang, nhưng những kế hoạch đó đã dừng lại khi các trường hợp nhiễm covid bắt đầu tăng trở lại. Đây là cơ hội để chúng tôi khẳng định rằng thư viện và dịch vụ thư viện thực sự lớn hơn các tòa nhà của nó”, Lomax nói. “Các tòa nhà thư viện của chúng tôi, giống như sách, chỉ là một trong những công cụ chúng tôi sử dụng để phục vụ cộng đồng của mình”.

Tuy nhiên, những lời khẳng định này vẫn có thể đi kèm với cảm giác mất mát. Mary Beth Revels, Giám đốc Thư viện công cộng St. Joseph, MO cho biết: “Thật khó để trở thành một trung tâm làm mát vào mùa hè hoặc trung tâm sưởi ấm vào mùa đông hoặc một nơi để mọi người đi chơi”.“Nó đã khiến tôi phải nhún nhường bởi vì trong đại dịch, chúng tôi không phải là thiên đường hay nơi trú ẩn an toàn cho người dân. Đó vốn luôn là một trong những điều tôi yêu thích nhất khi là một người làm thư viện công cộng. Chúng tôi phải tập trung vào những cách khác để phục vụ cộng đồng của mình".

2021-08-06-vi-tri- 01

Hình ảnh minh họa cho chiến dịch “DỊCH VỤ TIẾP THEO” - Các thư viện đang có những bước chuyển đổi để thích ứng trước những thay đổi liên tục của đại dịch. Từ trên xuống: 1.Dịch vụ công chứng tại St. Joseph PL; 2. Ghép cây nhựa lá đỏ ngoài trời tại Batesville PL; 3.Vẽ tranh tại Nhà lều ở Batesville

Cắt giảm ngân sách và phân cấp nhân viên

Sự thay đổi trong dịch vụ đòi hỏi các nguồn lực cần được bổ sung hoặc phân bổ lại, ngay cả khi ngân sách thành phố và quận phải đối mặt với việc giảm các nguồn thu từ thuế và sự chi quá tải để trang trải cho việc kiểm tra, điều trị, hỗ trợ cho các trường học và giúp đỡ cho nhiều cư dân đột ngột thất nghiệp. Nhiều thư viện đã phải sa thải hoặc cho nhân viên tạm nghỉ việc; thường những người đầu tiên bị ảnh hưởng là nhân viên làm việc bán thời gian, làm thời vụ, còn những người khác bị giảm phúc lợi.

Tương tự như Rosenblum, Porter đã tăng ngân sách cho tài nguyên kỹ thuật số, thêm Hoopla và các cơ sở dữ liệu khác vào trang web của thư viện và mua các điểm truy cập di động để phục vụ lưu thông. Những điều chỉnh này, cùng với sự thay đổi trong mô hình quy trình làm việc đã dẫn đến những quyết định khó khăn về ngân sách, bao gồm cả việc cho nhân viên nghỉ phép, sa thải hoặc không thay thế nhân viên nghỉ hưu.

Trong thời gian xảy ra đại dịch, từ tháng 3 đến tháng 5, Thư viện công cộng Quận Pima phải cho tạm nghỉ 260 trong số 584 nhân viên của mình; hầu hết những người còn lại tập trung vào công việc về cơ sở hạ tầng thư viện. Trong khi nhiều nhân viên đã trở lại làm việc, cô ấy lo ngại rằng việc tương tự có thể xảy ra thêm lần nữa trong thư viện nếu lệnh “tạm trú tại chỗ” tiếp tục có hiệu lực. Mathewson nói: “Chúng tôi đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để tránh điều đó, bao gồm cả việc để nhân viên làm việc bán thời gian”.

Thư viện công cộng Jemez Springs, NM kết hợp với Thư viện cộng đồng Jemez Pueblo phục vụ cộng đồng dân cư dưới 2.000 người. Giám đốc Janet Phillips đã phải cắt giảm số lượng nhân viên thay thế vì quá khó để khiến họ bắt kịp các giao thức an toàn mới. Phillips nói: “Các hoạt động mở cửa trở nên quá phức tạp với yêu cầu phải đảm bảo nhiều người được đào tạo trong khi vẫn phải hạn chế số người vào tòa nhà, thật đáng buồn, nhiều người đã không được làm việc ở đây trong thời gian đại dịch xảy ra”.

Ngoài việc cho tạm nghỉ việc và sa thải, dịch bệnh cũng gây ra những ảnh hưởng lớn. Mặc dù hầu hết các thư viện được phỏng vấn đều có nhân viên nhiễm virus Corona, nhưng không có nhân viên nào tử vong. Tất cả các báo cáo về truyền nhiễm bệnh đều diễn ra bên ngoài thư viện. Revels đang làm việc với Hội đồng thư viện để đề nghị mở rộng các lợi ích đã được cung cấp trước đây theo Đạo luật Gia đình (FFCRA) là trên hết nhằm đối phó với virus Corona và Đạo luật mở rộng Nghỉ phép khẩn cấp vì lý do Y tế và Gia đình (EFMLA) đến hết ngày 31/12. Hội đồng thư viện đang xem xét tiếp tục tài trợ mặc dù Quốc hội Mỹ đã không mở rộng luật cứu trợ.

Để giữ cho nhân viên và cộng đồng khỏe mạnh cần có thiết bị bảo hộ y tế cá nhân và vệ sinh bổ sung, tất cả đều đi kèm với kinh phí. "Làm sạch thêm, bảo vệ mặt và tăng cường trao đổi không khí từ bên ngoài làm cho hiệu quả năng lượng vượt ra ngoài cửa sổ!" Rosenblum nói.

Sức khỏe của nhân viên

Việc tiếp tục làm việc để vượt qua chấn thương tâm lý chung của một đại dịch đang dần suy kiệt. Nhân viên, đặc biệt là những người trực tiếp phục vụ công chúng, phải đối mặt với nhiều căng thẳng và vật lộn với những lo lắng về sức khỏe thể chất và tinh thần. Họ ủng hộ các chính sách có thể là khó khăn do khuynh hướng chính trị (chẳng hạn như đeo khẩu trang). Và họ thường làm việc với số lượng đồng nghiệp giảm đi, hoặc vì giãn cách xã hội, hoặc vì lực lượng lao động bị thu hẹp vì lý do ngân sách, hoặc những người bị ốm hoặc cần phải cách ly. Những tác động đó lên tinh thần của nhân viên, kết hợp với rủi ro của các dịch vụ tuyến đầu đã khiến một số người làm thư viện đặt câu hỏi liệu có nên tiếp tục làm việc hay không.

Vậy làm thế nào để các thư viện duy trì tinh thần và sức khỏe của nhân viên trong thời kỳ khủng hoảng?

Đối với một số giám đốc, đó là việc duy trì khiếu hài hước và thu hút năng lượng từ việc đổi mới. Những người khác, như Mathewson và Revels đang sử dụng các chương trình Hỗ trợ nhân viên. Một số tận dụng các dịch vụ thường được cung cấp cho khách hàng quen như nhân viên xã hội và các liệu pháp trị liệu để giúp nhân viên đối phó với tình trạng này. Revels đã phải hủy tổ chức Ngày nhân viên và thay vào đó là sắp xếp bữa trưa và quà tặng cho nhân viên. Cô sử dụng điệu nhảy Zoom break để làm phấn chấn tinh thần của họ.

Tại Thư viện công cộng Los Alamos, NM, các nhân viên đã tập hợp lại với nhau để tạo ra những nội dung thảo luận và đào tạo hàng tuần. Giám đốc Eileen Sullivan nói, kết quả là họ cảm thấy “ít bị cô lập hơn và gắn kết hơn trong những ngày đầu của đại dịch”. Nhìn lại 10 tháng qua, Sullivan nói rằng cô ấy sẽ “tập trung nhiều hơn vào việc giúp nhân viên giải quyết căng thẳng. Tôi đã quá chú trọng vào việc giữ gìn sức khỏe và an toàn cho nhân viên đến nỗi tôi không tập trung đủ nhiều vào việc nhân viên cảm thấy như thế nào và cần đối phó với nhiều thay đổi ra sao”.

Tại các thư viện nhỏ hơn, với ít tài nguyên hơn, các phòng họp ảo như Zoom là một cứu cánh. Phillips nói: “Chúng tôi chỉ có một vài người, vì vậy việc kiểm tra lẫn nhau và không bị yêu cầu về lịch trình và thời hạn nghiêm ngặt là rất quan trọng”, Phillips nói. “Ngay cả khi chúng tôi cảm thấy như chúng tôi không hoàn thành được nhiều việc, hãy nhớ rằng chúng tôi đã cấu trúc lại các dịch vụ thư viện để làm thế nào thư viện có thể cung cấp được các dịch vụ của mình trong năm qua là điều quan trọng. Lời nhắc rằng "bạn là đủ" là một lời nhắc tốt".

Lomax phản ánh: “Một trong những điều khó khăn nhất mà điều này đã kéo dài trong một năm là mọi người đều cảm thấy mệt mỏi”, “Chúng ta phải nhận ra điều đó, phải biết rằng mỗi người chúng ta đều lo lắng và phản ứng theo cách riêng của mình, hãy dành cho nhau và cho khách hàng của chúng ta sự khoan dung”.

Các chương trình then chốt

Những hạn chế về việc đi lại, họp nhóm và giao lưu trực tiếp đã khiến các thư viện cung cấp dịch vụ theo những cách mới để bảo vệ sức khỏe cộng đồng (xem “Mở lại Thư viện: Thư viện công cộng với lựa chọn mở cửa”). Một số đổi mới, như dịch vụ lề đường, lập trình ảo và các cuộc họp vẫn được duy trì. Ở Indiana, Porter đã tổ chức các chương trình giãn cách xã hội trong một gian hàng tại một công viên địa phương vào mùa hè, đảm bảo rằng tất cả nhân viên và người tham gia đều đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay và giữ khoảng cách. Các chương trình ngoài trời như người đi săn và đi bộ theo câu chuyện cũng đề xuất các tùy chọn ngoài trời khi thời tiết cho phép.

Khi sự nhàm chán của việc sử dụng Zoom nhen nhóm và số lượng người tham gia chương trình suy giảm, các hoạt động như chương trình trực tuyến “thực hành thủ công” (take and make là chương trình của thư viện hướng dẫn bạn đọc nhỏ tuổi làm các sản phẩm thủ công sáng tạo) trở nên phổ biến. Chương trình này bổ sung những hoạt động thực hành vào chương trình được lập trình ảo bằng cách cung cấp các bộ dụng cụ cho người sử dụng thư viện đến “nhận” tại thư viện để sử dụng trong một chương trình ảo đã lên lịch. Sau khi trải nghiệm các hoạt động trong nhà (với số lượng người tham dự hạn chế) vào tháng 11, Porter đã chuyển sang mô hình “thực hành thủ công” lai như trên.

Porter nói: “Chương trình Giáng sinh của chúng tôi đã trở thành chương trình 12 ngày Giáng sinh dành cho gia đình”. "Nó đã trở thành một hiện tượng lớn". Khi phản ánh về tác động của lập trình ảo, cô nói, “Nó đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho chúng tôi. Nó cho phép chúng tôi kết nối với các vùng khác của đất nước, các tổ chức và con người. Nó cũng cho phép chúng tôi có cơ hội cộng tác tổ chức hoạt động với các thư viện và tổ chức cộng đồng khác”.

Thư viện công cộng Pottsboro, TX, nơi phục vụ cộng đồng 2.500 người ở biên giới Oklahoma đã tập trung vào việc giữ cho các cư dân kết nối với nhau. Giám đốc Dianne Connery, người đang làm việc với các sinh viên từ Đại học Michigan iSchool và Connected Nation trong một dự án lập Bản đồ băng thông rộng cho biết: “Giờ đây, chúng tôi đã phân loại nhu cầu kỹ thuật số của cộng đồng”. Cô đã tạo ra các trạm truy cập khu vực lân cận để cung cấp Wifi và sử dụng các điểm truy cập di động để sinh viên có thu nhập thấp có thể tham gia học tập ảo.

Connery nói: “Một trong những bạn đọc quen của chúng tôi đã nói việc truy cập Internet chính là sự khác biệt giữa 5 đứa con của cô ấy khi bị mất một năm học ở trường và những đứa trẻ có điều kiện truy cập Internet vẫn sẽ phát triển tốt”. “Họ không có Internet ở khu vực nông thôn nơi họ sinh sống… Những đứa trẻ cần được giáo dục chuyên biệt trong khi người mẹ thì không cảm thấy mình được trang bị đủ để đáp ứng yêu cầu đó. Cô ấy đã nhận được GED ba năm trước và cần có kỹ năng làm việc. Làm thế nào chúng ta có thể giúp những đứa trẻ đó? Chúng tôi có thể tân trang lại một chiếc máy tính được tặng từ một doanh nghiệp sở tại, cho họ mượn một điểm truy cập và cung cấp khóa đào tạo kỹ năng kiến thức số cho người mẹ”.

Thư viện đã duy trì sự kết hợp chặt chẽ giữa các chương trình ảo và trực tiếp, bao gồm thể thao điện tử, những bức tranh thiên nhiên được tạo ra từ rau củ, sử dụng một khu đất rộng một mẫu Anh để tạo ra một khu vườn cộng đồng, các lớp học viết mã và khám phá thực tế ảo. Connery đã nhận được một khoản trợ cấp từ Thư viện Y khoa Quốc gia và hợp tác với Trung tâm Khoa học Y tế của Đại học Bắc Texas để tạo ra một chương trình chăm sóc sức khỏe thí điểm từ xa, sử dụng lại văn phòng của cô làm không gian nơi cộng đồng có thể nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe ảo.

Tại Missouri, Revels đã tăng số lượng các dịch vụ không tiếp xúc của thư viện bao gồm các cuộc hẹn với máy tính đã lên lịch, dịch vụ công chứng, in ấn, quét và fax. Revels cho biết: “Tại một trong các chi nhánh của chúng tôi, máy tính có sẵn trong phòng họp, vì vậy chi nhánh đó cũng cho phép mọi người đăng ký thời gian để sử dụng phòng họp cho việc nghiên cứu, tổ chức các cuộc họp có sự tham gia của hai người hoặc cung cấp một nơi yên tĩnh để học tập”. Cô dự định sẽ tiếp tục triển khai các chương trình ”thực hành thủ công” sau đại dịch cũng như dịch vụ Teen Book Drop (điểm mượn/ trả sách dành cho thiếu niên) của thư viện, một dịch vụ (quyên góp) do nhân viên của cô phát triển. Revels cho biết: “Thanh thiếu niên cho chúng tôi biết loại sách chúng thích và nhân viên thư viện sẽ chọn ra một vài cuốn sách tặng về làm thủ công hoặc về định hình phong cách (swag)”, "Mọi thứ được đóng gói trong một chiếc hộp để trẻ đến nhận".

Thư viện công cộng Los Alamos đã phát triển quan hệ đối tác với Trung tâm Người cao tuổi địa phương để cung cấp tài liệu thư viện. Họ đã tạo ra các thư viện mở (pop-up) nơi người sử dụng quen có thể đến lấy các “túi tài liệu” và đổi hoặc đăng ký thẻ thư viện, đồng thời cung cấp thẻ thư viện trực tuyến tạm thời. Sullivan cho biết: “Chúng tôi tiếp tục thử nghiệm và phát triển chương trình trực tuyến của mình như giờ kể chuyện trên kênh Youtube, câu lạc bộ đọc sách qua Zoom và chuỗi sự kiện Đối thoại với Thư viện, câu lạc bộ LEGO trực tuyến và các chương trình thủ công cũng như các chuyến thăm lớp học ảo”. Nhìn về tương lai, Sullivan dự kiến sẽ cung cấp nhiều chương trình ngoài trời hơn, bao gồm cả các cuộc dạo chơi trong câu chuyện mở (pop-up).

Một số thư viện chọn cách thu hẹp quy mô, phân bổ lại nguồn ngân quỹ để đáp ứng nhu cầu mới. Mathewson cho biết: “Chúng tôi đã cấu trúc lại các chương trình của mình thành những [chương trình] rất cơ bản: Sẵn sàng cho trẻ Mầm non - Sẵn sàng, Chuẩn bị cho trẻ đến trường và GED, Trợ giúp việc làm…”. “Chúng tôi đã đầu tư nhiều tiền hơn vào tất cả các cơ sở dữ liệu và tài nguyên trực tuyến của mình”.

Việc chuyển sang các chương trình lập trình ảo cũng có những thuận lợi bất ngờ. Rosenblum đã nhận thấy sự tham gia ngày càng nhiều của người lớn tuổi kể từ khi chuyển sang chương trình trực tuyến. Cô nói: “Trước đây, nhiều người không thể hoặc không chọn lái xe trong mùa đông ẩm ướt và tối tăm để đến với chúng tôi”, “Hiện giờ thì có nhiều người tham gia hơn”.

2021-08-06-vi-tri- 02

Ảnh minh hoạ: Wifi CỘNG ĐỒNG. 1. Một chương trình khuyến mãi cho các nguồn lực từ xa của Pottsboro PL (ảnh trên); 2. Dịch vụ Wi-Fi miễn phí mở rộng đến bãi đậu xe của Tòa thị chính, nơi cư dân có thể kết nối từ ô tô của họ.

Chúng ta sẽ tiếp tục làm gì

Một số thay đổi, như “dịch vụ lề đường”, các chương trình ảo và tăng cường quan tâm đến tài nguyên kỹ thuật số sẽ đồng hành lâu dài với chúng ta. Những mô hình mới này không chỉ bao gồm các dịch vụ dành cho người sử dụng thư viện mà còn bao gồm những thay đổi đối với cơ sở hạ tầng thư viện.

Việc sử dụng không gian ảo để tổ chức các cuộc họp nhân viên và hội đồng quản trị đã là một yếu tố thay đổi cho KCPL. Rosenblum nói: “Chúng tôi là một quận lớn và 90 phút lái xe, điều mà một số nhân viên phải thực hiện cho một cuộc họp kéo dài một giờ trong tình trạng giao thông xấu là điều không ai bỏ lỡ,” Rosenblum nói.

Sullivan nói rằng đại dịch đã tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sự hợp tác giữa các nhóm và khuyến khích mọi người làm việc bên ngoài ranh giới thông thường của họ. Cô giải thích: “Nhân viên, những người không thường trình bày và ít tham gia vào việc xây dựng chương trình đã thể hiện nhiều hơn trong việc phát triển và kiến tạo các chương trình trực tuyến”. Các nhân viên cũng đã dẫn dắt các cuộc thảo luận và khóa đào tạo nội bộ cũng như tạo ra các sáng kiến mới - điều mà Sullivan hy vọng sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện sau đại dịch. Cô dự định sẽ tiếp tục cung cấp các chương trình trực tuyến và ngoài trời và “phát triển các chiến lược và hướng dẫn toàn diện về sử dụng công nghệ kỹ thuật số nhằm thúc đẩy sứ mệnh và giá trị rộng lớn hơn của thư viện”.

Trong thời gian đại dịch, các thư viện công cộng bắt đầu hỗ trợ cộng đồng của họ theo những cách thức mới, điều mà Phillips mong đợi sẽ tiếp tục được duy trì. “Tôi nghĩ rằng phong trào đưa nhân viên xã hội tham gia vào cùng với thư viện sẽ tiếp tục được mở rộng để đưa thêm các dịch vụ khác như trợ giúp về công lý dân sự, phát triển kinh doanh, an ninh lương thực và tính bền vững,” cô nói. “Các thư viện hiện hữu ở những địa điểm [nơi] mà những nhu cầu này là lớn nhất và tôi nghĩ rằng họ sẽ là những đối tác tuyệt vời trong cuộc đấu tranh về công bằng kinh tế và nhân quyền.”

Nhưng để tiếp tục cung cấp các dịch vụ mới có nghĩa là phải suy nghĩ lại cấu trúc vật lý của thư viện. “Tôi nghĩ điều khó nhất chỉ là các tòa nhà và bãi đậu xe của chúng tôi không được thiết kế cho những dịch vụ mới mà chúng tôi đang cung cấp như “dịch vụ lề đường” hoặc tiếp cận công nghệ bên ngoài thư viện,” Lomax nói. “Chúng tôi đánh giá từng vị trí và cố gắng hết sức để tận dụng vỉa hè, luồng bãi đậu xe, thiết kế lối vào phía trước và không gian. Mọi người yêu thích tốc độ và sự tiện lợi của lề đường và tôi chắc chắn nếu có cơ hội thiết kế hoặc tu sửa các tòa nhà chúng tôi sẽ kết hợp yếu tố này vào”.

Thư viện công cộng Quận Pima đang có kế hoạch tổ chức nhiều chương trình ngoài trời hơn và “cân nhắc lại không gian làm việc của nhân viên để tạo sự sự giãn cách xã hội phù hợp trong các phòng làm việc sau này của chúng tôi”. Mathewson nói. “Đây là một thách thức vì cách đây vài năm, đã có phong trào muốn có khu vực làm việc của nhân viên nhỏ hơn để có nhiều không gian công cộng hơn”. Cô cũng đang xem xét lại các dịch vụ và chương trình. “Để 30 đứa trẻ và gia đình của chúng ở trong một căn phòng để kể chuyện có lẽ sẽ không còn là một ý tưởng hay nữa”, cô nói. "Chúng tôi cần xem xét mọi chương trình/ dịch vụ và có nhiều cách để truy cập các dịch vụ”.

Chúng ta đã học được gì

Khi đại dịch tiếp tục, giao tiếp giữa các đồng nghiệp và công chúng là chìa khóa của thành công. Porter nói: “Chúng tôi đã tăng cường sự hiện diện của mình trên mạng xã hội, tìm ra nhiều cách để tương tác với cộng đồng của mình nhiều hơn”. “Chúng tôi thực hiện một chương trình đơn giản như ‘Bạn sẽ đọc gì vào thứ Tư’. Mỗi tháng, chúng tôi sẽ trao thưởng cho người chiến thắng bằng ngân sách từ Phòng Thương mại”. Sullivan đang xem xét những thay đổi đối với chính sách truyền thông xã hội của thư viện “sử dụng nhiều nền tảng để kết nối và giao tiếp với những người sử dụng thư viện thay vì chỉ đưa ra thông tin về các dịch vụ và tài nguyên của thư viện”.

Khoảng cách số tạo ra những thách thức trong giao tiếp. Phillips đã tiếp cận một vài người sử dụng quen thuộc thông qua trang web thư viện và mạng xã hội nhưng nhận ra rằng nhiều người không sử dụng các kênh đó. Cô khai trương đường dây điện thoại “Kết nối những người hàng xóm” (Neighborhood connection), nơi những người hàng xóm có thể gọi cho nhau để chia sẻ tin tức, nhưng nó không thành công. Tuy vậy, cô rất ngạc nhiên khi một cuộc gọi tự động do cô ghi lại hóa ra lại trở nên phổ biến. Trong một cộng đồng quá nhỏ để có Phòng thương mại, Phillips hiện đang “hợp tác với nhà tư vấn công nghệ của làng để tạo ra một trang web liệt kê các tài nguyên và doanh nghiệp địa phương như một công cụ tham khảo để bổ sung cho các trang web trò chuyện”, cô nói.

Một điều đã trở nên rõ ràng - các mối quan hệ đều quan trọng, cả với các đối tác trong cộng đồng và với các đồng nghiệp. Connery nói: “Những mối quan hệ này dẫn đến cơ hội”. “Tôi có một sự đánh giá mới về tầm quan trọng của việc kể chuyện. Những vấn đề như kết nối thật khô khan, nhưng khi có người kể chuyện trực tiếp vào tình huống đó sẽ thúc đẩy sự thấu hiểu và cảm thông”.

Sự kết nối và hỗ trợ của các đồng nghiệp là điều mà Phillips dự định sẽ duy trì khi đại dịch lắng xuống. “Trong khi lãnh đạo quốc gia bị ảnh hưởng ở nhiều cấp độ, OCLC và IMLS [Viện Dịch vụ Bảo tàng và Thư viện] đã thông qua dự án REALM, cung cấp cho chúng tôi dữ liệu thực tế để làm việc và Thư viện Bang New Mexico đã tăng cường cơ hội đào tạo và cộng tác", cô ấy nói. “Tôi rất thoải mái khi nhận ra rằng khả năng lãnh đạo thư viện tiếp tục phát triển”.

Trong khi các thư viện công cộng tiếp tục thích ứng và đổi mới, Revels nhắc nhở chúng ta, "Chúng ta phải tử tế với chính mình". Porter đồng tình và phản ánh rằng tiến lên có nghĩa là “thực hiện bước tiếp theo đúng đắn”. Tôi cũng đã học được rằng tôi cần phải bỏ qua nhiều việc và dành thời gian cho bản thân và nạp năng lượng. Tôi là giám đốc, vợ, mẹ, con gái, em gái và bạn bè tốt hơn khi tôi làm được như vậy. Tôi đã học được rằng mặc dù mọi thứ không diễn ra theo cách tôi muốn hoặc mong đợi những rồi nó sẽ ổn. Tôi không trong trạng thái kiểm soát và tôi không cần phải như vậy”.

______________

Đỗ Minh Đức lược dịch

Nguồn:

https://www.libraryjournal.com/?detailStory=Where-Are-We-The-Latest-on-Library-Reopening-Strategies-covid-19&fbclid=IwAR3HnSj8tl6aiIjfeLA9XbtvRTinjKUGY8gmNlIsDWmczgPziIGyyy1HVOY


Đọc thêm cùng chuyên mục: